Giảng rộng
Hai câu này tiếp nối hai câu trước: “Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.” Vì không làm hết thảy các việc ác nên không gặp các điềm dữ. Vì làm hết thảy các việc lành nên thiện thần thường giúp đỡ. Hai câu trước là nhân, hai câu này là quả. Nhưng việc lành dữ cũng có việc lớn việc nhỏ, cũng có những việc tạm thời, những việc dài lâu, cho nên thiện thần hay điềm dữ cũng có lớn có nhỏ, có tạm thời, có dài lâu, như bóng theo hình, như âm thanh theo nhịp gõ, lẽ ấy nhất định phải vậy, không mảy may sai lệch.
Thiện thần hay điềm dữ cũng có ở cõi trời, cũng có ở cõi người, cũng có ở cõi quỷ, nhưng mỗi mỗi đều có chức trách, tùy theo việc thiện ác lớn nhỏ mà đưa đến quả báo tương ứng. Muốn đạt đến chỗ vĩnh viễn không gặp điềm dữ, thường được thiện thần giúp đỡ, ắt phải là người có phúc đức lớn, nghiệp đời trước còn chưa đến, may ra mới có thể đạt được, nhưng cũng thật khó lắm thay!
Trưng dẫn sự tích
Ném xuống sông không chết
Vào thời đức Phật Tỳ-bà-thi còn tại thế, có vị tỳ-kheo bị chứng đau đầu. Bấy giờ, tôn giả Bạc-câu-la là một người nghèo, cúng dường một quả ha-lê-lặc cho vị tỳ-kheo ấy để trị bệnh, nhờ đó mà vị tỳ-kheo được khỏi bệnh. Nhờ nhân duyên ấy, trong 91 kiếp sau đó, tôn giả dù sinh ra trong cõi trời hay cõi người cũng đều luôn được hưởng sự vui sướng khoái lạc, chưa từng bị bệnh tật.
Sau đó, tôn giả sinh vào nhà một trưởng giả bà-la-môn, mẹ mất sớm. Bà mẹ kế nhiều lần muốn giết tôn giả nhưng không sao giết được. Bà liền đẩy tôn giả xuống sông, bị một con cá lớn nuốt chửng vào bụng. Con cá ấy lại mắc lưới bị người bắt được. Khi làm thịt mổ bụng thấy có đứa trẻ vẫn còn sống, nhận ra là con ông trưởng giả bèn đưa trả về nhà. Khi tôn giả lớn lên liền xuất gia theo Phật, tu hành chứng quả A-la-hán.
Lời bàn
Cứu giúp một vị tăng có bệnh mà được 91 kiếp về sau không bị bệnh khổ, lại gặp tai ách bao lần cũng không chết được, chính là nhờ đã gieo trồng phước đức vào ruộng phước thù thắng của nhân gian. Ấy chẳng phải là điềm dữ vĩnh viễn xa lìa, thiện thần thường giúp đỡ đó sao?
Quỷ thần âm thầm giúp đỡ
Đời Bắc Tống có Lưu An Thế, tự Khí Chi, tính tình trung trực, dám nói thẳng, nhiều lần phản biện các sớ luận của Chương Đôn, dâng sớ lên hoàng đế nói rõ rằng Chương Đôn là người không thể dùng được.
Đến khi Chương Đôn được lên nắm quyền, Lưu An Thế liền bị đày ra vùng biên giới xa xôi, phải trải qua đường xa nắng nóng gay gắt, nhiều hiểm nguy, thậm chí lênh đênh trên biển đầy nguy hiểm, lại thêm bọn quan quân áp giải không chút khoan dung, ai ai cũng nghĩ rằng Lưu An Thế phen này chắc chắn phải bỏ mạng. Thế nhưng An Thế vẫn hoàn toàn vô sự, về sau sống đến 80 tuổi mà chưa từng có một ngày bị bệnh.
Bấy giờ có kẻ bỏ tiền mua được một chức quan, đoán ý của Chương Đôn muốn giết Lưu An Thế, liền xin cho mình ra tay giết ông. Chương Đôn lập tức cất nhắc tên này lên làm chức phán quan. Tên này phi ngựa gấp rút đuổi theo, chỉ còn cách Lưu An Thế chừng 30 dặm, định ngày hôm sau đuổi kịp sẽ ra tay giết. Có người báo tin cho Lưu An Thế, khiến mọi người quanh ông đều hãi hùng kinh sợ. Đêm đó, mọi người đều nghe có một tiếng chuông vang, rồi tên gian ác kia bỗng cảm thấy như có một vật gì đánh mạnh vào người, ngay khi ấy thổ huyết mà chết. Lưu An Thế do đó được bình an vô sự.
Lời bàn
Lưu An Thế là người hiền, chỉ vì xu nịnh theo ý của Chương Đôn mà muốn giết ông, tất nhiên điềm dữ phải đến với kẻ ấy, mà thiện thần vẫn thường bảo vệ người hiền thiện.
Giặc không dám cướp
Vào triều Minh, năm đầu niên hiệu Gia Tĩnh, có người họ Kim ở huyện Nghi Chân, tỉnh Giang Tô, mở một hiệu cầm đồ trong trấn. Bấy giờ giặc cướp ẩn trú trên sông Trường giang, đêm đêm thường xuyên xuất hiện cướp đoạt những nhà giàu có, gần như không một nhà nào thoát được. Duy nhất chỉ có nhà họ Kim chưa từng bị chúng động đến.
Quan địa phương do đó nghi ngờ rằng họ Kim có sự thông đồng với bọn giặc cướp. Đến lúc bắt được một tên cướp liền tra hỏi xem vì sao bọn chúng không cướp nhà họ Kim, tên cướp nói: “Trước đây cũng có lần đến đó định cướp, chợt thấy phía trên nhà ấy có vô số các vị thần mặc giáp vàng, nên sợ không dám phạm đến.” Quan huyện không tin, cho gọi những người ở gần nhà họ Kim lên hỏi, họ đều nói: “Nhà họ Kim đúng là rất nhân đức. Các hiệu cầm đồ khác thảy đều cân ra non, cân vào già, chỉ có nhà họ Kim là giữ đúng mực công bình. Định giá cho người lại hết sức rộng rãi, mà thời hạn chuộc lại cũng được kéo dài, không gấp rút. Nếu biết được có những người gần gũi mà già yếu, có con nhỏ hoặc nghèo khó, khi có việc phải mang đồ đến cầm liền phá lệ không lấy lãi. Nhà ấy còn có lệ mùa đông không tính lãi áo ấm, mùa hè không tính lãi áo mát, năm nào cũng vậy, cốt để người ta dễ dàng chuộc về mà dùng. Ấy là trời giúp người hiền, nên có thiện thần bảo vệ.”
Quan huyện nghe như vậy rồi hết sức ngợi khen tán thán. Quan Trực chỉ biết được sự việc liền đặc biệt tuyên dương khen thưởng nhà họ Kim.
Lời bàn
Hiệu cầm đồ vốn là phương tiện thuận lợi giúp người dân có thể giải quyết kịp thời những khoản tiền cấp bách. Tuy nhiên, hầu hết những người mở hiệu cầm đồ chỉ toàn là những kẻ cân vào non, cân ra già, đối với dân nghèo chẳng bao giờ có sự khoan dung châm chước, cho nên không khỏi trở thành một đám tiểu nhân hám lợi nơi phố thị. Riêng nhà họ Kim đặc biệt không rơi vào trong đám tệ hại ấy, lại còn có thể hướng đến những người nghèo khổ khó khăn mà bố thí, cho nên các nạn lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cướp, quan tham, người ác làm sao có thể tổn hại đến phước đức của nhà ấy?