Ngày đầu năm 1881, tôi ngồi vào bàn làm việc đến hai giờ khuya để viết
bài cho tạp chí Theosophist. Nói chung thì trong những tuần lễ đầu năm,
mọi việc vẫn bình thường, không có gì đáng kể, trừ ra những dịp chúng
tôi tiếp xúc và có những mối quan hệ thân thiện hay không thân thiện với
một vài nhân vật.
Tác giả quyển sách nổi tiếng “Nhựa sống”, với bút danh là Mirza Murad
Ali Beg, đến với chúng tôi lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 1. Anh ta là
một thanh niên Anh, thuộc dòng dõi của gia đình Mitford đã từng đào tạo
ra nhiều nhà văn nổi tiếng ở Anh quốc. Anh ta sinh trưởng tại Madras, có
một nếp sống dị thường, và theo Hồi giáo.
Khi gặp chúng tôi thì anh ta đang giữ một chức vụ trong quân đội của vị
Đại vương xứ Bhavnagar, với cấp bậc “sĩ quan kỵ binh”, nhưng trên thực
tế thì đó chỉ là một chức vụ ngồi không ăn lương. Anh ta sống một cuộc
đời phiêu lưu, phóng dật, dẫy đầy những nỗi trắc trở gian lao. Anh ta đã
từng thực hành khoa bàng môn tả đạo, và cho tôi biết rằng tất cả những
nỗi khổ đau mà anh đã trải qua trong vòng vài năm trước đây đều có thể
trực tiếp truy nguyên từ những tác động hiểm ác của vài loại âm binh bất
hảo mà anh đã kêu gọi để trợ giúp trong việc chinh phục một người con
gái đức hạnh mà anh ta thèm muốn.
Tuân theo sự chỉ dẫn của một nhà phù thuœy hắc phái Hồi giáo, anh ta đã
ngồi suốt bốn mươi ngày trong một gian phòng kín, mắt nhìn chăm chú vào
một cái chấm đen trên vách tường, dùng trí tưởng tượng hình dung khuôn
mặt của người con gái ấy và niệm một câu thần chú nửa Ả Rập và nửa tiếng
Phạn, lặp đi lặp lại đến cả trăm ngàn lần. Anh ta phải tiếp tục làm như
vậy cho đến khi nhìn thấy khuôn mặt của người con gái ấy linh động như
thật, và khi thấy đôi môi nàng mấp máy như sắp sửa nói chuyện thì khi đó
nàng đã hoàn toàn bị quyến rũ bởi ma lực và sẽ tự động tìm đến với anh
ta.
Tất cả sự việc đã xảy ra y như đã dự liệu trước. Ý đồ hiểm ác xấu xa của
anh ta được thực hiện. Cô gái kia bị hại trong tay anh, nhưng chính anh
lại bị phụ thuộc vào quyền năng của những âm binh bất hảo mà anh không
có đủ sức mạnh tinh thần để chế ngự sau khi đã nhờ đến sự giúp sức cưỡng
ép của chúng.
Thật sự là anh ta đang rơi vào một tình trạng bi đát, khốn cùng. Thần
kinh anh ta căng thẳng, dễ bị kích động, không quyết đoán được điều gì,
luôn phải nô lệ những cảm xúc của chính mình, nhìn thấy những khả năng
cao quý của bản chất con người nhưng lại bất lực không thể đạt tới.
Anh ta đến với chúng tôi để tìm nơi ẩn trú, và đã ở lại nhà chúng tôi
trong vài tuần. Tuy là người Anh, nhưng anh ta lại có một hình thù dị
dạng. Anh ta mặc y phục của người Hồi giáo, gồm một cái áo vải trắng
rộng và dài phủ đến chân. Anh để tóc dài màu nâu lợt, bới cao lên phía
sau đầu như phụ nữ; nước da trắng và mắt xanh.
Từ ngày anh ta đến với chúng tôi, dường như anh trải qua một cơn xung
đột mãnh liệt trong nội tâm. Anh than phiền rằng mình bị lôi cuốn, giằng
co từ mọi phía, trước hết bởi những ảnh hưởng tốt lành, và kế đó bởi
những lực lượng bất hảo.
Anh ta có một bộ óc thông minh, đã đọc qua nhiều sách vở và rất muốn gia
nhập Hội Thông thiên học. Nhưng vì tôi không tin tưởng nơi căn bản đạo
đức của anh ta nên đã từ chối. Tuy nhiên, vì bà Blavatsky đề nghị chịu
trách nhiệm về anh ta, nên tôi không phản đối và để cho bà bảo trợ sự
gia nhập của anh ta.
Vài tháng sau đó, anh ta trả ơn bà một cách đích đáng bằng cách giật lấy
cây gươm của một lính canh ở ga Wadhwan và toan đâm chết bà, rồi la lớn
lên rằng bà và các chân sư đều là ma quỉ! Nói tóm lại, anh ta đã nổi
điên.
Đây nhắc lại khi trí óc anh ta còn lành mạnh và đang ở chung với chúng
tôi. Anh ta có viết vài bài đăng trong tạp chí “Theosophist” và một đêm
nọ, sau một cuộc nói chuyện với chúng tôi, anh ta ngồi viết một bài tham
luận về quyền năng của ý chí và tác dụng của nó đối với sự sống lâu. Bà
Blavatsky và tôi còn ngồi lại trong phòng, và khi anh ta bắt đầu viết,
bà bước đến gần và đứng phía sau lưng anh ta, cũng như hồi ở New York bà
đã đứng phía sau lưng họa sĩ Harisse khi người này đang vẽ bức chân dung
của một vị chân sư theo sự hướng dẫn bằng phương pháp chuyển di tư tưởng
của bà.
Bài tham luận của Mirza Sahib được sự chú ý của mọi người khi nó xuất
hiện trên tạp chí, và được coi như một trong những bài có giá trị nhất
trong văn chương đạo lý của Hội Thông thiên học. Anh ta tỏ ra có trình
độ trí thức, và có nhiều triển vọng cứu vãn phần lớn những khả năng tâm
linh đã bị mất nếu anh ta chịu ở lại với chúng tôi. Nhưng sau khi đã hứa
làm như vậy, anh ta lại tuân theo một động lực vô hình không thể cưỡng,
và bỏ đi theo tiếng gọi của sự diệt vong.
Anh ta không thể nào phục hồi lại được sự thăng bằng của trí não. Sau
đó, anh ta theo đạo Gia Tô, rồi quay trở lại Hồi giáo, rồi sau cùng anh
ta chết và được chôn tại Junagadh. Tại đây tôi có nhìn thấy nắm mồ sơ
sài của y.
Trường hợp của Mirza Sahib là một trường hợp đáng sợ về cái hiểm họa chờ
đợi những người nào thực hành bàng môn tả đạo trong khi còn những đam mê
thú dục tiềm ẩn trong lòng.