(Giảng ngày 2 tháng 6 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 15, số lưu trữ: 19-012-0015) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua chúng ta đọc Cảm ứng thiên, giảng giải đến chỗ người làm việc ác thì “người người đều ghét bỏ, hình phạt, tai họa liền theo sau”.
Các bậc hiền thánh xưa cũng như chư Phật, Bồ Tát đều thực sự từ bi, thương yêu bảo vệ chúng sinh. Chúng sinh không tin vào các ngài, tạo tác nhiều nghiệp ác, thật ra chính là vì chẳng có ai dạy dỗ họ. Điều đó trong kinh Vô Lượng Thọ đức Phật đã giảng giải rất rõ ràng: “Tiên nhân bất thiện” (Do người trước không khéo dạy). Không có sự giáo hóa tốt đối với chúng sinh, do đó cũng không nên trách cứ họ.
Trong những hoàn cảnh bất thiện, nếu ai có thể không tạo nghiệp ác, phải nói thật rằng đó là bậc hiền thánh tái sinh hoặc chư Phật, Bồ Tát ra đời, nhất định không thể là phàm phu. Nếu quả thật là phàm phu, có thể khẳng định kẻ ấy nhất định phải tạo nghiệp ác. Cho nên, việc [chúng sinh] tạo nghiệp ác cũng là lẽ tất nhiên. Nhưng người có thể quay đầu hướng thiện, chỉ cần một niệm hồi tâm, chư Phật liền hộ niệm, chư thiên, thiện thần đều hoan hỷ, theo bảo vệ, giúp đỡ, tuyệt đối không trách tội người ấy. Đó gọi là “thiên tâm nhân thuật” (lòng trời đầy nhân ái), sẽ không đem hình phạt áp dụng với người đã hối lỗi. Chúng ta phải tin vào lý lẽ này.
Do đó có thể biết rằng, việc chiêu cảm điều lành, né tránh điều dữ, chính thật chỉ trong thời gian một ý niệm. Thiên đường, địa ngục đều ở ngay trước mắt. Một niệm hiền thiện, thiên đường hiển hiện; một niệm xấu ác, địa ngục hiện tiền. Cho nên, một người đã biết được lỗi lầm trong quá khứ, biết hối cải, hướng thiện, đem tâm chân thành dứt ác tu thiện, thì tuyệt đối không có lý nào người ấy vẫn phải gặp quả báo xấu ác.
Nói cách khác, nếu người như thế mà vẫn gặp quả báo xấu ác, thì đó là do tâm sám hối không chân thành, đối với lời dạy của thánh hiền vẫn còn nghi ngờ không quyết định. Trong kinh Vô Lượng Thọ dạy rằng, đem tâm hoài nghi niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, chẳng phải là không lợi ích, vẫn có lợi ích là được sinh về thế giới Cực Lạc, nhưng phải sinh vào Nghi thành ở vùng biên địa. Cùng một ý nghĩa đó, nếu đem tâm nghi hoặc để dứt ác làm thiện, do tâm nghi hoặc nên sự sám hối không triệt để, vì thế vẫn phải chịu quả báo xấu ác. Bất quá chỉ là quả báo ấy được giảm nhẹ mà thôi. Như tội phải vào địa ngục Vô gián, có thể giảm nhẹ chỉ đọa vào địa ngục Du tăng; tội phải vào địa ngục Du tăng có thể giảm nhẹ chỉ vào địa ngục Cận biên. Nhất định sẽ được giảm nhẹ đến chỗ tốt hơn. Cho nên, chúng ta đối với những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, các bậc thánh hiền, điều quan trọng trước nhất là phải đặt niềm tin sâu vững không nghi ngại.
Chúng ta đem tâm bất thiện đối đãi với người khác, ta không tin rằng thế gian này có người hiền thiện, không tin thế gian có người tốt. Cũng vậy, người đời cũng sẽ không tin ta là người hiền thiện, không tin ta là người tốt, cũng cùng một lẽ như vậy mà thôi.
Nhưng thế gian này quả thật có người hiền thiện, quả thật có người tốt, hoàn toàn không thể vì mọi người có lòng nghi hoặc mà người ấy không làm người tốt, không giữ tâm tốt đẹp, không có lý nào như vậy.
Chư Phật, Bồ Tát, những người đã thực sự giác ngộ, các ngài đều là những bậc hiền thiện, những người tốt. Dù cho cả thế gian này đều hủy báng, khinh khi hủy nhục, hãm hại các ngài, các ngài vẫn đem tâm chân thành thương yêu đối đãi với chúng sinh. Như thế là hạng người gì? Là người giác ngộ.
Cho nên, giáo dục trong Phật pháp, tâm chân thật trong dạy dỗ, là giúp đỡ hỗ trợ chúng sinh trong việc phá mê khai ngộ, giúp họ đạt được giác ngộ thì đó là của báu. Nhà Phật nói về ba ngôi báu là Tam bảo, giác ngộ chính là Phật bảo. Phật bảo hiện hữu ngay trước mắt, Pháp bảo với Tăng bảo liền tự nhiên theo đó hiện ra. Pháp bảo là sự thấy biết chân chánh. Tăng bảo là sống chung hòa thuận với tất cả chúng sinh, liền theo đó là tương thân tương ái.
Cho nên, quan trọng nhất chính là Phật bảo. Có Tăng bảo, có Pháp bảo, chưa hẳn đã có Phật bảo, nhưng có Phật bảo thì nhất định có Pháp bảo, có Tăng bảo. Vì thế, chúng ta cần phải hết sức nỗ lực hướng theo chư Phật, Bồ Tát mà học tập.
Câu thứ năm [của bản văn] là “cát khánh tị chi” (điều tốt đẹp lánh xa). Người làm việc ác thì tâm xấu ác, lời nói xấu ác, hành vi cũng xấu ác. “Cát khánh” là những điều tốt đẹp, an lành. Người làm việc ác không gặp được sự tốt lành. Điều họ gặp được là hung tai hiểm họa. Chữ “tị” trong phần chú giải giảng hàm ý là cầu mong chẳng được. Người làm ác thì chỗ mong cầu đều không đạt được, không được vừa lòng thỏa ý.
Phần đầu chú giải có những câu ý tứ rất hay, như “thiên đạo vô thân” (đạo trời không có tình riêng). Chữ “thân” ở đây chỉ lòng riêng tư, tình cảm riêng tư, chư Phật, Bồ Tát đều không có, quỷ thần trong trời đất cũng không có. Lại nói “duy thân thiện nhân” (chỉ gần gũi người hiền thiện). Chỉ cần người có tâm thiện, làm việc thiện, chư Phật, Bồ Tát, hàng trời, rồng, thiện thần đều sẽ tự nhiên gần gũi người ấy, đó là ý nghĩa “đồng sinh tương ưng”. Kinh Dịch nói: “Vật cùng loài họp nhau thành bầy, người hợp ý phân chia thành phần”, cũng là một ý này, nghĩa là ý hướng tương đồng. Chư Phật, Bồ Tát hiền thiện, các vị trời, rồng, thiện thần cũng hiền thiện, khi thấy người nào có tâm hiền thiện thì tự nhiên tương hợp hướng về nhau.
Đối với người làm việc bất thiện thì thật là “như muỗng với vị canh”, họ không hoan hỷ với chư Phật, Bồ Tát, các vị thiện thần, mà các ngài cũng không hoan hỷ với việc làm của họ, đó cũng đồng nghĩa như “điều tốt đẹp lánh xa”.
Cho nên, một người thực sự giác ngộ là giác ngộ điều gì? Là giác ngộ những điều thiện ác, lợi hại. Chỉ cần thấu hiểu rõ ràng những ý nghĩa đó là quý vị có thể thường xuyên gần gũi các vị thiện thần, liền được chư Phật, Bồ Tát quan tâm đến.
Nếu một người thực sự có thể phát tâm, với nghị lực kiên định sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân, đó gọi là “cung kỷ thuận thiên” (cung kính thận trọng giữ mình, thuận theo đạo trời). Chữ “cung” ở đây là cung kính, thận trọng, cẩn trọng. Trong “thuận thiên” thì chữ thiên là trời nhưng được dùng để tiêu biểu cho các thiện hạnh. Tu tập mười nghiệp lành mới được sinh về cõi trời, nên chư thiên ở cõi trời đều là những vị có thiện tâm, thiện hạnh, tự nhiên cùng với chư Phật, Bồ Tát, các vị thiện thần có sự cảm ứng giao hòa. Người như thế luôn gặp được những điều tốt lành, phúc lợi.
Nếu như tâm ý ngược lại với những điều nói trên, trong lòng nghĩ việc ác, nói lời ác, làm việc ác, thì ở thế gian này sẽ có rất nhiều nguy cơ phải chịu hình phạt. Hình phạt thế gian là những chế tài của luật pháp như phân xử, phán quyết, bỏ tù... và còn có rất nhiều sự trừng phạt khác nữa, cần phải hiểu rõ. Người phàm mắt thịt không thấy được, nhưng quỷ thần trong trời đất sẽ tính toán hết [mọi việc xấu ác]. Trong đời quá khứ tu tích được bao nhiêu phước báo, do việc tạo nghiệp ác sẽ bị giảm thiểu; trong quá khứ tu tích được bao nhiêu tuổi thọ, cũng sẽ bị rút ngắn. Những việc tốt đẹp an lành đều sẽ lánh xa, hung tai hiểm họa sẽ thường xảy đến. Người làm việc ác không có cách nào né tránh [quả báo xấu ác], do nghiệp ác chiêu cảm. Điều này quý vị phải hiểu rõ.
Cũng trong đoạn này, phần đầu chú giải nêu ra một chuyện minh họa cho kết quả của sự tu tập, là một câu chuyện xưa. Chuyện này có thật, quả đúng là người thật việc thật. Chuyện kể ngày xưa có một thư sinh tâm hành bất thiện, lời nói việc làm đều ngược lẽ trời, trái với lương tâm. Nhưng anh ta có tài, văn chương tuyệt hảo. Vì thế, đến lúc dự kỳ thi tuyển, quan khảo thí hết sức khen ngợi bài văn của anh ta, liền chấm đỗ. Đến khi niêm yết bảng, ngay lúc ghi tên thì bài thi của anh bỗng nhiên lạc mất, tìm mãi không ra. Do đó, lần ấy anh không có tên trong những người thi đỗ.
Sau khi yết bảng rồi thì tìm thấy bài thi. Tìm thấy ở đâu? Ở ngay trong ống tay áo của quan khảo thí. Ấy là quỷ thần trong trời đất bỡn cợt anh ta. Quan khảo thí có ý đề bạt bài văn này, muốn đưa ra trước nhất nên đặc biệt để riêng trong ống tay áo, nhưng đến lúc khai bảng [không hiểu sao] nó vẫn nằm yên trong đó chẳng rơi ra. Cơ duyên tốt đẹp [mà quan khảo thí muốn dành cho anh ta] vì thế hoàn toàn mất đi.
Xảy ra việc như thế, anh thư sinh vô cùng đau khổ. Quan khảo thí thì đối với anh ta vẫn có cảm tình hết sức tốt đẹp. Về sau, ông quan ấy được thăng chức, vẫn luôn nhớ đến việc đề bạt anh ta và cũng đã có rất nhiều cơ hội. Nhưng cứ mỗi lần cơ hội đến thì đều phát sinh chướng ngại, đều phát sinh những ý tưởng không thuận lợi, khiến cho việc đề bạt anh ta luôn gặp sai sót. Do đó, trong lòng anh ta vướng mắc khó vượt qua. Vì sao có biết bao nhiêu cơ hội tốt đẹp như thế, những cơ hội thật rõ ràng chắc chắn thành tựu, nhưng rồi đột nhiên đều tan biến mất đi? Vì thế mà anh ta buồn khổ uất ức, dần dần sinh bệnh, rồi bệnh nặng, nằm liệt giường đến ba năm liền. Đến một hôm, anh ta bỗng nhiên giác ngộ, hiểu ra rằng mọi điều gặp phải trong quá khứ của mình đều do những việc ác đã làm chiêu cảm sự báo ứng.
Sau khi anh ta thấu hiểu rõ ràng, thật lòng hối cải, căn bệnh liền dần giảm nhẹ. Cuối cùng anh khỏi bệnh. Khỏi bệnh rồi, anh ta lại nỗ lực sửa lỗi, hoàn thiện bản thân, suốt đời làm thiện.
Những thư sinh ngày xưa, chúng ta ở đây đều biết, dù họ có tâm bất lương, có hành vi hết sức xấu ác, nhưng rốt cuộc cũng đều đã từng được trải qua sự dạy dỗ trong gia đình, sự răn dạy của thầy. [Vì thế], tuy có nhất thời mê đắm năm món dục trong sáu trần cảnh, tạo tác nghiệp ác, nhưng khi phải chịu nhiều khổ não rồi liền có khả năng tỉnh ngộ, nhận biết.
Người thời nay tạo tác nghiệp ác, đến chết cũng không tỉnh ngộ là vì sao? Vì không có hạt giống giác ngộ. Người xưa [dù tạo ác] cũng vẫn còn sẵn có hạt giống giác ngộ. Quý vị nói xem, người thời nay thật rất đáng thương, hoàn toàn không có hạt giống giác ngộ!
Các bậc cổ đức khích lệ chúng ta rằng, trong trời đất sẵn có phúc lộc. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì bao nhiêu tài nguyên của cải trong môi trường tự nhiên chính là phúc lộc của trời đất. Nếu chúng ta không giữ gìn thiện tâm thiện hạnh, chuyên cần phấn đấu nỗ lực tu dưỡng tự thân, chúng ta sẽ không được dự phần thụ hưởng những tài nguyên của cải đó.
[Ví như] quý vị trong đời này không tu tập, đời trước có tu tích nhiều phước báo, vì thế hiện nay được hưởng phần phúc lộc, tôi gọi đó chỉ là sự hưởng thụ vật chất. Nói thật ra, ngày nay nếu nói đến đời sống tinh thần thì hoàn toàn không có. Ai là người hiểu được về đời sống tinh thần? Nói đến đời sống tinh thần hiện tại, mọi người đều cho đó là những chốn ăn chơi hoan lạc, đi xem ca nhạc, xem múa hát, vui chơi cuồng loạn, thế mà gọi là đời sống tinh thần sao? Từ nơi ma túy, từ nơi chất kích thích, có hiểu được đời sống tinh thần chăng? Đời sống tinh thần là phải có sự văn minh cao độ, là sự tu dưỡng cao độ mới có thể thấu hiểu được, thể hội được. Ngày nay chỉ thấy toàn là đời sống vật chất. Quý vị nếu có đạt được rồi cũng chẳng làm nên sự nghiệp gì lợi ích cho xã hội, cho chúng sinh. [Người xuất gia như vậy] không tiêu hóa được [hạt cơm tín thí]. Điều này người xưa đã giác ngộ được, đã thể hội được.
Trong kinh điển đức Phật giảng giải điều này hết sức rõ ràng, hết sức sáng tỏ: “Thí chủ nhất lạp mễ, đại như Tu-di sơn. Kim sinh bất liễu đạo, phi mao đái giác hoàn.” (Một hạt gạo [cúng dường] của thí chủ lớn như núi Tu-di. Đời này không đắc đạo, [đời sau] phải mang thân súc sinh để đền trả.) Quý vị cho rằng làm người xuất gia chỉ để được no cơm ấm áo? Cứ xem đi xem lại trong kinh Phát khởi Bồ Tát thù thắng chí lạc thì quý vị có thể hiểu rõ. Chỉ có điều, kinh ấy nằm trong Đại Tạng Kinh, chẳng ai xem đến.
Đức Phật không chỉ giảng trong một bộ kinh, mà việc này được Phật giảng giải rất nhiều lần, trong rất nhiều bộ kinh. Quý vị không đọc qua Đại Tạng Kinh, quý vị làm sao biết được?
Tôi xem trong Đại tạng Kinh, trích thuật một phần, mang ra giảng giải qua mấy lượt, cũng đã cho in ấn xuất bản [thành sách Phát khởi Bồ Tát thù thắng chí lạc kinh giảng ký] cúng dường đại chúng. Liệu có bao nhiêu người qua những lời răn dạy trong đó mà có thể tỉnh ra, có thể giác ngộ? [Những lời dạy trong kinh] rất đáng để chúng ta tự mình phản tỉnh, rất đáng để chúng ta học tập, thật lòng sám hối, sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân, mỗi giây mỗi phút đều tự mình cảnh tỉnh kiêng sợ, không dám quay lại tạo nghiệp xấu ác.
Chúng ta phải học theo chư Phật, Bồ Tát, lấy tâm chân thành đối đãi với người khác, bất kể đó là hạng người nào. Dù là kẻ có nợ nần thù oán với mình, cũng lấy tâm chân thành đối đãi, không khác chư Phật, Bồ Tát. Đem tâm chân thành từ bi hoàn toàn bình đẳng đối đãi với hết thảy chúng sinh. Những chúng sinh nào có duyên [với ta] đều sẽ tiếp nhận, những chúng sinh nào không có duyên sẽ không tiếp nhận.
Những người nào là có duyên? Là những người có thiện tâm. Người có thiện tâm, thiện hạnh sẽ tiếp nhận, tiếp nhận lòng từ bi của chư Phật, Bồ Tát. Người có tâm xấu ác, người làm việc ác, sẽ chê bai bác bỏ lòng từ bi của chư Phật, Bồ Tát. Đó không phải do chư Phật, Bồ Tát không từ bi, không phải chư Phật, Bồ Tát không thương yêu bảo vệ, chỉ do người ấy chê bai bác bỏ, người ấy không tiếp nhận. Tuy người ấy chê bai, bài xích, không tiếp nhận, nhưng tâm thương yêu chân thành của chư Phật, Bồ Tát, lòng từ bi của chư Phật, Bồ Tát đối với người ấy vẫn không giảm thiểu chút nào. Chúng ta học Phật phải từ chỗ này mà học.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.