(Giảng ngày 18 tháng 8 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 83, số hồ sơ: 19-012-0083) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem tiếp đoạn thứ 35 và 36 trong Cảm ứng thiên.
Đoạn thứ 35: “Sở tác tất thành, thần tiên khả ký.” (Việc làm ắt thành tựu, có thể thành thần tiên.)
Đoạn thứ 36: “Dục cầu thiên tiên giả, đương lập nhất thiên tam bách thiện. Dục cầu địa tiên giả, đương lập tam bách thiện.” (Nếu muốn thành thiên tiên, phải làm một ngàn ba trăm điều thiện. Nếu muốn thành địa tiên, phải làm ba trăm điều thiện.)
Bản văn cho đến chỗ này là giảng xong về quả báo hiền thiện. Tiếp theo bên dưới sẽ giảng về quả báo xấu ác, trong chương thứ tư. Ngày trước [khi giảng Cảm ứng thiên] tôi có ghi ra một bảng phân đoạn, gọi tên đoạn này là “thành sở tác”, thành tựu những việc mình làm. “Việc làm ắt thành tựu” là một câu khẳng định mạnh mẽ, nói rõ với chúng ta rằng nhân lành phải được quả lành. Phạm vi ý nghĩa câu này hết sức rộng lớn.
Phần tiểu chú của câu này nói rằng: “Ở đời không việc gì không thể thành tựu. Người trong thiên hạ đều có khả năng làm được.” Hai câu này nói rất hay, người người đều có thể làm việc thiện, người người đều có thể thành tựu sự nghiệp kỳ vọng của mình. Đó gọi là “hữu nguyện tất thành” (có nguyện ắt sẽ thành tựu). Đây là điều mà các bậc thánh hiền xưa, chư Phật, Bồ Tát đều thuyết dạy.
Thế nhưng trong kinh nghiệm đời này của chúng ta, có vẻ như làm một điều gì tốt đẹp thì lại gặp rất nhiều khốn khó. Đó gọi là “việc tốt nhiều chướng ngại”. Điều này là sự thật. Hai cách nói trên liệu có mâu thuẫn nhau hay chăng? Cách nói nào là chính xác? Chúng ta phải thận trọng tham cứu tường tận. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là phải nghiên cứu thật kỹ.
Làm việc tốt gặp nhiều khó khăn chướng ngại là sự thật. Khó khăn chướng ngại từ đâu đến cần phải biết rõ. Khó khăn chướng ngại nếu không thể khắc phục vượt qua thì việc tốt cũng không thể thành tựu, nhất là trong xã hội hiện đại này, vì sao vậy? Vì khi quý vị làm một điều tốt đẹp, nhất định sẽ phương hại đến những người đang được hưởng lợi ích nào đó. Những người này nhất định sẽ cố gây chướng ngại. Chúng ta thường cho là ganh ghét, chướng ngại. Điều này có ý nghĩa rất sâu rộng.
Thế nhưng lời dạy của thánh nhân “Gieo nhân lành được quả lành, việc làm hiền thiện nhất định có sự thành tựu”, điều này cũng chính xác. Vấn đề là sự phát tâm của quý vị có thuần thiện hay không, có chân chánh hay không? Nếu phát tâm thuần thiện, chân chánh, đó gọi là “người có đạo được nhiều trợ giúp”.
Chướng ngại khó khăn nhất định phải có. Đức Thế Tôn thị hiện thành Phật còn có ma chướng. [Khi ấy ngài là] Bồ Tát tu hành đã chứng quả, lẽ nào còn có ác ý? Đó là tâm địa thực sự thuần thiện vẫn có ma chướng. Chúng ta phải hiểu rằng, khó khăn chướng ngại đó là đến từ những ân oán nợ nần giữa ta với chúng sinh đã kết thành từ vô lượng kiếp đến nay. Ân nghĩa không thể báo đáp hết, oán thù cũng không cách gì chấm dứt, nợ nần càng không thể trả sạch, nên quý vị có thể thấy được sự vấn vít ân oán nợ nần chằng chịt. Đó chính là nguyên nhân khi Bồ Tát thành Phật vẫn phải gặp ma chướng.
Từ vô lượng kiếp quá khứ đến nay, chúng ta đời này sang đời khác cũng tạo tác những ân oán nợ nần như vậy. Ngày nay trên đường tu đạo Bồ-đề, cho dù muốn theo đuổi sự nghiệp làm lợi ích hết thảy chúng sinh, trong ý niệm không một mảy may tự tư tự lợi, nhưng vẫn không thể né tránh được ma chướng.
Bồ Tát có trí tuệ, người học Phật chính là phải học được trí tuệ. Sự khởi dụng của trí tuệ là biết cách làm sao tiêu trừ ma chướng, làm sao chuyển đổi ma chướng thành trợ lực. Đó là trí tuệ, đó là điều chúng ta phải học theo đức Thế Tôn. Thế Tôn có thể làm cho Ma vương biến thành Hộ pháp, chân thành cảm hóa lòng người. Đây chính là chỗ khiếm khuyết của chúng ta, không có tâm ý chân thành.
Có lòng tốt là điều đúng đắn, nhưng lòng tốt không thôi thì chưa đủ, vẫn chưa có cách gì cảm hóa được tâm địa chúng sinh. Điểm này chúng ta cần phải nghiêm túc, nỗ lực.
Phần cuối chú giải này có mấy câu rất hay: “Duy dĩ thật tâm hành thiện, tắc nhân sự ký hợp thiên tâm, nhi thiên ý khởi vi nhân nguyện.” (Chỉ cần đem lòng chân thật làm việc thiện, ắt việc người làm đã phù hợp với lòng trời, mà ý trời đâu lẽ nào trái với tâm nguyện của người.)
“Chỉ cần đem lòng chân thật làm việc thiện.” Tâm chân thật chính là tâm chân thành, trong Phật pháp gọi là tâm Bồ-đề, nhà Nho gọi là “thành ý chánh tâm”, phải thành ý chánh tâm mà làm việc thiện.
“Ắt việc người làm đã phù hợp với lòng trời.” Ở đây gọi là “lòng trời”, trong đạo Phật gọi là tánh đức. Quý vị khởi tâm động niệm, nói năng hành động đều phải tương ưng, phù hợp với tánh đức.
“Mà ý trời lẽ nào trái với tâm nguyện của người.” Ở đây nói “ý trời” để chỉ quỷ thần trong trời đất. Tâm quý vị chân chánh, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi thì quỷ thần kính ngưỡng. Ví như gặp phải kẻ oán thù hay có nợ nần cũ, người ấy nhìn thấy quý vị như vậy cũng sinh lòng bội phục, kính ngưỡng, dù không hỗ trợ giúp đỡ cũng không thể ra tay làm hại, đó là lẽ nhất định.
Nói thật ra, giáo dục vào thời xưa so với giáo dục thời nay không giống nhau. Thời xưa, người ta hiểu rõ được lý lẽ này. Ví như người nào đó cùng ta có mối thù giết cha, có mối thù không đội trời chung, nhất định phải báo thù. Thế nhưng người ấy hiện nay vì xã hội phụng sự, vì đại chúng phụng sự, thì ta không thể ra tay trả thù được. Vì sao vậy? Nếu ta vì báo thù mà giết người ấy đi thì chúng sinh không còn được hưởng phúc. Người ấy hiện nay đang thực sự vì chúng sinh phụng sự. Phải đợi đến lúc nào mới báo thù? Phải đợi khi người ấy không còn làm việc nữa, lui về nghỉ hưu, không phục vụ cho xã hội nữa. Vào thời điểm đó mới có thể ra tay báo thù. Đó là lễ nghĩa thời xưa của Trung quốc. Lấy ví dụ người ấy đang làm Tri huyện, đó là đang vì nhân dân trong huyện mà phục vụ. Chẳng những không thể ra tay báo thù mà còn phải hỗ trợ người ấy trong công việc, giúp cho người ấy được thành tựu. Vì sao vậy? [Chúng ta làm vậy] là vì [lợi ích của] chúng sinh, vì cả xã hội, không phải vì cá nhân người ấy. Đó gọi là hiểu biết lý lẽ.
Thế nhưng người đời nay không được giáo dục như vậy, làm sao hiểu được lý lẽ này? Không biết rằng việc gây chướng ngại một người làm việc thiện là gây tổn hại nghiêm trọng, nặng nề cho hết thảy chúng sinh trong xã hội. Việc quý vị báo thù là một lẽ, nhưng cái trách nhiệm nhân quả của sự việc ấy quý vị phải gánh lấy. Người thực sự có trí tuệ thì thấy biết sáng tỏ, nên món nợ oán cừu này họ mới có thể tính toán được rõ ràng. Người ngu si làm sao hiểu được lý lẽ này?
Việc này xét đến nguồn gốc vẫn là do vấn đề giáo dục. Cho nên Khổng tử dạy rằng: “Học rồi không thể không dạy [cho người khác].” Ngày ngày đều giảng giải [những điều đã học], đó là giáo hóa chúng sinh.
Dạy học không nhất định phải có trường lớp cố định, cũng không cần phải có số lượng người học nhất định, phải linh hoạt tùy nơi, tùy lúc. Chúng ta ngày nay gọi là cơ hội giáo dục, trong Phật pháp gọi là tùy duyên, “tùy loại hiện thân, tùy duyên thuyết pháp” (tùy theo chủng loại chúng sinh mà hiện thân thích hợp, tùy nhân duyên mà thuyết pháp). Theo cách nói ngày nay thì cơ hội giáo dục có thể là với ba người, năm người, bất kể ở nơi nào.
Khi tôi còn nhỏ đã từng thấy, những người già dạy học phần lớn là ở đâu quý vị có biết không? Là ở quán trà, họ dạy học phần nhiều là ở quán trà. Có dăm ba người bạn bè đến uống trà, họ liền ở đó giảng giải đạo lý. Những người uống trà chung quanh cũng lắng nghe, thật hết sức thú vị. Lắng nghe những lời của họ được tăng thêm học vấn, tăng thêm kiến thức. Quán trà thành ra lớp học ở vùng nông thôn.
Tuy nhiên, các vùng nông thôn khác có thể không có hiện tượng này. Ở quê tôi khuynh hướng văn chương rất mạnh, điều này mọi người đều biết. Đời nhà Thanh có văn phái Đồng Thành chính là xuất phát từ quê tôi. Cho nên ở vùng nông thôn quê tôi, các em nhỏ đều đi học, đều biết viết chữ. [Hồi đó] tôi nghĩ rằng các vùng nông thôn khác cũng vậy, nhưng rồi nghe nói các vùng khác không giống như quê tôi. Khuynh hướng văn chương, học tập ở quê tôi rất mạnh mẽ. Cho đến ngày nay, tuy có phần ít đi nhưng vẫn còn giữ được đôi chút căn bản.
Cho nên, đối với câu nói Khổng tử nói: “Học mà không dạy, có lỗi không sửa”, tôi có sự thể hội rất sâu sắc. Cách làm của người xưa rất đáng cho chúng ta noi làm theo, chúng ta phải học tập theo người xưa. Trong đạo Phật có Tứ vô ngại biện (bốn biện tài không ngăn ngại) thì biện tài sau cuối là Nhạo thuyết vô ngại biện (Ưa thích giảng giải không ngăn ngại), vui vẻ thuyết giảng, vui vẻ dạy người. Người khác tìm đến thưa hỏi, đương nhiên ta phải giảng dạy. Người không tìm đến thưa hỏi, Bồ Tát cũng làm bạn không mời. Người ta không mời thỉnh, quý vị không thể lôi kéo họ đến để giảng giải. Điều đó không hợp lý. Quý vị có thể giảng giải với những người quen của mình, khiến họ đang ở gần đó cũng nghe thấy. Đó là vì họ mà làm người bạn không mời.
Thật ra, những điều nghi vấn của chúng sinh là vô lượng vô biên, nhưng có mấy người biết hướng Phật thỉnh pháp? Chúng ta xem trong Kinh điển thấy rõ, những vị hướng Phật thỉnh pháp đều là Phật, Bồ Tát hóa thân thị hiện. Do đó có thể biết rằng, đức Thế Tôn cũng thường vì chúng sinh mà làm “bằng hữu không mời”. Việc này có ý nghĩa sâu xa, súc tích, chúng ta cần phải có khả năng thể hội.
Tóm lại, lúc nào cũng mong cho hết thảy chúng sinh đều được phá trừ si mê, mở ra giác ngộ, khai mở trí tuệ chân thật; lúc nào cũng mong cầu hết thảy chúng sinh đều dứt ác tu thiện. Phá mê khai ngộ, đó là trí; dứt ác tu thiện, đó là đức. Những gì chư Phật, Bồ Tát, các bậc hiền thánh thực hiện ở thế gian này đều là như thế. Ngoài việc này ra, các ngài không có mong cầu gì khác. Các ngài thực sự đạt đến mức “không tranh với người, không mong cầu trong đời”. Đó thực sự là gương sáng để người tu học chúng ta noi theo.
Cho nên, chúng ta cần phải thực sự phát tâm Bồ-đề. Đạo Phật nói tâm Bồ-đề, trong thực tế thì nhà Nho cũng nói tâm Bồ-đề. Quý vị đem những điều nhà Nho với đạo Phật đã giảng giải so sánh với nhau sẽ thấy rõ ràng. Nhà Nho nói thành ý, trong Quán kinh [của đạo Phật] nói là tâm chí thành. Quý vị suy ngẫm xem thành ý với tâm chí thành có giống nhau chăng?
Nhà Nho nói chính tâm, trong Kinh Phật nói tâm sâu vững, tâm hồi hướng phát nguyện. Nhà Nho chỉ nói một điều, gọi là chính tâm. Phật pháp giảng thành hai điều, tâm sâu vững là tự mình lợi lạc, tâm hồi hướng phát nguyện là làm lợi lạc người khác, nhà Nho chỉ gọi chung là chính tâm.
Cho nên, các bậc thánh nhân thế gian hay xuất thế gian cũng đều lấy tâm Bồ-đề làm căn bản. Sự lợi lạc tự thân của chính tâm là tâm sâu vững. Tâm sâu vững là ưa thiện mến đức, trong lòng không một mảy may ý niệm xấu ác.
Tâm hồi hướng phát nguyện, trong luận Khởi tín gọi là tâm đại từ bi, đem tâm từ bi đối đãi với người khác. Chí thành là thể của tâm Bồ-đề, tâm sâu vững là lợi lạc của tâm Bồ-đề đối với chính mình, tâm hồi hướng phát nguyện là lợi lạc của tâm Bồ-đề đối với người khác.
Nhà Nho nói đơn giản, thành ý là thể, chính tâm là khởi dụng, sau đó mới có thể tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nói “bình thiên hạ”, đó là hết thảy chúng sinh trong thiên hạ đều đạt đến sự bình đẳng, ý nghĩa là như vậy. Đem tâm thanh tịnh, bình đẳng đối đãi với hết thảy chúng sinh, đó là ý nghĩa của việc bình thiên hạ.
Tương tự như vậy, hai câu sau [trong chú giải] nói: “Tự nhiên được sự giúp đỡ âm thầm, làm việc gì cũng thông suốt, làm việc gì cũng thành tựu.” Trong Phật pháp gọi đây là chư Phật hộ niệm, các vị trời, rồng, thiên thần theo hỗ trợ, giúp đỡ quý vị. Không phải do điều gì khác, vẫn là một tấm lòng thành.
Quý vị xem, nữ cư sĩ họ Tề từng kể cho chúng ta nghe một câu chuyện cũ. Ở núi Thiên Mục, đạo tràng kia có một nhóm quỷ cư ngụ. Những quỷ này là quỷ nào? Là quỷ từ địa ngục vừa mới ra. Quý vị nên biết, người tạo tác nghiệp ác phải đọa vào địa ngục, thời gian chịu tội trong đó rất lâu. Nhóm quỷ này sau thời gian chịu tội trong địa ngục, vừa ra khỏi thì trú ngụ trên núi ấy. Những quỷ thần như vậy đều không phải hiền thiện, nhưng nhìn thấy nữ cư sĩ họ Tề ở nơi ấy hộ trì đạo trường, không một chút lòng riêng tư, cho nên những quỷ thần này theo hộ trì bà. Họ hỏi bà xin một căn phòng, chuyện này bà ấy không kể với quý vị. Đó là phòng số 8. Phòng này luôn đóng cửa, mỗi năm chỉ mở một lần, chỉ duy nhất một mình bà Tề được vào đó, người khác không ai được vào.
Nhóm quỷ ấy từ địa ngục ra, ở nơi ấy tu hành. Những quỷ ấy cũng hộ trì đạo trường. Cho nên, tâm địa quý vị chân thành, vì Phật pháp, vì chúng sinh, những quỷ thần ấy thấy biết rất rõ ràng, họ theo giúp đỡ quý vị. Nếu quý vị không tu hành chân chánh, lên núi đó ở thì họ quấy phá quý vị, căn bản là quý vị không thể nào ở được trên núi ấy. Tương lai quý vị nào có cơ hội cứ lên núi ấy ở lại thử xem, cũng là để khảo nghiệm xem quý vị đã thật tu hay còn giả dối? Xem quý vị có đạt đến mức được quỷ thần hỗ trợ, giúp đỡ hay sẽ bị quỷ thần quấy phá, đùa bỡn?
Nữ cư sĩ Tề có kể lại, cũng đã có nhiều vị pháp sư lên núi ấy muốn ở lại, nhưng chưa được hai, ba hôm đã phải tự ý xuống núi. Chuyện này cho thấy rõ luân hồi là có thật. Quỷ thần trong trời đất theo giúp đỡ hay quấy phá người cũng là chuyện có thật. Chúng ta tự mình phải rõ biết để cảnh tỉnh, phải biết để phát khởi tâm nguyện phấn chấn hướng thượng tu tập.
Chỗ mong cầu của người theo Đạo giáo là được làm thần tiên, cho nên phần cuối đoạn thứ 35 nói “thần tiên khả ký” (có thể được làm thần tiên). Chúng ta học Phật, chí nguyện không ở chỗ được làm thần tiên, cũng không phải sinh về các cõi trời. Người học Phật chí nguyện là được thành Phật, nên chỉ cầu được vãng sinh Tịnh độ, so với chỗ mong cầu của Đạo giáo không giống nhau. Nhưng muốn thành Phật, thành Tổ, muốn được vãng sinh, thì thiện tâm, thiện hạnh của chúng ta phải vượt xa hơn họ rất nhiều. Ở đây nói muốn thành thiên tiên phải làm được một ngàn ba trăm điều thiện, muốn thành địa tiên phải làm ba trăm điều thiện. Điều này cho chúng ta thấy được một sự thật là, tất cả thần tiên đều là người hiền thiện. Tâm hành bất thiện chỉ có thể làm quỷ, không thể làm thần tiên.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.