(Giảng ngày 31 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 13, số lưu trữ: 19-012-0013) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua chúng ta đã giảng đến câu: “Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi.” (Toán giảm thì nghèo khó hao hụt, gặp nhiều buồn lo hoạn nạn, người người đều ghét bỏ, tai họa, hình phạt liền theo sau.)
Bài văn Cảm ứng thiên không dài, nhưng cảnh giới trong mỗi một câu đều hết sức sâu rộng, hết thảy đều làm rõ những sự lành dữ, họa phước đích thực là do con người tự chiêu cảm đến.
Trong sách Vị biên có trích dẫn một đoạn kinh Hoa Nghiêm, tôi sẽ đọc qua một lượt:
“Trong cõi Diêm-phù-đề, chúng sinh chịu năm sự uế trược, chẳng tu mười nghiệp lành, chuyên tạo các nghiệp ác: giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói ác độc, nói hai lưỡi, tham lam, sân hận, tà kiến; bất hiếu với cha mẹ, bất kính Tam bảo, lại thêm sân hận tranh giành, chê bai sỉ nhục lẫn nhau, theo tình chấp khởi sinh tà kiến, mưu cầu sai trái. Do nhân duyên ấy phải chịu cảnh chiến tranh tàn khốc, mất mùa đói kém, dịch bệnh chết chóc, người gây tai họa, trời phạt nạn tai, chịu đủ mọi quả báo xấu ác.”
Đoạn kinh văn này mô tả rất giống với tình trạng xã hội hiện nay của chúng ta. Nghĩ lại xem, ta sống trong môi trường này, đối với những lời Phật răn dạy có phạm vào hay không? Nếu có, cần phải biết sám hối, phải biết tự mình sửa lỗi, hướng thượng, hoàn thiện bản thân. Nếu không, cũng cần nỗ lực hơn nữa, tự khích lệ mình tinh tấn niệm Phật cầu sinh Tịnh độ. Thế gian này chẳng có gì đáng cho ta lưu luyến. Trong ngàn kinh muôn luận, đức Phật luôn khuyến khích, chỉ dạy chúng ta phải tu tịnh nghiệp.
Kinh nói “trong cõi Diêm-phù-đề”, thật ra là nói về trái đất này, chúng sinh đang trong thời đại xấu ác có đủ năm sự uế trược, tức năm sự ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng ta đã thấy trong kinh A-di-đà, trong kinh Vô Lượng Thọ cũng nói đến rất nhiều. Chúng ta tu hành ở thời đại hiện nay, có rất nhiều phương pháp trong kinh luận mà đời này ta không làm nổi. Ta chỉ mong cầu ở mức thấp nhất, tìm một phương pháp hiệu quả nhất, bảo đảm chắc chắn cho chúng ta [tu tập] trong một đời này, chẳng những sẽ không bị đọa vào ba đường ác, mà còn nhất định phải thoát ly ba cõi, vượt ngoài mười pháp giới.
Ngày nay ta có duyên lành [đã gặp được phương pháp như thế], quả thật là mối nhân duyên hiếm có từ vô lượng kiếp, thật may mắn không gì bằng. Nay đã gặp rồi thì việc làm sao để nắm chắc phương pháp, quyết định sự tu tập thành tựu, đều do chính bản thân ta. Có nhân duyên gặp được pháp môn rồi, có thể tin tưởng, có thể thấu hiểu thì đó là căn lành; có thể hướng thượng nỗ lực thực hành thì đó là phước đức. Đã có đủ ba điều kiện căn lành, phước đức, nhân duyên thì một đời này của chúng ta nhất định thành tựu, tai nạn từ vô số kiếp đến nay đều có thể được miễn trừ. Đó là lời dạy của chư Phật Như Lai.
Tu học ở mức độ thấp nhất là giữ theo năm giới và tạo mười nghiệp lành. Phải bắt đầu từ trong tâm mà làm, mỗi khi khởi tâm động niệm, nói năng hành động đều lấy đó làm tiêu chuẩn. Tu tập tích lũy công đức đều phải y theo lời Phật dạy về Ngũ phẩm vị trong kinh Pháp Hoa làm tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn ấy là thấp nhất rồi, ai ai cũng có thể làm được cả. Cho nên người xưa mới nói rằng pháp môn này “muôn người tu, muôn người thành tựu”. Lời ấy là chân thật. Nếu không thành tựu, đó là quý vị chưa thực hành đúng theo ý nghĩa giáo pháp. Nếu thực hành đúng theo ý nghĩa giáo pháp, có lý nào lại không thành tựu?
Cho nên, ngày nay chúng ta không cần phải nêu lên những việc cao siêu, không cần phải nói những chuyện quá sâu xa, huyền bí, vì không thực sự hữu ích, không phù hợp thực tế. Hoàn cảnh sống hiện nay của chúng ta thế nào, trình độ trước mắt của ta ra sao, pháp môn nhất định phải [phù hợp theo đó], phải khế hợp căn cơ, tức là căn cơ hiện nay của chúng ta, thì sự tu tập mới thực sự được phần lợi lạc.
Trong đoạn kinh trên nêu hai câu hết sức nghiêm trọng, chúng ta phải lưu tâm cảnh giác. Trước tiên nêu “chẳng tu mười nghiệp lành, chuyên tạo nghiệp ác”, đó là nói tổng quát. Tiếp đến kể ra mười nghiệp ác: giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói ác độc, nói hai lưỡi, tham lam, sân hận, tà kiến. Tà kiến tức là si mê. Đó là nêu đủ mười nghiệp ác. Chúng ta nhất thiết phải lưu tâm cảnh giác, luôn tự xét mình có phạm vào mười nghiệp ác như thế hay không?
Đối với hành vi thực tế trong đời sống, Phật dạy ta không thể bất hiếu với cha mẹ, không thể bất kính với Tam bảo. Đó là căn bản xử thế trong đạo làm người. Phật giáo cũng như Nho giáo đều xem đạo hiếu là căn bản ban đầu, cho đến mục tiêu cuối cùng [của sự tu học] cũng chính là thực hiện hoàn thành đạo hiếu. Ý nghĩa đó tôi đã từng giảng giải rất nhiều, nhưng đối với hai chữ “hiếu kính” phải nói thật ra là chúng ta không hiểu rõ được. Điều này cũng không có gì lạ. Bởi vì sao mà không hiểu? Vì không có người dạy, quý vị làm sao hiểu được?
Kinh Phật dạy rằng, chúng sinh cõi Diêm-phù-đề có khả năng dùng tai nghe nhạy bén nhất. Dùng mắt nhìn mà hiểu được thì rất khó, nhưng dùng tai nghe thì dễ dàng hơn nhiều. Đó là vì khả năng dùng tai nghe nhạy bén. Chỉ có điều, vì suốt một đời không có duyên gặp được bậc thiện trí thức, không có ai đem vấn đề hiếu kính giảng giải rõ ràng, sáng tỏ cho chúng ta, nên về cơ bản chúng ta đều không hiểu được.
Hiếu kính cha mẹ, tôn trọng bậc sư trưởng, những điều này chỉ nhận thức ý nghĩa thế nào thôi cũng đã không được, thử hỏi sao có thể làm được? Tôi đã từng giảng qua kinh Địa Tạng, cứ mỗi lần giảng đến những đoạn kinh văn có ý nghĩa này, tôi đều giảng rất kỹ, rất chi tiết, hy vọng quý vị đồng học được huân tập nhiều lần mới có thể thực sự đưa vào hành trì trong cuộc sống, đề cao sự cảnh giác, tự khích lệ bản thân, hướng thượng nỗ lực tu học.
Phần tiếp theo nói chúng sinh cõi này “bất hiếu với cha mẹ, bất kính Tam bảo, lại thêm sân hận tranh giành”. Điều này tất nhiên có ý nghĩa trong đó. Chúng ta thì gọi là “đấu tranh kiên trì”, trong đó mỗi người đều bám chấp vào tà kiến, cái thấy biết sai lầm của riêng mình. Đó là nói theo kinh Phật, còn người đời thì gọi là “thành kiến”. Mỗi người đều có chỗ thấy biết riêng, so với người khác có chỗ bất đồng liền khởi lên tranh chấp. Người với người tranh nhau, quốc gia này với quốc gia khác tranh nhau, biết bao giờ mới kết thúc?
Tiếp theo nói “chê bai sỉ nhục lẫn nhau”, đó là nói đôi bên cùng hủy báng, nói xấu nhau; cùng chế giễu, làm nhục lẫn nhau. Lại nói “theo tình chấp khởi sinh tà kiến”, nghĩa là hoàn toàn buông xuôi theo tình cảm bám chấp của bản thân mà khởi sinh những kiến giải, hiểu biết sai lầm, tà vạy. “Mưu cầu sai trái”, đó là nói những chuyện không đúng chánh pháp, như cầu danh, cầu lợi, cầu địa vị, đều dùng những phương pháp bất chính, sai trái và phi lý để mưu cầu. Thử hỏi cầu như vậy có được hay không? Nhưng cũng có khi cầu được. Vì sao cầu được? Vì trong vận mạng thật ra đã sẵn có. Trong vận mạng nếu không sẵn có, dù mưu cầu theo những cách như thế cũng không thể được. Những điều này trong sách Liễu Phàm tứ huấn giảng giải rất rõ ràng, quý vị nên xem đi xem lại nhiều lần. Trước đây tôi cũng đã giảng rất kỹ sách này, phần ghi âm vẫn còn lưu giữ, quý vị có thể nghe lại nhiều lần.
Cho nên nói rằng: “Muôn việc đều do vận mạng, không có gì do người định đoạt.” Câu nói ấy rất có ý nghĩa, cũng đúng sự thật. Nhưng trong đạo Phật dạy rằng: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng.” (Trong cửa Phật có cầu có ứng.) Các bậc tổ sư, đại đức xưa nay dạy ta rằng lời này không sai. Trường hợp thiền sư Vân Cốc chỉ dạy Viên Liễu Phàm là một ví dụ hết sức rõ ràng. Khi tôi mới vào học Phật, nhờ được Đại sư Chương Gia chỉ dạy về câu “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, mới hiểu rằng phải theo đúng lý, đúng Chánh pháp mà cầu. Nếu mưu cầu sai Chánh pháp nhất định không thể được. Mưu cầu sai Chánh pháp mà vẫn được, đó là trong vận mạng đã sẵn có việc ấy, chỉ có điều là phước báo phải bị giảm đi. Ví như trong vận mạng sẵn có mười phần, mưu cầu sai Chánh pháp sẽ làm giảm đi chỉ còn năm phần, đã tổn giảm một nửa. Những ý nghĩa đó cần phải hiểu rõ.
Do những nguyên nhân như thế mà thế giới này mới có chiến tranh, là tai họa do con người tạo ra, mới có mất mùa đói kém, mới có dịch bệnh. “Dịch bệnh” ở đây chỉ các bệnh truyền nhiễm, ôn dịch, chết người hàng loạt. Trong mấy năm qua, quý vị nhìn lại có thể thấy các loài vật bị nhiều trận dịch bệnh nghiêm trọng. Tại Anh quốc, trâu bò bị dịch. Tại Hương Cảng, trước đây mấy năm có trận dịch gà vịt. Đài Loan thì bị bệnh dịch lợn (heo). Những trận dịch ấy đều làm chết đến hàng triệu con vật. Một ngày kia, nếu con người bị dịch bệnh như thế thì biết làm sao? Điều đó rất có khả năng xảy ra.
Thiên tai, nhân họa, thảy đều là quả báo phải nhận lãnh. Những quả báo ấy từ đâu mà có? Đều do chính mình tạo ra. Chúng ta nhìn các loài vật chịu quả báo như thế có thể hiểu ra. Những người không thấu hiểu sự thật thì không tin, nhưng chúng ta tin. Những con vật ấy đời trước từng làm người, vì sao chúng phải sinh làm súc vật? Vì chúng tạo nhiều nghiệp ác, ngày nay phải sa đọa đến mức mang thân súc sinh. Đã mang thân súc sinh vẫn còn phải chịu quả báo xấu ác, thật thê thảm biết bao! Do đó có thể biết rằng, tất cả đều là tự làm tự chịu, nhất định không phải do người khác tạo ra.
Năm nay là 1999, những lời tiên tri cổ xưa trên toàn thế giới đều nói rằng sẽ có tai nạn lớn. Những quyển sách nhỏ truyền bá các thông tin này có thể tìm thấy khắp nơi. Hôm qua có vị đồng tu ở Đài Loan điện thoại cho tôi, nói rằng hiện nay xã hội Đài Loan nhìn chung đang chịu ảnh hưởng của những truyền thuyết này, khiến lòng người thấp thỏm lo sợ. Trên truyền hình có một số người giải thích rằng, những lời tiên tri ấy không hẳn đã hoàn toàn đáng tin, khuyên mọi người phải bình tĩnh, chớ nên tin vào điều đó. Đó cũng là một phương pháp ổn định lòng người trong xã hội, nhưng đó chưa phải phương pháp rốt ráo, trọn vẹn.
Phương pháp rốt ráo trọn vẹn là phải đưa sự thật ra giảng giải rõ ràng, rằng vận mạng nhất định là có. Mỗi người có vận mạng, mỗi gia đình có vận mạng, mỗi quốc gia cũng có vận mạng, toàn thế giới này cũng phải có vận mạng. Vận mạng ấy do chính ta tạo thành, tất nhiên chính ta cũng có khả năng làm thay đổi, chuyển biến vận mạng của mình. Người xưa hiểu rất rõ ý nghĩa này, nên mỗi khi gặp phải thiên tai, hiểm họa, ta thấy các bậc đế vương, quan chức đều lo sám hối lỗi lầm, tự xét mình để sám hối, sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân, dứt ác làm lành, tích lũy công đức. Người xưa đã biết làm điều đó. Gia đình gặp phải điều bất hạnh thì cả nhà đều sám hối, người trong một nhà đều tu sửa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân. Quốc gia gặp phải tai nạn, các vị đế vương dẫn dắt mọi người cùng tu tập sám hối. Điều đó thật hữu lý, nhất định không phải mê tín.
Người thời nay tự cho mình là thông minh, tự cho là tri thức khoa học đã vượt qua hết thảy. Nói thật ra, nếu mê muội tin theo khoa học thật không bằng mê muội tin theo các bậc hiền thánh xưa. Nên biết rằng, tri thức, học vấn của các bậc hiền thánh xưa là từ ngàn năm, trăm năm tích lũy mà có, không thể sai lầm. Khoa học rốt cùng có sai lầm hay không, hiện nay vẫn chưa phát hiện, vì thời gian chưa lâu lắm. Nói cách khác, khoa học chưa trải qua sự khảo nghiệm của lịch sử. Những lời răn dạy của người xưa thì đã trải qua sự chứng nghiệm trong lịch sử, chúng ta làm sao có thể phớt lờ, xem nhẹ? Cho nên, nói đến lý lẽ cũng như phương pháp để chiêu cảm điều lành, né tránh điều dữ, thì đều có trong Phật pháp, trong sách vở của Nho gia và Đạo gia tại Trung quốc. [Theo phương pháp ấy], nhất định phải thấu hiểu thật rõ ràng, sáng tỏ những khái niệm thiện ác, tà chánh, đúng sai. Có như vậy rồi mới biết được thế nào là ác và làm sao dứt ác, mới biết thế nào là thiện và làm sao tu thiện.
Trong một đời ngắn ngủi, chúng ta phải nắm chắc lấy cơ duyên hiếm có, khó gặp này. Kinh Phật thường dạy: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn.” (Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe.) Nếu có thể tin tưởng, nhận hiểu, y theo lời dạy vâng làm, thì chúng ta có thể tránh xa tai họa, thực sự có thể tiêu trừ nghiệp chướng, vượt qua hết thảy khổ đau ách nạn. Những việc như thế đều là trong khả năng con người làm được. Phải tìm cho ra nguyên nhân của những điều lành hay dữ, tai họa hay phước báo. Nguyên nhân của điều dữ, của tai họa thì phải tiêu trừ. Từ đâu mà tiêu trừ? Từ trong tâm mà tiêu trừ. Cội gốc của điều lành, của phước báo cũng từ trong tâm mà bồi đắp, nuôi dưỡng. Như vậy thì tự nhiên trong đời không còn gặp tai họa nữa.
Chân thành sám hối dứt trừ nghiệp chướng, thực sự tu tập tích lũy công đức, chính là ngay hôm nay, chính tại lúc này. Hy vọng mọi người đều hiểu rõ, tự khích lệ bản thân, nỗ lực hướng thượng thực hành.
Chúng ta là người tu hành phải phát khởi tâm lượng rộng lớn, tu tập thay cho rất nhiều chúng sinh mê hoặc điên đảo trong thế gian. Ta thay họ tu tập cũng có thể tiêu trừ được tai nạn cho họ. Trước tiên là tai nạn của chính bản thân ta được tiêu trừ, còn tai nạn của người khác cho dù không thể tiêu trừ tất cả, nhưng ít nhất cũng giúp bớt đi phần nào, khiến cho giảm nhẹ đi, thời gian chịu nạn rút ngắn đi. Hiệu quả như thế nhất định là có. Mong rằng mọi người đều hướng thượng nỗ lực.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.