Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 »» Bài giảng thứ 71 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1
»» Bài giảng thứ 71

Donate

(Lượt xem: 1.874)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 - Bài giảng thứ 71

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 6 tháng 8 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 72, số hồ sơ: 19-012-0072)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Xin mời xem đến đoạn 29, chỉ có một câu là: “Thôi đa thủ thiểu.” (Cho ra nhiều, giữ lại ít.) Câu trước đã dạy chúng ta dứt ác tu thiện, điều này phải vận dụng trong thực tế như thế nào? Câu [tiếp theo] này chính là lời răn dạy chân thật [cho việc này].

Con người nếu không thể nhường nhịn nhau thì việc dứt ác tu thiện không thể thực hiện. Cho nên phải biết nhường nhịn. Nhường nhịn lẫn nhau là đức tốt. Trong sách xưa của Trung quốc có ghi chép, Khổng Dung lúc bốn tuổi đã biết khiêm tốn nhường nhịn, có thể thấy đó là căn lành hết sức sâu dày. Tất nhiên, việc giáo dục sau đó cũng là nhân tố quyết định.

Con người ai cũng có căn lành, đó là điều chúng ta không thể phủ nhận. Căn lành bị che lấp không hiển lộ là vì không có cơ hội tiếp nhận sự răn dạy của thánh hiền. Các bậc hiền thánh xưa của Trung quốc hiểu rất rõ sự thật này, cho nên đối với sự giáo dục hết sức xem trọng. Không chỉ việc giáo dục trẻ em là quan trọng thiết yếu, thánh hiền còn mở rộng đến phạm vi giáo dục từ lúc còn trong thai mẹ, gọi là thai giáo. Theo đó, trong lúc người mẹ đang mang thai thì mọi tâm trạng, tình cảm, hành vi cử chỉ đều có ảnh hưởng đến thai nhi. Cho nên, giáo dục của Nho gia là bắt đầu từ thai giáo. Trong thời gian mang thai, người mẹ phải giữ tư tưởng thuần chánh, thanh tịnh, thực sự theo khuôn phép: “Việc không hợp lễ nghi thì không nhìn, không nghe, không nói.” Người mẹ như vậy mới thực sự là quan tâm chu đáo đến con.

Người thời nay đâu hiểu được ý nghĩa ấy? Cho nên, dù có căn lành sâu dày cũng bị tập nhiễm phong khí xã hội [không tốt] hiện nay, khiến căn lành phúc đức không thể hiển lộ, mà bao nhiêu tập khí xấu ác đều phát xuất ra. Đây mới thực sự là nguồn gốc gây rối loạn xã hội, là căn bản của hết thảy mọi điều bất an.

Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, có thể nói đều là các nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Các hệ thống này có năng lực cạnh tranh trong xã hội nhưng đều chủ trương buông bỏ sự cạnh tranh; có khả năng giành lấy công danh phú quý, nhưng cũng hoàn toàn buông bỏ, [chủ trương] sống ẩn cư, thanh bần, vui thích dấn thân vào sự nghiệp vĩ đại giáo dục xã hội, thực sự phụng hiến bản thân mình để tạo phúc cho loài người. Tầm nhìn của các tôn giáo này thật sâu xa rộng lớn, không chỉ giới hạn chỉ trong một đời này mà nhìn thấu đến nhiều đời nhiều kiếp lâu xa về sau, cho nên những thành tựu của Tam giáo mới được người đời tôn sùng kính ngưỡng. Trong mấy ngàn năm qua, nhắc đến các bậc hiền thánh xưa [của Tam giáo] vẫn còn rất nhiều người tôn kính, tán thán, hướng theo các vị học tập.

Thái thượng Cảm ứng thiên là giáo học của Đạo gia. Văn tự tuy không nhiều nhưng nghĩa lý vô cùng phong phú, hết sức trọn vẹn đầy đủ, mỗi câu mỗi chữ đều không thể giảng nói hết được.

“Cho ra nhiều, giữ lại ít” chính là vận dụng thực tiễn việc dứt ác tu thiện. Trong phần tiểu chú, câu mở đầu nói rất hay: “Phạm vi câu này rất rộng lớn.” Cả lý và sự đều sâu rộng vô cùng tận. Trong sách nêu ra một thí dụ. Anh em phân chia gia tài, bạn bè có quan hệ qua lại về tiền bạc, cần phải biết khiêm tốn, nhường nhịn, đó là đức tốt. Nếu như tranh giành về mình, quý vị phải biết, tham sân si phiền não liền có mặt. Đây là điều kiêng kỵ lớn nhất trong nhà Phật. Ba món độc tham sân si với phiền não nếu không chế ngự, chặn đứng được thì quả báo phải đọa vào ba đường ác. Cho nên, trước mắt giành được một chút lợi ích có đáng gì? Được không bằng mất, lợi không bằng hại.

Bạn bè cùng làm ăn cũng phải nhường nhịn nhau. Có một số đồng tu đến hỏi tôi, bạn bè đến mượn tiền có nên giúp hay không? Tôi nói, quý vị nếu có năng lực thì nên giúp, nhưng phải nhớ rằng, đã đưa cho mượn thì nhất định đừng nghĩ đến việc họ sẽ trả lại. Như vậy thì giao tình giữa bạn bè với nhau mới ngày càng sâu đậm. Cho mượn mà nghĩ đến việc họ trả lại, còn muốn đòi nợ thì bạn bè tốt hóa thành thù nghịch. Sao lại phải khổ sở như vậy? Cho nên, lúc đưa mượn nhất định không nghĩ rằng người ấy sẽ trả lại. Đưa cho mượn ấy là biếu tặng, thì tâm quý vị an ổn biết bao, vui thích biết bao. Trong tương lai nếu họ trả lại thì quá tốt, quá vui, nhưng nếu họ không trả thì đừng bao giờ nhắc tới.

Cho nên, muốn giúp người khác trước hết phải nghĩ đến khả năng của mình. Hết lòng hết sức giúp đỡ người khác là nuôi dưỡng lòng nhân hậu của mình, phúc đức về sau lớn lao vô cùng. Quý vị thường làm như vậy thì có thể xây dựng được niềm tin của mọi người trong xã hội, quý vị làm việc gì cũng sẽ được rất nhiều người ủng hộ, được rất nhiều người giúp đỡ. Quý vị vui vẻ giúp người là gieo nhân, người khác giúp đỡ quý vị là quả báo. Gieo nhân lành được hưởng quả lành, phải hiểu rõ ý nghĩa này.

Vì thế, cần phải biết nhường nhịn. Chúng ta sống trong cuộc đời này, thật ra những thứ thiết yếu cho đời sống bản thân chẳng đáng là bao. Các bậc đại đức xưa thường nói, người sống ở đời bất quá ngày ăn ba bữa, tối ngủ sáu thước, [chỉ cần được vậy là] quý vị đã có thể an ổn, thư thái thanh thản sống qua một đời, vì sao không chịu nhường nhịn nhau?

Nhân tố quan trọng thiết nhất để được sống lâu khỏe mạnh là tâm địa phải chân thành, thanh tịnh, từ bi. Đó là nguyên nhân thực sự của việc sống lâu mạnh khỏe. Không phải do được ăn ngon, cũng không phải do mỗi ngày đều tẩm bổ. Quý vị hãy quan sát thật kỹ, trong các vị đế vương, quan tướng qua nhiều đời, đều là những kẻ đại phú đại quý, điều kiện sống hết sức dồi dào đầy đủ, chuyện ăn uống luôn hết sức chú trọng, người bình thường không thể sánh bằng. Thế nhưng nhìn lại lịch sử, nào có mấy người trong bọn họ được sống lâu? Đại đa số chỉ khoảng ba mươi, bốn mươi đến năm mươi tuổi đã chết. Những người sống được đến bảy mươi, tám mươi tuổi là cực kỳ hiếm có.

Ngược lại thật không bằng các nông dân miền quê, chúng ta vẫn thường nghe nói họ sống đến tám mươi, chín mươi hoặc hơn trăm tuổi. Quý vị hãy nhìn lại xem họ ăn uống thế nào, chỉ là trà thô cơm nhạt, nhưng vì sao họ được khỏe mạnh? Vì sao họ được sống lâu? Có thể thấy rằng, được sống lâu khỏe mạnh không phải nhờ tẩm bổ, cũng không thể dùng thuốc men trị liệu mà được. Các lão nông nhờ đâu được khỏe mạnh? Nhờ tâm họ thanh tịnh, thành khẩn, từ bi.

Thấu hiểu được ý nghĩa này thì trong cuộc sống mọi việc đều tùy duyên là tốt. Hơn nữa, việc ăn uống hằng ngày càng ít càng tốt. Tâm thanh tịnh, giữ lòng trong sạch, ít ham muốn thì tự nhiên sẽ được khỏe mạnh sống lâu. Trong sách trích dẫn một đoạn kinh Di Giáo do chính đức Phật nói ra. Phật dạy: “Đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa.” (Người nhiều tham dục, do mong cầu nhiều nên khổ não cũng nhiều.)

Lời dạy này của đức Phật không có gì khó hiểu. Người nhiều tham dục thì lòng tham muốn nặng nề, những gì chưa có được thì mong muốn có được, những gì có được rồi thì lo sợ mất đi, trong lòng chất chứa quá nặng nề, phiền não quá nhiều, lo được lo mất. Người như vậy vì sao chết sớm? Nguyên nhân chính là ở chỗ này. Ngạn ngữ có câu: “Ưu năng sử nhân lão.” (Buồn lo sẽ mau già.) Câu này là kinh nghiệm thực tế của người xưa nói ra. Người nhiều lo âu, buồn bực, trong lòng ôm ấp quá nhiều chuyện, rất dễ suy yếu, mau già, nhiều bệnh, tuổi thọ tự nhiên không thể kéo dài.

Từ nơi sự thật này, ý nghĩa này mà quan sát, chúng ta sẽ hiểu được rằng Nho giáo, Đạo giáo cũng như Phật giáo đều thông tuệ sáng suốt, hiểu rõ được phép dưỡng sinh, đều nỗ lực hết sức buông bỏ những ưu tư, sầu não, đạt đến thân tâm tự tại.

Giáo hóa chúng sinh là sự nghiệp của người tu hành. Khi thực hiện sự nghiệp ấy phải thực sự nỗ lực hết sức nhưng nhất định không có sự mong cầu. Vì sao vậy? Có mong cầu liền có phiền não. Không mong cầu thì không phiền não, nhiều mong cầu sẽ nhiều phiền não. Khi dạy dỗ, đào tạo đệ tử, đối với những đệ tử ấy nhất định không đặt hy vọng. Vì sao vậy? Có hy vọng thì có thất vọng. Nhìn thấy đệ tử có thành tựu, căn lành, phúc đức nhân duyên tốt đẹp thì chúng ta vui mừng. Nhìn thấy đệ tử không thể y theo lời dạy vâng làm, không thể tiếp nhận những lời răn dạy, vẫn cứ tạo tác tội nghiệp, ta cũng chỉ có thể chấp nhận như vậy, là do tập khí phiền não của họ quá nặng. Cho nên, trong lòng không để lại một chút tỳ vết vướng bận nào, đó mới thật là đạo dưỡng sinh chân chính.

Chúng ta làm mọi việc đều vì xã hội; vì chúng sinh mà làm việc tốt đẹp. Có duyên thì làm, đó là chúng sinh có phúc, chúng ta nên làm, cố gắng làm nhiều một chút. Nếu không có duyên, chúng sinh không có phúc, ta quay về với [cuộc sống] thanh nhàn tự tại, nhất định không chạy đuổi theo duyên, [không khởi lên ý niệm] “ta nhất định phải làm thế này, thế này...”, [vì như vậy là] quý vị có ưu phiền khổ não, có dục vọng mong muốn.

Chúng ta xem Kinh điển đều thấy, Chư Phật, Bồ Tát ở trong mười pháp giới, tùy loại hóa thân, tùy căn cơ chúng sinh thuyết pháp. Bản thân các ngài có muốn đến nơi nào đó giáo hóa chúng sinh hay không? Không hề có. Nếu có mong muốn như vậy thì đó là phàm phu, chẳng phải thánh nhân. Vậy các ngài đến [thế gian] như thế nào? Vì chúng sinh có sự chiêu cảm, các ngài liền ứng hiện. Theo cách nói của chúng ta ngày nay là nhận lời mời thỉnh, yêu cầu. Ứng hiện như vậy là thụ động, không phải [các ngài] chủ động. Chúng sinh có sự chiêu cảm, có sự mong cầu, các ngài liền hiện đến. Nếu chúng sinh không có những ý niệm [mong cầu, chiêu cảm], các ngài không đến. Các ngài đến làm gì? Các ngài đến không phải để tìm sự phiền phức.

Cho nên chư Phật, Bồ Tát, cũng như [các bậc thánh nhân] Nho giáo, Đạo giáo [ra công] dạy dỗ, hoặc nói là vì xã hội phục vụ, vì chúng sinh phục vụ, hết thảy đều là bị động, nhất định không có sự chủ động, [không có ý tưởng] “ta phải làm thế này, thế này... Ta phải tạo cơ hội thế này, thế này”..., [các ngài] làm gì nhiều chuyện đến thế? Cách làm như vậy, những ý niệm như vậy, đều là trái nghịch với phép tắc tự nhiên. Phép tắc của tự nhiên chính là tính đức của tự tánh. Nho giáo, Phật giáo cũng như Đạo giáo đều [chủ trương] tâm địa thanh tịnh vô vi, không làm gì cả. Không làm gì cả mà không có gì không làm. Đó là sự cảm ứng.

Tôi đến Hương Cảng (Hong Kong) vì mọi người giảng kinh, không phải do tôi muốn đến, mà do quý vị muốn nghe kinh nên tìm tôi đến. Quý vị đã muốn nghe kinh, nếu tôi không đến thì có lỗi với quý vị. Nếu quý vị không tìm cầu, tôi tuyệt đối không đến. Năm xưa có bà Lôi [ở Hương Cảng], mỗi năm đều thỉnh mời tôi. Vì thế, mỗi năm tôi đều đến giảng kinh trong một tháng. Bà Lôi qua đời rồi, không còn ai mời tôi sang nữa. Cho nên, khá nhiều năm [sau đó] tôi không đến Hương Cảng. Khi Hương Cảng được [Anh quốc] trao trả [chủ quyền về Trung quốc], tôi có đến thăm. Ngày trước giảng kinh ở đây hơn mười năm, cũng có một chút tình cảm, nên khi Hương Cảng được trao trả, tôi liền đến thăm một lần. Khi ấy, gặp một số các vị đồng tu cũ, những thính chúng ngày trước, họ nói: “Đã bảy năm rồi thầy không đến đây.” Tôi nói: “Đâu có lâu đến thế?” Nhẩm tính lại, quả đúng là bảy năm. Tôi nói: “Không phải tôi không đến, chỉ là quý vị không tìm tôi. Quý vị không tìm tôi, tôi làm sao đến?” Thế là, một số vị đồng học lại đến thỉnh mời tôi.

Quý vị tìm thỉnh tôi, đó là cảm; tôi [nhận lời] đến là ứng. Chúng ta học tập theo đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vĩnh viễn là thụ động, vĩnh viễn không chủ động. Chủ động thì có phiền não, chủ động thì tâm không thanh tịnh. Hoàn toàn là thụ động thôi. Đức Phật dạy chúng ta tùy duyên nhưng không chạy đuổi theo duyên. Tùy duyên là thụ động. Chạy đuổi theo duyên là chủ động. Cho nên câu này ý nghĩa hết sức sâu rộng.

Đức Phật cũng dạy: “Người ít tham dục, không mong cầu, không tham muốn, ắt không có những mối lo [được mất].” Đó là Phật dạy chúng ta phải làm sao trong một đời này được sống thật tự tại, sống thật hạnh phúc. Tục ngữ nói rất hay: “Lý đắc tâm an.” (Thông đạt lý lẽ thì tâm an ổn.) Ý nghĩa được nhận hiểu rõ ràng sáng tỏ thì tâm tự nhiên an ổn. Nhận hiểu ý nghĩa rõ ràng rồi thì tham muốn không còn nữa, dục vọng không còn nữa.

Cho nên, khi cùng chung sống với hết thảy chúng sinh, họ cần điều gì thì ta đều đem hết khả năng cung cấp cho họ. Họ cần danh tiếng thì cho danh tiếng, cần lợi dưỡng thì cho lợi dưỡng, cần tiền bạc thì cho tiền bạc, cùng tất cả chúng sinh kết duyên hoan hỷ. Những gì [người tu hành] chúng ta cần, chúng sinh không cần; những gì họ cần, chúng ta không cần. Họ cần danh tiếng, lợi dưỡng, năm món dục trong sáu trần cảnh, những thứ như vậy chúng ta không cần. Chúng ta cần tâm ý thanh tịnh, tâm thanh tịnh này chúng sinh [si mê] không cần đến. Cho nên, chúng ta chung sống với hết thảy người đời [si mê] không có xung đột, mâu thuẫn.

Người đời vì sao không thể chung sống tốt với nhau? Vì có xung đột vấn đề lợi hại, bên này bên kia cạnh tranh lẫn nhau, cho nên không thể cùng nhau sống chung. [Người tu hành] chúng ta có thể cùng với hết thảy chúng sinh sống chung rất tốt. Như quý vị đã thấy, chúng ta hiện nay sống chung rất tốt với nhiều người khác chủng tộc, khác tôn giáo, vẫn cùng nhau sống chung rất tốt. Nguyên nhân ở đâu? Họ cần đến điều gì chúng ta đều cung cấp. Họ không cần cái chúng ta cần, cho nên nhất định không có sự xung đột lợi hại. Như vậy chúng ta mới có thể cùng họ chung sống tốt.

Ta giúp đỡ mọi người, đó là ta tiếp nhận lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, của các bậc hiền thánh xưa. Đó là chỗ lợi ích chân thật đạt được trong một đời. Chúng ta cống hiến cho mọi người, chia sẻ với mọi người một phần lợi ích đó. Nếu như quý vị giác ngộ nhận hiểu, quý vị nhất định cũng có thể “cho ra nhiều, giữ lại ít”. Nhu cầu thực sự cần thiết cho đời sống của chúng ta hết sức giới hạn, chẳng đáng là bao, rất dễ dàng thỏa mãn đầy đủ.

Thời gian tôi còn cầu học, vào khoảng hơn ba mươi tuổi, chừng ba mươi hai, ba mươi ba, cùng sống với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Lý lão sư mỗi ngày chỉ ăn một lần, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Tôi bắt đầu học Phật năm hai mươi sáu tuổi. Ngay trong năm ấy, nửa cuối năm tôi bỏ không ăn bữa tối, nhà Phật gọi là “trì trai”. Tôi sống như vậy không ít năm. Khi đến Đài Trung sống với Lý lão sư, thầy chỉ ăn một bữa, tôi nghĩ điều này cũng không khó, liền bỏ luôn bữa ăn sáng, mỗi ngày chỉ còn ăn một bữa. Tôi ăn như vậy đến tám tháng mới nói cho thầy biết. Thầy hỏi: “Ông thấy thể lực thế nào?” Tôi đáp: “Thể lực hết sức bình thường, không thấy có gì không thoải mái.” Thầy vỗ tay lên mặt bàn, bảo tôi: “Cứ như vậy luôn đi, trọn đời không cầu người khác.”

Đời sống [đơn giản] như vậy thật dễ dàng. Người nhiều ham muốn ắt phải cầu cạnh người khác [để đáp ứng], người ít ham muốn chẳng phải cầu cạnh ai. Người xưa nói rất hay: “Con người đạt đến chỗ không mong cầu thì phẩm giá tự nhiên cao quý.” Cho nên, từ lúc đó tôi chỉ ăn ngày một bữa. Ăn như vậy được 5 năm. Sau tôi đến Đài Bắc giảng kinh, nữ cư sĩ Hàn Anh thỉnh tôi về nhà bà. Bà thấy tôi ăn mỗi ngày một bữa liền nói: “Pháp sư! Thế này không được. Thầy ăn như thế này tương lai thân thể suy yếu, có vấn đề gì cả nhà chúng tôi không gánh nổi [trách nhiệm]. Nếu như thầy nhận lời ở Đài Bắc này hoằng pháp, nhất định thầy phải ăn ngày ba bữa.”

Tôi suy nghĩ, việc hoằng pháp là quan trọng thiết yếu, phải tùy duyên thôi. Tôi liền đem một bữa chia ra thành ba bữa. Thuở ấy tôi còn ít tuổi, mỗi bữa bình thường ăn ba chén cơm. Cho nên, khi ăn ngày ba bữa thì tôi chia ra mỗi bữa ăn một chén.

Tôi ở nhà nữ cư sĩ Hàn được ba mươi năm, nhờ bà chăm sóc. Hiện nay bà đã vãng sinh rồi, không còn ai hạn chế tôi nữa. Cho nên tôi muốn trở lại ăn ngày một bữa, bớt việc. Như vậy bớt đi rất nhiều phiền toái.

Cho nên, nhu cầu trong đời sống càng ít, chúng ta cống hiến cho người khác càng được nhiều hơn. Đó là việc tốt. Đối với bản thân nhất định được lợi ích, đối với người khác cũng có lợi ích. Như vậy là lợi mình, lợi người.

Nhất định phải biết khiêm nhường. [Trong một bài] trước tôi đã từng giảng qua với mọi người. Người với người giao tiếp, phải biết lễ nhượng, nhẫn nhượng. Người ở địa vị lãnh đạo phải biết khiêm nhường, khiêm tốn, mọi việc đều nhường người khác. Chúng ta giao thiệp qua lại với hết thảy chúng sinh, không có sự xung đột lợi hại, trong sự giao thiệp sẽ không có bất kỳ mâu thuẫn nào, cũng không có bất kỳ sự hiểu lầm nào, lại có thể thực sự đạt đến sự tôn trọng lẫn nhau, thương yêu cung kính, hỗ trợ hợp tác với nhau. [Như vậy thì] đối với sự an định của xã hội, hòa bình của thế giới, phúc lành của hết thảy chúng sinh, tất cả đều sẽ tự nhiên được thành tựu trọn vẹn đầy đủ.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Người chết đi về đâu


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Về mái chùa xưa


Những tâm tình cô đơn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.239.181 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...