(Giảng ngày 9 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 74, số hồ sơ: 19-012-0074) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua đã giảng đến câu thứ 30 trong Cảm ứng thiên: “Thụ nhục bất oán.” (Chịu nhục không oán hận.)
Điều này thật rất khó làm, nhưng tất yếu vẫn phải làm. Vì sao vậy? Vì có quan hệ hết sức thiết thân, lợi hại đối với [sự tu tập] của chúng ta. Thế gian này có ai trong đời lại không từng gặp phải những sự việc ân oán như thế? Trong Phật pháp dạy chúng ta về tám nỗi khổ, [trong đó có] “oán tắng hội khổ” (khổ vì gặp gỡ người mình oán ghét) và “ái biệt ly khổ” (khổ vì xa lìa người mình yêu thương). Đây là những điều mà từ xưa đến nay ở bất cứ nơi đâu cũng đều làm cho lòng người cảm thán. Cả hai nỗi khổ này đều không phải do ta mong muốn xảy ra, nhưng trong cuộc sống lại ngày ngày gặp phải, lúc nào cũng gặp phải, nơi nào cũng gặp phải.
Nguyên nhân là vì đâu? Chính là vì không thể nhẫn nhục, nên từ mối oán nhỏ kết thành thù sâu hận lớn. Trong bài văn Âm chất của Văn Xương Đế quân, ta thấy ngay từ mở đầu Đế quân đã tự kể lại những việc báo ân báo oán trong quá khứ của ngài, thê thảm đến nỗi mắt không nỡ nhìn. Nếu như [Đế quân] không gặp Phật pháp thật rất khó để giác ngộ, rất khó quay đầu hướng thiện. Đó thực sự là si mê mới tạo ra những nghiệp ác như thế.
Chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh hiền dạy dỗ chúng ta, nhất định đều là những điều có ý nghĩa, nhất định là có chỗ tốt đẹp, có lợi ích. Các ngài dạy chúng ta: “Thường nhớ nghĩ chỗ tốt của người, không nên ghi nhớ việc xấu. Thường nhớ nghĩ ơn đức của người, không nên ghi nhớ oán thù.” Hai câu này hết sức quan trọng, thiết yếu. Quý vị có thể thực sự làm theo đó thì đời đời kiếp kiếp được hưởng phúc, đời đời kiếp kiếp đều gặp được nhiều người thương yêu bảo bọc, giúp đỡ hỗ trợ.
Thế nhưng vẫn luôn có rất nhiều người không nhẫn chịu được. Trước đây tôi có nói qua một ví dụ điển hình về việc này. Đó là chuyện chính tôi đã học được [rồi mới] có thể nhẫn nhục. Câu chuyện nhẫn nhục của tôi xảy ra khi tôi còn là học sinh ở trường, là một người bạn đồng học đã cho tôi bài học đó. Thời điểm sau kháng chiến thắng lợi, tôi ở Nam Kinh đi học. Có một người bạn đồng học mà tên họ tôi nhớ rất kỹ, vì người ấy đã dạy tôi bài học nhẫn nhục. Anh tên là Bạch Chấn Hoàn. Tôi cũng không biết ngày nay anh ấy còn sống hay không. Anh ấy là người có tu dưỡng. Tôi đối với anh vô cùng bội phục.
Hồi còn đi học ở trường, tôi trẻ tuổi hiếu thắng, lại được thầy giáo yêu thương che chở, bạn đồng học kính trọng. Theo cách nói bây giờ thì tôi là một lãnh tụ học sinh. Người bạn đồng học họ Bạch này, lúc đó tôi rất xem thường, thường làm nhiều việc khó coi đối với anh ấy, xúc phạm làm nhục anh ấy. Nhưng anh không hề có chút gì bực tức oán giận. Điều này thật rất khó làm. Hơn nữa, lúc vắng mặt tôi anh ấy còn khen ngợi, tán thán tôi, chưa từng có lúc nào nói lời không tốt về tôi.
Sau một học kỳ, việc làm của anh ấy khiến tôi cảm động. Anh ấy đã dùng chính hành động của mình để dạy dỗ tôi, [đó là thân giáo,] là điều hết sức khó làm. Cho nên [nhờ anh] tôi đã học được [đức nhẫn nhục] này. Từ đó về sau, tôi thực sự được lợi ích vô cùng lớn lao. Dù rơi vào bất kỳ trường hợp nào, dù bị người đối diện đối xử vô lễ, hủy nhục, chửi mắng, phỉ báng, tôi đều xem như không có chuyện gì, cũng không cần nói ra câu nào. Quý vị muốn chửi mắng, cứ để quý vị chửi mắng. Chửi mắng đến mỏi mệt rồi, chẳng phải là quý vị cũng phải ngưng chửi hay sao? Quý vị muốn đánh, tôi cứ để quý vị đánh, tuyệt đối không đánh trả. Đến lúc đánh mệt rồi quý vị sẽ không thể đánh nữa. Tôi đã học được điều đó. Nhưng người bạn đồng học họ Bạch này, phải đến hết một học kỳ, khoảng chừng bốn, năm tháng, anh ấy mới cảm hóa được tôi. Cho nên tôi là một người rất khó cảm hóa.
Có lần một bạn đồng nghiệp chửi mắng tôi, đánh tôi, [tôi nhẫn nhục không hề phản ứng,] chưa quá ba ngày người ấy đã hiểu ra, rất nhanh. Sau ba ngày liền mua lễ vật đến gặp tôi, xin tôi tha lỗi, tự nói mình đã sai. Tôi nói với người ấy: “Anh không có gì sai.” Người này so với tôi thật hơn xa. Không quá một tuần lễ đã được cảm hóa, đã quay đầu hướng thiện.
Thật ra, người [hủy nhục] như thế đối với với tôi có lợi ích gì không? Quả thật có lợi ích rất lớn. [Hồi đó,] khi xét thành tích để thăng thưởng, tôi được xếp hàng đầu, chính là nhờ sự giúp đỡ của người này. Cho nên, quý vị có thể nhẫn nhục, không chỉ là không thiệt thòi gì mà còn được phần lợi ích rất lớn. Quý vị làm việc trong công ty, cửa hàng... cấp trên của quý vị nếu nhận ra quý vị là người có đạo đức, có tu dưỡng thì sẽ khen ngợi, bạn đồng nghiệp sẽ tôn trọng, khi có cơ hội thăng tiến, quý vị sẽ luôn được xếp ở hàng đầu. Ai giúp quý vị nhanh chóng đạt được điều đó? Chính là những người chửi mắng quý vị, đánh quý vị, làm nhục quý vị, những người ấy giúp quý vị rất nhanh chóng. Nếu quý vị không thể nhẫn nhục, quý vị ắt sẽ tranh chấp, sẽ cãi cọ, sẽ gây náo loạn, như vậy sẽ gây tổn hại rất lớn cho chính bản thân quý vị. Điều này là sự thật ngay trước mắt, là sự lợi hại ngay trước mắt, nhưng có mấy người nhận hiểu được? Họ đều không biết “thụ nhục bất oán”.
Tôi nói cùng quý vị, đạo Phật dạy rằng [làm được như vậy] thì hoa báo, quả báo càng thêm thù thắng. Hoa báo là báo ứng ngay trong đời này, quả báo là sang đời sau. Những kẻ oán thù, những người đối đầu với quý vị đều được hóa giải, đều hóa thành bè bạn, đều chuyển sang thành những người nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ cho quý vị. [Khi ấy,] bất kể quý vị làm việc gì cũng đều được dễ dàng thành tựu.
Cho nên, chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta, thà liều bỏ thân mạng chứ không kết thành oán thù với người khác. Thân mạng có đáng kể gì? Việc bỏ thân này thọ thân khác, hết thảy chúng sinh đều không tránh khỏi. Đó là chuyện nhỏ nhặt. Cho nên nói sinh tử là chuyện nhỏ, tử sinh mới là chuyện lớn. Hai chữ này đảo ngược lại thì ý nghĩa hoàn toàn không giống nhau.
Sinh tử là chuyện của một đời này, đó là chuyện nhỏ. [Tử sinh là] sau khi chết rồi quý vị phải tái sinh, tái sinh vào đường nào [trong sáu đường], đó là chuyện lớn. Nếu thân này chết đi rồi sinh vào loài súc sinh, hóa thành ngạ quỷ, đọa vào địa ngục, quý vị nói xem như vậy là chuyện lớn hay không lớn? Thân này chết rồi, quý vị [có thể] thành Phật, thành Bồ Tát, sinh về cõi trời. Cho nên, sau khi chết rồi tái sinh về đâu mới là chuyện lớn.
Việc này có mấy người hiểu rõ được? Có mấy người tin nhận được? Trong xã hội vào thời xưa thì đa số người ta đều tin nhận, vì đã được tiếp nhận nền giáo dục của thánh hiền. Người thời nay tin nhận được điều này ngày càng ít hơn. Nhưng chỉ cần tĩnh tâm suy ngẫm thật kỹ lưỡng, cẩn thận thì người ta sẽ tin nhận.
Hiện nay người ta học theo khoa học rất nhiều, mê muội đặt niềm tin [quá đáng] vào khoa học. Khoa học đòi hỏi phải đưa ra chứng cứ, không có chứng cứ thì không tin nhận. Cho nên, trước đây lão sư Lý Bỉnh Nam khi giảng kinh có đề cập đến việc này. Thầy đưa ra một câu chuyện rất buồn cười, nói rằng: “Quý vị có cha, quý vị tin nhận điều đó hay không? Tin chứ, vì có nhìn thấy cha. Vậy việc có ông nội, quý vị tin hay không tin? Tin được, vì cũng đã từng thấy rồi. Đến việc có ông cố nội thì quý vị tin hay không tin? Ông cố nội chưa từng nhìn thấy. Không nhìn thấy tức là không có, không có là không tin được. Như vậy là phù hợp với khoa học.”
Trong thế gian này, có rất nhiều sự việc chưa từng nhìn thấy, rất nhiều sự việc không thể chứng minh. Vài trăm năm trước, quý vị nói quả đất tròn có ai tin không? Không có chứng cứ gì cả. Về sau, khoa học kỹ thuật phát triển, chứng thực được, mới nói ra được sự thật ấy. Hiện trạng trong sáu đường luân hồi, khoa học kỹ thuật hiện nay chưa thể đạt tới, đợi khi khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn, chứng thực được rồi, khi ấy quý vị sẽ nói sao? Cho nên, nhất định không thể nói là những gì bản thân tôi không nhìn thấy thì tôi không tin. Niềm tin theo cách đó đích thực là mê tín. Người thông minh có thể suy lý [để biết].
Tôi nghĩ là nhiều vị đồng tu ở đây đều đã từng có kinh nghiệm này. Chúng ta đi đến một vùng đất xa lạ nào đó, chỉ mới đến lần đầu tiên, đột nhiên ta cảm thấy nơi này rất quen thuộc, giống như trước đây đã từng đi qua, thậm chí đối với đường xá, kiến trúc trong khu vực đều có thể phán đoán biết được, từ chỗ nào bước đi, sẽ gặp những tòa nhà, công trình xây dựng như thế nào... Nhưng đích thực là ta chỉ mới đến đó lần đầu, từ trước chưa từng đi đến. Chúng ta thường đi du lịch bên ngoài, gặp những nơi phong cảnh xinh đẹp, bất ngờ trong lúc ấy bỗng có ý niệm rằng nơi này dường như mình đã đi qua rồi, là trong đời quá khứ, chẳng phải đời này. Nếu như không có đời quá khứ, làm sao có việc như vậy xảy ra?
Để tôi kể lại một việc này. Ngày trước ở thành phố Dallas, Hoa Kỳ, có một cư sĩ tên Thái Văn Hùng, chính là từ nơi đây mà tin nhận việc con người có kiếp trước. Khi tôi nêu việc này với ông, ông kể cho tôi nghe một câu chuyện. Ông nói đích thực là lần đầu tiên khi ông đến San Francisco, trong lúc lái xe bị lạc đường, đi đến một thị trấn nhỏ, đột nhiên ông cảm thấy thị trấn này rất quen thuộc. Ông liền nói với những người ngồi trên xe rằng đi qua đường nào sẽ có những kiến trúc gì... Quả nhiên đúng thật không sai. Nhưng đích thực đó là lần đầu tiên ông đến thị trấn ấy. Cho nên ông hết sức mơ hồ không hiểu được, vì sao lại có sự việc như vậy? Tôi bảo ông, San Francisco trước đây là một nơi đào vàng, có thể ông là một người đào vàng thuở trước, sống ở thị trấn nhỏ này. Sau khi chết tái sinh trở lại làm người như bây giờ. Ông ấy ngẫm nghĩ cho là có lý.
Cư sĩ Thái Văn Hùng thì quý vị ở đây đều biết. Cho nên, mọi người cùng ở một chỗ, suy nghĩ thấy chỉ riêng mình ông trong chuyến du lịch được gặp lại [chốn cũ], nếu như không có đời quá khứ, làm sao có thể xảy ra hiện tượng như vậy? Bao nhiêu người cùng lái xe đến thị trấn nhỏ này, vì sao ông có hiện tượng ấy mà người khác không có? Là vì trong đời quá khứ ông đã từng ở nơi đây.
Tại Hoa Kỳ rất thịnh hành thuật thôi miên, dùng phép thôi miên để làm cho một người có thể nói ra kiếp trước của họ. Kiếp trước có người là người, đầu thai trở lại. Cũng có người kiếp trước là súc vật, lại cũng có người kiếp trước không phải là sinh vật ở địa cầu này. Những hồ sơ như vậy, tại Hoa Kỳ hiện có đến mấy chục ngàn trường hợp. Có một số trường hợp thông qua giới truyền thông mà công bố ra, có đến một, hai ngàn trường hợp. Chúng ta cũng thấy được một phần trong số đó. Cho nên người ta mới tin nhận việc nhà Phật nói về sáu đường luân hồi.
Biết được có sáu đường luân hồi, chúng ta lại nghĩ đến việc đời sau phải làm sao? Thời gian một đời này hết sức ngắn ngủi. Ví như có thực sự sống được đến trăm năm thì [xem lại] bất quá cũng chỉ như thời gian khảy móng tay mà thôi. Tôi sống đến hơn bảy mươi tuổi rồi, những việc hồi còn năm, sáu tuổi tôi vẫn còn nhớ được, giống như mới ngày hôm qua thôi. Cho nên ngẫm nghĩ, đời người có ý nghĩa gì? Vì sao phải tạo nghiệp xấu ác? Vì sao phải gây khó khăn cho người khác? Phải nghĩ nhiều về việc này.
Nên làm việc tốt cho người, nhất định không kết duyên xấu ác với người khác. Người ta đối với mình có ác ý, chúng ta nhất định phải quay đầu hướng thiện, tự mình phản tỉnh, không cần phải một mực nhắm vào những chỗ sai lầm của họ, [phải xem như] không thấy. Người ấy xấu ác đối với ta, vì sao không xấu ác với người khác? Cho nên tự mình phải tỉnh táo suy nghĩ lại, như vậy tâm mới bình tĩnh được. Tâm bình tĩnh mới khởi sinh trí tuệ, mới sáng suốt. Nếu không phải tự thân ta đã làm điều không tốt thì cũng là đã nói ra điều gì sai lầm, vô ý đắc tội với người ta.
Người khác đối với ta có thái độ không tốt, ta phải thấy được đó là chuyện hợp lý, do ta đã làm một người không tốt nên phải tiếp nhận quả báo này. Nếu việc gì cũng đổ lỗi về đối phương, đều trách móc người khác, đó là lỗi lầm hết sức nghiêm trọng. Ví như trong đời này không hề kết oán với người, hẳn đó cũng là việc từ đời trước. Chúng ta là người học Phật, tin nhận có đời trước, đời sau, nên mối oán thù ấy ta phải nhận lấy, quyết định không có sự báo thù. Vậy thì oán thù đến đây chấm dứt, hoàn toàn không còn dây dưa gì nữa.
Nhẫn nhịn, nhường nhịn là quan trọng thiết yếu hơn hết. Đặc biệt đối với những việc nhỏ, việc không đáng nói thì càng không nên tính toán. Những chuyện xúc phạm, hủy nhục trọng đại đều không tính toán, huống chi là những chuyện nhỏ nhặt. Nhất định phải vận dụng trí tuệ, phải vận dụng từ bi để hóa giải. Con người không có ai là không thể cảm hóa. Nếu không thể cảm hóa người khác, đó là do công phu [tu tập], do đức hạnh của bản thân mình chưa đủ, do trí tuệ của mình chưa đủ.
Trong lịch sử Trung quốc, quý vị đều biết đến vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang là những bậc đại thánh nhân thời cổ đại. Quý vị hãy xem hoàn cảnh gia đình của vua Thuấn. Cha ông, mẹ kế ông, rồi đến em trai do mẹ kế sinh ra, [tất cả đều hết sức khắc nghiệt với ông]. Chúng ta ngày nay xem lại, hoàn cảnh gia đình của vua Thuấn quả là hết sức tồi tệ, đến mức không thể nào tồi tệ hơn nữa. Vậy mà vua Thuấn vẫn có thể nhẫn chịu được. Ưu điểm lớn nhất của vua Thuấn là không bao giờ nhìn vào những lỗi lầm của người khác, chỉ tự thấy lỗi của mình. Ông có thể trở thành bậc đại thánh cũng là nhờ ở điểm này. Cho nên, ông có thể khiến cho cha, mẹ kế đều cảm động. Có thể khiến cho láng giềng lối xóm đều cảm động. Cuối cùng, ông có thể khiến cho vua Nghiêu cũng cảm động.
Vua Nghiêu nghe được những sự việc về ông liền cho mời ông đến, đem ngôi vua truyền lại cho ông, đem cả hai người con gái gả cho ông. Ông kế thừa ngôi vua. Trong hai mươi bốn gương hiếu của Trung quốc, ông được kể đến trước tiên. Vì sao ông có được năng lực lớn lao đến thế? Không có gì khác hơn là biết tự phản tỉnh. Hết thảy lỗi lầm đều nhận về mình, hết thảy điều tốt lành, lợi lạc đều trao về người khác. Đây là điều chúng ta phải học tập.
Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói rất hay: “Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá.” (Bậc tu hành chân chánh, không thấy lỗi người đời.) Ai làm được như vậy? Vua Thuấn đã làm được. Quý vị nghĩ xem có đúng không? Bản thân Lục tổ Đại sư Huệ Năng cũng làm được. Chúng ta xem trong Đàn Kinh, thấy ngài xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật đều khiêm tốn biết bao, thái độ hoàn toàn không một mảy may kiêu căng ngã mạn.
Chúng ta muốn học Phật, bắt đầu học từ đâu? Những vị này chính là tấm gương cho chúng ta học theo, mà điều này là quan trọng thiết yếu nhất trong tất cả những lời răn dạy.
Chúng ta đọc kinh Kim Cang thấy đức Phật dạy Bồ Tát tu học sáu cương lĩnh, sáu pháp ba-la-mật, Phật giảng giải nhiều nhất là hai pháp bố thí và nhẫn nhục. Nói cách khác, đức Phật đối với hai pháp này xem trọng nhất.
Bố thí là dạy chúng ta buông xả. Nhẫn nhục là then chốt của sự thành bại. Nhẫn nhục được thì quý vị có thành tựu. Không thể nhẫn nhục thì không thể thành tựu. Cho nên nói rằng: “Hết thảy các pháp đều thành tựu từ đức nhẫn.” “Hết thảy các pháp” là bao gồm tất cả các pháp thế gian cũng như xuất thế gian. [Cho nên,] các pháp thế gian cũng như xuất thế gian, có thể thành tựu hay không thì mấu chốt đều ở nơi sự nhẫn nại. Điều này chúng ta phải thường suy ngẫm.
Từ xưa đến nay, dù ở bất cứ nơi đâu, người giữ cương vị lãnh đạo đều phải chọn lựa những người trợ giúp, chọn lựa cán bộ. Nhẫn nại là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng để chọn lựa. Một người tài hoa nhưng gặp việc không thể nhẫn nại thì cũng không dùng được, cho dù thông minh cũng không thể gánh vác được trọng trách. Nếu kém đi một chút tài hoa nhưng có thể nhẫn nhục thì vẫn có thể giao cho gánh vác việc lớn. Tài hoa kém đi một chút cũng không sao, tìm một số người tài năng làm tham mưu giúp họ là được, công việc vẫn có thể thành tựu.
Người có thể nhẫn nại thì đầu óc sáng suốt, rõ ràng, không mơ hồ, tâm không rối loạn, không mê muội. Không rối loạn thì có trí tuệ sáng suốt, có thể quyết đoán sự việc. Khi lắng nghe ý kiến đóng góp của nhiều người, người ấy có thể hiểu rõ được, biết được những ý kiến nào trong tương lai sẽ dẫn đến những hậu quả nào. Người ấy có thể chọn lựa, có thể đưa ra quyết định dứt khoát cuối cùng. Những trường hợp điển hình như thế này rất nhiều.
Cho nên, lời dạy này chúng ta phải đặc biệt xem trọng. Hy vọng quý vị đồng tu đều ghi nhớ: “Ký nhân chi ân, bất ký nhân chi oán.” (Nhớ điều ơn nghĩa của người, không nhớ điều thù oán.) Người khác có oán thù đối với ta, có điều không tốt đối với ta, xóa sạch hết đi, tuyệt đối không để trong lòng. Người khác có điều hiền thiện, phải ghi nhớ. Người khác có ân đức đối với ta, không thể không nhớ. Phải biết ơn và báo ơn.
Người khác có lỗi lầm, có điều không tốt, phải biết rằng rồi họ sẽ sửa đổi. Đó gọi là “Lãng tử hồi đầu.” (Người hư hỏng cũng có lúc quay đầu.) Người xưa dạy rằng: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá?” (Người chưa thành bậc thánh hiền, sao có thể không phạm lỗi?) Ví như người ấy có điều xấu ác mà thực sự sửa lỗi hướng thiện thì khả năng vượt hơn ta rồi, ta không thể sánh bằng người ấy, sao có thể xem thường?
Chúng ta xem các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian, tâm địa các ngài luôn quang minh lỗi lạc, các ngài tu tập [bắt đầu] từ đâu vậy? Cũng là từ [những phẩm tính như trên] mà tu tập. Một người tâm địa hoàn toàn hiền thiện không xấu ác, gặp kẻ xấu ác, gặp việc xấu ác, hoàn cảnh xấu ác, thảy đều không giữ trong lòng. Trong lòng không có những thứ ấy, chỉ toàn [nghĩ nhớ đến] người thiện, việc thiện, hoàn cảnh an vui luôn ở trong lòng. Quý vị nói xem, người ấy sống một đời tốt đẹp biết bao, sống hạnh phúc biết bao!
Việc tốt đẹp không giữ trong lòng, chỉ toàn ghi nhớ những chuyện xấu xa hư hại, người như vậy sống đời đau đớn khổ sở biết bao, đêm nằm chỉ toàn ác mộng. Ai tìm đến những việc ấy? Chính là tự mình làm, tự mình chịu, không phải do người khác gây ra cho họ.
Cho nên, những điều lành dữ, họa phúc đều do trong một ý niệm của chúng ta. Ý niệm hoàn toàn chân chánh thì đời sống hạnh phúc, sống một đời tốt đẹp trọn vẹn. Ý niệm bất thiện thì phải sống một đời hết sức khổ đau cay đắng. Trong Cảm ứng thiên nói rõ với chúng ta những ý nghĩa này, chân tướng sự thật này, hết sức tỉ mỉ rõ ràng.