(Giảng ngày 25 tháng 7 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 62, số hồ sơ: 19-012-0062) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua chúng ta xem đến [phần chú giải] trong Cảm ứng thiên có trích dẫn bốn lời nguyện trong kinh Hoa Nghiêm. Nguyện thứ nhất và thứ hai là:
“Nguyện hết thảy chúng sinh phát tâm Bồ-đề, đầy đủ trí tuệ, giữ gìn mạng sống mãi không dứt mất.
“Nguyện hết thảy chúng sinh, tu hành đầy đủ, lìa pháp già chết, hết thảy tai ương nạn độc không hại đến mạng sống.”
Hai lời nguyện này tôi đã giảng qua với quý vị. Tiếp theo còn hai lời nguyện nữa là:
“Nguyện hết thảy chúng sinh thành tựu đầy đủ thân không bệnh não, tuổi thọ không giới hạn, sống lâu tùy ý.
“Nguyện hết thảy chúng sinh không già không bệnh, mạng sống thường còn, dũng mãnh tinh tấn nhập trí tuệ Phật.”
Hôm nay chúng ta xem tiếp đến hai lời nguyện sau này.
Cả bốn lời nguyện này, như tôi đã nói, chính là những điều mà hết thảy chúng sinh đều mong cầu. Vấn đề là có thể cầu được hay không? Nhà Phật có câu: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng.” (Trong cửa Phật có cầu có ứng.) Nếu như bốn lời nguyện này mà cầu không thể được thì câu “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” ắt có vấn đề, là lời hư dối, không phải lời chân thật.
Chư Phật, Bồ Tát nhất định không có lời dối trá, nói ra lời nào cũng đều là chân thật. Vấn đề là ở phía chúng ta nên mới cầu không được. Trong thế gian này, tám nỗi khổ lớn có bao gồm “cầu bất đắc khổ” (khổ vì mong cầu không được). Vì sao cầu không được? Vì không hiểu rõ sự thật chân tướng nên chỗ mong cầu của quý vị không hợp lý, không hợp Chánh pháp, không thuận tánh pháp, do đó mà chỗ mong cầu của quý vị không đạt được. Mong cầu như vậy trái ngược với lời nguyện. Nếu thực sự mong cầu đúng lý đúng pháp thì không có chuyện gì không cầu được. Cầu làm Phật mà còn có thể được, bốn lời cầu nguyện này nếu đem so với việc cầu thành Phật là quá nhỏ nhặt, chỉ là chuyện nhỏ thôi. Cho nên, xác định chắc chắn là có thể cầu được.
Hôm qua tôi cũng đã nói, nguyên tắc cơ bản trong sự mong cầu là phát tâm Bồ-đề. Chỉ cần phát tâm Bồ-đề rồi thì bốn lời nguyện này có cầu có ứng. Nếu không phát khởi được tâm Bồ-đề, bốn lời nguyện này rất khó cầu được. Cho nên, việc phát tâm Bồ-đề là quan trọng thiết yếu. Quý vị thường tụng kinh Vô Lượng Thọ, trong [phẩm thứ 24] “Ba bậc vãng sinh” có [ba đoạn] nói đến [ba bậc vãng sinh là] bậc thượng, bậc trung và bậc hạ. Đoạn cuối [của phẩm kinh này] nói thêm về việc tu học các pháp môn [Đại thừa] khác cũng [có thể] phát nguyện hồi hướng cầu sinh Tịnh độ. Trong cả [bốn đoạn nêu rõ] bốn nhóm lớn [những người tu tập được vãng sinh] này, Phật dạy chúng ta một cương lĩnh chung, một nguyên tắc chung là “phát tâm Bồ-đề, một lòng chuyên niệm”. Đây là nguyên tắc chung nhất. Có thể vãng sinh thế giới Tây phương Cực Lạc hay không? Tâm ý và việc làm của chúng ta phải tương ưng, phù hợp với [nguyên tắc] tám chữ đó. Được vậy thì quý vị có thể nắm chắc sẽ được vãng sinh. Nếu trái ngược với tám chữ đó thì không thể vãng sinh.
Chúng ta hiện nay ở Niệm Phật Đường này mỗi ngày niệm Phật 24 giờ không gián đoạn, quanh năm suốt tháng không gián đoạn, đó là thực hiện được [bốn chữ] “một lòng chuyên niệm”. Vậy có thể vãng sinh hay không? Còn phải xem quý vị có phát tâm Bồ-đề hay không. Nếu như không thể phát tâm Bồ-đề thì không thể vãng sinh. Mỗi ngày niệm Phật đủ 24 giờ cũng không thể vãng sinh. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Đó là vì quý vị chỉ mới làm được [bốn chữ] “một lòng chuyên niệm” nhưng không phát tâm Bồ-đề.
Cho nên, phát tâm Bồ-đề là cực kỳ quan trọng thiết yếu. Trong việc vãng sinh thế giới Tây phương Cực Lạc, “phát tâm Bồ-đề” đích thực là nhân, “một lòng chuyên niệm” là duyên. Đầy đủ nhân duyên thì nhất định được sinh về Tịnh độ. Ý nghĩa này, sự thật chân tướng này chúng ta phải thấu hiểu thật rõ ràng, sáng tỏ, không được hiểu sai thánh ý của Phật.
Tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ chân chánh, tâm giác ngộ triệt để. Tâm giác ngộ là như thế nào? Nói ở mức đơn sơ dễ hiểu nhất thì đó là chúng ta có thể tự mình thể hội, tự mình vận dụng vào thực tế, khởi tâm động niệm đều thuận theo những lời răn dạy của Phật, không thuận theo ý niệm riêng tư của mình, buông bỏ hết những ý niệm riêng tư, hết thảy đều y theo lời Phật dạy. Đó chính là biểu hiện của tâm Bồ-đề.
Chư Phật, Bồ Tát trong Kinh luận dạy chúng ta làm những việc gì, chúng ta đều nỗ lực làm theo; dạy chúng ta không làm những việc gì, chúng ta không bao giờ nghĩ đến những việc ấy. Đó chính là biểu hiện của tâm Bồ-đề.
Tối hôm qua chúng ta học đến đại nguyện thứ mười ba trong kinh Vô Lượng Thọ, “Quang minh vô lượng nguyện”, tôi đã giảng giải rất tường tận, chi tiết. Nói thật ra, do [bị giới hạn thời gian] theo tiến độ [của khóa học] nên chúng ta không thể giảng đi giảng lại nhiều lần, nhưng mỗi câu mỗi chữ trong Kinh văn đều hàm chứa vô lượng ý nghĩa. Do đó chúng ta phải thể hội được, phải biết cách học tập như thế nào.
Pháp lành nhất định phải tu tập, mà pháp lành trọn vẹn đầy đủ nhất chính là vãng sinh Tịnh độ. Thực sự mong cầu vãng sinh Tịnh độ thì phải buông bỏ hết những chướng ngại của việc vãng sinh. Nói về “đới nghiệp vãng sinh” (vãng sinh mang theo nghiệp) thì không thể cho rằng quý vị có thể mang theo những chướng ngại đó mà vãng sinh. Điều đó không thể được. Các bậc đại đức ngày xưa đã giảng nói với chúng ta rất rõ ràng, chỉ có thể mang theo những nghiệp cũ, không thể mang theo những nghiệp hiện hành [để vãng sinh. Nghiệp cũ là những nghiệp] tạo ra khi ta còn chưa học Phật, bản thân còn ngu muội không hiểu biết. Sau khi đã học Phật rồi mà vẫn tạo nghiệp thì không có cách gì mang theo [những nghiệp ấy để vãng sinh]. Sau khi đã học Phật thì phải lắng nghe lời Phật dạy, phải sửa lỗi thay đổi chính mình cho hoàn thiện hơn, hết thảy mọi việc làm đều vì mong cho Phật pháp được lưu truyền dài lâu ở thế gian, như vẫn thường nói là “Chánh pháp cửu trụ” (Chánh pháp ở đời lâu dài), lại vì giúp đỡ hỗ trợ cho hết thảy chúng sinh được phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.
Cho nên, giác ngộ triệt để rốt ráo chính là biết phát nguyện cầu sinh Tịnh độ. Đó mới là thực sự giác ngộ triệt để. Được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc rồi là thực sự lìa khổ được vui, bao nhiêu khổ não trong ba cõi, mười pháp giới hết thảy đều xa lìa, đạt được niềm vui rốt ráo. Đó chính là lời dạy trong Kinh luận của đức Thế Tôn, của Phật A-di-đà cùng hết thảy chư Phật.
Nếu chúng ta thực sự hiểu được tấm lòng thương yêu khó nhọc của chư Phật đối với ta, thực sự nhận hiểu rõ ràng và cung kính vâng làm theo lời Phật dạy, thì bốn lời nguyện trên không khó thành tựu.
Lời nguyện thứ ba không phải nguyện cho chư Phật, Bồ Tát, mà là nguyện cho hết thảy chúng sinh. Trong hết thảy chúng sinh đó bao gồm cả bản thân chúng ta, đều được “thành tựu đầy đủ thân không bệnh não”. Thân thể chúng ta hiện nay không tốt, là thân có bệnh, có phiền não. Làm sao có thể ngay trong một đời này đạt đến mức không bệnh đau, không phiền não?
Lại nói “tuổi thọ không giới hạn, sống lâu tùy ý”. Sống lâu tùy ý có nghĩa là quý vị muốn sống bao lâu ở thế gian này cũng được, tuổi thọ không giới hạn, muốn viên tịch thì viên tịch, muốn trụ thế liền tiếp tục trụ thế. Có thể được như vậy hay chăng? Quả thật có thể được.
Chúng ta xem trong các sách Cao tăng truyện, Cư sĩ truyện, Thiện nữ nhân truyện, quả thật đều thấy có như vậy. Có những vị tuổi thọ đã hết nhưng chưa muốn viên tịch, tiếp tục trụ thế mấy năm nữa để vì chúng sinh làm thêm việc gì đó. Các vị làm được ngay, không có vấn đề gì.
Pháp sư Giao Quang là người soạn chú giải Lăng Nghiêm Kinh chính mạch. Khi tuổi thọ đã hết, Phật A-di-đà hiện đến tiếp dẫn ngài. Ngài thưa thỉnh với đức Phật rằng còn muốn ở lại thế gian này mấy năm nữa, vì kinh Lăng Nghiêm từ trước chưa từng có ai chú giải đầy đủ, nên ngài muốn đem kinh Lăng Nghiêm ra chú giải lại [cho thật đầy đủ], xong việc mới vãng sinh. Đức Phật A-di-đà đồng ý, ngài lưu lại thế gian và hoàn tất việc chú giải kinh Lăng Nghiêm. Điều này chứng minh rõ việc “sống lâu tùy ý”.
Những người tu tập đạt công phu như vậy không chỉ riêng có Pháp sư Giao Quang. Xưa nay không kể là tại gia hay xuất gia, có rất nhiều người đạt được như vậy. Thế nhưng, người muốn ở lại thế gian như vậy nói thật ra chỉ có một việc mà thôi, đó là giúp cho Chánh pháp truyền lại dài lâu ở đời. Như trường hợp Pháp sư Giao Quang, chính là muốn cho Chánh pháp truyền lại dài lâu, rộng độ chúng sinh. Theo cách nói hiện nay thì đó là vì tất cả chúng sinh mà phục vụ. Ngài không vì riêng bản thân mình, không có ý riêng tư, cho nên ngài có thể “thành tựu đầy đủ thân không bệnh não”.
Do đó có thể biết rằng, bệnh đau phiền não đều do chúng ta khởi tâm riêng tư vị kỷ nên mới có. Do bám chấp thân này là tôi, bám chấp những vọng tưởng phân biệt của mình là tôi, nên khởi tâm động niệm đều là “tôi muốn thế này, ý tôi là thế này, tôi cho là thế này...” Quý vị có “cái tôi” [như thế] thì quý vị lền có bệnh, liền có phiền não, liền có đau đớn khổ não.
Sự tu hành trong Phật pháp, bất kể là pháp môn nào, tông phái nào, cương lĩnh tổng quát được kinh Kim Cang nêu ra rất hay là: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ Tát.” (Nếu Bồ Tát còn có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì không phải Bồ Tát.)
Thế nào là Bồ Tát? Bồ Tát là người đã hiểu biết sáng tỏ, là người tu hành. Không hiểu biết sáng tỏ là mê hoặc điên đảo, không tu hành tức là tạo nghiệp [xấu ác]. Các bậc hiền thánh xưa từng nêu những tấm gương Bồ Tát để chúng ta noi theo. Người xuất gia gần đây, trong Thiền tông có Lão Hòa Thượng Hư Vân, trong Tịnh độ tông có Đại sư Ấn Quang, các ngài đều là những tấm gương [Bồ Tát] để chúng ta noi theo. Nêu gương như thế nào? Không có các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Quý vị hãy quan sát cho kỹ, các ngài đều có đầy đủ trí tuệ.
Các vị cư sĩ tại gia hiện tướng Bồ Tát cũng không phải ít. Cư sĩ Giang Vị Nông là người soạn chú giải sách Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa, ngài là một nhân vật kiệt xuất. Tại Đài Loan, chính mắt tôi đã được nhìn thấy cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Các ngài đều thị hiện những tấm gương hiểu biết sáng tỏ, chân chánh tu hành. Các ngài sống ở đời chỉ có một mục đích đơn giản là giúp đỡ, hỗ trợ chúng sinh dứt ác tu thiện, phá mê khai ngộ. Suốt đời các ngài chỉ làm mỗi một việc ấy, thực sự giúp cho Chánh pháp được lưu truyền dài lâu ở đời, không một mảy may ý niệm riêng tư, không một mảy may ý niệm vì lợi riêng. Đó thực sự là hạnh Bồ Tát.
Chúng ta qua những điều nhìn thấy được, so với trong kinh điển dạy đều tương ưng. Các ngài vì sao không trụ thế nhiều năm? Là vì người đã hiểu biết sáng tỏ, bậc tu hành chân chánh ở lại thế gian này không phải do ý riêng của mình, hoàn toàn đều tùy theo duyên phần. Khi có duyên thì ở lại trong một giai đoạn, lúc không có duyên liền ra đi. Những gì là duyên? Duyên là tâm nguyện của chúng sinh, có mong muốn được học tập với các ngài hay không. Nếu có người mong muốn được học với các ngài, các ngài liền trụ thế, vì “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân” (Trong cửa Phật không bỏ người nào). Nếu [chúng sinh] không có ai mong muốn học với các ngài, việc trụ thế không cần thiết, các ngài liền ra đi.
Quý vị có thể sẽ nói, người muốn học với các ngài [lúc nào cũng] rất nhiều. Nhìn theo vẻ ngoài thì đúng vậy, quả thật thấy có rất nhiều người. Nhưng có người thực sự muốn học hay không? Những kẻ ngoài mặt nghe theo, trong lòng trái nghịch vốn rất nhiều. Những kẻ như vậy không tính. Đó là những kẻ nhìn bề ngoài rất giống như đang theo Bồ Tát học tập, đang theo thiện tri thức học tập, nhưng trong thực tế thì khởi tâm động niệm, nói năng hành động đều hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Bồ Tát, của thiện tri thức. Cho nên, [đã là như vậy thì] tất nhiên là các ngài không cần trụ thế.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni năm xưa thị hiện nhập Niết-bàn, nguyên nhân cũng là như vậy. Phật dạy rằng, người cần hóa độ đều đã được độ, người chưa được hóa độ phải xem lại nhân duyên, hiện tại nhân duyên chưa thành thục, ngài liền nhập Niết-bàn. Chư Phật, Bồ Tát trụ thế hay không, hoặc trụ thế thời gian dài hay ngắn, đều là nhìn nơi thái độ học tập của chúng ta có thực sự nỗ lực hay không. Cho nên, chúng ta phải suy ngẫm việc này. Chúng ta đã bị chư Phật, Bồ Tát nhìn đúng tâm can [không muốn tu học] hay chúng ta bị chư Phật, Bồ Tát bỏ rơi?
Tôi nói câu này khó nghe, nhưng bản thân chúng ta không chịu học tập thì chư Phật, Bồ Tát đối với chúng ta cũng chẳng làm gì được. Nhất là trong xã hội hiện tại này, dân chủ, tự do, khai phóng, không ai có thể can thiệp vào việc của người khác. Ngày xưa, cha mẹ, thầy cô giáo có thể ép buộc con cái, học trò, nhưng ngày nay thì không thể được, ép buộc người khác là phạm pháp. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát trụ thế theo điều kiện nhân duyên như vậy, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ.
Thực sự vâng làm theo lời dạy [của chư Phật, Bồ Tát] thì có thể được thân không bệnh não. Bệnh vốn từ đâu sinh ra? Chúng ta hiện nay đều biết là do nhiễm phải virus gây bệnh. Nhưng mọi người lại không biết rằng, loại virus gây bệnh nghiêm trọng nhất theo Phật dạy chính là ba món độc tham, sân, si. Vì trong lòng chúng ta vốn có tham, sân, si nên mới bị nhiễm phải virus gây bệnh từ bên ngoài. Trong lòng ta nếu không có tham, sân, si thì bên ngoài dù có virus gì cũng không nhiễm hại được ta. Hiện nay y học có nói đến khả năng miễn nhiễm, đến hệ thống miễn nhiễm [của cơ thể]. Nhà Phật dạy rằng khả năng miễn nhiễm thực sự chính là dứt trừ được tham, sân, si, tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, giác. Như vậy là thực sự có thể miễn nhiễm. Tâm địa đại từ đại bi có thể giải trừ mọi sự độc hại.
Cho nên, sự thật là chắc chắn có thể thành tựu đầy đủ thân không bệnh não, có thể sống lâu tùy ý.
Lời nguyện [thứ tư] tiếp theo nói “nguyện hết thảy chúng sinh được không già không bệnh”. Làm thế nào có thể trẻ mãi không già, đó là điều mọi người đều mong muốn. Ai cũng hy vọng giữ được tuổi thanh xuân mãi mãi. Bằng cách nào có thể trẻ mãi không già? Con người dường như ai cũng phải có tuổi già. Chúng ta cần phải hiểu được, nguyên nhân của tuổi già nằm ở đâu? Đó là do [những ý niệm] phân biệt, bám chấp.
Quý vị còn bám chấp, quý vị liền có bệnh. Quý vị có phân biệt, quý vị liền già suy. Đối với hết thảy các pháp thế gian, các pháp xuất thế gian, nhất định không khởi sinh phân biệt, không bám chấp, [như vậy thì] quý vị không sinh bệnh, không già suy. Hoặc ít nhất thì hiện tượng già suy cũng sẽ chậm lại, chính là điều chúng ta gọi là lão hóa rất chậm.
Người phân biệt, bám chấp nặng nề thì tiến trình lão hóa rất nhanh, già yếu rất nhanh. Nếu thực sự hoàn toàn không còn phân biệt, bám chấp, sự lão hóa sẽ dừng lại, thực sự dừng lại, không còn già yếu nữa. Tiến trình lão hóa, già yếu còn không có, người như thế làm sao có bệnh?
Nguyên nhân sinh bệnh có ba loại. Thứ nhất là nguyên nhân sinh lý. Đó là những nguyên nhân như “bệnh từ miệng vào”, do quý vị ăn uống món này món khác không cẩn thận chú ý. Hoặc do việc ăn mặc không thích hợp, không lưu tâm [giữ ấm] dẫn đến nhiễm gió cảm lạnh. Đó là các bệnh do nguyên nhân sinh lý.
Nguyên nhân thứ hai là bệnh do oan nghiệp, phần nhiều là do sát sinh hại mạng, bao nhiêu hồn oan [chúng sinh] tìm theo quý vị, báo thù quý vị, quỷ oan nhập thân. Hết thảy đều là do những oan gia đối đầu của quý vị. Loại bệnh này cần phải hòa giải. Nếu đối phương đồng ý hòa giải với quý vị, rời bỏ đi thì bệnh tự nhiên bình phục. Quốc sư Ngộ Đạt trong [lời tựa] sách Tam-muội Thủy sám [kể chuyện] bị ung nhọt hình mặt người [nơi đầu gối], đó là thuộc loại bệnh này.
Loại bệnh thứ ba so ra phiền toái hơn nhiều. Đó là bệnh do nghiệp cũ, nghiệp từ quá khứ đã tạo. Hoặc cũng có thể do ngay trong đời này tạo tác tội nghiệp quá nhiều. Cho nên, đối với loại bệnh này không phải do ăn uống, cảm lạnh, cũng không do oan gia đối đầu, mà do quả báo của những tội nghiệp do chính mình tạo ra. Loại quả báo này, theo cách nói hiện nay thì chứng Alzheimer ở người già cũng thuộc loại này. Tôi đã từng gặp qua rất nhiều, phần lớn là những người giàu sang, có địa vị trong xã hội, có nhiều tiền của, mắc phải bệnh này rồi thì sống không ra sống, chết không ra chết, hơi thở chưa dứt thì vẫn cần nhiều người đến chăm sóc, phục dịch. Họ nằm trên giường, ngay cả con cái họ cũng không nhận biết được, nhưng hơi thở vẫn không dứt. Chúng ta nhìn thấy như vậy thì biết ngay đó là bệnh nghiệp chướng.
Bệnh như vậy có thể cứu được không? Có thể cứu được, bằng cách sám hối, sám hối dứt trừ nghiệp chướng thì bệnh có thể hồi phục. Nhưng những người ấy thường không tin nhận, họ không biết sám hối. Người nhà họ cũng không hiểu được ý nghĩa này nên không thể giúp gì được.
Nếu hiểu rõ được ý nghĩa này, tiêu trừ hết nghiệp chướng, không kết oán thù với chúng sinh, trong cuộc sống biết chú trọng giữ gìn vệ sinh, như vậy thì có thể không già, không bệnh. Quý vị có được thân thể cường tráng khỏe mạnh thì mới có khả năng sức lực để lo cho đạo pháp, mới có thể “dũng mãnh tinh tấn”. Đợi đến lúc thể lực suy yếu, dù muốn tinh tấn cũng không làm nổi, lúc ấy đã muộn rồi.
Cho nên, từ xưa đến nay, công phu tu hành đạt hiệu quả nhất là giai đoạn nào? Chính là vào thời còn thanh niên trai tráng. Chúng ta xem Lục tổ Đàn kinh, thấy Đại sư Huệ Năng đắc đạo năm 24 tuổi, chính là lúc đang có thể lực. Lên Niệm Phật Đường niệm Phật bảy ngày bảy đêm vẫn thản nhiên như không, đó là nhờ có thể lực. Già yếu đến bảy, tám mươi, lên Niệm Phật Đường, [niệm Phật] vài giờ đã không làm nổi, đã không chịu nổi, dù muốn tinh tấn cũng không cách gì làm được. Ý nghĩa đó chúng ta cần phải hiểu thật rõ ràng thì mới biết phải tu học như thế nào.
Kinh Hoa Nghiêm dạy bốn lời nguyện ấy, chúng ta thảy đều có thể làm được, nhất định không phải lời gạt gẫm, hư dối.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.