(Giảng ngày 6 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 19, số hồ sơ: 19-012-0019) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem tiếp câu thứ mười trong Cảm ứng thiên: “Hựu hữu tam thai, Bắc đẩu thần quân tại nhân đầu thượng, lục nhân tội ác, đoạt kỳ kỷ toán.” (Lại có [bốn vị] thần là tam thai và Bắc đẩu ở trên đầu người, ghi chép tội ác để giảm trừ kỷ toán.)
Câu này nói rằng, mỗi một hành vi, mỗi một ý niệm của con người, bất luận vào thời điểm nào, bất luận đang ở nơi đâu, đều có quỷ thần thấy biết. Trong số quỷ thần có những vị chuyên trách giám sát những điều thiện ác của người đời. Người có tâm thiện, làm việc thiện, các vị ấy liền ghi chép; nếu khởi tâm ác, làm việc ác, cũng có sự ghi chép. Nói cách khác, các vị quỷ thần thiên địa luôn có đầy đủ hồ sơ hoàn chỉnh ghi chép mọi ý niệm, hành vi tạo tác của chúng ta, so với sự ghi chép của cơ quan cảnh sát, điều tra ở thế gian cũng rõ ràng không kém. Nếu chúng ta hiểu được sự thật này thì tâm sợ sệt, kiêng dè sẽ tự nhiên sinh khởi, đối với mọi ý niệm và hành vi của chính mình nhất định sẽ có sự soát xét thiện ác.
“Tam thai, Bắc đẩu” là bốn vị thần minh được dân gian theo Đạo giáo thờ phụng tại Trung quốc. Thượng thai là thần cai quản sự sống chết của con người, thần trung thai cai quản về phúc và thần hạ thai cai quản về lộc. Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì thần hạ thai cai quản sự giàu có, thần trung thai cai quản về địa vị xã hội, thần thượng thai cai quản về vận mạng. Như vậy, những sự sống chết, thọ yểu, giàu nghèo, sang hèn của mỗi người đều có quỷ thần cai quản.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi là những vị thần này có quyền quyết định chuyện sống chết, họa phúc của ta hay không? Trong thực tế, họ không có quyền quyết định, chỉ là cai quản các phạm vi đó mà thôi. Mọi chuyện lành hay dữ, họa hay phúc đều do chính ta quyết định [qua những hành vi tạo tác của mình], họ chỉ giữ việc chấp hành thực hiện mà thôi. Cũng giống như cấu trúc các cơ quan cảnh sát, điều tra ở thế gian. Nếu người làm thiện, họ báo lên cấp trên để khen thưởng; với người làm ác, họ cũng báo lên cấp trên để trừng phạt. Họ là những đơn vị giám sát chấp hành, hoàn toàn không phải chủ thể quyết định. Chủ thể quyết định đích thực chính là bản thân ta. Cho nên, vận mạng là do chính ta tạo ra, tự làm tự chịu. Ý nghĩa và sự thật này chúng ta phải thấu hiểu rõ ràng, sáng tỏ.
Ví như đã lỡ phạm vào tội lỗi, như một phần trước tôi đã nói qua, chỉ cần quý vị biết lỗi và sửa lỗi. Thần minh không trừng phạt người đã biết sám hối sửa lỗi. Đến như chư Phật, Bồ Tát lại càng từ bi hơn nữa, đối với những chúng sinh khi đã tạo nghiệp ác đọa vào ba đường ác cũng vẫn lấy tâm từ bi đối đãi như trước, thật là bậc thánh nhân.
Các vị quỷ thần vẫn thuộc hàng phàm phu, chưa buông xả tình chấp, nên thấy người làm việc thiện thì hoan hỷ, thấy người làm ác thì ghét bỏ, không ưa. Chúng ta hiện nay cũng là phàm phu nên có thể dùng tâm lý tình cảm của chính mình để đo lường tâm lý tình cảm của các vị quỷ thần, cũng có thể biết được phần nào.
Đây chỉ nói Bắc đẩu tinh quân, trong Đạo giáo còn có Nam đẩu tinh quân. Nam đẩu chủ quản sự sống của con người, Bắc đẩu chủ quản về sự chết. Khi một chúng sinh tái sinh vào cõi người, Nam đẩu liền ghi chép và lưu giữ hồ sơ về người ấy. Khi một người đã hết tuổi thọ, vào lúc chết đi cũng có sự ghi chép hồ sơ, đó là việc của Bắc đẩu. Theo như người đời thì nếu có ai muốn cầu đảo thần minh, nên hướng về Bắc đẩu mà cầu. Các vị quỷ thần này thường theo chu kỳ xuống chốn thế gian, vào những ngày giờ nhất định, đại khái trong khoảng hai tháng một lần, hoặc hai lần, dường như có định kỳ nhất định. Giống như việc đi tuần tra soát xét, vào thời điểm nào đó thì sẽ đến một địa phương nào đó. Mỗi hai tháng một lần, đó là theo cách tính can chi (giáp tý) ngày xưa của Trung quốc, cứ 60 [ngày] là một chu kỳ can chi. Cho nên, ít nhất là hai tháng thì các vị ấy phải [xuống thế gian] một lần.
Trong kinh Nghiệp báo nhân duyên nói rằng, khí chất của bảy vì sao thường kết lại thành một, ở phía trên đầu người, cách đầu ba tấc. Ngạn ngữ Trung quốc nói: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh.” Trong kinh không nói ba thước, mà là ba tấc. Một người tâm địa hiền lương, hành vi hiền thiện thì phía trên đỉnh đầu người ấy có hào quang. Vầng hào quang ấy lớn nhỏ không giống nhau, màu sắc cũng khác biệt, con người không nhìn thấy nhưng quỷ thần nhìn thấy. Hiện nay có một số người tu tập thiền định cũng nhìn thấy được. Tâm thanh tịnh đến một mức độ nào đó thì có thể thấy. Như một số người luyện khí công, cũng là một hình thức tu định, cũng có khả năng thấy. Hào quang có màu tốt nhất là màu của vàng ròng, kế đến là màu vàng, xấu nhất là màu xám tro, màu đen. Người có khí sắc đen thì thọ mạng gần như đã hết. Người luyện khí công gọi đó là khí, trong đạo Phật gọi là hào quang.
Do đó có thể biết rằng, con người nhất định phải tu thiện. Tôi thường nói, đời người quả thật khổ đau, ngắn ngủi. Tôi vừa từ Hương Cảng (Hong Kong) về đây, nhớ lại lần đầu tiên tôi đến Hương Cảng là vào năm 1977. Lần đó tôi ở lại 4 tháng, giảng kinh Lăng Nghiêm. Khi ấy, người mời tôi là Pháp sư Thánh Hoài và cư sĩ Tạ Đạo Liên. Pháp sư hiện nay vẫn còn, nhưng Tạ cư sĩ thì mất rồi. Ông vãng sinh hồi năm ngoái. Rất nhiều người hồi đó cùng tu cùng học với tôi, nay đến hơn một nửa đã qua đời rồi. Đời người giống như một giấc mộng dài. Ngày trước, các vị ấy đều cư trú ở những khu nhà sang trọng, tôi cũng từng ghé qua. Ngày nay những tòa lầu vẫn còn nguyên đó, nhưng đã đổi chủ, khiến lòng tôi dâng lên cảm xúc trước lẽ vô thường.
Bản thân tôi cũng mỗi năm một già yếu hơn. Khi tôi mới đến Đài Loan, bạn đồng học xấp xỉ vài trăm người, hiện nay trong số đó còn lại chưa đến năm mươi. Con người đứng trước hoàn cảnh ấy, cảm xúc thật sâu xa.
Đức Phật dạy: “Mọi thứ đều bỏ lại, chỉ có nghiệp mang theo.” Nhưng vì sao chúng ta vẫn cứ tạo nghiệp? Vì ngu mê tăm tối. Đối với ý nghĩa đó, cho dù chúng ta thường đọc sách, đọc kinh, nghiên cứu giáo pháp, nghe giảng kinh [nên đã hiểu rõ], nhưng rốt lại cũng không chống nổi với sự dụ dỗ mê hoặc trong thế gian. Danh vọng, lợi dưỡng, tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn ngon, ngủ ngon... đều không chống lại nổi. Không chống lại nổi liền tạo nghiệp. Nghiệp ấy cùng đi theo ta. Ta tạo nghiệp lành liền được quả báo lành, tạo nghiệp ác phải chịu quả báo xấu ác.
Thiện ác báo ứng không phải do quỷ thần tạo ra cho chúng ta, cũng không phải Phật, Bồ Tát, không phải Thượng đế, vua Diêm La tạo ra. Hết thảy những điều lành dữ, họa phúc đều do chính ta tự tạo, tự làm tự chịu. Chỉ những ai thực sự hiểu rõ ý nghĩa này, sự thật này, mới giữ được tâm điềm tĩnh, cho dù có gặp đủ mọi tai họa cũng không hề oán trời trách người; cho dù bị người khác sỉ nhục, hãm hại cũng không hề oán hận.
[Người như thế] rõ biết điều gì? Rõ biết rằng những điều ấy là báo ứng nhân quả, là quả báo. Trong quá khứ nếu ta không phạm tội với người khác, ngày nay người khác không thể phạm tội với ta. Trong quá khứ nếu ta không hãm hại người, ngày nay người khác sao có thể hãm hại ta? Ta bị người sỉ nhục, hủy báng, hãm hại, thảy đều do chính mình tự tạo, nên tự mình phải nhận chịu, vui vẻ mà nhận chịu thì quyển sổ nợ cũ đó mới được xóa sạch.
Nợ mạng sống phải trả bằng mạng sống, nợ tiền bạc phải trả bằng tiền bạc, [nhân] quả báo [ứng] tương quan trong cả ba đời, làm sao trốn tránh được? Cho dù quý vị đã thành Phật, quay lại thị hiện trong sáu đường luân hồi để hóa độ chúng sinh, cũng không thể tránh được nghiệp báo đã tạo từ đời trước. Tôi từng đọc sách thấy đức Khổng tử bị nạn cắt lương thực tại nước Trần phải chịu đói, đức Phật Thích-ca Mâu-ni chịu quả báo phải ăn thứ lúa dùng nuôi ngựa trong ba tháng. Trong kinh điển đức Phật đã dạy chúng ta, nghiệp nhân từ đời trước, khi nhân duyên thành thục thì dù thành Phật cũng không cách gì tránh được quả báo.
Trong Thiền tông có công án Dã hồ thiền, rất nhiều vị đồng tu đều quen thuộc. Đây là chuyện về Đại sư Bách Trượng đời nhà Đường. Đại sư mỗi ngày giảng kinh đều có một ông già đến nghe. Ông già ở phía sau núi, cứ đến giờ giảng kinh lại tìm đến nghe. Mọi người không ai biết, nhưng Đại sư Bách Trượng biết ông không phải người thường. Nếu gọi theo người đời thì ông là hồ tiên hoặc hồ ly tinh.
Một hôm, ông già ấy đến thỉnh giáo Đại sư Bách Trượng, tự nói việc mình bị đọa lạc như thế nào. Đời trước ông vốn là pháp sư, một vị pháp sư giảng kinh thuyết pháp. Trong đại chúng có người thưa hỏi, ông giải đáp sai lầm, chỗ sai lầm là bác bỏ nhân quả, liền bị đọa phải mang thân chồn, đã hơn 500 năm. Hiện tại không biết cách gì để thoát khỏi thân súc sinh, thỉnh cầu Đại sư giúp đỡ. Đại sư Bách Trượng đáp: “Có thể được. Ngày mai lúc giảng kinh, ông hãy bước ra thưa hỏi. Hãy đem câu hỏi ngày trước thính chúng đã hỏi ông ra hỏi lại tôi.”
Hôm sau, hai người làm đúng như vậy. Ông lão hồ ly bước ra thưa hỏi Đại sư: “Bậc tu hành cao trổi còn rơi vào nhân quả hay chăng?” Ý nghĩa câu này muốn hỏi là, bậc tu hành chân chánh đã chứng đạo, chứng quả, đạt đến cứu cánh viên mãn là quả Phật, vị Phật ấy có rơi vào nhân quả hay không? Đại sư Bách Trượng đáp: “Chẳng che mờ nhân quả.” Trước đây vị pháp sư này trả lời câu hỏi ấy là “không rơi vào nhân quả”, như vậy là sai lầm. Nay Đại sư trả lời là “chẳng che mờ nhân quả”. Thế nào là “chẳng che mờ”? Là quả báo tất yếu phải có, rõ ràng, minh bạch, không che mờ, không phải là không có nhân quả. Bậc thánh nhân ở thế gian như đức Khổng tử, bị đứt lương thực tại nước Trần, đó là quả báo [của nghiệp đã tạo] từ đời trước. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ôm bát đi khất thực chẳng có gì ăn, phải chịu đói. Có người dùng thứ lúa cho ngựa ăn mang đến cúng dường, Phật vẫn nhận [và ăn thứ lúa ấy]. Đời trước tạo nhân bất thiện thì đời này phải nhận lãnh quả báo, ngài hiểu rõ điều đó.
Cho nên, người tu hành tiếp nhận nghịch duyên, gặp người xấu ác, đều luôn rõ biết, lúc cần đền mạng thì đền mạng, lúc cần trả nợ thì trả nợ, vui vẻ hoàn trả rồi thì hết nợ.
Trong câu chuyện ghi chép về An Thế Cao, chúng ta thấy ngài là người tu hành chứng quả, đến Trung quốc vẫn phải chịu hai lần đền mạng. Đời trước ngài sơ ý mà giết người, nên đời sau cũng hai lần bị người giết nhầm. Trong truyện ký chép lại rất rõ ràng. Do đó, chúng ta mới có thể hoàn toàn khẳng định rằng, con người sống giữa thế gian, nếu nói chiếm được phần lấn lướt hơn người khác là điều không thể có, nếu nói bị thiệt thòi hơn người khác, cũng là điều không thể có. Đời này lấn lướt người khác, đời sau phải hoàn trả đủ; đời này chịu thiệt thòi, đời sau được phước báo [bù đắp]. Nhân duyên quả báo không một mảy may sai lệch. Quỷ thần trong trời đất luôn nhìn thấy rõ ràng, minh bạch. Người tạo tội nghiệp nhất định phải bị giảm phước báu, rút ngắn tuổi thọ.
Lịch sử Trung quốc cổ đại ghi chép những sự việc như vậy rất nhiều. Những quả báo như thế hiện nay có thể nói là còn rõ ràng hơn. Chúng ta không quan sát thấy là vì không chú tâm, không xét kỹ. Chỉ cần tĩnh tâm một chút, quan sát kỹ ngay chung quanh ta, sẽ thấy ngay những chuyện nhân quả báo ứng rõ ràng minh bạch, phân minh sáng tỏ. Thấy như vậy rồi mới biết là kinh điển của Phật cũng như những lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa đều đúng thật không sai. Chúng ta phớt lờ việc này chỉ là tự dối mình dối người.
Ngày trước Lý lão sư thường nói: “Phải hướng về nơi xa mà nhìn.” Thế nào gọi là nơi xa? Nơi xa là đời sau, vì đời này gọi là gần. Nhìn trong đời này thôi thì quý vị chỉ thấy được những chuyện quá gần. Quý vị cần phải hướng tầm nhìn về đời sắp tới, về đời sau nữa, rồi mới hiểu được mình nên làm những gì, làm những gì là có lợi cho mình, và làm những gì là gây hại cho chính mình. Hiện nay liệu có mấy người rõ biết chuyện lợi hại? Hy vọng mọi người có thể trân trọng quý tiếc mối nhân duyên [học pháp] này, thực sự nỗ lực tu học.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.