(Giảng ngày 8 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 73, số hồ sơ: 19-012-0073) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm nay chúng ta xem đến câu thứ 30 trong Cảm ứng thiên: “Thụ nhục bất oán.” (Chịu nhục không oán hận.) Câu này nói về không sân hận, là dứt trừ tham sân si, không có sân hận.
[Việc bị làm] nhục đối với người Trung quốc từ xưa đến nay được xem là cực kỳ nghiêm trọng. Người xưa nói: “Sĩ khả sát, bất khả nhục.” (Người trí thức có thể chịu chết, không thể chịu nhục.) Điều mà người trí thức Trung quốc thời cổ đại theo đuổi chính là đạo nghĩa. Kẻ sĩ là thành phần có học trong xã hội, ngày nay ta gọi là trí thức, thời xưa gọi là người đọc sách thánh hiền. Người thời xưa cho rằng, đối với người trí thức thì dù bị giết chết cũng có thể xem là không quan trọng, nhưng bị làm nhục là chuyện không thể chấp nhận. Họ xem việc bị làm nhục là chuyện cực kỳ quan trọng.
Phật pháp truyền đến Trung quốc, Phật dạy chư Bồ Tát sáu điều cương lĩnh. Dạy Bồ Tát tức là dạy người học Phật. Theo thuật ngữ Phật giáo thì chư Bồ Tát là những người học Phật. Phật dạy người học Phật trong việc tu dưỡng đức hạnh có sáu điều cương lĩnh, tức là Lục độ (sáu độ), hay sáu ba-la-mật. Ba-la-mật là Phạn ngữ, Hán dịch là “độ”, [nghĩa là qua bờ bên kia], nên sáu ba-la-mật là sáu độ. Sáu cương lĩnh này là những nguyên tắc hàng đầu của người học Phật. Quý vị đã là người học Phật thì nhất định phải tuân thủ sáu điều này, bao gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, [tinh tấn, trí tuệ, thiền định]. Trong đó có nhẫn nhục.
Trong thực tế, ý nghĩa Phật dạy không hẳn là nhẫn nhục. Ý nghĩa của điều này là nhẫn nại. Các bậc đại đức phiên dịch Kinh điển khi xưa quan sát tâm lý người Trung quốc đa số đều xem việc bị làm nhục là hết sức nghiêm trọng, nên mới đặt chữ nhục theo sau chữ nhẫn. Cho nên, cách dịch nhẫn nhục là [thích hợp] riêng đối với người Trung quốc. Cách phiên dịch như vậy cũng phù hợp với nguyên tắc chung trong nền giáo học của đức Thế Tôn, tức là tùy theo căn cơ mà thuyết pháp. Cách chuyển dịch như vậy phù hợp với căn cơ của người Trung quốc, cũng là phù hợp với yêu cầu của xã hội Trung quốc. Cho nên, dịch như vậy là rất hay.
Bị nhục [là điều nghiêm trọng nhất] mà có thể nhẫn chịu được thì còn có điều gì không thể nhẫn chịu? [Như vậy thì] không có chuyện gì không thể nhẫn được cả. Hơn nữa, nhẫn là điều kiện tất yếu để tu học thành công. Trong kinh Kim Cang, Phật dạy: “Hết thảy các pháp đều thành tựu từ đức nhẫn.” Người Trung quốc xưa cũng nói: “Việc nhỏ không nhẫn chịu ắt hỏng việc lớn.” Do đó có thể biết rằng, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, mọi thành tựu lớn nhỏ đều phải hoàn toàn xem nơi công phu nhẫn nại của quý vị. Công phu nhẫn nại được lớn lao thì thành tựu cũng lớn lao, công phu nhẫn nại nhỏ nhoi thì thành tựu cũng nhỏ nhoi. Không có khả năng nhẫn nại thì hoàn toàn không có thành tựu. Sự thật ấy là trước mắt chúng ta.
Quý vị chỉ cần tỉnh táo quan sát những người quanh mình, xem những ai có sự thành tựu, những ai không thể thành tựu, thì tự nhiên thấy được [lý lẽ ấy] rõ ràng trước mắt. Những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, chúng ta đọc qua rồi, nghe qua rồi, suy ngẫm kỹ lưỡng, lại quan sát thật kỹ những người chung quanh mình, những ai thành công, những ai thất bại, lại xem trong lịch sử ghi chép những nhân vật thành công hay thất bại. Như vậy thì chúng ta có thể tự chứng thực được những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát. Những lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa đều là chân thật, đối với chúng ta có lợi ích lớn lao.
Đặc biệt ở chỗ này [Cảm ứng thiên] nói rất hay: “Thụ nhục bất oán.” (Chịu nhục không oán hận.) Đây quả là đức hạnh chân thật. “Oán” nghĩa là oán hận. Nói thật ra, một người bình thường chịu nhục, bị người khác làm nhục, ví như có thể nhẫn chịu được, không đáp trả, không báo thù, nhưng ý niệm oán hận thì ít nhiều nhất định phải có. Ý niệm oán hận đó, trong thực tế chính là nghiệp nhân, là nguồn gốc của sự báo thù trong tương lai. Đời này không báo thù, nhờ đọc sách thánh hiền nên có thể nhẫn chịu qua được, nhưng đời sau [ý niệm] báo thù đó sẽ bộc lộ.
Là người học Phật, quý vị đều có thể tin chắc được rằng con người không chỉ có một kiếp sống này, mà còn có những kiếp sau nữa. Nếu con người chỉ có một đời này thôi, không có đời sau, thì việc [khởi sinh ý niệm oán hận] này cũng chẳng hại gì. Bao nhiêu phiền phức ở đây chính là vì con người còn có đời sau nữa.
Ngày nay ở các nước phương Tây, như khi tôi hoằng pháp nhiều năm ở Mỹ, Canada, những người ngoại quốc đối với việc kiếp trước kiếp sau đều tin là có thật. Đối với việc Kinh Phật giảng về sáu đường luân hồi họ cũng đều thừa nhận. Những người nào thừa nhận? Chính là các tín đồ Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo. Những người này trước đây không tin có sáu đường luân hồi. Bây giờ họ đã tin là có sáu đường luân hồi. Vì sao họ tin? Đó là thông qua hiện tượng thôi miên sâu [biết được kiếp quá khứ] nên họ tin.
Hiện nay ở nước ngoài, những hồ sơ ghi lại các trường hợp thôi miên lên đến con số hơn mấy trăm ngàn. Những sách đã xuất bản về chủ đề này cũng rất phong phú. Thông qua thôi miên, người bị thôi miên nói ra được kiếp trước của họ. Những điều họ nói ra được ghi chép lại, sau đó mới tiến hành điều tra kiểm chứng. Nói về kiếp trước, khoảng hơn một nửa số trường hợp là những sự việc trong vòng một, hai trăm năm trước. Những hồ sơ ghi chép này đều được chính phủ lưu giữ, hiện có thể tra cứu được. Người nói ra sự việc vốn suốt đời chưa từng đi đến địa phương mà họ đề cập đến, đối với nơi ấy hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn không biết gì. Nhưng người ấy lại mô tả được rõ ràng tình trạng ở địa phương ấy cách nay vài trăm năm, lại nói rõ tên họ của mình vào thời điểm ấy, rằng mình đã cư ngụ ở địa phương ấy. Khi được hỏi về tên đường phố, về loại tiền tệ sử dụng thời ấy, thì người này đều trả lời chính xác. Trải qua tiến trình điều tra kiểm chứng, quả nhiên hoàn toàn đúng. Lại hỏi về chuyện sống chết của họ khi ấy, lúc chết như thế nào, đầu thai trở lại vào lúc nào, họ đều nói ra hết sức rõ ràng, minh bạch.
Những sách ấy có được dịch sang tiếng Trung quốc, nhưng không nhiều lắm, chính tôi đã từng được xem qua. Lại có những người đời trước là súc sinh, đời trước là chim chóc, là rắn, là động vật... Điều này chứng minh có việc từ cảnh giới súc sinh đầu thai chuyển sang cảnh giới con người. Lại cũng có một số người, không nhiều lắm, đời trước không phải người ở trái đất này. Đời trước họ ở một tinh cầu khác. Điều này chứng minh thật có những sinh vật cao cấp ở nơi khác, nhất định không phải chỉ riêng có địa cầu này. Riêng với những người ở tinh cầu khác, họ dùng ngôn ngữ chúng ta hoàn toàn không hiểu được. Họ từ tinh cầu ấy đầu thai đến địa cầu này.
Do trải qua những thực nghiệm khoa học như vậy nên chứng thực được con người thật có kiếp trước. Đã có kiếp trước thì đương nhiên khẳng định là phải có kiếp sau. Những điều này trong Kinh điển đức Phật đã giảng nói rất rõ ràng, minh bạch.
Vũ trụ khởi đầu như thế nào? Sự sống khởi đầu như thế nào? [Vạn pháp] diễn biến như thế nào? Về sau sẽ kết thúc như thế nào? [Những điều này] chỉ duy nhất đức Phật thuyết giảng được thấu triệt trong Kinh điển. Chúng ta đọc qua Kinh điển có thực sự thấu hiểu được chăng? Quả thật cũng rất khó.
Nói thật ra, Phật pháp hết sức phù hợp với tinh thần khoa học. Thậm chí ngày nay trong khoa học còn phát hiện ra nhiều nhầm lẫn,nhưng trong Kinh điển của Phật thì hoàn toàn không có. Trong Kinh điển, Phật nói ra mỗi câu, mỗi việc, đều dạy chúng ta phải thông qua thực chứng [trước khi tin nhận]. Cho nên, trong nhà Phật nói về [bốn giai đoạn tu tập là] tín (tin nhận), giải (hiểu rõ), hành (thực hành) và chứng (chứng nghiệm). Giai đoạn cuối cùng là chúng ta phải tự mình chứng thực được những điều đã học [từ Kinh điển]. Nếu như quý vị chưa chứng thực được mà đã vội tin theo, đó gọi là mê tín. [Niềm tin] phải thông qua sự chứng thực, xác nhận được sự thật đúng là như vậy, đó mới gọi là chánh tín.
Thế nhưng quý vị muốn thấy được quá khứ, muốn thấy được tương lai, thì quý vị phải có được năng lực đột phá [vượt qua] không gian. Quả thật là không gian cũng có phạm vi [có thể vượt qua], giống như [vượt qua] một bức tường vậy. Các nhà khoa học ngày nay đã biết, đối với không gian họ đã dần dần phát hiện ra là không gian không đơn giản [như xưa nay ta vẫn tưởng]. Họ phát hiện ra được không gian ba chiều, không gian bốn chiều, không gian năm chiều, cũng gọi là [không gian] tam độ, tứ độ, ngũ độ. [Do đó,] về mặt suy luận có thể thấy là không gian có vô số chiều, vô số độ. Nhưng khoa học hiện nay chỉ xác thực được sự tồn tại của không gian mười một chiều, tức là không gian thập nhất độ.
Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ở sau phần chú giải kinh Vô Lượng Thọ có đính kèm một báo cáo của các nhà khoa học phương Tây, so với nội dung kinh Phật có nhiều điểm tương tự. Vào lúc chú giải bản kinh, ông không đưa vào những điều này. Khi tôi đến Bắc Kinh, ông ấy mới đột nhiên nghĩ đến việc đưa thêm vào. Ông ấy lại còn có mấy bản văn nữa, lúc ấy trao hết cho tôi, tôi liền cho in thêm vào cuối bản kinh để mọi người tham khảo.
Việc phát hiện ra các chiều không gian là như thế, nhưng rốt lại làm thế nào để đột phá, vượt qua được các chiều không gian thì hiện nay [khoa học] vẫn chưa có kỹ thuật ấy, vẫn chưa có được khả năng ấy. Thế nhưng trong Phật pháp thì điều này đã làm được từ rất sớm. Đức Phật đã sử dụng phương pháp gì? Chính là dùng thiền định. Ý nghĩa này tôi đã từng nói với quý vị rồi. Không gian [đa dạng] nhiều chiều như thế từ đâu phát sinh? Các nhà khoa học không thể biết được.
Đức Phật dạy, thời gian và không gian vốn không thực sự hiện hữu. Chúng ta đọc qua luận Bách pháp minh môn, tôi không biết quý vị có nghĩ đến điều này hay không, “bách pháp” đó chính là giải thích về vũ trụ nhân sinh, nói rõ về chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Bồ Tát Di-lặc rất siêu việt, ngài đem những điều Phật giảng dạy trong kinh luận tổng hợp, quy kết lại thành sáu trăm sáu mươi pháp, trong luận Du-già sư địa. Luận Du-già sư địa chính là tác phẩm của Bồ Tát Di-lặc. Bồ Tát Thế Thân đọc được bộ luận này, thấy rằng sáu trăm sáu mươi pháp vẫn còn là quá nhiều, không thuận tiện cho người mới học, nên ngài đem tất cả quy nạp lại thành một trăm pháp, tiện lợi cho việc dạy và học. Một trăm pháp ấy phân chia thành năm nhóm lớn, gồm Tâm pháp, Tâm sở pháp, Sắc pháp, Tâm bất tương ưng hành pháp và Vô vi pháp. Năm nhóm pháp này chính là nói rõ về toàn bộ vũ trụ nhân sinh.
Cho nên, luận này đã giảng rõ lời dạy của Phật: “Hết thảy pháp đều là vô ngã.” Hết thảy pháp [ở đây] chính là quy nạp về một trăm pháp, vô ngã chính là [các ý nghĩa] nhân vô ngã và pháp vô ngã [được giảng rõ trong luận]. Quý vị phải nhận hiểu thấu triệt được chân tướng sự thật [về vũ trụ nhân sinh] thì mới thực sự hiểu được thế nào gọi là vô ngã, [trong luận này] giảng giải rất rõ ràng, giảng giải rất thấu triệt.
Vậy các chiều không gian được xếp vào nhóm nào [của năm nhóm lớn] trong Bách pháp? Là được xếp vào nhóm Bất tương ưng hành pháp. Nhóm này có tổng cộng 24 mục, trong đó có mục Thời phân. Thời phân đó chính là nói về thời gian. Lại có mục Phương phân, chính là nói về không gian. Thời phân và phương phân là thời gian với không gian, đều là giả lập thôi, không phải chân thật. Các pháp “bất tương ưng hành” nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại tức là các khái niệm trừu tượng, không phải sự thật. Khái niệm từ đâu sinh ra? Chính là từ vọng tưởng, phân biệt bám chấp mà sinh ra. Vọng tưởng phân biệt bám chấp của hết thảy chúng sinh là vô lượng vô biên, cho nên biến hiện thành vô lượng vô biên các chiều không gian. Điều này chỉ có đức Phật mới có khả năng nói ra được.
Quý vị phải hiểu rõ được sự hình thành [của thời gian với không gian] như thế nào, quý vị mới có thể nghĩ đến phương pháp đột phá, vượt qua. Đột phá, vượt qua như thế nào? Quý vị chỉ cần buông xả hết vọng tưởng, phân biệt bám chấp thì đột phá được, vượt qua được. Cho nên, khi hành giả nhập định thì ý chí tập trung, không có vọng tưởng, liền có thể dần dần đột phá vượt qua, từ không gian ba chiều nhìn thấy đến bốn chiều, từ bốn chiều thấy được đến năm chiều... Tùy theo công phu định lực sâu cạn mà có thể đột phá, vượt qua được nhiều tầng bậc lớn nhỏ không giống nhau. Nhà Phật nói đến chuyện vượt qua không gian và thời gian là có ý nghĩa, có căn cứ lý luận. Lý luận ấy so với sự thật hoàn toàn phù hợp, kết hợp thành một thể.
Mọi người đều biết, Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, [hàm ý] là vô lượng pháp môn. Pháp [môn] là gì? Pháp là phương pháp, môn là con đường. Tuy có nhiều phương pháp, có nhiều con đường, nhưng về mặt nguyên lý, nguyên tắc chỉ có một mà thôi. [Nguyên tắc] đó là tu định. Cho nên, quý vị đồng tu nhất thiết phải ghi nhớ, tuyệt đối không được cho rằng chỉ có Thiền tông mới tu thiền định, còn những pháp môn khác không tu thiền định. Như chúng ta [tu tập] niệm Phật, [niệm đến] nhất tâm bất loạn, há chẳng phải là thiền định đó sao? Giáo tông đề xướng [tu tập] chỉ quán, chỉ quán đó cũng chính là thiền định. Mật tông [dạy pháp] Tam mật tương ưng, tương ưng đó cũng chính là thiền định. Cho nên phải biết rằng, tám vạn bốn ngàn pháp môn chính là vận dụng tám vạn bốn ngàn phương pháp khác nhau, tất cả đều là để tu thiền định. Đây mới thật là ý nghĩa mà trong kinh nói: “Các pháp môn đều bình đẳng, không có cao hay thấp.”
Quý vị có thể sử dụng những phương pháp không giống nhau, nhưng phương hướng, mục tiêu [tu tập] đều là một, thành tựu đạt được hoàn toàn tương đồng. Phương pháp tu tập không giống nhau là vì mỗi người đều có căn tánh khác nhau, sự tập nhiễm cũng khác nhau. Nếu [chọn phương pháp] phù hợp với căn tánh của mình việc tu học sẽ dễ dàng thành tựu. [Phương pháp] không phù hợp với căn tánh của mình, việc tu học sẽ gặp nhiều khó khăn.
Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu được rằng, Phật pháp bao giờ cũng tùy thuận căn tánh chúng sinh để dạy dỗ, giáo hóa. Phương pháp ấy là thuận theo tự nhiên, không có chút miễn cưỡng nào. Chúng ta hiện nay nói là miễn cưỡng, trong kinh Phật gọi là theo ý riêng, hoàn toàn không thêm vào mảy may ý riêng của mình. Cho nên nói rằng Phật không hóa độ chúng sinh. Phật đối với hết thảy chúng sinh hoàn toàn không có chút miễn cưỡng nào, không mảy may theo ý riêng của mình. Quý vị nói xem, thật tự tại biết bao.
Chúng ta ngày nay nói đến “chân thiện mỹ tuệ” (chân thật, hiền thiện, tốt đẹp, sáng suốt), chỉ khi nhìn vào cuộc đời, hành trạng của đức Phật, nhìn vào phương pháp giáo dục của ngài, chúng ta mới thể hội được [những gì là] “chân thiện mỹ tuệ”.
Người đời hiện nay nói đến trí tuệ cao cấp, chúng ta trong thực tế không thể hội được, cũng chẳng nhìn thấy được. Nhưng trong Kinh điển của Phật, chúng ta thực sự thể hội được, thấy được trí tuệ cao tột, đó là điều chúng ta phải học tập. Có thể tùy thuận hoàn toàn theo tự nhiên, đó là tốt đẹp lành mạnh nhất. Thêm một chút ý riêng của mình vào, đó là gốc bệnh.
Cho nên Phật dạy về ba độc: tham, sân, si. Ba độc đó là gì? Nói theo ngôn ngữ hiện nay thì đó chính là virus gây bệnh. Khi trong người quý vị đã có virus gây bệnh nghiêm trọng, bên ngoài nếu gặp gió, gặp lạnh, quý vị đều dễ dàng ngã bệnh. Trong tâm quý vị không có tham sân si, trong người quý vị không có virus gây bệnh, thì bao nhiêu tác nhân bên ngoài đều không thể gây bệnh cho quý vị.
Sự lăng nhục [của người khác] là thuộc về ngoại cảnh, là bên ngoài. Bên trong nếu có sân hận, bên ngoài dù một chút hủy nhục quý vị cũng sẽ lập tức phản ứng. Sự phản ứng đó cũng chính là bệnh của quý vị đã phát tác. Bệnh này không thể xem nhẹ, không thể cho là nhỏ nhặt. Vì sao vậy? [Vì khởi sinh tâm ý như vậy thì dù] vô tình hay cố ý cũng đều kết thành mối thù sâu hận lớn với người khác. Điều này chúng ta từng thấy rất nhiều trong lịch sử. Trong lúc vô ý đắc tội với người khác, về sau khi người ấy có sức mạnh báo thù thì không chống đỡ nổi, thậm chí phải mang lấy họa sát thân.
Vào thời xưa, có những mối họa tiêu diệt cả một dòng họ, là do nguyên nhân gì? Đều do không nhẫn chịu được việc nhỏ, [khởi tâm oán hận rồi] trong lúc vô ý đắc tội với người khác. Lịch sử ghi lại những trường hợp điển hình như thế rất nhiều. Trong phần chú giải phía sau [của sách Cảm ứng thiên] nêu rất nhiều ví dụ, tôi cũng chưa xem kỹ.
Chúng ta trong cuộc sống thường ngày, nhất là đối với những người xấu ác, tâm lượng hẹp hòi, nhất định đối với họ phải hết sức khiêm nhường, phải cung kính, không kết thành oán thù. Cho nên Phật dạy chúng ta, quý vị xem trong mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, bốn nguyện đầu tiên dạy rằng: “Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai, quảng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng.” Nếu chúng ta có thể làm được theo đúng bốn câu mười sáu chữ này thì lợi lạc suốt đời không hết.
Bất kể đối với hạng người nào cũng đều phải hết mực khiêm nhường, đều phải cung kính, nhất định không được có hành vi ngạo mạn, không được tự cho mình là đúng, không được tự cho mình là hoàn hảo, tài ba. So với bất kỳ vị Phật nào, vị Bồ Tát nào, thậm chí với một vị A-la-hán hay Tu-đà-hoàn, chúng ta đều không thể sánh nổi, vậy thì có gì đáng để kiêu ngạo? Nếu thường hướng về chư Phật, Bồ Tát [để so sánh như thế] thì tâm ngạo mạn của chúng ta sẽ mất đi, tự nhiên nuôi dưỡng được đức khiêm hạ. Khiêm hạ là thuộc về tánh đức. Phật dạy chúng ta như vậy, Khổng tử cũng dạy ta như vậy.
Trong sách Lễ ký, đức Khổng tử giảng dạy điều gì? Không có gì hơn là phải biết tự hạ mình mà tôn trọng người khác. Đó là tinh thần trong toàn bộ Lễ ký, dạy chúng ta trong việc đối đãi với người, tiếp xúc với muôn vật phải luôn biết khiêm hạ, phải tôn trọng người khác. Bản thân đức Khổng tử đã làm được như vậy. Chúng ta xem trong sách Luận ngữ, thấy ngài tiếp xúc gặp gỡ với bất kỳ ai cũng đều hết sức nhún nhường khiêm hạ. Trong kinh Phật chúng ta cũng thấy được, đức Phật Thích-ca Mâu-ni khi gặp gỡ bất cứ người nào cũng đều khiêm hạ. Các bậc đại thánh đại hiền ở thế gian hay xuất thế gian mà còn như vậy, chúng ta thì có gì đáng để kiêu ngạo? Con người mà khởi sinh một ý niệm kiêu mạn là xem như hỏng rồi.
Về cách nhìn người của Khổng tử, sách Luận ngữ có chép lại một câu nói lên được quan điểm của ngài trong việc quan sát, xét đoán con người. Ngài nêu ra một giả thuyết, là ví dụ thôi, không phải có thật. Thật ra là ngài dùng ví dụ này để dạy học trò, để khích lệ học trò. Ngài nói, ví như có người đức hạnh, tài hoa, tốt đẹp như Chu công. [Nên biết,] Chu công là người mà Khổng tử nể phục nhất. Chúng ta xem những gì được ghi chép lại thấy có rất nhiều chỗ ngài ngợi khen, tán thán Chu công. Mà quả thật Chu công là người rất tuyệt vời. So trong lịch sử Trung quốc mà nói, ông là một chính trị gia vĩ đại nhất. Nhà Chu từ khi dựng nước, có thể giữ được tám trăm năm không suy thoái, đó là nhờ ở những thiết chế của Chu công vạch ra. Tác phẩm của Chu công còn truyền lại được đến ngày nay là bộ sách Chu lễ. Chu lễ là sách gì? Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì đó là một bộ Hiến pháp của nhà Chu. Bộ Hiến pháp này do chính Chu công chế định.
Hồi còn trẻ tôi rất thích đọc sách. Tiên sinh Phương Đông Mỹ có lần hỏi tôi: “Ông đọc Chu lễ chưa?” Tôi đáp: “Chưa đọc.” Tiên sinh nói: “Phải đọc đi.” Tiên sinh trước sau nhắc tôi đọc quyển này có hơn chục lần, nhưng tôi chỉ thích đọc sách Lễ ký. Các sách Chu lễ, Nghi lễ tôi chỉ lướt nhanh qua, không có hứng thú lắm. Cho nên tôi vẫn chưa đọc qua. Tiên sinh lại bảo tôi: “Đây là bộ Hiến pháp hay nhất trên toàn thế giới. Nếu như con cháu nhà Chu hoàn toàn làm đúng theo sách này thì triều Chu đến vạn vạn năm cũng không bị thay thế.” Tiên sinh Phương Đông Mỹ đối với sách này khen ngợi, tán thán đến mức như vậy. Thế nhưng tôi đối với chính trị không có hứng thú, tôi vẫn chỉ muốn học Phật pháp thôi. Dù vậy, qua sự giới thiệu của tiên sinh, tôi mới biết được Chu lễ là một bộ sách hay. Cho nên, Khổng tử đối với Chu công hết lời ngợi khen xưng tán.
Khổng tử dạy học trò rằng: “Ví như có một người đức hạnh, học vấn đều tốt đẹp sánh ngang Chu công, nhưng kiêu ngạo và keo kiệt, thì tất cả những đức tánh của người ấy không cần xem đến nữa.” Ngài nói, nếu mắc phải hai tật xấu này, một là kiêu ngạo, hai là keo kiệt, thì người này không cần phải xem xét nữa, hết thảy [những phẩm tánh của họ] đều là giả, không phải thật. Như vậy, quý vị có thể thấy được sự kiêu ngạo gây tổn hại lớn lao đến đức hạnh của một người như thế nào. Keo kiệt đó tức là tham lam, tức phiền não tham. Kiêu ngạo đó tức là sân hận, tức phiền não sân. Nhưng Nho gia không giảng về Ba độc, chỉ nhà Phật mới giảng giải thấu triệt. Phiền não ba độc của quý vị chưa dứt trừ thì học vấn, đạo đức của quý vị [nếu có] đều là giả, không thể là thật. Khổng tử nói ra câu ấy, chúng ta từ chỗ này phải thể hội, ý nghĩa hết sức rõ ràng, sáng tỏ.
Làm cách nào dứt trừ tâm tham? Phải tu tập bố thí. Khi tôi học Phật, ngày đầu tiên gặp Đại sư Chương Gia, ngài đã đem điều này ra dạy cho tôi. Người đời keo kiệt tiền bạc, không chịu bỏ ra. Phật dạy chúng ta tiền tài từ đâu mà có? Chính nhờ bố thí mà có, càng bố thí càng có nhiều [tiền tài] hơn. Nếu như quý vị không chịu bố thí, tiền tài của quý vị đến mức đó là dừng lại, chỉ được chừng ấy thôi. Quý vị chịu bố thí thì cũng giống như dòng nước chảy, được lưu thông [không ứ đọng], sẽ mãi mãi hưởng thụ không hết, vậy sao lại không làm? Keo kiệt chính là ngăn bít [dòng chảy] lại. Ngăn bít rồi thì phía sau không tiếp tục chảy tới được nữa, chỗ có được của quý vị chỉ chừng ấy thôi, sử dụng hết sẽ không còn nữa. Ý nghĩa này cần phải hiểu rõ, càng bố thí sẽ càng có được nhiều hơn, mãi mãi dùng hoài không hết.
Cho nên, nếu chúng ta muốn cho suốt đời không bị thiếu thốn vật chất thì điều này có thể làm được. Chỉ cần quý vị chịu thực hành bố thí, quý vị nhất định sẽ không bao giờ bị thiếu thốn, mãi mãi được lợi lạc khôn cùng. Nhưng khi có được càng nhiều thì quý vị lại càng phải bố thí nhiều hơn. Cho nên nhà Phật thường nói “xả đắc” (buông xả được), cách nói này thực sự có hai ý nghĩa. Ý nghĩa cạn là quý vị có buông xả tài vật của mình thì quý vị mới thực sự đạt được. Ý nghĩa sâu xa hơn là quý vị đạt được rồi thì mau mau buông xả. Đạt được rồi phải mau mau buông xả, như vậy thì quý vị được hưởng hoài không hết. Đạt được rồi nếu không chịu buông xả thì phước báo của quý vị chỉ dừng lại ở mức đó, chỉ là phước báo nhỏ nhoi mà thôi. Cho nên, đạt được điều gì đều phải mau mau buông xả, nhất định không giữ lại. Tiền bạc của cải là như vậy, trí tuệ cũng như vậy, hết thảy mọi việc cũng đều như vậy. Vì thế, Phật dạy chư Bồ Tát phải học theo sáu cương lĩnh tu tập, [sáu pháp ba-la-mật,] trong đó trước tiên là bố thí.
Pháp Ba-la-mật thứ hai là trì giới. Trì giới là tuân thủ, giữ theo pháp luật, ý nghĩa nhất định phải được hiểu rõ. Pháp luật của quốc gia nhất thiết phải tuân thủ, không làm bất cứ điều gì vi phạm pháp luật, như vậy mới được tâm an ổn, lý lẽ hiểu rõ ràng. Đối với việc tốt nhưng có lệnh cấm cũng không được làm. Không phải do ta không muốn làm, là do chúng sinh không có phúc [nhận hưởng việc ấy]. Tự bản thân ta được niềm vui thanh nhàn, niềm vui tự tại, như vậy có gì không tốt? Cho nên phải có duyên. Lúc có duyên thì chúng ta phải tận tâm tận lực mà làm. Lúc không có duyên thì quay về tu dưỡng tự thân, tự mình hoàn thiện, có duyên mới làm thêm việc thiện cho chúng sinh. Quyết định không làm những việc phạm pháp thì chúng ta đi đến đâu cũng được người ta hoan nghênh.
Pháp luật là [những quy định] có văn bản. Còn có [những quy định] không có văn bản như đạo đức, phong tục, tập quán. Đi đến nơi nào phải thăm dò tập tục địa phương nơi ấy. Vào nhà người khác phải thăm dò những điều húy kỵ phải né tránh trong nhà ấy. Nhà người ta có điều kiêng kỵ gì thì [khi vào nhà] nhất định không phạm vào. Đó là lời Phật dạy chúng ta.
Pháp ba-la-mật thứ ba [là nhẫn nhục], phải có lòng nhẫn nại, tâm phải bình tĩnh, khí phải hòa hoãn. Chúng ta nêu [một việc của] Thiền tông làm ví dụ. Khi Tổ sư [Bồ-đề Đạt-ma] vừa đến Trung quốc, đó là thời vua Lương Vũ Đế. Ngài cùng vua nói chuyện không hợp căn cơ, vua không chịu hộ trì ngài. Ngài liền về chùa Thiếu Lâm ngồi quay mặt vào tường [suốt chín năm], chờ đợi cơ duyên. Quả nhiên không sai, ngài đợi được đến lúc gặp một người là Huệ Khả, [từ đó] mỗi đời đều có một người truyền nối. Truyền đến Đại sư Huệ Năng thì nhân duyên mới thành thục. Quý vị nói xem, các vị ấy đều có tâm nhẫn nại biết bao. Tổ sư mang Phật pháp truyền đến Trung quốc, phải đợi đến đời [truyền nối] thứ sáu thì mới làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Đây là một điển hình nhẫn nhục rõ ràng nhất.
Chúng ta ví như có phát tâm lớn lao, nguyện lớn lao, có đức lớn, năng lực lớn, muốn làm lợi ích hết thảy chúng sinh nhưng nhân duyên chưa thành thục, phải học theo Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma, có thể tìm một, hai người truyền nối, đời đời truyền nối về sau, đợi đến một ngày cơ duyên thành thục sẽ có thể làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Đâu cần phải nhất định tự mình làm ngay trong đời này? Không cần phải như vậy. Đó mới là trí tuệ chân thật. [Không đủ cơ duyên thì] không cần phải tự mình làm, hãy truyền nối lại cho đệ tử. Đệ tử không gặp cơ hội, lại truyền cho đệ tử đời tiếp theo. Từ việc này chúng ta thấy rằng, tâm nhẫn nại như thế của các bậc hiền thánh xưa, người bình thường không thể sánh được. Như vậy mới có thể thực hiện được sự việc [hoằng dương Chánh pháp] một cách trọn vẹn đầy đủ mà không có sai sót khiếm khuyết. Đó là điều chúng ta phải học tập.
Chịu nhục nhất định không có lòng oán hận. Câu này ý nghĩa rất sâu xa, đối với sự tu học của chúng ta có quan hệ rất lớn lao. Hôm nay chỉ giảng với quý vị một phần, ngày mai sẽ nêu ra một số điển hình để làm rõ. Chúng ta phải hết sức xem trọng câu này, nếu không thì chẳng những sẽ gặp chướng ngại lớn lao trên đường đạo, mà đối với việc đọc Kinh điển muốn hiểu sâu ý nghĩa cũng sẽ gặp trở ngại.
Quý vị đọc Kinh điển không được khai ngộ. Vì sao không được khai ngộ? Vì những phiền não [tham sân si] này vẫn còn nguyên đó, chúng ở bên trong gây tai họa, tạo chướng ngại. Cho nên điều này phải giảng giải cho thật rõ ràng, thật sáng tỏ.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.