(Giảng ngày 11 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 76, số hồ sơ: 19-012-0076) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm nay chúng ta xem tiếp mục thứ 31 trong Cảm ứng thiên, chỉ có một câu là: “Thụ sủng nhược kinh.” (Được vinh sủng phải biết lo sợ.) Câu này giảng về không si mê, đi liền theo với hai câu trước [giảng về không tham lam và không sân hận]. Cho nên, cả ba câu này nói theo đạo Phật là [giảng về] ba căn lành.
Câu này ý nghĩa rất sâu xa, rất khó thể hội. Ngày xưa nói vinh sủng, ngày nay gọi là vinh dự. Người khác dành cho ta sự vinh dự, tự bản thân ta phải biết suy ngẫm, vinh dự này có nên nhận hay không? Nếu là không nên nhận mà nay ta được nhận thì nhất định đó không phải điều tốt đẹp. Lão tử nói: “Trong điều phúc tiềm ẩn mối họa.” Lời nói này rất có ý nghĩa. Ví như là điều [tốt đẹp] xứng đáng có được cũng phải hết sức khiêm tốn nhún nhường, nếu không thì đó cũng là rước lấy mối họa. Là mối họa gì? Nếu quý vị tỉnh táo quan sát sẽ không khó thấy được, những sự ganh ghét, chướng ngại rất nhiều.
Quý vị làm việc tốt, quý vị là người tốt, các nơi trong xã hội đều biểu dương, ngợi khen quý vị, sẽ có rất nhiều người thấy vậy trong lòng không vui, không thoải mái, nhất là trong thời hiện đại này. Vào thời xưa lòng người chơn chất, thuần hậu. Nói cách khác, số người ganh ghét đố kỵ vào thời xưa có ít hơn, nhưng cũng không phải là không có. Người trong thời hiện đại hoàn toàn không có duyên phận tiếp nhận nền giáo dục của thánh hiền, chỗ thấy chỗ nghe, chỗ học tập hẹp hòi của họ tất cả đều là theo hướng tranh danh đoạt lợi. Nhìn thấy người khác được vinh dự, họ làm sao có thể bỏ qua được?
Cho nên, hiện nay ở thế gian này làm việc tốt hết sức khó khăn. Làm việc tốt phải chịu sự hủy báng, chịu sự nhục mạ của người khác, thì [người tốt] ấy mới có thể tồn tại. Làm việc tốt mà thường được người khen ngợi, tán dương thì e rằng người tốt ấy không tồn tại được lâu dài. Quý vị thử nghĩ xem, hiện tại có phải là xã hội như thế hay không? Cho nên, đối với một câu “Thụ sủng nhược kinh” này, hôm nay xem đến tôi có cảm xúc đặc biệt rất sâu sắc. Chúng ta phải thấu hiểu được ý nghĩa này. Hiểu được ý nghĩa này rồi chúng ta mới biết được mình nên làm như thế nào. Bất kể là làm những việc tốt gì, việc càng lớn lao thì tư thế càng phải khiêm hạ, phải hạ mình càng thấp càng tốt. Làm việc tốt thì càng ít người biết càng tốt.
Cảm ứng thiên dạy chúng ta tích tụ âm đức. Âm đức là làm việc tốt không cần người khác biết đến. Để cho người khác biết thì không còn là việc tốt nữa. Thế nhưng ngày nay thông tin hết sức phát triển, [quý vị] vừa làm một chút việc tốt thì đã có các phóng viên báo chí đến tìm hiểu nghe ngóng, rồi đưa tin lên báo chí, rồi ngợi khen xưng tán quý vị, khiến cho người khác nhìn thấy sinh lòng ganh ghét đố kỵ, gây chướng ngại, tìm đến gây phiền phức. Những việc này chúng ta có nghĩ đến hay không?
Việc hư hại nhất định không được làm, việc tốt nên làm. Làm việc tốt thì điều trọng yếu nhất là tuyệt đối không cầu quả báo. Nếu tạo nhân mong cầu phước báo thì không chỉ là không được phước báo mà còn phải gánh lấy tai họa. Thời xưa đã có những việc như vậy, hiện tại cũng có rất nhiều.
Nói như vậy thì việc tốt có nên làm hay không? Có nhất định phải làm hay không? Xin thưa cùng quý vị, việc tốt rất nên làm, nhất định phải làm. Nhưng vì ai mà làm? Phải vì xã hội mà làm, vì chúng sinh mà làm, mong cầu cho xã hội ổn định bình an, thế giới hòa bình, nhất định không phải vì bản thân mình mà làm.
Hôm qua tôi có xem băng ghi hình của nữ cư sĩ họ Tề, chuyện bà kể hết sức gần với sự thật. Có một người trong đêm tối kéo xe, trên xe chở năm người. Thực tế đó không phải con người mà là năm con quỷ. Kéo đến trước cửa một nhà kia thì bọn ấy đi vào nhà ấy để đầu thai, đầu thai làm kiếp lợn. Trong nhà ấy [có con lợn nái] liền sinh ra năm chú lợn con. Điều này cho thấy rõ sáu đường luân hồi là có thật, chẳng phải giả dối. Những chuyện như vậy có rất nhiều. Lần trước, tại đây có nữ cư sĩ họ Lôi người Hương Cảng cũng nói với chúng ta rằng sáu đường luân hồi là có thật, chính bà đã trải qua, có kể cho chúng ta nghe chuyện ấy. Chúng ta cũng có ghi hình lại. Quý vị thường thấy những việc như vậy, thường nghe những việc như vậy, không phải là chuyện giả dối, không phải là mê tín.
Cho nên, vấn đề ở đây là phải có cách nhìn xa trông rộng một chút, chúng ta đời sau biết sẽ tái sinh về đâu? Liệu có sinh làm kiếp lợn chăng? Liệu có sinh làm rắn độc, làm thú dữ chăng? Sau khi chết tái sinh về đâu đều là do trong một niệm [quyết định]. Đức Phật dạy, một niệm sau cùng [trước khi chết] sẽ quyết định quý vị tái sinh về cảnh giới nào.
Chư Phật, Bồ Tát, các bậc đại đức đều khuyên chúng ta niệm Phật, đó là điều tốt đẹp. Niệm Phật có thể vãng sinh hay chăng? Quyết định là do nơi một niệm cuối cùng [trước khi chết]. Nếu niệm cuối cùng đó vẫn là niệm Phật thì chắc chắn sẽ được vãng sinh. Nếu như niệm cuối cùng đó thay đổi, một niệm không hài lòng, quên mất Phật hiệu, một niệm sân hận dấy lên, như vậy sẽ đi ngay vào ba đường ác; một niệm tham ái dấy lên, có thể sẽ đi vào ba đường lành [thay vì được vãng sinh], do quý vị tham muốn giàu sang phú quý trong hai cõi trời người. Quyết định là ở niệm sau cùng [trước khi chết].
Do đó, người học Phật chúng ta cần biết rằng, niềm tin và nguyện lực phải mạnh mẽ. Bất kể là hoàn cảnh thuận lợi hay trái nghịch, phải mãi mãi kiên cố không thay đổi, như vậy thì chúng ta mới mong đạt được mục đích mong cầu của mình.
Cho nên, trong việc dứt ác tu thiện, tích lũy công đức, chúng ta thường nói là đem công đức này hồi hướng về Tịnh độ, hồi hướng về [quả vị] Bồ-đề, hồi hướng cho tất cả chúng sinh, không phải vì bản thân mình. Không vì bản thân mình, nên tự thân chúng ta trong đời gặp phải những điều lành dữ, họa phúc đều không đáng nói, tâm luôn thản nhiên, không vướng bận gì trong lòng. Thế nhưng nhất định phải dứt ác tu thiện, nhất định phải tích lũy công đức, vâng theo lời dạy của chư Phật, Bồ Tát mà làm, như vậy chắc chắn là đúng đắn, tâm lượng nhất định sẽ rộng mở.
Quý vị phải hiểu được rằng, hết thảy tội nghiệp từ đâu sinh ra? Là vì tâm lượng quá nhỏ hẹp, không bao dung được người khác. Không bao dung được những ý kiến của người khác, như vậy là sai lầm. [Chúng ta] nhất định phải học theo chư Phật, Bồ Tát, tự mình không có ý kiến gì, cho nên có thể dung nạp được ý kiến của hết thảy chúng sinh. Chư Phật, Bồ Tát hoàn toàn không có ý kiến gì. Chư Phật, Bồ Tát dung nạp được ý kiến của hết thảy chúng sinh. Chúng ta làm sao biết được? Chúng ta thấy chư Phật, Bồ Tát giảng thuyết đủ các loại kinh điển, đó là dung nạp ý kiến của người khác. Những kinh điển, giáo pháp mà đức Phật giảng thuyết đều là lắng nghe ý kiến của người khác rồi đáp ứng. Sự đáp ứng của ngài là trí tuệ chân thật, là trí tuệ rốt ráo, là trí tuệ trọn vẹn đầy đủ, cho nên có thể giúp cho chúng sinh nghe qua rồi thì được khai ngộ, được chứng quả.
Tuy giúp họ được khai ngộ, được chứng quả, thay đổi được cách nghĩ, cách nhìn nhận của họ về vũ trụ nhân sinh, nhưng hoàn toàn không thay đổi thói quen của họ, không thay đổi những sự tôn sùng trong đời sống của họ, cho đến phong tục tập quán của họ cũng đều không phá bỏ. Vậy thay đổi chúng sinh là gì? Chỉ là giúp đỡ, hỗ trợ cho họ phá trừ si mê, mở ra giác ngộ. Đó là Phật pháp. Phật pháp như vậy là giáo dục. Cho nên Phật pháp có thể khiến cho hết thảy chúng sinh đều hoan hỷ tiếp nhận, nguyên nhân là ở chỗ này.
Nói tóm lại, tất cả đều là muốn cho chúng ta có thể được sự lợi ích hiện tiền. Nói những điều quá cao siêu, quá huyền diệu thì chúng ta ta không được lợi ích. Đó gọi là lời vô bổ, chư Phật không nói ra. Trong giáo pháp ở mức độ thấp nhất, có lợi ích thiết thực nhất, Phật dạy chúng ta phải đem những ý kiến riêng tư của mình buông xả hết. Điều này trong kinh điển đức Phật giảng giải hết sức rõ ràng. Chỉ sau khi chứng đắc quả vị A-la-hán mới có thể tin vào ý riêng của mình. Chúng ta ngẫm nghĩ xem như vậy là thế nào? A-la-hán là bậc chánh giác. Khi còn chưa chứng đắc quả vị A-la-hán, cho dù quý vị có thông minh, có trí tuệ, trong Phật pháp cũng xem đó là “thế trí biện thông” (loại trí tuệ thế gian chỉ giỏi biện luận) mà thôi. Điều này quý vị nên biết, người “thế trí biện thông” là rơi vào một trong tám nan [xứ]. Đó là nan [xứ] gì? Là sở tri chướng, [chướng ngại do quá nhiều hiểu biết không hợp chánh pháp].
Vì sao trí tuệ của vị A-la-hán được xem là trí tuệ chân thật, có thể tự tin vào [tư tưởng] của chính mình? Đó là vì vị A-la-hán đã đạt đến vô ngã, cho nên có thể tin vào [tư tưởng] của chính mình. Chúng ta ngày nay khởi tâm động niệm đều là chấp ngã, là hữu ngã. Đã là hữu ngã, đương nhiên là mỗi khi động niệm, trong lúc không hề tự biết, không kể là hữu ý hay vô ý, quyết định có phù hợp hay không phù hợp với lợi ích bản thân, trong chỗ vô tình hay hữu ý thì [ý niệm] đó đều gây họa hại.
Cái gì là [bản] ngã? Trong kinh điển thuộc Duy thức tông (hay Pháp tướng tông) dạy rằng, thức thứ bảy là mạt-na thức bám chấp nơi một phần của [thức thứ tám là] a-lại-da thức, cho đó là ngã. Pháp tướng tông giải thích rõ ràng hơn: “Bốn phiền não lớn thường nương theo nhau.” Cái gì là ngã? Si là ngã, tức là ngu si. Kiến là ngã. Kiến là gì? Tức là thành kiến, là cách suy nghĩ của chúng ta, cách nhìn nhận của chúng ta [đối với mọi việc]. Có triết gia nước ngoài cho rằng: “Tôi tư duy tức là tôi hiện hữu.” Quý vị suy nghĩ xem, đó chẳng phải là ngã kiến hay sao? Ông này nói không sai. Pháp tướng tông của Phật giáo nói rằng ngã là gì? Ngã là ngã kiến. Vậy so với câu nói trên là cùng một ý. Nhưng ông này chỉ nêu ra được một điều [là ngã kiến] thôi, đức Phật nói đến bốn [phiền não lớn] là ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái. Mạn là sân hận. Ái là tham ái. Những thứ gì là ngã? [Các phiền não] tham sân si là ngã, thành kiến là ngã, nên quý vị có những tư tưởng, kiến giải thế này thế kia đều không chính xác.
Vị A-la-hán không hề có [phiền não], bốn phiền não lớn đều đã dứt trừ hết. Quý vị phải biết rằng, đối với ngã kiến thì vị Tu-đà-hoàn đã trừ dứt. Ngã kiến thuộc về kiến hoặc. Ngã si, ngã mạn và ngã ái thuộc về tư hoặc. Điều này trong kinh điển giảng giải rất rõ ràng. Cho nên, trong Phật pháp phân biệt tiêu chuẩn tà chánh là dựa vào chánh giác (giác ngộ chân chánh). Tiêu chuẩn chánh giác là phải dứt trừ hết bốn loại phiền não kể trên. Chư Phật Như Lai, các vị Pháp thân Đại sĩ có tâm lớn như hư không, bao trùm hết thảy các thế giới, tâm lượng lớn thì phúc đức lớn. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này.
Vinh dự không dễ nhận lãnh. Người đời đều cho là điều tốt, người người đua nhau tranh giành, nhưng người thông minh trí tuệ thì luôn tìm đủ mọi phương cách để né tránh. Chúng ta nhất định phải hiểu được điều này.
Trong phần chú giải cũng dẫn lại một câu chuyện xưa, là chuyện Chu Thành Vương sai Bá Cầm về thụ phong đất Lỗ. [Khi ấy] Chu công có mấy lời dặn dò [con trai là] Bá Cầm. Những lời ấy được trích lại trong đoạn chú giải này, rất đáng cho chúng ta học tập. Chu công dặn: “Con đừng lấy [việc mình được phong] nước Lỗ mà kiêu ngạo với người khác.” Vào thời ấy, nước Lỗ có nền văn hóa hưng thịnh, nổi tiếng nhất. Chu công là bậc đại thánh nhân mà Khổng tử suốt một đời kính ngưỡng, khâm phục nhất. Khổng tử [sau này cũng] là người nước Lỗ. Văn hóa ở nước Lỗ thời ấy mức bình quân cũng rất cao tột [so với các nước chư hầu khác]. [Chu công dạy con rằng,] ngàn vạn lần cũng không được lấy việc mình là người nước Lỗ mà kiêu ngạo. Đó đều là răn ngừa dạy dỗ.
Chu công nói: “Ta nghe rằng, người có đức hạnh rộng lớn nhưng luôn giữ sự cung kính khiêm hạ, đó là vinh dự.” Chúng ta suy ngẫm xem ý nghĩa thế nào là người thực sự có đức, có hạnh. Thế nào là đức? Chúng ta có thể tổng kết tất cả những điều tu học trong Phật pháp, tôi có viết ra thành hai mươi chữ, tin rằng mọi người đều đã nhớ được rất kỹ. Đó là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. [Mười chữ này] là đức. Trong lòng thường ghi nhớ mười chữ này, đó là đức.
Thế nào là hạnh? Nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. [Mười chữ này] là hạnh. Người thực sự có đức, có hạnh thì biểu hiện ra bên ngoài là sự cung kính, đối với hết thảy chúng sinh đều cung kính. Người như vậy mới thực sự là vinh dự.
Chúng ta suy ngẫm về lời này [của Chu công], Khổng tử là người đã làm được. Học trò đều xưng tán ngài là đức hạnh, là ôn hậu, thiện lương, cung kính, tiết kiệm, nhẫn nhượng. Khổng tử đối với người khác luôn cung kính, bất kể người đó là ai, tuyệt đối không dám khinh chê xem thường người nào, do đó mà thành tựu đức hạnh. [Cho nên,] trải qua muôn đời ngàn năm, người đời sau đều hướng mọi sự vinh dự về Khổng tử.
[Trong lời dặn con của Chu công,] câu tiếp theo là: “Người được đất phong mênh mông nhưng vẫn luôn giữ sự cần kiệm, đó là an ổn.” Thời xưa, những ai có công lớn với nước với dân được vua phong thưởng thì cắt đất phong cho. Ngày nay chúng ta hiểu ý nghĩa “đất phong mênh mông” đó tức là giàu có về tiền bạc. Quý vị có rất nhiều tiền bạc, hết sức giàu có, nhưng quý vị vẫn có thể giữ được sự kiệm ước, tiết kiệm, như thế thì quý vị mới được bình an. Nếu quý vị giàu có, nhiều tiền bạc, sống đời xa xỉ thì họa hại đến ngay.
Tại Trung quốc có một người rất nổi tiếng là Thạch Sùng, hết sức giàu có. Ông sống đời hưởng thụ xa hoa, lãng phí phá tán, cuối cùng thân bại danh liệt, bị người giết hại, tài sản bị tịch thu. Phải tiết kiệm, vì tiền bạc từ đâu mà có? Cũng chính từ sự bố thí trong đời trước cũng như đời này mới có được.
Người Trung quốc ngày trước thờ cúng thần tài. Thần tài là ai? Chính là Phạm Lãi [người đời Chiến quốc]. Hiện tại nghe có người nói thần tài là Quan Công, không biết ai đưa ra sự thay đổi này? Hoàn toàn vô lý. Quan Công là bậc nghĩa khí, bậc trung nghĩa, đó là danh xưng với thực chất phù hợp nhau. Về quản lý tài chánh, chưa từng nghe nói Quan Công từng làm qua công việc lãnh đạo về tài chánh, về kinh tế, thật chưa từng nghe qua. Khả năng quản lý tài chánh của Quan Công là điều chúng ta chưa từng nghe qua.
Còn về Phạm Lãi, quý vị có thể thấy ông là người giúp Việt vương Câu Tiễn đánh bại nước Ngô. Ông biết Việt vương là người chỉ có thể cùng chung hoạn nạn, không thể cùng chung hưởng phú quý. Lòng trung của ông chỉ vì đất nước, không vì bản thân mình. Sau khi đất nước khôi phục hưng thịnh, ông biết việc từ chức sẽ không được Việt vương chấp nhận nên lẻn trốn, bỏ đi nơi khác, thay tên đổi họ làm nghề kinh doanh buôn bán. Không bao lâu ông phát đạt, giàu có lớn. Trở nên giàu có rồi, ông đem hết tất cả tiền của bố thí cho người nghèo khổ, rồi lại bắt đầu buôn bán nhỏ, gầy dựng lại. Rất nhiều lần như vậy, ông giàu có lên thì lại buông xả bố thí hết, tự thân mình lúc nào cũng sống tiết kiệm, chỉ lo giúp đỡ xã hội. Cho nên, người Trung quốc sau này biết ông có tài quản lý tài chánh thành công, là tấm gương tốt cho xã hội noi theo [trong lãnh vực này], liền thờ phụng ông, tôn xưng ông là thần tài.
Ý nghĩa là như vậy, nên quý vị nếu muốn phát tài, muốn giàu có thì phải hướng theo thần tài mà học tập, hướng theo Phạm Lãi mà học tập. Giàu có phát tài không phải để tự thân mình hưởng thụ, giàu có phát tài là vì cứu giúp những người nghèo khổ trong xã hội. [Sử dụng] tiền bạc như vậy là xứng đáng có được, là có ý nghĩa, là có giá trị. Nếu giàu có phát tài chỉ để một người hưởng thụ, một nhà hưởng thụ, một nhóm nhỏ hưởng thụ, nhất định là sai lầm, sẽ dẫn đến tai họa.
[Lời răn dạy] tiếp theo [của Chu công] là: “Người được bổng lộc nhiều, địa vị cao nhưng vẫn giữ được sự khiêm hạ, đó là đáng quý.” Bổng lộc nhiều, địa vị cao là quý vị được làm quan lớn, giữ cương vị cao. Quan chức càng cao, tước vị càng lớn lại càng phải biết hạ mình khiêm tốn, không dám đứng trên người khác. Tự hạ mình mà tôn trọng người, như vậy mới thực sự là người đáng tôn quý. Sự phú quý đó sẽ không mất đi. Lời răn dạy này quả là chân thật.
[Chu công lại dạy con] lời tiếp theo là: “Người có quân đông tướng mạnh nhưng vẫn giữ lòng cảnh giác lo sợ, đó là chiến thắng.” Câu này nói về [người nắm] quân đội, vũ lực của một quốc gia, cho dù hết sức hùng mạnh nhưng vẫn luôn giữ được sự cảnh giác lo sợ [không khinh địch], đó mới là thực sự thắng lợi. Nếu dựa vào binh hùng tướng mạnh mà đến đâu cũng khinh rẻ xem thường người khác, đến đâu cũng áp bức người khác, thì rốt cùng thế nào cũng sẽ bị hủy diệt. Đó gọi là “Kiêu binh tất bại.” (Quân kiêu căng chắc chắn sẽ bại.) Trong lịch sử chúng ta thấy rất nhiều trường hợp như vậy. Hiện nay trong thế gian này chúng ta cũng thấy [được việc ấy] rất rõ ràng, minh bạch.
Hai câu [dạy con] tiếp theo [của Chu công là]: “Người thông minh sáng suốt hiểu biết nhiều nhưng vẫn [khiêm hạ thấy mình] ngu dốt, đó là lợi ích. Người nghe rộng biết nhiều nhưng vẫn thấy mình cạn cợt, đó là học rộng.”
Chu công dạy con là Bá Cầm sáu điều như trên, những lời vàng ngọc quý giá, chính là vận dụng ý nghĩa “thụ sủng nhược kinh” (được vinh dự phải biết lo sợ) vào thực tế, là thực sự hiểu được cách đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, làm sao có thể bảo toàn được công danh phú quý của bản thân mình, rất đáng cho chúng ta học tập.
Chúng ta hoằng pháp lợi sanh nhất định không phải vì bản thân mình, mà vì phúc lành của hết thảy chúng sinh, vì một thế giới hòa bình hạnh phúc. Quý vị phải hiểu được rằng, một quốc gia của chúng ta được giàu mạnh, những quốc gia chung quanh không giàu mạnh [thì cũng không có hạnh phúc], đó là như lời cổ ngữ Trung quốc: “Một nhà no ấm ngàn nhà oán hận.” Đó là sự thật trong đời.
Mọi người đều được tốt đẹp thì điều tốt của chúng ta là chân thật. Chỉ một mình ta được điều tốt đẹp, mọi người đều không được tốt đẹp, đó là tai nạn đến ngay. [Khi ấy] quý vị là kẻ thù của mọi người, hứng chịu sự ganh ghét, hứng chịu sự sân hận, quý vị còn có được ngày tháng tốt đẹp hay chăng? Cho nên, phải giúp đỡ, hỗ trợ hết thảy những người không cùng chủng tộc; giúp đỡ, hỗ trợ hết thảy những người không cùng tôn giáo; giúp đỡ, hỗ trợ hết thảy những người khổ nạn trong thế gian, khi đó thì mọi người mới có được cuộc sống thực sự hạnh phúc mỹ mãn. Đó chính là những gì các bậc hiền thánh xưa đã dạy bảo chúng ta.
Chỉ có [tấm lòng] không vị kỷ mới thực sự tích lũy được công đức. Nếu có mảy may ý niệm riêng tư xen tạp vào, bao nhiêu công đức của quý vị liền tiêu hoại hết. Điều này chúng ta phải luôn ghi nhớ.