Ngày 27 tháng 8 năm ấy, bà Blavatsky và tôi cùng với em trai giúp việc
là Babula lại đáp chuyến xe lửa đêm từ Bombay đi lên miền Bắc. Đến thị
trấn Meerut, chúng tôi được toàn thể chi bộ của môn phái Arya Samaj tại
địa phương đến tiếp đón tại nhà ga, và đưa chúng tôi về trụ sở của họ.
Tại đây, chúng tôi đã gặp lại đạo sư Dyànand Saraswati, nhà lãnh đạo
tinh thần của môn phái Arya Samaj đã nói ở trên.
Trước sự có mặt của các tín hữu trong môn phái ông, chúng tôi mở một
cuộc thảo luận nhằm biết rõ quan điểm thật sự của ông về pháp môn Yoga
và về những năng lực tâm linh có thể đạt được của con người.
Chúng tôi được biết rằng những giáo lý ông đã dạy các tín hữu luôn
khuyến cáo họ không nên thực hành pháp môn khổ hạnh, và thậm chí còn
gieo sự nghi ngờ về sự thật của các quyền năng thần bí. Trái lại, trong
những cuộc đàm thoại với chúng tôi trước đây ông có một luận điệu khác
hẳn. Cuộc phỏng vấn của tôi lần này đã được các tín hữu trong môn phái
ghi chép lại đúng y nguyên văn mà tôi xin thuật lại như dưới đây:
“...Câu hỏi đầu tiên đưa ra cho Thầy (Swami) là: ‘Pháp môn Yoga có phải
là một khoa học thực nghiệm, hay chỉ là một giả thuyết siêu hình; và đạo
sư Patanjali có tin rằng người ta có thể đạt được những quyền năng thần
bí hay không? Và đã có ai đạt được những quyền năng ấy hay chưa?’
“Thầy đáp rằng: Pháp môn Yoga có thật và căn cứ trên sự hiểu biết những
định luật thiên nhiên.
“Câu hỏi kế tiếp là những quyền năng siêu đẳng, hiện nay người ta còn có
thể sở đắc được hay không, hay là thời kỳ ấy nay đã qua rồi?
“Câu trả lời là những định luật thiên nhiên vốn không dời đổi và không
bị giới hạn trong thời gian và không gian. Những gì người ta đã làm được
trong quá khứ đương nhiên cũng vẫn áp dụng trong hiện tại. Không những
ngày nay người ta có thể làm tất cả những gì đã được diễn tả trong các
sách cổ xưa, mà chính Thầy (Swami) có thể truyền dạy các phương pháp ấy
cho bất cứ người nào thật tình mong ước đi vào con đường ấy.
“Có nhiều người đã đến xin thụ giáo Swami và quả quyết rằng họ có khả
năng đạt tới sự thành công; Thầy đã thử hết ba người, nhưng tất cả đều
thất bại. Lúc đầu họ tỏ ra có nhiều thiện chí, nhưng không bao lâu họ
đâm ra chán nản và bỏ cuộc. Yoga là một khoa học khó khăn nhất, và ngày
nay rất ít người có thể sở đắc được.
“Câu hỏi tiếp theo là ngày nay còn có chăng những đạo sĩ Yoga chân chính
có thể thực hiện những hiện tượng nhiệm mầu như đã diễn tả trong các
sách cổ Ấn Độ.
“Thầy đáp rằng những vị đạo sĩ ấy ngày nay vẫn còn, nhưng rất hiếm. Họ
ẩn cư ở những nơi hẻo lánh, và ít khi, hay không bao giờ xuất hiện ở
những nơi công cộng. Họ không bao giờ tiết lộ những bí quyết của họ cho
kẻ thế nhân phàm tục, cũng không truyền dạy bí pháp của họ, trừ phi cho
những người mà họ nhận thấy là xứng đáng sau nhiều cơn thử thách.
“Đại tá Olcott hỏi rằng phải chăng những vị chân sư luôn luôn khoác bộ
áo vàng của nhà tu sĩ xuất gia như người ta thường thấy, hay cũng mặc y
phục thường?
“Thầy đáp rằng các ngài có thể mặc mọi thứ sắc phục thích nghi tùy nhu
cầu của hoàn cảnh.
“Đáp lời yêu cầu cho biết người đạo sĩ chân tu có những thứ quyền năng
nào, Thầy nói rằng người Yogi chân chính có thể làm những việc mà người
thế gian gọi là những phép lạ. Không cần phải nêu ra những loại quyền
năng nào, vì trên thực tế quyền năng của y chỉ bị giới hạn bởi lòng mong
muốn và sức mạnh của ý chí. Chẳng hạn như họ có thể giao cảm bằng tư
tưởng với những vị đạo sĩ khác dù họ ở cách nhau bao xa trong không
gian, và không cần sử dụng những phương tiện viễn thông thường lệ như
thư từ hay điện tín. Họ có thể đọc tư tưởng của người khác. Họ có thể di
chuyển (trong chân ngã) từ một nơi này đến một nơi khác, không cần sử
dụng những phương tiện chuyên chở thông thường, và với một tốc độ mau
chóng hơn nhiều. Họ có thể đi trên mặt nước hay trên không trung; vượt
cao khỏi mặt đất. Họ có thể xuất hồn ra khỏi xác và nhập vào thể xác một
người khác, trong một thời gian ngắn hay trong nhiều năm tùy ý muốn.
“Họ có thể kéo dài sự sống của thể xác bằng cách xuất hồn trong giấc
ngủ, và bằng cách tiết giảm những hoạt động của cơ thể đến mức tối
thiểu, họ tránh được phần lớn sự già nua. Thời gian dùng trong việc ấy
sẽ cộng vào và tăng thêm tổng số thời gian sinh tồn tự nhiên của thể xác
trong kiếp sống hiện tại.
“Hỏi: Cho đến ngày giờ nào của cuộc đời thì người Yogi có thể sử dụng
quyền năng chuyển di linh hồn hay chân ngã của họ qua thể xác của một
người khác?
“Đáp: Phải đến giờ phút chót, thậm chí đến từng giây cuối cùng. Người
Yogi biết trước, thậm chí đến từng giây đồng hồ, lúc nào họ phải chết,
và đến lúc đó họ có thể xuất hồn để nhập vào thể xác một người khác, nếu
có một thể xác sẵn sàng cho họ chiếm đóng. Nhưng nếu họ bỏ lỡ giây phút
đó trôi qua thì sẽ không thể làm gì được nữa. Sợi dây bạc đã bị đứt đoạn
vĩnh viễn, và nếu người Yogi chưa được tinh luyện đến mức toàn thiện để
đạt tới sự giải thoát thì anh ta phải tái sinh theo luật luân hồi. Sự
khác biệt duy nhất giữa trường hợp của anh ta với trường hợp thông
thường của mọi người là công phu tu luyện để trở nên tốt đẹp hơn, thông
tuệ hơn và minh triết hơn người thường, nên anh ta sẽ được tái sinh
trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn.
“Hỏi: Người Yogi có thể chuyển di từ thể xác của anh ta qua thể xác của
một người đàn bà hay không?
“Đáp: Cũng như người ta có thể khoác lấy y phục đàn bà một cách dễ dàng,
người Yogi có thể nhập vào thể xác của một người nữ. Chừng đó, xét về
hình dáng và cử chỉ bên ngoài thì đó là một người nữ, nhưng xét về phần
nội tâm thì anh ta vẫn là một người nam.
“Hỏi: Tôi đã gặp hai người như vậy; nghĩa là hai người nữ xét về hình
dáng bề ngoài, nhưng hoàn toàn mang nam tính trong mọi yếu tố khác. Một
trong hai người ấy, ông có nhớ chăng, trước đây chúng ta đã có dịp cùng
viếng thăm tại Ba-la-nại, trong một đạo viện bên bờ sông Hằng?
“Đáp: À, đó là nữ tu sĩ Maji.
“Hỏi: Pháp môn Yoga có tất cả mấy loại?
“Đáp: Có hai loại pháp môn Yoga, luyện thể xác (Hatha Yoga) và luyện
tinh thần (Raja Yoga). Trong pháp môn Hatha Yoga, hành giả thực hành
công phu luyện xác một cách rất khổ hạnh nhằm mục đích bắt thể xác phải
tuân theo mệnh lệnh của ý chí. Còn Raja Yoga là một pháp môn tu luyện
khiến cho ý chí được phát triển mạnh mẽ đến mức làm chủ được tinh thần.
Pháp môn Hatha Yoga đem lại những kết quả thể chất, còn Raja Yoga giúp
hành giả phát triển những khả năng tâm linh. Nhưng bất cứ hành giả nào
muốn thuần thục pháp môn Raja Yoga đều phải trải qua công phu tu luyện
Hatha Yoga.
“Hỏi: Nhưng sự thật là có những người đã đạt được những năng lực tâm
linh siêu đẳng của pháp môn Raja Yoga mà không hề trải qua giai đoạn khổ
luyện xác thân theo Hatha Yoga. Chính tôi đã gặp ba người như vậy ở Ấn
Độ, và chính họ đã cho tôi biết rằng họ không hề khổ luyện xác thân.
“Đáp: Đó là do họ đã có tu luyện pháp môn Hatha Yoga trong kiếp trước.
“Hỏi: Xin ông vui lòng giải thích làm sao người ta có thể phân biệt
những hiện tượng nào là thật hay giả khi được thực hiện bởi một người
mệnh danh là Yogi?
“Đáp: Những hiện tượng lạ gồm có ba loại: loại thấp nhất được tạo ra
bằng sự lanh lẹ của bàn tay, như ta thường thấy trong những màn trình
diễn ảo thuật hay trong các gánh xiếc; loại thứ nhì bằng cách sử dụng
hóa chất hay những máy móc dụng cụ; loại thứ ba và là loại cao nhất,
được thực hiện bằng những năng lực thần bí của con người.
“Việc thực hiện những trò lạ mắt làm cho cử tọa ngạc nhiên đều do hai
phương pháp đầu tiên, và được tuyên bố giả dối rằng đó là những hiện
tượng siêu nhiên hay phép lạ, gọi là tamasha, hay sự phỉnh gạt bất
lương. Nhưng nếu những hiện tượng đó được người ta đưa ra một sự giải
thích đúng đắn và chân thật thì chừng đó chúng được coi như sự biểu diễn
xảo thuật khoa học hay kỹ thuật.
“Chỉ có những hiện tượng tạo nên bởi việc sử dụng ý chí đã được tập
luyện thuần thục của con người, không tùy thuộc các máy móc, dụng cụ,
mới là thuộc pháp môn Yoga chân chính.
“Hỏi: Xin định nghĩa tính chất của linh hồn con người.
Đáp: Linh hồn (atmà) con người gồm hai mươi bốn thứ khả năng, trong số
đó có ý chí, hành động, kiến thức, ký ức sắc bén, v.v... Khi tất cả
những khả năng đó được đem ra tác dụng ở ngoại giới, người chủ động tạo
nên những kết quả được xếp hạng dưới chủ đề là Khoa học vật lý. Khi
người ấy đem áp dụng chúng vào nội tâm, hay thế giới nội tàng, thì đó là
Triết học tâm linh, hay Yoga nội môn.
“Khi hai người nói chuyện với nhau từ hai nơi cách biệt nhau rất xa bằng
điện thoại, thì đó là họ sử dụng kiến thức khoa học; khi nào họ giao
tiếp với nhau không phải bằng máy móc dụng cụ mà bằng cách sử dụng kiến
thức về những giòng từ điện và sức mạnh thiên nhiên, thì đó là kiến thức
Yoga.
“Cũng chính do kiến thức Yoga mà nhà thuật sĩ làm cho những đồ vật thuộc
bất cứ loại nào được đem tới cho ông ta từ một nơi cách xa, và ngược
lại, gửi những đồ vật ấy từ chỗ của ông ta đến bất cứ nơi nào, trong cả
hai trường hợp đều không dùng những phương tiện chuyên chở như xe, tàu,
v.v...
“Người xưa từng biết rõ những định luật hấp dẫn và xô đẩy của tất cả mọi
sự vật trong thiên nhiên, tác động hỗ tương giữa chúng với nhau, và
những hiện tượng thần thông mầu nhiệm trong pháp môn Yoga đều căn cứ
trên sự hiểu biết đó. Người Yogi có thể thay đổi hay tăng cường những
sức mạnh hấp dẫn và xô đẩy đó tùy ý muốn.
“Hỏi: Hành giả muốn sở đắc những quyền năng đó phải có những điều kiện
tiên quyết như thế nào?
“Đáp: Đó là các yếu tố:
1. Sự ước muốn học hỏi. Lòng ước vọng đó phải mãnh liệt giống như của
người sắp chết đói mong có thức ăn, hay người khát thèm nước uống.
2. Hoàn toàn làm chủ mọi thứ đam mê và dục vọng.
3. Sự trinh khiết; giao du với những bạn bè tốt và có đức hạnh; ăn uống
chay tịnh, chỉ dùng những đồ vật thực trong lành, tinh khiết; nơi ăn
chốn ở phải thanh tịnh sạch sẽ, không bị ô nhiễm bởi những ảnh hưởng xấu
xa ô trược bất cứ loại nào; không khí trong sạch; ở nơi vắng vẻ.
“Ngoài ra, hành giả phải có trí thông minh để có thể hiểu biết những
định luật thiên nhiên; phải biết tập trung tư tưởng để không suy nghĩ
mông lung khiến cho trí lực bị phân tán trong cơn thiền định, và phải
biết tự chủ, kiểm soát mọi thứ đam mê, dục vọng. Anh ta phải diệt trừ
năm điều sau đây: vô minh, tự kiêu ngã mạn, dâm dục, ích kỷ và sợ chết.
“Hỏi: Như vậy, phải chăng ông không tin rằng người Yogi có thể hành động
trái với những định luật tự nhiên?
“Đáp: Không bao giờ! Bởi vì không có gì xảy ra trái với những định luật
thiên nhiên. Do pháp môn Hatha Yoga, người ta có thể thực hiện vài loại
hiện tượng nhỏ, chẳng hạn như tập trung tất cả sinh lực của mình vào
trong một ngón tay, hoặc trong cơn thiền định biết được những tư tưởng
của người khác. Bằng pháp môn Raja Yoga, hành giả trở nên có phép thần
thông, có thể làm bất cứ việc gì tùy ý muốn, và biết được bất cứ điều gì
muốn biết, thậm chí đến những ngôn ngữ chưa bao giờ học. Nhưng tất cả
những việc ấy đều hoàn toàn phù hợp với những định luật tự nhiên.
“Hỏi: Đôi khi tôi được thấy những vật thể vô tri như thư từ, tiền đồng
hay kim loại, bút chì, đồ nữ trang, v.v... được tạo ra thành những bản
sao ngay trước mắt tôi. Làm sao giải thích điều đó?
“Đáp: Trong không gian có chứa đựng những nguyên tử của mọi vật thể hữu
hình trong một trạng thái vô cùng tế vi. Người Yogi biết tập trung những
nguyên tử đó bằng cách sử dụng ý chí, và tượng hình những vật thể đó
theo kiểu mẫu mong muốn bằng trí óc sáng tạo của mình.
“Đến đây, Đại tá Olcott hỏi vị Swami có ý kiến gì về những hiện tượng
thần thông mà bà Blavatsky đã làm từ trước đến nay trước sự có mặt của
nhiều nhân chứng, chẳng hạn như bà làm cho những hoa hồng rơi xuống như
mưa từ trên trần nhà trong một phòng khách ở Bénarès hồi năm ngoái, gây
tiếng chuông reo trong không khí, làm cho ngọn lửa trong một cây đèn lu
mờ dần cho đến khi hầu như sắp tắt, rồi truyền lệnh cho nó bùng cháy lên
cao vút mà không động đến cái bộ phận vặn bấc đèn, v.v...
“Câu trả lời là: Đó là những phép thuật thuộc lãnh vực của pháp môn
Yoga. Vài loại hiện tượng này, những người làm trò ảo thuật có thể bắt
chước, nhưng những phép thuật của bà Blavatsky không phải thuộc loại
đó.”
Tôi nghĩ rằng đây là những quan điểm tóm lược đơn giản, rõ ràng, sáng
sủa và gợi mở nhất về pháp môn Yoga của Ấn Độ. Người đối thoại với tôi
là một trong những nhân vật ưu tú nhất trong giới tu sĩ Bà-la-môn, một
người học vấn uyên thâm, một nhà tu khổ hạnh đầy kinh nghiệm, một nhà
biện thuyết hùng hồn và một người có tinh thần yêu nước cao độ.
Sau đó ít lâu chúng tôi đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong vấn đề
giao tiếp với đạo sư Dyanand Saraswati. Không có một lý do nhỏ nhặt nào,
nhưng bỗng nhiên ông ta có thái độ thù nghịch đối với chúng tôi. Ông ta
viết cho chúng tôi những bức thư lời lẽ gay gắt, nặng nề; kế đó ông đấu
dịu lại đôi chút; rồi lần sau lại đổi giọng, và như thế ông đặt chúng
tôi vào một tình trạng căng thẳng thường xuyên.
Sự thật là tờ tạp chí của chúng tôi không thể là một cơ quan ngôn luận
đặc biệt của môn phái Arya Samaj, và chúng tôi cũng không chịu tách rời
khỏi các nhóm tín đồ Phật giáo và Bái hỏa giáo, như ông ta vẫn mong
muốn. Hiển nhiên là ông muốn bắt buộc chúng tôi phải chọn lựa một trong
hai điều: hoặc là sự tiếp tục bảo trợ từ môn phái của ông ta; hoặc là sự
trung thành với lý tưởng không bè phái của chúng tôi. Và chúng tôi đã
chọn lựa. Vì những lý tưởng và nguyên tắc của Hội, chúng tôi không chịu
nhượng bộ bất cứ một áp lực nào từ bên ngoài.
Cũng xin nhắc lại rằng sau những lần tiếp xúc đầu tiên với chi phái Ấn
giáo Arya Samaj, đạo sư Dyanand đã cùng tôi thảo luận về những điều lệ
mới của Hội Thông thiên học. Ông ta đã nhận lãnh một chân trong Hội đồng
Quản trị của Hội, cho tôi có thẩm quyền thay mặt y trong những cuộc biểu
quyết của Hội đồng bằng một văn thư chính thức, và hoàn toàn phê chuẩn
kế hoạch của chúng tôi, là dung hòa những phân chi gồm có những tín đồ
các giáo phái khác nhau như Phật giáo, Bái hỏa giáo, Hồi giáo, Ấn giáo,
v.v... Nhưng về sau, tinh thần khoan dung, không bè phái của ông ta đã
thay đổi trở thành óc bè phái, độc đoán, và thiện chí tốt đẹp của ông ta
đối với chúng tôi đã trở thành sự đố kỵ thù nghịch.