(Giảng ngày 19 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 32, số hồ sơ: 19-012-0032) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Về câu “tích đức lũy công” [trong Cảm ứng thiên], sách Vị biên đã trích dẫn phần giảng về “phương pháp tích thiện” trong Liễu Phàm tứ huấn. Tu hành là lập chí làm người tốt, đem những hành vi không tốt sửa đổi thành chân chánh. Một người tu hành muốn thực sự đạt được mục tiêu đó, trước hết đối với những việc thiện ác phải có khả năng phân biệt rõ ràng.
Việc thiện có chân chánh khác với giả dối, có ngay thẳng chính trực khác với tà vạy, có tích âm đức khác với làm thiện ở đời. Dưới đây sẽ giảng giải tiếp về những việc thiện đúng đắn khác với sai lầm, lệch lạc khác với chính đáng, một phần khác với trọn vẹn. Nếu quý vị nhận biết không rõ ràng thì đối với việc ác sẽ cho là thiện, việc thiện lại cho là ác. Chuyện sai lầm như thế vẫn thường gặp và rất có khả năng rơi vào trường hợp của chính mình. [Nếu vậy thì] mong cầu trong một đời này của mình là dứt ác tu thiện, nhưng trong thực tế lại là dứt thiện tu ác, trái ngược hoàn toàn. Điều đó chúng ta thường thấy trong kinh luận, đức Thế Tôn rất thương cảm cho hạng người này mà nói rằng: “Thật đáng thương thay!”
Những người như thế quả thật rất đáng thương, đối với những chuyện đúng sai, thiện ác đều không phân biệt được rõ ràng. Trước đây lão sư Lý Bỉnh Nam còn có lời cảnh tỉnh khiến người phải suy ngẫm sâu xa hơn: “Không chỉ là không phân biệt được tà chính, đúng sai, mà cho đến chuyện lợi hại trước mắt những người này cũng không phân biệt được, do đó mà tạo nghiệp, phải chịu báo ứng cực kỳ khổ não.”
Những chuyện về nhân sinh vũ trụ, chuyện trong trời đất, không chỉ Phật pháp giảng giải rõ ràng, thấu triệt, mà những người hiền thiện, các bậc thánh hiền trong thế gian cũng nói đến không ít. Những điều các vị ấy nói liệu có phải lời chân thật hay không?
Từ xưa đến nay, lịch sử Trung quốc [được ghi chép] khá hoàn chỉnh so với trên thế giới, kể từ ba đời Hạ, Thương, Chu cho đến hiện nay, hết thảy đều được ghi chép tường tận, đúng thật, chúng ta gọi là tín sử, rất đáng tin cậy. Đặc biệt là đối với những chuyện nhân quả báo ứng càng được ghi chép đầy đủ, đúng thật hơn nữa. Từ những sự thật đó có thể chứng minh lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, của các bậc hiền thánh xưa đều là chân thật không hư dối.
Phân biệt đúng sai trong việc thiện ác, người xưa có nêu tiêu chuẩn: “Bất luận hiện hành, nhi luận lưu tế.” (Không bàn việc đang làm, chỉ bàn đến tác dụng lưu hành.) Cách nhìn nhận này quả thật là nhìn xa trông rộng. Xét đến cùng thì thiện hay ác không thể chỉ nhìn nơi bề mặt biểu hiện, không thể chỉ nhìn trong hiện tại. Hai chữ “lưu tế” (tác dụng lưu hành) theo cách nói hiện nay là sức ảnh hưởng đối với xã hội, trong cả không gian và thời gian. Cần phải quan sát vấn đề từ góc độ như vậy.
Trước mắt thấy là việc thiện, việc tốt, nhưng lại [có thể] có ảnh hưởng không tốt. Chúng ta có thể đưa ra một ví dụ. Cư sĩ Vương Long Thư hội tập kinh Vô Lượng Thọ là việc rất tốt, có biết bao người ngợi khen tán thán. Ngụy Mặc Thâm cũng hội tập kinh Vô Lượng Thọ. Bản hội tập của Vương Long Thư được đưa vào [Đại tạng kinh] Long tạng. Thời xưa, kinh sách được đưa vào Đại tạng tức là được mọi người công nhận có giá trị cao. Vì sao Đại sư Ấn Quang đối với bản hội tập này lại phê bình nghiêm khắc? Trong lời phê bình ngài nói rõ, vì ông Vương đem bản dịch [Hán văn] gốc tự động sửa đổi. Ông ấy sửa văn chương hay, nên việc như vậy là thiện, nhưng Đại sư Ấn Quang nói đó là ác, vậy ác ở chỗ nào?
Cách nhìn của Đại sư Ấn Quang là ở “tác dụng lưu hành”, tức là ảnh hưởng của việc đó. Vương Long Thư có thể sửa kinh, tôi cũng có thể sửa kinh, quý vị cũng có thể sửa kinh. Mỗi người đều đem kinh điển sửa lại những chỗ không hợp ý mình thì kinh điển truyền lại đời sau sai trái hết.
Sự phản đối của Đại sư Ấn Quang không phải ở chỗ cho rằng ông Vương không thể hội tập kinh. Việc hội tập kinh hoàn toàn không bị phản đối, nhưng không được sửa đổi từ ngữ trong kinh điển. Trong kinh nếu có những chữ dùng không được hay cũng không được sửa chữa, vì sửa chữa e rằng sẽ gây ảnh hưởng đến tương lai.
Vương Long Thư sửa đổi không có vấn đề, vì ông ấy có học vấn, có tu trì, đích thực là sửa lại hay hơn. Nhưng người đời sau thấy vậy lại nghĩ rằng, ông ấy có thể sửa thì mình cũng có thể sửa. Câu kinh đọc thấy không suông, vì trình độ không đủ, lại đem câu kinh khó sửa lại cho thành dễ đọc, theo suy nghĩ của riêng mình mà sửa, làm sao chấp nhận được? Cho nên, không thể làm theo suy nghĩ của riêng mình, như vậy là sai lầm.
Người như Vương Long Thư, Ngụy Nguyên đều là những bậc đại hiền, nhưng Đại sư Ấn Quang vẫn chê trách họ [việc sửa kinh], cho dù họ đối với Tịnh độ tông thực sự có nhiều cống hiến, công lao không thể bỏ qua.
Chính vì vậy mà có bản hội tập [kinh Vô Lượng Thọ] thứ ba của Lão cư sĩ Hạ Liên Cư ra đời. Bản hội tập này tránh được những lỗi lầm của các bản trước, giữ được những ưu điểm nhưng loại bỏ hết khuyết điểm. Vì thế mọi người đều khen ngợi bản hội tập này là hay nhất, là bản kinh Vô Lượng Thọ hay nhất.
Bản kinh này có điểm tốt nào chăng? Có rất nhiều điểm tốt. Trong khoảng mười mấy năm gần đây, khí thế của chư vị đồng tu niệm Phật trên toàn thế giới được khơi dậy. Do đâu mà được khơi dậy? Là nhờ có bản hội tập [kinh Vô Lượng Thọ] của Lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Rất nhiều người tụng đọc bản kinh này, được vãng sinh hiện điềm lành hy hữu. Chính tôi tự thân được nhìn thấy tại Singapore, tại khu vực Malaysia, chính tai tôi được nghe cũng rất nhiều.
Chúng ta từ một việc [hội tập kinh] này mà xem xét đúng sai. Đó là đơn cử một việc để từ đây suy ra, trong sinh hoạt thường ngày, nói năng hành động, nhất định phải lưu tâm quan sát kỹ những ảnh hưởng [của việc mình làm] đối với chung quanh, đối với xã hội, đối với những thế hệ về sau, nói chung là ảnh hưởng đối với lịch sử. Chúng ta phải hiểu rõ những ý nghĩa này.
Nhìn xa hơn nữa, vào thời đại của Khổng tử, chúng ta thấy rất nhiều chư hầu cầm quyền cai trị không được như ý dân. Khổng tử đi qua khắp các nước, hy vọng có vua chư hầu nhận hiểu được ngài, trọng dụng ngài, để ngài có thể giúp vị ấy trị nước, mang lại thái bình cho thiên hạ. Ngài có đủ trí tuệ, cũng có khả năng làm việc ấy. Nhưng các nước chư hầu tiếp đón ngài, ngợi khen xưng tán ngài mà chẳng ai trọng dụng ngài. Ngài chỉ còn cách là trở về quê nhà dạy học.
Chúng ta có thể đặt nghi vấn, vì sao ngài không làm một cuộc cách mạng? Vì sao không lật đổ chính quyền đi, thay thế họ mà trị nước? Ngài không làm như vậy không phải vì không có năng lực. Chúng ta xem trong số 3.000 đệ tử của ngài có 72 bậc hiền tài. Ngày nay ta xem trong Luận ngữ, thấy [đệ tử ngài] có đủ các hạng nhân tài. Khổng tử có thể làm việc [thay đổi chính quyền], hơn nữa đó lại là việc tốt, chỉ có điều “tác dụng lưu hành” không tốt, sẽ tạo thành ảnh hưởng tiêu cực trong lịch sử. [Người đời sau sẽ nghĩ rằng,] đối với một chính quyền không vừa ý thì cứ lật đổ đi. Quý vị nên biết, có biết bao nhiêu sinh mạng, tài sản của mọi người sẽ tiêu tan chỉ vì một ý niệm như thế. Tội lỗi ấy hết sức nghiêm trọng. Chỉ thỏa mãn lòng tham muốn của một người mà khiến cho bao nhiêu người lâm nạn, chuyện như vậy thật không thể làm.
Chính quyền thời ấy tuy không được hoàn toàn như ý dân, cũng chưa đến mức phải bị lật đổ. Cách mạng Thang Vũ là chuyện bất đắc dĩ, vua Trụ nhà Ân quả thật là quá sức tệ hại, đối với bá tánh chẳng xem như con người, nên thật đáng lật đổ. Người cầm quyền chân chánh không lúc nào lại như thế. Cho nên, chư Phật, Bồ Tát, các bậc đại thánh đại hiền đều cầu cho xã hội ổn định, thế giới hòa bình, thiết chế thực thi không tốt thì dần dần sửa đổi. Như thế là hiểu rõ được những điều thiện ác, sáng tỏ được những việc đúng sai, các ngài đều nhìn xa trông rộng, quả là thánh nhân.
Khổng tử tuy là người thuộc lớp thường dân, nhưng thành tựu của ngài là ở việc dạy học, ảnh hưởng của ngài từ thời ấy còn mãi đến ngày nay, hơn 2.500 năm rồi, lại còn lan rộng khắp thế giới. Trên thế giới ngày nay, dù ở đất nước, vùng miền nào, nói đến Khổng tử thì người ta đều biết, đều khởi tâm kính trọng. Chúng ta thử nghĩ xem, ngài đã nhìn nhận sự việc như thế nào, ứng xử như thế nào?
Cho nên, [có những việc] giống như đúng mà lại sai, thật không dễ phân biệt. [Có những việc] giống như thiện mà lại ác, lại cũng có [những việc] giống như ác mà lại thiện, vì bề ngoài biểu hiện là bất thiện nhưng ảnh hưởng lại là thiện. Có thể thấy rằng, bậc thánh hiền đối với những việc đúng sai, thiện ác, so với tiêu chuẩn phân biệt của chúng ta thật không giống, chúng ta phải lưu ý.
Thế nào là lệch lạc khác với chính đáng? Trong việc này [sách Liễu Phàm tứ huấn] nêu ra một chuyện xưa, là chuyện Tể tướng Lã Văn Ý lúc về hưu. Khi ông về hưu, người dân trong làng đối với ông đương nhiên đều tôn kính. Nhưng trong làng có một người uống rượu say, đối với ông không chút lễ độ, dùng lời nói thô lỗ, xúc phạm. Tể tướng vốn khoan dung đại lượng, bỏ qua không để bụng, không tính toán gì, tha thứ cho anh ta.
Một năm sau, nghe tin người ấy phạm tội bị kết án tử hình, quan quân tống giam vào ngục. Lúc ấy, Lã Văn Ý cảm thấy mình hết sức có lỗi. Ông nghĩ, lúc anh ta làm nhục ta, lẽ ra ta phải giao đến cửa quan để trị tội, hẳn là anh ta [phải hối cải] không đến nỗi phạm vào việc xấu ác quá nặng nề như hôm nay. Khi ấy chỉ vì một ý niệm nhân hậu, tha thứ cho anh ta, thật không biết là về sau anh ta lại phạm tội nặng nề hơn nữa.
Chuyện tương tự như thế, chúng ta trong đời sống hằng ngày vẫn thường nhìn thấy. Lỗi lầm nhỏ không bị trừng trị, dần dần nuôi dưỡng thành việc ác lớn. Hơn nữa, ảnh hưởng của việc này thật không tốt, [nếu phát triển] thành người người đều dám làm việc ác thì xã hội làm sao có thể ổn định?
Cho nên, Nho giáo và Phật giáo đều là con đường giáo dục. Ngày nay chúng ta cực lực đề xướng [tôn chỉ]: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm.” (Học để làm thầy người khác, hành động để nêu gương cho đời.) [Tôn chỉ] tám chữ này là do trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh đề xuất. Tôi thấy rất hay, rất nên đem tám chữ này quảng bá rộng khắp, không chỉ giới hạn tại Bắc Kinh, nên lưu thông đến toàn thế giới. Mỗi ngày tôi đều giảng dạy, quý đồng học mỗi ngày đều đến nghe, liệu đã có được ý thức như vậy hay chưa? Nếu có được ý thức như vậy, đó là quý vị đã tích đức, trong lòng quý vị đã có được đức hạnh chân thật. Nếu quý vị có thể đem ý thức này áp dụng vào thực tế đời sống thường ngày, đó là quý vị tích công. Tích lũy công đức như vậy là thành tựu. [Luôn phải tự nhắc nhở mình,] chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng hành động, liệu đã có thể nêu gương tốt cho xã hội hay chưa? Phải gìn giữ tâm niệm như thế, hành động theo cách như thế thì xem như được.
Nhất định phải luôn suy ngẫm, cách làm này của ta đối với xã hội có ảnh hưởng gì? Đối với những người học theo trong tương lai có ảnh hưởng gì? Phải thường xuyên suy ngẫm ở điểm này. Cho nên cần phải biết, rất thường có những việc thiện mà [ảnh hưởng] về sau lại xấu ác, không thể không cảnh giác. Lại cũng có những việc ác mà về sau mang lại hậu quả rất tốt, hóa ra là việc thiện. Đó gọi là trong lệch lạc có chính đáng. Việc thiện mà về sau gây ảnh hưởng bất thiện, đó là trong chính đáng có lệch lạc. Trước mắt làm một việc không tốt, nhưng ảnh hưởng lại tốt, đó là trong lệch lạc có chính đáng.
Những sự việc như vậy, nếu không có sự tu dưỡng thật sâu sắc, quý vị làm sao có thể quan sát nhận biết được? Hơn nữa, những việc như vậy vừa tiếp cận phải rõ biết ngay, không thể đợi qua rồi mới suy ngẫm lại, như vậy không kịp nữa. Vừa gặp việc là hiểu rõ, mới có thể tùy theo tình hình sự việc mà quyết đoán ngay, đó mới là học vấn, là công phu chân thật.
Lúc bình thường [công phu] tu dưỡng không sâu dày thì khi gặp việc không thể tránh được sai lầm. Có nhiều sai lầm không cách gì sửa chữa được. Đặc biệt là chúng ta sống trong thời đại này, không có ai giảng dạy đạo pháp, cũng không có ai giảng dạy lý lẽ, thật là đời hỗn loạn. Chúng ta ở trong đời hỗn loạn mà muốn lập chí làm người tốt, làm bậc thánh hiền thật không dễ chút nào. Đây chính là trường hợp trong kinh điển Phật thường dạy, nếu không có nhân duyên phước đức căn lành sâu vững thì không thể làm được. Mong cầu là một việc, có thành tựu mãn nguyện hay không lại là một việc khác.
Nhưng người chân chánh phát nguyện thì bất kể rơi vào hoàn cảnh nào rồi cũng đều sẽ thành tựu, chỉ cần bền tâm không thối chí thì tâm niệm hiền thiện đạo đức không lay chuyển lui sụt, đó là nhân. Thường ham học hỏi, thực sự ham học hỏi, đó là duyên. Như trong Phật pháp thường nói: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân.” (Trong cửa Phật không bỏ người nào.) [Có đủ nhân duyên như trên thì] quý vị sẽ được chư Phật, Bồ Tát quan tâm hộ trì.
Quý vị có tâm nguyện tốt nhưng không hiếu học thì không thành tựu. Quý vị hiếu học nhưng không phát đại nguyện, cũng không thành tựu. Hạnh và nguyện hỗ trợ cho nhau mới có thể thành tựu, ý nghĩa này trong kinh Phật giảng giải rất nhiều. Các bậc đại thánh đại hiền từ xưa nay, chúng ta nhìn qua không một vị nào không hiếu học. Chư Phật, Bồ Tát là những tấm gương hiếu học, chúng ta cần phải học tập theo.