Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa của thành công. Nếu bạn yêu thích công việc đang làm, bạn sẽ thành công. (Success is not the key to happiness. Happiness is the key to success. If you love what you are doing, you will be successful.)Albert Schweitzer

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH ANH NGỮ HOẶC SONG NGỮ ANH-VIỆT »» Sống một đời vui »» 3. Vượt ngoài tâm thức, vượt ngoài não bộ »»

Sống một đời vui
»» 3. Vượt ngoài tâm thức, vượt ngoài não bộ

Donate

(Lượt xem: 15.046)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sống một đời vui - 3. Vượt ngoài tâm thức,  vượt ngoài não bộ

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

“Nhận biết được tâm, đó chính là Phật.”

Tu du trí kinh (The Wisdom of the Passing Moment Sutra),
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Bạn không phải một con người với những giới hạn và luôn nhiều lo âu như bạn tưởng. Bất kỳ vị thầy lão luyện nào trong Phật giáo cũng đều có thể thuyết phục bạn bằng kinh nghiệm tự thân của họ, rằng bạn thực sự chính là tâm điểm của từ bi, trí tuệ viên mãn, và hoàn toàn có đủ khả năng đạt đến sự toàn thiện cao cả nhất, không chỉ cho riêng mình, mà còn là cho hết thảy mọi người và hết thảy mọi sự việc mà bạn có thể hình dung ra được.

Vấn đề duy nhất ở đây là, bạn không nhận biết được những phẩm tính tốt đẹp này của chính mình. Theo cách diễn đạt thuần túy của khoa học mà tôi đã nhận hiểu được qua những lần hội thoại với các chuyên gia ở châu Âu và Bắc Mỹ, thì hầu hết chúng ta đều hoàn toàn nhầm lẫn giữa hình ảnh về bản thân ta, vốn được dựng lên bởi các nơ-ron do thói quen lặp lại, với những gì thực sự là chính bản thân ta. Và hình ảnh [không thật] này hầu như luôn được biểu lộ trong mối quan hệ nhị nguyên đối đãi: ta và người khác, khổ và vui, được và mất, ưa và ghét… Theo như tôi được giải thích, thì đó là những điều kiện cơ bản nhất cho sự sống còn.

Thật không may, khi tâm thức bị che phủ bởi cách nhìn nhị nguyên như thế, tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta - ngay cả trong những lúc vui sướng và hạnh phúc - đều bị trói buộc bởi một cảm giác nào đó về sự hạn chế. Luôn luôn có một chữ “nhưng” ẩn núp phía sau [ngấm ngầm so sánh]. Có kiểu chữ “nhưng” so sánh sự khác biệt. “Ồ, buổi tiệc sinh nhật của tôi thật tuyệt vời, nhưng giá mà có bánh sô-cô-la hẳn tôi đã thích hơn bánh cà-rốt”. Rồi có kiểu chữ “nhưng” so sánh với cái tốt hơn: “Tôi thích ngôi nhà mới, nhưng nhà John, bạn tôi, rộng hơn và nhiều ánh sáng hơn.” Và cuối cùng là kiểu chữ “nhưng” của sự e sợ: “Tôi không chịu nổi công việc này, nhưng trong thị trường hiện nay làm sao tôi kiếm ra được việc khác?”

Kinh nghiệm bản thân đã dạy tôi rằng: Ta có thể vượt qua bất cứ cảm giác nào về sự giới hạn của mình. Nếu không phải vậy, chắc hẳn đến nay tôi vẫn còn đang ngồi trong phòng nhập thất với cảm giác mình quá sợ hãi và không đủ phẩm chất để có thể cùng tham gia các thực hành theo nhóm. Khi đó, là một chú bé 13 tuổi, tôi chỉ biết cách làm sao để vượt qua nỗi sợ hãi và bất an của mình, [nhưng đến nay] nhờ sự kiên trì chỉ dạy của những chuyên gia trong các lãnh vực tâm lý học và thần kinh học như Francisco Valera, Richard Davidson, Dan Goleman và Tara Bennett-Goleman, tôi đã bắt đầu nhận hiểu được từ góc độ khách quan của khoa học, nguyên nhân vì sao sự tu tập của tôi [khi ấy đã] thực sự mang lại kết quả. Đó là, mọi cảm giác về sự giới hạn, lo âu, sợ hãi v.v… hoàn toàn chỉ là những câu chuyện qua lại giữa các nơ-ron theo kiểu tán gẫu. Bản chất của chúng là thói quen. Và đã là thói quen thì có thể buông bỏ được.

TÂM BẢN NHIÊN

“Gọi là ‘chân tánh’, vì tánh ấy không do ai tạo ra.”

Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti)
Nhập Trung luận (Entering the Middle Way) Ari Goldfield dịch sang Anh ngữ

Một trong những điều trước tiên tôi được học với tư cách Phật tử là: thể tánh căn bản của tâm rộng lớn vô ngần, đến độ siêu việt hoàn toàn mọi sự hiểu biết qua tri thức. Thể tánh ấy không thể mô tả bằng ngôn từ hay thu gọn trong những khái niệm. Đối với một người như tôi, vốn ưa thích ngôn từ và hết sức thoải mái với những giải thích bằng khái niệm, thì đây quả thật là một vấn đề khó khăn.

Trong tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) - ngôn ngữ ban đầu được dùng để ghi lại giáo pháp của đức Phật - thể tánh căn bản của tâm được gọi là tathāgatagarbha (Như Lai Tạng), là một sự mô tả rất tinh tế và khó nhận hiểu. Theo nghĩa đen, chữ ấy có nghĩa là: “thể tánh của những ai đã từng đi qua con đường đó”. “Những ai đã từng đi qua con đường đó” nghĩa là những ai đã đạt được giác ngộ viên mãn, hay nói cách khác là những ai mà tâm thức đã siêu việt hoàn toàn mọi giới hạn thông thường có thể diễn tả bằng ngôn từ.

Hẳn quý vị cũng đồng ý là những cách giải thích như thế không giúp ích được gì nhiều.

Theo những cách dịch ít sát nghĩa hơn thì tathāgatagarbha được dịch là “Phật tánh”, “chân tánh”, “giác thể”, “tâm bình thường”, thậm chí là “tâm bản nhiên” nữa. Không một cách dịch nào trong số đó làm sáng tỏ hơn ý nghĩa chân thật của từ ngữ tathāgatagarbha. Để thực sự hiểu được ý nghĩa của từ ngữ này, bạn phải trực tiếp chứng nghiệm nó, và đối với hầu hết chúng ta thì sự trực nghiệm ấy ban đầu thường được khởi sinh dưới hình thức những thoáng hiện bất ngờ và chớp nhoáng. Cuối cùng, khi tôi trực nghiệm được một thoáng hiện đầu tiên như thế, tôi nhận ra rằng tất cả những gì trong các bản văn Phật giáo nói về thể tánh căn bản của tâm đều là chân thật.

Đối với hầu hết chúng ta, tâm bản nhiên hay tánh Phật đã bị che khuất bởi cái hình ảnh giới hạn về chính mình, được tạo ra bởi những mô thức lặp lại thành thói quen của các nơ-ron. Nhưng chính những mô thức này tự chúng hoàn toàn chỉ là một sự phản ánh khả năng vô hạn của tâm thức trong việc tạo ra bất kỳ điều kiện nào nó muốn. Tâm bản nhiên có khả năng tạo thành bất cứ điều gì, ngay cả sự vô minh không biết đến bản thể của chính nó. Nói cách khác, việc không nhận ra tâm bản nhiên chỉ hoàn toàn là một điển hình cho khả năng vô hạn của tâm thức trong việc sáng tạo bất cứ điều gì nó muốn. Bất kỳ lúc nào cảm thấy lo sợ, buồn bã, ganh tị, ham muốn, hay bất cứ cảm xúc nào khác góp phần làm ta thấy dễ bị tổn thương hay yếu đuối, chúng ta nên tự tán thưởng mình: Chúng ta vừa trải nghiệm bản thể vô hạn của tâm.

Tuy bản thể chân thật của tâm không thể miêu tả trực tiếp, điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên ít nhất cũng là cố gắng phát triển một sự nhận hiểu tâm về mặt lý thuyết. Ngay cả một sự hiểu biết giới hạn, ít nhất cũng đã là một biển chỉ đường, hướng ta về kinh nghiệm trực tiếp. Đức Phật biết rằng những kinh nghiệm không thể diễn đạt bằng ngôn từ lại có thể được giải thích tốt nhất qua những câu chuyện kể và ẩn dụ. Trong một bản kinh, Ngài đã ví tathāgatagarbha như một thỏi vàng bị bao phủ bởi bùn và bụi bẩn.

Hãy tưởng tượng bạn là một người đi tìm kho báu. Một hôm, bạn khám phá một khối kim loại bên dưới lòng đất. Bạn đào sâu xuống đất và lấy được khối kim loại đó lên, mang về nhà và bắt đầu làm sạch nó. Ban đầu, chỉ một góc của khối kim loại được phô bày, sáng chói, chiếu ngời. Dần dần, khi bạn gột sạch hết những bụi bẩn tích tụ quanh nó thì cả khối kim loại hiện ra là nguyên một khối vàng. Vậy xin cho tôi hỏi: Cái nào giá trị hơn? Khối vàng bao phủ trong bùn đất hay khối vàng bạn đã làm sạch? Thật ra, cả hai đều có giá trị như nhau. Nếu có khác biệt nào giữa khối vàng dơ và khối vàng sạch, thì đó chỉ là ở vẻ ngoài mà thôi.

Ta cũng có thể nói giống như vậy về tâm bản nhiên. Những câu chuyện lao xao giữa các nơ-ron đã ngăn không cho bạn thấy được toàn diện tâm mình nhưng không thực sự làm thay đổi được thể tánh căn bản của tâm. Những ý niệm như “tôi xấu xí”, “tôi ngu si” hay “tôi chán quá”, không gì khác hơn là một loại bùn sinh lý đang tạm thời bao phủ những phẩm tính sáng ngời của tánh Phật, hay tâm bản nhiên.

Đôi khi đức Phật so sánh tâm bản nhiên với hư không, không nhất thiết phải là kiểu hư không hiểu theo khoa học hiện đại, nhưng đúng hơn là trong ý nghĩa thi vị của một kinh nghiệm sâu sắc về sự khoảng khoát rộng mở mà ta cảm nhận khi nhìn lên một bầu trời không mây, hay khi bước vào một căn phòng rộng mênh mông. Cũng giống như hư không, tâm bản nhiên không phụ thuộc vào những nhân duyên hay điều kiện dẫn khởi. Nó chỉ đơn thuần hiện hữu, không thể đo lường và vượt ra ngoài sự miêu tả. Hư không là nền tảng thiết yếu để ta có thể di chuyển trong đó, và nhờ có mối tương quan [so sánh] với nó mà ta phân biệt được các vật thể đã nhận biết qua các giác quan.

AN NHIÊN TỰ TẠI

“Trong tâm bản nhiên, không có sự chối bỏ hay chấp nhận, không có được hay mất.”

Ngài Gyalwang Karmapa Đời thứ ba
Karmapa Chứng đạo ca: Liễu nghĩa Đại thủ ấn kỳ nguyện văn (Song of Karmapa: The Aspiration of the Mahamudra of True Meaning) Erik Pema Kunsang dịch sang Anh ngữ

Tôi muốn nói rõ rằng sự so sánh giữa tâm bản nhiên và hư không theo như miêu tả của khoa học hiện đại thật ra là một ẩn dụ hữu ích hơn là một sự mô tả chính xác. Đối với hầu hết chúng ta, khi nghĩ về hư không là nghĩ đến một khoảng không trống rỗng, trong đó tất cả sự vật đủ loại hiện ra và mất đi: như những ngôi sao, các hành tinh, sao chổi, sao băng, tiểu hành tinh v.v… hoặc ngay cả những sự vật còn chưa được khám phá. Thế nhưng, bất chấp tất cả các hoạt động ấy, ý niệm của chúng ta về bản chất chủ yếu của hư không vẫn không hề thay đổi. Theo chúng ta biết, ít nhất là hư không chưa từng than phiền về những gì xảy ra trong lòng nó. Chúng ta đã gửi đi hàng ngàn, hàng triệu thông điệp lên vũ trụ, và chưa một lần nào ta nhận được một câu phản hồi kiểu như là “Tôi tức quá, vì một tiểu hành tinh vừa mới đâm sầm vào hành tinh mà tôi thích nhất”, hay là “Ôi, tôi hồi hộp quá! Một ngôi sao vừa mới ra đời!”...

Cũng giống như thế, bản chất của tâm không chịu ảnh hưởng bởi những ý tưởng hay điều kiện bất như ý thường được xem là đau đớn. Tâm an ổn một cách tự nhiên, như tâm em bé theo cha mẹ dạo chơi trong viện bảo tàng. Trong khi cha mẹ em hoàn toàn chú tâm vào việc nhận xét, đánh giá những tác phẩm nghệ thuật đa dạng được trưng bày thì em bé chỉ vô tư đưa mắt nhìn. Em không hề thắc mắc về một tác phẩm nào đó đáng giá bao nhiêu, bức tượng này có từ bao nhiêu thế kỷ, hay liệu tác phẩm của họa sĩ này có đẹp hơn của họa sĩ kia hay không... Cách nhìn của em là hoàn toàn ngây thơ, hồn nhiên, chấp nhận tất cả những gì em nhìn thấy. Cách nhìn sự vật một cách ngây thơ hồn nhiên như thế, Phật giáo gọi là “an nhiên tự tại”, một trạng thái tương tự với cảm giác nhẹ nhõm, thư giãn hoàn toàn mà người ta trải nghiệm được, chẳng hạn như sau một buổi tập thể dục hay vừa hoàn tất một nhiệm vụ phức tạp.

Kinh nghiệm này được minh họa rất thú vị qua câu chuyện xưa về một ông vua ra lệnh xây một tòa lâu đài mới. Khi tòa lâu đài xây xong, ông phải giải quyết vấn đề vận chuyển một cách bí mật tất cả kho tàng của ông - vàng bạc châu báu, các pho tượng và nhiều thứ khác - từ lâu đài cũ sang lâu đài mới. Ông không thể tự mình thực hiện công việc này, vì phải dành trọn thì giờ để lo việc triều chính, và chẳng có mấy ai trong triều đình để ông có thể tin tưởng giao cho công việc mà không sợ họ lấy cắp đi một phần kho tàng. Tuy nhiên, ông biết có một vị tướng quân trung thành, là người ông có thể tin cậy giao cho thực hiện công việc một cách bí mật tuyệt đối và vô cùng hiệu quả.

Thế là nhà vua triệu vị tướng quân đến và cho ông ta biết rằng, vì ông là người duy nhất đáng tin cậy trong triều đình nên vua muốn ông tự mình đảm nhiệm công việc di chuyển toàn bộ kho tàng từ lâu đài cũ sang lâu đài mới. Điều quan trọng nhất là, ngoài việc phải giữ bí mật, toàn bộ công việc di chuyển phải được hoàn tất trong một ngày duy nhất. Nếu vị tướng quân có thể hoàn thành công việc, nhà vua hứa sẽ ban thưởng cho ông ruộng đất phì nhiêu, dinh thự cao sang, vàng bạc châu báu - tóm lại là đủ sang giàu để ông có thể về hưu và sống thoải mái cho đến hết phần đời còn lại.

Vị tướng quân vui mừng nhận lãnh công việc ấy, lóa mắt trước viễn tượng có thể trong chỉ một ngày làm việc mà tích lũy đủ tài sản để bảo đảm cho con cái, cháu chắt ông sẽ được sống những ngày sung túc và huy hoàng.

Sáng hôm sau, vị tướng quân thức dậy sớm và lao ngay vào việc dọn kho tàng của nhà vua từ cung điện cũ sang cung điện mới, chạy tới chạy lui trong những đường hầm bí mật với nào thùng, nào rương đầy vàng bạc châu báu, chỉ nghỉ một chút ăn cơm trưa để lấy sức. Cuối cùng rồi ông cũng hoàn thành việc chuyển dời những bảo vật cuối cùng của nhà vua đến nhà kho trong cung điện mới. Ngay vào lúc mặt trời lặn, ông đến yết kiến nhà vua, tâu rằng mọi việc đã xong. Nhà vua khen ngợi và trao cho ông những chứng thư của ruộng đất phì nhiêu cùng với vàng bạc châu báu như đã hứa.

Về tới nhà, vị tướng quân tắm nước nóng, thay áo quần thoải mái và thở ra một hơi dài, dựa lưng vào chồng gối mềm mại trong phòng riêng, mệt lả người nhưng hài lòng vì đã hoàn tất mỹ mãn một công việc khó khăn ngoài sức tưởng tượng do nhà vua giao cho. Trải nghiệm một cảm giác trọn vẹn của sự tự tin và thành đạt, ông chỉ còn có thể buông xả tất cả và tận hưởng cảm giác tự do được là chính mình trong khoảnh khắc đó.

Trạng thái thư giãn tuyệt đối, không một chút cố gắng ấy cho chúng ta một ý niệm về trạng thái “an nhiên tự tại”.

Cũng như nhiều khía cạnh của tâm bản nhiên, kinh nghiệm của trạng thái an nhiên tự tại vượt quá xa những gì thường được gọi là sự thư giãn, nên ta rất khó miêu tả. Trong Kinh điển Phật giáo, trạng thái này được ví với việc cho người câm ăn kẹo. Người câm dĩ nhiên là trực nghiệm được vị ngọt của kẹo, nhưng không có khả năng diễn tả. Cũng vậy, khi ta nếm được vị của tâm an nhiên tự tại, kinh nghiệm này rất thật nhưng vượt ngoài khả năng diễn đạt của ngôn từ.

Vậy thì lần tới đây khi ngồi vào bàn ăn, nếu bạn có tự hỏi “Ai đang suy nghĩ món ăn này ngon - hay không ngon lắm? Ai nhận biết là đang ăn?”, đừng ngạc nhiên nếu bạn không thể trả lời được những câu hỏi này. Thay vì vậy, hãy tự chúc mừng. Khi bạn không còn có thể diễn tả bằng lời một kinh nghiệm mạnh mẽ, đó là dấu hiệu của sự tiến bộ. Điều đó có nghĩa rằng, ít nhất bạn cũng đã đặt chân vào cảnh giới bao la bất khả thuyết vốn là bản chất thực sự của chính mình, một bước tiến rất can đảm mà nhiều người do quá thoải mái trong sự quen thuộc với trạng thái bất như ý của mình nên đã không có đủ dũng khí để cất bước.

Tiếng Tây Tạng gọi thiền tập là “gom”, nghĩa đen là “trở nên quen thuộc với...”. Và thực hành thiền tập Phật giáo là thực sự hướng đến việc trở nên quen thuộc, thuần thục với bản chất tâm thức của chính mình, có phần nào giống như việc nhận hiểu ngày càng sâu sắc hơn về một người bạn. Và cũng giống như việc tìm hiểu một người bạn, việc khám phá bản chất tâm thức chính mình là một tiến trình phát triển dần dần.

Rất hiếm khi tiến trình này xảy ra trọn vẹn một lần. Sự khác biệt duy nhất giữa thiền tập và sự giao tiếp thông thường trong xã hội chính là, người bạn mà ta đang dần dần nhận biết ngày càng rõ hơn đó, chính là bản thân ta.

TÌM HIỂU TÂM BẢN NHIÊN CỦA BẠN

“Nếu có một kho tàng vô tận được chôn giấu dưới nền nhà của một người nghèo khó và người này không hề biết đến, kho tàng ấy sẽ không lên tiếng bảo ông ta: Tôi ở đây!”

Luận sư Di-lặc (Maitreya) Đại thừa Vô thượng tục luận (The Mahayana Uttaratantra Shastra)
Rosemarie Fuchs dịch sang Anh ngữ

Đức Phật thường ví tâm bản nhiên với nước, vì bản chất của nước luôn là sạch và trong. Bùn, cặn và những thứ cáu bẩn khác có thể tạm thời làm cho nước biến thành đục ngầu hay ô nhiễm, nhưng ta có thể lọc đi những chất cặn bẩn ấy và khôi phục sự trong sạch tự nhiên của nước. Nếu bản chất của nước không phải là trong sạch, thì dù chúng ta có lọc bao nhiêu lần đi nữa, nước cũng không trong được.

Bước đầu tiên hướng đến nhận biết những phẩm tính của tâm bản nhiên được đức Phật minh họa qua một câu chuyện xưa, nói về một người rất nghèo sống trong căn nhà cũ kỹ ọp ẹp. Ông không hề biết là có hàng trăm viên đá quý được cẩn trên tường và trên nền của căn nhà. Tuy ông sở hữu tất cả những viên đá quý đó, nhưng vì không biết giá trị của chúng nên ông phải sống như một người nghèo khổ - phải chịu đựng sự đói khát, chịu đựng cái giá buốt của mùa đông và cái nóng khủng khiếp của mùa hè.

Một hôm có một người bạn hỏi ông: “Tại sao cậu lại sống túng quẫn như thế? Cậu đâu có nghèo, cậu giàu lắm mà?”

Ông đáp: “Cậu điên rồi hẳn? Làm sao cậu có thể nói như vậy được?”

Người bạn nói: “Nhìn quanh cậu mà xem. Nguyên căn nhà của cậu chứa đầy đá quý: kim cương, lục ngọc, bích ngọc, hồng ngọc.”

Ban đầu, người nghèo kia không tin lời bạn. Nhưng sau một thời gian, ông cảm thấy tò mò, bèn cạy một viên đá nhỏ trên tường đem ra phố bán. Thật khó tin, người thương gia mà ông gạ bán đã trả cho ông một món tiền kếch sù. Cầm tiền trong tay, ông về phố mua một căn nhà mới, mang về đó tất cả những viên đá quý tìm được trong căn nhà cũ. Ông mua quần áo mới, chất đầy thức ăn trong bếp, thuê người giúp việc và bắt đầu một cuộc sống hết sức thoải mái.

Bây giờ, xin cho tôi đặt một câu hỏi: Ai giàu hơn ai? Người sống trong căn nhà cũ ọp ẹp giữa những đá quý mà ông không hề nhận biết, hay là người nhận biết giá trị của những gì mình có và sống cuộc sống hoàn toàn thoải mái?

Cũng như câu hỏi trước đây về khối vàng [phủ đầy bùn đất], câu trả lời ở đây là cả hai đều giàu cả. Sự khác biệt duy nhất là, trong nhiều năm người kia không hề nhận biết những gì ông đang sở hữu. Chỉ khi ông ta nhận biết được những gì mình sẵn có, ông mới thoát được cảnh bần cùng khổ sở.

Đối với tất cả chúng ta cũng thế. Khi chưa nhận ra được bản chất chân thật của chính mình, chúng ta sẽ còn khổ đau. Khi nhận biết được bản chất của mình, chúng ta sẽ thoát khổ đau. Tuy nhiên, dù ta có nhận biết được hay không thì những phẩm tính của tâm thức ta không hề thay đổi. Nhưng khi ta bắt đầu nhận biết bản chất tâm thức của chính mình, ta sẽ thay đổi, và phẩm chất đời sống của ta cũng sẽ thay đổi. Sẽ bắt đầu xảy ra những điều mà trước đó dầu nằm mơ ta cũng không tin là có thể xảy ra được.

TÂM, SINH LÝ, HAY CẢ HAI?

“Phật ngự trong thân ta…”

Chính tướng hợp tục (The Samputa Tantra)
Elizabeth M. Callahan dịch sang Anh ngữ

Chỉ vì một sự vật chưa được xác định thì không có nghĩa là nó không hiện hữu. Chúng ta đã thấy điều này trong sự nỗ lực xác định vị trí cụ thể của tâm: Trong khi có quá nhiều bằng chứng về hoạt động của tâm thức, nhưng không một nhà khoa học nào có thể khẳng định được sự tồn tại của bản thân tâm thức. Tương tự, không một nhà khoa học nào có thể định nghĩa một cách chính xác bản chất và những đặc tính của hư không ở bình diện cơ bản nhất. Dù vậy, chúng ta đều biết là ta có một tâm thức và ta không thể phủ nhận sự tồn tại của hư không. Tâm và hư không là những khái niệm đã ăn sâu trong nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta quen thuộc với những khái niệm này. Chúng có vẻ rất bình thường, và trong một chừng mực nào đó là quá tầm thường.

Tuy nhiên, những khái niệm như “tâm bản nhiên” hay “sự an nhiên tự tại” lại không được biết đến nhiều như thế. Vì vậy, nhiều người tiếp cận những khái niệm này với ít nhiều hoài nghi. Nhưng có thể nói một cách công bằng là, với cùng một quá trình suy luận và trực nghiệm, ta có thể đạt được ít nhất là phần nào sự quen thuộc với tâm bản nhiên.

Đức Phật dạy rằng, tính chất có thực của tâm bản nhiên có thể được chứng minh bằng một dấu hiệu chắc chắn và hiển nhiên đối với tất cả mọi người, được gợi ra qua dạng hỏi đáp. Câu hỏi đó là: “Nói chung, lãnh vực nào được tất cả mọi người cùng quan tâm?”

Khi tôi đặt cùng một câu hỏi này trong nhiều buổi giảng trước công chúng, người ta đưa ra một số câu trả lời khác nhau. Có người đáp rằng, mối quan tâm chính yếu là được sống, được hưởng hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, hoặc là được thương yêu. Những câu trả lời khác bao gồm việc [quan tâm đến] hòa bình, tiến bộ, ăn uống và hít thở; không có sự thay đổi biến hoại, và cải thiện hoàn cảnh sống. Còn có những câu trả lời khác bao gồm việc [quan tâm đến] nếp sống hài hòa với chính mình và với người khác, hay việc hiểu được ý nghĩa của đời sống, hoặc nỗi sợ hãi trước cái chết. Có một câu trả lời tôi thấy đặc biệt buồn cười là: “Tôi quan tâm đến bản thân tôi!”

Tất cả những câu trả lời trên đều hoàn toàn đúng. Chúng chỉ là sự biểu hiện những khía cạnh khác nhau của câu trả lời rốt ráo.

Mối quan tâm cơ bản của tất cả mọi loài sinh vật - con người, loài vật và ngay cả côn trùng - chính là mong muốn được hạnh phúc và né tránh khổ đau.

Tuy mỗi người chúng ta có thể dùng một phương cách khác biệt, nhưng cuối cùng thì tất cả chúng ta đều nỗ lực hướng đến cùng một mục đích. Ngay cả những con kiến cũng không bao giờ đứng yên dù chỉ một giây. Chúng chạy lòng vòng không ngừng nghỉ, tích lũy thức ăn, xây đắp hay nới rộng tổ của mình. Tại sao chúng lại nhọc công như thế? Để tìm một hạnh phúc nào đó và né tránh khổ đau.

Đức Phật nói rằng, mong muốn đạt hạnh phúc lâu dài và né tránh khổ đau là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn cho thấy sự có mặt của tâm bản nhiên. Thật ra, còn có nhiều chỉ dấu khác nữa, nhưng nếu kể hết ra thì hẳn phải viết thêm một cuốn sách nữa mới đủ. Vậy tại sao đức Phật lại xem dấu hiệu đặc biệt này có tầm quan trọng đến thế?

Bởi vì thật tánh của tất cả mọi chúng sinh là sẵn có sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau và sẵn có hạnh phúc toàn hảo: khi đi tìm hạnh phúc và trốn tránh khổ đau, bất kể là bằng cách nào, tất cả chúng ta chỉ đang biểu hiện cái bản chất thiết yếu cho thấy ta là ai.

Sự khao khát của hầu hết chúng ta đối với một hạnh phúc vĩnh hằng chính là “tiếng gọi thầm lặng” của tâm bản nhiên, nó nhắc nhở chúng ta những gì ta thực sự có khả năng thể nghiệm. Đức Phật đã minh họa sự khát khao đó qua ví dụ một con chim mẹ khi rời xa tổ. Bất kể là nơi nó bay đến có đẹp đẽ như thế nào, bất kể là có bao nhiêu điều mới mẻ và hấp dẫn mà nó được chứng kiến ở nơi ấy, vẫn có một điều gì đó luôn thôi thúc nó quay về tổ. Cũng như thế, bất kể là cuộc sống hằng ngày có cuốn hút đến đâu - bất kể cái cảm giác nhất thời tuyệt diệu đến đâu khi yêu đương, khi được khen thưởng, khi có được công việc “lý tưởng” - thì niềm khao khát một trạng thái hạnh phúc trọn vẹn và không gián đoạn vẫn luôn thôi thúc trong ta.

Trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta nhớ tâm bản nhiên như [người đi xa] nhớ quê hương vậy.

HÃY LÀ CHÍNH MÌNH

“Chúng ta cần nhận biết trạng thái căn bản của mình.”

Tsoknyi Rinpoché
Tôn nghiêm vô ưu (Carefree Dignity)
Erik Pema Kunsang và Marcia Binder Schmidt dịch sang Anh ngữ

Đức Phật dạy rằng, bản chất của tâm có thể được trực nghiệm đơn giản chỉ bằng cách để cho tâm buông xả hoàn toàn trong trạng thái tự nhiên của nó. Làm sao làm được điều đó? Hãy trở lại câu chuyện vị tướng quân được giao cho việc dời kho tàng của nhà vua từ chỗ này sang chỗ khác chỉ trong một ngày. Hãy nhớ lại là sau khi hoàn thành công việc ông ta đã cảm thấy thư giãn và hài lòng như thế nào. Khi ngồi dựa gối sau khi tắm, tâm ý ông hoàn toàn buông thư. Các ý tưởng vẫn khởi lên trong tâm, nhưng ông vui lòng để mặc cho chúng khởi sinh và diệt mất, không theo đuổi mà cũng không nắm giữ bất kỳ ý tưởng nào.

Có lẽ bạn cũng đã từng trải nghiệm điều tương tự như thế sau khi hoàn tất một công việc khó khăn và lâu dài, cho dù đó là công việc lao động thể lực hay một kiểu nỗ lực tinh thần, như viết một bản tường trình hay hoàn tất một bảng phân tích tài chính nào đó... Khi xong việc, thân tâm bạn sẽ tự nhiên buông xả nghỉ ngơi trong một trạng thái mệt nhoài nhưng thanh thản.

Vậy thì, chúng ta hay thử làm một bài tập ngắn trong việc buông xả tâm thức. Đây không phải là một bài thiền tập. Thật ra, theo như cha tôi đã giảng giải thì đây là một bài tập “không thiền”, một pháp tu tập rất cổ xưa của Phật giáo giúp loại bỏ sự căng thẳng vì nghĩ đến một mục đích phải đạt được hay một trạng thái đặc biệt nào đó phải trải nghiệm. Trong bài tập “không thiền”, chúng ta chỉ quan sát bất kỳ điều gì xảy ra mà không can thiệp vào. Chúng ta chỉ thuần túy làm những người thích thú quan sát một kiểu thử nghiệm nội tâm nào đó mà không đầu tư chút công sức nào cho kết quả của thử nghiệm ấy cả.

Dĩ nhiên, lần đầu tiên được học pháp tu này thì tôi vẫn còn là một đứa trẻ rất thích theo đuổi mục đích. Mỗi khi tọa thiền, tôi muốn có một điều gì đó kỳ diệu xảy ra. Vì thế, tôi phải mất một thời gian mới hiểu rõ được là không có gì phải làm ngoài việc buông xả, quan sát và không quan tâm gì đến kết quả.

Trước hết, chọn một tư thế sao cho lưng được giữ thẳng và toàn thân buông thư. Khi thân thể đã thật thoải mái trong tư thế đó, hãy để tâm hoàn toàn buông xả trong khoảng 3 phút. Buông thả tâm ý, như thể bạn vừa hoàn tất một công việc lâu dài và khó khăn.

Bất kể điều gì xảy ra, cho dù là những tư tưởng hay cảm xúc sinh khởi, cho dù bạn thấy một sự khó chịu nào đó trong thân thể, cho dù bạn nhận biết có những tiếng ồn hay mùi gì đó xung quanh, hoặc là tâm bạn hoàn toàn trống rỗng, cũng đừng lo lắng gì cả. Bất kỳ một điều gì đó xảy ra hay không xảy ra, cũng chỉ đơn thuần là một phần của kinh nghiệm để tâm buông xả.

Và bây giờ, hãy thư giãn trong sự nhận biết bất kỳ điều gì khởi lên trong tâm bạn…

Hãy thư giãn…

Hãy thư giãn…

Sau 3 phút, hãy tự hỏi xem kinh nghiệm ấy như thế nào. Đừng phán đoán, đừng tìm cách giải thích. Chỉ nhớ lại những gì đã xảy ra và bạn đã cảm thấy như thế nào. Có thể bạn đã nếm được một chút xíu cảm giác an bình hay rộng mở. Như vậy là tốt. Cũng có thể bạn đã nhận biết được hàng triệu tư tưởng, cảm giác và cảm thọ khác nhau. Như vậy cũng tốt. Vì sao? Vì trong cả 2 trường hợp, chỉ cần bạn duy trì ít nhất một sự nhận biết đơn thuần về những gì bạn đang suy nghĩ hay cảm nhận, đó là bạn đã có được một thoáng nhìn trực tiếp vào tâm thức của chính mình khi nó đang phô bày những công năng tự nhiên của nó.

Vậy thì, để tôi tiết lộ với các bạn một bí mật quan trọng. Bất kỳ điều gì bạn trải nghiệm được trong khi chỉ đơn thuần chú tâm vào những gì đang diễn ra trong tâm thức vào một thời điểm nhất định, đó chính là thiền tập. Buông thư hoàn toàn [tâm ý] theo cách này chính là kinh nghiệm về tâm bản nhiên.

Sự khác biệt duy nhất giữa thiền tập và tiến trình tư duy, cảm giác và cảm thọ thông thường hằng ngày chính là có vận dụng sự nhận biết giản dị, đơn thuần, vốn chỉ xuất hiện khi bạn để tâm buông thư hoàn toàn trong trạng thái tự nhiên của nó - không chạy đuổi theo các niệm tưởng, không bị tán loạn bởi các cảm giác và cảm thọ.

Phải mất một thời gian rất lâu tôi mới nhận ra được là việc tập thiền thực sự dễ dàng như thế nào, chủ yếu là vì nó dường như hoàn toàn quá đỗi bình thường, quá gần gũi với các thói quen nhận thức hằng ngày của tôi, đến nỗi hầu như chẳng bao giờ tôi ngừng lại để nhận biết nó. Cũng giống như rất nhiều người ngày nay tôi gặp gỡ trong những chuyến vân du hoằng pháp, tôi đã nghĩ rằng tâm bản nhiên hẳn phải là một cái gì khác, đặc thù hơn hay tốt đẹp hơn những gì mà tôi đã từng trải nghiệm.

Cũng giống như hầu hết mọi người, tôi đã đưa ra quá nhiều sự đánh giá về những kinh nghiệm của mình. Tôi đã tin rằng những tư tưởng giận dữ, lo lắng, sợ hãi v.v… - vốn liên tục khởi sinh và diệt mất suốt trong ngày - đều là xấu xa hoặc vô ích - hay ít nhất cũng là mâu thuẫn với sự an nhiên tự tại! Giáo pháp của đức Phật - và bài học có được từ bài tập “không thiền” này - chỉ ra rằng, nếu chúng ta tự cho phép mình thư giãn và dừng lắng một chút trong tâm, ta có thể bắt đầu nhận ra rằng tất cả những tư tưởng khác nhau này chỉ hoàn toàn sinh khởi và diệt mất trong phạm trù của một tâm thức vô hạn, vốn cũng giống như hư không, luôn thản nhiên không biến động, dù có bất cứ điều gì xảy ra bên trong nó.

Thật ra, việc trải nghiệm sự an nhiên tự tại còn dễ hơn cả uống nước. Để uống nước, bạn phải dùng đến công sức. Bạn phải đưa tay cầm lấy cái ly, đưa nó lên môi, nghiêng ly cho nước chảy vào miệng, nuốt nước vào và rồi đặt ly xuống. Để trải nghiệm sự an nhiên tự tại, ta không cần đến những nỗ lực như thế. Bạn không cần làm gì khác hơn là buông xả tâm thức trong sự mở rộng tự nhiên của nó. Không cần đến bất kỳ sự tập trung hay cố gắng đặc biệt nào.

Và nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể buông xả tâm thức, bạn có thể giản dị quan sát bất kỳ tư tưởng, cảm xúc hay cảm thọ nào khởi lên, tồn tại trong vài ba giây rồi diệt mất và ghi nhận rằng: “Ồ, đó là những gì đang diễn ra trong tâm ta ngay lúc này.”

Dù bạn ở đâu, đang làm gì, điều cốt yếu là ghi nhận kinh nghiệm đang có như một điều bình thường, là sự biểu hiện tự nhiên của chân tâm. Nếu bạn không cố sức ngăn chặn những gì đang xảy ra trong tâm thức mà chỉ đơn thuần quan sát chúng, cuối cùng bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được một cảm giác thư giãn cực kỳ, một cảm giác vô cùng khoáng đạt của sự rộng mở trong tâm thức - thật ra cũng chính là tâm bản nhiên của bạn, cái nền tảng bất biến tự nhiên mà trên đó những tư tưởng khác nhau sinh khởi và diệt mất. Đồng thời, bạn cũng sẽ kích hoạt những mô thức giao tiếp mới giữa các nơ-ron. Khi những mô thức mới này trở nên mạnh mẽ hơn và gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, chúng sẽ giúp bạn tăng thêm khả năng chấp nhận dòng thác những ý niệm đổ tràn xuống tâm bạn vào bất kỳ thời điểm nào. [Khi đó,] bất kỳ tư tưởng phiền não nào khởi lên cũng sẽ có tác dụng như những chất xúc tác kích thích sự nhận biết của bạn về trạng thái an nhiên tự tại vốn bao quanh và tràn ngập trong các tư tưởng ấy, cũng giống như hư không bao quanh và tràn ngập trong mọi phân tử của thế giới hiện tượng.

Nhưng đã đến lúc chúng ta rời bỏ những giới thiệu tổng quát về tâm thức để bắt đầu khảo sát chi tiết hơn những đặc tính của nó. Bạn có thể tự hỏi, tại sao cần phải biết thêm bất kỳ điều gì về tâm bản nhiên? Một sự hiểu biết tổng quát như trên chưa đủ sao? Tại sao chúng ta không thể bỏ qua để đi ngay vào phần thực hành?

Hãy suy nghĩ như thế này: Nếu bạn lái xe trong đêm tối, bạn không thấy an tâm hơn khi có một tấm bản đồ địa hình nơi ấy thay vì chỉ là một ý niệm mơ hồ về nơi đến hay sao? Không có bản đồ, không có bất kỳ dấu hiệu chỉ đường nào, bạn có thể đi lạc. Bạn có thể đi vào tất cả những ngã rẽ và những con đường không đúng hướng, khiến cho chuyến đi kéo dài hơn và rắc rối hơn mức cần thiết. Bạn có thể đi đến kết cục là lái xe chạy lòng vòng mãi. Dĩ nhiên, cũng có thể là cuối cùng rồi bạn cũng sẽ đến nơi, nhưng chuyến đi hẳn đã dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn biết rõ về nơi muốn đến. Vậy hãy xem hai chương sách tiếp theo đây như một tấm bản đồ, một tập hợp những hướng dẫn và các cột mốc chỉ đường, có thể giúp bạn đến được nơi muốn đến một cách nhanh chóng hơn.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 21 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.148.105.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...