Trong suốt thời gian liên hệ giữa chúng tôi, bà Blavatsky và tôi chưa
bao giờ sống gần bên nhau một cách thân mật như trong chuyến du hành
trên một chiếc thuyền trên con kênh đào Buckingham.
Kênh đào này là một công trình thuœy lợi để cứu giúp cho hàng nghìn nông
dân bị mất mùa, đói kém trong một trận thiên tai kinh khuœng hồi thời
Quận công Buckingham đảm nhiệm chức vụ Thống đốc tỉnh Madras.
Từ trước đến giờ, chúng tôi vẫn sinh hoạt và làm việc chung với sự có
mặt của các bạn bè thân hữu, hay nói chung là bao giờ cũng có một “người
thứ ba”. Nhưng trong dịp này, chúng tôi sống riêng biệt trong một chiếc
du thuyền, chỉ có đứa bé giúp việc Babula và vài người chèo thuyền.
Khoang thuyền được trang bị như một phòng ca-bin nhỏ, hai bên là hai cái
tủ nhỏ để đựng hành trang, trên mặt có trải nệm để làm giường nằm. Ở
giữa có một cái bàn xếp, khi nào không cần dùng đến thì có thể xếp lại
và treo lên nóc khoang. Phía ngoài là chỗ nấu bếp, có lu đựng nước uống,
có mọi thứ tiện nghi tối thiểu và mọi thứ phẩm vật cần dùng trong khi đi
đường. Khi có gió thổi thì buồm được giương lên để thuyền lướt nhẹ trên
mặt nước. Khi gió ngược thì những phu chèo thuyền nhảy lên bờ, dùng dây
cói buộc lên vai họ và kéo thuyền đi với tốc độ khoảng năm cây số giờ.
Theo sau chúng tôi, còn một chiếc thuyền khác chở vài bạn đạo thân tín
nhất thuộc tỉnh Madras. Trong số đó có bạn Ivalu Naidu, công chức Sở
Thuế vụ đã về hưu, một người có tấm lòng vàng mà chúng tôi rất quý mến
và hãnh diện khi được kết tình thân hữu với ông.
Mục tiêu của chuyến đi trên sông này là thị trấn Nellore, phải mất hai
ngày đi thuyền mới tới. Chúng tôi khởi hành lúc bảy giờ tối một đêm
trăng sáng, nhằm ngày 3 tháng 5 năm 1882, trăng đã tròn, thuyền lướt nhẹ
trên mặt nước lặng yên và trong như bạc, làm cho chúng tôi có cảm giác
như đi vào cảnh mộng.
Sau khi ra khỏi thành phố, không một tiếng động làm gián đoạn cái im
lặng thâm trầm của miền đồng quê, trừ ra tiếng kêu lẻ loi của những con
chó rừng, giọng nói thì thầm của những phu chèo thuyền nói chuyện với
nhau, và tiếng nước vỗ nhẹ vào hai bên mạn thuyền.
Xuyên qua các cửa sổ, một ngọn gió đêm thổi vào mát rượi, đượm mùi ruộng
lúa trổ bông với hương vị đồng quê thật nhẹ nhàng bát ngát.
Tôi với bà Blavatsky cùng ngồi thưởng thức cảnh vật êm đềm, tinh thần
sảng khoái trong giờ phút nghỉ ngơi rất hiếm có giữa nếp sống lăn lộn vô
cùng kích động, ồn ào và nhộn nhịp của chúng tôi.
Chúng tôi chỉ nói rất ít, dưới ảnh hưởng mê ly đầy thi vị thần tiên của
một đêm trăng Ấn Độ. Đến tận khuya chúng tôi mới chia tay để cùng nghỉ
ngơi dưỡng sức.
Nhờ có ngọn gió nồm từ hướng tây nam thổi mạnh, chiếc thuyền thẳng tiến
suốt đêm, và lộ trình của chúng tôi được nhẹ nhàng êm ái, không trở
ngại.
Trời vừa hừng sáng, thuyền tấp vào bờ để những người phu chèo thuyền
nhóm lửa nấu cơm. Các bạn hữu trên thuyền kia cũng cho thuyền đậu và
sang với chúng tôi.
Khi mọi người đã dùng bữa xong, chúng tôi lại tiếp tục lên đường, hai
chiếc thuyền lướt nhẹ êm ru như những bóng mây. Bà Blavatsky và tôi bận
rộn suốt ngày hôm đó với công việc trả lời thư từ còn ứ đọng và soạn bài
vở cho tạp chí Theosophist, thỉnh thoảng cũng tạm ngưng để cùng nhau mạn
đàm trong giây lát.
Lẽ tất nhiên, đề tài duy nhất của chúng tôi là tình hình và triển vọng
của Hội Thông thiên học, và tác dụng rốt ráo khả hữu của những tư tưởng
Đông phương mà chúng tôi đang truyền bá đối với dư luận quần chúng đương
thời. Về vấn đề này, chúng tôi cùng lạc quan như nhau, và không một điểm
nghi ngờ hay bất đồng nào thoáng qua trong trí óc. Chính niềm tin mãnh
liệt đó đã giúp chúng tôi luôn thản nhiên, bình tĩnh trước mọi biến cố,
tai ương và nghịch cảnh, những sự ngăn chặn biết bao nhiêu lần trong
cuộc đời hoạt động của chúng tôi.
Vài bạn đồng hành hiện hữu có lẽ không thỏa mãn, nhưng quả thật là những
sự tiên liệu của chúng tôi nhắm vào ảnh hưởng của giáo lý Thông thiên
học đối với trào lưu tư tưởng cận đại nhiều hơn là bàn về sự bành trướng
khả hữu của Hội khắp nơi trên thế giới. Thật sự chúng tôi không hề trông
đợi việc ấy có thể xảy ra. Cũng như khi rời khỏi New York đi Bombay,
chúng tôi không hề mơ tưởng rằng Hội có thể mở Chi hội cùng khắp Ấn Độ
và Tích Lan, thì bây giờ cũng thế, trên chiếc du thuyền lướt đi trong im
lặng này, chúng tôi không hề nghĩ rằng Hội có thể khuấy động quần chúng
để mở đường cho việc tổ chức các Chi hội và thành lập những trung tâm
truyền bá giáo lý Thông thiên học khắp nơi ở châu Mỹ, châu Âu; đừng nói
chi đến châu Úc, châu Phi và Viễn Đông.
Làm sao chúng tôi có thể nghĩ đến điều đó? Chúng tôi có thể trông cậy
nơi ai? Ai là người dũng lực phi thường để có thể gánh lấy trên vai của
mình cái trách nhiệm nặng nề như thế? Bạn đọc hãy nhớ rằng, hồi đó chỉ
mới là năm 1882, và ngoài châu Á ra, chỉ có ba Chi hội Thông Thiên Học
trên thế giới (không kể trung tâm New York vẫn còn chưa được tổ chức
lại). Chi hội London và Chi hội Corfu (Hy Lạp) chỉ là những cơ quan bất
động.
Ông Judge đã sang Nam Mỹ để làm việc cho một công ty khai thác mỏ bạc,
và Trụ sở Thông thiên học ở New York vẫn im lìm không hoạt động. Chỉ còn
có hai người bạn già chúng tôi trên chiếc du thuyền này là nắm giữ giềng
mối điều khiển mọi sự, và khoảnh đất dụng võ của chúng tôi là phương
Đông. Cũng không hơn gì tôi, lúc ấy bà Blavatsky không hề biểu lộ khả
năng tiên tri nào, nên chúng tôi vẫn làm việc và xây dựng nền tảng cho
cái tương lai vĩ đại mà không người nào trong hai chúng tôi có thể nhìn
thấy trước.
Trong số hàng nghìn hội viên Hội Thông thiên học hiện tại, chắc hẳn có
bao nhiêu người sẵn lòng đổi lấy với bất cứ giá nào, tình tương thân đầm
ấm mà bà Blavatsky dành cho tôi trong chuyến du hành bằng thuyền này!
Điều làm cho chuyến đi này càng thú vị và lợi lạc hơn nữa, là bà có sức
khỏe tốt, tinh thần lên cao, và không có gì làm che ám bầu không khí vui
tươi giữa tình bạn của chúng tôi. Nếu không được như thế, hẳn tôi đã trở
thành một kẻ bị nhốt trong chuồng cọp, làm bạn với một con sư tử cái
trong Sở Thú! Và như vậy, chắc hẳn là tôi thà nhảy lên bờ đi bộ, hoặc
chuyển sang thuyền kia để làm bạn với Iyalu Naidu còn dễ chịu hơn!
Ôi! Blavatsky, người bạn đáng thương, bạn đồng môn, người cộng tác,
người hướng dẫn của tôi! Không ai có thể làm khổ tôi hơn bà trong những
cơn giông tố ồ ạt, và cũng không ai dễ mến và đáng yêu hơn bà trong
những khi tinh thần lên cao, khi bà có một tác phong đằm thắm dịu dàng!
Tôi luôn tin rằng chúng tôi đã từng làm việc chung với nhau trong những
kiếp trước, và tôi cũng tin rằng chúng tôi sẽ còn hợp tác với nhau trong
những kiếp tương lai vì mục đích phụng sự nhân loại.
Chúng tôi đến Nellore lúc mười một giờ khuya và được tiếp đón trọng hậu.
Một ngôi biệt thự to lớn đã được trang hoàng lịch sự để cho phái đoàn
chúng tôi tạm trú, và tuy giờ đã khuya, tôi vẫn phải đáp từ hai bài diễn
văn, một bằng tiếng Phạn và một bằng tiếng Anh. Sau đó chúng tôi mới
được về phòng ngơi nghỉ, ai nấy đều thấm mệt.
Từ ngày hôm sau trở đi, chúng tôi lại bắt đầu chương trình hoạt động
thông thường như mọi cuộc viếng thăm ở những nơi khác: một buổi diễn
thuyết trước một cử tọa đông đảo. Ngày kế đó dành cho công việc soạn bài
vở tạp chí và thu nhận hội viên mới. Chiều đến, một phái đoàn học giả ưu
tú về môn Phạn ngữ đến viếng và chất vấn chúng tôi về đạo lý; và đến
mười một giờ khuya, chúng tôi chính thức thành lập Chi hội Thông thiên
học tại Nellore.
Kế đó chúng tôi tiếp tục chuyến đi đến Mypaud, rồi đi Guntur. Và cứ như
thế, chương trình hoạt động của chúng tôi lại tái diễn như trên.