Đó là một đêm trăng sáng. Chúng tôi ba người cùng ngồi thưởng trăng trên
sân cỏ trước nhà cho đến khuya, và bàn kế hoạch du ngoạn hang động Karli
vào ngày hôm sau.
Tối hôm đó, bà Blavatsky ngồi nhập định trong một lúc, và sau đó khi xả
thiền bà nói với tôi rằng đúng năm giờ chiều mai, sẽ có một vị tăng lữ
Bà-la-môn đến gặp chúng tôi trong hang.
Bốn giờ sáng hôm sau, Baburao, người thừa sai của chân sư, rón rén bước
vào phòng ngủ của tôi và Mulji, sẽ đánh thức tôi dậy, nhét vào tay tôi
một cái hộp sơn mài nhỏ, hình tròn, đựng một miếng trầu có têm vôi và
gia vị gói ở trong, như người ta thường gói sẵn cho gọn để mời khách, và
nói nhỏ vào tai tôi thánh danh của vị chân sư bảo trợ chúng tôi trong
cuộc đi chơi này. Ý nghĩa món quà này là: trong tổ chức Huyền môn của
chúng tôi, đó là dấu hiệu thâu nhận đệ tử mới. Chúng tôi thức dậy, đi
tắm, dùng cà phê sáng xong, đúng năm giờ lên xe bò đi Karli và đến nơi
vào lúc mười giờ.
Vào giờ này, mặt trời đã lên cao, chúng tôi phải đi lên dốc một cách vất
vả, khó nhọc trên con đường mòn từ dưới chân đồi dẫn lên các hang động
trên núi. Bà Blavatsky có vẻ mệt lử và hơi thở hổn hển như sắp dứt, đến
nỗi vài người phu phải đem lại một chiếc ghế bành và kiệu bà đi trên
đoạn đường dốc cuối cùng.
Tôi không cần phải miêu tả ở đây ngôi đền vĩ đại khoét trong hang núi và
những xà lim nhỏ vuông vức đục trong vách đá dùng làm chỗ ngủ của các tu
sĩ khổ hạnh thời xưa. Toàn bộ kiến trúc gây cho du khách một cảm giác
bàng hoàng kinh ngạc về tính cách hùng vĩ của công trình mỹ thuật độc
đáo vô song này.
Mọi cuốn du lịch chỉ nam đều có mô tả hang động Karli với đầy đủ chi
tiết. Mệt mỏi sau cuộc leo núi dưới ánh mặt trời nóng bức, chúng tôi
bước vào trong hang lớn, trải nệm và cắm trại luôn trên nền đá. Kế đó
chúng tôi ăn trưa và đàm đạo với nhau về vấn đề thịnh vượng và suy vong
của nền minh triết cổ truyền (Brahma Vidya) của Ấn Độ, và những triển
vọng phục sinh của nó trong tương lai.
Cuộc đàm thoại về những vấn đề cao siêu đó làm tiêu hao thời gian cho
đến khi tôi nhìn đồng hồ thì thấy chỉ còn có sáu phút nữa là đúng năm
giờ chiều. Thế là bạn Mulji và tôi để bà Blavatsky ở lại đó rồi cùng đi
ra chòi canh ở ngoài cửa hang để ngồi đợi. Không có một tăng lữ khổ hạnh
nào xuất hiện, nhưng sau độ mười phút thì thấy có một người tu sĩ đẩy
tới trước một con bò cái có tật với một cái chân thứ năm ngắn ngủi mọc
ra từ cái gù trên lưng. Có một người nô bộc đi theo ông ta .
Người tu sĩ có một gương mặt dịu dàng, khôi ngô, dễ mến. Ông ta có một
đầu tóc đen dợn sóng và xõa xuống tận vai. Một bộ râu rậm chẻ hai ở dưới
cằm theo kiểu dân Rajput, đuôi râu vắt lên hai bên mép tai và xoắn lại
với tóc trên đầu. Ông mặc bộ áo vàng của người tu sĩ xuất gia, trên vầng
trán rộng biểu lộ sự thông minh có bôi tro xám biểu hiệu chi phái thờ
thần Shiva.
Chúng tôi để ý dò xét xem ông ta có nhận ra chúng tôi không, nhưng thấy
là không. Sau cùng chúng tôi mới lên tiếng để bắt chuyện với ông ta. Ông
ta nói rằng ngày hôm qua trong khi ông đang trên lộ trình hành hương ở
Hardwar thì sư phụ ông dạy rằng hãy đến đây ngày hôm nay, lúc năm giờ
chiều, vì có những người mà ông cần gặp gỡ. Ngoài ra, ông không được dặn
dò gì thêm.
Nếu chúng tôi trông đợi ông ta, thì chúng tôi hẳn là những người mà sư
phụ ông ta muốn nói đến, nhưng ông ta lại không mang đến một lời nhắn
nào cho chúng tôi, hoặc ít nhất chúng tôi cũng chưa biết được điều đó.
Sư phụ ông ta không đích thân nói chuyện với ông, mà ông nghe được lời
dạy của ngài qua một giọng nói dường như thì thầm bên tai. Điều này
chúng tôi biết được, sau khi đã gặn hỏi ông ta nhiều câu hỏi quanh co,
và sau một lúc im lặng, ông ta có vẻ như đang lắng nghe giọng nói của
một người nào đó mà không ai trong chúng tôi nhìn thấy. Đó cũng chính là
cách ông ta tiếp nhận những lời dạy của sư phụ trong khi đi đường.
Thấy rằng không còn khai thác thêm được điều gì nữa từ ông ta, chúng tôi
tạm biệt và trở lại với bà Blavatsky. Chúng tôi quyết định ngủ đêm trên
núi, và sau khi thông báo quyết định ấy cho Baburao, anh ta và Mulji
liền đi tìm một nơi cư trú thích hợp. Khi họ trở lại, chúng tôi cùng di
chuyển hành lý đến một hang nhỏ dùng làm phòng ngủ đục trong vách đá, ở
cách đó không xa.
Những nhà điêu khắc thời cổ đã kiến tạo ở cổng vào hang động này hai cây
cột đá chạm trổ tinh vi, và bên trong động là mười căn phòng nhỏ, với
những hành lang đưa đến một phòng vuông vức rộng lớn dùng làm đại sảnh
trung tâm hay hội trường. Bên trái cổng vào là một bồn chứa nước đục vào
vách đá để tiếp nhận một thứ nước suối rất trong và mát lạnh.
Bà Blavatsky cho chúng tôi biết rằng từ một căn phòng nhỏ trong hang có
một cửa bí mật thông với những hang động khác ở trung tâm quả núi. Tại
đây có các bậc siêu nhân đang ẩn trú mà người thế gian không hề biết
được mảy may tung tích. Bà nói rằng, nếu có thể tìm thấy một bộ phận nào
đó trên vách đá và đẩy vào đó theo đúng phương pháp thì sẽ có thể lọt
vào bên trong cửa động bí mật. Đó là một sự tiết lộ rất hấp dẫn trong
hoàn cảnh hiện tại!
Tôi đã thăm dò, tìm kiếm rất lâu và trong một hang nhỏ khác cách đó
không xa, tôi đã thử đặt tay vào một chỗ nọ và sắp sửa đẩy mạnh vào thì
bà Blavatsky gọi giật tôi lại một cách hối hả. Trong bức thư của chân sư
mà tôi nhận được ở Bhurtpore sau đó, ngài cho tôi biết rằng lúc ấy tôi
đã thật sự đặt tay vào đúng chỗ và đã có thể đột nhập quá sớm vào nơi ẩn
trú của ngài nếu tôi không bị gọi giật trở lại.
Mulji và Babula đã cùng với Baburao đi xuống chợ trong làng để mua vật
thực, chỉ còn bà Blavatsky và tôi ở lại. Chúng tôi ngồi trước cổng hút
thuốc và nói chuyện. Một lát sau, bà bảo tôi hãy ngồi yên một chỗ trong
vài phút và đừng nhìn quanh cho đến khi bà lên tiếng. Kế đó, bà đi vào
động, còn tôi vừa hút thuốc vừa ngắm cảnh vật rừng núi mênh mông trải
rộng dưới chân đồi.
Thình lình, từ phía trong hang vọng ra một tiếng động lớn giống như
tiếng đóng sầm của một cánh cửa rất nặng, và một chuỗi cười dài ngạo
nghễ nghe vang tai. Tự nhiên là tôi day đầu lại, nhưng bà Blavatsky đã
biến mất. Bà không có mặt trong bất cứ gian phòng nhỏ nào mà tôi đã xem
xét tỉ mỉ từng chi tiết. Tôi cũng quan sát cẩn thận những mặt đá trên
tường, nhưng không thấy một chỗ rạn nứt nào hay một dấu hiệu gì tỏ rằng
có một cánh cửa bí mật.
Tôi đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm huyền linh trong một thời gian
lâu dài với bà Blavatsky nên không thắc mắc nhiều về điều bí hiểm này,
và trở lại ngồi chỗ cũ, châm lửa hút thuốc, thản nhiên chờ đợi mọi diễn
biến có thể xảy ra.
Nửa giờ đã trôi qua kể từ lúc bà biến mất dạng, bỗng tôi nghe có tiếng
chân người ngay sau lưng và giọng nói của bà Blavatsky nói chuyện với
tôi, một giọng nói rất tự nhiên dường như không có gì đã xảy ra một cách
khác thường. Tôi liền hỏi xem nãy giờ bà đi đâu. Bà đáp rằng vì bà có
đạo sự cần bàn tính với chân sư X. nên bà đã đến viếng ngài tại nơi trú
ẩn bí mật của ngài. Có điều lạ là bà cầm nơi tay một ngọn đao đã gỉ sét,
kiểu cổ xưa trông rất kỳ dị. Bà nói là đã lượm được trong một hành lang
bí mật và mang theo tới đây. Bà không chịu để cho tôi giữ cây đao ấy, mà
dùng hết sức quăng nó ra xa. Tôi nhìn thấy nó rơi xuống một bụi rậm ở
tận dưới chân đồi.
Tôi không giải thích những sự việc đã xảy ra, để cho độc giả tự tìm hiểu
tùy khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, để rào đón trước sự thiên lệch
của những người có ít nhiều thành kiến, tôi có thể nói rằng, ngoài
chuyện cây đao gỉ sét, tất cả đều có thể giải thích bằng giả thuyết thôi
miên. Tiếng động của cánh cửa đá đóng sầm lại và giọng cười vang dội kéo
dài, sự tàng hình và thình lình xuất hiện trở lại của bà Blavatsky, tất
cả đều có thể giải thích như những ảo giác do bà Blavatsky dùng thuật
thôi miên tác động trên giác quan của tôi. Bà có thể đã đi qua cổng hang
ngay bên cạnh tôi để đến một nơi nào đó, và trở lại ngay trước mắt tôi
mà tôi không nhìn thấy. Đó là một cách giải thích, tuy rất bấp bênh mơ
hồ, của người môn đệ sơ cơ như tôi đối với một người đã lão luyện tinh
thông về khoa phương thuật.