Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 »» Bài giảng thứ 28 »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1
»» Bài giảng thứ 28

Donate

(Lượt xem: 1.682)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 - Bài giảng thứ 28

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 16 tháng 6 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 29, số hồ sơ: 19-012-0029)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Về nội dung “tích đức lũy công” trong Cảm ứng thiên, phần chú giải của sách Vị biên trong đoạn thứ nhất có mấy câu hết sức trọng yếu. Người ta ai cũng thích làm việc tốt, cũng đều kỳ vọng bản thân mình trong một đời này có chỗ làm nên việc, có chỗ được thành tựu, nhưng rồi hầu hết đều do nơi tự thân trì trệ, lần lữa qua ngày, [lời nói việc làm] cẩu thả, không thể phấn chấn phát khởi [quyết tâm] nên phải rơi vào đọa lạc.

Cho nên ở đây muốn dạy chúng ta, bất kể làm việc gì cũng nhất định phải đặt ra kỳ hạn, trong thời hạn ấy phải hoàn thành, như vậy thì mới có sự tiến bộ. Ví như việc đọc sách, chúng ta muốn đọc một quyển sách thì phải xác định có bao nhiêu thời gian để đọc xong, như vậy mới đạt được hiệu quả. Nếu như thời gian có thể kéo dài không kỳ hạn, trong lòng sẽ phân tán, ý chí tinh thần không thể tập trung, cho nên rất nhiều người thất bại do nguyên nhân này.

Vì thế, việc học cũng có học kỳ, đó là kỳ hạn phải học xong. Chúng ta đi học cũng vậy. Quý vị nhớ lại lúc học đại học cũng có kỳ hạn là bốn năm. Trong bốn năm ấy phải học xong chương trình, như vậy mới tốt nghiệp. Mọi việc ở thế gian cũng như pháp xuất thế gian, hết thảy đều phải xác định kỳ hạn, đúng kỳ hạn phải hoàn thành.

Việc tích lũy công đức cũng phải như vậy. Một ngày có thể làm được một việc thiện thì [đều đặn trong] ba năm có thể làm được một ngàn việc thiện, đó gọi là [phương pháp] “nhật hành nhất thiện” (mỗi ngày một việc thiện). Nếu tinh tấn nỗ lực thì hy vọng mỗi ngày có thể làm được nhiều việc thiện hơn. Như tiên sinh Liễu Phàm ban đầu phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, phải mười năm mới hoàn thành. Lần thứ hai phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, chỉ ba năm là xong. Đó chính là [muốn thành tựu] phải xác định kỳ hạn.

Trong Phật pháp thì pháp môn niệm Phật gọi là “khắc kỳ cầu chứng” (định thời hạn để cầu thành tựu). Trong kinh [A-di-đà] có một ví dụ, kinh văn nói hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày. Trong các kinh Đại thừa thường nói mười ngày hoặc trăm ngày tức là ba tháng, như vậy mới thấy được hiệu quả rõ ràng. Cho nên, trong Tịnh độ tông quý vị thường nghe nói đến pháp sự Phật thất, lấy bảy ngày [làm kỳ hạn]. Trong thực tế, kinh Phật dạy rằng bảy ngày đó là bảy ngày bảy đêm.

Chúng ta hiện nay niệm Phật qua bảy ngày như vậy vẫn cảm thấy hết sức rối rắm, phân tán. Nguyên nhân là vì không làm được trọn vẹn hoàn toàn, không làm được trọn bảy ngày đêm. Nếu chuyên tâm nhất trí trong bảy ngày đêm, nhất định phải có sự cảm ứng, phải có sự thành tựu. Phải thực sự buông xả muôn duyên thì công phu tu tập mới có hiệu quả, chỉ hơi xen tạp một chút là mất hiệu quả rồi.

Hôm nay có một đồng học là thầy Chứng Dương thưa hỏi, vì sao công phu của thầy tại Niệm Phật Đường không đạt hiệu quả. Thầy đã không tự xem kỹ lại chính mình để thấy được nguyên nhân không hiệu quả. Phần lớn đều là do công phu xen tạp, lại còn có sự nghi hoặc. Hiện tại giảng đường này hằng ngày đều giảng kinh nên vấn đề nghi hoặc cũng không lớn, sự xen tạp mới là vấn đề lớn. Chỉ cần mảy may xen tạp, trong lòng chưa buông xả liền có nhiều chướng ngại, chúng ta gọi là ma chướng, ma chướng ở ngay trước mắt. Nếu buông xả hoàn toàn, ở trong Niệm Phật Đường này công phu bảy ngày đêm, giống như Viên Liễu Phàm, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không bám chấp, chỉ một câu Phật hiệu niệm đến rốt ráo, đâu có lý nào công phu như thế lại không hiệu quả? Cho nên cần phải buông xả hết. Không buông xả được là một khiếm khuyết lớn. Vì thế phải phát tâm thật dũng mãnh, khởi lòng tin chân thành, nỗ lực tinh tấn.

Trong đời sống hằng ngày, ở đây khuyên chúng ta không nên keo lận tài vật, phải hoan hỷ bố thí. Bố thí chính là buông xả đi tâm niệm keo lận, hoan hỷ bố thí. Đừng sợ người khác cười chê, vì như vậy là trong tâm còn nghi ngờ [việc làm của mình]. Có một số người không hiểu rõ ý nghĩa này, sự cười chê ấy là do nhận hiểu sai lầm. Lại cũng có một số người là do ganh ghét, cố ý gây chướng ngại, cố ý phá hoại. Nhưng bất kể những kẻ ấy cười chê với tâm niệm như thế nào, chúng ta chỉ cần một mực phớt lờ đừng lưu ý. Chỗ y cứ của chúng ta là giáo pháp trong Kinh điển, là những lời răn dạy của Phật-đà. Cứ y theo lời dạy vâng làm, đến khi thực sự có được thành quả, những kẻ ấy tự nhiên sẽ thấy hổ thẹn. Cho nên hoàn toàn không sợ người khác cười chê làm dao động lòng tin của mình, mà càng phải nỗ lực phấn chấn hơn nữa.

Trong thực tế, chướng ngại lớn nhất của đạo Bồ-đề là lòng tham muốn riêng tư, tự lo cho mình, giành lấy lợi ích riêng cho mình, đối với ái luyến, tham dục, những điều ham thích không buông xả được. Những thứ đó thực sự là chướng ngại của chúng ta. Chúng ta phải thường xuyên phản tỉnh, suy xét xem những chướng ngại ấy rốt lại nằm ở nơi nào? Sau khi tìm ra được rồi thì triệt để buông xả. Phải khởi tâm dũng mãnh để đối trị, thì những chướng ngại trên đường hướng đến quả vị Bồ-đề sẽ giảm nhẹ.

Trong kinh Phật thường nói: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn.” (Thân người khó được, pháp Phật khó được nghe.) Cơ duyên gặp được pháp Phật thật không dễ dàng.

Tự mình không thể khắc phục phiền não của chính mình, cho nên các bậc đại đức ngày xưa đề xuất việc nhiều người cùng tu tập. Nhiều người cùng tu tập là nương theo và dựa vào đại chúng. Dựa vào đại chúng để khích lệ bản thân mình, để cảnh tỉnh, sách tấn bản thân mình. Đó là một biện pháp đối trị rất tốt. Cho nên mới có đại chúng tụ họp về một chỗ để cùng tu.

Từ ngày 18 tháng 7 tới đây, Tịnh Tông Học Hội ở Brisbane, Australia, bắt đầu hành trì mười Phật thất, tức là 70 ngày. Trong thời gian Phật thất 70 ngày đó, chúng ta niệm Phật ngày đêm không gián đoạn, mỗi ngày 24 giờ. Gần đây mọi người đều tích cực chuẩn bị. Trong Phật thất này, ngoài địa phương Australia còn có nhiều đồng tu niệm Phật ở các nơi khác đến tham gia, như Singapore, Đài Loan, Hương Cảng, Hoa Kỳ. Chúng ta hoan nghênh [những ai] chân chánh phát tâm, buông xả hết thảy, dụng công tu hành tốt.

Trong chú giải có mấy câu, tôi sẽ đọc qua một lượt, mọi người lắng nghe: “Không nên nói lời sáo rỗng hay ho mà thực hành chẳng tương hợp.” Hy vọng tất cả chúng ta đều có thể nói được làm được, giữ lòng tốt đẹp trước sau như một. Có rất nhiều người ban đầu thực hành đúng đắn, theo đúng khuôn mẫu,nhưng trải qua thời gian lâu dài thì trở nên giải đãi, buông thả phóng túng.

Chúng ta [tu tập] không sợ hiềm nghi, cũng không sợ oan uổng, không lần lữa qua ngày, không gián đoạn [công phu]. Dù là việc ở thế gian hay pháp xuất thế, quý vị đều cần phải hiểu rõ, đó gọi là làm việc tốt phải nhiều gian nan khốn khó. Đặc biệt trong thời hiện tại này, là thời kỳ mạt pháp. Chúng ta đọc thấy trong kinh điển, vào thời đức Thế Tôn còn tại thế, Ma vương Ba-tuần từng nói rõ với Phật. Ma vương muốn phá hoại Phật pháp phải dùng cách gì? Đó là, vào thời mạt pháp Ma vương sẽ sai khiến ma cháu ma con đều cùng nhau xuất gia, đắp y ca-sa để phá hoại Phật pháp. Đức Thế Tôn nghe Ma vương nói như vậy rồi thì rơi lệ, không nói lời nào.

Cho nên, ngày nay chúng ta muốn chân chánh nỗ lực tu hành thì người gây chướng ngại cho ta rất nhiều, kể cả những người trong đạo Phật của ta. Những người trong đạo Phật đó là ai? Chúng ta biết rằng, đó chính là con cháu Ma vương Ba-tuần. Bọn họ xuất gia không vì mục đích gì khác hơn là phá hoại Phật pháp, chúng ta trong lòng phải hiểu rõ, phải sáng tỏ việc ấy. Phật dạy chúng ta đối với hạng người ấy phải có thái độ thế nào? Phật dạy pháp “mặc tẫn”. Mặc tẫn nghĩa là không để ý đến. Chúng ta tự mình công phu, tự mình lợi ích, không để ý đến những người ấy cũng tốt. Tự mình không được trì trệ, lần lữa qua ngày, không được gián đoạn, không cầu danh, không cầu lợi, chân thật mà làm, cũng không cầu mong được quả báo tốt.

Khi gặp hết thảy những sự việc có lợi ích cho xã hội, có lợi ích cho chúng sinh, chúng ta phải hết sức nỗ lực mà làm. Có những lúc phải linh hoạt uyển chuyển mà làm để tránh chướng ngại. Các bậc đại đức thời gần đây dạy ta phải làm với thái độ hết sức hạ mình. Vì sao làm chuyện tốt đẹp, lợi ích cho xã hội, lợi ích cho chúng sinh mà phải có thái độ hết sức hạ mình? Vì để tránh những người ganh ghét gây chướng ngại.

Chúng tôi gần đây phát tâm giúp đỡ cho bên Australia một một viện dưỡng lão, nhưng gặp thất bại. Nguyên nhân vì sao? Vì có quá nhiều người cản trở. Đó là vì ban đầu chúng tôi sơ ý, nếu khi ấy mà làm với thái độ hết sức hạ mình thì sự việc hẳn đã được thành tựu viên mãn. Việc này cho chúng tôi một bài học quý giá, cũng thực sự chứng minh rằng làm việc tốt phải nhiều gian khó. Chúng tôi thể hội sâu sắc ý nghĩa này. Ngẫm nghĩ càng thấy những lời giáo huấn của các bậc hiền thánh xưa quả thật [xuất phát từ học vấn] hết sức uyên thâm, là những điều chân thật rút ra từ kinh nghiệm, nhất định phải học qua, lại phải y theo lời dạy mà vâng làm, phải hết sức nỗ lực học tập.

Thời cổ đại, dân gian Trung quốc đều biết đến Đậu Yên Sơn. Trong sách Tam tự kinh có câu “Giáo ngũ tử, danh câu dương” (Dạy năm con đều thành danh) là nói về Đậu Yên Sơn. Ông sống vào thời Ngũ đại, kết hôn đã nhiều năm nhưng đến năm 30 tuổi vẫn chưa có con. Đối với người xưa, đây là một điều gây nhiều phiền muộn lo lắng. Một hôm, Đậu Yên Sơn nằm mộng thấy ông nội [đã chết] hiện về nói: “Mạng số con không có con, lại rất yểu mạng. Con nên tu thiện, tích đức, tích lũy công đức.”

Đậu Yên Sơn từ khi nằm mộng được ông nội dạy bảo như vậy thì hết sức nỗ lực làm theo. Mạng số ông không có con, nhưng sau rồi sinh được năm người con trai, đó chính là do cầu mà được. Cũng giống như tiên sinh Viên Liễu Phàm, mạng số không có con, về sau được hai người con ngoan, quả nhiên chứng thực là “hữu cầu tất ứng”, đó là do cầu mà được. Cho nên, muốn cầu được phải dùng thiện tâm, thiện hạnh, dùng công đức chân thật làm vốn liếng để cầu. Quý vị không có thiện tâm, thiện hạnh, không có công đức thì lấy gì để cầu? Nhất định không phải mỗi ngày cúi lạy trước Phật, Bồ Tát, đốt mấy nén hương, dâng cúng ít hương hoa trà quả rồi cầu mà được. Không dễ dàng như vậy! Nhất định phải nỗ lực tu hành mới được.

“Hữu cầu tất ứng” cũng là ý nghĩa nhân quả. Cho nên, gieo nhân lành nhất định hưởng quả lành, tạo nhân ác nhất định phải nhận lãnh quả báo xấu ác. Nhân duyên quả báo không một mảy may sai lệch, “hữu cầu tất ứng” cũng chính là ý nghĩa này. Phật pháp cũng không thể ngược lại với ý nghĩa này. Cho nên, Phật dạy chúng ta cầu thì cũng dạy chúng ta phát tâm, phát tâm Bồ-đề, dạy chúng ta phải làm những việc lợi ích hết thảy chúng sinh, không nên làm những việc chỉ mưu lợi riêng cho bản thân mình. Như vậy mới là chân chánh dứt ác tu thiện.

Chỉ mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân là việc xấu ác. Vì lợi ích xã hội, vì lợi ích chúng sinh mới là việc thiện. Ý nghĩa việc dứt ác tu thiện như vậy, chúng ta phải hiểu rõ mới thể hội được. Nếu có thể vì lợi ích nhiều người mà chịu tổn hại về mình, đó là việc thiện lớn lao, quả báo không cần mong cầu cũng tự nhiên hiện tiền, vì nhân lành quả lành. Nếu làm việc có hại cho xã hội, có hại cho chúng sinh chỉ vì mưu lợi riêng cho mình, trước mắt tuy có được đôi chút lợi ích nhưng tai nạn lớn lao sẽ đi liền theo sau. Tai nạn lớn nhất là sau khi chết phải đọa vào ba đường ác, nhất định không tránh khỏi.

Những ý nghĩa này, hiện nay ngày càng ít người nhận hiểu. Những sự thật [nhân quả] này Phật đã thuyết dạy trong kinh điển, nhưng người hiện đại mở kinh ra xem thì cười cợt, cho là mê tín, không thể tin nhận. Đến lúc chết rồi đọa vào ba đường ác, dù có hối hận cũng không còn kịp nữa.

Cho nên, “tích đức lũy công” là điều mà các bậc thánh hiền thế gian cũng như xuất thế gian đều khuyên dạy chúng ta, ta phải tin nhận. Người tin nhận, vâng làm theo thì được phúc lành.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Chắp tay lạy người


Đường Không Biên Giới


Giai nhân và Hòa thượng


Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.48.115 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...