(Giảng ngày 20 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 85, số hồ sơ: 19-012-0085) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Đoạn cuối cùng nói về quả báo hiền thiện trong Cảm ứng thiên, sách Vị biên có đưa ra một kết luận. Sự tu hành theo Đạo giáo, quả báo là thành tiên. Trong Phật pháp chỉ có kinh Lăng nghiêm nói đến vấn đề này. Thông thường trong kinh Phật đều chỉ nói đến sáu đường [luân hồi], riêng trong kinh Lăng nghiêm đề cập đến bảy cõi, tức là bảy đường [luân hồi]. [Ở đây] ngoài sáu đường [thông thường] ra còn nói thêm đến cõi tiên hay tiên đạo. Kinh nói đến mười hạng thần tiên, đều được trích dẫn liệt kê ở phần này trong Vị biên, quý vị có thể xem qua, có thể tham khảo.
Ngay trong Đạo giáo nói về thần tiên cũng có tầng bậc cao thấp khác nhau. Theo họ thì thấp nhất là quỷ tiên, tức là trong cảnh giới quỷ có loại tiên này. Tiếp theo, [cao dần lên] có nhân tiên, địa tiên, thần tiên, thiên tiên. Theo Đạo giáo thì cao nhất là thiên tiên, cũng giống như nhà Phật nói về cảnh giới chư thiên. Chúng ta xem thấy Đạo giáo nói về thần tiên rất giống với [nhà Phật nói về] chư thiên trong Dục giới, giống như Tứ vương thiên, Đao-lợi thiên, nhưng thiên tiên [của Đạo giáo] có thể là các vị [thiên tử] cao hơn, đến tận các tầng trời thuộc Sắc giới. Đó là quả báo của sự tu hành.
Chỗ mong cầu đạt đến của Nho gia là thánh nhân, hiền nhân, quân tử. Chỗ mong cầu của người tu theo Phật là thành Phật, Bồ Tát, A-la-hán. Có thể thấy rằng sự tu hành [của Tam giáo] đều có mục tiêu hướng đến, đều hy vọng có thể được chứng quả thánh. Quả báo trong Tam giáo cao thấp bất đồng, công phu tu hành khác biệt, thế nhưng từ nơi việc dứt ác tu thiện, tích lũy công đức mà nói thì cả Tam giáo đều cùng một ý như nhau. Do đó chúng ta có thể nhận hiểu được rằng, trong việc tích lũy công đức, dứt ác tu thiện, công phu quả thật có sâu cạn khác nhau, rộng hẹp bất đồng, cho nên quả báo cũng khác biệt nhau rất lớn.
[Người tu hành trong] nhà Phật có thể đạt đến quả báo rốt ráo chính là nhờ nơi tâm Bồ-đề. Chúng ta tuy đã được nghe rất nhiều về tâm Bồ-đề, đã quá quen thuộc với tên gọi này, thế nhưng nói đến chỗ rốt ráo [của tâm Bồ-đề] thì chúng ta vẫn còn mịt mờ không biết. Hàm nghĩa của danh từ này hết sức sâu rộng, chúng ta không thể dùng sự suy nghĩ, tưởng tượng của mình để hiểu thấu hết được.
Trong kinh điển đức Phật dạy rằng, những suy nghĩ, tưởng tượng của chúng ta hết thảy đều không thể vượt ra ngoài ý thức. Nói cách khác, ý thức là một giới hạn, là một phạm vi. Phạm vi giới hạn đó trong kinh điển gọi là mười pháp giới. Vượt qua được [giới hạn] mười pháp giới mới gọi là pháp giới nhất chân. Chúng ta trong hiện tại không dễ dàng vượt qua được cánh cửa này. Hết thảy chúng ta đều để cho ý thức làm chủ bản thân mình. Dùng ý thức đó mà tu hành thì dù đạt đến [quả vị] cao nhất, viên mãn nhất, cũng chỉ đến mức như trong tông Thiên Thai gọi là Tương tự tức Phật, chưa phải là giai vị Phần chứng. Bốn thánh pháp giới trong mười pháp giới là Tương tự tức, tuy chưa phải là cứu cánh viên mãn nhưng cũng không phải dễ dàng chứng đắc.
Tông Thiên Thai nói về giai vị Quán hành (quán xét và tu hành), chúng ta thông thường gọi là nỗ lực công phu tốt. Giai vị Quán hành chưa thể thoát ly sáu đường [luân hồi]. [Hành giả] có thể sinh về các tầng trời Dục giới, Sắc giới, thậm chí có thể sinh về các tầng trời Vô sắc giới, nhưng không ra khỏi sáu đường [luân hồi]. Giai vị Tương tự thì ra khỏi được sáu đường, nhưng chưa thể ra khỏi mười pháp giới.
Do đó có thể biết rằng, việc tu hành chứng quả thật không phải chuyện dễ dàng. Chỉ riêng với người toàn tâm toàn ý tu học theo Tịnh độ mới được Phật lực gia trì. Chúng ta ngẫm nghĩ xem, dựa vào đâu mà được Phật lực gia trì? Trong kinh A-di-đà dạy chúng ta là phải dựa vào thiện tâm (tâm hiền thiện), thiện hạnh (hành vi hiền thiện) và nguyện tâm (tâm phát nguyện) mới có thể được Phật lực gia trì. Thiện tâm và thiện hạnh đó phải phù hợp với những tiêu chuẩn Phật dạy.
Những tiêu chuẩn Phật dạy đó, trong thực tế chính là tịnh nghiệp tam phúc (ba phước lành tạo nghiệp thanh tịnh). Chúng ta làm sao biết được như vậy? Trong Quán kinh, phu nhân Vi-đề-hy vì chán bỏ thế gian này, mong muốn được vãng sinh về cõi lành, nên thỉnh cầu đức Phật Thích-ca Mâu-ni chỉ bày cho bà. Đức Phật dùng thần lực khiến các cõi Phật trong mười phương đều hiện ra ngay trước mắt bà, giống như chúng ta ngày nay xem trên truyền hình vậy, để cho bà tự chọn lựa. Bà xem qua hết rồi liền chọn thế giới Tây phương Cực Lạc. Đức Thế Tôn hết sức ngợi khen sự chọn lựa của bà, đó là một sự chọn lựa đầy trí tuệ.
Chọn lựa xong rồi thì phải làm sao để được sinh về thế giới Cực Lạc? Đức Phật khi còn chưa dạy về phương pháp vãng sinh, trước đó đã thuyết dạy về tịnh nghiệp tam phúc (ba phước lành tạo nghiệp thanh tịnh). Thuyết dạy xong, đức Phật nói với phu nhân Vi-đề-hy rằng, ba điều [phước lành] này là “chánh nhân tạo nghiệp thanh tịnh của chư Phật trong mười phương, ba đời”. Câu này hết sức trọng yếu, cực kỳ trọng yếu, vì cho chúng ta hiểu rõ được rằng, trong Phật pháp bất kể là tu học theo pháp môn nào, quý vị muốn chứng quả đều phải lấy ba điều phúc lành này làm nền tảng. Bất kể là quý vị học theo pháp môn nào, quý vị đều phải lấy ba điều này làm nền tảng thì mới có thể được thành tựu. Cho nên, đây là “chánh nhân tạo nghiệp thanh tịnh của chư Phật trong mười phương, ba đời”.
Vì thế, chúng ta hiểu được rằng, bất kể là tu học pháp môn nào, có thể thành tựu hay không thì phải quan sát xem ba điều phúc lành này quý vị có làm được hay không? Không có nền tảng là ba điều phúc lành này, dù tu pháp môn nào cũng đều không thể thành tựu, niệm Phật cũng không thể thành tựu, cũng không thể vãng sinh. Do đây chúng ta biết rằng ba điều phúc lành này là hết sức trọng yếu. Đây là pháp tu hành căn bản trong Phật pháp.
Có được nền tảng [là ba điều phúc lành] này rồi, thêm lòng tin sâu vững, tâm nguyện thiết tha thì nhất định sẽ được vãng sinh. Nếu không có được nền tảng như vậy, trong một đời này dù có niệm Phật cũng không thể vãng sinh.
Thế nhưng, việc niệm Phật cũng không phải hoàn toàn vô ích, [dù không vãng sinh nhưng] sẽ được phước báo trong hai cõi trời, người. Nói rằng được phước báo trong hai cõi trời người, nhưng cũng nhất định phải tương ưng, phù hợp với mười nghiệp lành thì mới được sinh trong hai cõi trời, người. Nếu như niệm Phật mà tâm bất thiện, việc làm bất thiện, tuy cũng được phước báo nhưng là phước báo phải sinh vào trong cảnh giới ngạ quỷ, súc sinh mà thụ hưởng. Riêng cảnh giới địa ngục thì dù có phước báo cũng không cách gì được hưởng. Trong địa ngục nhất định không có phước báo. Thế nhưng phước báo quý vị đã tu tích cũng không hề mất đi. Sau khi ra khỏi địa ngục sinh làm quỷ, hoặc sinh làm súc sinh, làm người, thì phước báo ấy sẽ hiển hiện.
Điều này quý vị có thể nhận hiểu được từ lời kể lại của nữ cư sĩ họ Tề trong mấy ngày qua. Bà kể rằng ở núi Thiên Mục có một nhóm quỷ vừa mới từ địa ngục ra. Đó là những kẻ [trước đây] tạo mười nghiệp ác và năm tội nghịch, phải đọa vào địa ngục, chịu tội trong một thời gian rất lâu. Chịu tội xong rồi mới được thoát ra. Những kẻ này vừa ra khỏi địa ngục lại sinh làm quỷ, nhưng trong quá khứ nhất định đã có duyên phần rất sâu với Phật pháp, cho nên ra khỏi địa ngục sinh làm thân quỷ mà biết tu hành. Họ đi tìm một chỗ thanh tịnh để tu hành.
Những vị này nương gá vào thân người để nói ra những điều họ muốn nói. Họ nói những điều rất có ý nghĩa. Trên núi ấy tất nhiên có rất nhiều người, nhưng họ không dám nương gá vào, vì người bị quỷ nương gá sẽ tổn hại nguyên khí rất nặng nề. Cho nên họ phải đi tìm một người còn trẻ có thân thể cường tráng. Người thân thể yếu ớt, suy nhược họ không tìm đến. Họ còn có tâm từ bi, không tùy tiện gây tổn hại cho người khác. Từ chỗ này chúng ta có thể quan sát thấy được hết sức rõ ràng, minh bạch, chuyện này quả là sự thật, không phải giả dối.
Vì thế, lần này nữ cư sĩ họ Tề đến đây chính là Phật, Bồ Tát bảo bà đến để vì chúng ta mà làm một sự chứng thực, làm người chứng thực mắt thấy tai nghe. Như nói rằng bà ấy đến đây để thỉnh kinh, để tham học, thật không bằng nói rằng chư Phật, Bồ Tát sai phái bà đến đây để vì chúng ta làm một người chứng mắt thấy tai nghe, giúp chúng ta tăng trưởng lòng tin.
Hy vọng quý vị đồng học chúng ta, trong tương lai nếu có dịp nào đến núi Thiên Mục tham học, hãy giúp đỡ hỗ trợ cho đạo trường nơi ấy, khôi phục lại đạo trường nơi ấy. Chúng ta biết rằng đạo trường ấy có Phật, Bồ Tát an trụ ở đó, lại có rất nhiều loài chúng sinh mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy cũng tu hành nơi đó. Thậm chí bà Tề còn tiết lộ thông tin là ở đó có cả những con vật biết tu hành. Trên núi ấy quả thật có Hộ pháp.
Do đó có thể biết rằng, trong Phật pháp không phân chia tộc loại, hết thảy đều bình đẳng, [phát tâm tu hành thì] là quỷ cũng tốt, súc sinh cũng tốt, chỉ cần thực sự chân tu thì đều được chư Phật hộ niệm, các vị hộ pháp, thiện thần theo giúp đỡ bảo vệ. Theo lời bà ấy kể lại rõ ràng, nếu không phải bậc chân tu, tâm hạnh không chân chánh, thì dù là người xuất gia, một lão hòa thượng đến hơn tám mươi tuổi, cũng bị đuổi xuống khỏi núi.
Chúng ta nghe qua điều này thì trong lòng hết sức sáng tỏ, cũng thấy được an ủi hết sức, chỉ cần có chư Phật, Bồ Tát ở đâu thì địa phương ấy đều là đất lành, là phúc địa. Nơi ấy sẽ được che chở bảo vệ, không có tai nạn lớn, đó là phước báo của người dân Trung quốc. Những nơi chư Phật, Bồ Tát, thần tiên tu hành, thảy đều là những thánh địa hết sức tốt đẹp. Tôi hiện nay bị chút hư danh trói buộc, tùy ý hành động không thuận tiện, nếu không thì nghe qua việc này rồi tôi nhất định sẽ lên núi [Thiên Mục] ấy mà tham học. Cho nên hy vọng quý vị đồng tu ghi nhớ kỹ điều này, đó là một nơi tốt đẹp [để tu hành].
Trước đây tôi từng nghe nói, Trung quốc có nhiều đạo trường thù thắng, nhưng sự cảm ứng, linh nghiệm cũng không nghe được nhiều lắm, nhất là những cảm ứng rõ ràng như [ở núi Thiên Mục] này, tôi thật rất ít nghe nói đến. Chúng ta biết rằng đó là chư Phật, Bồ Tát thị hiện cho chúng ta thấy được, để giúp chúng ta tăng trưởng thiện tâm, thiện nguyện, khuyến khích chúng ta [tu hành], ngay trong một đời này nhất định phải có sự thành tựu, giúp cho chúng ta có thể ở nơi đầu sào trăm thước tiến thêm bước nữa.
Đoạn này trong Vị biên chú giải không nhiều, nhưng mỗi câu đều hết sức chọn lọc, súc tích, hết thảy đều là trích từ kinh Phật, thực sự là tinh hoa trong kinh điển, hy vọng quý vị đồng môn có thể tự mình xem kỹ. Phần cuối [của chú giải], sách này dẫn ra hai câu trong Vạn thiện đồng quy tập: “Vạn điều lành là hành trang Bồ Tát trên đường tu đạo. Muôn công hạnh là giai tầng thang bậc trợ đạo chư Phật.” Hai câu này hết sức quan trọng thiết yếu. Quý vị đồng tu học Phật không thể không có thiện tâm, không thể không có thiện ý. Những thiện tâm, thiện ý này biểu hiện ngay trong cuộc sống thường ngày là những công hạnh, việc làm, bởi tâm ý biến thành hành vi, đó cũng là thiện hạnh. Hai câu này chúng ta có thể diễn đạt lại theo cách hơi khác một chút. Thiện tâm, thiện ý là điều kiện tất yếu để Bồ Tát tu hành chứng quả. Thiện hạnh là giai tầng thang bậc trợ đạo của chư Phật, tức là những nhân tố để không ngừng hướng thượng vươn lên.
Chư Phật [đang nói ở đây] là Phần chứng tức Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm, bốn mươi mốt giai vị Pháp thân Đại sĩ là thuộc về Phần chứng tức Phật. Tuy đã thành Phật nhưng [vì là Phần chứng tức Phật nên] vẫn còn tầng bậc, vẫn không ngừng hướng thượng vươn lên. Phải nhờ nơi việc làm thiện, công hạnh thiện này mới hỗ trợ quý vị nâng cao, tăng tiến thêm. Muốn vượt qua bốn mươi mốt tầng bậc giai vị, chứng đắc quả Phật viên mãn rốt ráo, đều phải dựa vào việc làm, công hạnh hiền thiện.
Cho nên, [ba yếu tố] thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh này chúng ta nhất định phải học tập, phải y chiếu theo tiêu chuẩn trong kinh điển. Trong giai đoạn hiện nay của chúng ta thì tiêu chuẩn chính là ba điều phúc lành [tạo nghiệp thanh tịnh]. Trong ba điều phúc lành này có nói đến mười nghiệp lành, có nói đến Tam quy y, có nói đến các điều giới, giới luật, cuối cùng nói đến tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, trong đó bao quát hết thảy thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh.
Nhất định phải nghe theo lời răn dạy của đức Phật, phải buông xả hết mọi thành kiến của bản thân, triệt để buông xả hết mọi sự phân biệt bám chấp của bản thân, theo đúng lời răn dạy của đức Phật. Như vậy thì một đời này của chúng ta mới có sự thành tựu, mới không luống qua vô ích.
Hôm nay giảng đến đây là tôi đã giới thiệu xong hết chương [thứ ba nói về quả báo hiền thiện]. Phần tiếp theo bắt đầu từ đoạn thứ 37 là thuộc về chương thứ tư, nói về quả báo xấu ác.
Hôm nay chúng ta giảng đến đây thôi.