(Giảng ngày 28 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 10, số lưu trữ: 19-012-0010) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua chúng ta đã giảng đến câu: “Trong trời đất có thần chủ trì việc xét lỗi, tùy theo chỗ phạm lỗi nặng nhẹ của người mà giảm toán.”
Đó là sự thật, tuyệt đối không chỉ là phương tiện do chư Phật, Bồ Tát hay các vị hiền thánh xưa bày đặt ra để khuyên răn người đời bỏ ác làm lành. Nếu chúng ta nhìn nhận việc này như thế thì thật sai lầm, vì không biết rằng những gì các bậc hiền thánh nói ra đều là chân thật, nhất định không có sự lừa dối.
Việc khuyên răn, chỉ bày cho người đời có rất nhiều phương pháp, cách thức, nhất định các ngài không thể dùng đến phương pháp lừa dối, không chân thật. Vì nếu người đời chỉ một lần phát hiện sự lừa dối, thì về sau dù nói bất cứ điều gì họ cũng sẽ không tin. Trên thế giới có nhiều quốc gia, chẳng hạn như nước Mỹ, nước Úc... cũng giống như vậy. Nếu quý vị đối với các cơ quan chính phủ có một lần gian dối, họ đều đưa vào hồ sơ lưu trữ, sau này dù quý vị nói bất cứ điều gì họ cũng đều không tin. Pháp thế gian mà còn như vậy, huống chi chư Phật, Bồ Tát là các bậc đại thánh, đại hiền? Lời dạy của các ngài, chúng ta phải tin nhận và nghiêm túc thực hành.
Dù vậy, chư Phật, Bồ Tát cũng từng dạy rằng, trong trời đất tuy có các vị thần giám sát việc thiện ác của người, nhưng một khi ta có sự chuyển đổi tâm ý thì tình huống sẽ thay đổi. Các bậc thánh trong thế gian dạy rằng: “Khắc niệm tác thánh.” (Chế ngự được ý niệm là bậc thánh.) Ý niệm ở đây chỉ cho các vọng niệm. Chế ngự được vọng niệm thì quý vị trở thành bậc thánh, mà thần minh trong trời đất đối với các bậc thánh hiền đều rất tôn kính, luôn theo bảo hộ. Cho nên lúc này tình huống sẽ hoàn toàn khác trước. Cho đến cảnh giới của chư Phật, Bồ Tát thì lại càng cao hơn thế nữa.
Vì vậy, trong phần chú giải có một đoạn dẫn kinh Hoa Nghiêm, theo sau là lời giải thích của các bậc tổ sư, đại đức, dạy ta rằng trong công phu tự khắc phục mình cần phải khởi đầu từ chỗ khó khắc phục nhất. Khắc phục chính mình là tự sửa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân. Chúng ta cần phải tự xét lại mình, xem trong đời sống thường ngày có những thói hư tật xấu nào là lớn nhất, quan trọng nhất. Phải từ nơi thói hư tật xấu lớn nhất đó mà bắt đầu tu sửa. Với thói hư tật xấu lớn nhất, khó sửa chữa nhất mà ta khắc phục được rồi, thì những thói hư tật xấu nhỏ nhặt hơn đều sẽ dễ dàng.
Đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta đã thấy lan truyền rất nhiều lời tiên tri trong truyền thuyết xa xưa, dễ dàng tìm thấy ở khắp nơi. Đa số trong đó đều tập trung dự báo vào các năm 1999, 2000 và 2001, nói rằng trong ba năm đó thế giới sẽ phát sinh tai nạn rất lớn.
Tai nạn từ đâu sinh ra? Là từ nghiệp ác của chúng sinh chiêu cảm mà sinh ra. Đó là nguyên lý cảm ứng. Những gì truyền thuyết nói chưa hẳn đã đúng. Nhưng khi quan sát kỹ đạo đức xã hội cũng như lòng người, ta sẽ thấy lòng người hiện nay đi ngược lẽ thường, phản bác, chống lại hết thảy các pháp lành, mừng vui hoan hỷ tiếp nhận các pháp xấu ác. Mười nghiệp lành thì người người nghe đến đều lắc đầu. Tạo mười nghiệp xấu ác thì ai nấy đều đồng thuận. Quý vị nói xem, như vậy còn có phương pháp gì [cứu vãn được] nữa? Tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, lừa dối người khác, mỗi một ý niệm đều chỉ nghĩ đến việc khống chế hết thảy mọi người, mọi việc; chỉ nghĩ đến việc chiếm hữu hết thảy muôn người, muôn vật, toàn ra sức làm những việc hại người để mong lợi mình.
Nhưng thật ra tôi đã giảng về điều này rất nhiều lần, việc có hại cho người khác nhất định không thể có lợi cho mình. Những kẻ ấy do nhận thức sai lầm, cho rằng gây hại người khác có thể làm lợi cho mình. Nhưng hại người chính là hại mình. Trong hiện tại được chút lợi ích rất nhỏ nhoi, mà sau khi chết nhất định phải đọa vào ba đường ác, chịu nhiều khổ não. Thấu hiểu rõ ràng được ý nghĩa này, nhận biết được sự thật này, thì một chút khổ nhọc trước mắt nào có đáng gì! Đời sau sẽ được phước báo trong hai cõi trời, người. Thù thắng hơn nữa là niệm Phật được vãng sinh làm Phật, làm Tổ. Đó mới là lợi ích chân thật hết sức lớn lao.
Quý vị muốn được lợi ích chân thật thì phải tu tập sửa chữa những thói hư tật xấu của mình, không thể không sửa, nhất định phải sửa.
Hết thảy chúng sinh cùng với chư Phật, Bồ Tát có điểm khác biệt là: tâm Phật chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Cho nên, tâm Phật, Bồ Tát với tâm phàm phu hoàn toàn trái ngược nhau. Tâm phàm phu thì hư ngụy, giả dối, nhiễm ô, phân biệt cao thấp, luôn nghĩ đến lợi ích riêng tư. Thực sự muốn sửa lỗi thì phải từ trong tâm mà sửa, nếu có thể chân chính đạt được tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, thì nghiệp chướng từ vô số kiếp đều được tiêu trừ. Như trong kinh điển Đại thừa thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới.” (Tâm lớn như hư không, bao trùm hết thảy các thế giới.)
Chúng ta đều từng nghe qua lời Phật dạy: “Từ bi vi bản, phương tiện vi môn.” (Từ bi là căn bản, phương tiện là cửa vào.) Từ bi là tâm thương yêu chân thành. Tình thương yêu thanh tịnh, bình đẳng gọi là từ bi. Tâm thương yêu như thế lớn rộng bao trùm hư không, biến hiện cùng khắp pháp giới. Chúng ta thấy trong tôn giáo khác thường nói: “Thượng đế thương yêu người đời.” Do đó có thể biết rằng, cùng khắp pháp giới trong hư không chỉ có một điều thực sự bao quát, đó là tâm thương yêu. Có thể thương yêu hết thảy chúng sinh trong cùng khắp pháp giới giữa hư không, đó là thực sự thương yêu chính mình.
Đối với ý nghĩa, sự thật về nghiệp nhân quả báo, trong kinh điển đã giảng giải hết sức rõ ràng, sáng tỏ. Chúng ta tu học được [đến mức như vừa giảng trên], quý vị thử nghĩ xem, các vị “thần xét lỗi trong trời đất” còn có thể ghi chép lỗi lầm của ta, định đoạt [số mạng] của ta được chăng? Hoàn toàn không thể được. Vì chúng ta đã vượt qua phạm vi quyền hạn của họ. Nhưng chỉ cần quý vị sinh khởi vọng tâm, còn giữ vọng tưởng phân biệt bám chấp, thì mỗi một ý tưởng hay việc làm mờ ám đều nằm trong phạm vi quyền hạn trách phạt của các vị quỷ thần trong trời đất, không cách gì vượt qua quyền hạn ấy. Quý vị phải thấu hiểu rõ ràng điều đó.
Trong phần chú giải có câu chuyện về tiên sinh Vương Dụng Dư, nêu được một điển hình kết quả tu tập có ý nghĩa rất hay, rất tốt đẹp, đáng để chúng ta lưu tâm cảnh tỉnh. Câu chuyện này là sự thật, không phải giả dối, chứng minh rõ ràng điều mà người đời thường nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định.” (Mỗi một miếng cơm ngụm nước đều đã định trước.) Vậy ai là người định trước? Chính là bản thân ta. Dứt ác tu thiện, tích lũy công đức thì được quả báo tốt đẹp. Tiên sinh Vương Dụng Dư ba đời tu tích phước đức, từ ông nội đến cha, rồi đến đời của ông ấy, suốt đời chưa từng lừa dối bất cứ ai. Trong việc ứng xử với người, tiếp xúc muôn vật, đều giữ tâm chân chính tốt đẹp, có thể từ bỏ lợi ích riêng tư để làm lợi cho người khác, vui vẻ giúp đỡ mọi người, hết lòng hiếu thuận với cha mẹ, hòa kính anh chị em, cho nên chiêu cảm được những điều hết sức rõ ràng trong chuyện tích của ông.
Thời xưa thi cử là đường công danh, phải tham gia kỳ thi tuyển của cả nước. Chúng ta từng nghe nhiều người kể lại, việc tham gia thi cử như thế có được trúng tuyển hay không, một phần là do âm đức. Âm đức tích lũy của mỗi người, một phần là do ông bà tổ tông nhiều đời tích lũy, cho đến đời người ấy thì được phát lộ, hiển đạt. Cho nên, mọi chuyện lành dữ, họa phước đều do sự tu sửa tốt xấu mà thành, cần phải hiểu rõ như vậy. Tâm còn chưa sáng tỏ, chưa thấy được tự tánh, thì hết thảy [công đức] đều nhờ sự tu sửa mà đạt được, chúng ta phải đặc biệt lưu ý điểm này.
Nói về người xuất gia, hôm trước tôi nghe Pháp sư Tường Vân ngã bệnh, mà bệnh hết sức đột ngột, hiện nay đang nằm trong bệnh viện, hoàn toàn bất tỉnh, không biết gì nữa. Vì sao người xuất gia đến lúc ra đi lại không bằng người tại gia? Tôi ở đây từng thấy người tại gia niệm Phật vãng sinh, hiện điềm lành hiếm có. Năm ngoái, ông Hội trưởng Hội Quán Âm Cứu Khổ là Lâm Y Sanh vãng sinh, tôi có đến viếng. Tôi cùng rất nhiều vị đồng học đến hỗ trợ ông, trợ niệm cho ông. Lúc ông ấy sắp ra đi, thần trí sáng suốt, nói với mọi người: “Tôi không nhìn thấy quý vị nữa, chỉ thấy một đạo hào quang.” Ông nói vậy rồi ra đi.
Những chuyện nhìn thấy Phật, Bồ Tát tiếp dẫn người vãng sinh, chúng ta được nghe rất nhiều. Thậm chí rất nhiều người đọc kinh, niệm Phật có được những sự cảm ứng không thể nghĩ bàn. Những sự cảm ứng như vậy, chúng ta biết rõ nhưng không nói ra. Chỉ cần đem tâm chân thành tu tập, dứt ác tu thiện, tự sửa lỗi mình, hoàn thiện bản thân, chân thành niệm Phật cầu sinh Tịnh độ thì nhất định sẽ được vãng sinh.
Ở cuối đoạn văn [chú giải] trên nêu một câu chuyện nhỏ. Vào đời Tống có An Thiền sư ở chùa Quang Hiếu, trong khi nhập định nhìn thấy hai vị tăng trò chuyện cùng nhau. Ban đầu, lúc họ trò chuyện có thiên thần hiện đến chung quanh ủng hộ. Nhưng rồi không lâu sau, các thiên thần bỏ đi. Sau đó, một đám ác quỷ hiện đến vây quanh họ, nhổ nước bọt vào họ rồi mắng nhiếc. Do nguyên nhân gì vậy? Đó là vì hai người xuất gia ấy trước hết nói chuyện Phật pháp, nên thiên thần hiện đến ủng hộ. Sau đó, họ mang chuyện gia đình ra nói, thiên thần liền bỏ đi. Sau nữa họ nói chuyện gì? Là những chuyện danh vọng, lợi dưỡng, nên ác quỷ liền kéo đến.
Quý vị nên hiểu rõ điều này mỗi khi khởi tâm động niệm. Một niệm chân chánh hiền thiện liền được chư Phật hộ niệm, hàng trời, rồng đều ủng hộ. Một niệm xấu ác vừa khởi sinh, lập tức yêu ma quỷ quái liền kéo đến. Cho nên, bàn luận chuyện thế gian đều bị quỷ thần khiển trách. Nghĩ đến danh vọng, lợi dưỡng là tạo ra nghiệp tội.
Chúng ta quan sát những nghiệp thân, khẩu, ý mà người đời hiện nay tạo tác, nói thật ra thì so với người xuất gia chỉ có hơn chứ không thua kém. Người đời còn thảo luận Phật pháp, [người xuất gia] ngày nay gặp mặt chỉ toàn nói chuyện danh vọng, lợi dưỡng, mấy ai còn thảo luận Phật pháp? Cho nên chúng ta cần hiểu rõ, thế gian ngày nay đạo pháp suy yếu, yêu ma lớn mạnh, việc hoằng pháp lợi sinh làm sao không gặp chướng ngại? Điều quan trọng là chúng ta phải giữ tâm chân chính, làm việc chân chính, còn sống được một ngày là một ngày chỉ làm việc tốt đẹp. Trong các việc tốt đẹp thì thù thắng nhất chính là hoằng pháp lợi sinh.
Cho nên, có người đến hỏi tôi làm sao xây dựng đạo tràng? [Tôi nói,] xây dựng đạo tràng không khó, chỉ khó là nơi ấy liệu rồi có đạo hay không? Thế nào là có đạo? Nhất định phải có giảng kinh. Mỗi ngày đều phải giảng kinh, mỗi ngày đều phải niệm Phật. Ba ngày không giảng kinh, ba ngày không niệm Phật thì nhiều luồng ý kiến [khác biệt] nổi lên, mọi người đều suy bậy nghĩ bạ, mỗi người đều có sự phân biệt, mỗi người đều có sự bám chấp. Như thế không phải đạo tràng. Quý vị cần hiểu rõ ý nghĩa này.
Nhân tài có khả năng hoằng pháp cần được tích cực bồi dưỡng. Nhân tài như thế từ đâu bồi dưỡng mà thành? Từ trên bục giảng kinh rèn luyện mà thành. Nếu quý vị không thể mỗi ngày đều lên bục giảng kinh, thì làm sao giảng cho hay được? Nếu muốn giảng một bộ kinh cho hay, cho thấu triệt, thì mỗi ngày đều phải lên giảng đường luyện tập. Phải hết sức thành khẩn, hết sức cung kính tiếp nhận mọi sự phê bình, chỉ dạy của đại chúng, một lòng hướng thượng sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân, như vậy thì tự mình mới có sự tiến bộ. Thực sự muốn giảng được hay, không chỉ là phải nắm vững phương pháp, khuôn mẫu, kỹ năng khéo léo, mà còn phải thực sự có tâm đạo, mỗi câu mỗi chữ đều từ trong tâm tánh lưu xuất, hiển lộ, như thế mới là chân thật.
Đó đều là do công phu tu tập chân chính của tự thân mà có được. Nếu không có công phu tu tập chân chính, dù có đủ những kỹ năng khéo léo cũng không thể đạt được hiệu quả. Nhất định phải dùng việc làm của tự thân để giáo hóa người khác. Tự mình có công phu tu tập mới có thể giúp đỡ, hỗ trợ người khác, mới có thể làm sinh khởi tác dụng cảm ứng giao hòa trong đạo pháp.
Một câu trong Cảm ứng thiên [hôm nay bàn đến] đã cảnh tỉnh chúng ta, khích lệ chúng ta, giúp chúng ta biết được đúng thật như người đời thường nói: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh.” Nhất định đây không phải lời nói dối, nhất định không phải sự lừa gạt. Chúng ta cần phải có sự cảnh tỉnh, kiêng sợ [việc ác], một lòng hướng thượng nỗ lực tu học, hy vọng vươn cao khỏi cảnh giới của mình, vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của quỷ thần. Đó là sự thành công đích thực.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.