(Giảng ngày 7 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 20, số hồ sơ: 19-012-0020) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Bài văn Cảm ứng thiên không dài, tổng cộng chỉ hơn ngàn chữ. Sách Vị biên phân chia Cảm ứng thiên thành 124 đoạn nhỏ, mỗi đoạn chỉ một, hai câu. Đoạn cuối cùng dài hơn, có nhiều câu. Về sau chúng tôi in lại bài văn Cảm ứng thiên, không ngại y theo cách phân đoạn trong sách Vị biên mà phân chia lại, bản này dùng tụng đọc, giảng giải đều hết sức thuận tiện.
Hôm nay chúng ta xem đến đoạn thứ 11: “Lại có ba thần thi ở trong thân người, cứ đến ngày canh thân thì lên thiên tào báo rõ những điều tội lỗi của người.”
Những người trẻ tuổi ngày nay, mà không riêng gì người trẻ tuổi, kể cả hạng trung niên, nghe đến câu này thì đều cho là mê tín. Dùng hai chữ “mê tín” để phủ nhận sự thật này, quả báo của những người ấy thật không dám nghĩ đến. Dưới mắt người sáng suốt thì đây là việc hết sức đáng tiếc. Các bậc hiền thánh xưa tích lũy kinh nghiệm từ nhiều ngàn năm, trong khi khoa học kỹ thuật hiện đại có lịch sử còn ngắn ngủi, chưa được ba trăm năm. Nhưng khoa học kỹ thuật hiện nay vẫn không ngừng phát triển. Họ đã biết về các chiều không gian, chỉ là chưa thể đột phá vượt qua. Giả sử khoa học cứ tiếp tục tiến xa hơn nữa, đến một ngày kia có được sự hiểu biết đột phá vượt qua các chiều không gian, thì cũng có khả năng sẽ thấy được trạng thái của quỷ thần, các trạng thái khác trong sáu đường luân hồi.
Tôi sống ở Mỹ và Canada một thời gian khá lâu, thấy hiện nay ở Tây phương đang rất thịnh hành thuật thôi miên. Người ta dùng phương thức thôi miên để khiến người bị thôi miên tự nói ra được chuyện đời trước, chuyện quá khứ của họ. Những tư liệu loại này khá phong phú, được xuất bản ngày càng nhiều hơn. Qua đó, người ta đã chứng minh được sự tồn tại đích thực của sáu đường luân hồi, rằng sáu đường luân hồi là có thật. Tuy là như vậy, nhưng thuật thôi miên không có khả năng chứng minh được về sự giám sát của quỷ thần đối với người đời, cũng không có cách gì để làm rõ được sự thật này. Chỉ qua những lời dạy của các bậc hiền thánh xưa, của chư Phật, Bồ Tát, ta mới biết được việc người đời khởi tâm động niệm mảy may chi tiết đều có quỷ thần ngay đó thấy biết.
Nói về ba thần thi, trong Phật pháp có nói đến hai vị thần là Đồng Sinh và Đồng Danh, thường ở phía trên vai trái và vai phải của ta, không lúc nào xa rời, nhưng ba thần thi ở trong nội tạng, thật không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, chúng ta đã từng xem qua băng ghi hình Lời tiên tri cổ, được mang từ Mỹ về. Trong đó nói đến một người có năng lực đặc biệt lạ thường, khám bệnh giúp người khác. Nhưng bệnh nhân không ở trước mặt ông, cũng không hề quen biết trước, lại ở cách xa đến mấy mươi dặm, hoặc mấy trăm dặm cũng không hề gì, chỉ cần nói cho ông ấy biết tên họ, địa chỉ, thì ông có thể đến khám bệnh. Ông đến đâu để khám bệnh? Là đến bên trong lục phủ, ngũ tạng mà khám. Ông có khả năng đi vào bên trong nội tạng của người bệnh, quan sát từng nơi xem tim, gan, lá lách, phổi... nếu có gì khác thường liền nói ra, bên cạnh có người ghi chép lại. Băng ghi hình việc ấy quý vị đều đã xem qua.
Ba thần thi hẳn cũng như vậy. Chúng ta xem trong phần chú giải, ba thần thi giống như ba chị em cùng ở trong thân thể người. Thần thượng thi ở trên đầu, có thể khiến người rối loạn tư tưởng, có thể khiến người mờ mắt, rụng tóc. Thần trung thi ở trong ruột và dạ dày của người, có thể khiến người tham ăn, khiến người mất trí nhớ, khiến người làm chuyện hư hỏng. Thần hạ thi ở trong chân người, khiến người háo sắc, tham lam, ưa thích việc giết chóc. Ba thần này đều mong cho người sớm chết đi, vì sau khi người chết họ sẽ biến thành quỷ, có thể được hưởng sự cúng tế của người. Cho nên, khi một người khởi tâm động niệm, nói năng hành động, ai là người biết rõ nhất? Chính là ba thần thi này. Ba thần thi này biết rõ nhất về con người.
Ba thần thi “ở trong thân người, cứ đến ngày canh thân thì lên thiên tào”. Mỗi chu kỳ can chi có một ngày canh thân. Trung quốc thời xưa tính ngày, tháng, năm đều theo chu kỳ can chi. Chúng ta xem hiện nay đoán vận mạng sắp xếp bát tự thì biết. Khi tính năm, dùng can chi (giáp tý) mà sắp xếp, cứ 60 năm là một chu kỳ. Tính ngày tháng cũng dùng can chi mà sắp xếp, cứ [60 ngày], 2 tháng là một chu kỳ. Vì thế, cứ 60 ngày lại có một ngày canh thân, đó là ngày ba thần thi dâng cáo trạng lên “thiên tào”. “Thiên tào” rất có thể là chỉ cho cõi trời Tứ vương thiên và Đao-lợi thiên. Họ đi lên đến Tứ vương thiên, Đao-lợi thiên để báo cáo.
Quý vị nên biết, việc này bất kể quý vị có tin hay không tin, không phải cứ tin thì mới có, không tin không có. Nếu quả thật không tin không có, thì các bậc thánh hiền nói với chúng ta việc này chẳng phải chỉ gây phiền toái cho ta thôi sao? Như thế, đối với ta sao có thể đáng bậc thánh hiền? Cho nên, dù không tin thì vẫn có thật như thế. Người Trung quốc có như thế, người nước khác cũng có như thế, không một người nào là không có như thế.
Nếu tạo đủ mọi nghiệp ác mà vẫn không gặp quả báo xấu ác, đó là do nguyên nhân gì? Là do đời quá khứ đã tạo phúc rất lớn. Trong đời này tạo nghiệp ác, đương nhiên bị giảm phúc, nhưng tuy bị giảm mà vẫn còn dư nhiều, do đó vẫn tiếp tục được hưởng. Ý nghĩa là như thế. Nếu người ấy trong đời này hiểu rõ được ý nghĩa đó, dứt ác tu thiện, thì phước báo lại càng lớn lao hơn, nhiều đời nhiều kiếp cũng không hưởng tận, đúng thật như thế. Vậy thì người đời vì sao phải tạo nghiệp ác?
Người xưa cũng có thuyết nói rằng ba thần thi chính là hồn vía của mỗi người. Ta thường nói “ba hồn, bảy vía”, đó là cách nói thời xưa của người Trung quốc. Trong Đạo giáo cũng có thuyết riêng của họ: “Nhân nơi vía mà có tinh, nhân nơi tinh mà có hồn, nhân nơi hồn mà có thần, nhân nơi thần mà có ý, nhân nơi ý lại có vía, [cứ xoay vòng như thế].” Đó là cách Đạo gia giải thích về nguồn gốc sinh ra hồn vía. Cho nên họ nói rằng, bậc thánh nhân đối với hết thảy cảnh giới đều không dùng đến vọng tâm, tức là tâm vọng tưởng [để nhận thức]. Các vị không dùng tâm vọng tưởng mà dùng chân tâm.
Thế nào gọi là chân tâm? Tâm không có vọng niệm gọi là chân tâm. Dùng tâm ấy nhận thức cảnh giới bên ngoài, đó là thuần thiện. Ai có thể dùng chân tâm ấy? Nói thật ra, chỉ có chư Phật, Bồ Tát, các bậc chân chính giác ngộ mà thôi. Trong kinh Thanh tĩnh [của Đạo giáo] nói: “Nhân thần ưa thích sự thanh tịnh.” Nhưng tâm vọng tưởng của chúng ta làm nhiễu loạn sự thanh tịnh đó, phiền não làm nhiễu loạn. Tâm xưa nay vốn thanh tịnh, do dục vọng làm xáo động, khiến cho tâm không còn thanh tịnh nữa. Tâm không thanh tịnh chính là phàm phu. Do đó có thể biết rằng, chúng ta cần phải khôi phục tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là tự tánh, tâm thanh tịnh cũng là chân tâm. Khôi phục được tâm thanh tịnh, có thể dùng tâm thanh tịnh ấy mà xử sự, mà đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, thì người như thế chính là Phật, Bồ Tát.
Từ trong kinh điển, chúng ta phải thể hội thêm được ý nghĩa này: Mục đích cao nhất của việc học Phật là chuyển phàm thành thánh. Nhà Phật thường nói, giáo dục Phật giáo dạy người ba sự chuyển biến. Một là chuyển xấu ác thành hiền thiện. Hai là chuyển si mê thành giác ngộ. Ba là chuyển phàm thành thánh.
Quý vị cần hiểu được phải bắt đầu chuyển từ đâu. Tâm ta xưa nay vốn là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ và từ bi. Hiện nay cả năm phẩm tính này đều không còn nữa, hết thảy đều biến thành hư ngụy, thành nhiễm ô, thành kiêu mạn, thành ngu si, thành tự tư tự lợi. Chúng ta nghĩ xem, có phải vậy chăng? Tự mình đã vậy, nhìn sang mọi người khác quanh ta cũng đều như vậy. Cho nên thế giới này mới phải gặp kiếp nạn, mới đầy thiên tai, nhân họa.
Chúng ta ngày nay sinh ra vào thời điểm kề cận với kiếp nạn, không nói chắc được sẽ nhanh chóng gặp nạn lúc nào. Làm sao để cứu vãn? Làm sao có thể né tránh? Tự cổ chí kim, từ đông sang tây, con người ai ai cũng muốn tìm sự an lành, tránh điều hung hiểm. Ai ai cũng biết vậy, nhưng làm sao để được an lành, tránh được hung hiểm thì lại không biết. Ở một nơi có tai nạn, không tốt, ta tìm đến một nơi khác để tránh đi có được không? Không nhất thiết phải vậy. Ngạn ngữ có câu: “Số kiếp khó tránh.” Quý vị đã rơi vào số kiếp, dù trốn tránh đến nơi khác cũng chẳng ích gì, vẫn phải nhận lãnh kiếp nạn ấy thôi. Đó là lý lẽ nhất định, là lý lẽ chân thật.
Vậy phải làm thế nào mới tránh né được? Nhất định phải từ trong tâm mình thực hiện một sự chuyển biến. Chính xác là như vậy. Ở một địa phương có tai nạn, quý vị vẫn có thể tránh được. Đó là điều mà nhà Phật gọi là trong cộng nghiệp có biệt nghiệp. Biệt nghiệp là nghiệp không cùng chịu với người khác. Cho nên, chúng ta phải làm sao khôi phục tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của mình.
Tôi đề cập đến 5 phẩm tính [là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ và từ bi], chỉ cần khôi phục được một, thì bốn phẩm tính khác đều hoàn toàn khôi phục. Trong mỗi một phẩm tính đã hàm chứa đủ bốn phẩm tính kia. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Một tức là nhiều, nhiều tức là một.” Chúng ta từ nơi ấy mà thực hiện một sự chuyển biến. Nhất định phải dứt trừ, nhất định phải buông xả, từ nơi căn bản nhất mà khởi làm, buông xả ái dục, buông xả lòng ham muốn. Lòng ham muốn là những thứ mà ta ưa thích, khi có được thì trong lòng vui mừng. Phải xa lìa danh vọng, lợi dưỡng, xa lìa năm điều tham muốn: tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn ngon, ngủ ngon. Làm được như vậy thì có thể tiêu trừ tai nạn. Bằng như quý vị không buông xả được ái dục, không bỏ được những điều ham muốn, thì cho dù quý vị trốn tránh đến bất cứ nơi đâu trên thế giới này cũng không thể thoát được kiếp nạn. Chúng ta phải hiểu rõ được ý nghĩa đó.
Kinh Phật thường dạy: “Dùng gươm trí tuệ phá tan giặc phiền não, dùng đao trí tuệ cắt rách lưới phiền não, dùng lửa trí tuệ đốt sạch củi phiền não.” Điều này đức Phật thường nói trong cả kinh điển Đại thừa cũng như Tiểu thừa, nhưng đặc biệt trong kinh luận Đại thừa nói đến nhiều hơn.
Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy ta phương cách tu tập chuyển hóa. Nói đến lý lẽ và phương pháp chuyển hóa thì rất nhiều, nhưng quả thật không đâu bằng trong kinh Hoa Nghiêm. Đây là một bộ kinh lớn nên giảng giải rất chi tiết, tường tận, văn nghĩa liên tục lặp lại, giúp chúng ta có cơ hội thấm nhuần dần dần và tu tập trong thời gian dài. Đây là điểm hết sức quan trọng.
Chúng ta ngày nay học Phật đã lâu như thế, vì sao không đạt hiệu quả? Nói thật ra là vì thời gian huân tập còn chưa đủ, vì tập khí phiền não của chúng ta quá nặng, ý niệm quá xấu ác. Cho dù nói được lời lành, làm được việc lành, nhưng ý niệm còn xấu ác. Ý niệm xấu ác thì làm việc lành, nói lời lành cũng đều không thiết thực, cho nên công phu tu tập không hiệu quả, kiếp nạn không tránh được, ý nghĩa là ở chỗ này.
Cần phải thực hiện một sự chuyển biến đích thực, thực sự chuyển biến từ bên trong. Điểm mấu chốt của việc này là phải thâm nhập Kinh tạng. Thâm nhập Kinh tạng, nói nghe sao dễ dàng thế? Ngày nay mọi người không đọc sách xưa. Chẳng những không đọc sách xưa, mà cũng chẳng thích đọc sách, nên nhìn thấy sách là chán chường mệt mỏi, còn biết làm sao? Hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, chúng ta có thể tận dụng những công cụ hiện có như băng ghi hình, băng ghi âm.
Quý vị nghĩ xem, người xưa cách nay mấy ngàn năm, mấy vạn năm, vì sao đem những tinh yếu quan trọng trong văn hiến khắc lên trên đá? Chúng ta hiện nay đều biết rõ, ví như khoa học kỹ thuật ngày xưa cũng phát triển, so với chúng ta ngày nay có thể còn phát triển cao hơn, nhưng chỉ một phen đại hủy diệt là sẽ hoàn toàn mất sạch, chỉ có những tảng đá là tồn tại thôi. Với khoa học kỹ thuật hiện nay, quý vị thường nói rằng các loại đĩa dữ liệu VCD, CD có thể bảo tồn được vài trăm năm. Liệu có thật bảo tồn được vài trăm năm chăng? Ví như một ngày kia trên thế giới này hoàn toàn không còn nguồn điện thì những thứ ấy cũng như không tồn tại. Cho nên, chúng không có giá trị bằng các bản sách in, vì sách in có thể bảo tồn. Nhưng sách được bảo tồn cũng có giới hạn, tương lai nhiều trăm năm sau rồi giấy trong sách phải thành tro bụi, nên sách cũng không còn nữa. Cho nên, chúng ta thấy tổ tiên người Trung quốc xưa kia đem kinh Phật khắc lên trên đá, có thể vĩnh viễn truyền lại đời sau. Chúng ta đến Phòng Sơn ở Bắc Kinh nhìn thấy những bản kinh trên đá, đó mới thật là trí tuệ chân chính, như vậy mới thực sự bảo tồn vĩnh viễn được mọi điều. Khi khoa học kỹ thuật bị hủy diệt rồi, chúng ta mới thấy ra được thế nào là trí tuệ chân thật. Nhưng hiện nay vẫn còn các công cụ, phương tiện, ta phải nhanh chóng tận dụng chúng. Không được nghĩ rằng chẳng có gì quan trọng, ta có thể giữ được những thứ này đến vài trăm năm, hôm nay không nghe thì ngày mai nghe, ngày mai không có thời gian thì ngày mốt vẫn còn thời gian, cứ từ từ thư thả. Đến ngày mốt, nếu mạng sống không còn thì quý vị còn nghe gì nữa? Cho nên, phải hiểu rõ ý nghĩa này.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.