Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 »» Bài giảng thứ 86 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1
»» Bài giảng thứ 86

Donate

(Lượt xem: 1.540)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 - Bài giảng thứ 86

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 22 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 87, số hồ sơ: 19-012-0087)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Trước đây đã giới thiệu xong phần quả báo hiền thiện trong Cảm ứng thiên. Kể từ đoạn thứ 37 trở về sau là một đoạn văn rất dài giảng về quả báo xấu ác. Mở đầu là hai câu cho chúng ta biết nguồn gốc khởi sinh những quả báo xấu ác: “Cẩu hoặc phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành.” (Nếu như nghĩ điều phi nghĩa, làm việc trái lẽ.)

Hai câu này ý nghĩa rất sâu sắc, người thời nay thường xem thường bỏ qua, bởi tâm ý thô tháo nên lơ là xem nhẹ. Văn chương của người xưa thường hết sức hàm súc, nhưng trong Cảm ứng thiên những lời văn hàm súc như vậy rất ít, đa phần đều hết sức rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, hai câu này lại thuộc loại hàm súc, nghĩa lý hết sức sâu xa.

Thế nào là nghĩa, thế nào là lý? Hai chữ này không chỉ là đối với người học Phật, mà hết thảy người thế gian đều phải tuân theo. Nếu như không có hai chữ nghĩa lý này, thế gian nhất định sẽ hỗn loạn. Những người viết sử ở Trung quốc vào thời cổ đại, thường dùng hai chữ nghĩa lý này làm tiêu chuẩn thẩm định. Phù hợp với nghĩa lý thì gọi là thời an trị, đó là thiên hạ được trị vì yên ổn, cũng có nghĩa là việc trị nước rất tốt đẹp, xã hội bình an ổn định, phồn vinh, đời sống nhân dân được an vui hạnh phúc. Nếu là thời loạn lạc, xã hội không an định, rối loạn không trật tự, đời sống người dân hết sức khốn khổ, đó là khi chẳng còn ai trong xã hội tuân theo nghĩa lý.

Chúng ta ngày nay nhìn vào xã hội có vẻ như hết sức phồn vinh, khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống vật chất của con người được rất nhiều phương tiện thuận lợi. Thế nhưng nghĩa lý đích thực đã không còn nữa. Cho nên trong xã hội ngày nay chúng ta thấy rất rõ ràng, người giàu có không được vui vẻ, đời sống vật chất hết sức tốt đẹp mà tinh thần hết sức khốn khổ, trong lòng bất an. Vì thế, quý vị cần phải hiểu rằng, hạnh phúc chân thật là “tâm an lý đắc” (hiểu rõ lý lẽ thì tâm an ổn).

Tâm nhờ đâu được an? Vì đạt được nghĩa lý, tức là thấu hiểu rõ ràng, sáng tỏ, khởi tâm động niệm, hết thảy mọi việc làm, hành động, cũng tức là mọi sinh hoạt trong đời sống, trong công việc, trong đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, hết thảy đều phù hợp với nghĩa lý. Như vậy thì thân tâm đều được an ổn, đó mới thực sự là hạnh phúc mỹ mãn.

Nếu như không thấu hiểu được nghĩa lý thì đời sống của chúng ta nhất định sẽ tùy thuận phiền não, tùy thuận tập khí. Những tập khí này đều là tập khí xấu xa gây hại. Tôi vẫn thường nói hết sức nôm na dễ hiểu rằng đây là những tập khí tự tư tự lợi, tập khí tham lam mưu cầu danh lợi, tập khí tạo tác mười nghiệp ác. Những tập khí này mỗi ngày đều phát triển tăng thêm, không hề thấy giảm nhẹ đi.

Cho nên, trong thế kỷ 20 có rất nhiều người nói rằng đạo đức đã mất hết, đạo đức không tồn tại nữa. Nói đúng ra, đạo đức so với nghĩa lý cao hơn một bậc. Vấn đề này đúc kết lại ở đâu? Đúc kết lại vẫn là vấn đề thuộc về giáo dục. Thời đại này không có người dạy [đạo đức] nữa. Vì sao không có người dạy? Vì không có ai chịu học.

Nguyên nhân trong việc này hết sức phức tạp. Trung quốc vào thời cổ xưa, tuy nói là một đất nước nghèo yếu [hơn so với bây giờ], nhưng người dân ai ai cũng được an cư lạc nghiệp. Chúng ta quan sát kỹ trong lịch sử từ xưa đến nay, so sánh khắp mọi nơi, có thể nói một câu công bình là người dân Trung quốc [ngày xưa] hết sức lương thiện. Nhân tố tạo thành sự lương thiện này chính là sự giáo hóa qua nhiều ngàn năm của các bậc thánh hiền, thật là hết sức không dễ dàng. Thế nhưng cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, súng dài pháo lớn từ nước ngoài đổ vào đã phá tan đi nền văn hóa cổ xưa của Trung quốc. Từ đó, những người trẻ tuổi mê muội chạy theo văn minh vật chất phương Tây, phủ nhận hết toàn bộ nền văn minh tinh thần của Trung quốc, cho nên mới tạo thành kiếp nạn của ngày hôm nay.

Chúng ta nhớ đến nỗi ưu tư của Khổng tử, ngày nay ta đã thực sự nhìn thấy. Nỗi ưu tư của Khổng tử là: “Học mà không dạy, có lỗi mà không sửa.” Hai câu này của ngài quả là lời vàng ngọc. Dạy ở đây là dạy cái học của thánh hiền. Có lỗi phải lập tức sửa đổi, đó là hành động phù hợp với nghĩa lý. Học mà không dạy [cho người khác] thì ai hiểu rõ được nghĩa, ai thấu triệt được lý? [Như vậy thì] có lỗi chẳng những không thể sửa, mà còn xem điều lỗi ấy là việc thiện, là việc tốt đẹp nên làm, chẳng phải nguy hiểm lắm sao?

Cho nên, câu tiếp theo [trong Cảm ứng thiên] nói rằng: “Dĩ ác vi năng, nhẫn tác tàn hại.” (Lấy việc làm ác cho là tài năng, nhẫn tâm gây tàn hại.) Đây chính là những gì hiện nay chúng ta đang nhìn thấy trong xã hội này. Ngày nay, nếu mang đạo thánh hiền ra nói, người đời thấy được, nghe được sẽ sỉ nhục quý vị, sẽ bảo là quý vị lạc hậu rồi, quý vị không hợp thời. Họ hoàn toàn không có khả năng tiếp nhận. Cho nên, [người đời] đua nhau tạo ác nghiệp, trong lòng chỉ toàn tự tư tự lợi, tham lam, sân hận, si mê ngày một tăng trưởng, trong cuộc sống có thể nói là không việc ác nào không làm. Như thế cho nên mới chiêu cảm kiếp nạn hiện nay cùng thiên tai, nhân họa.

Tai họa do con người tạo ra, chúng ta hiện nay đều biết, chiến tranh vũ khí nguyên tử, chiến tranh hạt nhân, so với trong quá khứ thật hoàn toàn khác nhau. Kiểu chiến tranh hạt nhân này, theo trong kinh Phật nói thì đó là tiểu tam tai. Tiểu tam tai có khả năng đến trước rồi.

Những lời tiên tri thời cổ của phương Tây hiện nay lưu hành rất nhiều, quý vị hết sức dễ dàng tìm thấy. Tất cả đều nói rằng năm 2000 tới đây, thế kỷ này vừa hết sẽ là ngày tận thế. Hôm kia, Hiệp hội Hồi giáo mời tôi đến diễn giảng. Họ nêu vấn đề hỏi tôi: “Trong kinh Phật có nói đến ngày tận thế vào năm 2.000 này hay không?” Tôi trả lời họ rằng, tận thế là những lời [tiên tri] của phương Tây, của Cơ đốc giáo, của Thiên chúa giáo nói ra, trong Phật pháp hoàn toàn không nói như vậy. Trong Phật pháp chỉ nói đến việc có tai nạn, không nói ngày tận thế, nhân vì pháp vận của Phật vẫn còn đến chín ngàn năm. Pháp vận của đức Phật Thích-ca Mâu-ni kéo dài mười hai ngàn năm, giờ mới qua ba ngàn năm, vẫn còn lại chín ngàn năm. Nhưng vấn đề tai nạn thì chúng tôi cho là có khả năng có. Vì sao? Chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa cảm ứng, gieo nhân lành gặt quả lành, gieo nhân ác phải chịu quả báo xấu ác. Nguyên nhân chiêu cảm thiên tai, nhân họa đều là ở chỗ này.

Cho nên, học rồi thì phải giảng dạy [cho người khác], chúng ta ở đây phải nỗ lực đề xướng việc này. Hiện tại nơi đây, đồng học chúng ta có được mười mấy vị pháp sư trẻ tuổi, tôi khuyên bảo, khuyến khích họ, trong gia đình các vị đồng tu có người nào vui vẻ chịu nghe đạo lý thánh hiền thì mỗi tuần nên đến nhà cư sĩ ấy giảng giải một lần, giảng trong một giờ hoặc một giờ rưỡi. Tôi nghĩ rằng giảng trong một giờ là thích hợp, vì người đời hiện nay tâm nhẫn nại không bằng ngày trước, giảng kéo dài người ta không thích nghe. Chỉ giảng một giờ thôi, còn nửa giờ thảo luận. Nghe giảng xong thì nêu ra vấn đề, rồi giải đáp, rồi thảo luận, mỗi tuần làm một lần như vậy.

Phương thức này trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung đã thực hiện trong rất nhiều năm. Khi tôi mới vừa đến Đài Trung cầu học, gần như mỗi buổi chiều đều đến nhà cư sĩ để nghe giảng kinh. Ban đầu Lão sư tự mình đi giảng. Thầy không hề nghỉ ngơi, ngày thứ Hai giảng ở nhà cư sĩ họ Trương, sang thứ Ba giảng ở nhà cư sĩ họ Lý, đến thứ Tư lại giảng ở nhà cư sĩ họ Vương... cứ luân chuyển mà giảng ở nhiều nơi như vậy. Người đến nghe được khoảng mười mấy người, là người trong gia đình ấy cùng với bạn bè, láng giềng, chừng khoảng mười mấy hai mươi người. Mỗi ngày đều giảng, không hề dừng nghỉ.

Về sau thầy đào tạo một số học sinh giảng kinh chúng tôi. Thầy mở ra một lớp trong hai năm, đào tạo được khoảng hơn hai mươi người. Đào tạo thành công được hơn hai mươi người này rồi, phân chia đi giảng ở rất nhiều nhà cư sĩ, cũng theo phương thức luân phiên giảng. Cho nên, tôi nói với các bạn đồng học rằng, quý vị học một bộ kinh, ít nhất phải giảng giải bộ kinh ấy được mười lần. Giảng mười lần là theo phương thức nào? Mỗi tuần quý vị giảng bảy lần, đều là đến nhà cư sĩ giảng. Thứ Hai giảng tại một nhà, thứ Ba sang nhà khác... đến mỗi nhà đều giảng lại cùng một nội dung đó. Quý vị xem, như vậy [trong một tuần] quý vị giảng đoạn kinh văn đó được bảy lần, đến tuần thứ hai lại giảng đến đoạn kinh tiếp theo. Không thể nói là học xong một bộ kinh rồi mới mang ra giảng lại. Không phải vậy. Học đến đâu, giảng đến đó. Tuần này giảng giải một đoạn kinh, còn đoạn tiếp theo thì sao? Đoạn tiếp theo còn chưa học đến. Cách học thành tựu của chúng tôi là như vậy. Cho nên, học đến điều gì cũng hết sức tinh tường, hết sức nhuần nhuyễn, đích thực phù hợp với lời dạy của Khổng tử: Học rồi cần phải giảng dạy.

Việc học không thể không giảng dạy. Điều này có nghĩa là quý vị học một câu cần phải giảng dạy một câu, học một đoạn phải mang ra giảng dạy [cho người khác] một đoạn, mỗi ngày đều phải giảng dạy. Việc giảng dạy, khuyên bảo người khác cũng là khuyên bảo chính mình, hỗ trợ chính mình sửa lỗi hoàn thiện, ý nghĩa là ở chỗ này. Nếu như việc giảng giải [Kinh điển] thịnh hành ở nơi nào, nơi ấy nhất định được bình an, ổn định, người ở địa phương ấy nhất định hiểu rõ được nghĩa lý, nhất định có trí tuệ.

Người nào có thể hiểu rõ được nghĩa lý, có trí tuệ thì cuộc sống nhất định hết sức hạnh phúc. Bất kể là đời sống hiện tại giàu có hay nghèo túng, người ấy đều có thể sống ung dung tự tại, đều có thể hoan hỷ vui sống. Con người giàu sang phú quý hay nghèo hèn thiếu thốn đều là do đã tạo nhân khác nhau trong quá khứ. Cho nên, hiểu rõ được ý nghĩa này thì người giàu sang an ổn trong giàu sang, mà người nghèo khó cũng an ổn trong nghèo khó, xã hội như thế không thể rối loạn.

Ngày nay có nhiều người không hiểu biết, cho rằng sự hỗn loạn trong xã hội này là do khoảng cách khác biệt giàu nghèo tạo ra. Những người này chỉ nhìn thấy được hình thức bên ngoài của hiện tượng, họ không thấy được nguồn gốc của hiện tượng đó. Sự khác biệt giàu nghèo trong xã hội này là sự thật. Có thể nào làm cho quân bình như nhau hay không? Không thể nào. Vì sao vậy? Vì mỗi người tạo nhân, gieo nhân không giống nhau. Trồng dưa được dưa, trồng đậu hái đậu, làm sao có thể khiến cho dưa đậu trộn lẫn thành một loại giống nhau? Không thể được.

Người xưa vì sao có thể cai trị xã hội một cách hết sức tốt đẹp? Phải đem ý nghĩa [nhân quả] giảng giải thật rõ ràng, sáng tỏ. Người nghèo khổ hiểu rõ ý nghĩa này rồi, biết được rằng trong quá khứ mình đã không gieo nhân lành, nên hiện tại phải chấp nhận đời sống như thế này. Đã biết là phải chấp nhận thì họ sẽ vui vẻ chấp nhận, sẽ không gây rối loạn. Người giàu có cuộc sống dư thừa [khi hiểu được ý nghĩa nhân quả] cũng sẽ thường xuyên bố thí, cứu giúp những người nghèo khổ.

Ngày trước xã hội được bình an ổn định đều là nhờ [sự hiểu biết] ý nghĩa nhân quả. Người giàu sang biết rõ vì sao mình được giàu sang, là nhờ trong đời quá khứ làm việc bố thí nên nay được hưởng phước báo. Hiện tại đã được hưởng phước báo lại càng phải bố thí nhiều hơn, mong rằng đời sau được hưởng phước báo lớn hơn, nhiều hơn. Họ hiểu rõ ý nghĩa này nên vui thích làm việc bố thí. Người nghèo khổ cũng vui thích làm việc tu phúc. Tu phúc thì không tạo nghiệp ác, không làm những việc hại người lợi mình. Làm việc hại người lợi mình không phải là tu phúc.

Người người đều có tâm hiền thiện, ý hiền thiện, công hạnh hiền thiện, xã hội như vậy sao có thể không tốt đẹp? Đương nhiên sẽ hài hòa tốt đẹp. Nếu chúng ta nói về chủng tộc khác nhau, cũng có thể nói như vậy. Người giàu sang là một chủng tộc, người nghèo khổ cũng là một chủng tộc, hai chủng tộc này có thể vui vẻ sống chung hòa thuận, có thể hỗ trợ hợp tác cùng nhau, không khởi sinh mâu thuẫn, không nảy sinh xung đột, vấn đề xã hội đã được giải quyết.

Mọi người đều biết, tôn chỉ giáo dục của Phật pháp, các bậc tổ sư, đại đức vẫn thường nói là: “Phá mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc.” (Phá trừ si mê mở ra giác ngộ, lìa khổ được vui.) Nói được vui là được vui ngay trong hiện tại, không phải nói đời sau, kiếp sau mới được vui. Kiếp sau chúng ta còn chưa thấy được, phải được vui ngay trong hiện tại này.

Thời xưa ở Trung quốc đại lục, những người ăn mày, phải đi xin cơm ăn, nghe được Phật pháp cũng hoan hỷ vui mừng vô cùng. Vì sao họ vui mừng? Vì thấu hiểu rõ ràng được lý nhân quả. Tuy là người ăn mày, nhưng đối với những tài vật phi nghĩa họ cũng không nhận lấy, không cần đến. Họ giữ tròn bổn phận của mình. Quý vị nói xem, đây quả thật là điều khó làm, đáng quý, đáng cho mọi người tôn kính. Xã hội tôn xưng [những người ăn mày ấy] là “nghĩa cái”, tức là ăn mày có đạo nghĩa.

Vào thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế, ngài [và Tăng đoàn] sinh sống hằng ngày bằng cách đi khất thực, tức là ôm bình bát đi đến từng nhà. [Thật là một phương thức] thực sự có trí tuệ, có đạo đức, có học vấn. Ngài chọn phương thức này để dạy cho chúng ta một bài học rất lớn. Ngài dạy chúng ta điều gì? Một khi không tranh giành với người, không mong cầu gì ở đời, thì cuộc sống của quý vị hết sức ung dung tự tại. Người như vậy thì tâm được thanh tịnh biết bao, hoan hỷ biết bao, hoàn toàn không ưu tư, không phiền não, không trói buộc, cuộc sống hết sức đơn giản, càng đơn giản lại càng khỏe mạnh.

Về sự trụ thế của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, trong thực tế ngài có thể trụ thế lâu dài, chỉ tiếc là không có người khải thỉnh, thỉnh cầu ngài trụ thế lâu hơn. Người đời có sự sơ sót thì Ma vương được thuận lợi. Ma vương Ba-tuần đến gặp Phật, yêu cầu Phật nhanh chóng nhập diệt, đừng ở lâu nơi thế gian này. Ma yêu cầu như vậy thì đức Phật gật đầu chấp thuận, đáp ứng yêu cầu của ma. Đức Phật nhập Niết-bàn như thế.

Sự việc này cho chúng ta một bài học. Chúng ta vì sao không thỉnh Phật trụ thế? Trong mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền cũng dạy chúng ta: “[Lục giả] thỉnh chuyển pháp luân, [thất giả] thỉnh Phật trụ thế.” (Nguyện thứ sáu thỉnh chuyển pháp luân, nguyện thứ bảy thỉnh Phật trụ thế.) Chúng ta [là đệ tử Phật] mỗi ngày không thỉnh Phật, nên ma đến thỉnh, đó là lỗi lầm của chúng ta. Đức Phật đã cho chúng ta một lời cảnh tỉnh, trong đó có hai việc. Thứ nhất là phải thân cận, gần gũi thiện tri thức. Cơ duyên [được gần gũi thiện tri thức] là ít có, khó gặp, nhất định phải gấp rút nắm chắc lấy, phải tận dụng. Thứ hai là phải thỉnh Phật trụ thế, phải thỉnh [Phật] chuyển pháp luân.

Trong thực tế, mười đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền thì hai điều nguyện này là chủ yếu, là quan trọng thiết yếu nhất. Thỉnh chuyển pháp luân là [thỉnh người] giảng dạy. Bốn nguyện trước đó đều là sửa lỗi, bao gồm lễ kính chư Phật, xưng tán Như lai, rộng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng. Đó đều là sửa lỗi. Người có thể sửa lỗi thì có thể “thường tùy Phật học” (thường học theo Phật). Muốn thường học theo Phật thì phải có Phật trụ thế mới được. Phật không trụ thế, chúng ta học theo với ai? Cho nên mới có hai đại nguyện: “thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế”.

Chư Phật, Bồ Tát đích thực là như thế, chúng ta đọc trong Kinh điển Đại thừa thấy được rất nhiều. Chúng ta phải đặt lòng tin sâu vững, không thể hoài nghi. Chúng sinh có cảm thì chư Phật, Bồ Tát liền có ứng. Cảm ứng giao hòa trong đạo thể, mảy may không sai lệch. Chúng ta có lòng mong muốn học Phật pháp, chư Phật, Bồ Tát liền ứng hóa thị hiện đến nơi này. Nếu không có tâm nguyện mong muốn ấy thì chư Phật, Bồ Tát không hóa hiện đến. Các ngài đến như vậy không có ý nghĩa, không có tác dụng gì.

Cho nên, chư Phật, Bồ Tát trụ thế hay không, có hóa hiện đến giáo hóa hay không, vấn đề là ở phía chúng ta có chịu học Phật hay không? Có thật học hay không? Nếu là chịu học, là thật học thì chư Phật, Bồ Tát mới hóa hiện đến. Chỉ học hình thức bên ngoài, trong lòng không học theo thì chư Phật, Bồ Tát không đến, phải thực sự nỗ lực học tập mới được.

Vì thế, phải nhận hiểu rõ ràng nghĩa lý. Thuận theo nghĩa lý nhất định được quả báo tốt lành. Trái nghịch với nghĩa lý thì đó là đại ác. Cho nên lấy hai câu: “phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành” (nghĩ điều phi nghĩa, làm việc trái lẽ) này làm cương lĩnh chung [để xác định điều xấu ác] là rất có ý nghĩa.

Những sự việc nào trái với nghĩa lý? Tiếp theo sẽ nêu ra từng điều để nói rõ với chúng ta. Trong thực tế cũng không thể nêu ra hết được, chỉ là một số điều tiêu biểu, hy vọng chúng ta từ những điều tiêu biểu này mà có thể lĩnh hội, giác ngộ. Chúng ta hiện nay đối đãi với người, ứng đối với sự vật, sự việc, từ cách nghĩ, cách nhìn, cách làm, hết thảy đều là ác, chẳng phải thiện. Chỉ khi hiểu được rõ ràng, sáng tỏ như vậy chúng ta mới có thể quay đầu, dứt ác hướng thiện, không chỉ là có thể tự cứu lấy mình mà cũng có thể cứu vãn xã hội, cũng có thể hỗ trợ giúp đỡ chúng sinh, đó là đại thiện.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chắp tay lạy người


Gió Bấc


Kinh Phổ Môn


Kinh Duy-ma-cật (Việt dịch)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.112.217 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...