Do nhiều bạn đạo kể chuyện và sau khi đã trao đổi quan niệm bằng cách
giao dịch thư từ với nhóm Arya Samaj, một chi phái Ấn Giáo tiến bộ, tôi
được biết đạo sư (Swami) Dynand Saraswati như một nhà bác học Phạn ngữ
(Pandit) và một nhà cải cách tôn giáo, đang lãnh đạo một phong trào tâm
linh rất mạnh mẽ mệnh danh là tổ chức Arya Samaj, nhằm mục đích phục
hưng tôn giáo Phệ-đà (Veda) thuần túy cổ xưa của Ấn Độ.
Khi chúng tôi đến Agra, chúng tôi được người đại diện địa phương của đạo
sư Dynand Saraswati đến viếng thăm và trao đổi với chúng tôi nhiều điều
về vị lãnh đạo tôn giáo này. Sự trình bày của ông ta rất thỏa đáng nên
chúng tôi quyết định đi Saharanpore để gặp vị Swami khi ngài đi hành
hương từ Hardwar trở về.
Tại Saharanpore, những tín hữu của chi phái Arya Samaj nghênh tiếp chúng
tôi rất nồng hậu với những quà tặng bánh trái và hoa quả. Nhưng sự vui
thích của chúng tôi đã có phần giảm bớt do sự có mặt của mấy tên mật vụ.
Họ theo dõi mọi sự di chuyển của chúng tôi, khám xét thư từ, đọc điện
tín của chúng tôi, và làm cho chúng tôi có cảm tưởng như mình đang phải
chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ngành an ninh!
Trụ sở chi phái Samaj dành cho chúng tôi một cuộc tiếp tân long trọng và
một bữa tiệc theo phong tục bản xứ. Chúng tôi ngồi ăn dưới đất với bàn
tay mặt rửa sạch, bốc thức ăn đựng trong những cái đĩa kết bằng lá cây.
Đạo sư (Swami) về đến nơi vào sáng sớm ngày hôm sau. Bạn Mulji và tôi
cùng đến để chào mừng. Tôi vô cùng cảm kích về tác phong, dáng điệu,
giọng nói ấm áp cũng như những cử chỉ lịch sự và cốt cách tôn nghiêm cao
quí của ông. Đạo sư nắm tay tôi, đưa tôi đến một hàng ba rộng rãi lộ
thiên, cho người đem đến một ghế dài và mời tôi ngồi bên cạnh người.
Sau khi đã trao đổi với nhau những lời chúc mừng, chúng tôi chia tay từ
giã, và độ một giờ sau đó, đạo sư đích thân đến nơi quán trọ của chúng
tôi để thăm xã giao bà Blavatsky.
Trong cuộc nói chuyện dài tiếp theo sau đó, đạo sư cho biết quan điểm
của ông về các vấn đề Thượng đế, Giải thoát và Niết-bàn. Chúng tôi nhận
thấy những điều này hầu như hoàn toàn phù hợp với quan niệm của chúng
tôi.
Hôm sau, chúng tôi cùng đạo sư đáp chuyến xe lửa đi Meerut. Khi đến nơi,
chúng tôi được đưa đến ngôi biệt thự của ông Sheonarain, một nhà thầu
giàu có làm việc cho Chính phủ. Ông này là một tín hữu phái Samaj, đã
tình nguyện cung ứng ngôi nhà của ông cho chúng tôi sử dụng.
Chiều hôm sau, vào lúc sáu giờ rưỡi chúng tôi tham dự một buổi hội họp
đông đảo của môn phái Arya Samaj, được tổ chức ở một sân rộng lộ thiên,
giữa những ngôi nhà lầu bao quanh. Ở cuối sân có một bục xây bằng gạch,
trên có trải nệm và thảm Ấn Độ. Đạo sư Swami ngồi xếp bằng trên tấm
thảm, dựa lưng vào một cái gối tròn và dày. Loại gối này rất thông dụng
ở các xứ phương Đông.
Tác phong trầm tĩnh, oai nghi, đạo sư nổi bật giữa đám đông, và trong
một bầu không khí im lặng hoàn toàn, toàn thể hội trường đều lắng tai
nghe ông thuyết pháp.
Sau khi phái đoàn chúng tôi được đưa đến chỗ ngồi đã sắp đặt sẵn, ngài
Swami im lặng tọa thiền trong vài phút, kế đó ông ngẩng mặt lên trời,
rồi với một giọng trầm ấm, ngân vang những thánh ngữ: “AUM, AUM!
Shantih, Shantih, Shantih!” (ngụ ý: Cầu cho muôn loài được bình an), và
khi những âm thanh vang dội đã tan dần, ông mới bắt đầu một thời pháp về
đề tài “Cầu nguyện”.
Ông định nghĩa rằng cầu nguyện tức là làm việc. Cầu nguyện không phải là
thốt lên những lời lẽ vô vị trên đầu môi chót lưỡi; không phải là nịnh
hót hay ca tụng Thượng đế, vì như thế sẽ không đem lại một kết quả nào.
Có lần, ông nghe một tín đồ phái Brahmo Samaj bỏ phí mất hai giờ đồng hồ
chỉ để lặp đi lặp lại cả ngàn lần những lời này: “Ôi! Thượng đế, Ngài là
từ bi và công bằng vô lượng vô biên!” Làm như vậy có ích gì? Ông nói, có
người nói chuyện với Thượng đế như người ta nói chuyện với kẻ tôi tớ; cơ
hồ như họ có quyền áp đặt, sai phái! Thật là rồ dại, ngu ngốc. Người nào
muốn cầu nguyện có hiệu quả, hãy làm việc, làm việc và làm việc. Tất cả
những gì ở ngoài khả năng của mình phải được tìm kiếm bằng sự công phu
thiền định và phát triển những năng lực tâm linh...
Đạo sư tiếp tục thuyết giảng một cách hùng biện, giọng nói truyền cảm,
ngôn ngữ dễ dàng lưu loát như giòng nước chảy. Trước khi ông kết thúc,
ánh trăng bạc chiếu vào mặt tiền ngôi nhà trước mặt chúng tôi trong khi
chúng tôi ngồi ẩn khuất trong bóng tối, dưới nền trời xanh biếc một màu
thăm thẳm. Một tia trăng sáng rọi vào bối cảnh phía sau lưng đạo sư,
giống như một bức màn bằng bạc đánh bóng, làm nổi bật thân hình của ông
với những nét thanh tú như một pho tượng đồng.
Ngày hôm sau, đến lượt tôi thuyết trình. Buổi thuyết trình được tổ chức
trong một lều vải khổng lồ được dựng lên trong khuôn viên nhà của ông
Sheonarain. Sàn gạch được phủ lên bằng những tấm nệm vải cứng và dày để
làm chỗ ngồi, bên trên có trải những tấm thảm Ấn Độ và Ba Tư. Ngoài một
cái bàn riêng cho tôi và vài chiếc ghế cho các thính giả người Âu, kỳ dư
là thính giả bản xứ, kể cả đạo sư Swami, đều ngồi xếp bằng trên sàn
gạch. Có vài vị quan chức người Anh tham dự, lại có cả những người mật
vụ hôm trước, lần này với bộ râu mép cạo sạch nhẵn, hình như với mục
đích hóa trang!
Cuộc nói chuyện của tôi do Mulji làm thông dịch, trình bày những lợi ích
hỗ tương có thể đạt được bằng cách phối hợp những quyền lợi và khả năng
thiên phú của cả hai chủng tộc Đông phương và Tây phương.
Ngày hôm sau, vị Swami kể cho chúng tôi nghe nhiều sự việc lý thú về
những kinh nghiệm bản thân của ông và của những đạo sĩ Yoga khác trong
rừng già. Ông đã từng sống gần như khỏa thân (chỉ đóng một cái khố rất
nhỏ trên người) suốt bảy năm trong rừng rậm, ngủ trên mặt đất hoặc trên
tảng đá, ăn toàn hoa quả, rễ cây và uống nước suối, cho đến khi thể xác
ông hoàn toàn không còn cảm giác đối với tiết trời nóng, lạnh, vết
thương, xây xát hay lửa bỏng. Ông không hề bị các loài độc xà, ác thú
làm hại. Có lần ông chạm trán với một con gấu đói trên đường đi, con gấu
nhảy chồm lên định vồ lấy ông, nhưng ông đưa tay khoát nó đi ra chỗ
khác, và đường đi được giải tỏa. Một vị siêu nhân mà ông đã gặp tại núi
Abu, tên là Bhavani Gihr, có thể uống cạn một chai thuốc độc mà chỉ một
giọt thôi cũng đủ giết chết một người thường. Vị này có thể nhịn ăn suốt
bốn mươi ngày một cách dễ dàng và thực hiện được nhiều hiện tượng lạ
lùng khác.
Chiều hôm đó, có một cuộc hội họp khác của các tín hữu Arya Samaj cũng
đông đảo như lần trước để gặp gỡ chúng tôi, và một cuộc thảo luận đã
diễn ra giữa đạo sư (Swami) và vị hiệu trưởng của trường trung học địa
phương về những luận cứ chứng minh cho sự hiện diện của Thượng đế.
Ngày hôm sau, chúng tôi sửa soạn lên đường trở về Bombay, và được vị
Swami cùng với một số đông tín hữu của môn phái ông tiễn đưa ra tận nhà
ga. Họ tung hoa hồng vào người chúng tôi và hô to khẩu hiệu “Namasté” để
tiễn biệt khi đoàn xe lửa lăn bánh.
Sau những ngày và đêm nóng bức trên chuyến xe lửa với những tiếng động
ồn ào, bụi bặm, thiếu tiện nghi, chúng tôi đã đến Bombay. Trước khi kiểm
soát lại hành lý, bà Blavatsky đi ngay đến trước mặt tên mật vụ, và ngay
trên sân ga, bà cho hắn ta một bài học đích đáng. Với một giọng nhạo
báng chua cay, bà thốt ra lời khen ngợi y về những thành quả lớn lao mà
y hẳn đã gặt hái được trong chuyến đi đắt tiền trên toa xe hạng nhất, và
nhờ y chuyển đạt những lời chúc mừng và cảm ơn nồng hậu của bà lên
thượng cấp của y! Tên mật vụ thẹn đỏ mặt, lúng túng ngập ngừng nói không
ra lời, và chúng tôi bước đi, bỏ y lại đó một cách trơ trẽn.
Kế đó, thay vì đi thẳng về nhà để tắm rửa và ăn sáng, chúng tôi gọi xe
đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ và yêu cầu viên lãnh sự gửi một thông điệp cực
lực phản kháng viên Cảnh sát trưởng về cách đối xử có tính cách nhục mạ
của y đối với những công dân Mỹ vô tội.
Mọi sinh hoạt của chúng tôi vẫn trôi chảy một cách êm đềm. Những cảnh
tượng lạ mắt của nếp sinh hoạt bản xứ diễn ra trong đời sống hằng ngày,
càng ngày càng gây ấn tượng sâu xa hơn trong tâm hồn chúng tôi. Phạm vi
giao tiếp của chúng tôi với người bản xứ cũng ngày càng mở rộng thêm,
nhưng chỉ trừ một vài trường hợp lẻ loi rất hiếm, còn nói chung thì
chúng tôi không tiếp xúc với người Âu. Việc họ có ưa thích chúng tôi hay
không cũng chẳng quan hệ gì; sự thật là họ không thể dạy chúng tôi những
gì mà chúng tôi muốn biết. Nếp sống thường ngày và những công việc bận
rộn của họ không có chút thú vị gì đối với chúng tôi.
Sau khi tôi gửi một bức thư phản kháng cho chính quyền địa phương tỉnh
Bombay qua trung gian của ông Franham, lãnh sự Hoa Kỳ, tôi được một bức
thư trả lời rằng họ không hề có thái độ cố ý khiếm nhã trong việc cho
nhân viên mật vụ theo dõi mọi hành động của chúng tôi. Về sau, khi đến
Simla, tôi được các viên chức cao cấp trong phủ Toàn quyền của vị Phó
vương Anh cho biết rằng họ rất bực mình khi thấy công tác do thám được
thi hành một cách quá ư lộ liễu và vụng về đến nỗi đã làm cho chúng tôi
chú ý. Họ nói thêm rằng, việc theo dõi chúng tôi chỉ là chuyện thông
thường, vì luật lệ Nhà nước ở Ấn Độ qui định phải theo dõi tất cả những
người ngoại quốc nào có vẻ thân thiện đặc biệt với người bản xứ và tránh
né sự giao thiệp với người của giai cấp thống trị.