(Giảng ngày 28 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 41, số hồ sơ: 19-012-0041) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua đã giảng đến phần về “trung hiếu”. Hai chữ trung hiếu này, bất kể là xét từ góc độ văn hóa vốn có của Trung quốc hay từ góc độ Phật pháp Đại thừa, đều thuộc về cái học nuôi tâm dưỡng tính. Hai chữ trung hiếu (中孝) này, trong sáu cách chế tác chữ viết của Trung quốc (lục thư) thì thuộc vào loại chữ hội ý, có nghĩa là khi nhìn vào hình dạng chữ ta có thể thấy được ý nghĩa hàm chứa trong đó.
Ý nghĩa của chữ tâm rất khó nhận hiểu rõ. Trong kinh Lăng Nghiêm mọi người đều đã thấy, trong đoạn mở đầu đức Thế Tôn đã hỏi ngài A-nan tâm ở tại đâu? Hoàn toàn không nói rõ chân tâm hay vọng tâm, ngài A-nan so với chúng ta thông minh hơn nhiều, đã nêu ra bảy vị trí của tâm, nhưng đều bị đức Thế Tôn bác bỏ.
Đoạn kinh văn này rất dài, người xưa phân chia thành “thất xứ trưng tâm” (nêu tâm ở bảy nơi). Lại cũng có người phân chia thành “thất phiên phá xứ” (bảy phen phá chỗ [sai lầm]). Phân chia như vậy đều có ý nghĩa.
Tâm chẳng những không thể tìm thấy được, mà đối với tâm thậm chí cũng không có cách gì nghĩ tưởng ra. Cho nên, trong kinh Phật thường dùng 8 chữ để hình dung tâm là: “Bất khả tư nghị, tâm hành xứ diệt.” (Không thể nghĩ bàn, dứt hết mọi ý niệm.) Tám chữ này có thể nói lên được một phần nào đó tương tự với tâm.
Nhà Nho, nhà Phật nói đến tâm đều là nói chân tâm, đều là nói về bản tánh. Chân tâm, bản tánh biến hiện khắp mọi nơi, nên trong Phật pháp nói rằng tâm bao trùm khắp cả hư không.
Kinh Lăng Nghiêm đặc biệt giảng đến mức thấu triệt: Hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không đều “duy tâm sở hiện” (chỉ do tâm hiển hiện). Cho nên, tâm có khả năng biến hiện, mà hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng khắp hư không đều là đối tượng do tâm biến hiện ra. Cũng giống như khi ta nằm mộng.
Chúng ta ai cũng từng trải qua kinh nghiệm nằm mộng. Trong mộng cũng có hư không, cũng có pháp giới, cũng có hết thảy chúng sinh, [tất cả những thứ ấy] từ đâu hiện đến? Người đời hiện nay nói rằng đó là do trong tâm ý thức biến hiện thành cảnh mộng. Nói như vậy không sai. [Nhưng] tâm ý thức đó là vọng tâm, trong Phật pháp gọi là thức [thứ sáu] hay ý thức, biến hiện ra những cảnh trong mộng. Còn đối với hoàn cảnh thực tại của chúng ta, đối với thực tại chúng sinh đó đây trong các pháp giới cùng khắp hư không, thì mấy ai biết được đó chính là những thứ do chân tâm, bản tánh của chúng ta biến hiện? Điều này không ai hiểu được.
Tâm không có hình tướng, nhưng tâm có khả năng hiện ra hình tướng. Tâm khởi lên tác dụng thì có khả năng đem hết thảy các hiện tượng như vậy mà tùy tiện xoay vần biến hóa. Cho nên mới nói, do thức biến hiện mà có y báo, chánh báo trang nghiêm của mười pháp giới. Thức là gì? Thức là ý niệm. Ý niệm là tác dụng của tâm. Tâm khởi lên tác dụng thì gọi là ý niệm.
Chữ niệm cũng thuộc loại chữ hội ý. Quý vị xem trong chữ viết của Trung quốc, chữ niệm (念) gồm chữ kim (今) [ở trên] và chữ tâm (心) [ở dưới], có nghĩa là “tâm hiện nay” của quý vị. Tâm hiện nay của quý vị đang động [mới có ý niệm]. Cho nên, đức Phật dạy: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sinh.” (Hết thảy các pháp đều từ tâm tưởng sinh ra.) Tâm tưởng ở đây cũng chính là ý niệm.
Tâm khởi lên tác dụng, làm thế nào vận dụng tác dụng ấy một cách hoàn toàn chân chánh? Cách vận dụng tâm của các bậc thánh nhân ở thế gian cũng như xuất thế gian đều hoàn toàn chân chánh. Chư Phật, Bồ Tát cũng vận dụng tâm hoàn toàn chân chánh. Hoàn toàn chân chánh cũng chính là đức trung. Bên trên chữ tâm (心) nếu không thêm bất kỳ chữ nào khác thì đó là biểu hiện chính xác của tâm. Nếu có thêm chữ khác, đó là biểu thị tác dụng của tâm. Chữ trung (忠) [gồm có chữ trung (中) nằm phía trên chữ tâm (心) nên] biểu thị cách vận dụng [tâm] chân chánh, không có bất kỳ lỗi lầm, sai trái nào, đó gọi là trung (忠). Chúng ta cần phải hiểu rõ. Cho nên, ý nghĩa này thật sâu rộng vô cùng.
Trong sách Đại Học của Nho gia dạy người phải “thành ý, chánh tâm”. Thành ý là bản thể của tâm, chánh tâm là tác dụng của tâm. Phải dùng tâm một cách chân chánh. Chân chánh đó là trung. Chỉ có điều, chúng ta hiện nay đều là phàm phu, đâu nhận biết được tâm?
Thiền tông có câu nói rất hay: “Đối với người nhận biết được tâm, thế giới này không một tấc đất.” Chư Phật Như Lai dạy bảo chúng ta không gì khác hơn là nhận biết được tâm. Nhận biết được tâm thì quý vị đã thành Phật rồi. Do đó có thể biết rằng, trừ ra chư Phật, Bồ Tát, không ai khác có thể nhận biết được tâm. Các vị thanh văn, duyên giác chưa hề “minh tâm kiến tánh” (sáng rõ được tâm, thấy được tự tánh). Nói cách khác, các vị này vẫn còn chưa nhận biết được tâm, huống chi những người tu hành còn thấp hơn nữa.
Tâm khởi lên tác dụng, thành ra tư tưởng, thành ra kiến giải. Những tư tưởng, kiến giải đó đều là sai lầm. Sai lầm ở chỗ nào? Nhà Phật dạy rằng, [những tư tưởng, kiến giải đó đều đã bị] chướng ngại bởi vô minh, bị khuấy động bởi phiền não. Đạo Phật nói như vậy, Nho gia cũng nói như vậy. Cho nên, đạo Phật, đạo Nho khi bàn đến việc tu hành đều nói trước hết phải dứt trừ phiền não, sau đó mới khai mở được trí tuệ. Trí tuệ khai mở rồi, quý vị mới nhận biết được tâm. Cương lĩnh tiết mục của nền giáo dục Nho giáo cũng nói như vậy, đó là “cách vật trí tri” (quan sát đối tượng để đạt đến sự hiểu biết). Hai chữ “cách vật” (quan sát đối tượng) thật trọng yếu biết bao! Chúng ta ngày nay công phu tu học không đạt hiệu quả, chính vì không từ chỗ này hạ thủ công phu, khởi sự tu tập, không làm gì cả.
Chữ vật [trong “cách vật”] đó là gì? Là tham muốn dục vọng, là vật dục. Hết thảy chúng sinh đối với vật dục đều tham luyến, bám chấp sâu sắc. Quả báo của sự tham muốn đó là đời đời kiếp kiếp tạo thành luân hồi, tạo thành ba đường ác.
Cho nên, quý vị tu hành nếu muốn thành tựu thì phải buông xả năm dục sáu trần cho hết sạch, như vậy mới có lối thoát. Không chỉ là không được tham muốn các pháp thế gian, cho đến pháp Phật cũng không được tham muốn. Kinh Kim Cang nói rất rõ ràng: “Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp.” (Pháp còn phải buông xả, huống chi những gì không phải pháp.)
Chúng ta thử nghĩ xem, vì sao bản thân mình [tu hành] không thể thành tựu? Vì sao vẫn tạo nghiệp địa ngục? Có nhiều người học Phật tạo nghiệp địa ngục, tôi đã nhìn thấy rất nhiều. Hiện nay tạo nghiệp địa ngục, tương lai nhất định phải chịu quả báo trong địa ngục. Không biết được quả báo là đáng sợ nên mới dám tạo nghiệp, nên khởi tâm động niệm đều nghĩ việc riêng tư, giành lợi riêng cho mình, khởi tâm động niệm đều lừa dối chúng sinh, lừa dối Phật, Bồ Tát. Đó gọi là dối mình dối người. Người như vậy dùng tâm gì [để tu tập]? Dùng tâm như vậy [tu tập] làm sao có thể thành tựu? Dùng tâm như thế mà làm việc tốt thì cũng có quả báo. Quả báo tại đâu? Quả báo [đi vào] trong ba đường, sáu nẻo mà nhận lãnh.
Nếu như không giữ trọn năm giới và mười nghiệp lành. Nói thật ra, người giữ trọn năm giới và mười nghiệp lành không nhiều. Trước hết là không thành thật. Trong năm giới có giới không nói dối. Trong mười nghiệp lành cũng dạy không nói dối, không nói lời ác độc, không nói hai lưỡi, không nói lời trau chuốt vô nghĩa. Chúng ta tự nghĩ xem bản thân mình có phạm vào [nói dối] hay không? Nếu có, kinh Địa Tạng đã nói rất rõ ràng, quý vị làm sao tránh khỏi địa ngục kéo lưỡi? Không cần nói đến việc thực sự nói dối, chỉ cần khởi lên ý niệm gian dối là đã tạo nghiệp rồi. Điều này từ trước chúng ta đã đọc qua không ít, nhưng khởi tâm động niệm vẫn đang tạo nghiệp. Tự thân mình nếu muốn được quả báo tốt đẹp thì đâu có chuyện như thế?
Trước đây khi tôi thuyết giảng ở Houston (Texas), có gặp Thái lão cư sĩ, con trai của Lão cư sĩ Thái Niệm Sinh, cùng dùng cơm với nhau, bàn đến việc vì sao tu học không thể thành tựu, ông nói một câu rất hay: “Người công phu tu tập không thể thành tựu, nguyên do là không biết xấu hổ.” Tôi nghe qua rồi suy ngẫm câu này rất sâu. Quả thật là do không biết xấu hổ. Nho gia nói: “Biết xấu hổ là gần đạt đức dũng.” Dũng là tinh tấn không lười nhác. Vì sao không thể tinh tấn? Vì không biết xấu hổ.
Hôm đó chúng tôi trò chuyện cũng đi đến một kết luận cụ thể, hy vọng có thể vận động thúc đẩy khuynh hướng “biết xấu hổ”. Tôi còn nghĩ đến việc hình thành một học hội “biết xấu hổ”. Biết xấu hổ chính là nền tảng căn bản của các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian. Bồ Tát biết xấu hổ, nhờ đó các ngài có thể thành Phật. Thanh văn, duyên giác biết xấu hổ, nhờ đó các ngài có thể tinh tấn.
Thế nào gọi là biết xấu hổ? Tự thấy mình không [thành tựu] bằng người khác là đáng xấu hổ. Phải dựa theo người nào làm tiêu chuẩn [so sánh]? Phải lấy chư Phật, Bồ Tát làm tiêu chuẩn [so sánh]. Chúng ta mỗi mỗi đều không sánh bằng chư Phật, Bồ Tát, đó là điều rất đáng xấu hổ. Phải hướng theo chư Phật, Bồ Tát mà học tập. Chư Phật, Bồ Tát thân tâm đều thanh tịnh, hết thảy các pháp thế gian cũng như xuất thế gian đều buông bỏ hết sạch. Các ngài có thể làm được như vậy, chúng ta vì sao không làm được? Chúng ta vì sao vẫn cứ tham lam, vướng mắc, vẫn cứ liều mạng mưu cầu [đủ thứ]? Thật sai trái!
Phật pháp dạy về cách dụng tâm đều khuyên người phát tâm Bồ-đề. Trong tâm Bồ-đề thì giảng về tâm ngay thẳng, tâm chí thành. Đó là hiếu. Tâm chân thành hết mức, đó là chân tâm, đó là bản tánh, là bản thể của tâm Bồ-đề. Tâm tánh khởi lên tác dụng liền có phần đối với tự thân, có phần đối với người khác. Đối với tự thân là tâm sâu vững. Tâm sâu vững là tâm tự làm lợi ích cho mình. Đối với người khác là tâm đại bi. Tâm đại từ bi là tâm làm lợi ích cho người khác. Cho nên, tâm sâu vững với tâm đại bi đều là ý nghĩa của chữ trung. Tâm của quý vị khởi lên tác dụng [sâu vững, từ bi] như vậy là đúng, là hoàn toàn chân chánh không tà vạy. Thế nào gọi là tâm sâu vững? Bậc cổ đức giải thích là “hiếu đức hiếu thiện” (yêu thích đức độ, hiền thiện). Cách giải thích này không sai, đó là tâm yêu thích đức độ, hiền thiện.
Thế nào gọi là đức độ? Phần trước đã giảng qua, giữ gìn tâm là đức. Giữ gìn tâm nào? Chúng tôi đem những lời răn dạy của các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian gom lại thành 10 chữ: “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Trong tâm thường gìn giữ [những phẩm tính] như 10 chữ này thì đó là tâm sâu vững, đó là tự mình được lợi lạc. Quý vị nếu thường giữ gìn theo 10 chữ này thì tự nhiên được khỏe mạnh sống lâu, tâm tư tình cảm luôn vui thích khoan khoái, người thế gian gọi là được hạnh phúc mỹ mãn, biểu hiện rõ ra bên ngoài. Bao nhiêu lo âu, phiền não, tội nghiệp của quý vị cũng có thể được tiêu trừ.
Nếu như trái ngược với [những phẩm tính trong] 10 chữ này, đó là quý vị tạo nghiệp, quý vị không thể lìa khỏi phiền não, không thể lìa khỏi lo âu, không thể lìa xa nghiệp ác. Tâm giữ theo được 10 chữ này, đó là có đức độ. Phần trước đã giảng qua về “tích đức [lũy công]”. Mỗi một ý niệm đều không quên 10 chữ này, đó là “tích đức”, khởi tâm đại bi làm lợi lạc người khác, đó là “lũy công”.
Nếu quý vị thật có tích đức, thì đức biểu hiện ở đâu? Biểu hiện ra bên ngoài qua hình tướng của quý vị. Người xưa gọi đó là: “Thành ư trung nhi hình ư ngoại.” (Trong lòng chân thành thì biểu hiện ra hình tướng bên ngoài.) Tướng mạo, hành vi, thái độ của quý vị sẽ biểu hiện hoàn toàn [những phẩm tính trong] 10 chữ này ra bên ngoài, trên vẻ mặt của quý vị. Phật pháp dạy rằng: “Lục căn môn đầu phóng quang động địa.” (Từ cửa ngõ sáu căn phóng xuất hào quang chấn động cõi đất.) Điều gì phóng xuất hào quang? Là [những phẩm tính trong] 10 chữ này phóng xuất hào quang. “Chấn động cõi đất” là nói việc làm cảm động người khác.
[Giữ theo 10 chữ này thì] tướng mạo, ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ của quý vị tự nhiên hiển lộ ra bên ngoài các phẩm tính “nhìn thấu, buông hết, tự tại, tùy duyên”. Tám chữ này cũng là phóng xuất hào quang chấn động cõi đất. Tu tập thêm pháp niệm Phật nữa thì đó là không thể nghĩ bàn. Như vậy mới đạt đến cứu cánh viên mãn, rốt ráo trọn vẹn.
Đối với 10 chữ này, tôi nghĩ quý đồng học mỗi người đều thấu hiểu hết sức rõ ràng, đều có thể nói ra rành mạch. Chỉ có điều là không hề ghi khắc trong tâm, không đem áp dụng trong hành vi ứng xử, do đó mà công phu vẫn luôn không đạt hiệu quả, vẫn luôn tạo nghiệp luân chuyển sáu đường. Nói sáu đường là [nhẹ đi] cho dễ nghe, chứ trong thực tế đó là tạo nghiệp đi vào ba đường ác, vậy thì thành tựu được gì?
Về việc chúng ta học Phật trong những năm gần đây, ngày hôm kia đại sứ Trần có hỏi tôi rằng cương lĩnh tu tập hiện nay là gì. Tôi bảo ông ta là chúng ta có cương lĩnh chung gồm tám chữ: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm.” (Học để làm thầy người khác, hành động để nêu gương cho đời.) Còn mục đích [cụ thể của việc học Phật] là “tri ân báo ân” (biết ơn, đền ơn), đưa việc “biết ơn, đền ơn” này vào thực tiễn đời sống.
Người học Phật chúng ta ngoài miệng luôn nói đến việc biết ơn đền ơn, mỗi ngày đều tụng niệm [lời nguyện] “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”, nhưng bốn ơn nặng là gì thì không biết! Cha mẹ đối với ta có ơn gì? Thầy cô có ơn gì? Đất nước, xã hội có ơn gì? Hết thảy chúng sinh đối với ta có ơn gì? Mấy ai biết được những điều này? Không biết thì thật đáng xấu hổ. Biết mà không làm được cũng thật đáng xấu hổ. Cần phải thực sự nhận biết, hiểu rõ những điều đó.
Phật pháp dạy chúng ta [tu học] phải đủ các bước “tín, giải, hành, chứng” (tin nhận, hiểu rõ, thực hành, chứng đắc). Quý vị vì sao không làm được? Chỉ vì quý vị không hiểu rõ, không nhận thức được thấu suốt. Nếu quý vị hiểu rõ thấu suốt, nhất định sẽ làm được, không cần người khác khích lệ, không cần người khác cưỡng ép, chỉ tự mình tự động làm được.
Cũng có khi [quý vị] hiểu nhưng không hiểu được sâu, không hiểu được thấu suốt. Vì sao có trường hợp này? Vẫn chỉ là một câu đã nói, là do không ham học, không chịu học, như vậy thì hết cách!
Ai là người có thể học hỏi thấu đáo? Là người ham học, mới có thể học hỏi thấu đáo. Năm xưa tôi ở Đài Trung, gần gũi Lý lão sư, vào lúc ấy còn chưa xuất gia. Tôi gần gũi thầy Lý được một năm ba tháng, sau đó sang Đài Bắc xuất gia. Lúc ấy, Lý lão sư đã ở Đài Trung được mười năm, người theo học có đến mười mấy vạn người. Thầy hết sức cảm khái nói với đồ chúng một câu rằng: “Các ông theo tôi mười mấy năm nay chẳng học được gì cả, người học được thì đã đi rồi.”
Các bạn đồng học liền đến Đài Bắc tìm tôi, hỏi: “Lý lão sư nói ông là người học được pháp của thầy, vậy ông đã học được những gì?” Tôi đáp: “Lão sư không đặc biệt dạy riêng tôi, mỗi lúc vào học chẳng phải tôi vẫn học chung với mọi người đó sao?” Đó là lời chân thật. Lão sư xưa nay chưa từng có sự dạy dỗ đặc biệt riêng tôi, vì sao tôi có thể học được mà quý vị không thể học được? Vì tôi có lưu tâm, quý vị không lưu tâm. Tôi muốn học, chịu học, còn quý vị tuy mỗi ngày đều đến lớp ngồi, nghe được nhiều hơn tôi, có cơ hội nhiều hơn tôi, nhưng quý vị nghe rồi như gió thoảng qua tai, quý vị nghe rồi không hề ghi nhớ trong lòng. Cho nên, nếu không chịu học thì dù mỗi ngày kề cận bên thầy, trọn đời rồi cũng vẫn tạo nghiệp địa ngục, tạo nghiệp ba đường ác. Như vậy thật đáng tiếc vô cùng.
Hôm nay chúng ta xem xét đến hai chữ “trung hiếu”, cảm xúc của tôi thật vô cùng sâu sắc. Đoạn chú giải [của hai chữ này] cũng rất dài, có đến hơn 30 trang, hy vọng quý vị xem qua thật kỹ, xem rồi lại đến nghe tôi giảng giải.
Nếu thực sự chịu học, vui thích mà học, nỗ lực học tập thì quý vị nhất định sẽ được lợi ích. Lợi ích ấy không chỉ trong một đời, mà nhất định còn được vãng sinh, tâm không thối chuyển, tiến tới thành tựu quả Phật.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.