Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 »» Bài giảng thứ tám »»

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1
»» Bài giảng thứ tám

Donate

(Lượt xem: 2.308)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1 - Bài giảng thứ tám

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

(Giảng ngày 27 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 9, số lưu trữ: 19-012-0009)

Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.

Chúng ta đã đọc qua bốn câu đầu tiên, là cương lĩnh tổng quát của Cảm ứng thiên. Đúng như Tư Mã Quang từng nói: “Để tiền bạc cho con cháu, con cháu chưa chắc đã giữ được. Để sách vở cho con cháu, con cháu chưa chắc đã đọc. Tốt nhất là tích lũy công đức, thì con cháu đời sau nhất định có quả báo tốt đẹp.” Phải là người thấu hiểu rõ ràng đạo lý cảm ứng thì mới nói ra được như thế.

Đức Phật dạy rằng, các mối quan hệ giữa cha con, anh em, cho đến giữa người với người, đều không ra ngoài bốn loại duyên nghiệp: báo ân, báo oán, đòi nợ và trả nợ. Nếu không rơi vào một trong bốn loại duyên nghiệp này, thì dù có gặp nhau cũng không quen biết, vẫn là người xa lạ. Trong đời này, nếu bản thân ta phát sinh quan hệ với người khác, nhất định là trong quá khứ đã từng có một trong bốn loại duyên nghiệp như trên với người ấy. Mối duyên nghiệp ấy có khi là thiện, có khi là ác, nếu chúng ta hiểu được rõ ràng sáng tỏ thì nhất định sẽ tự biết bỏ ác làm lành.

Có nợ người khác nhất định phải trả. Người khác lừa gạt, xâm phạm, cướp đoạt của ta, nên nghĩ rằng đó là ta trả nợ cho họ. Nghĩ như vậy thì lòng ta sẽ hết sức thanh thản, hết sức tự tại. Họ lừa gạt ta, trộm cắp, cướp đoạt của ta, vì sao không lừa gạt người khác, không cướp đoạt người khác? Vì những người khác trong quá khứ không có duyên nghiệp với họ. Nói cách khác, trong quá khứ ta đã từng trộm cắp, cướp đoạt của người, nay có nhân duyên gặp lại nhau, người ấy cũng dùng đúng những phương pháp ấy để lấy lại, nên đích thực là ta đang trả nợ.

Vì vậy, chúng ta phải mừng vui hoan hỷ kết duyên lành với tất cả chúng sinh, không kết duyên xấu ác. Ví như gặp phải duyên xấu ác cũng quyết buông xả, không giữ mãi trong lòng.

Người xưa nói: “Nhân giả vô địch.” (Người có lòng nhân không ai thắng nổi.) Một người nhân từ, có tâm thương yêu, có tâm từ bi, thì trọn đời nhất định không có kẻ thù oán đối nghịch. Điều này phải hiểu thế nào? Kẻ thù oán đối nghịch đương nhiên là có, nhưng trong lòng người ấy thực sự không có. Tâm người ấy từ bi thanh tịnh, dù gặp kẻ oán thù đối nghịch cũng đem lòng chân thành thương yêu bảo bọc, thấy người gặp lúc khốn khổ nguy nan, nhất định sẽ nhiệt tình giúp đỡ, hoàn toàn không ghét bỏ. Người như thế, phước báo ngày sau rất lớn.

Ví như đời trước chúng ta không hề tu phước, phước báo hết sức mỏng manh, nhưng nếu đời này có thể tin vào ý nghĩa cảm ứng, y theo lời dạy mà làm, một lòng hướng thượng, hết sức nỗ lực, thì ngay trong đời này sẽ được phước báo.

Cuộc đời tôi, các vị đồng tu đều biết rõ. Có lẽ kiếp trước tôi từng tu tuệ nhưng không tu phước, nên kiếp này có được chút trí tuệ mà không phước báo. Đời sống vật chất hết sức khó khăn, phải trải qua rất nhiều ngày khốn khổ. Những điều người khác e rằng không chịu đựng nổi, nhưng tôi đã từng trải qua tất cả. Tuy nhiên, tuổi tác ngày càng cao thì phước báo cũng ngày càng tăng thêm. Như vậy, hẳn không phải do đời trước có tu, mà chính nhờ sự tu tập ngay trong đời này. Những điều tôi nói, tất cả quý vị đều đã tận mắt chứng kiến. Những năm tuổi già, tôi làm bất kỳ việc gì cũng hết sức như ý, hoàn toàn không ràng buộc.

Trong nhà Phật nói về ba chuyển pháp luân [là thị chuyển (chỉ rõ), khuyến chuyển (khuyên bảo) và chứng chuyển (chứng minh)]. Trường hợp của tôi là vì mọi người mà chứng chuyển, nghĩa là vì mọi người mà chứng minh [sự thật nhân quả báo ứng hiện tiền].

Chỉ cần chúng ta thật lòng bỏ ác làm lành, đối với tất cả chúng sinh đều thương yêu chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thân, hết thảy đều bình đẳng, thì cho dù không cầu phước báo, phước báo cũng tự đến, không cầu tuổi thọ, tuổi thọ cũng tự nhiên kéo dài.

Những điều như vậy tôi có mong cầu chăng? Không, tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc sống lâu nơi thế gian này, hết thảy đều vâng theo sự khuyên dạy của chư Phật, Bồ Tát, chỉ tùy duyên mà sống qua ngày. Ngạn ngữ nhà Phật có câu: “Một ngày làm hòa thượng, một ngày lo dộng chuông.” Mỗi ngày còn sống ở thế gian này đều vì Phật pháp, đều làm việc tốt vì chúng sinh.

Tôi thật không mong cầu phước báo, không mong cầu danh tiếng địa vị, cũng không mong cầu sống lâu. Hết thảy đều không mong cầu. Những ngày sống [không mong cầu] như thế, sao có thể không tự do tự tại? Một số người tốt bụng, đối với đời sống của tôi hết sức quan tâm lo lắng, thường đến thăm hỏi, tôi đều tùy duyên giải tỏa hết. Cho nên, chúng ta nhất thiết phải thấu hiểu sâu xa rõ ràng về lý lẽ cũng như thực tế của sự báo ứng.

Dưới đây là đoạn thứ ba trong bản văn. Tuy là tiểu đoạn thứ ba, nhưng phân chia trong toàn bản văn thì thuộc phân đoạn thứ nhì. Ý nghĩa của phân đoạn thứ nhì này là nói về việc thiên thần giám sát thế gian. Câu đầu tiên trong đoạn là nói khái quát [ý nghĩa cả đoạn]:

“Thị dĩ thiên địa hữu tư quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng dĩ đoạt nhân toán.”

(Cho nên, trong trời đất có thần chủ trì việc xét lỗi, tùy theo chỗ phạm lỗi nặng nhẹ mà giảm toán của người.)

Ở đây nói “trong trời đất”, đó là có thiên thần, quỷ thần. Trong những thiên thần, quỷ thần đó, có một nhóm các vị chuyên làm công việc điều tra [tội lỗi của người]. Nói đến “thần chủ trì việc xét lỗi” chính là chỉ các vị làm công việc giám sát. Các vị này thường ở thế gian quan sát [việc làm của con người].

Chúng ta nên biết, trong kinh Phật có nói thiên thần và quỷ thần đều có đủ năm loại thần thông. Thần thông của họ do phước báo mà có. Trừ ra Lậu tận thông họ không có được, còn các loại Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông và Thần túc thông họ đều có đủ. Sức thần thông của các vị địa thần kém hơn thiên thần, và đương nhiên các vị thiên thần cũng kém hơn các bậc tu hành chứng quả. Nhưng đối với người thế gian mà nói, năng lực của các vị ấy như thế là quá đủ [để giám sát], mỗi khi chúng ta khởi tâm động niệm, các vị ấy đều biết rõ, đều có ghi chép lưu giữ, đến sau khi chết ta nhất định phải chịu sự phán xét.

Về chuyện phán xét, ở phần sau của bản văn chúng ta sẽ giảng đến rất nhiều. Những gì chúng ta tạo tác, không chỉ là hành vi, mặc dù hành vi là rất quan trọng, mà chỉ cần khởi tâm động niệm thì hết thảy đều là tạo tác. Cho nên, thấu hiểu rõ ràng được sự thật này, chúng ta phải khởi tâm e sợ. Tâm e sợ đó là biết khiếp sợ đối với quả báo xấu ác. Quý vị khởi một niệm ác, làm một việc ác, tương lai nhất định không thể trốn chạy khỏi quả báo xấu ác. Cho nên nói rằng: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu.” (Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.) Ý nghĩa và sự thật như thế, thời nay rất ít người biết đến.

Đối với những người không có căn lành, không có phước đức, khi ta giảng nói với họ điều này, họ đều cho là mê tín, cho đó là chuyện thần thoại. Họ không thể tin theo, không thể tiếp nhận. Đến khi quả báo hiện ra trước mắt, hối hận không còn kịp nữa.

Những người ấy không thể tin theo là do có lòng nghi. Tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn và nghi ngờ, thảy đều là những phiền não rất nặng nề, gây chướng ngại cho trí tuệ [giải thoát], xui khiến chúng ta tạo tác vô số nghiệp tội.

Trong kinh Phật cũng có nói việc thiên thần giám sát, như kinh Hoa Nghiêm nói rằng, khi một người sinh ra đều có hai vị quỷ thần đi theo, suốt đời không xa lìa. Hai vị thần ấy ở trên hai vai người, tự người ấy không thấy được, người khác cũng không thấy được. Một vị gọi là Đồng Sinh, một vị gọi là Đồng Danh. [Kinh Phật gọi đây là] hai vị thiên nhân, cũng có thể xem là thiên thần. Các vị ấy suốt đời giám sát chúng ta, ngày đêm đều không xa rời, nhưng chúng ta không nhìn thấy được.

Hai vị thần ấy, trong kinh Phật còn có tên gọi khác là Thiện, Ác Đồng tử. Một vị xem xét những việc thiện suốt đời ta, còn vị kia xem xét các việc xấu ác. Chúng ta tránh đâu cho khỏi? Không cách gì tránh khỏi.

Đó là lời Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm. Các kinh Đại thừa nói đến hai vị Thiện, Ác Đồng tử, cũng chính là hai vị Đồng Sinh và Đồng Danh trong kinh Hoa Nghiêm.

Chúng ta học Phật nhưng tin Phật là rất khó. Tôi cũng từng kể với quý vị rồi. Tôi xuất gia được 2 năm mới thọ giới. Sau khi thọ giới, đến Đài Trung gặp lại Lão sư Lý Bỉnh Nam. Lão sư vừa gặp lại liền chỉ vào tôi mà nói ngay: “Ông cần phải tin Phật.” Lúc đó tôi ngây người đứng sững. Tôi học Phật được 7 năm rồi mới xuất gia, xuất gia rồi thì dạy ở Phật học viện, giảng giải Kinh điển. Ngày tôi xuất gia cũng là ngày bắt đầu giảng kinh, dạy học, nên đến lúc ấy đã giảng kinh được 2 năm rồi. Vậy mà Lý lão sư vừa thấy mặt đã chỉ vào tôi, bảo tôi phải tin Phật!

Sau đó Lão sư giải thích với tôi, có rất nhiều người xuất gia cho đến lúc già chết, bảy, tám mươi tuổi mà vẫn không tin Phật. Khi ấy tôi mới hiểu ra được.

Thế nào gọi là tin Phật? Những lời Phật dạy, quý vị phải thấu hiểu được, phải vâng làm theo, đó gọi là tin Phật. Nếu không thấu hiểu rõ ràng được ý nghĩa, không làm theo được, đó là không tin Phật. Qua đó chúng ta mới hiểu rõ được, có biết bao người suốt đời mặc bộ y phục [xuất gia] này, sống trong chùa chiền nhưng vẫn không tin Phật, không thực sự vâng làm theo lời Phật dạy. Người xuất gia đã vậy, người tại gia cũng vậy. Cho nên, trong niềm tin nhất thiết phải có tâm nguyện, phải có thực hành. Nếu không có tâm nguyện, không có thực hành thì không gọi là tin. Trong niềm tin nhất định phải có trọn đủ “giải” (sự hiểu biết), “hành” (sự thực hành) và “chứng” (sự chứng nghiệm), hợp thành “tín, giải, hành, chứng”.

Giải là đối với những phương pháp, lý luận, cảnh giới mà Phật đã thuyết dạy đều phải thông đạt, hiểu biết rõ ràng.

Hành là phải mang những điều hiểu biết trong Phật pháp áp dụng vào thực tiễn tu tập.

Chứng có nghĩa là chứng nghiệm, khế hợp, thâm nhập giáo pháp.

[Có đủ những yếu tố đó thì] quý vị mới có thể tự mình thực sự tiếp nhận, được lợi ích từ pháp Phật. Trong Phật pháp gọi là được lợi ích chân thật.

Cho nên, đức Thế Tôn trong kinh Kim Cang nói rằng, những lời Phật dạy là “chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, bất cuống ngữ, bất dị ngữ”. Chân, nhất định không thể là giả tạo. Thật, nhất định không thể là hư dối. Như, nhất định là tương ưng, phù hợp với sự thật, không thêm không bớt. Bất cuống, nhất định là không lừa dối, gạt gẫm chúng sinh. Bất dị, nhất định không mơ hồ, khó xác định, không thể hiểu theo nhiều nghĩa, hoặc tợ hồ như đúng mà lại sai. Phật không nói những lời như vậy. Lời Phật dạy hết sức rõ ràng dứt khoát, khẳng định ý nghĩa chân thật.

Đức Phật dạy rằng, mỗi người đều có hai vị thiên nhân là Thiện, Ác Đồng tử, ngày đêm theo sát cho đến cuối đời, không một giây phút nào rời xa. Mỗi khi khởi tâm động niệm, nói năng hành động, nếu chúng ta luôn nghĩ đến hai vị Thiện, Ác Đồng tử đang ở bên cạnh ta, thì hết thảy mọi ý tưởng, nói năng, hành động của ta, sao có thể không cẩn thận? Lời Phật dạy như thế nhất định không giả dối, không lừa gạt chúng ta.

Chúng sinh từ vô thủy đến nay, tập khí phiền não tích chứa hết sức sâu nặng. Thời xưa có cha mẹ dạy dỗ, có thầy dạy dỗ, có bạn bè khuyên bảo, cho nên hoàn cảnh tu tập hết sức tốt đẹp, con người ít tạo nghiệp ác, làm việc thiện nhiều hơn. Hoàn cảnh trong hiện tại không còn như vậy. Nền văn hóa xưa, những truyền thống ngày xưa, người thời nay không ưa chuộng, không tin nhận, cho nên cha mẹ không dạy dỗ con cái, thầy cô giáo cũng không quan tâm đến việc ấy. Vì vậy, chúng ta suốt đời buông xuôi theo phiền não, buông xuôi theo tập khí, tạo tác vô số nghiệp tội, làm sao không đọa lạc? Làm sao không bị quỷ thần trừng phạt? Mỗi người đã như vậy, toàn gia đình cũng như vậy, cho đến cả thế giới này cũng vậy.

Hiện nay, quý vị thấy một số nhà xuất bản phát hành các sách về tiên tri rất nhiều. Tôi ít khi đến các nhà sách, nhưng có nhiều vị đồng tu mua những sách ấy mang đến cho tôi xem. Hiện nay tôi cũng không cần xem nữa. Các sách ấy nói năm 1999 - 2000 là tận thế, vì người đời làm quá nhiều việc ác, Thượng đế nổi giận phải trừng phạt họ.

Những lời này cũng phù hợp với ý nghĩa cảm ứng. Vì sao người thế gian hết thảy đều làm việc ác? Vì không có ai dạy dỗ. Vì sao không có ai dạy dỗ? Chư Phật, Bồ Tát đại từ đại bi, vì sao không ra đời dạy dỗ chúng ta? Đó là vì người thế gian hiện nay không chịu tiếp nhận. Cho nên mới có đại kiếp nạn này.

Hôm qua có một cư sĩ đến gặp tôi, hỏi rằng kiếp nạn này có thể tránh được chăng? Tôi nói thật lòng, rất khó tránh được. Về mặt lý luận, phương pháp để tránh khỏi thì nhất định là có, chỉ có điều không cách gì áp dụng được vào thực tế. Ai là người có thể tự mình sửa lỗi, làm lại cuộc đời? Ai là người có thể buông xả lợi ích tự thân, vì xã hội, vì chúng sinh phụng sự? Nếu mọi người không buông bỏ được lợi ích riêng tư, vẫn theo nếp cũ mà làm những việc hại người hại mình, thì kiếp nạn này quả thật không cách gì tránh được.

Cho nên, phải thấu hiểu rõ ràng sự thật là “trong trời đất có thần chủ trì việc xét lỗi”. Ở đây tôi chỉ giới thiệu hai vị thần trong kinh Hoa Nghiêm nói đến là Đồng Sinh và Đồng Danh. Ngoài hai vị này, trong trời đất còn có vô số quỷ thần giám sát thế gian, ghi chép những việc thiện ác của người đời, các tôn giáo đều có nói đến, đều có ghi chép. Chúng ta khởi tâm động niệm, nói năng hành động, làm sao che giấu được? Cho nên, chúng ta nhất định phải tự mình thấu hiểu, tự mình khắc phục những phiền não của mình, khắc phục những tập khí xấu ác của mình, sửa chữa lỗi lầm, tự hoàn thiện bản thân mình, nỗ lực tu thiện.

Chúng ta không mong cầu quả báo ngay trong đời này, cầu cho đời sau. Đời sau sẽ được phước báo lớn lao, nhất định lại càng hướng thượng vươn lên. Mục tiêu vươn lên của chúng ta đều là hướng về thế giới Cực Lạc. Quý vị phải thường suy ngẫm việc mình tu dưỡng tâm địa như thế nào, nói năng như thế nào, ứng xử với người khác, tiếp xúc với muôn vật như thế nào, liệu có đủ tư cách để đến thế giới Cực Lạc hay chăng? Suy ngẫm như vậy rồi thì tự nhiên biết được việc chúng ta niệm Phật cầu vãng sinh có nắm chắc kết quả hay không.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 95 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Người chết đi về đâu


Hương lúa chùa quê - Phần 2: Hồi ký của Hòa thượng Thích Như Điển


Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.2.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...