Ngày dời Trụ sở Hội quán của chúng tôi càng đến gần thì bà Blavatsky
càng phấn khởi hơn trong việc ca tụng xứ Ấn Độ cũng như những người Ấn
giáo và toàn thể người Đông phương nói chung. Bà cũng hăng hái hơn trong
việc chỉ trích người Tây phương với những tập quán xã hội, óc độc tài
tôn giáo và những tư tưởng hẹp hòi nói chung của họ.
Có những đêm hào hứng sôi nổi diễn ra tại “Lạt-ma Viện”. Trong những đêm
đó, có xảy ra một chuyện đáng kể. Nhà nghệ sĩ Walter Paris, một trong
những hội viên đắc lực nhất đã từng sống vài năm ở Bombay với chức vụ
kiến trúc sư của chính phủ, đã thích thú nói chuyện với chúng tôi về xứ
Ấn Độ. Nhưng ông ta không có lòng kính trọng đặc biệt đối với Ấn Độ và
lòng ưu ái đối với dân tộc xứ ấy như chúng tôi, nên ông thường làm phật
lòng bà Blavatsky với những lời lẽ mà tôi cho rằng theo lập trường của
giới cai trị Anh Ấn.
Một đêm nọ, ông ta kể chuyện về một việc lỗi lầm ngu ngốc của người giúp
việc trong khi thắng yên ngựa, và thản nhiên nói rằng ông đã quất người
ấy bằng roi vọt. Ngay tức khắc, dường như bị những roi vọt ấy quất vào
mặt mình, bà Blavatsky chồm hẳn dậy, đứng ngay trước mặt người kia, và
trong một tràng độc thoại kéo dài độ năm phút, bà cho y một trận sửa sai
và quở trách nặng nề đến mức làm cho ông ta ngồi im không thốt ra được
một lời nào. Bà lên án hành động của ông ta như một cử chỉ hèn mạt, và
nhân dịp ấy bà ứng khẩu thốt ra một bài luận thuyết hùng hồn chỉ trích
cách đối xử của giới cai trị Anh Ấn đối với các chủng tộc Đông phương.
Đó không phải là một trường hợp duy nhất cho thấy mối bất bình của bà
đối với cách xử sự của người Tây phương. Bà vẫn luôn bày tỏ thái độ đó
trong nhiều dịp khác nữa, và tôi đã từng thấy bà biểu lộ hào khí và cách
nói năng bạo dạn y như vậy trong nhiều lần tiếp xúc với những viên chức
cao cấp Anh Ấn ở Allahabad, Simla, Bombay, Madras, và ở các nơi khác.
Khi cuộc hành trình sang Ấn Độ của chúng tôi đã được quyết định, tôi bắt
đầu thu xếp mọi công việc riêng vào mùa thu năm 1878. Việc trao đổi thư
từ vẫn tiếp tục với các bạn đạo ở Bombay và Tích Lan (Śrỵ Lanka). Chúng
tôi không công khai tuyên bố ý định xuất hành, nhưng các bạn bè thân hữu
đã đến rất đông khi biết tin chúng tôi sắp ra đi. Những ghi chép của bà
Blavatsky trong tập nhật ký của tôi khi tôi thường vắng mặt tại New York
trong những tuần lễ cuối cùng cho thấy sự hối thúc của các chân sư mong
muốn chúng tôi lên đường càng sớm càng hay.
Ngày 22 tháng 10, bà viết: “N. xuất ra và S. nhập vào (thể xác của bà)
với mật lệnh của Quần tiên hội, dạy phải hoàn thành tất cả mọi việc vào
đầu tháng 12.”
Câu ấy ngụ ý có sự thay đổi cá tính các nhân vật mượn xác bà Blavatsky,
và các đoạn nhật ký với những lời ghi bằng tuồng chữ khác nhau cũng xác
nhận việc ấy.
Một đoạn nhật ký tương tự ngày 14 tháng 11 nói rằng chúng tôi phải cố
gắng tối đa để lên đường trước ngày 20 tháng 12 như kỳ hạn cuối cùng.
Ngày 22 tháng 11, những thượng lệnh khẩn cấp khác nữa cũng đến bằng một
đường lối ấy, và chúng tôi được lệnh phải bắt đầu chuẩn bị đầy đủ hành
lý.
Nhiều bạn đạo muốn tháp tùng chúng tôi sang Ấn Độ, và vài người cũng đã
cố gắng sửa soạn chuyến đi, nhưng sau cùng chỉ có hai người là cô Bates,
một cô giáo người Anh, và ông Wimbridge, một họa sư kiêm kiến trúc sư,
cùng đi với chúng tôi. Kể từ đó, các thượng lệnh vẫn tiếp tục đến luôn
không ngớt và hối thúc chúng tôi lên đường.
Những quan khách đến viếng thăm tới lui dồn dập, nhộn nhịp. Có những bài
viết xuất hiện trên các báo nói về chuyến đi của chúng tôi và những bài
trả lời của bà Blavatsky.
Ngày 13 tháng 12, tôi nhận được một bức thư viết tay của Tổng thống Hoa
Kỳ
[1] giới thiệu tôi cho tất cả các viên đại sứ và
lãnh sự Hoa Kỳ ở hải ngoại; và một thẻ thông hành đặc biệt của Bộ Ngoại
giao, giống như những thẻ thông hành cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ, với
sứ mạng tường trình cho chính phủ Mỹ về triển vọng và khả năng nới rộng
những quyền lợi thương mãi của Hoa Kỳ ở châu Á.
Những văn kiện này về sau đã tỏ ra có tác dụng hữu ích ở Ấn Độ, khi bà
Blavatsky và tôi bị nghi ngờ là gián điệp của Nga! Những chi tiết của
diễn biến khôi hài này sẽ được tường thuật ở một chương sau.
Trong những ngày cuối cùng, tôi không nghỉ ngơi được chút nào, thường
ngồi suốt đêm để viết thư, hoặc di chuyển thường xuyên đến các thành phố
xa gần để thu xếp công việc, và ăn uống rất thất thường trong khi đi
lại. Trong khi đó thì vẫn luôn vang dội những mật lệnh hối thúc chúng
tôi phải lên đường trước ngày 17 tháng 12 là kỳ hạn chót.
Tuồng chữ của bà Blavatsky có vẻ nguệch ngoạc, và trong đoạn nhật ký đề
ngày 15 tháng 12, tôi nhận thấy có hai lối viết khác nhau của tuồng chữ
bà như đã nói trước đây, chứng tỏ rằng có hai vị chân sư đã mượn xác của
bà trong đêm hôm đó.
Ngày 17 tháng 12 là ngày cuối cùng của chúng tôi trên đất Mỹ. Đoạn nhật
ký của bà Blavatsky viết:
“Một ngày đáng ghi nhớ! Olcott trở về lúc bảy giờ tối với những vé tàu
Canada và ngồi viết thư đến 11 giờ 30. Maynard mời Blavatsky dùng cơm
tối tại nhà y. Bà về nhà lúc chín giờ. Đến gần mười hai giờ đêm, Olcott
và Blavatsky rời khỏi nhà bước lên xe ngựa để ra bến tàu.”
(Hãy lưu ý là người viết luôn đề cập đến bà Blavatsky bằng đại từ ngôi
thứ ba, như thể đây là một người khác viết về bà!)
Thế là chấm dứt giai đoạn đầu tiên của lịch sử Hội Thông thiên học, với
cuộc khởi hành của hai nhà sáng lập rời khỏi Mỹ Quốc. Sau lưng chúng tôi
là một dĩ vãng ba năm tranh đấu, với những chướng ngại đã vượt qua,
những kế hoạch đã thực hiện được vài phần, những nỗ lực trước tác sách
vở, những bạn bè bỏ cuộc nửa chừng, những kẻ thù nghịch phải đối phó, và
trọng trách thiết đặt nền tảng rộng lớn cho một cơ cấu vĩ đại được xây
dựng lên trải qua thời gian để qui tụ các quốc gia. Thành quả này, quả
thật ban đầu chúng tôi không thể nào ngờ trước được. Bởi vì chúng tôi đã
xây dựng được một công trình qui mô rực rỡ và tốt đẹp hơn nhiều so với
dự tưởng, hay ít ra cũng phải nói là tốt đẹp hơn nhiều so với là sự
tưởng tượng của riêng tôi.
Những gì thuộc về tương lai chúng tôi không thể tiên liệu trước. Ý nghĩ
về sự phát triển kỳ diệu và lạ lùng của Hội Thông thiên học không hề
thoáng qua ngay cả trong những ước mơ của chúng tôi.
Một bạn đạo của chúng tôi tuyên bố rằng Hội Thông thiên học đã chết một
cách tự nhiên trước khi chúng tôi lên đường sang Ấn Độ. Sự thật là trong
những năm đầu ở New York, Hội tương đối bất động và không có hoạt động
gì đáng kể, nhưng lại bắt đầu hồi phục kể từ khi Trụ sở Hội được dời
sang Ấn Độ.
Chiếc tàu “Canada” rời bến vào ngày 18 và phải đợi cho nước thủy triều
lên cao mới ra khơi vào trưa ngày 19 tháng 12. Sau cùng, chiếc tàu đã
vượt ra giữa đại dương màu xanh biếc, thẳng hướng về vùng “đất hứa” của
chúng tôi.
Lòng tôi tràn đầy một niềm hứng khởi và triển vọng tương lai, đến nỗi
tôi không còn muốn đứng trên boong tàu để ngắm nhìn cảnh tượng đất Mỹ
lui dần rồi tan biến khỏi tầm mắt, mà liền đi xuống phòng “cabin” để tìm
vị trí hải cảng Bombay trên tấm bản đồ Ấn Độ.