(Giảng ngày 31 tháng 7 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 67, số hồ sơ: 19-012-0067) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem đến câu thứ 26: “Kiến nhân chi đắc như kỷ chi đắc. Kiến nhân chi thất như kỷ chi thất.” (Thấy người khác được cũng như mình được. Thấy người khác mất cũng như mình mất.)
Câu này nói về sự được mất. Trong kinh Phật dạy chúng ta rằng, sự được mất [trong đời] không [có ý nghĩa] chân thật. Nhưng người đời hết thảy đều mê muội trong [chỗ được mất] đó mà tạo thành biết bao tội nghiệp. Trong hai mươi bốn pháp hành bất tương ưng thì “được mất” xếp ở vị trí đầu tiên, nên có thể thấy rằng chúng sinh đối với vấn đề [được mất] này mê muội rất sâu, rất nghiêm trọng.
Câu này trong Cảm ứng thiên nói rất hay, đối với vấn đề “được mất” thì cách nhìn, cách nghĩ của người đời thật không bình thường, [không hợp lý]. Thấy người khác được thì sinh lòng ganh ghét, thấy người khác mất lại sinh lòng hoan hỷ mừng vui. Tâm niệm như vậy đã tạo ra vô số tội nghiệp.
“Thái Thượng xét lỗi của người đời”, đó là nói những lầm lỗi, sai sót. Câu này là xét những lầm lỗi sai sót [của người đời], dạy người phải biết xem người khác như chính bản thân mình, không phân biệt. [Do vậy mà] thấy người khác được có thể sinh lòng hoan hỷ mừng vui, thấy người khác mất có thể sinh lòng thương xót cảm thông.
Phạm vi của vấn đề “được mất” hết sức rộng lớn. Trong pháp thế gian thì đó là được danh tiếng, được lợi dưỡng, được năm món dục trong sáu trần cảnh. Trong pháp Phật thì đó là được thiền định, được giác ngộ, được chứng quả. [Cho nên,] pháp thế gian và xuất thế gian đều bao quát trong phạm vi [hai chữ “được mất”] này.
Phật dạy rằng, được mất cũng là quan hệ nhân quả, không gieo nhân thì nhất định không có gì được. Chỗ mong cầu của hết thảy chúng sinh không ngoài những việc giàu sang phú quý, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu. Người Trung quốc gọi là Ngũ phúc, phần trước đã có giảng qua với quý vị. Hết thảy những điều này đều có nghiệp nhân.
Cho nên, gieo nhân lành thì được quả lành. Gieo nhân xấu ác mà mong cầu quả lành, đâu lẽ nào như thế? Trong kinh Phật thường gọi [những trường hợp này] là “chuyện không thể có”. [Cho nên,] chúng ta mong cầu những điều gì thì phải cố gắng tạo nhân [tương ứng]. Quý vị tạo nhân thù thắng thì được quả thù thắng, tạo nhân tốt đẹp trọn vẹn thì được quả báo tốt đẹp trọn vẹn.
Câu văn [đang giảng] này hết sức quan trọng thiết yếu. Trong câu này chúng ta thấy ra được là nhất định không được khởi tâm ganh ghét đố kỵ [với người khác]. Không chỉ là không ganh ghét đố kỵ, mà còn phải sinh tâm tùy hỷ, vui theo niềm vui của người khác.
Tâm tùy hỷ là pháp tu của hàng Bồ Tát, chính là pháp tu của Bồ Tát Phổ Hiền, là công hạnh lớn lao của ngài: “Hằng thuận chúng sinh, tùy hỷ công đức.” (Thường tùy thuận chúng sinh, vui theo công đức [của người khác].) Quý vị đồng tu chúng ta đối với điều này thường xao nhãng xem nhẹ, đối với lợi ích [tu tập] rất lớn lao trước mắt này lại bỏ lỡ đi. Điều này chúng ta cần phải suy xét lại.
Quý vị đồng tu học Phật đều biết là phải dứt việc ác, phải làm việc thiện. Thế nhưng việc thiện thường vẫn cứ không thể thành tựu, việc xấu ác mỗi ngày đều tiếp tục tạo thêm. Đặc biệt là khẩu nghiệp, tiếp xúc với người khác là tạo ngay khẩu nghiệp, là bình phẩm phê phán những thị phi, được mất của người khác.
Những điều quý vị bình phẩm, phê phán đó có chính xác không? Nếu là chính xác, là sự thật, cũng đều không nên nói ra. Nếu là không chính xác, chẳng phải [nói như thế] là oan uổng cho người khác rồi sao? Nói oan cho người khác là tạo nghiệp nặng nề. Nếu sự bình phẩm, phê phán của quý vị không có ảnh hưởng gì đối với xã hội thì tội lỗi ấy còn nhỏ, nhưng nếu điều đó có ảnh hưởng lớn lao đối với xã hội thì tội lỗi đó vô cùng nặng nề. Nếu như quý vị hủy báng Tam bảo, khiến cho một số người có lòng tin bị thối thất tâm đạo thì tội ấy phải đọa vào địa ngục. Điều này có nói rõ trong kinh Phát khởi Bồ Tát thù thắng chí lạc, quý vị nào đã xem qua đều biết.
[Cho nên,] không được xem nhẹ việc tùy tiện nói năng, tưởng rằng chẳng có quan hệ gì lớn lao, trong một lúc thích thú hứng chí [nói ra những điều] làm ngăn cản hoặc dứt mất căn lành của người khác, phải chuốc lấy tội nghiệp đọa vào địa ngục A-tỳ. Trong xã hội chúng ta rất thường thấy, thường nghe có nhiều người mắc phải sai lầm này. Chư Phật, Bồ Tát nhìn thấy như vậy rất đau lòng, rất thương xót, đúng như trong kinh [thường gọi những người này] là “thật đáng thương xót”.
Vì sao tạo thành những việc [đáng tiếc] như thế? Vì tin nghe những lời đồn đại mà không tìm hiểu sự thật. Trong đời tôi gặp việc như vậy rất nhiều. Tôi có một nguyên tắc là, không liên quan đến mình thì không lưu tâm, không cần thiết phải lưu tâm, chỉ cười mà cho qua, cũng không để trong lòng. Để trong lòng cũng là tạo nghiệp. Muốn tâm mình thanh tịnh, muốn tâm mình thuần thiện thì mảy may ý niệm xấu ác cũng không để trong lòng. Như vậy mới gọi là nuôi dưỡng lòng tốt. Quý vị đem những chuyện thị phi, nhân ngã đó đây tạp nhạp dồn chứa hết trong lòng thì tâm của quý vị là bất thiện, tâm quý vị không tốt.
Nếu sự việc lan truyền là có quan hệ với bản thân mình, quan hệ với đại chúng, chúng ta nhất định phải thẩm tra, tìm chứng cứ. Phải điều tra ngay, phải chứng minh ngay những tin đồn lan truyền đó là đúng thật hay không đúng thật, sau đó mới bình phẩm, phê phán. Cho nên không thể nghe sự việc từ một phía. Chỉ nghe sự việc theo lời của một bên thì đó là ngu si, là mê hoặc.
Nhất là đối với những người giữ cương vị lãnh đạo. Chúng ta đọc sách xưa, thấy bên cạnh các vị đế vương thường có rất nhiều kẻ tâu rỗi [về người khác], họ có hoàn toàn tin vào những lời ấy hay không? [Không,] họ chỉ xem đó như nguồn tin tham khảo thôi. Họ nhất định phải điều tra, chứng minh, cho nên họ không xử oan người tốt, cũng không bị kẻ xấu lừa gạt. Như vậy mới là người thông minh. Những điều đó đều là do các bậc thầy đã dạy cho họ, cha mẹ đã dạy cho họ.
Người xưa có nói: “Dao ngôn chỉ ư trí giả.” (Lời đồn đại không qua được kẻ trí.) Chỉ vì người thực sự có trí tuệ luôn biết rõ phải xử lý như thế nào. Nhưng người không có trí tuệ lại rất nhiều. Những người này nghe qua lời đồn thì tin ngay, rồi tiếp nối sự đồn đại sinh sự.
Hiện nay thế gian này có quá ít người trí tuệ. Hẳn quý vị sẽ hỏi tại sao không có trí tuệ? Là vì không có bậc thánh hiền răn dạy. Hiện nay trên toàn thế giới, tuyệt đại đa số là loại giáo dục nào? Là giáo dục theo [chủ nghĩa] vị lợi, [là thực dụng], chạy đua theo lợi nhuận, là kiểu giáo dục cạnh tranh nhau để đạt được danh tiếng, lợi dưỡng, [sự hưởng thụ] năm món dục trong sáu trần cảnh. Chỉ cần khởi lên ý niệm cạnh tranh thì nhất định đã là chuyện lợi mình hại người, trái nghịch lẽ trời. Giáo dục hiện đại là như vậy. Cho nên đối với giáo dục hiện đại, nói ra thật khó nghe, nhưng đó là [nền giáo dục dạy người] tăng trưởng tâm luân hồi, thúc đẩy chúng sinh tạo nghiệp luân hồi. Họ làm nên những chuyện như vậy.
Người học Phật tuy nhiều nhưng đối với Kinh điển có mấy người thực sự nghiên cứu, thảo luận và học tập? Cho nên ngạn ngữ có câu: “Trước cửa địa ngục nhiều thầy tăng.” [Người xuất gia không nỗ lực tu tập,] tội nghiệp ấy thật quá nặng nề. Núp dưới chiêu bài [tu hành theo] thánh hiền mà vẫn tạo nghiệp luân hồi như cũ, cho nên phải chịu đọa lạc hết sức nặng nề, đọa vào địa ngục A-tỳ.
Danh hiệu [thánh hiền] là không thể giả mạo. Hiện tại đối với luật pháp thế gian, mọi sự giả mạo đều phải bị trừng trị. Danh hiệu Phật là cao trổi nhất trong tất cả các pháp thế gian cũng như xuất thế gian, quý vị nếu tùy tiện mượn đó làm chiêu bài [che giấu việc làm sai trái] của mình, tội nghiệp đó không gì nặng nề hơn.
Chúng ta ngày nay nêu lên danh hiệu Phật thì phải y theo lời dạy [của Phật] vâng làm, thực sự noi theo chư Phật, Bồ Tát mà học tập. Luôn luôn phải học được ít nhiều theo giống như chư Phật, Bồ Tát. Nếu hoàn toàn không giống thì đó là tội lỗi. Không thể nói rằng tôi không tạo tội nghiệp gì, tôi không làm hại người khác... Không làm hại người khác, nhưng nêu lên danh hiệu Phật, [mang danh đệ tử Phật] mà không vâng làm y theo lời Phật dạy thì đó là tạo tội nghiệp rồi.
Đó là tội nghiệp gì? Tội phá hoại hình tượng Phật pháp. Tội danh là như thế. Tội danh này không thể gánh nổi rồi. Chư Phật, Bồ Tát là hình tượng gì? [Người xuất gia] chúng ta ngày nay khởi sinh những tâm niệm gì, làm những việc gì? Vì sao hiện nay trong xã hội Phật pháp lại suy yếu đến như vậy?
Chúng ta đọc sách xưa, thấy ngày trước từ triều đình cho đến vùng dân dã, không nơi nào người xuất gia không được tôn trọng. Xã hội hiện tại đối với người xuất gia khinh thường, xem nhẹ, nguyên nhân là tại đâu? Thời xưa, người xuất gia học Phật làm theo giống như chư Phật, Bồ Tát, cho nên được mọi người kính ngưỡng, tôn trọng, đích thực là những bậc mô phạm, chuẩn mực của trời người. Hiện nay xã hội vì sao khinh thường người xuất gia? Vì người xuất gia không vâng làm y theo lời Phật dạy, không học theo chư Phật, Bồ Tát. Như vậy là học theo ai? Điều này thật không cần phải nói.
Chúng ta cần phải phản tỉnh, tự xét lại, phải giác ngộ, phải quay đầu hướng thiện, phải xác định thật rõ ràng, minh bạch đối tượng nào để học tập theo. Không học tập theo chư Phật, Bồ Tát là sai lầm.
Các bậc cao tăng đại đức là điển hình [để chúng ta noi theo], nhưng phải quán sát cho thật kỹ, người có danh tiếng, chức vị cao có thực sự có đức hạnh hay không? Danh tiếng và thực chất phải tương hợp nhau thì mới là tấm gương để ta noi theo, để hướng theo các vị ấy mà học tập.
Ban đầu tôi mới học Phật, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam suy cử Đại sư Ấn Quang, khuyên tôi hướng theo ngài học tập. Đồng thời với Đại sư Ấn Quang cũng có rất nhiều bậc cao tăng đại đức, vì sao thầy Lý Bỉnh Nam không giới thiệu những người khác? Vì sao ngày nào thầy cũng nhắc đến, cũng giới thiệu Đại sư Ấn Quang? Ý nghĩa nằm trong chỗ đó, sự khổ tâm nằm trong chỗ đó, chúng ta biết hay không biết?
Trong kinh điển chúng ta đều xem thấy, người xuất gia nhiều, trong đó có đệ tử chân thật của Phật, nhưng cũng có con cháu của ma vương. Vào thời mạt pháp, ma vương đã có lời nguyền sẽ cho con cháu của ma trà trộn vào cửa Phật, xuất gia, khoác áo cà sa để hủy diệt Phật pháp. Điều này trong kinh Phật có ghi rõ. Chúng ta sinh vào đời mạt pháp, cho nên trong số người xuất gia có [đệ tử] Phật, cũng có [con cháu của] ma, chúng ta phải có con mắt trí tuệ, phải biết phân biệt.
Chúng ta noi theo chư Phật học tập, không thể noi theo ma học tập. Học tập theo Phật, chúng ta trong một đời này sẽ có thành tựu. Học theo ma, trong một đời này chúng ta nhất định sẽ đọa vào ba đường ác. Chuyện lợi hại khẩn thiết đối với bản thân như thế, sao có thể không rõ biết?
“Thấy người khác được cũng như mình được. Thấy người khác mất cũng như mình mất.” Chúng ta đối với câu này phải thường dùng làm phương châm sống, phải luôn ghi nhớ trong lòng. Nhất định phải buông xả hết [những ý niệm] tự tư tự lợi, niệm niệm đều vì lợi ích của hết thảy chúng sinh, niệm niệm đều vì giúp đỡ hỗ trợ người khác.
Tuy khởi tâm như thế rồi, nhưng để vận dụng tâm ấy vào thực tế cũng không phải dễ dàng. Quý vị muốn làm việc tốt, lại không có duyên, không có cơ hội, hoặc là duyên không đủ. Lúc nào cũng có nhiều người gây trở ngại cho quý vị, không để cho quý vị làm việc tốt, không muốn quý vị thành tựu được việc thiện nào, họ nghĩ ra đủ mọi phương cách để gây trở ngại. Những chuyện như vậy rất thường gặp.
Do đó có thể biết rằng, duyên là điều vô cùng quan trọng, thiết yếu, nên cần phải rộng kết duyên lành với hết thảy chúng sinh, dù một đời này chưa làm xong vẫn còn đời sau nữa. Bồ Tát cứu độ chúng sinh trải qua đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn không dừng nghỉ.
Quý vị đồng tu đều biết, lần trước tôi thành tâm thành ý muốn giúp người bên Australia xây dựng viện dưỡng lão, lại bị người khác phá hoại. Người phá hoại đó có khả năng làm việc tốt đẹp hay không? Họ không thể làm. Tự mình không thể làm được, nhưng lại gây trở ngại không cho người khác làm.
Bình luận chuyện đúng sai phải trái của một người thật không dễ dàng. Quan sát họ về đủ mọi mặt, thấy biết đều rõ ràng rồi, cũng không dám đưa ra một câu quyết đoán. Người xưa nói rất hay: “Cái quan định luận.” (Đóng nắp quan tài rồi mới nhận định được [về tính cách một người].) Chỉ khi đóng nắp quan tài rồi mới có thể bình luận về nhân phẩm của một người. Họ còn chưa chết thì chưa dám nói chắc.
Vì sao vậy? Suốt một đời làm việc xấu ác, nhưng đến lúc lâm chung khởi tâm sám hối, từ bỏ lỗi lầm, tự làm thanh tịnh tâm ý, cũng trở thành người tốt. Người như vậy niệm Phật vẫn có thể vãng sinh, vẫn có thể thành Phật. Cho nên, quay đầu [hướng thiện] là bờ giác. Người chết rồi không thể quay đầu, nên phải đợi đến lúc đó mới có thể xác định họ có phải người xấu hay không.
Vì thế, quý vị phải biết rằng việc phán định tính cách một người thật khó khăn biết bao. Người xưa viết truyện ký, đều là sau khi nhân vật đã chết, người đời sau viết lại. Một triều đại lịch sử cũng vậy, sau khi đã diệt vong rồi, người của triều đại sau đó mới viết lại. Như thế đều là ý nghĩa “cái quan định luận”.
Chúng ta gây chướng ngại cho việc làm thiện của người khác, quả báo là sẽ bị người khác gây chướng ngại việc làm thiện của ta. Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy, nhất là trong xã hội hiện đại này, càng quá rõ ràng, càng quá nhanh chóng. Cho nên, quý vị đồng học phải ghi nhớ, gặp được cơ hội, gặp được việc tốt phải nhanh chóng làm ngay. Thấy người khác làm việc tốt, phải giúp đỡ hỗ trợ, giúp họ thành tựu. Thành tựu việc tốt đẹp cho người, không thành tựu những việc xấu ác cho người.
Người khác làm việc đối với xã hội, đối với nhân dân, đối với chúng sinh chẳng ích lợi gì, ta nhất định không giúp đỡ hỗ trợ. Nếu quả là việc có lợi ích, chúng ta phải hết lòng hết sức quan tâm, hết lòng hết sức hợp tác hỗ trợ, nhất định không khởi tâm ganh ghét đố kỵ gây chướng ngại cho họ. Chỉ luôn hằng thuận, luôn tùy hỷ, đó là hành Bồ Tát đạo.
Quy kết đến chỗ sau cùng là nhất định phải có trí tuệ chân thật, nhất định không để xen tạp tình kiến trong lòng. Tình kiến là si mê, trí tuệ chân thật là quang minh chính đại. Điều này chúng ta phải học tập.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.