(Giảng ngày 22 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 35, số hồ sơ: 19-012-0035) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Trong sách Liễu Phàm tứ huấn, ở cuối đoạn nói về tích lũy công đức có giảng việc “tùy duyên giúp người”. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là vì chúng sinh phụng sự. Những việc phụng sự chúng sinh thì quá nhiều, cho nên trong sách nói nếu phân loại thì rất nhiều, có đến muôn hình vạn trạng.
Nếu hết lòng nhiệt thành vì chúng sinh phục vụ, nhưng chưa lìa bỏ được bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả như trong kinh Kim Cang đã giảng, đó chính là các bậc thánh hiền của thế gian.
Nếu đã trừ dứt được bốn tướng ấy, thực sự đạt đến mức không còn các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, vì hết thảy chúng sinh trong pháp giới mà phục vụ, đó chính là các vị Phật, Bồ Tát, các bậc đại thánh xuất thế.
Những điều như trên chúng ta cần phải nhận hiểu rõ ràng. Các bậc thánh nhân thế gian hay xuất thế gian khác biệt nhau là ở điểm này.
[Mặc dù có muôn hình vạn trạng,] nhưng trong sách này đề xuất việc phụng sự chúng sinh có thể tạm phân chia làm mười loại, cũng là mười cương lĩnh, khái quát được hết thảy những [hình thức] phụng sự chúng sinh.
Thứ nhất là “làm thiện với người khác”. Khởi tâm động niệm, hết thảy đều đem tâm lành đối đãi với người khác, xử thế với tâm hiền thiện. Các bậc thánh nhân thế gian hay xuất thế gian cũng đều giữ theo nguyên tắc này. Cho dù đối đãi với người xấu ác vẫn dùng tâm thiện, nói lời thiện, làm việc thiện. Như vậy mới có thể xưng là bậc thánh.
Vì sao vậy? Vì bản tính của con người vốn là hiền thiện. Sách giáo khoa vỡ lòng của Trung quốc là quyển Tam tự kinh, ngay câu đầu tiên đã nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện.” (Con người khi mới sinh ra vốn tính hiền thiện.) Vậy thì tại sao họ làm việc xấu ác? Vì sao lại cùng ta kết thành oán cừu? Đều là do mê hoặc, do hiểu sai, do không tỉnh giác.
Họ không hiểu biết [đạo lý], còn ta thì hiểu rõ. Nếu họ đem tâm xấu làm việc ác với ta, ta không thể đem tâm xấu làm việc ác với họ. Ý nghĩa này họ không hiểu được, còn ta hiểu được rõ ràng. Nếu thường giữ được tâm niệm hiền thiện như vậy thì đối với hết thảy chúng sinh trong các pháp giới cùng tận hư không, chẳng có ai mà mình không thể cùng chung sống.
Người khác không thể sống chung với mình, không nên trách họ, hãy quay lại tự xét mình. Nếu tự mình không có lỗi lầm gì, sao không thể sống chung cùng người khác? Có người không hiểu đến cùng lý lẽ, lúc nào cũng quy trách lỗi lầm về người khác. Cho nên, người như vậy dù có thực sự nỗ lực tu hành, tinh tấn không lười nhác cũng không thể chứng quả, thậm chí nghe pháp cũng không thể khai ngộ. Nguyên nhân là vì nghiệp chướng của tự thân không thể tiêu trừ, không tự biết được lỗi lầm của mình nằm ở đâu.
Như phần trên đã nói, muốn tích lũy công đức phải bắt đầu từ nơi khó khắc phục nhất mà hạ thủ công phu. Đó chính là đem tâm lành, việc lành đối đãi với người xấu ác, đối đãi với kẻ oán cừu. Đây là việc rất khó làm, nên phải từ đây mà hạ thủ công phu, từ đây mà khởi sự làm. Được như vậy mới là chân chính quay đầu hướng thiện, mới là chân chính giác ngộ.
Thứ hai là “giữ lòng yêu kính” [đối với người khác], đặc biệt là với những người khác biệt chủng tộc, khác biệt tôn giáo, thường nảy sinh sự ngăn cách tạo thành nhiều điều không vừa ý. Nguyên nhân là do khi đối đãi với người không cùng chủng tộc, không cùng tôn giáo, người ta không hề có lòng yêu kính. Người như vậy không hề biết rằng, hết thảy chúng sinh trong pháp giới cùng khắp hư không đều cùng một thể tánh, đều là chính mình. Không yêu kính người khác cũng là không yêu kính chính bản thân mình.
Nhà Phật nói về pháp thân, đó chính là hết thảy chúng sinh trong pháp giới cùng khắp hư không. Quý vị học Phật, phát nguyện thành Phật, thành Phật thì nhất định phải chứng đắc pháp thân thanh tịnh. Quý vị đối với những người không cùng chủng tộc, không cùng tôn giáo mà có sự phân biệt, có sự bám chấp thì quý vị vĩnh viễn không thể chứng đắc pháp thân. Hay nói cách khác, quý vị vĩnh viễn không thể trọn thành Phật đạo. Như vậy chẳng phải là tự hại bản thân mình rồi sao?
Tu hành trước hết phải giác ngộ. Các bậc cổ đức dạy chúng ta [tu tập phải đủ các bước] tín, giải, hành, chứng (tin, hiểu, thực hành và chứng đắc). Quý vị không tin không hiểu thì sự thực hành của quý vị chỉ là mù quáng. Tự mình tu hành mù quáng thì liệu có tự mình biết được điều đó hay chăng? Thật không biết được, còn tự cho rằng mình tu hành không có sai lầm, muốn dạy bảo người khác nữa.
Cho nên, trong kinh [Tứ thập nhị chương] đức Phật dạy ta hết sức rõ ràng, không nên tin vào tâm ý của chính mình. Đó là nói không nên tin vào kiến giải của bản thân mình, không nên tin vào tư tưởng, suy nghĩ của riêng mình. Lời Phật dạy là chân thật. Vậy đến lúc nào có thể tin vào kiến giải, tin vào tư tưởng của chính mình? Đó là sau khi đã chứng đắc quả A-la-hán. Khi ấy có thể tin vào cách suy nghĩ của mình, cách nhận thức của mình không có sai lầm.
A-la-hán là cảnh giới nào? Đó là khi đã dứt sạch “kiến tư phiền não” (những phiền não do thấy biết, suy nghĩ). Chúng ta thấy trong kinh Kim Cang nói về các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, [vị A-la-hán] không có hết thảy các tướng này. Không chỉ [vị chứng đắc] Tứ quả A-la-hán không có các tướng này, đến như [các vị chứng đắc] Sơ quả Tu-đà-hoàn cũng không có.
Nói cách khác, quý vị còn có bốn tướng [ngã, nhân, chúng sinh,thọ giả] là còn chưa chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, thì cách suy nghĩ, cách nhìn nhận của quý vị dù thế nào cũng chưa chính xác, vẫn còn sai lầm. Đối với sự sai lầm đó mà cho là chính xác thì quý vị vĩnh viễn không đạt được sự chính xác, vĩnh viễn không thể chứng đắc [Thánh quả].
Cho nên, những người học Phật sơ cơ, nói chung những người còn chưa chứng đắc quả A-la-hán, đều không thể lìa xa chư Phật, Bồ Tát. Chư Phật, Bồ Tát [đối với chúng ta] cũng như người chăm sóc bảo vệ, nếu lìa xa các ngài sẽ phát sinh vấn đề, phát sinh nguy hiểm, thậm chí là táng thân mất mạng. Trong [sự tu tập] Phật pháp thì nói là mất đi tuệ mạng, [tức là năng lực trí tuệ giác ngộ]. Vì thế, chúng ta đọc thấy trong các sách Cao tăng truyện, Cư sĩ truyện, Thiện nữ nhân truyện... các bậc tu hành ngày xưa, dù xuất gia hay tại gia cũng đều không xa lìa thiện tri thức. Có người thân cận với thiện tri thức suốt cả một đời, đến khi bậc thiện tri thức ấy đã vãng sinh rồi mới rời đi, đến giáo hóa ở một nơi khác. Ý nghĩa này hết sức sâu xa, hết sức rộng lớn, chúng ta cần phải suy ngẫm thật kỹ để thể hội.
Thứ ba là “thành tựu điều tốt đẹp cho người khác”. Cần phải hiểu rằng bản thân ta và người khác vốn không phải hai thực thể khác biệt nhau. Chúng sinh mang tâm phân biệt, mang tâm bám chấp. Chư Phật, Bồ Tát không có, các bậc giác ngộ không có [tâm phân biệt ấy].
Tôi ở Singapore này cùng các tôn giáo khác qua lại giao hảo, luôn nhiệt thành giúp đỡ, hỗ trợ cho họ. Họ làm việc tốt, tôi thành tựu cho họ. Có nhiều người đến chất vấn tôi: “Bạch thầy, tín đồ Phật giáo chúng con quyên góp những khoản cúng dường này là để làm Phật sự, tại sao thầy sử dụng để giúp đỡ các tôn giáo khác?”
Tôi nói: “Tôi không giúp đỡ các tôn giáo khác.”
Họ nói: “Thầy đã giúp cho Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Cơ Đốc giáo.”
Tôi đáp: “Đó đều là Phật giáo. Trong kinh Đại thừa nói: ‘Không một pháp nào không phải Phật pháp.’ Quý vị có nghe câu đó hay chăng?”
Những người ấy gật đầu: “Dạ, đã có nghe qua.”
Tôi nói: “Như vậy, Cơ Đốc giáo là Phật pháp, Thiên chúa giáo cũng là Phật pháp, Hồi giáo cũng là Phật pháp. Không một pháp nào không là Phật pháp. Tôi không hề làm việc cho ngoại đạo. Tôi làm việc của Phật giáo.”
Quý vị nếu có tư tưởng sai lầm như vậy, cách nhìn nhận sai lầm như vậy, thì đối với kinh điển Đại thừa không thể hiểu được. Phật dạy chúng ta buông xả mọi vọng tưởng phân biệt bám chấp, quý vị lại giữ chặt kiên cố những vọng tưởng, phân biệt, bám chấp, thì biết đến bao giờ mới được là đệ tử Phật?
Tâm lượng của Phật là trùm khắp hư không, bao quát pháp giới, quý vị đều biết. Quý vị lại thường niệm Phật hiệu, mở miệng là niệm Phật, nhưng tâm lượng của chính mình vẫn cứ nhỏ nhoi, vẫn không thể bao dung người khác, như vậy là không theo đúng lời răn dạy của Phật. Quý vị biết thương yêu bảo vệ động vật, thương yêu bảo vệ loài súc sinh, sao có thể nói là đối với người không cùng chủng tộc, không cùng tôn giáo thì quý vị đối lập? Những chúng sinh động vật kia đối với quý vị cũng là không cùng chủng tộc, vì sao đối với chúng lại thương yêu bảo vệ, đối với con người lại không thương yêu bảo vệ? Học Phật đến đâu rồi? Đọc kinh đến đâu rồi? Hồ đồ đến thế là cùng. Cần phải giác ngộ, hãy mở kinh ra đọc từng câu từng chữ mà suy ngẫm, suy ngẫm cho thật rõ ràng, thật sáng tỏ.
Thành tựu điều tốt đẹp cho người khác, “người khác” ở đây được dùng với nghĩa rộng, trong đó bao quát hết thảy chúng sinh mười pháp giới. Chỉ cần người khác làm việc tốt, chúng ta thấy được, nghe được, nhất định không có lòng ganh ghét, nhất định không gây trở ngại, thương tổn cho họ, mà phải phát tâm tùy hỷ công đức, hết lòng hết sức giúp đỡ hỗ trợ, bởi vì thành tựu cho người ấy cũng là thành tựu cho chính mình. Đó là thành tựu đức hạnh của chính mình, thành tựu tánh đức của chính mình.
Thứ tư là “khuyên người khác làm việc thiện”. Không chỉ là khuyên bảo bằng lời, còn phải dùng cả hành vi của tự thân để khuyên bảo, [gọi là thân khuyến]. Khuyên bảo bằng lời nghĩa là dùng ngôn ngữ, nên [những lời khuyên] viết ra thành sách vở, văn tự cũng đều xem là khuyên bảo bằng lời. [Ngoài những điều ấy ra,] nhất định còn phải tự thân mình nỗ lực làm thiện, nêu tấm gương tốt cho người noi theo, đó là thân khuyến.
Trong kinh điển, đức Phật thường dạy chúng ta [đối với giáo pháp] phải “thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết” (thọ trì tụng đọc, vì người khác diễn nói). Diễn là biểu diễn, [là hành vi phô diễn cho người khác xem,] đó là thân khuyến. Tự mình phải làm tấm gương sáng, làm khuôn mẫu tốt cho người khác nhìn vào noi theo, khơi dậy và phát triển tâm nguyện học tập [giáo pháp] của người khác.
Thứ năm là “cứu người nguy cấp”. Phần giảng giải ở đây mỗi điều đều hàm chưa ý nghĩa vô cùng sâu rộng. Tai nạn đã đến trước mắt rồi mới cứu giúp thì không kịp nữa. Cho nên, cứu người nguy cấp phải hiểu là [giúp người] phòng tránh từ khi [tai nạn] chưa xảy ra.
Sự nguy cấp từ đâu sinh ra? Chính là từ chỗ tạo nghiệp xấu ác mà sinh ra. Điều thực sự khẩn yếu trong việc cứu người nguy cấp chính là phải dạy cho họ biết dứt ác tu thiện, chuyển mê thành ngộ. Khi ấy thì sự nguy cấp mới thực sự được tiêu trừ.
Nhưng quý vị nghĩ xem, dạy người dứt ác tu thiện mà bản thân mình không dứt ác tu thiện được thì người khác làm sao tin theo? Khuyên người khác chuyển mê thành ngộ mà bản thân mình còn mê hoặc điên đảo thì người khác làm sao giác ngộ?
Cho nên, chư Phật, Bồ Tát đối với hết thảy mọi việc đều từ nơi tự thân mình khởi làm. Các ngài dạy chúng ta buông xả danh tiếng, lợi dưỡng thì tự thân các ngài thực sự làm được. Chỉ ba tấm y với một bình bát đi du hóa khắp nhân gian, thực sự đạt đến mức sáu căn thanh tịnh, một chút bụi trần cũng không nhiễm bẩn.
Chúng ta nhìn vào gương sáng của các ngài thì cảm nhận, suy nghĩ thế nào? Từ nơi hình tượng, khuôn mẫu ấy, ta có giác ngộ, hiểu ra được điều gì hay không? Nếu thực sự có giác ngộ, hiểu ra được điều gì thì nhất định sẽ vui mừng hoan hỷ làm theo, học tập theo. Đó là giác ngộ, là đã hiểu ra.
Nếu không làm được, không giác ngộ, thì chẳng những không làm được mà cho đến ngay nơi ý niệm cũng không chuyển hóa được. Trước hết, từ nơi ý niệm chuyển hóa được rồi thì sau đó đối với sự việc, hình tướng sẽ không khó làm.
Trong chúng ta đây cũng có một số vị đồng tu rất muốn học theo hạnh Bồ Tát, rất muốn tu theo đạo Bồ Tát, nhưng học tập cách gì rồi cũng không làm theo giống được. Nguyên nhân là vì đâu? Vì chưa chuyển hóa được ý niệm, vẫn giữ tâm phàm tục, vẫn giữ tâm mê muội, cuộc sống vẫn đắm chìm trong tình chấp, không hề giác ngộ, không hề hiểu ra. Như vậy cho nên việc học tập [noi gương] vô cùng nhọc nhằn, vô cùng khó khăn, rất dễ thối chuyển, ý nghĩa là ở chỗ này.
Cũng chính vì nguyên nhân này mà chư Phật, Bồ Tát khi thị hiện luôn xem việc giảng kinh thuyết pháp là hình thức giáo hóa quan trọng nhất. Mục đích của việc giảng kinh thuyết pháp là giúp chúng ta phá trừ si mê, mở ra giác ngộ. Sau khi giác ngộ, hiểu ra rồi thì làm bất kỳ việc gì cũng dễ dàng. Không giác ngộ, không hiểu ra thì làm gì cũng khó khăn, quả thật hết sức khó khăn. Cho nên trong Phật pháp, không chỉ Thiền tông mà cả Giáo tông cũng đều dạy ta khởi sự tu tập sau khi đã giác ngộ, nhận hiểu được giáo pháp. Không giác ngộ, không nhận hiểu được thì biết tu những gì?
Chỉ riêng Tịnh độ tông là khác biệt. Đối với Tịnh độ tông thì nhận hiểu và hành trì đồng thời cùng tu tiến, còn các pháp môn khác đều là sau khi nhận hiểu, giác ngộ giáo pháp rồi mới khởi sự tu tập. Không nhận hiểu thì không có chỗ để bắt đầu. Sự thù thắng của Tịnh độ tông là cho dù không nhận hiểu, chỉ với một câu “A-di-đà Phật” vẫn có thể chân thành trì niệm, vừa niệm Phật vừa tìm cầu giác ngộ, cùng một lúc hành trì cả hai việc.
Điều này trong vô số pháp môn chỉ duy nhất có ở Tịnh độ tông mà thôi. Cho nên mới gọi là “giáo ngoại biệt truyền” (truyền riêng ngoài giáo điển). Nhưng như vậy không có nghĩa là người tu pháp môn niệm Phật không cần giác ngộ, đặc biệt là với người phát tâm hoằng pháp. Không giác ngộ thì lấy gì để hoằng pháp? Lấy gì để dạy người khác? Cho nên, giác ngộ là điều cực kỳ trọng yếu. Thực sự giác ngộ rồi thì tự mình mới lìa xa được những điều nguy cấp, quý vị mới có khả năng cứu giúp sự nguy cấp của người khác.
Trong mười điều [được đề cập trên], chúng ta đã giảng đến năm điều, được phân nửa rồi. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.