(Giảng ngày 4 tháng 6 năm 1999 tại Hương Cảng, file thứ 17, số lưu trữ: 19-012-0017) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua chúng ta xem đến câu thứ chín trong Cảm ứng thiên: “Toán tận tắc tử.” (Toán giảm hết thì phải chết.) Bốn chữ trong câu này tổng kết trước đó đã nói về việc “thiên địa hữu ty quá chi thần” (trong trời đất có thần chủ trì việc xét lỗi), xét theo việc người đời làm ác nặng hay nhẹ mà tăng giảm sự trừng phạt. Trước đó nói sáu câu, đến câu này tổng kết lại, khi “toán tận” (toán giảm hết) thì người phải chết.
Câu này quả thật Thái Thượng đã đem tâm lão bà từ bi để khó nhọc răn dạy chúng ta, vì chúng ta đưa ra một lời cảnh báo. Tập khí xấu ác của chúng sinh quá sâu nặng, điều này chúng ta phải tự mình tỉnh giác, quay lại soát xét mới có thể hiểu được sâu xa, thấy rõ ràng những lỗi lầm khiếm khuyết của mình, hết lòng nghĩ đến việc cải hối, sửa chữa, dù là sửa không được. Nhưng sửa không được thì cuối cùng chỉ có mỗi một con đường chết, mà là chết cực kỳ bi thảm, sau khi chết nhất định phải đọa vào ba đường ác.
Vì sao vậy? Chỉ cần chúng ta lưu tâm tự xét kỹ, trong một đời này, thậm chí chỉ một ngày hôm nay, từ sáng đến tối, hoặc trong 24 giờ, chúng ta khởi tâm động niệm, được bao nhiêu ý niệm hiền thiện, có bao nhiêu ý niệm xấu ác? Chúng ta nói năng, hành động, được bao nhiêu việc thiện, còn những việc xấu ác nhiều đến bao nhiêu? Nếu không tự mình phản tỉnh thì không biết được. Lặng lẽ phản tỉnh suy xét rồi sẽ hiểu được rõ ràng.
Đức Phật dạy ta hành trì hai thời công phu sớm tối, tôi đã giảng rất nhiều về điều này. Thời công phu lúc sáng sớm là để nhắc nhở chúng ta khởi tâm tự phản tỉnh. Chúng ta đọc lên mỗi đoạn kinh văn, tự mình tu tập theo ý nghĩa được dạy trong kinh, khởi tâm tỉnh giác trong suốt ngày hôm đó, mỗi lúc khởi tâm động niệm, nói năng hành động, đều phải lấy lời dạy trong kinh làm tiêu chuẩn noi theo. Thời công phu buổi tối là để chúng ta tự phản tỉnh, suy xét trong ngày hôm đó ta đối với những lời Phật dạy đã làm được hay chưa? Nếu đã làm được, càng phải cố gắng nhiều hơn. Nếu chưa làm được, ngày mai nhất định sẽ gắng sức làm. Đó là ý nghĩa đích thực của hai thời công phu sớm tối.
Chúng ta tu tập theo pháp môn Tịnh độ, thời công phu sáng tụng đọc 48 lời nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ. Trong 48 lời nguyện này có đầy đủ ý nghĩa lý luận, có nêu lên sự tướng, có phương pháp tu học, có [xưng tán] cảnh giới, chính là tâm lượng lớn lao, đại nguyện rộng khắp của đức Phật A-di-đà. Chúng ta mỗi sáng sớm tụng đọc đoạn kinh văn này, phải học tập noi theo đức Phật A-di-đà, học tập theo tâm lượng lớn lao của ngài, theo đại nguyện rộng khắp của ngài. Chúng ta thực hành xong thời công phu sáng, tụng niệm xong đoạn kinh văn đó rồi, đã phát tâm [được như thế] hay chưa? Nếu như tâm nguyện của ta so với những lời tụng niệm trong kinh hoàn toàn không phù hợp thì chỉ uổng công tụng kinh, thời khóa công phu đó xem như vô ích.
Thời công phu tối, chúng ta tụng đọc từ phẩm thứ 32 đến phẩm thứ 37 [trong kinh Vô Lượng Thọ]. Phần kinh văn này giảng giải những gì? Đó là năm giới và mười nghiệp lành. Chúng ta phải chú tâm tự suy xét kỹ, trong suốt một ngày qua đã khởi tâm động niệm, nói năng hành động như thế nào, so với lời Phật dạy có phù hợp hay không? Nếu không phù hợp, đó là ta đã làm việc xấu ác, tạo nghiệp tội. Làm ác tạo nghiệp thì niệm Phật sao có thể vãng sinh?
Cho nên, công phu niệm Phật của chúng ta không đạt hiệu quả chính là do ở điểm này. Mỗi ngày dường như đều tụng niệm công phu sáng tối, thật ra chẳng có gì, chỉ là hình thức, chỉ là làm ra dáng như thế mà thôi, thực chất chẳng được gì. Nếu quý vị thực sự hành trì hai thời tụng niệm sớm tối, thì công phu tu tập sẽ tăng tiến vượt bậc, nền tảng sự nghiệp tu tập sẽ vững chắc, quý vị tự mình cảm nhận được sự hộ niệm của chư Phật, sự ủng hộ của các vị trời, rồng, thiện thần. Không cần phải hỏi nơi người khác, tự mình có thể cảm nhận được.
Trong thời đại này, mọi người đều biết là sẽ có kiếp nạn lớn lao xảy đến, nhưng kiếp nạn ấy do đâu mà có? Là do lòng người đi ngược lẽ thường. Thế nào là lẽ thường? Là vâng theo năm giới với mười nghiệp lành. Phạm vào năm giới với mười nghiệp lành là trái ngược lẽ thường. Trái lẽ thường sẽ gặp phải nạn tai hung hiểm, thuận lẽ thường thì được phước báo an lành. Ý nghĩa này trong kinh Phật giảng giải rất rõ ràng, Cảm ứng thiên cũng nói đến hết sức thấu triệt. Kinh Phật là do bậc thánh nhân từ thời cổ đại Ấn Độ giảng dạy, Cảm ứng thiên là do bậc thánh hiền Trung quốc nói ra. Chúng ta cũng có thể xem đây như những lời tiên tri của thời cổ đại để xem xét đối chiếu.
Những lời tiên tri này đều dựa trên cơ sở lý luận. Mọi điều lành hay dữ, họa hay phúc quả thật có thể thay đổi chỉ trong một ý niệm. Một ý niệm đó sẽ tạo ra sự chuyển biến như thế nào của ta. Nếu như vẫn tiếp tục tạo nghiệp [ác], tiếp tục giữ tâm bất thiện thì quả đúng là như lời Phật dạy: “Biển nghiệp mênh mang, biển khổ không cùng.” Biển nghiệp là do chính ta tạo ra, biển khổ là quả báo ta phải nhận lãnh. Tuy vậy, còn lại được một chút phước báo từ đời quá khứ, ta lại mải mê tận hưởng, trong đời sống thường ngày không biết tu tích thêm phước đức, cho dù có được nhiều phước báo lớn, liệu có thể hưởng thụ được bao lâu?
Đại sư Ấn Quang suốt một đời luôn dạy người tu tích phước đức, gặp ai cũng dặn dò. Lúc ăn cơm phải giữ lòng thanh tịnh, dù một hạt cơm cũng không để thừa, cũng không bỏ phí, đó là tu tích phước đức. Tự mình có miếng cơm ăn, phải nhớ nghĩ đến người khác, trên thế gian này vẫn còn biết bao người gặp khó khăn không có cơm ăn. Lúc mặc y phục vào cũng phải giữ tâm thanh tịnh, mặc vào ngay ngắn chỉnh tề, đó là tu tích phước đức. Y phục dù rách nát cũng chẳng hề gì, có thể vá lại, chỉ cần giặt cho sạch sẽ, chủ yếu có thể che thân, có thể giữ ấm là tốt rồi. Trên thế gian này vẫn còn rất nhiều người khó khăn không có đủ y phục che thân.
Trong lòng phải thường nhớ nghĩ đến hết thảy chúng sinh, hơn nữa còn phải hết lòng hết sức giúp đỡ, hỗ trợ cho hết thảy chúng sinh. Thường giữ được tấm lòng như thế, đó là lòng lành. Trong cuộc sống hằng ngày cũng phải thường lưu tâm giữ ý, người tu hành chân chính, dù một mảnh giấy cũng không hoang phí, xé bỏ, [nghĩ đến người] làm ra khó khăn vất vả. Cho dù ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển [làm ra dễ dàng hơn], cũng vẫn phải kiêng dè không được lãng phí. Vật dụng gì có thể tiết kiệm được, phải hết sức tiết kiệm thì phước báo còn lại từ đời trước có thể được hưởng mãi không hết. Nếu tùy tiện hoang phí thì phước báo không bao lâu sẽ hưởng tận.
Hưởng tận phước báo rồi, dù tuổi thọ còn vẫn phải chết. Vì sao vậy? Vì không có phước báo. Phước báo hết thì mạng người phải mất. Ví như quý vị có tuổi thọ được trăm năm, nhưng phước báo chỉ hưởng được trong 60 năm, vậy thì 60 tuổi quý vị phải chết. Ngược lại, nếu quý vị có tuổi thọ được 60 năm, nhưng suốt một đời tu tích phước đức, đến 60 tuổi vẫn chưa hưởng hết phước báo, tuổi thọ của quý vị sẽ được kéo dài, cho đến khi hưởng hết phước báo tu tích được trong đời này.
Nói thật ra, người đời nay được hưởng chút phước báo nào cũng chỉ là từ đời quá khứ còn thừa lại. Trong đời này họ chỉ toàn hưởng phúc, không hề tu phúc. Những ý nghĩa đó, người đời hiện nay không mong cầu được nghe. Nếu giảng giải với họ, chưa hẳn họ đã chịu tin.
Người học Phật thường tiếp xúc với kinh sách, lời dạy của các bậc thánh nhân, đối với những điều lý luận, chân tướng sự thật, đều có được nhiều cơ hội nghe biết, vì sao không thay đổi sửa lỗi được? Vì chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, đại đa số người đời đều không tin, cho rằng những điều chư Phật, Bồ Tát giảng dạy chưa hẳn đã là chân thật. Cho nên, chính tôi đã thấy rất nhiều người học Phật, với thái độ hoài nghi ôm ấp trong lòng mà học Phật. Do đó, dù được nghe giảng rõ ràng, sáng tỏ, thấy được cảnh giới hiện tiền, nhưng rồi vẫn buông xuôi theo hoàn cảnh chung quanh mà lưu chuyển, không quay đầu lại được. Phật dạy: “Hồi đầu thị ngạn” (Quay đầu là bờ), những người này không quay đầu lại được, cho nên “toán tận tắc tử” (tính toán hết thì chết), mà sau khi chết còn phải chịu tai ương. Tai ương đó là phải luân chuyển trong ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Ba đường ác đó rơi vào rất dễ, thoát ra mới cực kỳ khó khăn.
Tuyệt đối không được nói rằng chết là hết. Sau khi chết vì sao vẫn là chưa hết chuyện? Vì nếu quả thật chết là hết, chúng ta đâu cần phải học Phật? Nhưng sự thật là chết đi rồi vẫn chưa hết chuyện, đó là lời chân thật. Tôi đã giảng câu này trên giảng đường từ mấy chục năm qua. Chết đi chưa phải là hết chuyện, cho nên phải tận dụng lúc hơi thở này chưa dứt mà kịp thời quay đầu hướng thượng.
Trong kinh luận giảng rất rõ ràng việc Phật độ chúng sinh. Trong sáu đường luân hồi, vì sao đức Phật chỉ thị hiện thành Phật trong cõi người, còn năm đường khác không có Phật thị hiện? Điều đó nói lên rằng, cõi người tuy có khổ, nhưng con người rất dễ quay đầu hướng thượng. Cõi trời vui nhiều khổ ít, rất khó giác ngộ. Điều đó cũng giống như trong thế gian, người giàu sang phú quý rất khó học đạo. Ba đường ác thì quá khổ, không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện học Phật. Cho nên, Phật muốn độ chúng sinh trong ba đường ác cũng hết sức khó khăn. Chỉ riêng có cõi người là khổ nhiều vui ít, so ra rất dễ giác ngộ, rất dễ tiếp nhận những lời Phật dạy.
Chúng ta nhất định phải thấu hiểu được sự thật trong chốn nhân gian, rằng thân người này khó được nhưng dễ mất. Trong sáu đường luân hồi, được sinh vào cõi người thật không dễ dàng. Trong kinh luận có đưa ra nhiều ví dụ so sánh nói rõ việc này. Pháp Phật rất khó được nghe. Muốn nghe pháp Phật thì điều quan trọng tối yếu là tự bản thân mình phải có tâm chân thật muốn học. Vì sao vậy? Tâm chân thật muốn học thì tự mình có thể cảm, chư Phật, Bồ Tát liền có ứng. Trong kinh dạy rằng: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân.” (Trong cửa Phật không bỏ người nào.) Đó là lời chân thật. [Chỉ vì] chúng ta không có tâm chân thật cầu học, chư Phật, Bồ Tát không hiện đến. Chúng ta dùng tâm hư vọng học Phật, đem tình ý hư dối, giả tạo mà học Phật, không thể cùng với chư Phật, Bồ Tát có sự cảm ứng. Vậy cảm ứng với ai? Với yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái liền hiện hình thành chư Phật, Bồ Tát đến dụ dỗ, mê hoặc chúng ta. Đó là Phật giả, chẳng phải thật. Tâm chân thật thì cảm ứng Phật thật, tâm hư vọng ắt cảm ứng Phật giả.
Tâm ý người thời nay hầu hết đều hư dối, cho nên cảm ứng Ma vương Ba-tuần biến hiện thành chư Phật, Bồ Tát. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.” Những tà sư ấy cũng đắp y ca-sa, cũng hiện tướng tỳ-kheo xuất gia, nhưng họ là hạng người nào? Là yêu ma quỷ quái. Họ dạy cho quý vị tạo nghiệp, xô đẩy quý vị vào ba đường ác. Họ rất giỏi những việc như thế. Chúng ta người phàm mắt thịt không thấy biết được. Trong kinh Lăng Nghiêm có giảng đến 50 loại ấm ma, quý vị thường tụng đọc thì biết được. Cảnh giới của ma, phàm phu chúng ta nhất định không nhận biết, tuyệt đại đa số đều xem đó là cảnh giới của chư Phật, cho đó đúng thật là Phật. Quý vị không đọc kinh Lăng Nghiêm thì không hiểu được điều đó.
Cho nên, đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy rằng, trong tương lai khi tất cả Giáo pháp đều phải mất đi thì kinh Lăng Nghiêm sẽ bị mất trước tiên. Vì sao kinh bị mất trước tiên lại là kinh Lăng Nghiêm? Ngày trước tôi theo Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam học giảng kinh, chủ yếu là học kinh Lăng Nghiêm, nên đối với kinh này tôi có sự thể hội sâu sắc. Kinh này nếu còn lưu lại thế gian thì ma không được thuận tiện hại người. Đối với ma mà nói thì kinh này là chướng ngại lớn nhất. Chúng ta liệu có năng lực gì phân biệt được đâu là Phật, đâu là ma? Chính phải dựa theo kinh Lăng Nghiêm làm tiêu chuẩn phân biệt. Trước đây tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, có nói rằng kinh Lăng Nghiêm là kính chiếu yêu, soi rõ yêu ma. Kinh Lăng Nghiêm không còn nữa, kinh Lăng Nghiêm mất đi rồi thì ma sẽ được thuận tiện dễ dàng. Chúng ta không nhận biết được ma, ta sẽ xem chúng là Phật, Bồ Tát, sẽ theo chúng tu học, tương lai đều sẽ rơi vào ba đường ác, đều sẽ biến thành con cháu của ma. Cho nên kinh Lăng Nghiêm phải bị mất trước tiên.
Trong kinh Pháp Diệt Tận, Phật dạy rằng kinh Vô Lượng Thọ sẽ mất đi sau cùng. Vì khi pháp Phật đã mất hết rồi, chỉ riêng còn một câu danh hiệu “A-di-đà Phật” cũng có thể cứu độ vô số chúng sinh được vãng sinh về Tịnh độ. Chúng ta phải hiểu rõ ràng ý nghĩa này, phải thấu triệt ý nghĩa này.
Một hơi thở còn, quay đầu hướng thượng tu tập cũng vẫn còn kịp. Đợi đến lúc chết thì không kịp nữa. Ngay lúc này đây mà quay đầu hối cải còn không được, huống chi đến lúc sắp chết, có mấy ai còn giữ được tâm trí sáng suốt tỉnh táo? Quý vị liệu có duy trì được chăng? Vào thời điểm sắp chết, quý vị có giữ tâm trí sáng suốt tỉnh táo được chăng? Tâm trí không sáng suốt thì không thể vãng sinh. Tâm trí sáng suốt tỉnh táo, vào thời điểm cuối cùng sắp chết niệm một câu “A-di-đà Phật” cũng được vãng sinh. Quý vị có nắm chắc được điều đó hay chăng? Có chắc chắn rằng đến lúc lâm chung sẽ giữ được tâm trí sáng suốt tỉnh táo hay chăng? Nếu không tin chắc được như vậy thì ngay lúc này phải nỗ lực dứt trừ hết thảy mọi điều ác, tu tập hết thảy mọi điều lành, suy xét lo nghĩ đến đời sau của chính mình. Đó mới là người thông minh, đó mới thực sự là người có trí tuệ.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.