(Giảng ngày 5 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 18, số lưu trữ: 19-012-0018) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Bài văn Cảm ứng thiên, từ câu thứ ba đến câu thứ chín là một đoạn. Đoạn này nói tổng quát về quả báo của các nghiệp ác. Câu chữ không nhiều, nhưng hàm nghĩa cực kỳ sâu rộng. Theo sau là một đoạn rất dài, giảng rõ với chúng ta về những tình huống tạo nghiệp ác của người đời, cũng có thể xem là phần chú giải cho sáu câu trước đó. Những việc làm ác này, từ xưa đến nay, ở khắp mọi nơi, nói thật ra là không kể xiết. Hơn nữa, người đời mỗi ngày lại vẫn đang tiếp tục, không biết quay đầu, không biết tỉnh ngộ.
Người ta sống ở thế gian này chỉ mấy chục năm ngắn ngủi, thoáng chốc như vừa khảy móng tay, mọi thứ đã trôi vào quá khứ. Khi tôi còn trẻ, năm 22 tuổi đến Đài Loan, vừa chớp mắt đó nay đã thành ông lão hơn bảy mươi rồi. Bạn bè một thời cùng đọc sách, cùng làm việc, cùng tu học với tôi, ngày nay có đến hai phần ba đã tạ thế rồi. Cho nên, đời người ngắn ngủi là thế. Nhưng phải biết rằng, không phải sau khi chết thì mọi thứ đều không còn. Con người chết đi rồi, ngày tháng sau đó vẫn còn rất dài. Các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian đều nói cho ta biết về điều đó, đã nói rất nhiều, nói rất chi tiết tường tận, bằng nhiều cách khác nhau.
Làm việc thiện có quả báo lành, sau khi chết sinh về nơi tốt đẹp, ở mức thấp nhất cũng được hưởng phước báo trong hai cõi trời, người. Phước báo cõi người ngắn ngủi, chúng ta đều biết. Phước báo cõi trời được lâu dài hơn, nhưng phải biết rằng, dù lâu dài cũng vẫn có giới hạn. Cho nên, những người thực sự thông minh trí tuệ, không ai không mong cầu vượt thoát ra ngoài ba cõi.
Không cần nói đến chuyện vượt thoát ngoài ba cõi, [muốn hưởng] phước báo trong cõi trời, người cũng phải theo pháp tu tập tạo phước nghiệp cõi trời, người. Vì sao lại làm việc ác? Vì sao phải khởi niệm ác, phải suy nghĩ ác? Chúng ta muốn dứt ác tu thiện thì phải đem những xấu ác trong tư tưởng dứt trừ tận gốc, sau đó thì mọi hành vi sẽ tự nhiên hiền thiện. Sự hiền thiện ấy không phải được tạo ra, mà vốn là từ trong nội tâm tự nhiên trôi chảy hiển lộ thành. Chúng ta đều là những người cùng học Phật, trong kinh điển, ngữ lục, chư Phật và các vị tổ sư dạy ta rất nhiều về việc này.
Và nói đến việc tu tập thì ai tu người ấy được hưởng. Đó gọi là: “Ông tu ông được, bà tu bà được, không tu thì không được.” Người khác tu tập thì chúng ta không được hưởng phần. Chúng ta thấy trong Pháp hội Lăng Nghiêm, Tôn giả A-nan cũng có ý tưởng sai lầm, cho rằng đức Thế Tôn là anh họ của mình, nên việc tu tập hành trì của bản thân có thể sơ sài đôi chút, đến lúc cần hẳn có thể nhờ cậy nơi Thế Tôn. Kết quả đến khi gặp nạn Ma-đăng-già mới thực sự hiểu ra, công phu tu hành của Phật thì mình không hưởng được, nhất định phải dựa vào sự tu tập của chính bản thân mình. Công đức [tu hành] là như vậy, phước báo lẽ nào không như vậy? Ý nghĩa này chúng ta cần phải thấu hiểu rõ ràng, minh bạch.
Chúng ta cũng có thể dựa vào phước báo của người khác đôi chút, nhưng cần phải có duyên phần, mà phải đầy đủ các duyên. Ví như chúng ta hiện nay ở trong cõi người, sinh ra đồng thời, cùng ở một nơi, đó là trong quá khứ đã từng có duyên phần ấy. Nếu người kia nhiều tiền của, ta không có, họ có thể giúp ta một chút, ta có thể dựa vào họ một chút. Nếu như đôi bên không sinh ra cùng nơi chốn, không cùng thời đại, dù người ấy muốn giúp ta cũng không thể giúp. Những việc như thế vì sao không chịu nhiều lần suy ngẫm?
Cho nên, người ta sống ở đời, điều quan trọng tối yếu là phải làm việc thiện đối với người khác. Dù đó là người ác, ta cũng phải đem tâm hiền thiện, dùng thiện hạnh đối đãi với họ. Lâu dần, kẻ xấu ác được cảm hóa cũng hướng về điều thiện. Nếu họ không thể quay đầu hướng thiện, đó là sức cảm hóa của ta chưa đủ mạnh. Bản thân ta phải sinh lòng hổ thẹn vì việc ấy, phải khởi tâm sám hối: “Mình đã làm không tốt, không giúp được người ấy quay đầu hướng thiện.” Tâm đại từ bi khởi sinh là từ chỗ nhìn thấy người khác làm việc ác, nhìn thấy người khác bị đọa lạc. Đó là điều trong kinh điển đức Phật dạy là: “Phật pháp nhân duyên sinh.” (Phật pháp do nhân duyên mà sinh.)
Chư Phật, Bồ Tát thị hiện trong sáu đường luân hồi, thị hiện giữa chốn nhân gian, các ngài vì sao thị hiện? Vì cảm ứng, chúng sinh có cảm nên chư Phật có ứng. Cảm ứng cũng là duyên sinh, cảm với ứng đều là duyên. Chính vì vậy nên Phật pháp cũng là duyên sinh. Nói chung, tất cả các pháp do duyên sinh thì tự thể đều là không, rốt cùng không thể nắm bắt. Chư Phật thấu triệt, chư Bồ Tát cũng hiểu rõ điều này, nên các ngài ứng hóa tại thế gian, dốc toàn tâm toàn lực cứu giúp hết thảy chúng sinh khổ nạn, nhưng không bám chấp nơi hình tướng.
Trong kinh Kim Cang, đức Thế Tôn dạy Tôn giả Tu-bồ-đề khi giáo hóa cứu độ chúng sinh cần phải chú ý đến sự không bám chấp này. Đây cũng là lời dạy cho chúng ta. Trong kinh, Phật dạy các Bồ Tát khi thị hiện trong sáu đường luân hồi, trong chín pháp giới, nhất định phải giữ theo một nguyên tắc: “Bất thủ ư tướng, như như bất động.” (Không nắm giữ hình tướng, như như chẳng xao động.) Như thế mới gọi là Bồ Tát chân thật. “Không nắm giữ hình tướng” là bên ngoài không bám chấp hình tướng. “Như như chẳng xao động” là trong tâm không hề xao động. Như vậy mới có đủ năng lực để ứng hóa thị hiện.
Nếu bên ngoài bám chấp hình tướng, trong tâm xao động, thì đó chính là tạo nghiệp. Đã tạo nghiệp thì có lẽ nào không nhận lãnh quả báo? Quý vị nói rằng mình làm vì chư Phật, Bồ Tát, vì hết thảy chúng sinh phục vụ, nhưng nếu bám chấp nơi hình tướng, trong tâm xao động, thì đó vẫn là nghiệp báo. Nếu bám chấp nơi hình tướng bất thiện, động tâm bất thiện, khởi sinh những tâm chướng ngại như tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, tật đố, thì nói thật ra đều là những quả báo phải vào địa ngục. Chúng ta suy ngẫm xem, bản thân mình có động tâm, có khởi sinh những ý niệm như thế hay không? Nếu quả thật có thì phải mau mau gấp rút sám hối.
Chúng ta chú tâm quan sát kỹ, ngay trong đời này ta đã gặp rất nhiều người xuất gia. Những người ấy vào lúc lâm chung, lìa bỏ cuộc đời này, đã biểu hiện những hình tướng thế nào thì chúng ta đều tận mắt chứng kiến, tự mình nghe biết. Đó là những hiện tượng gì? Chúng ta ngày nay tự thân được làm người xuất gia, trong tương lai đến lúc chết liệu sẽ chết như thế nào? Liệu có ra đi trong trạng thái thần trí mơ màng mờ mịt hay không? Liệu có phải lâm cơn bệnh nặng, mê man bất tỉnh không còn biết gì lúc ra đi hay không?
Người lâm chung nếu trong tình trạng bệnh nặng, mê man bất tỉnh, không còn nhận biết được thân nhân quyến thuộc, thì nhất định phải tái sinh vào ba đường ác. Nếu được tái sinh vào hai cõi trời, người thì thần trí [lúc lâm chung] hết sức minh mẫn.
Chúng ta ở chốn thế gian này cùng người khác tranh chấp những gì? Đối với người khác mà tranh danh đoạt lợi thì hãy chuẩn bị mà đi vào ba đường ác. Nếu thực sự mong cầu được sinh về thế giới Cực Lạc thì phải hoàn toàn buông xả hết thị phi, nhân ngã, tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn. Trong việc hoằng pháp lợi sinh, phải thực sự đạt đến chỗ bên ngoài không bám chấp hình tướng, trong tâm không xao động, chỉ duy nhất đem một tấm lòng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi mà xử sự, mà đối đãi với người, tiếp xúc với muôn vật.
Trong đời này nếu bị người khác sỉ nhục, hủy báng, hãm hại, ta đối với người ấy phải chân thành cảm kích, biết ơn. Biết ơn vì điều gì? Vì đã giúp ta tiêu trừ nghiệp chướng. Bao nhiêu nghiệp tội ta đã tạo trong đời quá khứ cũng như đời này đều nhờ đó xem như trả hết, vì ta đối với người ấy tuyệt đối không một mảy may oán hận. Nếu ta có một mảy may oán hận, chẳng những nghiệp chướng không được tiêu trừ mà còn tăng trưởng nhiều hơn. Phải thấy rằng điều này [được quyết định] chỉ trong một ý niệm. Một ý niệm đó có thể là mê hoặc ngộ, là họa hay phúc, là lành hoặc dữ.
Nên biết rằng, hết thảy các pháp thế gian, trong kinh Phật thường dạy là mười pháp giới, sự trang nghiêm của y báo và chính báo, đều chỉ như mộng ảo, bọt nước. Hết thảy [hình tướng ấy] đều không chân thật. Chúng ta vì sao phải nhận biết đúng thật như vậy? [Vì có như vậy thì khi] người khác cần, ta sẽ mừng vui hoan hỷ cúng dường, hoan hỷ bố thí, không chỉ là những vật ngoài thân, mà ngay cả thân mạng ta cũng hoan hỷ bố thí. Tâm hoan hỷ bố thí như vậy sẽ được vô lượng vô biên phước báo.
Những lời Phật dạy trong kinh điển, mỗi câu mỗi chữ đều chân thật, không có lời giả dối. Y theo pháp Phật mà tu học chắc chắn sẽ được lợi ích. Chúng ta vì sao không tin tưởng? Vì sao không chịu làm theo?
Có vị đồng tu kể với tôi một câu chuyện. Trước đây có lần ông mộng thấy Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong giấc mộng, ông thấy mình rơi vào một hoàn cảnh cực kỳ nguy nan, giống như trên một hòn đảo nhỏ, bốn bên đều là biển cả, sóng gió dữ dội, mạng sống chỉ còn trong khoảnh khắc. Ngay lúc ấy, ông nhìn thấy Bồ Tát Quán Thế Âm, liền quỳ xuống đất cầu xin cứu nạn. Bồ Tát Quán Thế Âm không nói một lời, đưa tay chỉ xuống phía dưới, hàm ý bảo ông nhảy xuống. Ông nói: “Không được, bên dưới đó là biển cả, con nhảy xuống chẳng phải đường chết sao?” Bồ Tát Quán Thế Âm lại chỉ lần nữa, ông liền tin tưởng: “Bồ Tát đã bảo ta nhảy xuống thì ta cứ nhảy.” Kết quả khi ông nhảy xuống rồi liền thấy mình ở trên bàn tay Bồ Tát. Nếu không tin theo ắt là không được cứu. Ngay sau khi nhảy ông cũng không hề nghĩ đến việc Bồ Tát sẽ đưa tay nâng đỡ. Đỡ ông lên rồi, lại đưa đến một nơi an toàn, một nơi rất tốt đẹp. Ông rơi xuống trên mặt đất rồi thì không còn thấy Bồ Tát đâu nữa, chỉ thấy nơi ấy đang xây dựng một tòa lầu to lớn, phong cảnh thật xinh đẹp. Cả giấc mộng là như thế.
Cho nên, nhất định phải đặt niềm tin nơi chư Phật, Bồ Tát, tiếp nhận những lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát dạy chúng ta buông xả hết cả thân tâm, thế giới, thì ta phải buông xả, nhất định sẽ đạt đến chỗ tốt đẹp.
Trong việc xử sự, đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật, phải luôn hòa mục, xem hết thảy chúng sinh đều như Phật, Bồ Tát. Người có lòng tốt đối đãi với ta, phải cảm ơn vì được người quan tâm chiếu cố. Người đem lòng xấu ác đối đãi với ta, cũng phải cảm ơn, vì giúp ta tiêu trừ nghiệp chướng. Như vậy thì có người nào không phải thiện tri thức? Có người nào không phải Phật, Bồ Tát? Hết thảy quanh ta đều là thiện tri thức, đều là Phật, Bồ Tát. Như thế gọi là tu hành.
Nếu như chúng ta suốt một đời này luôn sống trong sự thành kính, sự biết ơn, sự sống như vậy phong phú biết bao! Người đời thường nói về ý nghĩa sự sống, giá trị của sự sống, trong thực tế thì đối với ý nghĩa và giá trị của sự sống, họ chỉ có khái niệm thôi, không thực sự hiểu được. Nhưng các bậc thánh hiền ở thế gian và xuất thế gian thì nhận hiểu rất rõ ràng, sáng tỏ. Các ngài đã tự mình thực hiện được các ý nghĩa và giá trị đó. Chúng ta không hề lưu ý, không hề chú tâm quan sát, cũng có thể vì thời đại của các bậc thánh hiền ấy cách ta quá xa, nên chúng ta xem nhẹ, không chú ý. Nếu chúng ta chú tâm đọc kỹ những sách xưa của các bậc thánh hiền, chú tâm thể hội, thì cũng không khó để nhận hiểu rõ. Sách vở thánh hiền quả thật rất đáng để chúng ta học tập.
Vì thế, [hôm nay] chúng ta giảng rộng những ý nghĩa rõ ràng trong bài văn Cảm ứng thiên, đặc biệt là sách Vị biên. Trước đây tôi có khuyên các vị đồng tu ở thư viện nên tụng đọc bản văn này như giới luật, mỗi ngày nên tụng đọc một lần cùng với việc trì giới, niệm Phật, nâng cao sự cảnh giác của bản thân.
Ví như chúng ta niệm Phật mỗi ngày từ sáng đến tối, nói như Đại sư Ngẫu Ích là “niệm đến mức trời mưa xuống không ướt, niệm đến mức giống hệt như tường đồng vách sắt”, nhưng ý niệm xấu ác, hành vi xấu ác không sửa chữa được, thì chỉ là uổng công vô ích. Đó chính là điều mà các bậc tổ sư, đại đức đã đem tâm từ bi khó nhọc răn dạy chúng ta. Chúng ta đối với lời răn dạy này phải luôn ghi khắc trong tâm, mỗi giây mỗi phút đều tự mình cảnh tỉnh, kiêng dè, giữ lòng tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt, nhất định được quả báo tốt đẹp. Ngược lại, nếu trái lời răn dạy của chư Phật, Bồ Tát, trái lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa, thì nhất định phải nhận quả báo không tốt.
Hôm qua tôi giảng kinh ở Hương Cảng (Hong Kong), vừa về lại Singapore thì có mấy vị đồng học từ châu Âu về đến nói với tôi, xã hội châu Âu hiện nay hỗn loạn, lòng người hoảng hốt lo sợ, bầu không khí chung hết sức không tốt. Nơi ấy có ít người học Phật, ít người hiểu được những lời răn dạy của các bậc hiền thánh xưa. Chúng ta nghe qua việc này rồi nên nghĩ tưởng đến họ, nghĩ cách làm sao đem hết sức lực nhỏ nhoi của mình ra mà giúp đỡ, hỗ trợ cho họ, đó là việc nên làm. Tuyệt đối không được nói rằng tai nạn của họ bên ấy chẳng liên quan gì đến ta. Quan niệm như thế là sai lầm. Dù khác biệt chủng tộc, khác biệt quốc gia, khác biệt tôn giáo tín ngưỡng, vẫn phải đem tâm từ bi bình đẳng mà đối đãi với họ. Nhìn thấy người khác gặp nạn cũng xem như chính mình gặp nạn, không có gì khác biệt. Cho dù sức mình không cứu được nạn, cũng phải khởi tâm như thế. Tâm như thế chính là lòng tốt.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.