Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Kho tàng các giáo huấn siêu việt »» CHƯƠNG 2: CÁC ĐIỀU TIÊN QUYẾT: CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH VÀ HÀNH ĐỘNG »»

Kho tàng các giáo huấn siêu việt
»» CHƯƠNG 2: CÁC ĐIỀU TIÊN QUYẾT: CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH VÀ HÀNH ĐỘNG

Donate

(Lượt xem: 4.819)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Kho tàng các giáo huấn siêu việt - CHƯƠNG 2: CÁC ĐIỀU TIÊN QUYẾT: CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH VÀ HÀNH ĐỘNG

Font chữ:

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã trình bày tám mươi bốn ngàn Pháp môn trong thế giới này để đáp ứng những nhu cầu và khả năng của chúng sinh với các khuynh hướng về nghiệp khác nhau trong vòng sinh tử. Tám mươi bốn ngàn Pháp môn này được chứa đựng trong chín thừa, gồm có ba thừa thấp, ba mật thừa ngoại, và ba mật thừa nội. Tất cả các thừa đều dẫn tới thừa thứ chín, Dzogchen (Đại Viên Mãn, Đại Toàn Thiện). Tất cả đều được cô đọng trong Dzogchen. Giáo lý quý báu về Dzogpa Chenpo (Dzogchen) là cực điểm và cốt tủy của Phật pháp. Con đường này nhanh chóng đưa ta tới sự giải thoát.

Thật vậy, nếu các bạn bắt đầu thiền định sáng nay, các bạn có thể đạt được giải thoát lúc chập tối. Giáo lý Dzogchen sâu xa như thế. Đây là một giáo lý rất thích hợp cho những người lười nhác, những người ngu si, những người tăm tối, hay những người không có thời giờ.

Nói vậy không có nghĩa là giáo lý này chỉ được dành cho những người như thế, nhưng có nhiều người không có thời giờ, năng lực, hay sự giáo dục để nghiên cứu và suy niệm các sự truyền dạy khác nhau của Pháp. Pháp như một đại dương mênh mông và không ai có thể uống cạn. Giáo lý này cũng tuyệt hảo đối với những người thông tuệ và đã từng nghiên cứu nhiều, bởi nó sẽ là cực điểm của sự giáo dục, nghiên cứu và phân tích của họ. Giáo lý này là giáo lý tối cao và bao gồm tất cả tám mươi bốn ngàn giáo pháp. Đây là pháp siêu việt cho người lười nhác, người ngu si và người đần độn cũng như cho người từng trải, học giả, và thiền giả. Đây là giáo lý siêu việt của Đại Viên Mãn.

Có một số chuẩn bị cho con đường rất sâu xa này. Điều tiên quyết chính yếu là khơi dậy tâm Bồ-đề. Trong thế giới này không có duy nhất chúng sinh nào tốt lành với chúng ta như cha mẹ của riêng ta. Các ngài đã cho chúng ta cuộc đời và đã nuôi dưỡng chúng ta. Các ngài đã cho chúng ta thực phẩm và quần áo cho tới khi chúng ta đủ khôn lớn để tự lo cho mình. Không có gì như tình thương của bậc cha mẹ đối với con cái. Khi ta suy xét về lòng tốt mà cha mẹ ta đã biểu lộ với ta thì chúng ta nên suy tưởng rằng tất cả chúng sinh chịu đau khổ trong vòng sinh tử đã có lúc này hay lúc khác từng là những cha mẹ tốt lành và từ ái của ta. Đây quả nhiên là nguyên nhân để phát khởi tự nhiên lòng bi mẫn, là tâm Bồ-đề, tràn trề trong chúng ta, tâm Bồ-đề dâng tràn đối với tất cả chúng sinh, thâm chí đối với một con côn trùng bé xíu hay con muỗi nhỏ bé nhất.

Là Phật tử, là những hành giả Dzogchen, các bạn phải từ bỏ mọi hành vi gây hại, bởi các bạn phải nhận ra rằng tất cả chúng sinh đã từng là cha mẹ của bạn. Nhận thức đó phải hiện diện trong tâm các bạn. Các bạn cần cảm nhận lòng thương yêu hơn nữa đối với chúng sinh đang ở trong tình huống khó khăn và kém may mắn hơn các bạn và nỗ lực trong khả năng tốt nhất để làm lợi lạc cho họ. Các bạn không nên giới hạn sự chăm sóc và thương yêu đối với những người mà các bạn yêu quý một cách dễ dàng. Các bạn cần cố gắng làm lợi lạc những người thực sự đau khổ và cần sự giúp đỡ. Nếu các bạn thực hành theo cách này thì đây là một dấu hiệu cho thấy các bạn đang phát triển tâm Bồ-đề.

Tôi muốn khuyến khích mọi người ở đây quan tâm tới việc cứu giúp chúng sinh khỏi bị làm hại, thực sự cứu lấy mạng sống của chúng sinh. Bởi các bạn sống gần biển, các bạn có thể phóng sinh một số cá. Là các hành giả Dzogchen, các bạn được yêu cầu thực hiện điều có thể để giúp ích cho những người khác, đặc biệt là cứu mạng sống của họ. Các bạn có thể mua cá sắp bị giết và thả chúng xuống nước, cứu mạng sống của chúng. Đây là một thực hành rất quan trọng.

Nói chung, các bạn nên luôn luôn đặt những người khác lên trên hay lên trước các bạn. Đây là dấu hiệu của một hành giả Dzogchen, là người khiêm tốn và không tự phụ.

Điều tiên quyết khác là hiểu biết cách làm thế nào quan hệ hài hòa với các thành viên trong gia đình. Các bạn có lòng từ bi một cách tự nhiên đối với những người đó và vì thế các bạn nên nỗ lực sống thuận hòa. Hoàn toàn không thích hợp đối với một hành giả Dzogchen khi sống một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, luôn luôn xung đột. Việc xử sự theo tính chất đó là một cách thức hủy hoại cuộc đời ngắn ngủi với người vợ (hay chồng) mà các bạn đã thực sự chọn lựa để chung sống vì muốn được hạnh phúc. Đâu là trọng tâm của việc xung đột với người lẽ ra phải là suối nguồn hạnh phúc của các bạn trong một thời gian ngắn ngủi? Điều ấy làm cho mục đích của cuộc sống, ngay cả trong ý nghĩa bình thường nhất, trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Điều quan trọng là phải xem xét các nguyên lý căn bản của Pháp và áp dụng chúng vào cuộc đời các bạn, sống hòa hợp với người bạn đời và cha mẹ của bạn, phụng sự và đền đáp lòng tốt của họ. Cũng rất quan trọng khi dạy dỗ con cái các bạn đừng làm hại thú vật, bao gồm cả những côn trùng. Đây là tất cả những giới luật cho sự thực hành Dzogchen. Thật ra, đây là những samaya (giới nguyện) Dzogchen.

Ở Tây Tạng, nếu một gia đình có vài người con trai, người ta thường trở thành một nhà sư. Người nào đó trong gia đình sẽ đi vào con đường Pháp. Ở phương Tây, người ta thường là các hành giả cư sĩ và vì thế điều thật quan trọng là duy trì các nguyên lý của Pháp trong đời sống hằng ngày và gia đình các bạn. Có lẽ nguyên tắc quan trọng nhất là tự chế đừng nổi sân hận, bởi sân là nguyên nhân cho sự tái sinh trong cõi địa ngục. Sự sân hận được biểu lộ đối với những người thân yêu là điều tệ hại nhất. Đây là cách thức của Pháp, và tôi lưu ý điều này bởi vì đây là các vấn đề thứ yếu đối với giáo lý Dzogchen mà chúng ta sắp đi sâu hơn. Xin ghi nhớ những vấn đề này trong tâm.

Trong Dzogchen các bạn phải củng cố cái thấy, thiền định, hành động và kết quả. Các bạn phải hiểu biết về bản chất (tinh túy), sự phô diễn, và sự vận dụng cũng như nền tảng, con đường và quả. Có những dị biệt phải được hiểu rõ. Giáo lý này mô tả cách làm thế nào nhận ra bản tánh của ta, và cách thức xác quyết bản tánh đó như một điểm cốt lõi, và làm sao có được sự xác tín trong giải thoát. Giáo lý này như một bài ca kim cương đánh vào cái tinh túy. Nó là ngữ kim cương có thể thực sự thức tỉnh tâm.

Khi củng cố cái thấy, các bạn phải nhận thức rằng mọi hiện tượng phức tạp, mọi pháp xuất hiện, đều bắt nguồn từ tâm. Một khi điều đó được củng cố, thì các bạn phải nhìn vào bản tánh của tâm. Mọi sự đều là sự vận dụng (trò nô đùa) của tâm và tự nguyên thủy, bản tánh của tâm thoát khỏi bất kỳ tạo tác hay căn bản nào. Bản tánh của tâm là ba thân. Sinh tử và Niết-bàn xuất hiện từ tâm, và tâm không có căn bản hay gốc rễ. Bản tánh của tâm là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân. Chứng ngộ bản tánh đó là chứng ngộ cái thấy của Longchen Rabjam, “cái bao la vô hạn vĩ đại”.

Cái thấy đó là tự nhiên. Bản tánh của lửa là nóng. Bản tánh của đất là nặng. Bản tánh của nước là ướt. Bản tánh của gió là chuyển động. Bản tánh của cái thấy là ba thân, và đó là bản tánh của tâm. Khi các bạn nghĩ rằng nước thì ướt một cách tự nhiên, lửa nóng tự nhiên, đất nặng tự nhiên, không khí chuyển động tự nhiên, và một trái cầu pha lê cũng trống không tự nhiên, thì tương tự như thế, các bạn có thể nghĩ rằng tâm thoát khỏi sự tạo tác nhưng trong sáng chói ngời một cách tự nhiên từ nguyên thủy. Sự trong sáng của bản tánh trống không đó của tâm được biểu lộ bởi ba thân. Ba thân là cái gì bất khả phân như bản tánh của tâm, và bản tánh đó thoát khỏi mọi giới hạn của tâm thức ý niệm. Khả năng để nhận ra bản tánh đó là trí tuệ, và trí tuệ đó được so sánh với vipashyana (quán), hay quán chiếu thấu suốt. Bản tánh trống không thì bất động, được so sánh với shamatha (chỉ) hay sự an trụ yên bình.

Trong Dzogchen, vipashyana hay quán chiếu thấu suốt, tương ứng với bản chất (tinh túy) trong khi shamatha, hay sự an trụ yên bình, tương ứng với cái vẫn được thấu suốt. Shamatha giống như một đại dương không có chút sóng, bất động và vipashyana thì như bản tánh của đại dương, đó là nước. Bản tánh hay bản chất của tâm thức chúng ta là Pháp thân. Khi chúng ta thấu suốt bản tánh đó, ta thấu suốt svabhva-kya (Thân Tự Tánh). Đó là Phật tánh vốn như vậy. Khi chúng ta nhìn thẳng vào bản tánh của tâm, chúng ta đang nhìn thẳng vào bản tánh của ta như giác tánh vốn có, trống không nhưng hoàn toàn trong sáng. Khi chúng ta tri giác bản tánh trống không của nó, đó là vipashyana, quán chiếu thấu suốt.

Tiếp cận với shamatha trong thiền định Dzogchen là ngơi nghỉ trong rigpa, hay giác tánh nội tại, không chạy theo niệm tưởng nào và tập trung sự tỉnh giác vào cái gì bên trong mà không có bất kỳ sự phân chia thực sự nào giữa bên ngoài, bên trong và khoảng giữa. Rigpa là vipashyana, hay sự quán chiếu thấu suốt, và thấy nó đúng như nó đang hiện hữu, là kinh nghiệm về cái trong sáng không bị ngăn che. Sự tươi mới trinh nguyên của trạng thái rigpa không bao giờ có thể bị ngăn che một cách cố ý, bởi bản tánh của nó hoàn toàn thấu suốt và rộng khắp, tuy nhiên không có đối tượng. Mặc dù với tư cách là một thiền giả, các bạn là một chủ thể, nhưng không có chủ thể nào đang quan sát sự thiền định. Đối với loại thiền định này, không có bên trong và bên ngoài. Nó hiện hữu, và tuy thế không có người đang kinh nghiệm sự hiện hữu của nó. Đây là một điểm quan trọng: Điều ta phải làm sáng tỏ trước hết là việc ta nhận ra rigpa phải được duy trì – duy trì trong ý nghĩa là khi ta thực hành cái thấy, cái thấy là nhãn kiến của ta. Nếu nhãn kiến của ta được tập trung vào giác tánh và ta không duy trì giác tánh đó, chúng ta sẽ trở nên mê lầm bởi các tạo tác niệm tưởng và các vấn đề thuộc cảm xúc.

Sự nhận ra rigpa mà chúng ta đang nuôi dưỡng và hoàn thành, trong thực tế sẽ biến thành vô minh bởi sức mạnh của các tiến trình tư tưởng và các xung đột cảm xúc. Rigpa là cái đối nghịch của vô minh. Giác tánh là cái đối nghịch với vô minh. Nơi mà hai thứ này đi vào tâm thức là cái thấy. Như thế, về cơ bản thì cái thấy là nhãn kiến của một cá nhân về thực tại, là việc nó tri giác thực tại như thế nào. Vì thế nếu cái thấy là rigpa, thì nó đúng là cái mà chúng ta gọi là Phật tánh của sự giác ngộ nguyên thủy. Nhưng nếu việc chúng ta nhận ra rigpa không được duy trì, thì có nguy cơ bị rác rến cảm xúc và tri thức làm cho rigpa này trở nên bị ngăn che bởi vô minh, và cái thấy của ta sẽ thực sự trở nên một cái thấy vô minh. Chúng ta có thể dễ dàng bị mắc bẫy trong mọi loại vấn đề và tình huống ghê gớm do bởi ta không duy trì được việc nhận ra rigpa.

Khi ngơi nghỉ trong tánh giác rigpa, các bạn vẫn kinh nghiệm nhãn thức, nhĩ thức và v.v..., nhưng các bạn không bị phóng tâm ra khỏi Phật tánh thậm chí trong chốc lát. Các tri giác giác quan là phần của sự phô diễn không bị che chướng của giác tánh nội tại. Các bạn phải biết làm thế nào nhìn thấy, làm cách nào nhận thức giác tánh nội tại. Nếu các bạn không làm được, các bạn có thể ở trong trạng thái thiền định trầm trệ vô ký không đem lại kết quả gì.

Hãy ghi nhớ, không có chủ thể nhưng có một kinh nghiệm. Kinh nghiệm là sự trong sáng không bị ngăn che. Sự trong sáng được kinh nghiệm nhưng không bằng tâm thức ý niệm. Kinh nghiệm sự trong sáng thì đơn giản là kinh nghiệm về rigpa đúng thật như nó đang hiện hữu, một cách tự nhiên. Việc thành tựu nền tảng này về cái thấy là siêu việt tâm thức, siêu việt sự ý niệm hóa, và siêu việt các sự xuất hiện (hình tướng) khách quan, bởi nó là thuần tịnh tự nguyên sơ.

Những kinh nghiệm thường xuất hiện trong thiền định là kinh nghiệm về hỷ lạc, sự trong sáng và vô niệm. Nếu ta trở nên bám dính vào các kinh nghiệm này như một vài kết quả trên con đường, ta sẽ tạo nên các nguyên nhân cho vòng sinh tử. Ví dụ, nếu ta trở nên dính mắc vào lạc khi nó phát khởi trong tâm, vào lúc sự dính mắc đó xuất hiện nó tạo nên các nguyên nhân cho sự tái sinh trong Dục giới. Nếu ta trở nên dính mắc vào sự trong sáng, điều đó tạo nên những nguyên nhân cho sự tái sinh trong Sắc giới. Nếu ta trở nên dính mắc vào một trạng thái vô niệm, siêu việt ý niệm, điều đó gây nên những nguyên nhân để tái sinh trong cõi Vô sắc, là nơi có nhiều người không phải là Phật tử đang nhập thiền (định). Nếu không hiểu rõ điều này, không có sự hiểu biết về các cạm bẫy, sự thiền định của ta có thể bị tổn hại.

Thật bất hạnh, ở xứ sở này có một trở ngại to lớn, đó là việc canh chừng giờ giấc. Luôn luôn là thời gian. Mọi sự phải đúng giờ và khi việc gì đó đã xong thì nó phải được chấm dứt và ta không thể thậm chí đi đây đó và tiêu khiển, bởi lẽ mọi người luôn luôn nhìn đồng hồ. Và sau đó là vấn đề ngôn ngữ, vì Thầy và trò nói những ngôn ngữ khác nhau, phải chờ việc thông dịch lại và không thể cảm thông nhau một cách trực tiếp. Những điều này làm cho sự việc hơi khó khăn. Nhưng nếu các bạn học thiền định về Dzogchen một cách đúng đắn, thì cho dù các bạn bị ném vào tù không có thực phẩm trong một thời gian dài, các bạn sẽ không đau khổ vì cái đói hay nỗi khó chịu. Một người an trụ trong cái thấy sẽ không dễ bị đau khổ. Nếu ta an trụ trong cái thấy, ta không sợ hãi và thoát khỏi đau khổ. Còn nếu không, đau khổ sẽ miên man, vô tận. Các bạn phải chứng ngộ cái thấy với sự xác tín toàn vẹn để các hiện tượng của nỗi đau đớn và muộn phiền ngừng phát sinh.

Tôi muốn thảo luận về bản chất (tinh túy), bản tánh và phẩm tính của giác tánh nội tại. Bản chất của trái cầu pha lê này ở trước mặt tôi giống như nước được chứa trong một chiếc ly. Đó là bản chất của đồ vật này. Bản chất của bơ là dầu, bản chất của tất cả chúng sinh là tánh Không. Nó bao gồm tất cả chúng sinh trong sáu cõi sinh tử. Khi chúng ta nghĩ tưởng về sáu cõi, chúng ta cần quan tâm tới chúng sinh trong các cõi bardo, vô lượng chúng sinh trong một trạng thái vô sắc, là những chúng sinh kinh nghiệm chính mình trong một thân thể tinh thần. Nó được tạo nên bởi tâm thức họ, nhưng họ kinh nghiệm có một sắc tướng. Khi các bạn chết, các bạn sẽ lang thang trong trạng thái đó, một kinh nghiệm mà các bạn đã từng lặp đi lặp lại nhiều lần.

Tất cả chúng sinh trong các cõi này là chúng sinh hữu tình và có cùng Phật tánh. Vấn đề là tạm thời, bản tánh này đã bị ngăn che. Nhưng sự hiện hữu như một chúng sinh hữu tình của họ thì không vĩnh cửu. Nó vô thường bởi bản tánh thường hằng của họ, bản tánh nguyên sơ của họ, bản chất của sự hiện hữu của họ, là tánh Không, tự do đối với bất kỳ tạo tác nào. Ý niệm về việc có một cá tính đồng nhất như một cá nhân là không có nền tảng. Mỗi cá nhân đã từng lang thang trong vòng sinh tử trải qua vô lượng cuộc đời trong quá khứ, từ vô thủy cho tới ngày nay.

Tâm thức là thường hằng và trạng thái nhận thức cứ tiếp tục lang thang đó cũng thường hằng. Lang thang trong sinh tử có nghĩa là có cái gì đó không chết. Cái gì đó vẫn đang tiếp diễn. Và cái đó là tâm thức. Có nhiều sự phân chia tâm thức, là điều mà tôi sẽ không đề cập tới ngay bây giờ, nhưng tâm thức không có màu sắc. Kinh nghiệm về một dòng tương tục đang tiếp diễn chỉ có sự hiện hữu tạm thời nhưng không hiện hữu một cách tuyệt đối, bởi lẽ bản tánh căn bản của trạng thái nhận thức là ba thân. Bản tánh nguyên thủy của trạng thái nhận thức đó là mạn-đà-la bao la của ba thân của tâm Phật.

Đó chính là bản tánh của các bạn, nhưng trong khi ở trên con đường các bạn không tỉnh giác về trạng thái đó hoặc các bạn không ở trên con đường. Các bạn bị ngăn che bởi ba độc và bị mắc kẹt trong tính chất tạm thời này của sự ngăn che. Vì thế các bạn phải đi vào con đường thực hành Dzogchen để được giới thiệu lại bản tánh ba thân của các bạn, là Phật tâm.

Ở một nơi nào đó trên con đường các bạn sẽ có thể chứng ngộ tự tánh như trí tuệ bẩm sinh nguyên thủy và kinh nghiệm mình đang ở trong mạn-đà-la vĩ đại của giác tánh nội tại, là Phật tánh. Khi các bạn chứng ngộ được mạn-đà-la trí tuệ vĩ đại đó, là bản tánh bẩm sinh của riêng các bạn, thì các che chướng thô và tế sẽ hoàn toàn được tịnh hóa trong Pháp giới (Dharmadhatu). Khi cả hai loại che chướng hoàn toàn bị tẩy sạch trong cảnh giới của sự thật tuyệt đối, vajradhatu (kim cương giới), thì đó là Phật.

Nếu các bạn ở trong sự vô minh, điều đó giống như một màn mây ngăn che bầu trời gây nên bóng tối tạm thời. Nó là một tính chất tạm thời của tâm nhị nguyên, sự hiện diện của sự bám chấp và dính mắc, nó sẽ được tẩy sạch thành dharmadhatu, đó là Phật tánh nền tảng.

Cái thấy Dzogchen của thiền định có thể được chứng ngộ nhờ shamatha và vipashyana. Đây là điều các bạn cần nghiên cứu. Mọi khía cạnh của Dzogchen phải được thấu suốt. Nếu các bạn sắp thưởng thức một bữa ăn, các bạn nên thưởng thức toàn bộ những gì được mời. Tương tự như vậy, để thực sự nhận thức sâu sắc Dzogchen, các bạn cần hiểu biết lịch sử của Dzogchen, nó đã được đưa vào thế giới này như thế nào, làm thế nào để thực hành nó, và nó dẫn tới giải thoát ra sao. Các bạn cần hiểu rõ tất cả những chi tiết khác biệt của con đường vĩ đại này. Một khi các bạn thấu suốt và hiểu rõ những chi tiết khác biệt này, các bạn sẽ nhận thức rằng không có gì khác là quan trọng. Mọi hoài nghi sẽ được cắt đứt khỏi tâm các bạn và các bạn sẽ đi thẳng tới mục tiêu của mình bằng thực hành Dzogchen. Các bạn sẽ vượt lên sự hoài nghi hay do dự. Sẽ không có các giới hạn, và các bạn sẽ được hướng dẫn tới sự thiền định giác tánh nguyên thủy và không thứ gì khác ngoài nó, cho tới khi các bạn nhận ra chân tánh của các bạn là ba thân, không bao giờ hoài nghi, xa lìa nó. Các bạn phải có sự xác quyết đó. Sau đó các bạn sẽ được chuẩn bị cho giây phút chết là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Vào lúc chết, khía cạnh mẹ của tịnh quang ló rạng. Trong thời gian ở trên con đường, các bạn có cơ hội để thực hành khía cạnh con của tịnh quang, cuối cùng chuẩn bị để gặp gỡ mẹ. Nếu các bạn không có sự nhận ra đó nhờ việc thực hành trong đời này, thì khi các bạn kinh nghiệm giây phút chết và khía cạnh mẹ của tịnh quang xuất hiện, các bạn sẽ không nhận ra mẹ và sẽ tiếp tục lang thang trong sinh tử. Nếu các bạn đã từng làm hiển lộ khía cạnh con, thì vào lúc chết con và mẹ sẽ hợp nhất và các bạn sẽ được tái sinh trong một cõi Phật. Nếu điều đó không xảy ra thì sự sinh ra làm người quý báu này đã bị phí phạm. Giờ đây các bạn phải chuẩn bị khi các bạn đang có cơ hội để thực hiện như thế.

Các bạn phải hiểu rằng khía cạnh con và khía cạnh mẹ của tịnh quang chỉ là một. Vấn đề ở đây là tịnh quang chỉ là tịnh quang, nhưng có một khác biệt trong nhãn kiến của hành giả. Một người sơ học tri giác tịnh quang trong một cách thức không giống với một hành giả có nhiều kinh nghiệm hơn. Thế giới không thay đổi nhưng tri giác của cá nhân thì thay đổi. Khi các bạn nói về tịnh quang của nền tảng, đó là nói rằng tự nền tảng các hiện tượng không là gì khác hơn tịnh quang. Tịnh quang của con đường có ý nghĩa là hành giả trưởng thành sẽ bắt đầu nhận thức rằng các sự vật đã từng luôn luôn là và sẽ luôn luôn là tịnh quang. Tịnh quang cũng vẫn y như thế. Nó là một vấn đề của tri giác. Khi chúng ta nói về tịnh quang của khía cạnh mẹ hay nền tảng, chúng ta đang nói về một tri giác trưởng thành về tịnh quang của toàn bộ thực tại. Đây không phải là một tịnh quang khác biệt với tịnh quang của con đường, hay khía cạnh con.

Một cách để tập trung vào tịnh quang là ngồi trong tư thế thiền định và để tâm nghỉ ngơi trong một trạng thái trong sáng. Một cách thức khác xảy ra khi các bạn rơi vào giấc ngủ. Chính các bạn đang ở trong trạng thái đó khi giữa giấc ngủ sâu và sự tỉnh táo có một điểm mà ta cảm thấy như người ở giữa bầu trời xanh vô hạn không có nền, không trên, không dưới, không có gì ở hai bên. Nếu các bạn đi ra ngoài và nhìn bầu trời, các bạn biết rằng bầu trời có màu xanh dương. Nhưng giờ đây chúng ta đang nói về tâm thức các bạn trở thành một với bầu trời xanh vô hạn không có phương hướng, trung tâm và chu vi, và đây là cái mà ta gọi là tịnh quang nền tảng. Nó chói ngời và không có phương hướng hay chu vi, không có các biên giới.

Tôi muốn nhắc lại là mẹ và con cùng là một, và các bạn không chuẩn bị cho điều gì khác. Không có tịnh quang nào khác. Tất cả những gì các bạn đang làm là trưởng thành và thấy vẫn một ánh sáng đó. Theo thời gian, các bạn trưởng thành, và nhìn xung quanh các bạn thấy ánh sáng theo một cách khác, và vì thế không phải ánh sáng thay đổi mà là các bạn đang nhìn nó với sự trưởng thành chín chắn hơn. Tuyệt đối cần thiết phải hiểu rằng khi các bạn nói về các khía cạnh mẹ và con của tịnh quang thì các bạn không nói về hai loại ánh sáng khác nhau, mà đúng hơn là các khác biệt trong sự tri giác về ánh sáng. Cũng tương tự như một em bé Tây Tạng đang học nói một từ như “ánh sáng”, chúng có thể nói “oksel” bởi chúng không biết rằng từ đó là “osel”. Khi lớn lên, chúng sẽ phát âm nó một cách đúng đắn. Tình huống ở đây cũng thế. Ánh sáng vẫn là ánh sáng đó, nhưng chính sự trưởng thành của hành giả và tri giác của họ thay đổi.

Bản văn gốc nói rằng bản chất (tinh túy) là Pháp thân và bản tánh của Pháp thân là sự trong sáng chói lọi. Tánh Không và sự trong sáng là không hai. Tánh Không là bản tánh căn bản của tâm Bồ-đề, giống như bơ và dầu là một trong bản chất. Đây là cách thức để hợp nhất cái thấy với thiền định. Đây là cách ta cần thấu suốt tên Khyentse Ozer.

Ba tên trong bản văn gốc tương ứng với cái thấy, thiền định và hành động. Cái thấy là “sự bao la vô hạn vĩ đại”, tên của Longchen Rabjam, Đức Longchenpa toàn trí vĩ đại. Thiền định là sự hiện thực hóa cái thấy, được định nghĩa như Khyentse Ozer, tên của Jigme Lingpa, và có nghĩa “những tia sáng của sự thấu suốt trí tuệ và từ ái”. Khi hai thứ này được hợp nhất, nó là bản chất (tinh túy), dharmakaya (Pháp thân) và sự trong sáng phát sinh từ đó. Tinh túy, Pháp thân, cái bao la vô hạn vĩ đại này không có biên giới hay giới hạn. Nó là cái thấy. Thiền định, những tia sáng của hiểu biết và tình thương, là sự trong sáng của tánh Không. Sự trong sáng phát sinh từ tánh Không.

Cái thấy là Longchen Rabjam. Cái thấy xảy ra nhờ chứng ngộ được tánh vô ngã của cá nhân và tánh vô ngã của các hiện tượng, tức thực tại đúng thật như đang hiện hữu. Nhận thức này lần lượt nhường bước cho sự thấu suốt về trí tuệ nguyên thủy. Cái thấy là Longchen Rabjam, nó có nghĩa là nhờ một sự thấu suốt về tánh Không của các hiện tượng mà ta chứng ngộ được bản tánh của các hiện tượng đúng thật như đang hiện hữu.

Vì thế, cái thấy là “sự bao la vô hạn vĩ đại”. Điều đó có nghĩa là ta thành tựu chánh định về sự chứng ngộ bản tánh của thực tại đúng như đang hiện hữu. Từ đó xuất hiện “các tia sáng của hiểu biết và tình thương”. Bằng việc nhận ra rigpa, ta có một sự thấu suốt về bản tánh của lòng bi mẫn và thực tại. Như thế, chúng ta có hai loại prajna, hay trí tuệ, xuất hiện ở đây, với sự trong sáng phát sinh và soi chiếu nhờ thấu suốt bản tánh của ta và người. Đây là điều mà “các tia sáng của hiểu biết và tình thương” muốn nói tới.

Từ nền tảng của tánh Không, sự trong sáng hay năng lực trí tuệ nguyên thủy chiếu tỏa lòng từ bi cũng như thần lực. Phải có thần lực để đến với tất cả chúng sinh hữu tình theo cách này. Thần lực đó hàm ý chỉ tới hành động (hạnh) và nó đưa chúng ta đến cái tên thứ ba trong bản văn gốc – Gyalwe Nyugu, “trưởng tử của các Đấng Chiến Thắng”, đệ tử của ngài Jigme Lingpa. Hành động là khả năng để thực sự dấn mình vào hoạt động biểu lộ cái thấy và thiền định.

Hành động là Gyalwe Nyugu. Điều này ngụ ý rằng ngài Gyalwe Nyugu là một Bồ Tát phi thường với sự chứng ngộ ngang bằng với sự chứng ngộ của Đức Văn Thù. Ngài đã có cái thấy Dzogchen cao tột, và hoạt động của ngài là hoạt động của sáu ba-la-mật. Để dẫn dắt chúng sinh bằng lòng từ bi, ngài đã dấn mình vào sáu ba-la-mật. Như vậy, mặc dù sự thật là ta có khả năng chứng ngộ vĩ đại như Đức Văn Thù, nhưng giống như các đám mây có thể ngăn che mặt trời, các ác hạnh có thể ngăn che sự chứng ngộ. Hoạt động của Gyalwe Nyugu minh họa cho tầm quan trọng của hành động, bất luận cái thấy của ta cao cả đến đâu. Điều này biểu lộ con đường lý tưởng đi tới giác ngộ nhờ cái thấy, thiền định và hành động.

Cái thấy tương ứng với tên Longchen Rabjam, sự bao la vô hạn vĩ đại. Đức Longchepa đã rất nhấn mạnh vào cái thấy trong giới hạn của việc củng cố nền tảng căn bản. Thiền định tương ứng với tên Khyentse Ozer, những tia sáng của hiểu biết và tình thương, là tên của ngài Jigme Lingpa. Sự nhấn mạnh ở đây nằm ở chỗ hợp nhất hiểu biết (trí tuệ) và tình thương như căn bản cho thiền định. Trọng tâm của sự thiền định này là hợp nhất hiểu biết (trí tuệ) nguyên thủy và thiện tâm từ ái. Ngài Gyalwe Nyugu là một đệ tử của Jigme Lingpa và ngài đã đặt tầm quan trọng to lớn ở hành động. Gyalwe Nyugu có nghĩa là “trưởng tử của các Đấng Chiến Thắng”, trưởng tử của chư Phật và chư Bồ tát. Hành động của Dzogchen biểu lộ trong hình thức sáu ba-la-mật: bố thí, nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn, thiền định và trí tuệ siêu việt.

Cái thấy, thiền định và hành động được thấu suốt nhờ một giảng giải về ý nghĩa các danh xưng của ba Đạo sư thuộc dòng truyền thừa vĩ đại này, cũng như trên các khía cạnh mà mỗi vị đã nhấn mạnh. Chúng ta cần trở thành các bình chứa (pháp khí) thích hợp và cần hiển lộ Dzogchen trong đời chúng ta. Chúng ta có may mắn lớn lao được gặp con đường này, được thực hành giống như các Đạo sư vĩ đại trong quá khứ, chẳng hạn Đức Longchenpa và Milarepa. Cách tốt nhất là chúng ta nên trải đời mình trong ẩn thất và tự chế đối với việc gặp gỡ những người thế gian, để sang một bên các hoạt động và hành xử của thế giới bình thường và nhất tâm thực hành cho tới khi tâm thức được giải thoát trong cảnh giới của tánh thanh tịnh nguyên sơ.

Trong thực hành Dzogchen, ta phải nhận thức nền tảng như Phật, con đường như con đường không-thiền định, và kết quả như cái gì không được tìm kiếm, là sự tự do đối với bất kỳ mục đích nào. Nền tảng có nghĩa là nền tảng của tâm thức của riêng ta, mà thực ra chính là Pháp thân. Bản chất (tinh túy) là tánh Không. Bản tánh của nó là sự trong sáng, Báo thân. Nó hiển lộ qua lòng bi mẫn, là Hóa thân. Nhờ nhận ra bản tánh của bất kỳ điều gì xảy ra, ta có sự quán chiếu vào bản tánh của các niệm tưởng và các cảm xúc, và do đó ta nhận thức được rằng chúng không thực sự hiện hữu như đang được nhận biết. Điều này được nhắc đến như Phật thuộc phạm vi con đường. Thực tế là giác tánh đó xuất hiện tự nhiên và mọi phẩm tính đều tràn đầy trong giác tánh xuất hiện tự nhiên đó. Quả Phật bất khả đắc không được chứng ngộ từ nơi chốn nào khác ngoài giác tánh tự sinh của riêng ta. Tâm ta là Phật thuần tịnh, thân ta là sự phô diễn của Bổn tôn và mạn-đà-la. Không cần tìm kiếm ở bất cứ nơi nào khác hơn là ngay ở nơi ta. Phật mà ta không cần tìm kiếm ở nơi nào khác chính là Phật của giác tánh tự sinh nơi ta.

Ba trạng thái của Phật được hoàn thiện trong tâm thức của riêng ta. Vào lúc này, chúng ta đang kinh nghiệm phạm vi nền tảng cũng như phạm vi con đường, và khi tất cả các pháp và hình tướng tầm thường bị cạn kiệt trong trạng thái vĩ đại siêu việt tư tưởng, chúng ta sẽ kinh nghiệm Phật thuộc phạm vi kết quả. Trong phạm vi nền tảng, khi ta đang ở trong trạng thái vô minh thì giống như có một năng lực cho cái gì đó nhú mầm lên, nhưng mầm chồi đã không xuất hiện. Năng lực là cái căn bản, Phật thuộc phạm vi nền tảng là bản tánh của chúng ta, và khi mầm chồi xuất hiện thì đó là phạm vi con đường. Nó sẽ tiếp tục phát triển cho tới khi kết quả sau cùng được thành tựu, là trạng thái Phật quả. Tự căn bản con đường trợ giúp mầm chồi để nó lớn mạnh thành cái gì vốn sẵn có – tức là Phật. Khi trạng thái Phật quả đó được chứng ngộ, thì nó vẫn vốn là tiềm lực nguyên sơ và bẩm sinh của ta từ vô thủy.

Truyền thống Dzogchen siêu việt các giới hạn của sinh tử, bởi gốc rễ của sinh tử là sự bám chấp vào bản ngã, và điều đó phải bị tiệt trừ. Cách thức duy nhất mà nó có thể bị tiệt trừ là nhờ sự tiếp cận này. Vì thế, ngay cả những phương pháp của chư vị Thanh Văn, Độc Giác Phật, Bồ Tát, và ba trường phái tantra ngoại cũng dẫn tới trạng thái vô song của cái thấy, thiền định và hành động của Dzogchen. Tất cả giáo lý của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni được Đức Padmasambhava trình bày trong truyền thống Dzogchen.

Một khi ta đạt được giác ngộ và thành tựu trạng thái giải thoát, hoàn toàn siêu việt mọi sự trong samsara (sinh tử), thì chúng ta không thể rơi trở lại vòng sinh tử. Một vị Phật sẽ không bao giờ không còn là một vị Phật. Một khi sự giác ngộ được thân chứng, nó là một trạng thái không ngừng nghỉ và không bao giờ vơi cạn. Trong các truyền thống khác, niềm hy vọng của ta là sẽ được tái sinh nơi thiên giới hay trong một trạng thái cao hơn, và điều ấy rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu nó không là Phật quả, nếu không là sự chứng ngộ Phật tánh, thì ta sẽ ở trong cảnh giới cao đó cho tới khi nghiệp bị cạn kiệt và tiếp tục đi sang trạng thái tái sinh kế tiếp, vẫn còn ở trong sinh tử. Một khi nghiệp của ta tự cạn kiệt, cái chết xảy ra và ta tiếp tục đi sang trạng thái tái sinh kế tiếp cho tới khi nào gốc rễ của sinh tử – sự bám chấp vào bản ngã – bị loại bỏ. Các bạn cần luôn luôn ghi nhớ trong tâm rằng sự tiếp cận Dzogchen là để tiệt trừ tận gốc sự bám chấp vào bản ngã này, là sự thiếu tỉnh giác về chân tánh của ta. Đây là khả năng tiệt trừ mọi sự che chướng.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 17 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 1


Pháp bảo Đàn kinh


Tổng quan về Nghiệp

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.206.19 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (141 lượt xem) - Hoa Kỳ (6 lượt xem) - ... ...