Cộng thêm vào cái viễn ảnh đen tối đó, sau chuyến đi Tích Lan trở về,
chúng tôi thấy những Hội viên đều im lìm mê ngủ và Chi hội Bombay hoàn
toàn bất động. Hai tháng vắng mặt của chúng tôi dường như đã làm tê liệt
mọi hứng thú đối với công việc Hội, và khi tờ nhật báo bản xứ nói trên
bắt đầu khai pháo tấn công thì vòm trời của chúng tôi có vẻ rất u ám.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục với một ý chí kiên cường dũng mãnh, cố
gắng cho tờ tạp chí ra đúng kỳ hạn mỗi tháng và trả lời thư từ bốn
phương gửi đến chúng tôi với số lượng càng ngày càng nhiều. Đó là một
trong những cơn khủng hoảng của Hội, mà trong tình trạng hầu như cô đơn,
bà Blavatsky và tôi cùng sát cánh với nhau một cách chặt chẽ nhất để hỗ
trợ tinh thần và khích lệ lẫn nhau. Tuy rằng những bạn bè thân tín nhất
có thể phản bội và những cộng tác viên đắc lực nhất có thể bỏ cuộc nửa
chừng, chúng tôi luôn nói với nhau những lời đầy lạc quan, cố ý làm cho
nhau nghĩ rằng cơn nghịch cảnh hiện tại không có gì đáng kể, và sẽ trôi
qua như một cụm mây thưa thớt của mùa hè.
Khi đó, chúng tôi biết, vì cả hai chúng tôi đều có bằng chứng cụ thể và
thường xuyên, rằng các đấng cao cả mà chúng tôi phục vụ luôn bao bọc che
chở chúng tôi với nguồn thần lực mạnh mẽ và ân huệ của các ngài; đó là
một cái khiên vững chắc để bảo vệ chúng tôi khỏi mọi sự trắc trở nguy
vong, và một điềm triệu báo trước sự thành công hoàn toàn trong sứ mạng.
Tuy nhiên, với thời gian qua chúng tôi không đến nỗi cô đơn. Một số bạn
đạo người Ấn Độ thường xuyên đến trợ giúp chúng tôi, và dần dần chúng
tôi phục hồi lại được cái tư thế đã mất của thuở ban đầu.
Trong số những người cộng tác đắc lực với chúng tôi có bạn Damodar
Mavalankar, một thanh niên Ấn thuộc dòng Bà-la-môn mà tôi đã nhiều lần
đề cập tới trước đây.
Tuy dáng người mảnh mai, ốm yếu, anh ta đã lao mình vào công việc của
Hội với tất cả tâm hồn và biểu lộ một tấm lòng trung kiên sắt đá không
gì lay chuyển. Hồi còn thơ ấu, anh đã từng vướng một chứng bệnh ngặt
nghèo và bị sốt nặng sắp chết. Trong cơn mê sảng, anh nhìn thấy linh ảnh
một bậc hiền giả đạo mạo bước đến gần, nắm tay anh và bảo anh chưa nên
chết vội, mà phải sống để làm việc đạo trong tương lai.
Sau khi gặp bà Blavatsky, nhãn quang tâm linh của Damodar phát triển dần
dần, và anh nhận ra đấng mà chúng tôi gọi là chân sư K. H. chính là nhà
hiền giả đã xuất hiện trong cơn mê sảng của anh ta hồi còn bé, khi anh
đang nằm hấp hối trên giường bệnh. Điều này đã làm cho anh càng quyết
tâm trung thành với lý tưởng và mục đích của chúng tôi; và xem bà
Blavatsky như người mẹ đỡ đầu.
Đối với tôi Damodar đặt một niềm tin tuyệt đối, lẫn cả tình thương và
lòng kính trọng. Anh ta bênh vực tôi khi tôi vắng mặt, trước những sự vu
khống công khai hay riêng tư, và đối xử với tôi như con đối với cha.
Damodar đã hợp tác chặt chẽ và sát cánh với chúng tôi trong một tình
thân hữu đậm đà nhất.
Anh ta làm việc với một lòng trung thành và vô kỷ tuyệt đối cho đến năm
1885, khi đó anh khởi hành từ Madras sang Tây Tạng, qua Darjiling, và
vẫn còn ở đó dưới sự huấn luyện của chân sư để chuẩn bị cho anh ta làm
công tác phụng sự nhân loại trong tương lai. Thỉnh thoảng, có tin đồn
nhảm được loan truyền rằng anh ta đã chết trên lộ trình đầy tuyết phủ
trong chuyến đi lên dãy Tuyết Sơn, nhưng tôi có lý do vững chắc để tin
rằng anh vẫn còn sống mạnh khỏe và có ngày sẽ trở về. Tôi sẽ trở lại vấn
đề này ở một đoạn sau.
Có lần Damodar nhận được bốn bức thư gửi đến từ bốn thành phố cách nhau
rất xa và tất cả đều có đóng dấu sở Bưu điện. Tôi đưa tất cả cho Giáo sư
Smith, yêu cầu ông hãy vui lòng xem xét cẩn thận mỗi bao thư xem có dấu
hiệu gì chỉ ra rằng có ai đã bóc thư hay không, vì trong thư tín của
chúng tôi thường thấy có những lời ghi chú của chân sư viết thêm vào
những khoảng trống. Sau khi đã khám xét tỉ mỉ, giáo sư trả lại cho tôi
và nói rằng tất cả các thư đều còn nguyên vẹn hoàn toàn, không có dấu
vết gì khả nghi. Tôi liền yêu cầu bà Blavatsky hãy thử “nhìn” xem có
thông điệp nào của chân sư trong đó không. Bà bèn cầm lấy các thư vẫn
còn nguyên vẹn, để từng cái một lên trán, và nói rằng trong hai bức thư
có chữ viết của chân sư. Kế đó bà đọc các thông điệp bằng khả năng linh
thị, và tôi yêu cầu giáo sư Smith hãy tự tay ông mở các bao thư. Ông này
săm soi xét kỹ các bao thư một lần nữa rồi lấy dao rọc mở các bao, và
tất cả chúng tôi đều thấy rằng nội dung các thông điệp đều giống y như
bà Blavatsky đã đọc.
Chính vào ngày chia ly giữa nhóm chúng tôi như đã kể trên, chúng tôi
nhận được thư ông Sinnett mời chúng tôi lên chơi tại nhà nghỉ mát của
ông ở Simla, thủ đô mùa hè của Chính phủ Ấn Độ, ở dưới chân dãy Tuyết
Sơn.
Chúng tôi rời khỏi Bombay bằng xe lửa và dọc đường chúng tôi ghé lại vài
thị trấn trên miền Bắc để viếng thăm các Chi hội đã thành lập trước đây.
Kế đó, chúng tôi ngồi xe thồ leo đường dốc núi đến Kalka, nghỉ ngơi tại
đó nửa ngày rồi mới thuê xe ngựa để đi Simla.
Cảnh vật miền núi thật là hùng vĩ, ngoạn mục với những đỉnh núi cao
trùng điệp nối tiếp nhau đến tận chân trời. Chúng tôi đến thị trấn Simla
trước khi mặt trời lặn, những ngôi biệt thự phản chiếu ánh nắng vàng làm
cho thành phố có vẻ rất hấp dẫn. Một người giúp việc của gia đình ông
Sinnett đón tiếp chúng tôi khi vào thành phố với những chiếc kiệu nhỏ
hai người khiêng ở hai đầu, và không bao lâu chúng tôi đã đến ngôi biệt
thự của ông bà Sinnett. Tại đây, một cuộc tiếp đón nồng hậu đang chờ đợi
chúng tôi.