(Giảng ngày 17 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 30, số hồ sơ: 19-012-0030) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Phần trước đã giảng đến câu “tích lũy công đức”. Trong sách Vị biên, phần giải thích có trích dẫn đoạn “Tích thiện” trong sách Liễu Phàm tứ huấn. Đoạn này trước đây dù đã giảng giải qua rất nhiều lần rồi, nhưng tôi vẫn thường phải giảng lại. Vì sao vậy? Vì tuy đã giảng giải qua, nhưng chúng ta còn chưa làm theo được.
Vì sao chưa làm được? Chúng ta phải suy đi ngẫm lại, tìm cho ra nguyên nhân khiến ta chưa làm được, rồi trừ bỏ nguyên nhân ấy đi thì mới được cứu vớt. Nếu không thì tiền đồ phía trước hoàn toàn đen tối, phải đi về hướng ba đường ác, đi về hướng địa ngục. Đó là sự thật, nhưng chúng ta vẫn thường xao nhãng xem nhẹ. Chúng ta không đi trên đường đạo Bồ-đề mà đi về hướng ba đường ác. Cho nên, đoạn khai thị này vô cùng trọng yếu. Đoạn văn trích dẫn rất dài, tôi chỉ chọn ra mấy điều phân biệt thiện ác để cùng mọi người nghiên cứu lại.
Trong Liễu Phàm tứ huấn nói: “Việc thiện có chân thật [khác với] giả dối; có ngay thẳng [khác với] tà vạy.” Ngay thẳng ở đây là hành vi ngay thẳng chính trực, tà vạy là hành vi không ngay thẳng chính trực.
“Tích âm đức [khác với] tạo phúc ở đời.” Tạo phúc ở đời là làm việc thiện mà mọi người đều biết, được mọi người trong xã hội khen ngợi. Tích âm đức là làm việc thiện mà người đời không ai hay biết đến, thiên địa quỷ thần [đối với người ấy] báo đáp hết sức trọng hậu.
“Đúng đắn khác với sai lầm, lệch lạc khác với chính đáng, một phần khác với trọn vẹn, lớn lao khác với nhỏ nhặt, khó khăn khác với dễ dàng.” Chỗ này nói nhiều điều như vậy để giúp chúng ta phân biệt. Hai chữ “thiện ác” vừa nhìn qua thấy thật dễ dàng, nhưng trong thực tế hết sức khó phân biệt, chiêu cảm quả báo lành dữ, họa phúc vô cùng vi diệu. Trong phần trước chúng ta đã xem qua, quả thật là “lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt”.
Mỗi người sinh ra trong một đời, cho đến nhiều đời nhiều kiếp, là một vòng nhân quả báo ứng. Một gia đình, một đoàn thể, một xã hội cho đến một quốc gia, ngày nay chúng ta nói đến cả địa cầu, cả thế giới, quý vị cứ quan sát, suy ngẫm cho thật kỹ, liệu có gì không phải là nhân duyên quả báo?
Cho nên, nhà Phật dùng hai chữ “nhân quả” đã bao quát được hết các pháp thế gian và xuất thế gian. Không chỉ pháp thế gian là nhân duyên quả báo, cho đến pháp xuất thế gian cũng không ngoại lệ. Trong các kinh luận thường nói: “Phật pháp do nhân duyên sinh.” Thấu triệt được ý nghĩa và sự thật về nhân duyên quả báo thì đó là Phật, là Bồ Tát. Đối với với ý nghĩa và sự thật ấy mà còn mê muội không sáng tỏ thì đó là phàm phu.
Tiên sinh Liễu Phàm đem sự tâm đắc trong một đời tu học để viết ra mười điều [phân biệt] như trên cho ta tham khảo. Chúng ta cần phải đọc kỹ, nghĩ sâu, dùng đó mà thiết lập nền tảng học Phật, căn bản làm người, thật không còn gì tốt đẹp hơn.
Ông nói ra những câu rất hay như: “Làm thiện mà không rõ lý lẽ, ắt tự cho mình đang làm thiện mà không biết đó là đang tạo nghiệp, phí công khó nhọc tâm tư vô ích.” Câu này rất hay, quả là lời răn dạy chân thật, là tâm đắc chân thật trong một đời của ông. Quý vị muốn dứt ác tu thiện nhưng đối với ý nghĩa dứt ác tu thiện lại không thấu triệt, không sáng tỏ, nên thường luôn tự cho là mình đang làm việc tốt, kỳ thật đó là tạo nghiệp. Hiện tượng như thế từ xưa nay ở khắp mọi nơi, lúc nào cũng có thể nhìn thấy. Đặc biệt là trong thời cận đại này, vì người ta ít đọc sách xưa.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, những sách xưa ghi chép kinh nghiệm trong lịch sử, trải qua mấy ngàn năm, là kinh nghiệm đời đời truyền lại, sự sai lệch không lớn, độ tin cậy rất cao. Nếu chúng ta dựa vào kinh nghiệm một đời của chính mình, bất quá cũng chỉ mấy mươi năm là cùng, đem so với kinh nghiệm mấy ngàn năm của người xưa thật khác biệt quá xa. [Si mê như thế nên] cứ thường tự cho mình là đúng, việc mình làm là thiện, tạo tác [nghiệp ác] chiêu cảm tai họa thì tự mình không thừa nhận, cho đó là thiên nhiên gây hại, rồi đem trách nhiệm đùn đẩy [cho người khác], như thể tự thân mình không liên can gì, tự cho mình là một bậc đại thiện, không biết rằng tự mình đang tạo nghiệp xấu ác nặng nề.
Khi giảng kinh tôi thường nói, những điều lành dữ, họa phước trong đời là do ai làm ra? Người giác ngộ nhận hiểu được đó là do chính mình tạo ra, người mê hoặc thì đem trách nhiệm ấy đùn đẩy về người khác, cho rằng mình chẳng liên can. Người giác ngộ biết rằng đó là do mình tự tạo, tự mình không làm điều tốt, tự mình xao nhãng xem thường [nhân quả]. Đặc biệt là ngày nay chúng ta tự mình khởi tâm động niệm, nói năng hành động đều không đáng để làm gương cho người khác. Đó chính là tự mình làm điều xấu ác, tự mình không làm được điều tốt đẹp.
Chư Phật, Bồ Tát thị hiện nơi thế gian này cũng tự cảm thán như vậy, các ngài tự cho rằng mình làm chưa tốt nên chưa cảm hóa được người đời. Chư Phật, Bồ Tát nhận lãnh trách nhiệm [giáo hóa] về mình, qua đó thành tựu đức lớn của tự thân.
Vì sao chư Phật, Bồ Tát không thể hóa độ người đời? Nhà Phật thường nói, trong thời kỳ mạt pháp thì Chánh pháp suy yếu, ma pháp càng mạnh mẽ. Ma hiện ra đủ mọi hình thức, đủ mọi cách dụ hoặc [người đời]. Người đời khi ấy tập khí phiền não xấu ác sâu nặng, mê hoặc điên đảo, chấp nhận sự giả dối mà không nhận điều chân thật. Ma nương theo sở thích mê lầm của người đời, dạy cho người đời những gì? Dạy người tham lam, sân hận, si mê; dạy người tự lo cho mình, giành lấy lợi ích riêng cho bản thân mình. Giáo pháp của Phật ngược lại với những điều đó, nên người đời rất khó tiếp nhận. Đó là thực trạng hiện nay của chúng ta.
Nhà Phật thường nói: “Phật không độ người không có duyên.” Chúng sinh không tự mình quay đầu [hướng thiện], chư Phật cũng không thể giúp đỡ. Nếu thực sự chịu quay đầu hướng thiện, Phật có thể nâng đỡ cứu giúp. Đối với những người không chịu quay đầu, chư Phật vẫn thị hiện đủ mọi cách, lúc nào cũng khó nhọc khơi mở dạy dỗ, hy vọng có ngày họ chịu quay đầu. Đó là lòng đại từ đại bi của chư Phật, gọi là: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân.” (Trong cửa Phật không bỏ người nào.)
Tiên sinh Liễu Phàm khi bàn về việc thiện “chân thật khác với giả dối” đã nêu ra một ví dụ, rằng xưa có một nhóm nho sinh đến tham vấn hòa thượng Trung Phong. Hòa thượng Trung Phong là người triều Nguyên. Ngày xưa, các nho sinh ít nhiều đều có học qua kinh điển nhà Phật. Các nho sinh này thưa hỏi Hòa thượng Trung Phong rằng, nhà Phật đưa ra thuyết “nhân quả báo ứng, như bóng theo hình”, nhưng ngày nay thấy người làm việc thiện mà gia nghiệp không hưng thịnh, có người làm việc ác mà gia nghiệp lại hết sức hưng vượng. Họ nói, xem như vậy thì thuyết “thiện ác báo ứng” của nhà Phật là sai lầm, chẳng phải chân thật.
Hòa thượng Trung Phong đáp lại rất hay, rằng đối với kẻ phàm phu, cảm xúc trần tục chưa dứt sạch, phiền não tập khí còn nguyên vẹn thì trí tuệ chưa thể khai mở. Con mắt đạo chưa mở ra thì đối với việc thiện liền xem là ác, đối với việc ác lại xem là thiện. Những việc thị phi điên đảo như thế rất thường gặp. [Các anh] tự mình không biết phản tỉnh, không biết quay đầu hướng thiện, ngược lại còn oán trời trách người, cho rằng đạo trời chẳng công bình, không có báo ứng, thật là sai lầm.
Lời thuyết pháp của Hòa thượng Trung Phong hoàn toàn chính xác. Hai chữ “thiện ác” đó có vẻ như mọi người đều nhận hiểu, nhưng thật ra là không hiểu. Liệu có được mấy người thực sự nhận hiểu rõ ràng về thiện ác? Thực sự nhận hiểu rõ ràng về thiện ác rồi thì mới có thể dứt ác tu thiện. Nay những người ấy không có cách gì dứt ác tu thiện được, vì đối với hai chữ thiện ác họ còn chưa nhận hiểu rõ. [Hòa thượng lại hỏi:] “Hai chữ “thiện ác” ý nghĩa sâu rộng vô cùng, các anh đối với sự phân biệt thiện ác đã hiểu được bao nhiêu?”
Khi ấy, các nho sinh liền thưa hỏi: “Vậy theo cách nhìn của Hòa thượng thì thế nào là thiện, thế nào là ác?” Hòa thượng Trung Phong liền hỏi ngược lại họ câu ấy. Một người nói: “Đánh người, mắng nhiếc người, nhục mạ người khác là ác; cung kính, lễ phép với người khác là thiện, có phải như vậy chăng?” Những người khác trong nhóm đều gật đầu cho là phải.
Hòa thượng Trung Phong nói: “Sai rồi, các anh chỉ thấy ở bề mặt hình tướng, không có sự quan sát kỹ. Nếu như người đem lòng chân thành thương yêu, muốn bảo vệ người kia mà đánh mắng, vì muốn giúp người kia quay đầu hướng thiện, thì đánh mắng như thế là thiện. Nếu ngợi khen, lễ kính vì nịnh bợ, vì có việc cầu cạnh, vì muốn hối lộ người kia thì đó là ác, không phải thiện. Chỉ hoàn toàn nhìn vào hình thức biểu hiện bên ngoài thì không thể thấy ra được, các anh phải quan sát sâu vào [nội dung bên trong] mới có thể biết được thế nào là thiện, thế nào là ác.”
[Một người khác nói:] “Tham muốn tiền của, làm bậy để lấy của người khác là ác; ngay thẳng thanh bạch, giữ phẩm hạnh là thiện.” Hòa thượng Trung Phong lắc đầu đáp: “Đó chỉ là nhìn từ biểu hiện bên ngoài. Chưa hẳn đã là như vậy.” [Ngài dạy tiếp:] “Tiêu chuẩn để phân biệt thiện ác, không nói đến tiêu chuẩn quá cao siêu, chỉ là tiêu chuẩn phổ thông thôi, chúng ta cần phải hiểu rõ. Nói chung những việc gì lợi ích cho mọi người, cho xã hội, cho hết thảy chúng sinh, đều gọi là thiện. Chỉ cần là việc hữu ích, dù đánh đập, mắng chửi người khác cũng vẫn là thiện. Những việc gì chỉ mang lại lợi ích cho riêng bản thân mình đều là xấu ác. Nịnh hót, bợ đỡ người khác thì sự cung kính, lễ phép đó cũng là xấu ác. Vì sao vậy? Vì muốn cầu tiếng tăm, lợi ích cho riêng mình, đó là tư lợi, chẳng phải việc công.”
Cho nên, người đời thường chỉ nhìn ở bề ngoài, không thấy được đến chỗ dụng tâm. Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian đều dạy chúng ta phải dụng tâm như thế nào, làm sao để giữ gìn lòng tốt. Tâm niệm lợi ích cho chúng sinh, lợi ích cho xã hội, lợi ích cho người khác thì mỗi niệm đều nên duy trì tâm niệm như vậy, mọi hành vi của quý vị sẽ là thiện. Nếu như mỗi ý niệm đều vì riêng bản thân mình thì tâm niệm đó là xấu ác, tự lo cho mình, mưu lợi riêng cho mình, thì dù làm việc tốt cũng vẫn là ác. Ngạn ngữ gọi đây là “mua danh chuộc tiếng”, không phải việc thiện chân thật. [Người như vậy] sau khi chết vẫn phải rơi vào ba đường ác, không thể sinh vào hai cõi trời, người. Ý nghĩa đó chúng ta không thể không hiểu biết.
Nếu không thể sinh vào hai cõi trời người, quý vị nghĩ xem, như vậy há có thể sinh về thế giới Cực Lạc được sao? Sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc phải là bậc đại thiện, trong kinh [A-di-đà] đã nói rõ với chúng ta như vậy. Thế giới ấy là nơi “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (các bậc thượng thiện cùng hội về một chỗ).
Chúng ta chỉ cần đem tâm ý chân thành, mạnh dạn mà làm, đừng kiêng sợ e dè. “Tôi đem lòng tốt để làm việc này, nhưng số tiền ấy bị người khác dùng sai chỗ.” Sự việc như thế tuy chẳng thành công, nhưng đó là việc của họ, chẳng phải việc của ta. Mỗi người đều có quả báo riêng.
Có một lần trước đây, tôi từ Australia trở về, Hội trưởng Lý bảo tôi rằng tại một ngôi chùa ở Phúc Kiến có ông tăng vì tham tiền, biết lão hòa thượng mang tiền trong người liền giết hại, cướp lấy 300.000 nhân dân tệ rồi bỏ trốn về phương bắc, nhưng không bao lâu đã bị bắt về, tất nhiên là phải chịu án tử hình. Số tiền đó là do Lão pháp sư Đàm Thiền ở chỗ chúng ta cúng dường hòa thượng ấy để xây chùa. Pháp sư Đàm Thiền nghe biết sự việc này, gật đầu nói, quả đáng tội, mỗi người đều có quả báo riêng.
Pháp sư Đàm Thiền phát tâm giúp xây chùa là việc thuần thiện, không hề có chút tâm ý gì xấu ác. Người kia thấy tiền sinh lòng tham, giết người cướp của, đó là tội ác của họ, nhất định không phải Pháp sư Đàm Thiền có ý hại người. Trong việc này, quả báo thiện ác chúng ta cần nhận hiểu rõ ràng. Huống chi vào lúc trao tiền, Pháp sư Đàm Thiền còn nói rất rõ ràng: “Tôi cúng tiền [để xây chùa] là nhân quả của tôi, quý vị tự mình dùng vào việc gì, tương lai sẽ nhận quả báo, đó là nhân quả của các vị.” Lời nói ấy thật rõ ràng minh bạch. Mỗi người đều có nhân quả của riêng mình, không ai có thể thay thế cho ai.
Cho nên, mỗi một ý niệm đều vì lợi ích chúng sinh thì đó là tâm lành, là lòng tốt. Nhất định không có sự tham muốn riêng tư trong đó, hoàn toàn không cầu sự báo đáp, như thế mới là việc thiện chân chánh.
Ngày nay chúng ta thấy có nhiều người, vừa làm được một chút việc tốt thì kèm theo rất nhiều điều kiện, cho nên quả báo không tốt đẹp. Nói chung, bố thí không có điều kiện, cúng dường không có điều kiện, trong lòng thanh tịnh, vô tư mà làm thì quả báo sâu dày, phước báo lớn lao. Lý lẽ này trong kinh Phật nói đến rất nhiều. Nho gia, Đạo gia cũng đề cập đến không ít. Những việc như vậy, từ xưa đến nay ở khắp mọi nơi, chỉ cần chúng ta tỉnh táo một chút, khách quan một chút, ngay trong hoàn cảnh hiện tại cũng có thể thấy được rất rõ ràng, minh bạch.
Muốn làm thiện một cách chân chánh thì phải từ trong tâm địa mà khởi sự công phu. Đề kinh Vô Lượng Thọ nêu lên “thanh tịnh bình đẳng giác” là rất hay. Khởi tâm động niệm, nói năng hành động đều tương ưng với năm chữ này thì đó là việc thiện chân chánh. Nếu trái ngược với những phẩm tính này thì dù làm thiện cũng không chân thật, cũng không thuần thiện.
Làm thế nào để tương ưng với những phẩm tính này, chúng ta phải nhận hiểu rõ, phải học tập, không chỉ là để thiết lập nền móng căn bản cho việc tu đạo Bồ-đề, mà ngay trong đạo lý làm người thì đây cũng là căn bản.
Cho nên, đối với hai chữ “thiện ác” này chúng ta nhất định phải dành thời gian thảo luận. Chúng ta y theo cương lĩnh của cư sĩ Liễu Phàm mà ra công nghiên cứu, dựa trên nền tảng này mà suy xét rộng ra về ý nghĩa dứt ác tu thiện, tích lũy công đức thì có khả năng sẽ thu được đôi chút hiệu quả. Nếu không tham cứu sâu xa, chỉ sợ rằng chúng ta đối với hai chữ thiện ác này sẽ nhận hiểu điên đảo trái ngược, tạo bao nghiệp ác mà vẫn cứ tưởng rằng mình đang tu thiện. Như thế thật là sai lầm quá lớn.