Tuần thứ 3 tháng 7Cách đây nhiều năm, có lần vào dịp gần tết, vì muốn quét vôi lại bên trong tường nhà, chúng tôi đã phải tạm thời dọn sạch đồ đạc trong từng căn phòng ra bên ngoài một thời gian. Bất ngờ, khi bước vào căn nhà quen thuộc xưa nay nhưng giờ trống rỗng, tôi bỗng có một cảm giác rộng mở hết sức nhẹ nhàng thanh thoát, cứ như được bước vào một thế giới thênh thang nào đó hoàn toàn xa lạ. Ngay lúc đó tôi mới chợt nhận ra từ xưa nay mình đã bị gò bó, hạn chế biết bao nhiêu trong chính cái không gian sống hằng ngày này.
Thật ra, mọi vật dụng, công cụ trong căn nhà chúng ta lúc ban đầu đều có chức năng nhất định mới chiếm được một vị trí trong nhà. Tuy nhiên, trải qua thời gian thì điều đó không hẳn đã còn đúng nữa. Có nhiều món không còn giá trị sử dụng, nhưng quán tính của chúng ta thường là chỉ thêm vào chứ ít khi muốn bớt đi. Và cứ như thế, không gian sống của chúng ta thường bị thu hẹp dần mà ta không hề hay biết, vẫn âm thầm chịu đựng cái ngột ngạt, hạn chế mỗi ngày một cách không cần thiết.
Hãy lấy ví dụ như một vài bức tranh trang trí trên tường nhà. Tất nhiên là chúng ta phải hết sức hài lòng sau khi đã chọn lựa mua về và treo lên đó. Rồi nhiều năm tháng sau, ta mua được một, hai, ba... bức tranh khác, dĩ nhiên là cũng rất ưng ý. Vấn đề phát sinh khi thay vì quyết định chọn lựa thải bỏ những bức cũ trước khi treo lên những bức mới, thì khuynh hướng tự nhiên của chúng ta lại rất thường là giữ nguyên những cái cũ và chen thêm cái mới. Cứ như thế, một cách tự nhiên, những bức tranh của chúng ta không còn giữ được chức năng trang trí, làm đẹp như ban đầu nữa, và tường nhà dần trở thành một “bộ sưu tập” tất cả những bức tranh mà ta kiếm được... Ta quên mất ngay cả điều cơ bản nhất trong việc trang trí, đó là sự hài hòa giữa vật trang trí và bối cảnh quanh nó.
Và sự chen chúc như thế cũng xảy ra hầu như đối với tất cả mọi vật dụng đã từng được ta mang về nhà. Ngay cả khi không cần dùng đến nữa, rất ít khi ta nghĩ đến chuyện loại bỏ ngay một cách thích hợp, mà điều thường xảy ra hơn là tìm một góc nào đó để nhét chúng vào, phòng khi sau này sẽ còn cần dùng đến. Trong thực tế, cái lúc “cần dùng” đó thường rất ít khi đến, mà trong đa số trường hợp là ta thường quên bẵng luôn đi, và những món đồ cũ vô ích kia cứ ngang nhiên “chễm chệ” trong ngôi nhà ngày càng chật hẹp đi của chúng ta.
Tất nhiên, trừ ra một số ít người may mắn có được những căn nhà đủ rộng, còn thì đa số chúng ta vẫn luôn phải chật vật xoay xở trong không gian hạn chế có được của mình, nhất là khi ta sống giữa những thành phố lớn, nơi thực sự đúng nghĩa “tấc đất tấc vàng”. Nhưng ngay cả với những ngôi nhà đủ rộng, nếu chúng ta không lưu ý đến việc “bỏ cũ thay mới”, thì chẳng mấy chốc cái không gian rộng rãi đó cũng sẽ sớm bị “xâm lấn” đến mức không còn thoáng đẹp như xưa.
Tích lũy đồ cũ là một khuynh hướng tiết kiệm có thể được nhiều người tán thành, nhưng tiết kiệm thế nào ở mức hợp lý, không để quá đà trở thành vô ích là điều mà mỗi chúng ta cần nên cân nhắc. Mọi vật dụng được làm ra là để phục vụ theo đúng chức năng của nó, không phải để nằm yên trong kho chứa hay nơi góc nhà. Sự thật là, bất kỳ một món đồ cũ nào ta không cần dùng đến, thì ngay lúc ấy vẫn có rất nhiều người khác cần dùng. Nếu đến được với họ, nó sẽ trở nên hữu ích hơn nhiều so với việc bị giữ lại trong nhà ta. Nếu có thể bán đi với giá rẻ thì tất nhiên sẽ là lựa chọn tốt nhất, nhưng ngay cả khi không bán được, ta cũng nên cho đi thay vì giữ lại.
Tại Hoa Kỳ đã có Goodwill là tổ chức tiếp nhận tất cả những món đồ cũ còn dùng được và chuyển đến tay những người cần dùng qua hình thức bán rất rẻ với quy mô lớn trên toàn nước Mỹ. Việt Nam chưa có một hình thức tương tự, chỉ có một số tổ chức, cá nhân tự phát trong việc thu gom và phân phối đồ cũ như một hình thức từ thiện, giúp đỡ người nghèo, nhưng quy mô chưa đủ lớn và chưa được sự hưởng ứng của toàn xã hội.
Nếu mỗi chúng ta luôn nghĩ đến việc cho đi một món đồ cũ đến tận tay người cần dùng nó sau khi đã mua về và không cần dùng nữa, thì chức năng của mỗi một vật dụng, mỗi một món đồ như thế sẽ được phát huy tối đa. Cá nhân người được nhận món đồ ấy được lợi ích vì không phải bỏ tiền mua, hoặc chỉ mua với giá rất rẻ; bản thân ta không phải bận tâm với việc “tồn kho tích trữ” và được sống trong một căn nhà rộng thoáng hơn. Và nhìn trong toàn cảnh xã hội thì điều đó sẽ giúp tiết kiệm một chi phí rất lớn trong việc sản xuất những vật dụng đó. Cho nên, đây không còn là chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh nữa, mà có thể giúp thay đổi tích cực cho đời sống xã hội, nhất là ở những đất nước còn nhiều người túng thiếu, nghèo khó như nước ta. Vấn đề là làm thế nào để mọi người trong xã hội đều chú ý đến việc làm theo khuynh hướng hợp lý này.
Ở Nhật Bản, hiện nay đang có nhiều người chọn theo lối sống “tối giản” (tiếng Nhật là danshari), nghĩa là đơn giản hóa đến mức tối đa mọi nhu cầu trong căn nhà, và điều đó dẫn đến những căn bếp, những phòng khách rộng thênh thang vì có rất ít vật dụng được bày biện. Họ chỉ chọn giữ lại những gì thực sự được cần đến mà thôi. Những người theo lối sống này cho biết họ cảm thấy tâm hồn được thanh thản, nhẹ nhàng hơn và cảm nhận, hưởng thụ cuộc sống tốt hơn. Tất nhiên, điều đó không có gì để nghi ngờ, nhưng tôi tin là để làm được như vậy mà vẫn yên tâm sống thì chắc chắn một điều là thẻ tín dụng của họ không thể rỗng không như căn nhà. Trong điều kiện xã hội Việt Nam, một khuynh hướng “tối giản” như thế không thích hợp, nhưng lời dạy của đức Phật trong kinh Di Giáo về “Biết đủ” là rất đáng suy ngẫm. Đức Phật dạy: “Người biết đủ tuy nghèo mà giàu; kẻ không biết đủ tuy giàu mà nghèo.” và “Người biết đủ dù nằm trên đất vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở cảnh trời cũng chưa thỏa ý.”
Thế mới biết, đúng như Phật dạy: “Dây đàn chùng quá hay căng quá đều không thể phát được âm thanh hay, chỉ khi vừa phải mới tấu lên được những khúc nhạc hay.” (Kinh Bốn Mươi Hai Chương) Cũng vậy, chúng ta không nên cực đoan đến mức dọn trống rỗng cả căn nhà, nhưng hãy “biết đủ” với những gì thực sự cần thiết, giảm bớt sự tích chứa, dự phòng không cần thiết, và sẵn lòng cho đi những gì mình không cần đến nữa. Nếu mỗi người chúng ta đều làm như vậy, sẽ có rất nhiều người khác được hưởng lợi, và bản thân chúng ta cũng sẽ luôn có được một không gian sống thoáng rộng hơn trong chính ngôi nhà của mình.
“Biết đủ” cũng chính là chìa khóa đưa đến cuộc sống đơn giản mà hạnh phúc cho tất cả chúng ta. Rất nhiều niềm vui trong cuộc sống không cần đến quá nhiều tiền bạc hay vật chất, nhưng nếu buông trôi theo nhịp sống hối hả và chịu sự thúc bách của đủ loại ham muốn vật dục, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng cảm nhận được những niềm vui đơn sơ đó. Sống tỉnh thức để nhận biết được những gì thực sự cần thiết cho cuộc sống và những gì có thể loại bỏ, buông xả, ta sẽ có thể bước đi trong cuộc đời này một cách nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn, giống như một người khôn ngoan khi đi đường xa sẽ không bao giờ gồng gánh cồng kềnh những thứ vô ích, trừ ra những lương thực và vật dụng thực sự thiết yếu cho cuộc lữ hành.
Cho dù chúng ta có tích lũy trong suốt cuộc đời này, ta cũng sẽ không bao giờ cảm thấy đủ nếu như chưa từ bỏ đi khuynh hướng tích lũy. Ngược lại, nếu biết hài lòng với những gì mình có, ta có thể sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng mình thực sự không cần đến quá nhiều thứ cho một cuộc sống tiện nghi vừa đủ. Khi không còn chạy theo việc tích lũy của cải, tài sản, vật dụng... ta sẽ có được nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình, người thân, đồng thời ta cũng có nhiều điều kiện hơn để phát triển khuynh hướng chia sẻ những gì mình có với mọi người chung quanh. Thay vì tích lũy dư thừa vô ích, sự sẵn lòng chia sẻ luôn giúp mọi người đến gần nhau hơn và do đó cũng làm cho cuộc sống này trở nên có ý nghĩa hơn. Quy tắc đơn giản ở đây là: Người muốn tích lũy thì luôn cảm thấy thiếu dù họ đang có rất nhiều, còn người biết chia sẻ thì bất kỳ lúc nào cũng luôn thấy mình sẵn có một cái gì đó để chia sẻ cùng người khác. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra ngay là trong hai khuynh hướng này, chỉ có khuynh hướng chia sẻ mới giúp ta có được niềm vui chân thật và lâu dài trong cuộc sống.