(Giảng ngày 9 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 22, số hồ sơ: 19-012-0022) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Xin mời xem câu thứ mười hai trong Cảm Ứng Thiên: “Nguyệt hối chi nhật, táo thần diệc nhiên.” (Đến ngày cuối tháng, thần bếp cũng [lên thiên tào báo cáo] như vậy.)
Tám chữ này là một đoạn. Bản văn Cảm ứng thiên vừa mở đầu đã nói rõ nguyên lý nghiệp nhân quả báo, tiếp theo nêu lên sự thật là gieo nhân lành nhất định được quả lành, tạo nhân ác nhất định không tránh khỏi quả báo xấu ác. Ngay sau đó lại nói về sự giám sát của thiên địa quỷ thần. Đối với việc này, người thời xưa đa số đều tin, nhưng người thời nay cho là mê tín, hoàn toàn không lưu tâm đến. Do đó có sự cảm ứng, phải hứng chịu nhiều tai họa lớn.
Có người cho rằng đa số tai họa đều do thiên nhiên gây ra, chẳng phải do con người. Cách suy nghĩ, giải thích này chắc chắn là sai lầm. Những người này không biết rằng, hết thảy chúng sinh trong pháp giới cùng khắp hư không với tự thân chúng ta vốn là một sinh thể thống nhất. Cho nên, mỗi một ý niệm, hành vi của chúng ta đều có liên quan đến hết thảy chúng sinh trong hư không pháp giới, đều có tác động qua lại ảnh hưởng đến nhau.
Ý nghĩa này trong kinh luận giảng giải rất nhiều, giảng giải rất chi tiết. Nếu chúng ta không thâm nhập được Kinh tạng thì đối với ý nghĩa này thật rất khó thể hội. Do đó mà chỉ biết buông xuôi theo tập khí phiền não của tự thân, tất nhiên tạo nghiệp xấu ác nặng nề. Tạo nhiều nghiệp ác như thế mà tự mình không hề hay biết.
Nếu tự mình biết được mình đang tạo nghiệp thì người như thế đã khai mở được sự giác ngộ, nhà Phật gọi là đã giác ngộ. Đã giác ngộ thì có thể quay đầu hướng thượng, đã giác ngộ thì có thể được cứu thoát. Quay đầu là bờ, liền có thể vượt thoát hết thảy mọi tai nạn, có thể thoát ra khỏi sáu đường, mười pháp giới. Người như thế đã là Phật, là Bồ Tát rồi. Nhưng người có căn tánh như vậy trong thế gian này thật hiếm hoi như sừng lân, lông phụng, trong muôn ngàn người cũng khó tìm được một. Trong kinh điển Phật dạy rằng, người như thế là có căn lành phước đức nhân duyên trong vô số kiếp quá khứ, nay đã thành thục mới được như vậy.
Đại đa số người khác đều không biết được [mình đang tạo nghiệp]. Chư Phật, Bồ Tát đối với những người này cũng không buông bỏ, thật là từ bi đến mức tận cùng, trước sau vẫn thị hiện giữa chúng sinh, trong sáu đường luân hồi, dùng đủ mọi phương tiện khơi dậy tánh giác của chúng sinh. Dù trong nhất thời, trong một kiếp không thành tựu được, các ngài cũng tiếp tục hóa độ trong nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta đời này có thể tỉnh ngộ, lẽ nào không phải nhờ chư Phật, Bồ Tát đã trải qua nhiều đời nhiều kiếp mở bày chỉ bảo? Chúng ta một phen bừng tỉnh nhận ra điều này, mới hiểu rõ được quả thật là “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân.” (Trong cửa Phật không bỏ người nào.) Nhưng trước đây khi ta chưa tỉnh ngộ, chưa quay đầu hướng thượng thì biển khổ mênh mang, nghiệp báo không thể suy lường nào ai biết được?
Trước mắt chúng ta đã thấy tai kiếp lớn lao. Tai kiếp ấy từ đâu mà đến? Là do nghiệp lực tạo thành. Nghiệp lực của ai? Người thực sự khế nhập Phật pháp đều biết đó là nghiệp lực của chính bản thân mình. Vì sao chúng sinh không thể hướng thiện? [Nhưng thôi,] hãy xét ở phạm vi nhỏ hơn, vì sao các bạn đồng tu của chúng ta không thể tu hành thật tốt, không thể y theo chánh lý, chánh pháp mà tu hành? Đó là vì tự thân ta chưa làm tốt, ta chưa nêu gương tốt để mọi người noi theo. Ta phải nhận lấy trách nhiệm, không thể đùn đẩy, quy trách cho người khác. Tự bản thân ta phải làm được một tấm gương rất tốt, như vậy là tự độ chính mình rồi mới cứu độ được cho người khác.
Nếu ta đã thực sự là một tấm gương tu tập tốt nhưng vẫn không cảm hóa được chúng sinh giác ngộ, thì đó là do nghiệp chướng của họ quá sâu nặng, chúng ta vẫn phải tiếp tục không ngừng giúp đỡ, hỗ trợ cho họ. Như trong kinh nói là dùng đủ mọi phương tiện, giúp đỡ hỗ trợ lâu dài, cuối cùng đến một ngày kia họ sẽ hiểu được, sẽ quay đầu hướng thiện. Công đức giáo hóa của chúng ta sẽ có kết quả, nhất định không hề uổng phí.
Trong Cảm ứng thiên có ba đoạn nói về việc quỷ thần giám sát người đời. Đoạn thứ nhất nói về thiên thần, đoạn thứ hai nói về ba thần thi. Ba thần thi tức là trong đạo Phật nói về thần thức. Hôm nay chúng ta xem đến [đoạn thứ ba,] hai câu nói về thần bếp.
Thần bếp giám sát trong nhà của một người, tức là một gia đình, giám sát cả một gia đình. Trước đó nói về thiên thần với ba thần thi đều là giám sát riêng mỗi người, còn đây là giám sát cả gia đình. Người trong một nhà đó làm thiện, làm ác, thần bếp đều rõ biết.
Ngày xưa, dân gian Trung quốc nhà nào cũng thờ cúng thần bếp, những người hơi lớn tuổi đều còn nhớ rất rõ. Thời ấy căn bếp của mỗi gia đình đều có bếp nấu củi, không phải hiện đại đến mức dùng bếp điện. Lúc xây lò, đặt bếp, trong nhà cũng dành một chỗ đặt cái khám nhỏ để thờ cúng thần bếp. Bên cạnh khám thờ thần bếp thường đặt một đôi liễn, tôi vẫn còn nhớ rõ một vế là “Lên trời làm việc tốt”, vế còn lại là “Xuống đất giữ bình an”.
Theo tập tục thì thần bếp lên trời vào ngày 24 tháng chạp [hằng năm] để báo cáo những việc làm thiện, ác của gia đình đó trong suốt một năm. Người thời nay cho đó là mê tín, trong nhà không thờ cúng thần bếp nữa. Không thờ cúng thần bếp, vậy thần bếp có quản đến việc trong nhà của quý vị hay không? Vẫn quản như trước thôi, tuyệt đối không phải khi ta không thờ cúng thì thần bếp không quản việc thiện ác nữa, mà là vẫn quản như trước. Cho nên, từ sự giám sát của quỷ thần trong trời đất, chúng ta hiểu ra được một sự thật là mọi chuyện lành dữ, họa phúc đều có điềm báo trước, có sự cảnh báo trước để cảnh cáo chúng ta. Những cảnh báo ấy có rất nhiều trong hoàn cảnh trước mắt, chỉ cần chúng ta tỉnh táo, chú ý quan sát thì hầu như mọi sự tiếp xúc nhận biết của các giác quan chúng ta đều là dấu hiệu cảnh báo. Những dấu hiệu cảnh báo ấy đều là không tốt, hết sức bất lợi, cho nên chúng ta tự mình nhất định phải thực hiện một sự chuyển biến lớn.
Tôi được tiếp xúc với Phật pháp từ năm 26 tuổi, lúc đó đã có cảm giác như quá muộn rồi. Tôi vừa học Phật thì Đại sư Chương Gia đem mọi việc như thế dạy bảo cho tôi. Tôi tin nhận, y theo lời dạy mà làm. Những lời răn dạy của thầy thảy đều chân thật, cho nên tôi cảm ơn thầy, suốt một đời này luôn sống trong niềm biết ơn đó. Tôi giúp đỡ người khác, dạy bảo người khác cũng đều với tâm thái mà trước đây thầy đã dạy dỗ tôi, tức là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, không hề phân biệt, đối với hết thảy mọi việc trong thế gian đều không mong cầu. Đặc biệt đến ngày nay đã lớn tuổi rồi, những năm xế chiều còn có gì mà không buông xả?
Nếu y theo nghiệp báo [đời trước] hẳn tôi đã chết sớm rồi, đã xa lìa thế gian này rồi. Đây cũng là một tấm gương cho quý vị noi theo. Quý vị cứ xem gương tôi hẳn sẽ có chỗ hiểu ra. Một đời tôi không có tuổi thọ nhiều, không có phước báo, nói theo trong Phật pháp thì đại khái là đời trước chỉ tu tuệ không tu phước, do đó cũng may mắn có được một chút trí tuệ, cùng với chúng sinh kết mối duyên lành, cho nên gặp được toàn những bậc thiện tri thức. Bản thân tôi cũng có một điều kiện tốt, đã từng nói qua với quý vị nhiều lần, là tôi rất ham học, chịu học, rất vui mừng được gần gũi các bậc thiện tri thức, rất vui mừng được đọc các sách khuyến thiện. Đó là bản thân tôi có đủ điều kiện [hướng thượng].
Tôi vốn không có phước báo, nhưng hiện nay mọi người đều thấy tôi có được một chút phước báo. Tháng trước, pháp sư Dụ Dân đến thăm tôi, ông là người biết đoán vận mạng. Ông đoán vận mạng cho tôi, nói rằng: “Pháp sư, thầy có vận tẩu lão, trong lòng hiện nay nghĩ đến việc gì cũng đều thành tựu, làm việc gì cũng đều thuận lợi, cũng thành tựu, tuổi thọ cũng lâu dài.” Hết thảy những chuyện ấy tôi đều không cầu. Tôi không cầu phước báo, cũng không cầu tuổi thọ.
Ngày trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng kinh, dạy học ở Đài Trung, mỗi khi thấy trong số học sinh có người mệnh bạc, người có số mạng ngắn ngủi, người không có phước báo, thầy đều đặc biệt khuyên bảo những người ấy phát tâm hoằng pháp lợi sinh. Thầy dạy: “Hoằng pháp lợi sinh là phước báo lớn nhất thế gian.” Tôi cũng được thầy khuyến khích dẫn dắt nên mới đi theo con đường này, quả thật rất hiệu quả.
Chỉ có điều là muốn vậy thì từ trong thân tâm cho đến thế giới bên ngoài nhất thiết phải buông xả hết, phát tâm làm việc là vì [nghĩ đến] chư Phật, Bồ Tát, vì hết thảy chúng sinh phụng sự. Hết thảy chúng sinh có phước báo, chư Phật, Bồ Tát muốn quý vị phụng sự, tự nhiên quý vị sẽ được chư Phật hộ niệm, các vị trời, rồng, thiện thần theo ủng hộ, quý vị không cần tìm kiếm, các vị ấy tự nhiên tìm đến. Tuyệt đối không theo ý riêng của mình, muốn gì làm nấy, như vậy là sai lầm, là nhất định tạo nghiệp. Tạo nghiệp là tổn giảm phước báo của bản thân, nghĩa là những phước báo quý vị tu tích được trong đời quá khứ sẽ bị tổn giảm.
Trong Liễu Phàm tứ huấn và Cảm ứng thiên tuy giảng nói rất nhiều, thật ra cũng chỉ để làm rõ điều này: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định.” (Mỗi một miếng cơm ngụm nước đều đã định trước.) Đều là do chính bản thân quý vị định trước. Điều này chứng tỏ các pháp thế gian và xuất thế gian là một tổng thể nhân duyên quả báo. Quý vị hiểu rõ được ý nghĩa này thì sẽ gieo nhân lành, sẽ giữ lòng tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt, quả báo vô cùng tốt đẹp.
Đối với người học Phật, đức Phật chính là điển hình, là khuôn mẫu của chúng ta. Tâm Phật thanh tịnh, bình đẳng, chân thành. Đức Phật đối với hết thảy chúng sinh đều từ bi, thương yêu bảo bọc, quan tâm không bỏ sót điều nhỏ nhặt nào. Ta phải luôn đem lòng chân thành, cung kính đối xử với người, với sự vật. Chúng ta phải chú tâm quán sát kỹ lưỡng, phải biết học theo như thế nào? Đức Phật không chỉ khuyên dạy ta bằng lời nói, ngài còn dùng công hạnh của tự thân để dạy dỗ chúng ta.
Những điều đức Phật dạy cho ta đều hết mức hiền thiện, hết mức tốt đẹp. Cho nên, khế nhập vào cảnh giới của Phật thì không gian hoạt động của ta thật lớn lao, rộng đến tận cùng hư không, biến khắp pháp giới. [Khi ấy,] những gì chúng ta nghĩ tưởng, suy xét liệu lường, tuyệt đối không chỉ là trong một vòng giới hạn nhỏ nhoi, không chỉ là trong một thế giới, mà là vô lượng vô biên cõi Phật. Tấm lòng như vậy lớn đến mức nào? Đó chính là tâm lượng lớn thì phúc đức lớn. Cho nên, phúc đức trí tuệ của Phật đều trọn đủ, không có gì là không thể bao dung.
Chúng ta ngày nay thử xét nơi một đạo tràng, chỉ có mấy người xuất gia cùng sống, hỗ tương qua lại đã không thể bao dung cho nhau, như vậy thì có phước báo gì? Phước báo như thế thật đáng thương xót, nhỏ nhoi quá, hưởng tận rồi đi vào ba đường ác. Lý lẽ đúng thật này ta phải nhận hiểu cho rõ ràng, sáng tỏ.
Thần bếp là thật có, tuyệt đối không phải giả dối bày ra. Không chỉ có thần bếp, mà trong mỗi nhà còn có rất nhiều quỷ thần, như nơi cửa ra vào có thần cửa. Quý vị nên đọc sách Lễ ký thì sẽ hiểu được. Vốn dĩ trong mỗi căn phòng, mỗi góc nhà đều có quỷ thần cư trú. Chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng hành động, người khác không thấy biết nhưng quỷ thần luôn thấy biết hết sức rõ ràng.
Đời nhà Minh có bài văn “Du Tịnh Ý công ngộ táo thần ký” (Chuyện Du Tịnh Ý gặp thần bếp), do người đồng hương của Du Tịnh Ý ghi chép lại, hoàn toàn là sự thật. Chuyện này được in thêm vào phía sau sách Liễu Phàm tứ huấn, lúc trước tôi đã từng giảng qua một lần, giảng rất chi tiết, quý vị có thể dùng [nội dung ấy] để tham khảo. Không chỉ riêng mình Du Tịnh Ý gặp thần bếp, chúng ta xem trong những ghi chép của người xưa thấy có rất nhiều. Nhưng bài văn này được viết tường tận và chi tiết nhất, hay nhất, nên được Pháp sư Ấn Quang chọn để lưu hành.
Những người có học, người tu hành, thường tự thấy mình là người hiền thiện, tốt đẹp. Người khác nhìn vào cũng thấy là rất tốt. Mỗi ngày đều làm việc thiện, nói lời tốt, làm việc tốt. Du Tịnh Ý ban đầu cũng là người như vậy, nhưng cứ mãi nghèo khổ vất vả. Tự thân ông thấy mình toàn làm việc thiện, chưa từng làm bất cứ điều gì xấu ác, nhưng nghèo khổ mãi như thế thật là trời ban quả báo không công bằng.
Thần bếp rất từ bi, biết ông là người có học thức, nếu được chỉ bày dạy bảo sẽ tiếp nhận được, có thể phản tỉnh, liền thị hiện bảo ông: “Hành vi của ông tuy giống như hiền thiện mà tâm niệm, ý nghĩ lại rất xấu ác, nhưng ông không biết phản tỉnh suy xét. Do tâm niệm, ý nghĩ xấu ác, nên những điều thiện ông làm đều không thực tế, không chân thật. Vì thế, quỷ thần trong trời đất theo giám sát ông, thấy từ ngày đầu năm cho đến cuối năm không hề có lấy một việc thiện chân thật, toàn là những việc phô diễn, giả dối, cố làm ra dáng cho người khác xem. Đó là những việc thiện giả dối, không phải chân thật.” Được thần bếp chỉ bày như vậy, ông bừng tỉnh nhận ra sự thật, thực sự hiểu rõ được vấn đề.
Con người tạo nghiệp ác chưa đáng sợ, chỉ sợ không thể quay đầu hướng thượng, chỉ sợ không thể nhận biết hiểu rõ. Nếu chịu quay đầu hướng thượng, có thể nhận biết hiểu rõ thì đều cứu được. Mỗi một người là như vậy, một gia đình cũng như vậy, cho đến toàn xã hội, quốc gia hay cả thế giới cũng cùng một lẽ đó.
Hiện tại kiếp nạn ngay trước mắt, mọi người đều biết, vậy kiếp nạn này có cứu vãn được chăng? Nhất định cứu vãn được. Từ đâu bắt đầu cứu vãn? Từ trong lòng người mà bắt đầu cứu vãn, từ trong tâm mỗi người mà cứu vãn. Tự tâm mỗi người phải thực hiện một sự chuyển biến lớn, dứt ác tu thiện, phá trừ si mê mở ra giác ngộ, vậy mới cứu vãn được.
Hy vọng mọi người thực sự nỗ lực, sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân, không chỉ tự mình được cứu độ mà cũng giúp đỡ, hỗ trợ được cho người khác, công đức lớn lao không gì bằng.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.