Trong thời gian ở tại Lahore, chúng tôi luôn luôn bận rộn tiếp khách và
thảo luận về những vấn đề đạo lý, nhưng không phải là không có những cơ
hội tiêu khiển. Chẳng hạn như chuyến đi tham quan kinh lý của vị Phó
vương Anh, Lord Ripon, vào ngày mồng 10, và chúng tôi có dịp xem cuộc
tiếp rước linh đình trọng thể diễn ra trong thành phố.
Phó vương cưỡi một con voi lớn, lưng voi phủ vải vàng óng ánh, đầu voi
cũng đội một thứ mão hay đồ trang sức bằng vàng. Bành voi mạ vàng sáng
chói, đứng một bên là một người hầu Ấn Độ mặc sắc phục sặc sỡ cầm một
cây lọng vàng che trên đầu ngài.
Những vị Quốc vương và Đại vương (Maharajah) Ấn Độ mặc triều phục lộng
lẫy, cưỡi voi đi theo sau tùy theo cấp bậc chức vị lớn nhỏ, và tất cả
đều được những quan viên dân sự người Anh cũng cưỡi voi đi theo hộ tống
(bà Blavatsky cho là dường họ như bị canh chừng).
Nối tiếp theo sau là những toán kỵ binh Anh và kỵ binh xứ Bengale, quân
bản xứ mặc sắc phục đỏ, những đội quân Ấn Độ cầm kích và cầm giáo dài,
những toán quân nhạc thổi kèn, đánh trống, và đánh chập chõa.
Thật là một cuộc diễn hành long trọng huy hoàng, tiền hô hậu ủng, rực rỡ
tưng bừng. Tôi quả quyết rằng mỗi người Anh trong cuộc diễn hành hẳn là
phải cảm thấy lố bịch, và mỗi vị Quốc vương bản xứ chắc cũng cảm thấy bị
hạ thấp trong cái màn trình diễn công khai phô trương thanh thế và uy
lực này, làm nổi bật trước mắt công chúng cái vị thế của kẻ chinh phục
và kẻ bị trị, mà cái ý nghĩa thật sự của nó, trong thâm tâm mỗi người
đều biết rằng mọi người khác cũng biết rõ như mình.
Bà Blavatsky và tôi đứng xem cuộc diễn hành từ trên lầu một nhà ga xe
lửa được xây cất như một pháo đài để có thể sử dụng như một công sự
phòng thủ khi có biến. Những lời bình phẩm của bà về cuộc diễn hành và
về những nhân vật ăn mặc trang sức lố lăng thái quá, làm cho tôi luôn
luôn phát cười nôn ruột, và về sau, trong một bài phóng sự du ký của bà
đăng trên tạp chí Russky Vyestnick, bà làm cho cả nước Nga đều cười vỡ
bụng về chuyện vắng mặt của vị Đại vương xứ Kashmir trong cuộc diễn
hành, mà thoạt tiên người ta nghi ngờ là có che giấu một âm mưu chính
trị, nhưng sau đó mới vỡ lẽ ra rằng chỉ vì ngài bị tiêu chảy!
Ngày 15 tháng 11, vị Phó vương Anh, Lord Ripon, chủ tọa một cuộc lễ tiếp
kiến các vị Đại vương, Quốc vương và các ông Hoàng bản xứ.
Một sảnh đường rộng lớn được dựng lên bằng vật liệu nhẹ, gồm những tấm
vải cứng lớn có sọc xanh được căng ra làm nóc trên những cột đứng bằng
sắt, và những tấm vách ngăn cũng bằng một loại vải cứng tương tự, dưới
đất trải những tấm thảm gấm đỏ, bên trong thắp sáng bằng những ngọn đèn
lớn.
Phó Vương ngự trên một chiếc ngai bằng bạc, mặc triều phục chỉnh tề có
thêu chỉ vàng và gắn đầy phù hiệu, huy chương, với một tấm băng lụa xanh
vắt ngang trên ngực. Đứng phía sau ngài là những người hầu bản xứ mặc
đồng phục trắng tay cầm những cây quạt lớn màu đỏ thêu phù hiệu của
Hoàng gia Anh; hai người hầu khác cầm những cây phất thủ trắng làm bằng
đuôi giống bò Yak của xứ Tây Tạng, và hai người hầu nữa cầm những cây
vương trượng tượng trưng cho quyền uy của vị Phó vương.
Giữa sảnh đường là hai hàng ghế đối diện nhau. Các quan viên Anh ngồi ở
hàng ghế bên tay mặt Phó vương, các vị vương hầu bản xứ ngồi bên tay
trái; ở giữa hai hàng ghế là lối đi rộng rãi từ cửa vào đưa đến ngai Chủ
tọa. Các vị Quốc vương, Đại vương và những ông Hoàng khác của xứ Ấn Độ
được chỉ định chỗ ngồi theo thứ tự cấp bậc, vị cao nhất ngồi gần Phó
vương.
Khi mỗi ông Hoàng vừa đến ngoài cửa, có tiếng súng đại bác chào mừng,
quân dàn hầu hai bên bồng súng chào, và đoàn quân nhạc thổi kèn.
Ông Alfred Lyall, Trưởng ban Nghi lễ, mặc quốc phục ngoại giao, tiếp đón
và đưa mỗi ông Hoàng đến trước ngai vị Phó vương. Ông Hoàng Ấn Độ dâng
lên một mâm lễ vật gồm có một số đồng tiền vàng đựng trên một cái mâm
bạc. Vị Phó vương đưa tay sờ với một cử chỉ tượng trưng rồi trả lại
(nghĩa là không nhận). Cả hai, chủ và khách, đều cúi đầu chào nhau. Kế
đó, ông Hoàng được đưa đến chỗ ngồi an tọa, rồi đến lượt một ông Hoàng
khác.
Sau khi tất cả các ông Hoàng đã được tiếp đón xong, vị Phó vương mới
đứng dậy làm lễ ban phát quà tặng quí giá gồm có những đồ trang sức bằng
vàng ngọc châu báu, những đồ khí giới nạm bạc, yên ngựa thêu vàng, vân
vân... Những ông Hoàng chỉ đưa tay sờ một cái rồi để cho những quân hầu
mang đi.
Những bộ triều phục lộng lẫy và khăn vấn đầu giát ngọc chớp sáng lập lòe
của những ông Hoàng Ấn Độ trình bày một cảnh tưởng huy hoàng đặc biệt
của phương Đông, và làm cho buổi lễ càng thêm phần long trọng.