(Giảng ngày 18 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 31, số hồ sơ: 19-012-0031) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua chúng ta đã giảng đến đoạn trong Liễu Phàm tứ huấn nói rằng “việc thiện chân thật [khác với] giả dối”, tôi đã giới thiệu qua. Phần thứ hai nói “việc thiện ngay thẳng [khác với] tà vạy”. Ngay thẳng là ngay thẳng chính trực, tà vạy là quanh co gian dối, không ngay thẳng chính trực.
Thế nào gọi là ngay thẳng chính trực? Trong thực tế, tiêu chuẩn phân định thiện ác của bậc giác ngộ đã hiểu biết sáng tỏ không giống với tiêu chuẩn của người đời. Nói thật ra thì tiêu chuẩn phân biệt thiện ác cũng khác biệt nhiều lắm, ngay trong Phật pháp, tiêu chuẩn theo [Thiên Thai] Tứ giáo, mỗi phần cũng đã khác biệt nhau. Trong Đại thừa cũng chia ra 51 phẩm vị Bồ Tát, hay nói cách khác là có 51 tiêu chuẩn [phân biệt thiện ác] khác biệt nhau.
Các bậc thánh nhân ở thế gian cũng như xuất thế gian dạy bảo chúng ta, đa phần đều nói về nguyên lý, nguyên tắc chung, trong đó hàm chứa ý nghĩa rất sâu rộng, cần phải hết sức chú tâm thể hội, phải vận dụng vào thực tế đời sống. Từ trong thực tế đời sống còn phải quan sát sâu sắc hơn nữa. [Có như vậy thì] sau đó mới hiểu được rằng trong sách vở của các bậc thánh hiền xưa, mỗi câu mỗi chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa, mới thể hội được rằng tất cả các pháp do Phật thuyết dạy đều rộng lớn, tinh tế và sâu sắc.
[Sách Liễu Phàm tứ huấn] trong đoạn nói về ngay thẳng khác với tà vạy có đề cập đến mấy nguyên tắc vô cùng trọng yếu. [Đó là,] tâm chân chánh thì việc làm cũng chân chánh, tâm bất chánh thì dù làm bất cứ việc gì, làm theo cách nào cũng đều là bất chánh, cũng đều là quanh co tà vạy. Cho nên, cội nguồn là ở nơi tâm.
Tiên sinh Liễu Phàm nêu ra ba nguyên tắc [để phân biệt ngay thẳng với tà vạy].
Thứ nhất là “chỉ duy nhất một tâm nguyện cứu người giúp đời”. Chúng ta có [tâm nguyện này] hay không? Nhất định không được có ý niệm mưu lợi cho riêng mình, mỗi một ý niệm đều chỉ vì [lợi lạc] chúng sinh, đặc biệt là vì những chúng sinh đang gặp khổ nạn. Thế gian hiện nay tai nạn ngày càng nhiều hơn, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tai nạn ấy do đâu mà hình thành? Tất nhiên phải nói là do cộng nghiệp [của mọi người] chiêu cảm, nhưng cộng nghiệp đó lại do đâu mà hình thành?
Các bậc thánh hiền xưa của Trung quốc gọi đó là do “không được dạy dỗ”, nghĩa là không có sự giáo dục, không có ai dạy dỗ. Không có ai dạy dỗ thì đương nhiên mọi người sẽ [hành động] tùy thuận theo phiền não, tùy thuận theo lòng tham muốn của riêng mình, từ đó tạo ra vô số tội nghiệp. Mỗi một ý niệm đều là vì lợi ích riêng tư, chưa từng quan tâm đến người khác, tạo nghiệp như vậy thật quá nặng.
Hôm qua tôi đọc báo địa phương - tôi rất ít khi đọc báo - tình cờ nhìn thấy một tiêu đề nói Đài Loan năm nay có 400.000 trường hợp phá thai, năm ngoái là 320.000, tăng đến 80.000 trường hợp. Thật hết sức nghiêm trọng! Trong Phật pháp, Phật dạy phá thai nhất định phải đọa địa ngục, vì là tội giết người. Quý vị biết đấy, một năm nay [tại Đài Loan] giết chết 400.000 người, năm ngoái giết chết 320.000 người, những oan hồn ấy là oan gia trái chủ làm nhiễu loạn trong xã hội, làm sao được thái bình? Làm sao được ổn định? Quỷ thần đang làm loạn, thật hết sức đáng sợ.
Quả thật là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm giáo dục. Thời xưa, trong nhà có cha mẹ dạy dỗ, đến trường có thầy giáo dục. Giáo dục thời xưa so với bây giờ thật không giống nhau. Giáo dục hiện nay truyền thụ năng lực kỹ thuật, tức là kỹ thuật công nghệ. Giáo dục thời xưa dạy cho quý vị cách làm người, cách xử thế, làm sao để sống một cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn. Không chỉ trong đời này được hạnh phúc, mà đời sau cũng được hạnh phúc, đời đời kiếp kiếp không mất đi phước báo. Đó là cách giáo dục của người xưa.
Chúng ta nhìn xem, giáo dục hiện đại dạy những điều gì? Chỉ mưu tính lợi ích nhỏ nhặt trước mắt, đừng nói chi đời sau, ngay cả lợi ích trong năm sau cũng không biết đến, không quan tâm đến. Một đời người như thế, quý vị nghĩ xem còn có ý nghĩa gì? Mỗi ngày đều tạo tác những tội nghiệp hết sức nặng nề, tương lai đi vào ba đường ác. Tình trạng trong ba đường ác, quý vị đọc kinh đã thấy nhiều rồi, kinh điển nhất định không lừa dối người. Kinh Kim Cang nói rất rõ: “Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả.” (Lời của Như Lai là chân, là thật, là phù hợp, là không lừa dối, là chính xác.) Lời lời [trong kinh điển] đều chân thật.
Chúng ta có thấy biết được sự đáng sợ của địa ngục, sự khủng khiếp trong ba đường ác hay chăng? Trước mắt được một chút lợi lộc có đáng gì? Trước mắt thiệt thòi một chút cũng có đáng gì? Phải suy đi nghĩ lại về con đường lâu dài về sau.
Cho nên, thánh nhân mới dạy chúng ta “tích đức lũy công”. Tích đức là giữ gìn lòng tốt, lũy công là nói lời lành, làm việc lành. Điều tốt lành đó là điều thiện. Mỗi một ý niệm đều phải nghĩ đến lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh, lợi ích cho người khác. Nếu có một niệm chỉ vì lợi ích cho riêng mình thì đó là bất thiện. Nếu xét về chính trực với tà vạy thì đó là tà vạy, chẳng phải chính trực. Cần phải giữ tâm [tốt đẹp] như vậy, làm những việc [tốt đẹp] như vậy.
[Nguyên tắc] thứ hai là “luôn tâm niệm chân thật thương yêu giúp đỡ người khác, như mẹ hiền yêu con”. Đặc biệt khi đứa con vừa được vài ba tuổi, cha mẹ đều thương yêu bảo vệ, cha mẹ đều quan tâm chăm sóc, chúng ta liệu có thể đem cái tâm thương yêu như vậy mở rộng ra thành thương yêu hết thảy chúng sinh? Nói thật ra, các bậc cha mẹ ngày nay thương yêu con cái cũng không được như ngày xưa. Vì trong hiện tại, đa số các bậc cha mẹ đều có chức phận, nghề nghiệp, đều bận rộn công việc, thường giao con cái cho người giúp việc trong nhà chăm sóc. Quý vị nghĩ xem, như vậy có lòng thương yêu gì chăng? Nói chi đến lòng thương yêu, tương lai con cái như thế lớn lên liệu có tình thân [với mình] hay chăng? [Trong hoàn cảnh như thế,] tình thân hẳn phải mất đi rất nhiều.
Trong Văn Sao, Đại sư Ấn Quang cực lực chủ trương rằng sự nghiệp vĩ đại nhất mà người phụ nữ cống hiến cho dân tộc, cho xã hội, cho hết thảy chúng sinh chính là chăm sóc con cái, đem toàn tâm toàn lực chăm sóc, nuôi dưỡng dạy dỗ, khiến con cái trở nên người hiền tuệ, nên người sáng suốt thành đạt, đó chính là rường cột của đất nước, của xã hội. Nuôi dưỡng dạy dỗ thế nào? Chính là do người mẹ nuôi dưỡng dạy dỗ. Cho nên Tổ Ấn Quang nói rằng, người phụ nữ hiện nay không lo thực hiện sự nghiệp vĩ đại nhất của mình mà lại bỏ mất, đi tìm những công việc nhỏ nhặt trong xã hội mà làm, đó gọi là điên đảo.
Vì thế, tiêu chuẩn phân biệt đúng sai của bậc thánh hiền so với phàm phu chúng ta thật không giống nhau. Các ngài nhìn xa trông rộng, rất sâu sắc. Lòng mẹ yêu con, tình thân ấy được bồi đắp từ thuở nhỏ, cảm động trong lòng đứa trẻ, là giai đoạn có ấn tượng ghi khắc sâu nhất trong suốt một đời người. Muôn ngàn lần không nên cho rằng trẻ con chưa biết gì. Như thế là sai lầm. Cách suy nghĩ, nhận thức như vậy là hoàn toàn sai lầm. Trẻ con tuy còn nhỏ, lúc một vài tuổi, thậm chí còn chưa biết nói, nhưng đã có sự ghi nhận qua mắt nhìn, tai nghe. Đó gọi là, những điều huân tập từ lúc nhỏ cũng giống như bản tính trời sinh.
Xã hội ngày nay có quá nhiều những trường hợp vợ chồng ly dị. Nếu không con cái thì chẳng nói, nếu có thì đó là điều gây thương tổn lớn nhất cho con cái, tạo ra ấn tượng cực kỳ không tốt cho con cái. Những người ấy không biết rằng quả báo của việc ly hôn hết sức đáng sợ. Họ không có trách nhiệm đối với xã hội, đối với sự an ổn của thế giới. Thời xưa tôi chỉ nghe chuyện kết hôn, chưa từng nghe đến ly hôn, thật chưa từng nghe qua. Cho nên xã hội ổn định, nền trị an được lâu dài, ý nghĩa là ở chỗ nào? Ý nghĩa nằm ở chỗ gia đình được [hạnh phúc] mỹ mãn thì xã hội mới được phồn vinh, ổn định, đất nước mới được giàu mạnh.
Hiện nay không ai dạy bảo, không ai hiểu rõ được ý nghĩa như thế. Thỉnh thoảng có xem thấy trong sách xưa thì cho rằng những điều ấy đã xưa rồi, đã lỗi thời rồi, phải loại bỏ đi. Đem những điều như thế bỏ đi thì hiện tại chúng ta tiếp nhận những gì? Là thiên tai, là những tai họa do con người tạo ra. Hiện có rất nhiều người nói đến ngày tận thế. Chối bỏ những lời răn dạy của thánh hiền thì ngày tận thế đã ở ngay trước mắt. Cho nên mới có [tiêu chuẩn về] lòng chân thật thương yêu giúp đỡ người khác, thực sự quan tâm chăm sóc người khác.
[Nguyên tắc] thứ ba là “chỉ duy nhất một tâm nguyện chân thành cung kính”, đó là ngay thẳng chính trực. [Khi ấy thì] quý vị làm hết thảy các việc thiện đều tương đồng với các bậc hiền thánh. Nếu đối với điều này mà tương phản, trái ngược, không có thành ý, không có lòng cung kính, không có tâm thương yêu, không có tâm chân thật cứu giúp hỗ trợ người khác, thì dù tu tập tất cả các pháp lành cũng đều không ngay thẳng chính trực.
Những điều này nói ra dễ dàng nhưng làm thật khó. Khó ở chỗ nào? Khó ở điểm là chúng ta căn bản chưa được giáo dục qua như vậy, xưa nay chưa từng nghe ai giảng qua, lại bị tập nhiễm thói tục, tích góp những điều sai trái cho là đúng, ngày nay được nghe thuyết giảng như thế này thì cảm thấy hết sức kỳ quái. Quý vị trong đời quá khứ có phúc đức căn lành, nghe được những điều này thì nhận hiểu không sai, nhưng rồi vẫn y nếp cũ, không thể làm theo được.
Không làm được những gì? Nhìn ra mọi người trong xã hội đều không làm như thế này, nếu mình làm theo chẳng phải chịu thiệt thòi sao? Dù một chút cũng không chịu thiệt được. Vì sao không chịu thiệt thòi? Vì những ý niệm muốn giành lợi ích riêng cho mình quá mạnh mẽ, mỗi ý niệm đều đem lợi ích của riêng mình đặt lên hàng đầu. Chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh hiền thì đem lợi ích của chúng sinh đặt lên hàng đầu, so với chúng ta như vậy thì hoàn toàn tương phản. Các ngài đặt lợi ích xã hội lên hàng đầu, tự mình tình nguyện chấp nhận thiệt thòi, tình nguyện hy sinh phụng hiến.
Nhưng cách làm của chư Phật, Bồ Tát như thế thật ra không thiệt thòi, phước báu về sau không cùng tận. Chúng ta ngày nay lấn lướt hơn người một chút, trước mắt thấy dường như được một chút lợi ích, nhưng hoạn họa về sau thật khôn cùng, nhất định phải đọa vào ba đường ác. Đọa vào ba đường ác thì rất dễ, thoát ra không dễ chút nào. [Khi ấy,] quý vị sẽ phải chịu nhiều kiếp luân hồi, nhiều kiếp khổ não.
Thứ ba là nói đến “việc thiện có âm, có dương”. Âm dương ở đây cũng rõ ràng. Quý vị làm việc thiện, người khác đều biết rõ, đó gọi là dương thiện. Quý vị làm việc ác, đem việc ác đó che giấu đi, tìm mọi cách che giấu không cho người khác biết, đó gọi là âm ác. Nếu chúng ta toàn làm những việc “dương thiện âm ác” như vậy thì không tránh khỏi rơi vào ba đường ác, chịu quả báo khổ não nhất trong địa ngục, làm việc trong địa ngục. Cho nên, thánh nhân dạy chúng ta phải “dương ác ẩn thiện” (bộc lộ điều ác mà che giấu điều thiện).
Muốn tích âm đức thì làm hết thảy các việc thiện đều không cần ai biết đến. Những việc thiện ấy mới tích lũy được sâu dày, quả báo thật thù thắng. Lỡ làm việc xấu ác thì phải cho mọi người đều biết. Đạo Phật dạy chúng ta phải bộc lộ sám hối, dù mảy may cũng không che giấu, hoàn toàn nói ra hết, chấp nhận sự chỉ trích, phê phán của mọi người. Chỉ trích đó là quả báo, trả rồi là xong. Quý vị xem, quả báo ác thì trả hết, quả báo thiện thì tàng chứa bên trong, như vậy thì phúc đức sâu dày.
Thế nhưng người đời hoàn toàn làm ngược lại. Khi làm những việc hư hoại xấu ác thì che giấu kỹ, làm được việc tốt thì trong lòng chỉ hận không thể khiến cho tất cả mọi người đều biết rõ, mọi người đều ngợi khen tán thán, nên quả báo vừa được đã hết ngay. Vì thế mà điều thiện không thể tích lũy, giữ bền, điều xấu ác thì tích tụ vô cùng bền chặt. Người như thế trong tương lai phải nhận quả báo thế nào, không cần nói cũng đã biết rõ.
Phật dạy chúng ta phải sám hối [tội lỗi], đức Khổng tử dạy ta sửa chữa lỗi lầm. Trong tôn giáo cũng dạy ta phải sám hối tỏ bày. Chúng ta đối với những lời răn dạy đó lại không hiểu được ý nghĩa chân thật. Nếu như quý vị hiểu được rõ ràng thì đã như trong kinh Hoa Nghiêm nói, thực sự hiểu biết rồi sẽ y theo lời dạy vâng làm. Quý vị vẫn còn chưa làm được, nên ý nghĩa, sự thật này quý vị vẫn còn chưa thực sự hiểu rõ, chưa sáng tỏ. Do đó mà vẫn làm những chuyện hồ đồ như cũ, người khác có chỉ ra thì không phục, gian giảo biện bạch.
Trong đạo Phật cũng quan tâm đến thể diện. Việc tiếp nhận sự phê bình, chỉ trích của người khác, đức Phật có chỉ định một ngày đặc biệt, là ngày pháp hội Tự tứ, tức vào lúc hạ an cư [của chư tăng] viên mãn. Tại pháp hội này, mỗi vị tăng tiếp nhận sự phê bình, chỉ trích của bất cứ ai đối với những lầm lỗi, sai trái của mình. Nhưng trong những ngày thường thì khuyến khích quý vị tự mình sám hối lỗi lầm, thường không có người khác nói lỗi của quý vị.
Thật ra, người khác chỉ lỗi cho mình là rất tốt, hỗ trợ chúng ta trong việc cầu sám hối, đó mới thật là bậc thiện tri thức. Nhưng có mấy người vui lòng tiếp nhận người khác nói lỗi của mình? Chẳng những không có được hiệu quả đúng đắn mà ngược lại còn kết thành thù oán. Cho nên, người đời đối mặt nhau chỉ toàn ngợi khen tán thán, không ai nói ra lỗi lầm [của người khác].
Xưa nay, ai là người nói lỗi [của quý vị]? Đó là cha mẹ, thầy cô giáo, những người có trách nhiệm dạy dỗ quý vị, thấy quý vị có lỗi liền nói cho quý vị biết. Bạn đồng học với nhau cũng rất ít khi chỉ lỗi [cho nhau], huống hồ là người ngoài, vì không muốn kết oán với người khác. Trong Phật pháp cũng chỉ có một ngày Tự tứ, trong một năm chỉ có một ngày. Cho nên, chúng ta cần phải thấu hiểu, rõ biết, thiện làm sao tích lũy, công làm sao bồi đắp, dứt ác tu thiện như thế nào. Thành tựu phúc đức chân chính thì đời sống sẽ được hạnh phúc, tự tại.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.