Trong chuyến đi Tích Lan kể trên, chúng tôi để cô Bates và bà Coulomb ở
lại coi sóc Hội quán. Ông bà Coulomb là hai người Pháp vừa mới đến giúp
việc cho chúng tôi. Vì cô Bates là phụ nữ độc thân, còn bà Coulomb đã có
kinh nghiệm về nội trợ, nên tôi bỗng có cái ý nghĩ dại dột là bảo cô
Bates hãy giao chức quản gia của cô lại cho bà Coulomb, còn cô lãnh
nhiệm vụ khác.
Cuộc đời làm gia trưởng trên mười lăm năm của tôi vẫn chưa dạy cho tôi
biết điều khôn dại này, là đừng nên để cho một người mới đến có cái cơ
hội làm “bà chủ” để sai phái chỉ huy người đàn bà kia! Bây giờ thì tôi
đã biết rồi. Khi chúng tôi trở về Bombay, thì thấy Hội quán có một bầu
không khí rất căng thẳng: cô Bates và bà Coulomb đang xung đột nhau, tất
cả mọi sự tố giác và phản kích được cả hai người tranh nhau đổ vào lỗ
tai không muốn nghe của chúng tôi!
Cô Bates tố giác bà Coulomb toan bỏ thuốc độc cho cô, và bà này cũng trả
đũa bằng một sự tố giác tương tự, ăn miếng trả miếng. Tôi muốn lấy chổi
quét cả hai ra khỏi nhà, và đó là một điều rất tốt nếu tôi có thể làm.
Nhưng thay vì như thế, tôi lại được mời làm phán quan phân xử những sự
tranh chấp cãi lẫy của họ. Thế là tôi đành phải ngồi nghe những chuyện
vô lý của họ suốt hai đêm liên tiếp, và sau cùng tôi quyết định rằng vụ
tố giác bà Coulomb bỏ thuốc độc không đủ lý do buộc tội vì không có bằng
chứng cụ thể.Lý do chính của vụ xung đột là vì chúng tôi đã giao chức vụ
quản gia cho bà Coulomb khi chúng tôi vắng mặt, và cô Bates không hài
lòng với nhiệm vụ biên tập viên tạp chí mà chúng tôi giao cho cô.
Trong khi tôi phân xử, bà Blavatsky ngồi kế bên; bà có vẻ hút thuốc lá
hơi nhiều hơn lúc thường, và thỉnh thoảng cũng góp một lời, nhưng ý kiến
của bà lại có khuynh hướng làm tăng thêm hơn là làm dịu bớt sự căng
thẳng.
Sau cùng, ông Wimbridge, với tư cách là bạn của cô Bates, cũng đồng ý
với tôi để bắt buộc cả hai đàng phải chịu hòa giải, và tạm thời cơn
giông tố đã lắng dịu. Những ngày kế đó, chúng tôi hoàn toàn bận rộn với
công việc sưu tập và soạn bài cho tờ tạp chí “Theosophist”, một việc đã
trở nên rất khẩn thiết sau thời gian vắng mặt khá lâu của chúng tôi.
Ngay trước khi trở về Bombay, chúng tôi được tin bạn Mulji Thackersey đã
từ trần, và thế là Hội Thông thiên học đã mất đi một cộng tác viên đắc
lực. Chiều tối ngày 4 tháng 8 năm ấy, một vị chân sư đến viếng bà
Blavatsky, và tôi được gọi đến để gặp ngài trước khi ngài từ giã. Ngài
đọc cho tôi viết một bức thư dài rất quan trọng cho một bạn đạo có thế
lực của chúng tôi ở Paris, và đưa cho tôi những gợi ý quan trọng về vấn
đề quản trị công việc của Hội. Tôi được mời ra ngoài trước khi cuộc
viếng thăm kết thúc, và vì tôi để ngài ngồi lại trong phòng với bà
Blavatsky, nên tôi không thể biết rằng ngài đã ra đi bằng cách nào, và
ngài có biến mất một cách mầu nhiệm hay không.
Cuộc viếng thăm ấy đến với tôi rất đúng lúc, vì chính vào ngày hôm sau
đã xảy ra một vụ nổ lớn: cô Bates phẫn nộ với bà Blavatsky về một việc
có liên quan đến người thiếu phụ ở New York kể trên, và căm giận quyết
định của tôi trong vụ phân xử cuộc xung đột giữa cô với bà Coulomb.
Trong khi cô day lưng về phía tôi và còn đang cãi vã với bà Blavatsky
thì một bức thư của vị chân sư đến chiều hôm trước từ trên không trung
rơi xuống chỗ tôi ngồi. Tôi mở thư ra xem, thì thấy đó là lời khuyên của
ngài về hành động tốt nhất mà tôi phải làm trong cơn khó khăn hiện tại.
Ngày hôm sau, bắt đầu cuộc chia ly giữa bốn người trong nhóm chúng tôi;
ông Wimbridge đứng về phe cô Bates. Có sự đồng ý chung về kế hoạch mua
vé tàu cho cô Bates trở về New York, nhưng rốt cuộc điều này đã bị cô
bác bỏ, sau khi một bạn đạo là ông Seervai đã lo sắp đặt xong mọi việc
và làm các thủ tục cần thiết.
Thật là một điều đáng tiếc vì câu chuyện xảy ra do sự ganh tị, hiềm
khích nhỏ nhen giữa đàn bà, một vụ xung đột thật vô lý và không đáng xảy
ra. Lẽ ra nó đã có thể tránh khỏi bằng cách sử dụng lý trí và một chút
nhẫn nhục, tự chủ.
Tuy rằng đối với chúng tôi, chuyện ấy không có gì đáng bận tâm, nhưng nó
đã gây một ảnh hưởng xấu cho Hội. Một hậu quả đáng tiếc là những người
ly khai đã tìm cách liên hệ với một tờ nhật báo bản xứ ở Bombay, từ
trước vẫn không hề có thiện cảm với chúng tôi, và tờ báo này đã công
khai mạ lỵ Hội Thông thiên học với những lời lẽ cay đắng vẫn còn tiếp
tục cho đến bây giờ.