(Giảng ngày 13 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 26, số hồ sơ: 19-012-0026) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đến đoạn thứ 16 trong Cảm ứng thiên. Chúng ta phân đoạn hoàn toàn y theo sách Vị biên. Đoạn này có hai câu: “Bất lý tà kính. Bất khi ám thất.” (Không làm những việc tà vạy. Chẳng xem thường nơi khuất tất vắng vẻ.)
Đoạn trước đã giảng về phước báo, xét trong toàn bản văn là đoạn thứ ba: “Thị đạo tắc tấn, phi đạo tắc thoái.” (Hợp đạo thì tiếp tục làm, trái đạo thì thối lui.) Hai câu ấy là cương lĩnh tổng quát.
“Bất lý tà kính. Bất khi ám thất.” (Không làm những việc tà vạy. Chẳng xem thường nơi khuất tất vắng vẻ.) Từ câu này trở xuống là nói về việc tu tích phước báo, trong đạo Phật gọi là tu hành.
Điều quan trọng thiết yếu nhất trong sự tu hành là tâm địa phải chân thành. Hai câu này dạy ta về thành ý, chính là từ chỗ căn bản mà khởi sự tu tập. Chữ “lý” (làm) chỉ chung mọi hành động của thân, ý niệm của tâm. Cho nên, khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác đều là “lý”, đều gọi chung là “làm”. Trong hai chữ “tà kính”, tà (tà vạy) được dùng đối lại với chánh (chân chánh). Nói cách khác, “tà kính” là chỉ chung hết thảy mọi sự thấy biết sai lầm tà vạy, nói năng hành động tà vạy, không chân chánh. Cũng có nghĩa là ba nghiệp thân, khẩu, ý trái với đạo lý chân chánh thì đều gọi là tà.
Chữ “khi” (xem thường) là ý nói đã biết rõ mà còn cố ý phạm vào, nên gọi là xem thường, là dối mình, dối người. “Ám thất” (nhà tối) là chỉ nơi [vắng vẻ khuất tất,] người khác không thể nhìn thấy, cũng là nơi bắt đầu phân chia ranh giới [quyết định việc] thiện ác. Việc dứt ác tu thiện phải dụng công từ chỗ này, đó là tu hành chân chánh.
Hai câu này là thực tiễn chân thành, là mẫu mực của sự chân thành. Chúng ta muốn tự xét bản thân mình xem đã đạt đến sự chân thành hay chưa, có thể dùng [hai câu] tám chữ này để so sánh, kiểm tra mà biết được. Cho nên, hai câu tám chữ này nói lên được những ý nghĩa hết sức tinh vi, tế nhị.
“Bất lý tà kính” (không làm những việc tà vạy) cũng chính là như Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ: “Đoan tâm, đoan ý, đoan thân” (tâm, ý, và thân đều ngay thẳng), ý muốn nói là chân chánh ngay thẳng. Người thế gian thường nói là “đường đường chính chính”. Người Trung quốc thời xưa thì tiêu chuẩn mong đợi đối với giới trí thức là phải “quang minh chính đại”, phải “đường đường quân tử”. Do đó có thể biết rằng, Nho gia nói về tiêu chuẩn của người quân tử là phải như hai câu này: “Không làm những việc tà vạy. Chẳng xem thường nơi khuất tất vắng vẻ.”
Nền giáo dục của Nho gia phân chia thành ba mức độ [đào tạo] là người quân tử, người hiền và bậc thánh nhân. Đó là mục đích của giáo dục [theo Nho gia]. Cho nên nói rằng, chí hướng của người đọc sách là thánh hiền, đi học là để thành bậc thánh, để thành người hiền. Quân tử là [tiêu chuẩn] căn bản để làm người hiền, để thành bậc thánh, nên muốn làm bậc thánh hiền thì [trước hết] phải làm được như tám chữ này: “Bất lý tà kính. Bất khi ám thất.” (Không làm những việc tà vạy. Chẳng xem thường nơi khuất tất vắng vẻ.)
Phật pháp giảng giải rõ ràng hơn. Giáo dục trong Phật giáo cũng phân chia thành quả thành ba bậc là A-la-hán, Bồ Tát và Phật. So sánh với Nho gia thì A-la-hán và quân tử giống nhau, Bồ Tát là người hiền và Phật là bậc thánh nhân. Tuy cũng phân chia ba bậc tương tự như vậy, nhưng trong thực tế có sự khác biệt cao thấp rất lớn.
Giáo dục của Nho gia là [giới hạn] trong một đời này, khởi đầu là dạy con từ lúc trong thai và kết thúc là già chết, tang sự hợp lễ, thờ cúng chân thành. Nhưng giáo dục trong Phật giáo là gồm đủ ba đời, có đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai. Về mặt không gian thì Phật giáo nói đến các pháp giới cùng khắp trong hư không, đó là chỗ mà nội dung giáo dục của Nho gia không thể theo kịp. Cho nên, giáo dục trong Phật giáo giảng giải hết sức tinh tế tường tận, hết sức chu đáo, giúp người nhận biết rõ ràng rồi thì tự hiểu được là nên làm người tốt, nên làm người hiền thiện, không nên làm người xấu ác, không nên làm người bất thiện, mong cho người khác cũng được hiền thiện như mình, được vậy thì vui sướng biết bao.
Chúng ta mong cầu sao cho cả gia đình làm người thiện, cả đất nước cùng làm thiện, cả thế giới đều làm thiện. Quý vị có tâm nguyện như vậy, hành trì như vậy thì tương ưng với Phật đạo. Như vậy thì đương nhiên khi nói đến “những việc tà vạy” quý vị có thể “không làm theo”, nói đến “chỗ khuất tất vắng vẻ” quý vị có thể “chẳng xem thường”.
Trong quá khứ, người đời đều biết [làm điều hiền thiện để] cầu phúc cho con cháu. Người thời nay rất ít [người như vậy], trong thực tế đều chỉ lo cho tự thân mình. Có thể quan tâm đến gia đình, quan tâm đến vợ con cũng đã xem là người tốt rồi. Nhưng con cái quan tâm đến cha mẹ thật ít có, thực tế mà nói là không gặp được nhiều. Thực trạng này Nho gia gọi là “nhà không ra nhà, nước không ra nước”.
Gia đình là căn bản của đất nước, [người trong một nhà] là sự kết hợp bởi ân nghĩa. [Mọi người cùng] lo lắng cho nhau, quan tâm đến nhau, hòa hợp giúp đỡ cho nhau, như vậy mới có ân, như vậy mới có nghĩa. Nếu [mỗi người] chỉ biết lo cho bản thân mình, chỉ nghĩ đến riêng mình, không quan tâm người khác, thì [gia đình như thế] không có ân nghĩa.
[Quan hệ] ân nghĩa [trong gia đình] vốn là lẽ tự nhiên, nhưng cũng cần có sự bồi đắp qua thời gian. Nếu hoàn cảnh về sau có trắc trở, ân nghĩa bị lợi nhuận, tham dục che lấp, khi ấy người ta chỉ còn biết tranh danh đoạt lợi, lời nói việc làm đều là vong ân phụ nghĩa. Như vậy thì khởi tâm động niệm cho đến hết thảy việc làm, nếu nói đến chỗ như trong hai câu này thì đối với “những việc tà vạy” không thể “không làm theo”, đối với “chỗ khuất tất vắng vẻ” không thể “chẳng xem thường”.
Cho nên, giáo dục quan trọng hơn tất cả. Chỉ có giáo dục mới có thể bổ sung những khiếm khuyết bẩm sinh [của mỗi người], mới có thể hoàn thành tốt sự phát triển căn lành đời trước. Do đó, các bậc đại thánh đại hiền trong đạo xuất thế cũng như thế gian, không một vị nào không đem hết tâm lực đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt là [các vị luôn] chú trọng đến giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chỉ cần hai phạm trù giáo dục này được thực hiện cho thật tốt thì xã hội tự nhiên được an định, thế giới nhất định có hòa bình.
Nhưng làm thế nào để thực hiện tốt? [Xét ở điểm này thì nội dung] hai câu “Bất lý tà kính. Bất khi ám thất” là quan trọng thiết yếu. Hai câu này là [dạy về] thân giáo, là ý giáo. Trong nhà Phật nói về “tam luân thuyết pháp”, “tam luân” đó là thân, khẩu và ý. Thân phải nêu gương tốt, làm khuôn mẫu tốt cho người trong gia đình noi theo, nhất là con cái.
Cha mẹ phải nêu gương tốt cho con cái. Từ thuở nhỏ, [những gì] mỗi ngày luôn nhìn thấy trong tầm mắt từ sáng đến tối sẽ tạo một ấn tượng cực kỳ sâu sắc. Cho nên, muốn dạy con cái thành người tốt thì cha mẹ trước hết phải nêu gương tốt, tương lai con cái trưởng thành tự nhiên sẽ thành người hiền hậu, sáng suốt. Tương tự như vậy, thầy cô giáo ở trường học muốn học sinh của mình tương lai được thành tựu, cống hiến cho xã hội, cống hiến cho chúng sinh, thì cũng phải tự mình nêu gương tốt.
Ở độ tuổi còn đi học, khả năng [học hỏi theo cách] mô phỏng, bắt chước của học sinh đặc biệt rất tốt. Ở trường học thì các em học theo thầy cô giáo, trong gia đình thì học theo cha mẹ. Nếu như cha mẹ, thầy cô giáo đều không nêu gương tốt mà muốn thế hệ tiếp theo mình được thành tựu thì quả thật rất khó.
Ngày nay nhiều người có quan điểm sai lầm, cho rằng con cái hoặc học trò của mình có được tri thức về kỹ thuật, về khoa học thường thức, có năng lực kiếm tiền là tốt rồi. Quan niệm như vậy là sai lầm. Ở các nước tiên tiến trên thế giới ngày nay, thực sự có không ít khoa học gia với năng lực, kỹ thuật, khoa học thường thức, mỗi ngày đều đang phát minh, chế tạo. Họ chế tạo những gì? Chế tạo những vũ khí tinh xảo hiện đại, người bình thường không thể làm ra được. Chế tạo những thứ ấy để làm gì? Để giết người, để hủy diệt thế giới. Cha mẹ có con em như thế, thầy cô giáo có học trò như thế, có cảm thấy vẻ vang, vinh dự hay chăng? Đó là một quan niệm hết sức sai lầm.
Nếu như nuôi dưỡng một đứa con, dạy dỗ một học trò, để tương lai thành người chế tạo các vũ khí khoa học kỹ thuật cao nhằm hủy diệt thế giới, tất nhiên không thể bằng nuôi dưỡng một đứa con tốt, dạy dỗ một học sinh tốt có thể mang lại phước lành cho xã hội, tạo phước cho mọi người. Hai việc này đem ra so sánh với nhau, chúng ta sẽ chọn lựa thế nào? Đó là trí tuệ, đó là phúc đức.
Nếu quả thật quý vị thực sự tham cứu thấu suốt ý nghĩa này thì những gì có ảnh hưởng xấu đối với chúng sinh, đối với xã hội, thảy đều là “những việc tà vạy”. Trong giới luật nhà Phật cũng nghiêm cấm không được chế tạo những công cụ giết hại sinh mạng. Thời xưa chế tạo những thứ như đao, thương, cung tên... cũng đều là công cụ giết hại sinh mạng, giới luật nhà Phật đều nghiêm cấm. Không chỉ nghiêm cấm việc chế tạo mà kể cả việc mua bán [các thứ ấy] cũng là phạm giới, cũng là phá giới.
Thời xưa, những binh khí, công cụ giết hại đó, trong thực tế thì mức độ sát thương rất nhỏ [so với vũ khí ngày nay], để giết một con vật nhỏ thôi cũng đã phải mất không ít sức lực. Hiện nay chỉ một lần nhấn nút, một đầu đạn nguyên tử nổ tung thì có đến mấy triệu người mất mạng, như thế có thể xem là vẻ vang vinh dự hay sao? Nếu nói đó là vẻ vang vinh dự, thì ấy là vinh dự của ma vương, của quỷ quái, chẳng phải vinh dự của con người. Loài người phải buồn khổ bi ai, hai cõi trời người đều buồn khổ bi ai thì tà ma cảm thấy là vinh dự. Cụm từ “những việc tà vạy” xét trong bối cảnh ngày nay thì ý nghĩa thật quá lớn lao hơn so với thời xưa.
Ý nghĩa của hai chữ “ám thất” (nơi khuất tất vắng vẻ) cũng rất sâu xa, chỉ cho những nơi mà người khác không nhìn thấy được. Quý vị sống một mình trong một ngôi nhà, đó là nghĩa đen của từ “ám thất”. Nhưng ý nghĩa sâu xa hơn, ý nghĩa tinh tế hơn lại chỉ đến những ý niệm sâu kín trong lòng ta. Ngay cả khi giữa thanh thiên bạch nhật, đối diện cùng nhau thì người khác cũng không thể biết được quý vị đang che giấu những gì trong lòng. [Do đó,] quý vị khởi lên một ý niệm gì cũng đều gọi là ở trong “ám thất”. Nên có thể thấy rằng, ý nghĩa của hai chữ “ám thất” cũng rất sâu rộng.
Thực sự đạt đến mức độ dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào cũng không tự dối mình, không dối người, đó là công phu thành kính. Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta phải “tồn thành, tận phận” (giữ lòng thành, hết bổn phận). “Tồn thành” (giữ lòng thành) là lưu tâm giữ ý. Tám chữ “Bất lý tà kính. Bất khi ám thất” đều là nói về việc lưu tâm giữ ý. “Phận” là bổn phận, phải làm hết bổn phận của mình vì lợi ích xã hội, lợi ích chúng sinh. Nhất định không vì bản thân mình. Nếu vì bản thân mình là rơi vào lầm lỗi. Quý vị sẽ hỏi tại sao vậy? [Đó là vì, kẻ] vì bản thân mình là mê muội, người vì tất cả chúng sinh là giác ngộ. Nếu vì tất cả chúng sinh thì bản thân mình cũng là một chúng sinh trong đó, nên hoàn toàn công tâm không vì lợi ích riêng.
Do đó có thể biết rằng, vì tất cả chúng sinh là vì cái ngã lớn lao rộng khắp, là cái ngã chân thật. Vì bản thân mình là vì cái ngã nhỏ nhoi hẹp hòi, là cái ngã hư giả. Ý nghĩa này, sự thật này nhất định phải thấu hiểu thật rõ ràng, sáng tỏ, sau đó mới có thể thấu triệt được ý nghĩa của hai câu “Bất lý tà kính. Bất khi ám thất”, mới biết được hai câu này nên thực hiện như thế nào. Hơn thế nữa, mới hiểu được rằng nhất định phải làm theo.
Hai câu này chính là [nói về] lòng sâu vững trong tâm Bồ-đề. Lòng sâu vững luôn yêu chuộng điều lành, yêu chuộng đức hạnh, thực sự vui thích, không mảy may miễn cưỡng. Tu tạo phước lành, tích lũy công đức, thảy đều dựa trên căn bản này mà phát triển sâu rộng. Cho nên, nếu không lưu tâm giữ ý thế này thì không cần nói đến chuyện tu tập của quý vị sẽ khó khăn, mà ngay như trong cuộc sống thế tục muốn cầu được tránh dữ gặp lành, tai qua nạn khỏi cũng đều không thể được.
Trong Phật giáo, bất kỳ tông phái nào cũng đều dạy người tu hành phải bắt đầu từ chỗ căn bản. Hai câu “Bất lý tà kính. Bất khi ám thất” này chính là căn bản quan trọng nhất, ý nghĩa sâu rộng không cùng tận, hy vọng quý vị đồng học phải lưu ý, thực sự nỗ lực học tập.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.