Những đường phố của Bombay có một tính chất đặc biệt Đông phương làm cho
chúng tôi vô cùng thích thú. Những dinh cơ nguy nga đồ sộ, những sắc
phục màu mè sặc sỡ của dân bản xứ gồm đủ mọi thành phần vô cùng phức
tạp, những xe cộ hình dạng dị kỳ, cái cảm giác mới mẻ lạ lùng mà toàn
thể cảnh tượng đó gây ra nơi thẩm quan mỹ thuật của chúng tôi, và niềm
phúc lạc thần tiên được đạt tới mục đích cuộc hành trình sau chuỗi ngày
khắc khoải chờ mong kéo dài, để đến được dải đất của những dân tộc mệnh
danh “ngoại đạo” thân yêu của chúng tôi. Để tiếp xúc và sống chung với
họ, chúng tôi đã vượt qua bao vùng biển cả trùng dương và chạm trán với
bao cơn giông tố bão bùng. Tất cả những cảm giác, ấn tượng sống động đó
làm cho lòng chúng tôi tràn ngập một niềm sung sướng hạnh phúc khôn tả.
Chiều ngày 17 tháng 2, một cuộc tiếp tân được tổ chức tại tư gia một bạn
đạo với 300 quan khách được mời đến để gặp gỡ chúng tôi. Như thường lệ,
trong những dịp này có đọc diễn văn chúc mừng, với những vòng hoa choàng
vào cổ và nước hoa rẩy vào người chúng tôi theo phong tục bản xứ.
Bà Blavatsky, ông Wimbridge, ông Scott và tôi đều có đáp từ tùy theo khả
năng và cảm hứng của mỗi người, và cơn xúc động sâu xa trong lòng đã
khiến tôi rơi nước mắt!
Ngày hôm sau, chúng tôi được mời tham dự cuộc lễ kỷ niệm “Shivaratri”
của Ấn giáo tại Động Voi (Elephant Cave). Sau đó, hằng ngày đều có quan
khách dồn dập đến viếng thăm chúng tôi càng lúc càng đông, trong số đó
có các gia đình cư sĩ tại gia theo Parsi (Bái hỏa giáo), Ấn giáo, và các
tu sĩ xuất gia, tăng lữ Kỳ-na giáo (Jain) v.v...
Có những mâm lễ vật hoa quả được gửi đến tặng chúng tôi kèm theo thông
điệp chào mừng. Một đêm văn nghệ đặc biệt với vở kịch Ấn Độ “Sitaram”
được trình diễn cho chúng tôi xem tại Hí Viện Elphinstone.
Ngày 7 tháng 3, chúng tôi dời đến một ngôi biệt thự nhỏ ở số 108 đường
Girgaum. Chúng tôi đã ở luôn tại đây suốt hai năm liền và dùng nơi này
làm Tổng hành dinh của Hội Thông thiên học Thế giới.
Bạn Mulji có tìm được cho chúng tôi một thiếu niên giúp việc chừng 15
tuổi, tên Babula. Ai cũng biết thằng bé có lòng trung tín đối với bà
Blavatsky hầu như tuyệt đối, cho đến khi bà rời khỏi xứ Ấn Độ.
Mỗi đêm chúng tôi đều có quan khách đến viếng. Trong những dịp đó, những
vấn đề triết học, siêu hình và khoa học phức tạp, khó khăn nhất được
mang ra thảo luận. Chúng tôi sống trong một bầu không khí tinh thần, trí
tuệ, với những lý tưởng tâm linh cao cả nhất.
Trong bối cảnh tinh thần đó lần đầu tiên đã xuất hiện những bạn đạo đồng
thanh khí với chúng tôi. Những người này về sau đã có liên hệ mật thiết
với sự phát triển của phong trào Thông thiên học.
Trong số những người bạn mới của chúng tôi lúc ấy, có hai anh em MM. và
AM. Kunte. Người anh là một giáo sư kiêm học giả ưu tú về môn Phạn ngữ,
còn người em là một vị bác sĩ giảng dạy khoa Cơ thể học tại trường Đại
học Y khoa ở Bombay.
Nhưng người bác sĩ này về sau đã tỏ ra thiếu hẳn sự can đảm, tinh thần
bạc nhược đến mức khiến tôi phải đem lòng khinh bỉ.
Ông ta là một thành viên trong Hội đồng Quản trị của Hội Thông thiên
học, được đối xử trên một cương vị bình đẳng và thân hữu, quan hệ mật
thiết với chúng tôi. Lúc đầu, ông ta rất nhiệt thành với Hội, sẵn lòng
trợ giúp và đáp ứng rộng rãi mọi nhu cầu của Hội. Ông sẵn lòng cung hiến
nhà ở, tài sản, xe ngựa cho chúng tôi tùy nghi sử dụng, thật sự xem
chúng tôi như anh em một nhà.
Bỗng nhiên, một ngày nọ, người giúp việc của ông ta mang đến cho tôi một
bức thư từ chức và xin ra khỏi Hội mà không một lời giải thích lý do.
Tôi còn không tin ở mắt mình và nghĩ rằng đó hẳn là một trò đùa đáng
trách, nhưng khi tôi hối hả đến nhà ông ta thì mới bật ngửa người ra mà
nghe ông ta xác nhận rằng đó là sự thật.
Sau nhiều lần cật vấn về lý do của sự việc ấy, tôi mới biết rõ sự thật.
Vị Khoa trưởng ở trường Đại học Y khoa đã khuyên ông ta nên chấm dứt mọi
liên hệ với chúng tôi, vì Hội Thông thiên học đã bị chính phủ Anh Ấn
nghi ngờ là có những ý đồ và mục tiêu chính trị!
Như vậy, thay vì mạnh dạn đứng ra bênh vực chúng tôi và tuyên bố rằng
Hội Thông thiên học hoàn toàn không dính dáng gì đến vấn đề chính trị–
với tư cách là bạn thân của chúng tôi và là một thành viên Hội đồng Quản
trị của Hội, ông ta có thể làm điều đó một cách dễ dàng – thì người bác
sĩ giàu có phong lưu này, người mà vấn đề sinh kế không phụ thuộc chút
nào vào số tiền lương chết đói của chính phủ, lại chạy thẳng một mạch về
nhà và biểu lộ sự hèn nhát của y trên giấy trắng mực đen!
Những ai biết chuyện sẽ hiểu được cái cảm giác khinh bỉ của tôi đối với
ông ta kể từ đó về sau. Ngày hôm sau, tôi viết thư cho vị giáo sư Phạn
ngữ nói rằng vì người em ruột của ông thấy có điều bất lợi trong việc
liên hệ với Hội Thông thiên học, nên tôi hy vọng rằng không một sự e
ngại tế nhị nào có thể ngăn cản sự rút lui của ông nếu ông cũng chia sẻ
sự băn khoăn ấy. Câu trả lời của ông ta là một lá đơn từ chức viết tay!
Trong một trường hợp khác, tôi có nói với một bạn đạo Ấn Độ mà tôi biết
rằng vấn đề sinh kế phải phụ thuộc vào số lương nghèo nàn của chính phủ
là 40 ru-pi mỗi tháng: “Này anh Martandras Bhai, giả dụ như sáng mai đến
sở làm anh thấy trên bàn giấy một bức thư nói rằng anh hãy chọn một
trong hai điều, là chỗ làm của anh và Hội Thông thiên học, bởi vì Hội
chúng ta bị nghi ngờ là có âm mưu chính trị, khi ấy anh sẽ nghĩ sao?”
Người bạn này lộ vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi, nét mặt cứng rắn như người sắp
phải quyết định một việc nghiêm trọng, và kế đó với đôi môi mím chặt và
một cái lắc đầu, anh ta đáp một cách quyết liệt: “Tôi... tôi không thể
làm trái với lương tri của tôi!”
Tôi bèn ôm chầm lấy anh ta và kêu to với bà Blavatsky ở phòng kế bên:
“Qua đây! Bà hãy qua đây để nhìn xem một người Ấn Độ chân chính, một con
người can đảm!”
Tên đầy đủ của người này là Martandras Babaji Nagnath. Anh ta là một
người Bà-la-môn thuộc tiểu bang Maratha.