(Giảng ngày 4 tháng 9 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 88, số hồ sơ: 19-012-0088) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Đoạn thứ 37 trong Thái thượng Cảm ứng Thiên, bắt đầu chương thứ tư, giảng đến quả báo xấu ác, dùng hai câu trước tiên làm cương lĩnh tổng quát [để xác định điều ác]: “Phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành.” (Nghĩ điều phi nghĩa, làm việc trái lẽ.)
Hai chữ nghĩa lý ở đây [ý nghĩa] vô cùng sâu rộng. Có thể thấu hiểu rõ ràng nghĩa lý là bậc đại học vấn. Người Trung quốc xưa kia gọi đó là thật học. Thật học nghĩa là học vấn chân thật. Tiêu chuẩn của chân thật ở đây là gì? Là hoàn toàn có thể mang lại lợi ích thiết thực, không phải cái học cao siêu xa vời; là những điều tốt xấu, lành dữ, thiết thực đối với bản thân chúng ta, như vậy mới gọi là thật học.
Chúng ta lấy trường hợp của người xuất gia ra làm ví dụ, nghĩa là điều nên làm. Điều nên làm thì quý vị phải làm. Nói “nghĩ điều phi nghĩa”, phi là không nên làm. Điều không nên, nếu quý vị làm thì đó là ác. Chẳng những là ác, mà là đại ác.
Thuận theo lý mà làm là thiện. Lý đó là gì? Lý là đức của tự tánh. Nếu trái nghịch với lý, đó cũng là đại ác. Chúng ta tuy có những lúc dường như không thấy rằng đây là điều ác rất lớn, đâu biết rằng tích lũy lâu ngày liền hóa thành đại ác. Đó là nhiều điều ác nhỏ dồn lại thành điều ác lớn, nhiều điều ác lớn dồn lại thành cực ác. Ý nghĩa là ở chỗ này.
Người xuất gia chúng ta phải tùy thuận nghĩa lý như thế nào? Đức Phật đã nêu gương cho chúng ta noi theo. Các vị Bồ Tát đã nêu gương cho chúng ta noi theo. Các bậc Tổ sư qua nhiều đời cũng nêu gương cho chúng ta noi theo. Phật, Bồ Tát là những tấm gương theo đúng tiêu chuẩn tuyệt đối. Các bậc Tổ sư, đại đức là những tấm gương có phần linh hoạt nới lỏng. Vì sao vậy? Vì sợ chúng ta làm theo không nổi, cho nên có phần linh hoạt nới lỏng. Tuy nới lỏng nhưng vẫn không trái nghịch quá lớn, cho nên các ngài vẫn có thể thành tựu.
Nếu như quên mất hai chữ nghĩa lý này, ý nghĩ việc làm hoàn toàn trái nghịch nghĩa lý, người xuất gia như vậy nhất định sẽ đọa vào địa ngục A-tỳ. Điều này chúng ta phải rõ biết.
Đức Phật nêu gương cho chúng ta noi theo những gì? Là một lòng cầu đạo, tu đạo, hành đạo. Thế nào là đạo? Đạo là giới, định, tuệ chân thật. Đó là đại đạo. Đức Như Lai thuyết giảng hết thảy các pháp trong suốt một đời ngài, quy nạp lại chính là ba môn học giới, định, tuệ. Do đó có thể biết rằng, nghĩa lý cũng có ba tầng ý nghĩa. Ý nghĩa cao nhất của nghĩa lý là tuệ học, tiếp theo là định học và thấp nhất là giới học. Chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng hành động có phù hợp, tương ứng với ba môn học này hay không? Chúng ta cần phải từ chỗ này mà xem xét.
Hai môn định, tuệ thật rất cao. Tuy cao nhưng vẫn cần phải học. Vì sao vậy? Vì không học thì [đường tu] không thể thành tựu. Nếu muốn thấu triệt lẽ sinh tử, thoát ra ngoài ba cõi, không có định tuệ thì không thể làm được.
[Tu tập] giới học đến mức thù thắng nhất cũng chỉ được hưởng phước báo trong hai cõi trời người mà thôi, không phải đọa vào ba đường ác. Quý vị nhất định phải nhận hiểu rõ ràng, nếu muốn ngay trong một đời này thấu triệt lẽ sinh tử, thoát ra ngoài ba cõi, cho dù có niệm Phật cầu sinh Tịnh độ cũng cần phải [tu tập] định tuệ. Công phu niệm Phật ở mức thấp nhất cũng phải đạt đến công phu kết thành một khối mới có thể được vãng sinh. Công phu kết thành một khối, đó là bước đầu của định tuệ. Không có điều này thì không thể vãng sinh.
Quý vị niệm Phật thật tốt, trì giới thật nghiêm, thì việc niệm Phật này cũng chỉ mang lại phước báo trong hai cõi trời người mà thôi. Cho nên, cần phải nhận hiểu cho thật rõ ràng thế nào là định, thế nào là tuệ.
Ở Trung quốc, bất kể là tông phái nào, bất kể là người học Phật nào, cũng đều đọc qua kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang chính là tiêu chuẩn của định và tuệ. [Kinh dạy:] “Bất thủ ư tướng, như như bất động.” (Không vướng mắc nơi hình tướng, an nhiên không lay động.) Đó là định tuệ. Đó là thiền định. Một lòng cầu sinh thế giới Tây phương Cực Lạc, đó là tuệ. Nếu đối với cảnh giới bên ngoài vẫn còn bị dẫn dụ mê hoặc, sáu căn tiếp xúc với sáu trần vẫn còn dao động, người như vậy dù trì giới rất tốt, niệm Phật rất tốt cũng không thể vãng sinh.
Cho nên, muốn được vãng sinh phải chấm dứt được sự dẫn dụ mê hoặc, không để cảnh duyên bên ngoài làm dao động trong tâm, chỉ một lòng chuyên niệm. Người như vậy nhất định được vãng sinh. Chúng ta học Phật, mục tiêu cuối cùng là ở chỗ này, nhất định không thể làm sai.
[Những điều] phi nghĩa, trái lý, trong xã hội ngày nay chúng ta nhìn thấy quá nhiều. Rõ ràng dễ thấy nhất là việc tín đồ ưa thích một vị pháp sư, gần gũi thân cận vị pháp sư đó, trong chỗ ưa thích khởi sinh tình cảm. Đó là phi nghĩa, đó là trái lý. Pháp sư thì gắn bó, ve vuốt tín đồ vì tín đồ ấy có quyền thế, giàu có, sợ rằng vị “đại hộ pháp” này bỏ đi mất. Đó là phi nghĩa, đó là trái lý.
[Người ta] cúng dường bốn món thiết yếu cho quý vị, giúp quý vị sống thật thong thả thoải mái, đạo tâm hoàn toàn không có. Đối với người bình thường thì cho đây là vị đại hộ pháp, tốt lắm. Nhưng thật ra là gì? Trong mắt tôi thì đó là đại ma vương, không phải đại hộ pháp. Quý vị từ vô lượng kiếp đến nay không dễ dàng có được thân người trong kiếp này, được nghe Phật pháp, có được một cơ hội để giải thoát, ngay lúc ấy thì người này lôi kéo quý vị lại. Đó chính là ma vương. Ngày nay có rất nhiều người xem ma vương là thiện tri thức, xem mười nghiệp ác là thiện tri thức. Đó là sai lầm.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni vì chúng ta nêu tấm gương sáng. Quý vị là người xuất gia, công việc của quý vị trong một đời này là gì? Chúng ta suy ngẫm thật kỹ về cuộc đời đức Phật [sẽ thấy rõ], bao nhiêu danh tiếng, lợi dưỡng của thế gian, năm món dục trong sáu trần cảnh ngài đều buông bỏ hết sạch. Đó là điều trước tiên chúng ta phải học theo. Thứ hai, ngài gần như dành trọn thời gian, ngày đêm không nghỉ, dũng mãnh tinh tấn tu tập ba môn học giới, định, tuệ. [Đức Phật] tự mình tu học có chỗ tâm đắc, [mang ra] giáo hóa hết thảy chúng sinh, đó là công đức vô lượng. [Đức Phật] tự mình sống hết sức đơn giản, một bình bát với ba tấm y, trong lòng vĩnh viễn thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ. Người phàm phu chúng ta nhìn thấy đời sống của Phật thanh đạm khắc khổ, tự thân ngài trong [cuộc sống ấy] thụ hưởng niềm an lạc vô biên, chúng ta không cách gì tưởng tượng biết được. Điều này chúng ta phải hiểu thật rõ ràng.
Xin nói để quý vị được biết, chư Phật, Bồ Tát, các vị Tổ sư, đại đức không có vị nào xây dựng đạo trường. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni suốt đời không có đạo trường. Tinh xá Trúc Lâm, tinh xá Kỳ Hoàn (vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc), những cơ sở ấy đều có chủ nhân, họ thỉnh cầu Phật đến đó hoằng pháp. Đức Phật chỉ ở tạm nơi đó thôi. Cho nên chúng ta đọc trong kinh Phật thấy ghi “Phật tại” (Phật ở tại), Phật đang ở tại một nơi nào đó, không nói là “Phật trụ”. Khi nói [một người] trụ [ở đâu] tức là nhà của người ấy, có nhà mới trụ. Phật “ở tại” một nơi nào đó, so với “trụ” là không giống nhau. Nói “ở tại” là không có nhà, nói “trụ” là có nhà.
Cho nên, chư Phật, Bồ Tát đều là những bậc đã giác ngộ thị hiện ra đời mà các ngài còn như vậy, người tu hành chúng ta phải tự xét xem mình là hạng người nào? Đều là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng, nếu như thật có những sự việc [cám dỗ mê hoặc] như vậy phá hoại, sự nghiệp tu hành nhất định phải tiêu tan.
Cho nên, tôi thường khuyên các vị đồng tu, chân chánh học đạo thì phải làm theo giống như tôi trong việc này. Tôi rất may mắn, suốt một đời tôi không hề quản lý người khác, không quản sự việc, không quản tiền bạc, không có một việc gì phải bận tâm, cho nên mới có được đôi chút thành tựu [trong tu tập]. Nếu như bảo quý vị phải quản lý người khác, phải quản công việc, quản tiền bạc thì quý vị xem như tiêu đời rồi.
Chúng ta phải tự mình suy ngẫm, nghĩ cho thật kỹ, chúng ta vì việc gì mà xuất gia? Không thể làm trái với bản nguyện ấy.
Người xuất gia có nên xây dựng đạo trường hay không? [Quý vị] chiếm hữu một đạo trường thì so với người thường trong xã hội nào có khác gì? Trong công việc này là tranh danh đoạt lợi, vậy có làm hay không? Cứ làm đi, nếu quý vị có phước báo này, quý vị cũng có thể đạt được đôi chút, nhưng chỉ trong chớp mắt là sẽ đi vào địa ngục A-tỳ.
Trong đời tôi, có người mang đạo trường dâng cúng cho tôi, tôi không nhận. Năm xưa, cư sĩ Giản Phong Văn hiến cúng đạo trường Hàng Châu Nam Lộ, tôi hỏi ông ấy: “Có phải ông muốn hại tôi không?” Ông ấy nghe hỏi thì sửng người, rồi nói: “Pháp sư, con sao lại hại thầy?” Tôi nói: “Ông hiến cúng đạo trường cho tôi, đó là hại tôi. Đạo trường này có cần phải quản lý hay không?” Ông ấy đáp: “Đương nhiên cần phải quản lý.” Tôi lại hỏi: “Vậy có cần đến chi phí hay không?” Ông ấy đáp: “Đương nhiên phải cần đến chi phí.” Tôi nói: “Thế không phải ông hại tôi sao?”
Cuối cùng tôi đưa ra điều kiện với ông ấy: “Ông hiến cúng đạo trường cho tôi cũng được, nhưng ông phải lo việc quản lý, lo việc chi tiêu.” Ông ấy chấp nhận hoàn toàn. Như vậy thì được, tôi nhận. Tôi không quản đến mọi sự việc. Việc tôi nhận đạo trường này cũng như nhận cái hư danh thôi, thực sự không quản đến công việc, như vậy thì trong tâm tôi mới có sự chuyên nhất.
Mỗi ngày đều đọc kinh, lúc không đọc kinh thì suy ngẫm nghĩa kinh, mỗi giây mỗi phút đều ghi nhớ những lời Phật dạy trong tâm, tông môn gọi đó là nghi tình. Lâu ngày chầy tháng, không nhất định khi nào, gặp được cơ duyên nào đó tự nhiên có chỗ vỡ ra, ý nghĩa Phật dạy [trong kinh] liền hiểu rõ. Đó gọi là: “Đại nghi đại ngộ.” (Nghi tình càng lớn, chỗ ngộ càng cao.) Nghi ở đây không phải hoài nghi, mà là [ý nghĩa] lý lẽ quá sâu xa nên chưa thấu hiểu ngay được. Chỉ cần thường nhớ nghĩ đến trong tâm, không biết được là đến lúc nào về sau, khi gặp cơ duyên liền bừng hiểu sáng tỏ.
Nếu như quý vị có việc phải để tâm lo nghĩ, quý vị mỗi ngày từ sáng đến tối nghĩ tưởng lung tung rối loạn, điều đó không chỉ gây chướng ngại cho sự khai ngộ, chướng ngại sự định tâm, mà cũng chướng ngại cả việc trì giới. Cả ba môn học giới, định, tuệ đều bị chướng ngại. Mỗi ngày từ sáng đến tối [trong tâm] sinh khởi những điều gì? Sinh khởi toàn là phiền não, toàn là vọng tưởng, phân biệt, bám chấp. Nói cách khác, quý vị đang tạo nghiệp, thật là quá sai lầm đến mức không còn gì sai lầm hơn.
Cho nên suốt một đời tôi, mỗi khi giảng kinh cũng thường nói đến điều này, đạo trường nhất định phải là của cư sĩ tại gia. Cư sĩ xây dựng đạo trường, lễ thỉnh người xuất gia đến hoằng pháp lợi sinh. Cũng giống như vào thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni, đạo trường đều là của các vị quốc vương, đại thần, trưởng giả giàu có. Các vị này lễ thỉnh đức Phật đến giảng kinh thuyết pháp, cứu độ giáo hóa chúng sinh.
Người xuất gia đối với năm món dục trong sáu trần cảnh không một mảy may dính mắc nhiễm ô, như vậy là tốt. Thanh tịnh, tự tại, vĩnh viễn duy trì được trí tuệ cao minh của mình, dù một mảy may cũng không dính mắc nhiễm ô. Cho nên nhất định phải có tâm xuất trần, phải có tâm vượt ngoài thế tục. Nếu còn muốn tranh đoạt đạo trường, giành lấy đạo trường, chiếm hữu đạo trường, kiểm soát đạo trường, đó là tâm luân hồi. Tâm luân hồi thì dù có tham thiền, niệm Phật, giảng kinh, thuyết pháp cũng đều là nghiệp luân hồi, vẫn không ra khỏi được sáu đường luân hồi. Hơn nữa [còn tạo] tội nghiệp vô cùng nghiêm trọng. Nghiêm trọng ở chỗ nào? [Ở chỗ] quý vị mang chiêu bài [là đệ tử] Phật để tạo nghiệp luân hồi, cho nên quả báo phải vào địa ngục. Nếu như không mang chiêu bài [là đệ tử] Phật, quả báo chưa hẳn phải vào địa ngục. Chỉ cần mang chiêu bài [là đệ tử] Phật để làm những việc như vậy, không ai thoát khỏi địa ngục. Chúng ta cần phải hiểu rõ điều này.
Hai chữ nghĩa lý phải hiểu thật sáng tỏ. Hai chữ này [ý nghĩa] sâu rộng vô cùng. Cho nên các bậc cổ đức dạy ta “cùng lý tận tính” ([thấu hiểu] trọn lý tận tánh), đạt đến mức trọn vẹn đầy đủ nhất chính là quả vị Như Lai.
Là đệ tử Phật, bất kể là người xuất gia hay tại gia, đối với hai chữ nghĩa lý này phải nhận hiểu rõ ràng, sáng tỏ. Chúng ta biết được đến đâu phải thực hành đến đó, mà thấp nhất thì mọi người đều biết là năm giới với mười nghiệp lành.
Vâng theo lời Phật dạy là thuận với nghĩa lý. Trái lời Phật dạy thì đó là “phi nghĩa nhi động” (nghĩ điều phi nghĩa, làm việc trái lẽ). Phật dạy chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, chúng ta đã làm được chưa? Phật dạy chúng ta phụng sự bậc sư trưởng, chúng ta đã làm được chưa? Quý vị có thể hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự bậc sư trưởng thì đó là [đạt được] nghĩa lý nhỏ.
Sâu hơn nữa, rộng hơn nữa, trong kinh đức Phật dạy rằng: “Hết thảy nam giới đều [từng] là cha ta, hết thảy nữ giới đều [từng] là mẹ ta.” Quý vị có thể đem tâm hiếu dưỡng cha mẹ mở rộng ra mà hiếu dưỡng đối với hết thảy kẻ nam người nữ, đó là quý vị [đạt được] nghĩa lý lớn, nhưng vẫn chưa phải là trọn vẹn rốt ráo.
[Đạt đến] trọn vẹn rốt ráo là như kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí.” ([Hết thảy] chúng sinh vô tình cũng như hữu tình đều trọn thành Phật trí.) Không chỉ hiếu dưỡng đối với tất cả mọi người như đối với cha mẹ mình, mà đối với hết thảy các loài súc sinh, đối với hết thảy chúng sinh cũng đều hiếu dưỡng. Như vậy mới gọi là trọn vẹn rốt ráo. Đó là nghĩa lớn của chư Phật, Bồ Tát, là chân lý của chư Phật, Bồ Tát.
Chúng ta hiện nay chưa làm được như vậy. Nếu quý vị có thể đạt đến mức hiếu dưỡng, cung kính hết thảy nhân loại thì cũng đã xem là rất tốt rồi. Tạm thời không nói đến cả mười pháp giới, chỉ nói pháp giới con người. Quý vị có thể [đem sự hiếu dưỡng] mở rộng đến khắp nhân loại, như vậy đã xem là tốt lắm rồi.
Thế nào mới gọi là hiếu thuận? Phần trước tôi đã giảng đoạn nói đến “trung hiếu” rất nhiều. Thuận theo tự tánh chính là hiếu thuận, không phải thuận theo tình cảm. Thuận theo tình cảm con người là sai lầm, phải thuận theo đức của tự tánh. Những gì là đức của tự tánh? năm giới là đức của tự tánh, mười nghiệp lành là đức của tự tánh.
Nói cách khác, chúng ta [phạm vào năm giới như] giết hại, trộm cướp, tà dâm... đó là trái nghịch nghĩa lý, là bất hiếu. Chúng ta [phạm vào mười nghiệp ác như] nói dối, nói hai lưỡi... đó là trái với đức của tự tánh, là bất hiếu, là không [hiếu] thuận. Các bậc thánh nhân thế gian cũng như xuất thế gian dạy cho ta những tiêu chuẩn đã xác lập, chúng ta nhất định phải thuận theo, phù hợp với những tiêu chuẩn ấy, không thể trái nghịch. Đây là ranh giới phân biệt giữa thiện và ác.
Thế nhưng chúng ta làm việc thiện rất khó, rơi vào việc ác rất dễ, nguyên nhân là tại đâu? Là do tập khí từ vô lượng kiếp. Trong Kinh điển Phật dạy rất rõ ràng, chúng ta có đến 26 tâm sở phiền não, chỉ có 11 tâm sở thiện. Quý vị thử nghĩ xem, ác nhiều thiện ít, cho nên làm việc ác rất dễ, làm việc thiện rất khó. Ngay ở chỗ này phải có sự giác ngộ nhận biết cao độ, phải thực sự tỉnh giác. Người như thế gọi là khai ngộ, là giác ngộ.
Khống chế được tập khí phiền não của bản thân, hành động đều thuận theo nghĩa lý thì chúng ta sẽ được thành tựu.
Người xuất gia phải luôn ghi nhớ, tôi nói lời này thành thật, nếu như quý vị sở hữu đạo trường, quý vị nhất định phải đọa vào địa ngục A-tỳ.
Những người nào có thể giữ đạo trường? Phải là người đã đại triệt đại ngộ. Thời xưa, khi Phật giáo truyền sang Trung quốc thì người xuất gia mới quản lý các đạo trường. Quản lý đạo trường là những người nào? Đều là chư Phật, Bồ Tát thị hiện. Quản lý đạo trường là phục vụ người tu hành, đó là chư Phật, Bồ Tát, chẳng phải phàm phu. Nếu chúng ta là Phật, Bồ Tát thị hiện thì làm được, không có vấn đề. Quý vị làm là vì tâm đại từ đại bi nên làm một vị hộ pháp. Quản lý đạo tràng là người hộ pháp, không phải người tu hành theo pháp. Làm một vị hộ pháp [như vậy] thì quý vị là Bồ Tát, là Phật thị hiện.
Nếu như chúng ta tự biết mình chỉ là phàm phu, tập khí phiền não chưa dứt trừ hết thì không nên làm [chủ đạo trường]. Cho dù tập khí phiền não đã dứt trừ hết cũng còn phải xem duyên phần như thế nào. Không có duyên phần, miễn cưỡng [mà làm] không thể được.
Một đời này của chúng ta thời gian có hạn, hết sức ngắn ngủi. Nếu quý vị đã vào tuổi trung niên, quý vị có biết còn sống được bao nhiêu năm nữa hay chăng? Nếu tự cho mình sống được đến tám mươi, chín mươi, điều đó không chắc. Có rất nhiều người chết ở độ tuổi bốn, năm mươi. Trong số các đạo hữu đồng học với tôi thời mới xuất gia, khoảng ba phần tư nay đã không còn. Bọn họ đều qua đời ở tuổi bốn, năm mươi. “Hoàng tuyền lộ thượng vô lão thiếu.” (Đường đến suối vàng không phân già trẻ.) Cho nên, mỗi một phút giây còn được sống, chúng ta đều phải luôn nắm chắc, không được lãng phí.