(Giảng ngày 25 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 7, số lưu trữ: 19-012-0007) Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Hôm qua chúng ta đã giảng đến hai câu đầu tiên của Cảm ứng thiên:
“Họa phước vô môn,
Duy nhân tự chiêu.”
(Họa, phước không cửa vào,
Đều do người tự chuốc.)
Trong sách Vị biên nêu ra những câu chuyện tu tập theo Cảm ứng thiên với công năng hiệu quả rõ ràng, số lượng nhiều không kể xiết. Mỗi chuyện trong đó đều nên đọc kỹ, nghĩ sâu. Ở đây thời gian hạn chế, tôi không thể dẫn ra từng chuyện để giới thiệu, chỉ có thể chọn lựa một số chuyện rồi nêu ra những điểm quan trọng nhất để giảng giải rõ ràng với mọi người.
Trong kinh điển Đại thừa, đức Phật thường dạy rằng: “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sinh.” (Hết thảy các pháp sinh từ tâm tưởng.) Đó là chỗ thấy biết của chư Phật. Nói “duy nhân tự chiêu” (đều do người tự chuốc) cũng là cùng một ý như thế.
Bậc cổ đức dạy rằng, người phàm phu có quá nhiều vọng tưởng. Trong số đó có thể phân chia làm ba loại, là những vọng tưởng [hướng về] quá khứ, hiện tại và tương lai.
Khi ta thường nghĩ về những điều vinh nhục trong quá khứ, nghĩ về những chuyện ân oán đã tạo ra với người khác, những chuyện buồn vui, tan hợp... Những suy nghĩ như thế đều thuộc loại vọng tưởng hướng về quá khứ. Đặc biệt là người lớn tuổi, hầu hết đều nghĩ tưởng đến những chuyện cũ từ thời trai trẻ. Mỗi năm tháng qua đi là mỗi năm tháng tâm tư thêm nặng nề phức tạp, mãi mãi chồng chất thêm. Chuyện cũ như thế đều là vọng tưởng quá khứ.
Lại có những suy tưởng ngay trước mắt, suy tính sự việc nên làm hoặc không nên làm, thường là do dự không quyết định. Những suy tính này thuộc loại vọng tưởng trong hiện tại.
Loại thứ ba là những suy tưởng hướng về tương lai, nghĩ đến những sự việc tương lai, trong thực tế chưa thể biết chắc được. Trong đó rất nhiều chuyện không có khả năng xảy ra nhưng ta vẫn suy tưởng đến, vẫn nghĩ ra được. Đó là những chuyện về tiền bạc, hoặc về địa vị, hoặc về quyền thế. Hết thảy những suy tưởng như thế đều thuộc loại vọng tưởng hướng về tương lai.
Ba loại vọng tưởng này, số nhiều không đo đếm được, không có giới hạn. Chúng tiếp nối theo nhau trong từng giây phút, không hề gián đoạn, cứ hết điều này liền tiếp đến điều khác.
Chúng ta không thể xem thường những vọng tưởng này mà cho là không có gì quan trọng, khẩn yếu. Nghĩ như thế là sai lầm. Mỗi một vọng tưởng đều là nhân tạo nghiệp. Nghiệp nhân ấy gặp duyên thích hợp thì quả báo hiện tiền. Ý niệm hiền thiện thì gặp quả báo lành, ý niệm xấu ác nhất định phải gặp quả báo xấu ác. Quả báo thiện ác như thế không mảy may sai lệch. Đây chính là nguồn gốc phát sinh mọi điều lành, dữ, họa, phúc, như trong bài văn Cảm ứng thiên này giảng giải. Các bậc thánh hiền thế gian hay xuất thế gian thường dạy ta như thế, phải thường ghi nhớ, phải thường suy xét kỹ, phải thường nỗ lực làm theo.
Trong Vị biên có một câu chuyện xưa mà sách Liễu Phàm tứ huấn cũng chép lại. Vào đời Tống, có người tên Vệ Trọng Đạt. Chuyện của ông này lưu truyền rất rộng, không chỉ bởi đương thời nhiều người biết đến, mà còn vì được ghi chép lại nên người đời sau cũng biết đến rất nhiều.
Vệ Trọng Đạt khi đang làm việc ở Viện Hàn Lâm, một hôm bị vua Diêm La bắt đi. Chuyện như thế, người thời nay nghe qua giống như thần thoại, thật khó làm cho người ta tin. Nhưng chuyện như thế quả là có thật.
Khi tôi còn nhỏ cũng gặp một việc tương tự, tôi còn nhớ rất rõ. Quê tôi là một thị trấn nhỏ, vốn là một thành cổ được xây dựng từ đời Hán, đến nay đã trải qua lịch sử hai ngàn năm. Thuở nhỏ tôi có một thời gian ngắn sống ở thôn quê, cách thành 12,5 km. Hồi ấy về thành phải đi bộ, mất khoảng vài giờ, cũng không xa lắm. Tôi ở nhà bà ngoại, cách đó khoảng vài căn nhà có một người lâm bệnh, bệnh nặng lắm.
Khi bệnh trở nên nguy kịch, người ấy bỗng nói rằng: “Thành hoàng bắt tôi đi làm sai dịch.”
Người nhà hỏi: “Làm chuyện gì?”
Đáp: “Gánh đồ đạc.”
Người nhà lại hỏi: “Gánh đồ đạc gì?”
Người ấy nói: “Thành hoàng muốn dời nhà, bắt rất nhiều người để gánh đồ, nay muốn bắt tôi.”
Người nhà lại hỏi: “Bây giờ phải làm sao?”
Người ấy đáp: “Mọi người có thể vì tôi đốt tiền giấy, tôi thuê người khác làm, được vậy tôi khỏi đi.”
Người nhà nghe lời liền đốt rất nhiều ngựa giấy, hình nhân giấy, tiền giấy. Sau đó, người ấy thuê mướn người làm được rồi liền khỏi bệnh, tỉnh lại.
Hồi đó, tôi với mọi người nghe chuyện đều lấy làm quái lạ về việc Thành hoàng muốn dời nhà. Sau đó ba ngày, miếu Thành hoàng bị quân đội chiếm đóng, lấy làm doanh phòng, tượng thần trong miếu bị phá hủy. Bấy giờ mọi người mới hiểu ra. Miếu Thành hoàng bị quân đội chiếm là chuyện về sau, mà ba ngày trước Thành hoàng đã dọn nhà, đã bỏ đi mất rồi. Đó là chuyện thật chính tôi được tai nghe mắt thấy. Cho nên nói rằng: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh.” Cho dù quý vị có tin hay không, sự thật vẫn là như vậy.
Người thời nay không đọc sách thánh hiền, không tin những lời khuyên dạy trung thực. Bản thân tôi chính mắt được nhìn thấy rất nhiều chuyện. Cho nên, đối với những điều người xưa ghi chép lại trong sách tôi đều tin tưởng sâu xa, không chút hoài nghi. Những tiểu thuyết thần thoại thuộc loại như Liêu trai chí dị, Duyệt vi thảo đường bút ký, Tử bất ngữ... tuyệt đại đa số đều là sự thật, không phải hoàn toàn bịa đặt không chứng cứ, cũng không phải ngụ ngôn ẩn dụ.
[Trở lại chuyện] Vệ Trọng Đạt bị vua Diêm La bắt đi rồi, có vị Phán quan điều tra những việc lành dữ mà ông đã làm trong đời. Kết quả, những việc xấu ác ông ta đã làm, được ghi chép chất lại cao như quả núi, còn việc thiện chỉ thấy một quyển duy nhất. Nói cách khác, ông ta chỉ làm được mỗi một việc thiện. Vệ Trọng Đạt nhìn thấy tình hình như thế rồi, liền đối trước Phán quan phân trần: “Tôi còn chưa đến bốn mươi tuổi, sao có thể làm quá nhiều việc ác như thế?”
Phán quan giải thích: “Những sự việc xấu ác này là xét từ tâm niệm của ông. Mỗi khi ông khởi một ý niệm xấu ác, âm tào địa phủ lập tức ghi nhận lưu giữ, hoàn toàn không đợi đến lúc ông thực sự làm. Nếu thực sự đã làm thì tội lỗi càng thêm sâu nặng hơn nữa. Chỉ vừa khởi lên một ý niệm [thiện hay ác] là đã có ngay sự ghi nhận lưu giữ.”
Trọng Đạt liền hỏi: “Vậy tôi có một việc thiện đó là gì?”
Ngay khi ấy, vừa so hai bên thiện ác, thấy việc ác quá nhiều, vua Diêm La hết sức tức giận, quát bảo: “Mang cân đến đây xem.”
Khi cân qua một lượt, những điều xấu ác hóa ra lại nhẹ hơn, trong khi một quyển ghi việc thiện lại rất nặng. Vua Diêm La thấy vậy đổi giận làm vui. Trọng Đạt liền thưa hỏi lại: “Việc thiện đó của tôi, rốt lại là việc gì vậy?”
Vua đáp: “Lúc hoàng đế muốn xây dựng một công trình không thực sự cần thiết, tốn hao nhiều tiền bạc, công sức của dân, ông có dâng sớ khuyên can hoàng đế đừng làm. Tấm lòng của ông chân thành thương dân mới tấu trình như thế.”
Trọng Đạt nói: “Nhưng hoàng đế có nghe lời tôi đâu?”
Vua đáp: “Nếu hoàng đế chịu nghe, phước báo của ông còn lớn hơn thế nữa. Tuy không được nghe theo, nhưng lòng ông chân thành, khởi được một niệm hiền thiện lớn như vậy, đã giúp ông vượt hơn tất cả những việc xấu ác kia.”
Câu chuyện về công tích thiện ác này giúp chúng ta phản tỉnh rất nhiều. Sau đó Diêm vương [trước khi thả Trọng Đạt về lại dương gian] còn bảo: “Ông vì có quá nhiều việc xấu ác nên con đường tiến thân sẽ bị chướng ngại. Theo mạng số từ trước của ông, vốn có thể làm đến chức Tể tướng, nhưng nay thì không thể được rồi.”
Về sau, Trọng Đạt làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, tương đương với hiện nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Làm đến chức ấy, [so với Tể tướng] là bị giáng thấp một bậc.
Cho nên, đối với việc tạo nghiệp thiện ác, tôi thường giảng về cả ba nghiệp. Chúng ta từ sáng đến tối, cả thân, miệng, ý đều tạo nghiệp. Thân hành động, miệng nói năng, ý khởi niệm, nếu tương ứng với mười nghiệp lành thì đó là thiện, ngược lại với mười nghiệp lành thì đó là ác. Đó là tiêu chuẩn tổng quát nhất, xét vào từng việc chi ly nhỏ nhặt thì không thể nói hết.
Trong Phật pháp có giới luật và oai nghi, nói thật ra thì hiện nay chẳng thấy ai làm được. Vào đời Minh, Đại sư Liên Trì, Đại sư Ngẫu Ích phải hết sức đề cao sách Sa-di luật nghi, cho thấy khi ấy tiêu chuẩn về điều thiện cũng đã bị hạ thấp đến cùng rồi. Nếu chúng ta có thể làm theo được mười điều giới, hai mươi bốn oai nghi trong sách Sa-di luật nghi, thì có thể xem là đệ tử chân chánh của Phật. Thế nhưng cho đến ngày nay, khi mức sống vật chất bình quân tăng cao, thì quan niệm đạo đức lại rơi xuống thấp, cả mười điều giới, hai mươi bốn oai nghi đều chẳng ai làm theo được.
Quý vị ở đây đều biết Pháp sư Hoằng Nhất. Ngài suốt một đời cung kính giữ theo năm giới, mười nghiệp lành, nhưng đối với người khác luôn tự xưng mình chỉ là cư sĩ xuất gia. Ngài là người đức hạnh, suốt một đời làm người ngay thẳng chính trực, có thể đạt đến chỗ danh xưng phù hợp với thực tiễn. Gọi là tỳ-kheo chỉ là tỳ-kheo giả, không phải chân thật, vì thật không làm nổi. Cho nên nói là cư sĩ xuất gia thì có thể làm được. Người thọ trì năm giới, mười nghiệp lành, có thể gọi tên như thế là đúng thật.
Thật ra, không phải Đại sư Hoằng Nhất là người đầu tiên dùng danh xưng cư sĩ xuất gia. Tôi xem trong sách thấy người sử dụng danh xưng này trước tiên là ngài Thành Thời, đệ tử của Đại sư Ngẫu Ích.
Đại sư Ngẫu Ích tu hành hết sức chân thật. Sau khi thọ đủ Tam đàn Đại giới (gồm Sơ đàn thọ giới sa-di, Nhị đàn thọ giới tỳ-kheo, Tam đàn thọ giới xuất gia Bồ Tát), ngài liền xin xả giới tỳ-kheo. Vì sao ngài xả giới tỳ-kheo? Vì thấy chính xác là không giữ làm theo nổi.
Hơn nữa, việc truyền thừa giới tỳ-kheo nếu không đúng pháp thì không thể đắc giới. Đại sư Ngẫu Ích nói rằng, ở Trung quốc từ sau triều Nam Tống đã không có tỳ-kheo, vậy đến cuối đời Minh làm gì còn ai có khả năng đắc giới tỳ-kheo? Chỉ là có danh xưng mà không đúng thật. Cho nên sau khi thọ giới rồi, ngài xin xả giới tỳ-kheo, trọn một đời chỉ cung kính giữ theo giới sa-di, giới Bồ Tát. Vì thế, ngài thường tự nhận mình chỉ là sa-di giữ giới Bồ Tát, vì danh xưng như vậy có thể làm đúng được.
Bậc thầy đã nhận chỉ là sa-di, đệ tử làm sao dám xưng sa-di? Cho nên đệ tử của ngài là Thành Thời mới tự xưng là cư sĩ xuất gia. Tôi xem trong sách thấy ngài Thành Thời là một, đến gần đây mới có thêm Đại sư Hoằng Nhất, đó là hai người sử dụng danh xưng này, quả thật phù hợp với thực tế.
Chúng ta tu hành trong thời đại này, nếu có thể chân chánh giữ theo được năm giới với mười nghiệp lành, chân thành niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, nhất định sẽ được vãng sinh.
Thế nhưng, người muốn sinh về Tịnh độ rất nhiều, vì sao không được vãng sinh? Không được vãng sinh, đương nhiên là do có chướng ngại. Chướng ngại là gì? Là không buông xả các duyên trần tục. Điều này hết sức trọng yếu. Nếu là người chân chánh cầu được vãng sinh, phải buông xả tất cả, quyết định không vướng nhiễm.
Chúng ta sống giữa thế gian này, nếu tự mình có duyên phận, có thể vì xã hội, vì mọi người làm được chút việc tốt nào, phải hết sức mà làm để rộng kết duyên lành. Trong Phật pháp thì rộng kết nhân duyên với Chánh pháp.
Quý vị hãy noi gương Lão Hòa thượng Hư Vân trong thời cận đại này, mọi người ở đây đều biết rất rõ. Ngài dùng những mối nhân duyên với Chánh pháp, dùng sức ảnh hưởng của mình, đi đến đâu đều xây dựng đạo tràng, tự viện, giúp cho những người trẻ tuổi có nơi xuất gia tu hành. Đạo tràng xây dựng vừa xong ngài liền giao phó, không bao giờ theo dõi chất vấn đến nữa. Như thế là bậc tu hành đại phước báo, chúng ta phải học hỏi làm theo.
Sức ảnh hưởng của chúng ta không thể so sánh với Lão Hòa thượng, vì yếu ớt lắm, nhưng có thể khuyến khích nhiều vị đồng tu có năng lực, cùng phát tâm xây dựng những đạo tràng nhỏ. Như Tịnh Tông Học Hội thì hiện nay trên toàn thế giới có khoảng năm, sáu mươi chỗ. Mỗi một Tịnh Tông Học Hội đều hoạt động độc lập. Chúng ta dùng sức ảnh hưởng của mình thúc đẩy việc hình thành như thế. Thành tựu rồi, có nên theo dõi chất vấn [hoạt động của họ] hay không? Không nên. Nếu chúng ta vẫn còn theo dõi chất vấn, đó là còn ràng buộc vướng mắc, không thể vãng sinh. Phải hoàn toàn buông xả hết, từ thân tâm mình cho đến toàn thế giới, một chút bụi trần cũng không vướng nhiễm, như thế thì chuyện vãng sinh có thể nắm chắc trong tay. Điều này hết sức trọng yếu.
Cho nên, có thể vãng sinh hay không đều do chính mình, không do ngoại cảnh, dù là danh lợi hay năm món dục, sáu trần cảnh, đều không thể làm ta vướng nhiễm.
Trong kinh Phật dạy rất rõ: “Tài sắc danh thực thùy, địa ngục ngũ điều căn.” (Tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tham ăn, mê ngủ là năm điều căn bản dẫn đến địa ngục.) Chỉ vướng một trong năm điều này thôi đã không thoát khỏi địa ngục, làm sao có thể vãng sinh? Việc này phải hết sức ghi nhớ, không thể để vướng vào tham muốn.
Cho nên, suốt đời chỉ nên tùy duyên mà không chạy đuổi theo duyên. Tùy duyên thì hoan hỷ, chuyện xảy đến thế nào cũng tốt, mỗi ngày chỉ cần ăn vừa no, mặc vừa ấm, một lòng hướng theo đạo pháp. Suốt một đời tôi cũng chỉ làm đến vậy thôi. Chỉ lo giảng kinh, thuyết pháp, hoằng pháp lợi sinh, ngoài ra mọi việc khác đều không hỏi tới. Cả đời tôi không riêng có đạo trường, tự viện, không có đồ chúng. Trong quá khứ, những người xuất gia là do [Hàn] Quán trưởng thu nhận, không phải tôi thu nhận. Quý vị xem việc đặt pháp danh, cũng đều do Quán trưởng đặt, không phải tôi.
Hy vọng mọi người đều tu học cho thật tốt. Tôi nay đã già rồi, theo người xưa nói là đã đến lúc nên chết đi: “Thất thập tam, bát thập tứ, Diêm vương bất thỉnh tự kỷ khứ.” (Bảy mươi ba, tám mươi tư, Diêm vương không gọi cũng tự mình đi.) Như vậy thì còn lưu luyến gì nữa chứ? Một đời tôi không cai quản người khác, không cai quản công việc, không cai quản tiền bạc. Nay đã già rồi, nếu quay lại cai quản thì thật là sai lầm lớn, không còn gì có thể sai lầm hơn nữa. Cho nên, từ thân tâm cho đến thế giới, hết thảy đều buông xả, còn sống một ngày là một ngày vì chư Phật, Bồ Tát mà làm việc.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.