Phòng khách của chúng tôi được trang hoàng với một vẻ mỹ quan đặc biệt
lạ thường. Nói chung, nó có một phong cách rất mỹ thuật và hấp dẫn đối
với cả gia chủ và quan khách; nó từng là đề tài của nhiều bài phóng sự
trên các báo và cũng là đề tài của những câu chuyện mạn đàm trong các
giới bạn hữu của chúng tôi.
Không một bối cảnh nào có thể thích nghi hơn để làm nổi bật cái cá tính
lạ lùng của chủ nhân nó là nhân vật kỳ bí Blavatsky. Nhiều nhà báo đã
từng viết bài diễn tả phòng khách của chúng tôi đăng trên các báo Mỹ
thời bấy giờ, trong số đó có bài tường thuật của phóng viên nhật báo
Hartford Times như sau:
“... Bà Blavatsky ngồi nơi phòng khách, vừa là phòng làm việc của bà, mà
người ta cũng có thể gọi là phòng trưng bày đồ cổ, vì không một gian
phòng nào có thể sánh với gian phòng này về số lượng những vật quý lạ,
những đồ cổ xưa, đẹp mắt, sang trọng, đắt giá, và xen lẫn với cả những
đồ có vẻ tầm thường vô giá trị nữa. Miệng ngậm thuốc lá, tay cầm kéo, bà
đang bận rộn cắt ra những đoạn văn, những bài báo, bài phê bình, và
những bài vở đủ mọi loại, từ những đống báo chí đến từ khắp nơi trên thế
giới nói về bà, về quyển sách của bà viết, về Hội Thông thiên học, và về
bất cứ chuyện gì liên quan đến công việc và mục đích của đời bà.
“Bà đưa tay ra hiệu mời chúng tôi ngồi, và trong khi bà đang chăm chú
đọc một bài báo, chúng tôi có thời giờ quan sát qua một lượt cảnh vật
trang trí trong phòng khách của “Lạt-ma Viện” này.
“Đứng sững ngay giữa phòng là một con khỉ đột nhồi cứng, mặc quần áo
chỉnh tề, với cổ ‘cồn’ trắng thắt cà vạt, tay cầm tập bản thảo một bài
diễn văn, sống mũi đeo kính trắng. Phải chăng đó là một sự châm biếm
ngầm các hàng giáo phẩm?
“Phía trên cánh cửa lớn là một đầu sư tử cái nhồi bông, quai hàm mở lớn
với những nanh nhọn nhe ra một cách dễ sợ, đôi mắt trừng lên với vẻ độc
ác tự nhiên của loài mãnh thú rừng xanh. Giữa những đồ vật cổ xưa, những
pho tượng Phật bằng trầm hương và những vật linh tinh khác, bà Blavatsky
nổi bật trong chiếc áo choàng bằng tơ óng ánh, màu sặc sỡ, hoàn toàn phù
hợp và thích nghi với cảnh vật chung quanh.
“Bà có một tác phong đặc biệt, như toát ra một sức mạnh và sự tự tin lạ
thường. Trên gương mặt bà, dường như luôn luôn có sự diễn biến của nhiều
sắc thái và tâm trạng khác nhau. Bà dường như không bao giờ chú tâm vào
một vấn đề nhất định. Có một luồng cảm xúc linh động, tế vi, sắc bén
biểu lộ trong cặp mắt bà, làm cho chúng tôi có ấn tượng rằng bà cùng lúc
có hai cá tính: vừa như bà đang ở đây, nhưng lại vừa như không có ở đây;
bà nói chuyện nhưng tâm trí bà đang suy tư, hay bà đang bận hoạt động ở
một cảnh giới khác.
“Bà có một bộ tóc rất dày, màu nâu nhạt, dợn sóng tự nhiên và không thấy
có một sợi bạc nào. Da mặt bà hơi sậm, hẳn là vì phơi nắng và hứng gió
miền biển, nhưng không có một vết nhăn nào. Hai cánh tay và bàn tay bà
trắng nõn nà như tay con gái.
“Toàn thể cá tính của bà biểu lộ một sức tự chủ, một phong thái uy nghi
và nội lực điềm tĩnh của nam giới, nhưng vẫn không vượt qua cái giới hạn
những đức tính thuần hậu, dịu dàng tế nhị của nữ giới.”
Như đã nói ở trên, các quan khách đến viếng trụ sở “Lạt-ma Viện” đều rất
thích thú khi có dịp thấy bà Blavatsky làm những hiện tượng thần bí
ngoài việc được nghe những câu chuyện lạ lùng thú vị, cùng thưởng thức
tài hùng biện và nói năng lưu loát, hấp dẫn của bà. Đôi khi, câu chuyện
tạm ngưng một lúc, một vị khách bỗng đưa một ngón tay lên với cử chỉ
ngạc nhiên, rồi tất cả đều nín thở lắng tai nghe trong im lặng, thì kế
đó có tiếng nhạc reo trong không gian. Có khi tiếng nhạc ấy chỉ thoảng
nghe vọng lại từ đàng xa, rồi từ từ đến gần và vang dội âm thanh cho đến
khi nó vang rền khắp phòng, vọng lên trần nhà, và sau cùng tan biến dần
trong khoảng không. Hoặc có khi bà Blavatsky đưa tay đánh mạnh trong
không khí vài cái, thì nghe vọng lại có tiếng ngân như tiếng chuông.
Nhiều khi, trước mặt người khác, bà đặt bàn tay lên một thân cây, một
vách tường, một cái thùng lớn, hoặc trên đầu một người, hoặc bất cứ vật
gì khác hay ở bất cứ chỗ nào được yêu cầu, và làm cho tiếng “chuông âm”
vang động ở bên trong chất liệu của cái vật thể đông đặc mà bà vừa đặt
tay lên.
Có lần, tôi với bà cùng có mặt tại nhà của ông bà Sinnett ở Simla, và
khi chúng tôi đang đứng ngoài hàng ba, bà làm cho những tiếng nhạc vọng
đến chúng tôi từ xa, trong không gian của một đêm sao sáng.
Tôi cũng có mặt tại chỗ trong một buổi tiếp tân khi bà làm cho tiếng
“chuông âm” ngân vang trong đầu của một vị khách có chức vị cao, và một
tiếng “chuông âm” reo trong túi áo ngoài của một vị quan chức lớn khác
nữa.