Trong một chuyến đi miền Trung Ấn, khi đến Sholapore, có một người cộng
tác mới là bạn W. T. Brown quê tại Glasgow (Anh quốc) tháp tùng với
chúng tôi. Anh ta từ Anh quốc sang đây do sự thúc đẩy của lòng mong muốn
phụng sự, và vừa mới đến Madras. Anh có viết thư cho tôi, bày tỏ thiện
chí tình nguyện trợ giúp tôi trong công việc.
Tôi đã trả lời anh ta bằng một bức thư lời lẽ lịch sự nhưng rất thẳng
thắn, cảnh giác về những sự hy sinh mà anh ta phải gánh chịu khi chấp
nhận dấn thân vào; cùng với sự vô ơn bạc nghĩa của người đời; những sự
lừa đảo phản trắc cá nhân, vị kỷ; những sự vu khống bôi nhọ thanh danh;
sự nghi ngờ bất công về ý đồ hay mục đích của mình; và những chuyến đi
vất vả mệt nhọc đêm cũng như ngày, bằng đủ mọi thứ phương tiện di chuyển
thô sơ và thiếu tiện nghi. Tôi cũng khuyên y nên trở về xứ nhà nếu y
thấy có triển vọng nào khác, để cho bà Blavatsky và tôi tiếp tục công
việc mà chúng tôi đã bắt đầu với một tinh thần tỉnh táo chứ không ảo
vọng.
Anh ta trả lời bằng một bức điện tín cho biết là sẽ đến và đợi tôi tại
ga Sholapore.
Đây nhắc lại trường hợp của Damodar Mavalankar. Khi người bạn trẻ này
gia nhập Hội Thông thiên học và đặt hết cả tâm hồn vào công việc phụng
sự, y được cha y cho phép đến sống chung với chúng tôi, bất chấp cả
những qui luật hạn chế về giai cấp và sống theo giới luật khổ hạnh giống
như của một tu sĩ xuất gia.
Theo tập quán của người Bà-la-môn, Damodar đã có đính hôn ngay từ khi
còn nhỏ, đương nhiên là không có sự chấp thuận của chính anh. Đến giai
đoạn trưởng thành là thời kỳ anh phải bước vào đời sống gia đình. Tuy
nhiên, nguyện vọng duy nhất của anh trong đời là sống một đời sống tâm
linh thoát tục, nên anh xem hôn nhân như một chướng ngại ghê gớm. Anh
cảm thấy mình là nạn nhân của phong tục tập quán, và rất muốn được giải
thoát khỏi sự giao kết ràng buộc kia để có thể trở thành một đệ tử chân
chính của chân sư K. H. mà anh đã nhìn thấy linh ảnh khi còn bé thơ, và
lại có dịp nhìn thấy ngài sau khi y đến với chúng tôi.
Cha của Damodar vốn là một người hiểu rộng và khôn ngoan, nên sau cùng
đã bằng lòng. Damodar bèn ký thác cho người cha phần gia tài ruộng đất
của anh do tổ phụ để lại, mà nếu tôi nhớ rõ, thì trị giá đến năm mươi
ngàn ru-pi, với điều kiện là người vị hôn thê từ thời thơ ấu của anh
phải được đưa về nhà nuôi dưỡng tử tế.
[6]
Khi đến Kanpur, tôi đã có những bằng chứng về sự phát triển tâm linh mau
chóng của Damodar. Như đã nói trước đây, trong một cơn bệnh nặng hồi còn
thơ ấu, anh ta được sự viếng thăm của một đấng cao cả mà nhiều năm về
sau anh đã có lần nhận ra như một trong các đấng chân sư, sau khi gia
nhập Hội Thông Thiên Học. Kể từ đó, mối liên hệ mật thiết giữa chân sư
và đệ tử đã được thiết lập, và Damodar đã đặt hết cả tâm hồn vào việc tu
luyện, ăn uống đạm bạc, tham thiền đúng giờ khắc, luyện đức tính hoàn
toàn vị tha vô kỷ, và làm việc ngày đêm không quản công lao khó nhọc để
làm tròn chức vụ mà tôi giao phó trong Ban quản trị Hội Thông thiên học.
Damodar tham gia chuyến đi này của tôi là thừa lệnh sư phụ, và trong
suốt thời gian hành trình, chúng tôi đã có nhiều bằng chứng về sự tiến
bộ tâm linh mà anh ta đã có được.
Tôi còn nhớ rằng vào buổi chiều chúng tôi vừa đến Kanpur, anh ta đã làm
tôi ngạc nhiên bằng cách nhắn miệng với tôi một thông điệp của chân sư
để trả lời tôi về một việc mà tôi đang băn khoăn do dự không biết phải
giải quyết bằng cách nào. Anh ta còn nói thêm rằng tôi sẽ thấy bức thông
điệp ấy viết trên một tờ giấy nằm trong một hộc tủ có khóa cẩn thận, mà
chìa khóa nằm trong túi áo của tôi.
Khi tôi đi mở hộc tủ, tôi thấy bản thông điệp viết tay mà Damodar vừa
nói, và đó chính là thông điệp của đức chân sư K. H. gửi cho tôi.
Vào ngày thứ hai sau khi đến Kanpur, tôi nhận được một số thư tín chuyển
đến cho tôi từ Adyar. Trong số đó có một bức thư của ông Sam Ward gửi từ
Capri, có kèm theo một thông điệp gửi cho chân sư K. H. mà ông ta yêu
cầu tôi chuyển đạt đến ngài nếu có thể.
Vì lúc ấy Damodar mỗi đêm đều xuất hồn đi đến đạo viện của chân sư, nên
tôi đưa bức thư ấy cho y, và nói rằng y có thể hỏi ngài xem có nên đem
theo bức thư ấy hay không.
Đó là vào buổi trưa ngày 4 tháng 11 năm 1883, và chúng tôi đang ở tại
Kanpur, thuộc vùng Tây Bắc. Độc giả hãy nhớ rõ chi tiết này để theo dõi
phần nối tiếp ở một đoạn sau. Sau một buổi thuyết trình và làm các công
việc khác, chúng tôi từ Kanpur đi theo lộ trình đã vạch sẵn, qua các thị
trấn Lucknow, Bareilly và Moradabad. Ở mọi nơi, chương trình hoạt động
thường gồm có việc tiếp khách, thảo luận về đạo lý, và diễn thuyết công
cộng.
Tại Moradabad, bạn Damodar đã cho tôi thấy một bằng chứng khác nữa về
khả năng xuất hồn của anh. Anh đã xuất hồn đi đến Adyar, nói chuyện với
bà Blavatsky, nghe giọng nói của một vị chân sư thốt ra một thông điệp
gửi cho tôi, và yêu cầu bà Blavatsky hãy gửi điện tín cho tôi phần nội
dung của bức thông điệp ấy để chứng tỏ cho tôi thấy tính cách chính xác
của các sự việc xảy ra.
Khi anh ta trở về và báo cáo lại với tôi mọi việc, anh đọc lại bức thông
điệp của chân sư bằng trí nhớ, và tất cả mọi người có mặt trong gian
phòng đều ký tên vào một bản chứng thư để chứng nhận việc ấy.
Sáng hôm sau, người đưa thư của Sở Bưu điện mang đến cho tôi bức điện
tín của bà Blavatsky. Bức điện tín ấy xác nhận nội dung bản thông điệp
như Damodar đã đọc ngày hôm trước, và các nhân chứng có mặt trong phòng
cũng lại đồng ký tên vào phía sau bức điện tín để xác nhận việc ấy.
Trạm kế đó trên lộ trình là Aligarh, và tại đây vào ngày 12 tháng ấy, sự
việc đã diễn biến tiếp nối theo vụ bức thư của ông Sam Ward gửi cho chân
sư K. H.
Tại Bưu điện, tôi nhận được thư tín từ Adyar, trong số đó có một bức thư
của bà Blavatsky đề ngày 5 tháng 11, kèm theo với bức thư của ông Sam
Ward gửi cho chân sư K. H. mà tôi đã nhận được trước đây từ Capri (nước
Ý) và đã đưa cho Damodar tại Kanpur vào chiều ngày 4 tháng 11, tức là
cách một đêm trước khi bà Blavatsky gửi thư ấy tại Adyar. Bức thư của bà
có đóng dấu gửi đi tại Bưu điện Adyar, ngày 5 tháng 11, và con dấu nhận
được tại Aligarh ngày 10 tháng 11, hai địa điểm này cách xa nhau năm
ngày đường xe lửa. Bức thư ấy đã nằm tại Bưu điện Aligarh hai ngày trước
khi tôi đến nhận thư.
Đây là một trường hợp có thể chứng minh cho khả năng chuyển di tức khắc
một vật thể giữa hai địa điểm cách xa nhau trong không gian. Không thể
có sự giả mạo hay ngụy tạo trong vấn đề này, do bằng chứng rõ rệt là
những con dấu Bưu điện đóng ở ngoài bì thư như đã diễn tả ở trên.
Damodar có kể cho tôi nghe một việc lý thú liên quan đến chuyến đi bằng
thể vía của anh. Như thường lệ, khi thể xác đã ngủ mê anh mới xuất hồn
vượt không gian bay thẳng đến nơi ở của chân sư trên dãy núi Tuyết sơn.
Nhưng khi đến nơi, anh mới thấy rằng chân sư cũng đã xuất hồn đi đâu đó
rồi! Kế đó, do quyền năng hấp dẫn của ngài đối với người đệ tử, thể vía
Damodar đã bị cuốn hút mãnh liệt và đến với ngài tức khắc chẳng khác nào
bị giòng nước xoáy mạnh và sâu thẳm cuốn trôi đi. Trong giây phút,
Damodar đã thấy mình ở tại Adyar, đứng trước mặt chân sư và bà
Blavatsky.
Khi đi ngủ, Damodar đã cầm trong tay bức thư của ông Ward, và thư ấy
dường như đã cùng với y đi lên cõi Trung giới, lẽ tất nhiên là đã chuyển
biến từ trạng thái vật chất cụ thể sang trạng thái khinh thanh của chất
dĩ thái hay chất thanh khí của cõi Trung giới.
Khi anh ta nói với chân sư về bức thư ấy, vẫn cầm nó trong tay và trao
cho ngài. Kế đó, ngài bảo anh hãy quay trở về nhà. Do một quyền năng bí
hiểm thuộc về khoa vật lý hay hóa học siêu hình, bức thư bằng chất dĩ
thái khinh thanh đã được phục hồi trở lại trạng thái đông đặc vật chất,
được bà Blavatsky cầm lấy, và ngày hôm sau, được gửi qua đường bưu điện
đến địa chỉ của tôi ở Aligarh. Việc gì xảy ra sau đó thì độc giả cũng đã
biết rồi.
Nếu tôi có được kiến thức uyên bác về khoa học hơn, có lẽ tôi đã dùng sự
việc này, cùng với hiện tượng cái khăn vấn đầu mà một vị chân sư khác đã
cho tôi khi ngài đến viếng tôi bằng thể vía ngay trong phòng của tôi tại
New York trước đây, và những trường hợp chuyển di các đồ vật khác nữa...
để làm một đề tài thảo luận về khả năng biến đổi những đồ vật từ trạng
thái vật chất cụ thể, hữu hình sang trạng thái khinh thanh, vô hình vô
ảnh của những vật thể trong cõi Trung giới. Sự biến thể đó có thể tác
động theo cả hai chiều, tức là từ trạng thái vật chất hữu hình trở thành
siêu hình và từ trạng thái khinh thanh quay ngược trở về trạng thái vật
chất hiển hiện cụ thể. Các nhà khảo cứu uyên bác về những hiện tượng
thông linh đều biết rõ vấn đề này.
Kế đó, chúng tôi đi Delhi, Meerut và Lahore. Tại đây đã diễn ra những sự
việc độc đáo. Giữa hai trạm sau này, Damodar đã thực hiện một chuyến đi
khác bằng thể vía cũng rất lý thú và đáng ghi nhớ. Chúng tôi ba người,
kể cả bạn Narain Swamy Naidu cùng đi chung trong một toa xe lửa. Damodar
có vẻ thẫn thờ dường như buồn ngủ, và bước lên một băng ghế dài để nằm
ngủ, còn tôi ngồi đọc sách dưới ánh đèn của toa xe.
Thình lình, Damodar bước đến gần tôi để hỏi giờ, tôi nhìn đồng hồ thì
thấy đã gần sáu giờ chiều. Anh ta cho tôi biết rằng anh vừa từ Adyar trở
về, tại đó bà Blavatsky vừa bị một tai nạn mà anh cũng chưa rõ là nặng
hay nhẹ, nhưng anh nghĩ là bà đã vấp chân vào tấm thảm lót và té quỵ
trên đầu gối bên tay mặt.
Độc giả sẽ thấy rằng Damodar chỉ là một người sơ cơ trên đường huyền môn
và không thể nhớ rõ một cách chính xác việc gì đã xảy ra ở cảnh giới bên
kia khi trở về tâm thức ngoại giới hồng trần.
Khi tôi nghe anh ta kể chuyện ấy, tôi làm ngay hai việc sau đây để biết
rõ sự thật. Tôi viết một bản chứng thư về sự việc này và yêu cầu bạn
Narain Swamy hãy cùng tôi ký tên vào đó, có ghi rõ giờ khắc. Đến nhà ga
kế đó, tức ga Saharanpore, tôi gửi điện tín hỏi bà Blavatsky: “Tai nạn
gì đã xảy ra tại Adyar lúc sáu giờ chiều nay?”
Chúng tôi đến Lahore vào lúc chín giờ sáng ngày hôm sau, và được đưa đến
một trại lộ thiên gồm có sáu chiếc lều cá nhân dùng để ở và bốn chiếc
lều công cộng căng bằng vải cứng dùng làm chỗ hội họp và chỗ diễn
thuyết, dựng trên một khoảnh đất trống ở ngoại ô phía bắc thành phố.
Chúng tôi kể cho các bạn đạo nghe câu chuyện xảy ra đêm hôm trước trên
xe lửa, và đưa tờ chứng thư ra cho họ xem: tôi yêu cầu các bạn có mặt
lúc ấy ký tên vào đó và ghi nhận rằng lúc ấy bức điện tín mong đợi của
bà Blavatsky vẫn chưa đến.
Kế đó mọi người từ giã tôi để đi tắm và ăn sáng. Trong khi tôi đang ngồi
trong lều vải với ông R. C. Bary, chủ bút tạp chí Arya, thì một người
đưa thư của Sở Bưu điện bước vào, tay cầm một bức điện tín có bọc trong
bao giấy màu nâu. Tôi yêu cầu bạn Ruttan Chand hãy giữ lấy bức điện tín
để chờ đến khi những người bạn khác trở lại sẽ mở ra đọc trước mặt mọi
người.
Việc này được thực hiện vào đúng mười hai giờ trưa, do ông R. C. Bary và
chín bạn đạo có mặt đồng ký tên phía sau bức điện tín để chứng thực các
sự việc.
Nội dung bức điện tín như sau:
“Tôi vấp phải chiếc ghế bành, té nặng trên đầu gối tay mặt, ngã vào mình
bà Coulomb, làm ông bà Morgan hốt hoảng. Damodar làm chúng tôi giựt
mình.”
Bức điện tín của tôi gửi từ Saharanpore đến tay bà Blavatsky vào đêm 17;
điện tín trả lời của bà Blavatsky đề ngày 18 tại Adyar lúc 7 giờ 55 phút
và tôi nhận được tại Lahore vào giữa trưa hôm ấy. Sự sai biệt về chi
tiết giữa câu chuyện tường thuật của Damodar và bà Blavatsky cũng không
làm ai ngạc nhiên vì trình độ sơ cơ của Damodar lúc ấy, còn sự việc
chính, tức là việc bà bị té nặng và bị thương trên đầu gối bên tay mặt
được xác nhận hoàn toàn là đúng.