Nói về khả năng tiên tri, tôi nghĩ rằng có lẽ tôi cũng có đôi chút khi
tôi viết trong nhật ký của tôi câu này một ngày trước khi đến hải cảng
Colombo: “Còn phải đương đầu với những trách nhiệm mới mẻ và lớn lao:
những vấn đề quan trọng độc đáo còn tùy thuộc nơi kết quả của chuyến đi
này.”
Thật không có gì đúng hơn nữa! Chúng tôi bỏ neo ngoài khơi cảng Colombo
vào sáng ngày 16 tháng 5, và sau đó một lúc, một chiếc tàu nhỏ tiến đến
cặp vào hông tàu, có chở theo Đại đức Megittuwatte Gunananda và vài nhà
sư trẻ trong tu viện Phật giáo của ông đến đón chúng tôi. Đại đức
Megittuwatte tuổi độ trung niên, râu tóc cạo sạch, vóc dáng trung bình,
trán cao, mắt sáng, miệng rộng, có tác phong đầy tự tin và dáng người
rất nhanh nhẹn.
Không như những nhà sư khác có vẻ trầm tư, mắt thường nhìn xuống đất khi
nói chuyện, Đại đức thường ngang nhiên nhìn thẳng vào mắt người đối
thoại. Ông là nhà diễn giả hùng biện, ăn to nói lớn nhất trong các giới
lãnh đạo Phật giáo ở xứ này, và là một mối kinh hoàng, nể sợ đối với các
nhà truyền giáo Gia Tô. Vừa nhìn thấy ông, người ta biết ngay ông là một
nhà tranh luận hơn là một tu sĩ khổ hạnh. Trong nhiều năm, ông là nhà
lãnh tụ táo bạo, xuất chúng và có uy thế mạnh mẽ nhất của Phật giáo Tích
Lan, và hiện nay là lãnh tụ phong trào phục hưng Phật giáo tại xứ này.
Sau khi chào hỏi chúng tôi một cách đặc biệt thân tình và nồng hậu, Đại
đức yêu cầu chúng tôi cứ tiếp tục ở trên tàu để đi tới hải cảng Galle,
tại đây đã có sắp đặt mọi việc để dành cho chúng tôi một cuộc tiếp đón
quan trọng, còn Đại đức sẽ đích thân đáp xe hỏa đi Galle ngay chiều hôm
đó.
Rạng sáng hôm sau, chúng tôi đã ở ngoài khơi hải cảng Galle. Tàu bỏ neo
ngoài khơi, cách bờ độ năm trăm thước, chúng tôi bước xuống một chiếc
thuyền lớn được trang hoàng lịch sự, kết hoa sặc sỡ, trên đó có các vị
chức sắc Phật giáo cao cấp đến đón chúng tôi. Trên bến tàu và dọc theo
bãi biển, một đám đông quần chúng khổng lồ đã đợi sẵn, chờ chúng tôi
đến, và đồng thanh hô to khẩu hiệu chào mừng: “Sahdu! Sahdu!” vang cả
một góc trời!
Một khoảng đường được lót bằng vải trắng từ những bậc tam cấp ven bờ
biển đưa lên mặt đường lộ, tại đây đã có xe chờ sẵn, và muôn nghìn lá cờ
được phất lên một cách nhiệt tình để nghênh đón chúng tôi. Quần chúng
vây quanh và đi theo đoàn xe, cuộc diễu hành trực chỉ nơi trú quán dành
sẵn cho chúng tôi là biệt thự của bà Wijeratne, quả phụ của một nhà thầu
tỷ phú tại Galle.
Khi đến nhà, có ba vị sư trưởng đón tiếp và ban ân huệ cho chúng tôi tại
ngưỡng cửa, miệng lẩm nhẩm đọc kinh chúc lành bằng thổ ngữ Nam Phạn
(Pli). Kế đó, chúng tôi có một buổi hội kiến với các nhân vật địa phương
và vô số quan khách đến chào mừng.
Bà Wijeratne và con trai bà lo săn sóc phục dịch chúng tôi một cách chu
đáo tận tình. Trên các bàn lớn giữa nhà luôn luôn có đầy những mâm kẹo
bánh, thực phẩm ngon lành và hoa quả, trái cây tươi ngon cỡ thượng hạng
không đâu s ánh kịp. Chốc chốc lại có thêm một cuộc diễu hành mới, gồm
các phái đoàn sư sãi áo vàng, sắp đặt theo thứ tự thâm niên của họ kể từ
khi xuất gia, tuần tự đến viếng và chúc lành chúng tôi.
Thật là một kinh nghiệm độc đáo, một điềm triệu tốt lành rực rỡ mở màn
cho những mối quan hệ tương lai của chúng tôi với xứ này. Trong thời
gian sau đó, luôn luôn chúng tôi có khách đến viếng đầy nhà và vãng lai
không ngớt suốt ngày, ngày nào cũng như ngày ấy.
Những cuộc thảo luận về đạo lý vẫn tiếp diễn không ngừng với vị sư
trưởng cao niên Bulatgama Sumanatissa và với những nhà sư thông thái
khác. Do sự sắp đặt của Ban tổ chức, tôi có một bài thuyết trình trước
công chúng vào ngày 22 về Thông thiên học, với số cử tọa đông đảo chật
ních cả hội trường. Ngoài phái đoàn của chúng tôi còn có đủ mặt tất cả
các sư trưởng và chức sắc của nhiều chi phái Phật giáo đến dự thính.
Cuộc thăm viếng này của chúng tôi là bước khởi đầu giai đoạn thứ nhì của
phong trào phục hưng Phật giáo do Đại đức Megittuwatte khởi xướng trước
đây. Đó là một phong trào nhằm mục đích qui tụ toàn thể giới thanh thiếu
niên Tích Lan vào những trường học Phật giáo.
Tờ thông tri dưới đây do bạn Damodar chính thức công bố cho thấy những
bước đầu tiên do chúng tôi thực hiện để đưa đến việc thành lập những Chi
hội Thông thiên học trên đảo Tích Lan.
“THÔNG TRI
Một cuộc hội họp sẽ được tổ chức vào chiều thứ hai tới đây tại
Minuvengoda lúc 20 giờ. Trong dịp này, Đại tá Olcott sẽ trình bày về
những mục đích của Hội Thông thiên học. Sau đó, quý vị nào muốn gia nhập
Hội có thể ghi tên.
Galle, ngày 22 tháng 5 năm 1880
(Thừa lệnh)
Damodar K. Mavalankar
Phó Tổng Thư Ký Hội Thông Thiên Học”
Cuộc hội họp ấy do vị Sư trưởng Bulatgama chủ tọa, và Đại đức
Megittuwatte khai mạc bằng một bài diễn văn hùng hồn làm khích động lòng
người.
Ngày hôm sau, có mười một người đầu tiên được tôi thâu nhận vào hàng ngũ
hội viên, và cùng với họ, tôi tổ chức Chi hội Thông thiên học tại Galle.
Thế rồi bắt đầu một cuộc hành trình dài hạn để viếng thăm nhiều thành
phố khác nhau ở các vùng địa phương trên đảo. Những sự việc đã xảy ra
tại Galle lại tái diễn ở các nơi khác: những cuộc tiếp đón long trọng;
những sự vui mừng nồng nhiệt của quần chúng; những buổi nói chuyện trước
những cử tọa đông đảo, thường có đến vài ngàn người; những cuộc viếng
thăm các tu viện, chùa chiền, bàn luận giáo lý với các vị sư trưởng và
các vị sư tăng ưu tú lỗi lạc, v.v...
Với đà diễn biến đó, dần dần tôi thành lập được các Chi hội Thông thiên
học tại Colombo với 27 hội viên; Chi hội Kandy với 17 hội viên; các Chi
hội Lanka, Bentota (23 hội viên), Welitara, Panadure, Matara, v.v...
Ngoài ra, tôi còn nhận được hàng chục thư mời đến viếng những làng mạc
xa xôi ở các vùng quê hẻo lánh. Thế là, sau cuộc viếng thăm các thành
phố lớn, tôi bắt đầu đi thăm viếng các vùng làng mạc và thôn quê.