(Giảng ngày 29 tháng 7 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 65, số hồ sơ: 19-012-0065) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Chúng ta đã giảng đến: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu. Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương.” (Thương yêu giúp đỡ người cô độc góa bụa, kính trọng người già lo cho trẻ thơ. Côn trùng cỏ cây cũng không được làm hại.)
Bốn câu này giảng về việc thực hành đức nhân ái.
Tiếp theo câu thứ 24 là: “Nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện.” (Phải thương xót trước việc ác của người, vui mừng với việc thiện của người.) Và theo sau nữa là: “Tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy.” (Giúp người khi khẩn cấp, cứu người lúc nguy nan.)
Những câu này đều nói về thực hành đức nghĩa hiệp.
Nhân ái và nghĩa hiệp đều là sự vận dụng trung hiếu vào thực tế. Phần trước đã giảng qua với quý vị, trong nhà Phật thì hiếu là tự tính, là tính thể, trung là chỗ vận dụng lớn lao của tự tính ấy. Đạo Phật gọi là trung đạo. Chư Phật Như Lai, các bậc Pháp thân Đại sĩ trong mọi sinh hoạt, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, thị hiện đủ các pháp, giáo hóa đủ các môn, hết thảy đều là thực hành đức trung.
Trung là vận dụng hiếu vào thực tế, nhân nghĩa lại là sự vận dụng thực tế của đức trung. Những ý nghĩa này chúng ta phải hiểu thật rõ ràng. Chúng ta học Phật phải bắt đầu từ đâu, tự mình phải nhận hiểu rõ, phải sáng tỏ. Con người nếu không hiểu rõ được những ý nghĩa lớn lao này thì như người xưa thường nói, so với cầm thú không khác biệt gì. Cầm thú là động vật, con người cũng là động vật. Chỗ khác nhau giữa người và thú là con người có thể nhận hiểu được nguyên lý lớn lao của nhân sinh vũ trụ, thấu hiểu được thật tướng của các pháp. Như thế mới gọi là làm người. Những ý nghĩa lớn lao đó nhất định không phải sinh ra đã tự biết được. Lịch sử từ xưa đến nay, trên khắp hoàn cầu, chưa từng thấy ai sinh ra đã biết. Tất cả đều phải học qua mới biết.
Trong việc học thì mỗi người bẩm sinh năng khiếu không giống nhau, nhà Phật thường nói có ba hạng căn tánh: thượng căn, trung căn và hạ căn. Bậc thượng căn có khả năng tiếp thu mạnh mẽ, có thể nghe một biết mười, một lần nghe ngàn lần ngộ. Bậc trung căn thì kém hơn, hàng hạ căn lại càng kém hơn nữa.
Sự khác biệt về căn tánh như vậy do đâu hình thành? Người đời quả thật mê muội, có người nói là do di truyền. Nếu quả thật do di truyền, sao có những trường hợp cha mẹ hết sức thông minh mà con cái vô cùng ngu tối? Nếu nói do di truyền thì những trường hợp này không thể giải thích thông suốt được. Lại có những trường hợp cha mẹ không thông minh, chỉ là những người hết sức bình thường, nhưng con cái lại cực kỳ thông minh. Như vậy có thể thấy là cách hiểu do di truyền không thể đứng vững.
Đức Phật giải thích điều này rất hay. Do từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi chúng sinh đều có tập tính khác biệt nhau. Cách giải thích này chúng ta nghe qua liền có thể chấp nhận được. Con người nhất định không chỉ có một đời này. Nếu quả thật cho rằng con người chỉ có một đời này, không có đời sau, đó là rơi vào đoạn kiến. Có người lại nói, con người chết đi rồi luôn sinh trở lại làm người. Đức Phật dạy rằng cách hiểu như thế là thường kiến. Cả hai cách nhận hiểu này đều sai lầm.
Ấn Độ vào thời cổ đại có rất nhiều tôn giáo, bậc thầy của các tôn giáo ấy đều có tu thiền định. Chúng ta biết rằng, thiền định có khả năng đột phá các chiều kích thời gian và không gian. Nói cách khác, những người tu thiền định có thể thấy biết được về không gian bốn chiều, không gian năm chiều, thậm chí là những chiều không gian cao hơn nữa. Phạm vi đời sống của họ như vậy là rất lớn lao, biết được rất nhiều điều. Cho nên họ thấy được đến các tầng trời Dục giới, Sắc giới, thấy biết được trạng huống đích thực của sáu đường luân hồi. Vì thế, thuyết về sáu đường luân hồi không phải do Phật nói ra, mà vốn đã có từ trước thời Phật ra đời. Các tôn giáo của Ấn Độ thời cổ đại đã từng thấy biết được, đã chứng thực được hiện trạng như vậy.
Tôi từng sống ở Hoa Kỳ rất nhiều năm. Tại Hoa Kỳ có nhiều người cũng chứng minh được sự tồn tại của sáu đường luân hồi. Họ không dùng thiền định để thấy biết, họ dùng phép thôi miên. Nói thật ra, thôi miên cũng là một trong các pháp thiền định, nhưng không phải thiền định ở mức thâm sâu, đó là sự tập trung ý chí. Nếu không tập trung ý chí thì không thể đi vào trạng thái thôi miên. Đối với người tư tưởng rối loạn xen tạp thì các nhà thôi miên cũng không can thiệp gì được.
Làm cách nào mới thể nhập được vào trạng thái thôi miên? Phải nghe theo sự chỉ dẫn của người thôi miên, lắng nghe lời họ, họ bảo làm gì thì phải hoàn toàn làm theo đúng vậy. Như thế thì rất dễ đi vào trạng thái thôi miên. Đi vào trạng thái thôi miên rồi thì người ấy có thể nhớ biết được về đời quá khứ, trước đó một đời, hai đời. Nếu thể nhập được sâu thì có thể biết đến ba đời, bốn đời. Bình thường nhất là biết được quá khứ một đời trước. Điều này rất phổ biến. Có thể biết được đến ba đời, bốn đời thì hiếm có lắm. So với pháp thiền định của Phật giáo mà nói thì đó là công phu định lực được sâu hơn. Cho nên, việc này không phải giả dối.
Người chết rồi không phải hết chuyện. Nếu chết là hết chuyện thì chúng ta còn học Phật làm gì? Như vậy thì không cần thiết nữa. Nhưng con người sau khi chết còn rất nhiều việc, nhiều đến vô cùng vô tận. Sự thật này chúng ta phải nhận hiểu thật rõ ràng, sáng tỏ. Chúng ta biết là có đời trước, có đời sau, nên người thông minh có con mắt nhìn thấu trước sau, đó là điều người xưa đã nói. Thế nào là con mắt nhìn thấu trước sau? Là thấy được đời trước, thấy được đời sau. Con mắt nhìn như vậy là thấy được rất xa.
Người có thể nhìn thấy được quá khứ, vị lai thì không tạo nghiệp nữa. Vì sao vậy? Vì họ biết được rằng nghiệp thực sự có quả, việc thiện có quả lành, việc ác có quả xấu ác. Cho đến y báo và chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới, mà không chỉ mười pháp giới, cho đến pháp giới nhất chân ở địa vị chư Phật Như Lai, như kinh Hoa Nghiêm nói là thế giới Hoa Tạng, Tịnh độ tông nói là thế giới Cực Lạc, hết thảy cũng đều không ra ngoài nguyên lý nhân quả. Mọi người đều biết, kinh Hoa Nghiêm giảng về “ngũ chu nhân quả”, kinh Pháp Hoa giảng về “nhất thừa nhân quả”, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, hết thảy đều không xa lìa nhân quả. Đó là chân lý.
Giảng về nhân quả đến chỗ rốt ráo, các bậc tổ sư, đại đức xưa nay có một câu tổng kết: “Lý bất xuất tâm tính, sự bất xuất nhân quả.” (Lý lẽ không ra ngoài tâm tánh, sự tướng không ra ngoài nhân quả.) Hai câu này nói lên toàn bộ những điều giảng dạy của đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong suốt 49 năm.
Đạo Phật đã như vậy, Nho gia, Đạo gia của Trung quốc đâu lẽ nào lại không như vậy? Không chỉ là về mặt lý luận hoàn toàn tương đồng, cho đến trong các pháp thế gian cũng giống nhau về đại thể, chỉ khác biệt tiểu tiết, hết thảy đều không ra ngoài một chữ trung này.
Thế nào gọi là trung? Gần đây tôi đã giảng giải không ít lần, nhân vì giảng trong Cảm ứng thiên có nói đến hai chữ trung hiếu. Những chữ này trong tâm Bồ-đề gọi là tâm sâu vững. Chữ hiếu, trong tâm Bồ-đề gọi là tâm ngay thẳng, cũng chính như Phật dạy trong Quán kinh là tâm chí thành. Chân thành đến hết mức, đó là trung hiếu. Chỉ một mảy may thiên lệch là rơi vào bất trung, là bất trung bất hiếu. Ai có thể thực hiện trung hiếu đến mức trọn vẹn đầy đủ? Là địa vị chứng quả Như Lai. Đó là nói đến mức rốt ráo trọn vẹn đầy đủ. Trung hiếu đã trọn vẹn đầy đủ, nhân nghĩa đương nhiên cũng trọn vẹn đầy đủ, cũng là nói sự vận dụng thực tế vào đời sống, trong cách xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc với muôn vật, hết thảy đều đạt đến mức cực kỳ trọn vẹn, đầy đủ.
Bồ Tát Đẳng Giác [so với chuẩn mực này] lệch đi một độ, nếu chúng ta nói [trong tổng thể] 360 độ [của phương hướng]. Bồ Tát Đẳng giác chỉ lệch đi một độ, như vậy là cực kỳ gần sát [với chuẩn mực của Như Lai]. Bồ Tát Pháp Vân Địa lệch đi hai độ. Nếu chúng ta cứ theo cách này mà nói thì Bồ Tát ở địa vị Sơ tín lệch đi bao nhiêu? Lệch đi năm mươi hai độ. Năm mươi hai độ cũng xem là tốt lắm rồi. Phàm phu chúng ta lệch đến một trăm tám mươi độ, [nghĩa là theo hướng hoàn toàn ngược lại]. Do đó có thể biết rằng, chúng ta học Phật là học những gì? Chỉ là học trung, hiếu, nhân, nghĩa mà thôi.
Hôm nay chúng ta đọc đến câu thứ 24 này: “Nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện.” (Phải thương xót trước việc xấu ác của người, vui mừng với việc thiện của người.) Lại tiếp theo sau là: “Tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy.” (Giúp người khi khẩn cấp, cứu người lúc nguy nan.) Chúng ta ngày nay nhìn vào bốn chữ “hung, thiện, nguy, cấp” có cảm xúc rất sâu xa.
Những điều hung tai, nguy cấp trong hiện tại này quá nhiều, quá nghiêm trọng, dường như lan rộng khắp toàn cầu. Điều này do nhân tố nào tạo thành? Y theo lời giảng của người xưa ở Trung quốc thì đó là do không được giáo dục, là mất dạy. Vào thời xưa, hai chữ “mất dạy” này là vô cùng nặng nề nghiêm trọng. “Mất dạy” là chỉ những người chưa từng được nhận sự dạy dỗ, giáo dục. Người xưa bất cứ ai nghe đến hai chữ này cũng đều cảm thấy hết sức nhục nhã xấu hổ. “Mất dạy”, không được dạy dỗ, giáo dục thì quý vị không biết đạo làm người. Nhưng hiện nay nói đến mấy chữ này thì người ta không hiểu, nghe rồi không hiểu, không biết được trong đó có ý nghĩa gì.
Về giáo dục, ngày nay mọi người nhìn bề ngoài đều thấy có vẻ như đang phát triển vượt trội. Nhưng giáo dục theo Phật giáo so với giáo dục trong xã hội chúng ta ngày nay hoàn toàn khác nhau. Xã hội hiện nay giáo dục những gì? Là giáo dục [những kiến thức] khoa học kỹ thuật. Giáo dục khoa học kỹ thuật, chúng ta hiện nay ngẫm nghĩ xem, là nền giáo dục hoàn toàn trái ngược với phép tắc trong tự nhiên. Mỗi ngày, mọi người đều làm những việc đi ngược với phép tắc trong tự nhiên.
Cho nên, có những nhà tiên tri ở nước ngoài, tôi có xem qua sách của họ, nói rằng trái đất này đang trả thù toàn bộ nhân loại. Quý vị làm thương tổn, hủy hoại trái đất, trái đất phải báo thù quý vị. Nghe ra thật giống như lời nói đùa, nhưng thực tế hiện nay biết bao nhiêu thiên tai, nhân họa, chẳng phải là trái đất này đang phản kháng, chống lại nhân loại đó sao? Con người vẫn cứ mơ hồ chẳng hiểu biết gì, cho rằng đó những tai họa do tự nhiên, không liên quan gì đến hành vi của chúng ta. [Sai lầm như thế] là vì không được tiếp nhận sự giáo dục.
Sự giáo dục của các bậc hiền thánh xưa, không chỉ riêng trong nhà Phật, cho đến Nho gia, Đạo gia, các nhà giáo dục từ thời Tiên Tần, hết thảy đều giảng nói về đạo làm người. Tôn chỉ của giáo dục trước hết là dạy người hiểu rõ về mối quan hệ giữa người với người, tức là giềng mối đạo lý làm người. Người Trung quốc gọi là giáo dục luân lý. Cho nên dân tộc Trung quốc trải qua mấy ngàn năm duy trì, đến ngày nay vẫn không bị đào thải, vẫn không bị diệt vong, đó là nhờ những nhân tố gì? Chính là nhờ giáo dục luân lý.
Tôn chỉ thứ hai của giáo dục là dạy người rõ biết về mối quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên, biết thương yêu muôn vật. Giáo dục luân lý dạy quý vị yêu thương con người, còn giáo dục loại này dạy quý vị biết thương yêu muôn vật, thương yêu bảo vệ môi trường sống của chúng ta, bảo vệ nơi cư trú cũng như muôn vật quanh ta. Đó là sự thật.
Quý vị chỉ cần lưu ý một chút thôi, như nói về việc trồng hoa. Có rất nhiều người yêu thích hoa lá cây cỏ. Quý vị đối với cây hoa có lòng thương yêu, cây hoa đặc biệt lớn nhanh, tươi tốt. Đó là đáp lại tình thương của quý vị. Nếu quý vị đối với hoa không có lòng thương yêu, hoa cũng nở nhưng không đẹp, cũng lớn lên nhưng không tươi tốt, dù cũng chính là cây hoa đó, là bồn hoa đó.
Chúng ta có thể thấy rất rõ ràng, trước đây [Hàn] quán trưởng rất thích chơi hoa, bà quan tâm chăm sóc, những bông hoa ấy nở ra đặc biệt xinh đẹp. Lúc bà đi du lịch nước ngoài, giao người khác chăm sóc, đến lúc trở về hoa khô héo đến mức như gần chết. Bà phải mất đến một, hai tuần mới có thể làm hoa hồi phục. Cây cỏ cũng cảm thông được tình người.
Người đời còn nói hoa có thần hoa, cỏ có thần cỏ. Đối diện chúng ta có mấy khóm xương rồng đang nở hoa, mỗi đóa hoa đều có một vị thần hoa, chúng ta mắt thường không nhìn thấy được. Quý vị đối tốt với hoa, hoa báo đáp quý vị [bằng cách lớn nhanh tươi tốt]. Quý vị đối với hoa không tốt, hoa cằn cỗi, khô chết. Quý vị quan sát kỹ thì hiểu được.
Giáo dục sâu hơn một bậc là giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ với quỷ thần trong trời đất, đó cũng là vượt qua chiều kích không gian, thời gian bình thường. Cũng giống như hết thảy mọi người cùng nhau chung sống được thì mới có thể vui vẻ, mới có thể dung hợp. Cho nên, mục đích của giáo dục nằm ở đâu? [Mục đích ấy] không ra ngoài việc dạy người có thể chung sống vui vẻ với người khác, với muôn vật, với quỷ thần trong trời đất, có thể tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau, thương yêu kính trọng lẫn nhau, hợp tác cùng nhau. Được như vậy thì mới có thể sống một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn chính là thế giới Cực Lạc, chính là pháp giới nhất chân.
Cho nên Phật dạy chúng ta sống với trí tuệ chân thật trọn đủ, nhất định không rơi vào mê tín. Con người nếu không có trí tuệ thì đời sống hết sức đắng cay khổ sở, hết sức đáng thương.
Thế giới ngày nay vì sao đầy dẫy tai nạn hung hiểm? Đầy dẫy những nguy cơ? Là vì nền giáo dục của thánh hiền đã mất đi, không còn ai đề xướng dạy dỗ, cũng không còn ai chịu học.
Hôm nay chúng ta cùng ở nơi này, chỉ một số ít quý vị đồng tu, chúng ta thật vô cùng may mắn, dù sống trong thời đại này mà vẫn còn nghe được những lời răn dạy của thánh hiền, vẫn còn có thể đọc sách thánh hiền. Điều này quả đúng như cư sĩ Bành Tế Thanh đã nói: “Vô lượng kiếp lai hy hữu nan phùng đích nhất nhật.” ([Gặp được Phật pháp] chính là một ngày hiếm có khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay.) Chúng ta đã gặp được rồi vậy.
Gặp được [Phật pháp] là thuận duyên đã đầy đủ, vậy quý vị có thể thành tựu hay không? Còn phải xem căn lành phúc đức của quý vị [như thế nào nữa]. Những gì gọi là căn lành? Là khi quý vị tiếp xúc [với Phật pháp] rồi thì sinh lòng hoan hỷ, có thể tin nhận, có thể hiểu rõ. Đó chính là căn lành của quý vị.
Phúc đức là khả năng vận dụng của quý vị trong thực tế. Quý vị có thể đem những điều đã tin nhận, đã hiểu rõ, vận dụng vào đời sống thực tế hằng ngày, vào việc xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc với muôn vật. Quý vị có thể giống như chư Phật, Bồ Tát, giống như các vị thánh hiền xưa biết thương người yêu vật, đó là phúc đức của quý vị.
Căn lành, phúc đức với nhân duyên, ba yếu tố này đều hội đủ thì quý vị trong một đời này sẽ có sự thành tựu rất lớn lao. Thành tựu rất lớn lao đó là gì? Là vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, thành Phật, thành Bồ Tát.
Làm Phật, làm Bồ Tát không phải thần tiên, không nên hiểu sai như vậy. Phật, Bồ Tát có ý nghĩa gì? Người Ấn Độ gọi là Phật, người Trung quốc gọi là thánh nhân. Người Ấn Độ gọi là Bồ Tát, người Trung quốc gọi là hiền nhân. Phật, Bồ Tát là những vị đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh có thể hiểu biết thấu triệt, sáng tỏ. Làm người phải hiểu biết sáng tỏ, đừng làm người hồ đồ. Hiểu biết sáng tỏ là thánh nhân, hồ đồ mê muội là phàm phu. Điều này chúng ta cần phải hiểu biết thật rõ ràng.
Sự khác biệt giữa thánh nhân với phàm phu tôi đã giảng giải rất nhiều. Chúng ta phải học tập như thế nào? Giáo trình đang dùng đây là tư liệu hết sức tốt [để học tập]. Không cần phải học toàn bộ quyển sách, chỉ học được một câu, vài câu trong đó là được lợi ích suốt đời không hết rồi.
Thế gian hiện nay nhiều tai nạn, quý vị đều biết. Cũng có rất nhiều người khuyên rằng phải tìm những nơi an toàn để dời đến đó sống. Nói như vậy có đúng không? Nói thì không sai, nhưng quý vị còn phải nhìn lại [các phẩm chất] trung hiếu, nhân nghĩa. Nếu là người bất nghĩa, sống buông thả, gọi là bừa bãi buông thả, thì người như thế dù sống ở thế gian cũng nào có ý nghĩa gì? Xã hội Trung quốc ngày trước thường có câu: “Sĩ vị tri kỷ giả tử.” (Kẻ sĩ sẵn lòng chết vì tri kỷ.) Kẻ sĩ là những ai? Là những người có học, người trí thức, người hiểu rõ lý lẽ, người sẵn sàng vì nhân nghĩa đi vào chốn nước sôi lửa bỏng không từ nan. Người như thế sống mới có ý nghĩa, sống mới có giá trị. [Người như thế] làm sao có thể tham sống sợ chết? Làm gì có lý lẽ đó? Huống chi trong Kinh điển đức Phật đã vì chúng ta giảng giải rất rõ ràng: “Cảnh tùy tâm chuyển.” (Hoàn cảnh tùy theo tâm mà chuyển đổi.)
Chúng ta cần phải chuyển biến cảnh giới này, hoàn cảnh này, giải pháp của vấn đề khẳng định phải là như vậy. Phải từ đâu mà chuyển đổi? Phải bắt đầu chuyển từ tâm địa, chuyển tâm phàm thành tâm Phật, cũng là chuyển phàm thành thánh. Tâm chuyển đổi được rồi thì thân liền chuyển đổi. Đích thực trong Phật pháp có dạy pháp không già, không bệnh, không chết. Đó là chân thật, tuyệt đối không giả dối.
Ai có thể thực hiện được [những pháp ấy]? Chư Phật, các bậc Pháp thân Đại sĩ có thể thực hiện được. Chúng ta nếu như có thể vượt lên đến cảnh giới của các bậc Pháp thân Đại sĩ thì cũng có thể thực hiện được.
Do đâu mà có bệnh, có già, có chết? Do quý vị có ý niệm, có vọng tưởng. Chỉ cần quý vị có vọng tưởng, có phân biệt, có bám chấp, nhất định quý vị phải có già, có bệnh, có chết. Điều này chúng ta đọc thấy trong rất nhiều Kinh điển Đại thừa. Quý vị thực sự không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có bám chấp, thì tự nhiên quý vị không già, không bệnh, không chết.
Cho nên, bệnh từ đâu sinh ra? Chẳng phải đức Phật thường giảng là do ba món độc tham lam, sân hận và si mê đó sao? Trong lòng quý vị có tham, có sân, có si, tâm đó của quý vị độc hại không gì bằng, đó chính là virus gây bệnh. Trong lòng có virus nghiêm trọng gây bệnh, bên ngoài có năm món dục, sáu trần cảnh dẫn dụ mê hoặc, tấn công vào, quý vị làm sao có thể không sinh bệnh? Nhà Phật đã tìm ra được căn nguyên của bệnh tật là như vậy.
Các bậc thánh nhân Trung quốc cũng rất siêu việt. Sách y học của Trung quốc, đứng đầu là bộ Hoàng Đế Nội Kinh, nội dung phần Linh Khu của sách này không nói gì về trị bệnh, chỉ giảng về phép trường sinh, [giúp người sống lâu]. Người Trung quốc thời xưa cho rằng tuổi thọ con người ít nhất cũng có thể sống được đến hai trăm năm. Con người là một cỗ máy, nếu có thể bảo dưỡng tốt, chăm sóc tốt thì tuổi thọ phải lên đến vài trăm năm. Chưa được vài trăm năm mà quý vị đã chết thì đó là quý vị đã không chăm sóc, bảo dưỡng tốt. Điều này cũng giống như ngày nay chúng ta sử dụng máy móc. Quý vị không chăm sóc tốt thì sẽ làm hỏng máy.
Người Trung quốc thời xưa biết quan tâm chăm sóc thân tâm, cũng là chú trọng đến giữ lòng thanh tịnh, ít ham muốn, so với giáo lý nhà Phật thật đã rất gần. Giữ lòng thanh tịnh, ít ham muốn, so với Phật pháp thì dứt trừ hết dục vọng, cho nên lòng thanh tịnh đạt đến mức rốt ráo, còn ít ham muốn thì chưa phải là dứt sạch.
Rất nhiều người thấy thân thể tôi khỏe mạnh, đã cao tuổi thế này rồi vẫn có thể đi lại nhanh nhẹn, nguyên nhân là nhờ đâu? Là do tôi ít ham muốn hơn so với mọi người. Ý nghĩa là như vậy. Do đó mà tiến trình lão hóa được chậm lại, bệnh tật quả thật được giảm thiểu. Mỗi ngày tôi ăn một bữa, rất bình thường, tinh thần rất tốt. Rất nhiều người quan tâm đến tôi, sợ tôi [ăn uống như vậy] không đủ dinh dưỡng, liền mang đến món này, món nọ, tôi chỉ thấy phiền phức.
Phải chăm sóc bản thân như thế nào? Giữ lòng thanh tịnh, ít ham muốn. Tốt nhất là mỗi ngày đều giảm bớt đi những ham muốn của mình. Mỗi năm đều giảm bớt như vậy, cho đến khi không còn nữa, đó mới [thực sự trở lại] là một người bình thường.
Thầy tôi dạy tôi nhìn thấu, buông hết. Chư Phật Như Lai triệt để buông hết, buông hết những danh tiếng, lợi dưỡng, buông hết những dục vọng hiện có, thậm chí đến thân này cũng buông xả, mọi ý niệm đều buông xả. Khởi tâm động niệm, nói thật ra đều không khởi tâm. Nếu quả thật có khởi tâm động niệm thì quý vị vẫn chưa buông hết.
Chúng ta mấy ngày nay giảng giải ý nghĩa trong kinh điển rất hay. Chư Phật, Bồ Tát ứng hiện là do chúng sinh có sự chiêu cảm. Chư Phật, Bồ Tát ứng hiện, hóa hiện như vậy, tuyệt đối không phải các ngài có sự khởi tâm động niệm. Nếu nói khởi tâm động niệm thì đó là chạy đuổi theo duyên, chẳng phải tùy duyên. Chư Phật, Bồ Tát ứng hóa đều là tùy duyên, không phải chạy đuổi theo duyên. Cho nên, chúng ta phải tùy duyên thì quý vị mới được tự do tự tại. Chạy đuổi theo duyên thì không được tự do tự tại. Chạy đuổi theo duyên thì trong lòng khởi lên ý muốn phải làm thế nào, như vậy là sai rồi.
Cho nên chúng ta phải học theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Phật là tấm gương tốt nhất để ta noi theo. Thông thường người ta học Phật chỉ nói ngoài cửa miệng, thực tế không hiểu được ý nghĩa chân chánh của việc học Phật, cũng không biết phải học Phật như thế nào. Chúng ta phải suy ngẫm, lời Phật dạy chúng ta đích thực là chân lý, đích thực là hết mức hiền thiện. Nhà Nho gọi là “dừng ở chỗ hết mức hiền thiện”.
Hôm nay giảng với quý vị một ít nguyên tắc làm thế nào để “mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, cứu nhân chi nguy” (thương xót trước việc xấu ác của người, vui mừng với việc thiện của người, cứu người lúc nguy nan). Khi vận dụng [những nguyên tắc này] vào thực tiễn cụ thể, chúng ta còn phải chú tâm cứu xét, thăm dò, thử nghiệm, làm sao mới có thể vận dụng được những câu này vào thực tế.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.