Thị trấn Simla phô bày trước mắt chúng tôi những cảnh tượng rất hùng vĩ
của miền sơn cước. Ngôi biệt thự của ông Sinnett tọa lạc trên một triền
núi, nhìn xuống một vùng thung lũng rất ngoạn mục, và ngồi trên hàng ba
nhà ông, người ta có thể nhìn thấy những biệt thự của phần nhiều những
vị quan chức Anh Ấn cao cấp nắm guồng máy cai trị cả một đất nước rộng
lớn này.
Sáng hôm sau, hành động đầu tiên của ông Sinnett là bắt đầu có một cuộc
nói chuyện rất nghiêm trọng với bà Blavatsky về chính sách mà bà nên
theo đuổi. Ông khẩn khoản yêu cầu bà hãy xem cuộc viếng thăm này như một
chuyến đi chơi giải trí mà thôi, và trong thời gian ba tuần lễ ở tại đây
đừng nói gì đến Hội Thông thiên học, cũng đừng đề cập đến việc chúng tôi
bị Chính phủ theo dõi vì tình nghi là gián điệp của Nga. Nói tóm lại,
hãy quên đi việc riêng của mình, mà tốt hơn hãy đạt kết quả bằng cách
gây cảm tình trong các giới quen biết tại đây, những giới này sẽ không
có thiện cảm nếu họ bị bắt buộc phải nghe những quan niệm dị kỳ của
chúng ta và nghe những sự than phiền về những nỗi bất công vô lý mà
chúng ta phải chịu.
Lẽ tất nhiên, bà Blavatsky hứa sẽ nghe theo, và cũng lẽ tất nhiên, bà
quên hết tất cả khi người khách đầu tiên vừa bước chân vào nhà. Những
tin tức từ Bombay về hậu quả của vụ xung đột với cô Bates làm cho bà xúc
động đến cực điểm, và sáng ngày hôm sau, như thường lệ, bà trút hết tất
cả mọi tội lỗi, trách nhiệm lên đầu tôi. Bà giậm chân, đi tới đi lui
trong phòng và nói một mình cơ hồ như tôi là nguyên nhân của tất cả mọi
sự đắng cay khổ sở của bà.
Sau đó, ông Sinnett, trong một buổi nói chuyện riêng với tôi, có bày tỏ
sự thất vọng vì thấy rằng bà không chịu tự chủ mà đã bỏ mất tất cả những
cơ hội kết thân với những người rất cần gây thiện cảm như một điều tối ư
quan trọng. Ông nói rằng người Anh luôn xem đức tính tự chủ, điềm nhiên
như một dấu hiệu của giá trị nhân bản thật sự. Bà bạn trung kiên của
chúng tôi, phu nhân Gordon, là vị khách đầu tiên tại Simla, và sau đó
nối tiếp nhau một loạt những quan chức quan trọng nhất của Chính phủ ông
Sinnett cố tình mời đến nhà để gặp bà Blavatsky.
Trong tập nhật ký của tôi có chép rằng bà bắt đầu thực hiện những hiện
tượng thần thông ngay lập tức. Từ ngày đầu tiên cho đến sau, không một
buổi dạ tiệc nào được xem như đầy đủ mà không có sự biểu diễn những phép
thuật của bà Blavatsky, chẳng hạn như phát động tiếng gõ nhịp dưới mặt
bàn và tiếng chuông reo trong không khí, v.v... Thậm chí, bà còn làm cho
tiếng chuông reo ở trên và bên trong đầu của những vị chính khách nghiêm
trang khả kính nhất.
Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn bị Chính phủ ghét và theo dõi vì nghi
ngờ là gián điệp của Nga. Một mục tiêu của chuyến đi này là phải làm sao
giải tỏa sự hiểu lầm vô lý đó để cho công việc của chúng tôi ở Ấn Độ
khỏi bị ngăn trở, chướng ngại. Nhưng tôi phải đợi cho đến khi chúng tôi
đã đích thân gặp gỡ và tiếp xúc với tất cả những vị quan chức ở cấp lãnh
đạo, để cho họ có cơ hội nhận xét trực tiếp về tác phong, hạnh kiểm và ý
đồ khả hữu của chúng tôi khi đến xứ Ấn Độ.
Khi nhận thấy đã đến lúc, một ngày nọ sau bữa ăn tối, tôi nói chuyện một
cách thân hữu với vị Bộ trưởng Bộ Ngoại vụ trong Chính phủ, và sắp đặt
một cuộc trao đổi thư từ, kèm theo với những bản sao các văn kiện, chứng
thư riêng của tôi. Vì tính cách lịch sử và tầm mức quan trọng của vấn đề
này, nên tôi in lại nguyên văn bức thư của tôi như sau:
“Simla, ngày 27 tháng 9 năm 1880
Kính gửi: Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại vụ.
Thưa ông Bộ Trưởng,
Tham chiếu cuộc đàm thoại giữa chúng ta ngày thứ Bảy vừa qua về Hội
Thông thiên học và công việc của Hội tại Ấn Độ, và thể theo lời đề nghị
của chính ông, tôi xin trình bày lại vấn đề bằng văn thư.
1. Hội Thông thiên học được tổ chức tại New York năm 1875 bởi một số học
giả khoa Đông phương học và Tâm linh học, nhằm mục đích học hỏi khảo cứu
các tôn giáo, triết lý và khoa học cổ của Á châu với sự trợ giúp của các
nhà học giả, chuyên viên bản xứ.
2. Ngoài những mục đích kể trên, Hội không có mục đích nào khác nữa, và
nhất là không có ý định xen vào các vấn đề chính trị, dù ở Ấn Độ hay bất
cứ ở đâu.
3. Năm 1878, hai nhà sáng lập Hội là bà H. P. Blavatsky (một công dân
Nga đã nhập quốc tịch Mỹ
[4] và là một học giả khoa
Tâm linh học Á châu) và tôi, cùng với hai hội viên khác (thuộc quốc tịch
Anh) đã đến Ấn Độ để xúc tiến công việc của Hội. Vì lẽ hai người trong
nhóm chúng tôi là người Anh, người thứ ba có quốc tịch Mỹ, và tôi là một
công dân sinh trương tại Mỹ, nên chúng tôi không hề dính líu đến vấn đề
chính trị của xứ Ấn Độ. Riêng tôi có một thẻ thông hành đặc biệt (theo
thể thức ngoại giao) do Ngoại trưởng Evarts cấp, với một chứng thư của
Bộ Ngoại giao Mỹ giới thiệu tôi cho các vị đại sứ và lãnh sự Mỹ ở hải
ngoại, cùng với một chứng thư tương tự viết tay của Tổng thống Hoa Kỳ.
Những bổn sao các văn kiện trên đã được lưu trữ tại Văn khố của Chính
phủ tiểu bang Bombay, và sẽ được gửi đến Bộ Ngoại vụ Ấn Độ trong nay
mai.
4. Những báo cáo sai lầm, do không hiểu biết rõ hay có ác ý, về mục đích
của chúng tôi tại Ấn Độ đã được đệ trình lên Chính phủ Ấn, bởi đó chúng
tôi bị đặt dưới sự canh chừng và theo dõi của nhân viên an ninh, nhưng
công việc này đã được thi hành một cách vụng về đến nỗi làm cho cả nước
đều chú ý, và người dân bản xứ thấy rằng mọi liên hệ với chúng tôi sẽ
gây ác cảm đối với chính quyền, và sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tương lai
của họ. Như vậy, những kế hoạch lợi ích của Hội chúng tôi bị ngăn trở
một cách trầm trọng, và chúng tôi phải chịu nhiều sự ngược đãi hoàn toàn
không có lý do chính đáng, do hậu quả hành động của Chính phủ căn cứ
trên những tin đồn nhảm và thất thiệt.
5. Bất cứ người nào đã từng có dịp biết rõ sự thật, đều nhận thấy rằng
trong thời gian lưu trú của chúng tôi trên mười tám tháng nay ở Ấn Độ,
chúng tôi đã tạo một ảnh hưởng lành mạnh và bảo thủ đối với dân bản xứ,
và được họ chấp nhận như những người bạn tốt lành, chân chính của dân
tộc và xứ sở họ. Chúng tôi có giữ nhiều thư từ gửi đến từ khắp mọi nơi
trên xứ Ấn Độ để chứng thực điều ấy. Nếu Chính phủ có thể giải tỏa những
sự bất lợi mà họ đã vô tình gây cho chúng tôi, và phục hồi trở lại thanh
danh mà chúng tôi vẫn có trước khi cái nhãn hiệu “âm mưu chính trị” bị
chụp mũ lên đầu chúng tôi một cách tàn nhẫn và bất công như đã kể trên,
thì chúng tôi sẽ có thể làm một công việc phụng sự lớn lao không những
cho dân chúng Ấn Độ mà còn cho cả nền văn hóa và khoa học Đông phương.
Nhưng nếu lệnh theo dõi chúng tôi chỉ bị hủy bỏ không thôi cũng vẫn chưa
đủ, vì sự nghi ngờ đã âm thầm tác động từ trên xuống dưới trong guồng
máy cai trị của Chính phủ, xuyên qua tất cả mọi giai tầng cơ sở trong
quần chúng Ấn, làm cho chúng tôi đương nhiên trở thành một hình ảnh của
tai họa. Như một giải pháp hữu hiệu, chúng tôi yêu cầu Bộ Ngoại vụ ra
lệnh cho các cấp trực thuộc hãy thông báo cho từng địa phương biết rõ sự
kiện này là chúng tôi không còn bị nghi ngờ, và xét vì công việc của
chúng tôi làm là vì sự lợi ích cho xứ Ấn Độ, nên nó được chấp nhận. Và
điều này, với tư cách là một sĩ quan và một công dân Mỹ, tôi trân trọng
giải bày với tôn ông như nhà đại diện của nền công lý và luật pháp công
minh của Anh quốc.
Trân trọng kính thư,
Ký tên:
Đại tá Henry S. Olcott.
Hội Trưởng Hội Thông Thiên Học Thế Giới
Sự trả lời của Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa làm tôi thỏa mãn. Tuy họ có lời
bảo đảm rằng chúng tôi sẽ không bị quấy rầy nếu chúng tôi không xen vào
việc chính trị, nhưng họ không nói rằng những lệnh truyền cho các quan
chức Anh Ấn ở các tiểu bang theo dõi và dò xét chúng tôi sẽ được hủy bỏ.
Trong một bức thư thứ nhì, tôi đã lưu ý Bộ Ngoại vụ về vấn đề này, và
sau đó ít lâu, tôi đã đạt được như ý muốn. Kể từ khi đó, chúng tôi đã
được tự do.