Lều trại của tôi được khách đến viếng thăm rất đông suốt ba ngày liền
trong thời gian chúng tôi lưu trú tại Lahore, và tôi có diễn thuyết hai
lần dưới lều vải công cộng trước một đám quần chúng đông đảo.
Đêm 19, tôi đang ngủ trong lều. Thình lình tôi thức giấc vì cảm thấy có
một bàn tay sờ vào người tôi. Trại này được dựng lên giữa đồng trống, và
nằm ngoài sự bảo vệ của cảnh sát thành phố Lahore. Phản ứng đầu tiên của
tôi là tự vệ chống lại một kẻ cuồng tín tôn giáo có thể đến ám sát tôi.
Tôi bèn ngồi nhổm dậy, nắm chặt lấy hai cánh tay người lạ mặt và hỏi
bằng thổ ngữ Hindoustani rằng y là ai và y muốn gì.
Việc ấy chỉ xảy ra trong chớp mắt, và tôi giữ chặt lấy người kia trong
tư thế tự vệ của một người trước cơn nguy biến có thể bị hành hung bất
ngờ và phải bảo toàn tính mạng của mình. Nhưng ngay khi đó, một giọng
nói êm ái dịu dàng thốt lên: “Anh không biết tôi sao? Anh không nhớ tôi
chăng?”
Thì ra đó là giọng nói của chân sư K. H. Cảm xúc của tôi liền thay đổi
đột ngột, tôi bèn buông tay ra, chắp hai tay kính cẩn vái chào ngài, và
muốn nhảy ra khỏi giường nằm để đảnh lễ ngài. Nhưng ngài đưa tay ngăn
tôi lại, và sau khi đã trao đổi với nhau vài câu, ngài nắm bàn tay trái
tôi trong tay ngài, cuốn tròn những ngón tay mặt của ngài trong lòng bàn
tay tôi, và đứng yên bên cạnh giường, trong khi đó tôi có thể nhìn thấy
gương mặt đầy hảo ý và thánh thiện của ngài dưới ánh đèn trong lều. Sau
một lát, tôi cảm thấy một vật gì mềm mại tượng hình trong bàn tay tôi,
kế đó chân sư đặt bàn tay trên trán tôi, thốt ra một lời ban an huệ, và
sau khi rời khỏi gian lều ngăn đôi của tôi, ngài bước qua gian kế bên để
thăm ông W. T. Brown. Ông này ngủ ở gian bên cạnh, sau một tấm vách ngăn
bằng vải cứng chia lều ra làm hai buồng.
Khi tôi có thời giờ để lấy lại tinh thần và chú ý đến mình, tôi thấy tôi
đang nắm trong bàn tay trái một tờ giấy xếp làm tư, gói trong một cái
khăn lụa. Động tác đầu tiên của tôi lẽ tự nhiên là bước đến gần đèn và
mở tờ giấy ra đọc. Đó là một bức thư khuyên bảo về việc riêng tư của
tôi, có chứa đựng những lời tiên tri về cái chết của hai đối thủ hết sức
chống lại Hội Thông thiên học lúc ấy, nhưng không nói rõ tên. Lời tiên
tri này đã ứng nghiệm với cái chết của Swami Dyanand Saraswati và Keshab
Chandra Sen ít lâu sau đó.
Việc gì xảy ra trong gian buồng của bạn Brown ở kế bên, ông ta đã kể lại
cho nhiều nhân chứng nghe, và đã công bố trong một tập văn thư nhan đề:
“Vài kinh nghiệm ở Ấn Độ”. Trong một tập văn thư khác nữa nhan đề: “Một
tham luận giải thích về Hội Thông thiên học”, ông ta viết:
“Có thể nói rằng chân sư K. H. là một bậc siêu phàm. Người viết đã có
hân hạnh gặp ngài tại Lahore, và có diễm phúc nói chuyện và tiếp xúc với
ngài. Người viết cũng đã nhận được thư của ngài tại Madras, Lahore,
Jammu, và một lần nữa ở Madras, tất cả các thư ấy đều được viết bằng một
tuồng chữ giống nhau, v.v...”
Khi tôi nghe thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên ở gian buồng kế bên, tôi
mới bước qua xem việc gì đã xảy ra, thì ông Brown liền đưa cho tôi xem
một bức thư gói trong một chiếc khăn lụa giống như của tôi nhưng với nội
dung khác hẳn. Thư ấy cũng được ngài tượng hình trong lòng bàn tay ông,
giống như trường hợp của tôi, và chúng tôi cùng lấy ra đọc chung nhau.
Về sau, người bạn trẻ này lại thay đổi chí hướng nhiều lần, và sau khi
đã xoay trở giáp một vòng thay đổi lớn qua nhiều tổ chức tôn giáo khác
nhau, sau cùng ông theo đạo Gia Tô và làm giáo viên trong một trường học
của Hội Thánh La Mã.
Bức thư của chân sư K. H. có đề cập đến việc chân sư M. đến viếng thăm
tôi tại New York trước đây, khi ấy ngài đọc được tư tưởng thầm kín của
tôi và ban cho tôi cái khăn vấn đầu của ngài để chứng minh cụ thể rằng
ngài đã thật sự xuất hiện trong phòng tôi. Thư viết như sau:
“Tại New York, con đã muốn có một bằng chứng cụ thể rằng cuộc viếng thăm
của ngài không phải là một ảo ảnh, và ngài đã cho con cái bằng chứng đó.
Bây giờ, tuy con không đòi hỏi, ta cũng cho con cái bằng chứng này: khi
ta không còn ở đây, cái thư này sẽ nhắc nhở cho con biết sự gặp gỡ của
chúng ta đêm nay. Bây giờ ta sang gặp Brown để thử thách năng khiếu trực
giác của nó. Đêm mai, khi trại đã vắng người, ta lại sẽ đến đây để nói
chuyện với con nhiều hơn, vì con cần phải được cảnh giác trước về vài sự
việc sẽ xảy đến trong tương lai.”
Ngài kết luận:
“Hãy luôn luôn cảnh giác, nhiệt thành, và sáng suốt trong mọi việc; vì
con nên nhớ rằng sự hữu ích của Hội Thông thiên học phần lớn tùy nơi sự
cố gắng của con, và ân huệ của chúng ta luôn luôn được ban xuống cho
những nhà “sáng lập” chịu đau khổ hy sinh, và cho tất cả những người trợ
giúp trong công việc của họ.”