Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Nếu muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu muốn chính mình được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Vết thương thân thể sẽ lành nhưng thương tổn trong tâm hồn sẽ còn mãi suốt đời. (Stab the body and it heals, but injure the heart and the wound lasts a lifetime.)Mineko Iwasaki
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 14 - Phẩm THÁNH HẠNH - Phẩm thứ bảy – Phần bốn »»
Thiện nam tử! Ta xét thấy các hành đều là vô thường. Vì sao biết được? Là do nhân duyên. Nếu có các pháp do duyên mà sanh, hẳn biết được là vô thường. Những kẻ ngoại đạo ấy không có pháp nào lại không do duyên sanh.
“Thiện nam tử! Tánh Phật là không sanh, không diệt, không đến, không đi; không thuộc quá khứ, không thuộc vị lai, không thuộc hiện tại; không phải do nhân tạo tác, cũng chẳng phải không do nhân tạo tác; không tạo tác, không người tạo tác; không phải tướng, không phải vô tướng; chẳng phải có tên, chẳng phải không tên, chẳng phải tên gọi; chẳng phải hình sắc, chẳng dài, chẳng ngắn; chẳng phải chỗ thâu nhiếp, nắm giữ của các ấm, giới, nhập. Vì thế nên gọi là thường.
“Thiện nam tử! Tánh Phật tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp. Pháp tức là thường. Thiện nam tử! Thường tức là Như Lai. Như Lai tức là Tăng. Tăng tức là thường. Vì nghĩa ấy nên những pháp do nhân sanh ra chẳng gọi là thường. Những kẻ ngoại đạo ấy không có pháp nào là không do nhân sanh ra.
“Thiện nam tử! Những kẻ ngoại đạo ấy chẳng thấy được tánh Phật, Như Lai và Chánh pháp. Cho nên những lời mà họ nói ra đều là sai lầm, hư dối, không có chân đế. Những kẻ phàm phu trước thấy những vật như bình bát, y phục, xe cộ, nhà cửa, thành quách, sông rạch, núi rừng, nam nữ, voi ngựa, bò dê.. về sau lại thấy những hình dạng cũng tương tự như thế, liền cho đó là thường. Nên biết, thật ra đó chẳng phải thường.
“Thiện nam tử! Hết thảy các pháp hữu vi đều là vô thường. Hư không vô vi nên là thường. Tánh Phật vô vi nên là thường. Hư không tức là tánh Phật; tánh Phật tức là Như Lai. Như Lai tức là vô vi; vô vi tức là thường; thường tức là pháp; pháp tức là Tăng; Tăng tức là vô vi. Vô vi đó, tức là thường.
“Thiện nam tử! Các pháp hữu vi nói chung có hai loại: pháp hình sắc và pháp không hình sắc. Pháp không hình sắc là các pháp tâm và tâm sở. Pháp hình sắc là những thứ như đất, nước, lửa, gió...
“Thiện nam tử! Tâm gọi là vô thường. Vì sao vậy? Vì bản tánh nó là phan duyên, tùy chỗ tiếp xúc mà phân biệt. Thiện nam tử! Tánh của nhãn thức là biến đổi, cho đến tánh của ý thức cũng là biến đổi, nên là vô thường.
“Thiện nam tử! Cảnh giới của hình sắc là biến đổi, cho đến cảnh giới của pháp là biến đổi, nên là vô thường.
“Thiện nam tử! Sự tương ứng của nhãn thức là biến đổi, cho đến sự tương ứng của ý thức là biến đổi, nên là vô thường.
“Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì đáng lẽ riêng một nhãn thức cũng đủ duyên theo hết thảy các pháp! Thiện nam tử! Nếu nhãn thức là biến đổi, cho đến ý thức cũng là biến đổi, thì biết đó là vô thường. Vì các pháp có chỗ tương tợ như nhau, trong mỗi khoảnh khắc thường sanh ra và diệt mất, nên kẻ phàm phu thấy vậy liền cho đó là thường.
“Thiện nam tử! Vì hình tướng của các nhân duyên có thể hư hoại nên cũng gọi là vô thường. Chẳng hạn như nhân có con mắt, có hình sắc, có ánh sáng, có sự suy xét, mới sanh ra sự nhận biết của mắt. Khi sanh ra sự nhận biết của tai thì lại do nơi các nhân khác biệt, chẳng phải cùng các nhân như sự nhận biết của mắt. Cho đến sự nhận biết của ý đều khác biệt, cũng là như vậy.
Lại nữa, thiện nam tử! Nhân duyên hư hoại của các hành là khác nhau, cho nên tâm gọi là vô thường. Chẳng hạn như tâm tu tập [quán tưởng] vô thường là khác, tâm tu tập [quán tưởng] các pháp khổ, không, vô ngã cũng khác. Nếu tâm là thường, lẽ ra chỉ thường tu pháp [quán tưởng] vô thường. Như vậy không thể quán được các pháp khổ, không, vô ngã, huống hồ có thể quán các pháp thường, lạc, ngã, tịnh? Vì nghĩa ấy nên trong pháp của ngoại đạo không thể thâu nhiếp giữ lấy thường, lạc, ngã, tịnh. Thiện nam tử! Nên biết rằng tâm pháp nhất định là vô thường.
“Lại nữa, thiện nam tử! Vì tâm tánh khác nhau nên gọi là vô thường. Chẳng hạn như tâm tánh của hàng Thanh văn là khác, tâm tánh của hàng Duyên giác là khác, tâm tánh của chư Phật lại cũng khác.
“Hết thảy ngoại đạo có ba thứ tâm. Một là tâm xuất gia, hai là tâm tại gia, ba là tâm tại gia muốn xa lìa. Tâm tương ứng với vui sướng là khác, tâm tương ứng với khổ là khác, tâm tương ứng với việc chẳng khổ chẳng vui là khác. Tâm tương ứng với tham dục là khác, tâm tương ứng với sân khuể là khác, tâm tương ứng với ngu si là khác... Hết thảy ngoại đạo, tâm tương ứng của họ cũng khác nhau. Chẳng hạn như tâm tương ứng với ngu si là khác, tâm tương ứng với nghi hoặc là khác, tâm tương ứng với tà kiến là khác. Những lúc tới lui, giữ theo oai nghi, tâm ấy cũng khác.
“Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì người ta không thể phân biệt được các màu, chẳng hạn như màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu tím... Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì những việc đã nhớ nghĩ lẽ ra không thể quên mất! Thiện nam tử! Nếu tâm là thường thì trong việc tụng đọc lẽ ra không có sự tiến triển.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu tâm là thường, lẽ ra không thể nói rằng: đã làm, đang làm, sẽ làm. Nếu có ‘đã làm, đang làm, sẽ làm’, phải biết rằng tâm ấy nhất định là vô thường.
“Thiện nam tử! Nếu tâm là thường, hẳn không có oán thù hay thân thiện, hoặc chẳng oán chẳng thân. Nếu tâm là thường, hẳn không nên nói là ‘vật của tôi’, ‘vật của người khác’, hoặc chết, hoặc sống... Nếu tâm là thường, tuy có chỗ làm nhưng lẽ ra là không có sự phát triển.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên biết rằng tâm tánh có nhiều loại khác nhau. Vì có khác nhau nên biết rằng là vô thường.
“Thiện nam tử! Nay ta đã giảng giải lẽ vô thường trong chỗ pháp không hình sắc. Nghĩa ấy đã rõ. Ta lại sẽ vì ông mà giảng lẽ vô thường của hình sắc.
“Sắc ấy là vô thường, vốn không có sanh, vì sanh đã diệt. Bên trong thì như thân người lúc mới vào thai, giai đoạn ca-la-ra vốn không có sanh, vì sanh đã biến đổi. Bên ngoài thì như các mầm cây vốn không có sanh, vì sanh đã biến đổi. Vì thế nên biết rằng tất cả pháp hình sắc đều là vô thường.
“Thiện nam tử! Những hình sắc ở trong thân đều [liên tục] biến đổi theo từng thời điểm. Khi ở thời kỳ ca-la-ra là khác, khi ở thời kỳ an-phù-đà là khác, khi ở thời kỳ già-na là khác, khi ở thời kỳ nắm tay là khác, khi ở thời kỳ thành hình bào thai là khác, khi ở thời kỳ sơ sanh là khác, khi ở thời kỳ hài nhi là khác, khi ở thời kỳ nhi đồng là khác, mãi cho đến khi già nua, mỗi lúc đều có biến đổi...
“Những hình sắc bên ngoài cũng vậy: mầm cây là khác, thân cây là khác, cho đến cành, lá, hoa, trái... đều là khác.
“Lại nữa, thiện nam tử! Cho đến mùi vị bên trong cũng luôn đổi khác. Khi ở thời kỳ ca-la-ra là khác, cho đến thời kỳ già nua, mỗi lúc đều biến đổi... Mùi vị bên ngoài cũng vậy, mầm cây, thân cây, cành, lá, hoa, trái... mỗi lúc đều có vị khác nhau...
“Khi ở thời kỳ ca-la-ra, sức lực là khác, cho đến khi già nua sức lực cũng khác. Khi ở thời kỳ ca-la-ra, hình dạng là khác, đến khi già nua hình dạng lại khác nữa. Khi ở thời kỳ ca-la-ra, quả báo là khác, đến khi già nua, quả báo lại khác nữa. Khi ở thời kỳ ca-la-ra, tên gọi là khác, đến khi già nua, tên gọi cũng khác.
“Hình sắc trong thân hư hoại rồi hợp lại, nên biết là vô thường. Hình sắc bên ngoài như cây cối cũng hư hoại rồi hợp lại, nên biết là vô thường. Cứ tuần tự theo thứ lớp sanh ra, nên biết là vô thường.
“Theo thứ lớp sanh ra là như từ thời kỳ ca-la-ra cho tới lúc già nua. Theo thứ lớp sanh ra là như từ mầm cây cho tới quả, hạt... nên biết là vô thường.
“Các hình sắc có thể diệt mất, nên biết là vô thường. Sự diệt mất ở thời kỳ ca-la-ra là khác, cho đến sự diệt mất ở thời kỳ già nua là khác. Sự diệt mất của mầm cây là khác, cho đến sự diệt mất của trái cây là khác... nên biết là vô thường. Kẻ phàm phu không hiểu biết, thấy chỗ sanh ra tương tự liền cho là thường. Vì nghĩa ấy nên gọi là vô thường.
“Nếu là vô thường tức là khổ; nếu là khổ tức là bất tịnh. Thiện nam tử, nhân vì trước đây Ca-diếp có hỏi việc ấy, ta đã giải đáp rồi.
“Lại nữa, thiện nam tử! Các pháp là vô ngã. Thiện nam tử! Tất cả các pháp gồm có pháp hình sắc và pháp không có hình sắc. Các pháp có hình sắc chẳng phải là ngã. Vì sao vậy? Vì có thể bị phá hỏng, bị hư hoại, bị xé rách, bị đánh đập, sanh ra rồi lớn dần lên. Còn cái ngã thì không thể bị phá hỏng, bị hư hoại, bị xé rách, bị đánh đập, không sanh ra rồi lớn dần lên. Vì nghĩa ấy nên biết các pháp có hình sắc chẳng phải là ngã. Các pháp không hình sắc cũng chẳng phải là ngã. Vì sao vậy? Vì do nhân duyên mà sanh ra.
“Thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo nhờ chuyên tâm suy nghĩ mà biết là có ngã, thì tánh của sự chuyên tâm suy nghĩ đó thật chẳng phải ngã. Nếu lấy sự chuyên tâm suy nghĩ mà cho là tánh của ngã, thì những việc trong quá khứ hẳn phải có chỗ quên mất. Vì có chỗ quên mất, nên biết chắc là vô ngã.
“Thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo nhờ nghĩ nhớ mà biết rằng có ngã, vì không nghĩ nhớ nên biết chắc là vô ngã. Như nói: ‘Có người bàn tay đến sáu ngón.’ Vừa nghe vậy liền hỏi rằng: ‘Trước đây tôi có gặp người ấy ở đâu kìa?’ Nếu là có ngã, lẽ ra không cần hỏi lại. Vì có hỏi nhau nên biết chắc là vô ngã.
“Thiện nam tử! Như có những kẻ ngoại đạo vì có chỗ ngăn che mà biết rằng có ngã. Thiện nam tử! Bởi có sự ngăn che nên biết chắc là vô ngã. Như nói: ‘Điều-đạt’ thì chẳng bao giờ nói ‘chẳng phải Điều-đạt’. Cái ngã cũng vậy, nếu nói chắc là có ngã thì chẳng bao giờ lại ngăn che cái ngã. Bởi có ngăn che cái ngã nên biết chắc là vô ngã. Nếu vì sự ngăn che mà biết rằng có ngã, nay ông không có sự ngăn che, nhất định phải là vô ngã!
“Thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo lấy việc cùng nhóm, chẳng cùng nhóm mà biết rằng có ngã; vậy thì vì không cùng nhóm lẽ ra không có ngã! Có những pháp không có gì cùng nhóm, ấy là: Như Lai, hư không, tánh Phật. Cái ngã cũng vậy, thật không có gì cùng nhóm. Vì nghĩa ấy nên biết chắc là vô ngã.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo lấy tên gọi mà biết rằng có ngã, trong những pháp vô ngã cũng có tên gọi ngã, như người nghèo hèn có tên là Phú Quý. Như nói: ‘Ta chết’. Nếu là ta chết, thì là tự ta giết ta. Nhưng cái ngã thật không thể giết. Tạm gọi là ‘giết ta’, cũng như người lùn thấp mà có tên là Người Cao Lớn. Vì nghĩa ấy, nên biết chắc là vô ngã.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo thấy trẻ vừa sanh ra đã biết đòi bú mà cho rằng có ngã. Thiện nam tử! Nếu là có ngã thì hết thảy trẻ con lẽ ra không bốc lấy phẩn dơ, lửa, rắn, thuốc độc... Vì nghĩa ấy nên biết chắc là vô ngã.
“Lại nữa, thiện nam tử! Có ba việc mà hết thảy chúng sanh đều có sự hiểu biết như nhau. Đó là: sự dâm dục, sự ăn uống và sự khiếp sợ. Vì vậy nên vô ngã.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo vì tướng mạo mà biết rằng có ngã. Thiện nam tử! Vì có tướng nên vô ngã. Vì không tướng cũng là vô ngã. Như người đang ngủ không thể đi, đứng, cúi xuống, ngẩng lên, nhìn, nháy mắt, chẳng biết khổ, vui, lẽ ra là không có ngã. Nếu lấy việc đi, đứng, cúi xuống, ngẩng lên, nhìn, nháy mắt mà biết là có ngã, thì người máy bằng gỗ lẽ ra cũng có ngã! Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, chẳng đi, chẳng đứng, chẳng cúi xuống, chẳng ngẩng lên, chẳng nhìn, chẳng nháy mắt, chẳng khổ, chẳng vui, chẳng tham, chẳng giận, chẳng si, chẳng làm. Như Lai như vậy, chân thật có ngã.
“Lại nữa, thiện nam tử! Nếu có những kẻ ngoại đạo thấy người khác ăn trái cây, trong miệng chảy nước miếng, do đó biết rằng có ngã. Thiện nam tử! Bởi có nhớ tưởng nên nhìn thấy thì chảy nước miếng, nước miếng đó chẳng phải ngã. Ngã cũng chẳng phải là nước miếng, chẳng phải vui, chẳng phải buồn, chẳng phải ngáp, chẳng phải cười, chẳng phải nằm, chẳng phải ngồi, chẳng phải đói, chẳng phải no... Vì nghĩa ấy nên biết chắc là vô ngã.
“Thiện nam tử! Những kẻ ngoại đạo ấy ngu si như trẻ con, không có phương tiện trí tuệ, không rõ biết các lẽ thường, vô thường, khổ, vui, tịnh, bất tịnh, ngã, vô ngã, thọ mạng, chẳng phải thọ mạng, chúng sanh, chẳng phải chúng sanh, thật, chẳng phải thật, có, chẳng phải có. Ở trong Phật pháp, họ chỉ nắm được một phần rất nhỏ, hư dối cho rằng có thường, lạc, ngã, tịnh, nhưng thật chẳng biết thường, lạc, ngã, tịnh.
“Như người mù từ lúc mới sanh, không biết màu của sữa, liền hỏi một người khác: ‘Màu của sữa giống cái gì?’ Người kia đáp: ‘Màu trắng như vỏ ốc.’ Người mù lại hỏi: ‘Màu của sữa có giống như tiếng thổi vỏ ốc chăng?’ Đáp rằng: ‘Không phải.’ Lại hỏi: ‘Màu của vỏ ốc giống cái gì?’ Đáp: ‘Như cháo nếp.’ Người mù lại hỏi: ‘Sữa có mềm dẻo như cháo nếp chăng? [Đáp rằng: ‘Không phải.’ Lại hỏi:] Cháo nếp giống cái gì?’ Đáp: ‘Giống như mưa tuyết.’ Người mù lại hỏi: ‘Cháo nếp có lạnh như tuyết chăng? [Đáp rằng: ‘Không phải.’ Lại hỏi:] Tuyết giống cái gì?’ Đáp: ‘Giống như con hạc trắng.’
“Người mù từ lúc mới sanh ấy, tuy nghe bốn cách so sánh như vậy, nhưng rốt cuộc cũng chẳng biết được màu thật của sữa. Những kẻ ngoại đạo kia cũng vậy, rốt cuộc cũng chẳng biết được thường, lạc, ngã, tịnh.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên trong pháp Phật mới có chân lý chân thật, ngoại đạo không có được.”
Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thật ít có thay, Thế Tôn! Nay Như Lai sắp buông xả tất cả mà vào Niết-bàn, dùng phương tiện chuyển bánh xe pháp Vô thượng, phân biệt Chân đế như vậy!”
Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “Hôm nay vì sao ông đối với Như Lai lại nảy sanh tư tưởng [cho rằng Như Lai sắp vào] Niết-bàn?
“Thiện nam tử! Như Lai thật là thường trụ, không biến đổi, không có vào Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Như có ý cho rằng: ‘Ta là Phật, ta thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ta là pháp, pháp là của ta. Ta là đạo, đạo là của ta. Ta là Thế Tôn, Thế Tôn là của ta. Ta là Thanh văn, Thanh văn là của ta. Ta có thể thuyết pháp, khiến người khác nghe và tin nhận. Ta chuyển bánh xe Pháp, ngoài ra những người khác không thể.’ Như Lai không bao giờ có những ý nghĩ như vậy. Cho nên Như Lai không có chuyển bánh xe Pháp.
“Thiện nam tử! Như có người có những ý tưởng hư dối cho rằng: ‘Ta là mắt, mắt là của ta. Cho đến tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng là như vậy. Ta là sắc, sắc là của ta; cho đến pháp cũng là như vậy. Ta là đất, đất là của ta, cho đến nước, lửa, gió cũng là như vậy.’ [Những ý tưởng như vậy đều là hư dối.]
“Thiện nam tử! Như có người nói rằng: ‘Ta là tín, tín là của ta. Ta là đa văn, đa văn là của ta. Ta là Đàn ba-la-mật, Đàn ba-la-mật là của ta. Ta là Thi-la ba-la-mật, Thi-la ba-la-mật tức là của ta. Ta là Sằn-đề ba-la-mật, Sằn-đề ba-la-mật là của ta. Ta là Tỳ-lê-da ba-la-mật, Tỳ-lê-da ba-la-mật là của ta. Ta là Thiền ba-la-mật, Thiền ba-la-mật là của ta. Ta là Bát-nhã ba-la-mật, Bát-nhã ba-la-mật là của ta. Ta là Bốn niệm xứ, Bốn niệm xứ là của ta. Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm sức, Bảy phần giác, Tám Thánh đạo lại cũng như vậy.’ [Những ý tưởng như vậy đều là hư dối.] Thiện nam tử! Như Lai chẳng bao giờ có những ý nghĩ [hư dối] như thế, nên Như Lai thật không có chuyển bánh xe Pháp.
“Thiện nam tử! Nếu nói [Như Lai] là thường trụ, không hề biến đổi, sao lại nói rằng Phật chuyển bánh xe Pháp? Cho nên hôm nay ông không nên nói rằng ‘Như Lai phương tiện chuyển bánh xe Pháp’.
“Thiện nam tử! Ví như có nhân là con mắt, có các duyên là hình sắc, ánh sáng, sự suy xét. Nhân và duyên hòa hợp mà sanh ra sự thấy biết của mắt, tức là nhãn thức. Thiện nam tử! Con mắt không nghĩ rằng: ‘Ta có thể sanh ra nhãn thức.’ Hình sắc, ánh sáng, sự suy xét cũng đều không nghĩ rằng: ‘Ta sanh ra nhãn thức.’ Nhãn thức lại cũng không nghĩ rằng: ‘Ta có thể tự sanh ra.’ Thiện nam tử! Những pháp như vậy, do nhân và duyên hòa hợp nên được gọi là sự thấy.
“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế. Nhân có sáu pháp ba-la-mật, ba mươi bảy pháp trợ Bồ-đề, nên rõ biết hết các pháp. Lại nhân có yết hầu, lưỡi, răng, môi, miệng, lời lẽ, giọng nói, nên vì Kiều-trần-như mà thuyết pháp lần đầu tiên, gọi là chuyển bánh xe Pháp. Vì nghĩa ấy nên không gọi là ‘Như Lai chuyển bánh xe pháp’.
“Thiện nam tử! Nếu như không chuyển thì gọi đó là Pháp. Pháp đó là Như Lai.
“Thiện nam tử! Ví như nhân có đồ đánh lửa, nhân sự chà xát, nhân bàn tay, nhân phân bò khô mà sanh ra lửa. Đồ đánh lửa không nói rằng: ‘Ta có thể sanh ra lửa.’ Sự chà xát, bàn tay, phân bò, mỗi thứ cũng không nghĩ rằng: ‘Ta có thể sanh ra lửa.’ Lửa cũng chẳng nói rằng: ‘Ta có thể tự sanh ra.’
“Như Lai cũng vậy, nhân nơi sáu pháp ba-la-mật cho đến vì Kiều-trần-như mà thuyết pháp, gọi là chuyển bánh xe Pháp. Như Lai không nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe Pháp.’
“Thiện nam tử! Nếu không sanh ra, tức gọi là chuyển bánh xe Pháp một cách chân chánh. Chuyển bánh xe pháp như vậy, gọi là Như Lai.
“Thiện nam tử! Ví như nhân có sữa, có nước, có sự khuấy đảo, có bình chứa, có sợi dây, có tay người vớt lấy, mà có món bơ. Sữa không nghĩ rằng: ‘Ta có thể làm ra bơ.’ Các yếu tố khác, cho đến tay người cũng không nghĩ rằng: ‘Ta có thể làm ra bơ.’ Món bơ cũng không nói rằng: ‘Ta có thể tự làm ra.’ Bởi nhiều duyên hòa hợp nên mới thành món bơ. Như Lai cũng vậy, chẳng bao giờ nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe pháp.’
“Thiện nam tử! Nếu chẳng làm ra [như vậy], đó gọi là chuyển bánh xe Pháp một cách chân chánh. Chuyển bánh xe pháp như vậy, tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Ví như nhân có hạt giống, có đất, có nước, có sự ấm áp, có gió, có phân bón, có thời tiết, có người trồng tỉa... nên mầm cây được sanh ra. Thiện nam tử! Hạt giống không nói rằng: ‘Ta có thể sanh ra mầm cây.’ Các yếu tố khác, cho đến người trồng tỉa cũng đều chẳng nói rằng: ‘Ta có thể sanh ra mầm cây.’ Mầm cây cũng không nói rằng: ‘Ta có thể tự sanh ra.’ Như Lai cũng thế, không bao giờ nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe pháp.’
“Thiện nam tử! Nếu không tạo tác, ấy gọi là chuyển bánh xe pháp một cách chân chánh. Chuyển bánh xe pháp như vậy tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Ví như nhân có cái trống, có khoảng không, có da bịt trống, có người, có dùi trống, hợp lại mà phát ra tiếng. Cái trống chẳng nghĩ rằng: ‘Ta có thể phát ra tiếng.’ Các yếu tố khác, cho đến cái dùi trống cũng đều như vậy. Tiếng trống cũng chẳng nói: ‘Ta có thể tự phát ra.’ Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, chẳng bao giờ nghĩ rằng: ‘Ta chuyển bánh xe pháp.’
“Thiện nam tử! Chuyển bánh xe Pháp, đó gọi là không tạo tác; không tạo tác tức là chuyển bánh xe Pháp. Chuyển bánh xe Pháp tức là Như Lai. Thiện nam tử! Chuyển bánh xe Pháp [như thế] đó mới là cảnh giới của chư Phật Thế Tôn, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể rõ biết được.
“Thiện nam tử! Hư không không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, không phải pháp hữu vi. Như Lai cũng vậy, không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, không phải pháp hữu vi. Như tánh Như Lai, tánh Phật cũng vậy, không sanh ra, không xuất hiện, không tạo tác, không phải pháp hữu vi.
“Thiện nam tử! Ngôn ngữ của chư Phật Thế Tôn có hai phần: một là ngôn ngữ thế gian, hai là ngôn ngữ xuất thế gian. Thiện nam tử! Như Lai vì hàng Thanh văn, Duyên giác mà giảng thuyết bằng ngôn ngữ thế gian, vì các vị Bồ Tát mà giảng thuyết bằng ngôn ngữ xuất thế gian.
“Thiện nam tử! Trong đại chúng đây cũng có hai hạng: một là hạng cầu Tiểu thừa, hai là hạng cầu Đại thừa. Ngày xưa, ở thành Ba-la-nại ta vì hàng Thanh văn mà chuyển bánh xe Pháp. Hôm nay, ở tại thành Câu-thi-na này ta lần đầu tiên vì các vị Bồ Tát mà chuyển bánh xe Đại pháp.
“Lại nữa, thiện nam tử! Có hai hạng người: hạng căn tánh trung bình và hạng căn tánh cao tột. Trước đây ở thành Ba-la-nại ta đã chuyển bánh xe pháp cho hạng người căn tánh trung bình. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, ta chuyển bánh xe đại pháp cho hạng người căn tánh cao tột, hàng voi chúa giữa loài người, là các vị như Bồ Tát Ca-diếp đây.
“Thiện nam tử! Với hạng người căn tánh kém cỏi nhất thì Như Lai chẳng bao giờ vì họ mà chuyển bánh xe Pháp. Hạng căn tánh kém cỏi nhất, đó là những kẻ nhất-xiển-đề.
“Lại nữa, thiện nam tử! Những người cầu Phật đạo cũng có hai hạng: một là hạng tinh tấn bậc trung, hai là hạng tinh tấn bậc thượng. Trước đây, ở thành Ba-la-nại ta đã chuyển bánh xe pháp cho hạng tinh tấn bậc trung. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, ta chuyển bánh xe Đại pháp cho hạng tinh tấn bậc thượng.
“Lại nữa, thiện nam tử! Trước đây khi ở thành Ba-la-nại ta chuyển bánh xe Pháp lần đầu, có tám vạn chư thiên và người ta đắc quả Tu-đà-hoàn. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, có tám mươi vạn ức người được địa vị không còn thối chuyển đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Lại nữa, thiện nam tử! Khi ở thành Ba-la-nại, Đại Phạm thiên vương cúi đầu sát đất thỉnh ta chuyển bánh xe Pháp. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, Bồ Tát Ca-diếp cúi đầu sát đất thỉnh ta chuyển bánh xe Pháp.
“Lại nữa, thiện nam tử! Khi xưa ta ở thành Ba-la-nại kia chuyển bánh xe Pháp, giảng thuyết những pháp vô thường, khổ, không, vô ngã. Nay ở nơi này, tại thành Câu-thi-na, chuyển bánh xe Pháp, giảng thuyết những pháp thường, lạc, ngã, tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ta xưa ở thành Ba-la-nại kia chuyển bánh xe Pháp, những lời nói ra tận cảnh trời Phạm thiên cũng nghe. Nay Như Lai ở thành Câu-thi-na chuyển bánh xe Pháp, những lời nói ra thấu suốt các thế giới của chư Phật ở phương đông nhiều như số cát hai mươi sông Hằng. Về các phương nam, phương tây, phương bắc, bốn phương phụ, phương trên và phương dưới cũng đều vang xa như vậy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn giảng thuyết bất cứ điều gì cũng đều gọi là chuyển bánh xe Pháp. Thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương có bánh xe quý, với những kẻ chưa hàng phục có thể khiến cho hàng phục; những kẻ đã hàng phục rồi lại có thể khiến cho được an ổn. Thiện nam tử! Những sự giảng thuyết của chư Phật Thế Tôn cũng vậy, những ai chưa điều phục vô lượng phiền não có thể khiến cho điều phục; những ai đã điều phục rồi, lại khiến cho sanh khởi các căn lành.
“Thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương có bánh xe quý, ắt có thể tiêu diệt hết thảy giặc thù. Như Lai thuyết pháp cũng vậy, có thể khiến cho hết thảy giặc phiền não đều trở nên tĩnh lặng.
“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương có bánh xe quý, trên dưới đều xoay chuyển. Như Lai thuyết pháp cũng vậy, có thể khiến cho những chúng sanh tệ ác ở những cảnh giới thấp được sanh lên cõi người, cõi trời, cho đến vào trong Phật đạo.
“Thiện nam tử! Vì thế nên hôm nay ông không nên xưng tán rằng: ‘Như Lai lại chuyển bánh xe Pháp ở đây.’”
Lúc ấy, Văn-thù-sư-lợi bạch Phật: “Thế Tôn! Con chẳng phải là không biết nghĩa ấy. Sở dĩ thưa hỏi là vì muốn được lợi ích cho chúng sanh.
“Bạch Thế Tôn! Từ lâu con đã biết rằng chuyển bánh xe Pháp thật là cảnh giới của chư Phật Như Lai, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Đó gọi là chỗ thực hành Thánh hạnh của vị Bồ Tát trụ nơi kinh Đại thừa Đại Niết-bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Do ý nghĩa gì mà gọi là Thánh hạnh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Thánh là danh xưng của chư Phật Thế Tôn. Vì nghĩa ấy nên gọi là Thánh hạnh.”
Bồ Tát Ca-diếp thưa hỏi: “Thế Tôn! Nếu là hạnh của chư Phật, ắt không phải hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát có thể tu hành.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Chư Phật Thế Tôn trụ yên ở kinh Đại Bát Niết-bàn này mà đưa ra những lời chỉ bày phân biệt như vậy, diễn thuyết ý nghĩa. Vì nghĩa ấy nên gọi là Thánh hạnh. Hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát được nghe như vậy rồi liền có thể kính cẩn làm theo, nên gọi là Thánh hạnh.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát khi được Thánh hạnh này rồi, ắt được trụ nơi địa vị Vô sở úy. Thiện nam tử! Như có Bồ Tát nào trụ nơi địa vị Vô sở úy, ắt không còn trở lại sợ sệt tham dục, sân khuể, ngu si, sanh, già, bệnh, chết. Cũng không còn sợ sệt những đường ác như địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.
“Thiện nam tử! Sự ác có hai loại: một là a-tu-la, hai là trong cõi người. Trong cõi người có ba hạng ác: một là những kẻ nhất-xiển-đề, hai là những kẻ phỉ báng kinh điển Phương đẳng, ba là những kẻ phạm Bốn tội nghiêm trọng. Thiện nam tử! Trụ ở địa vị Vô sở úy rồi, các vị Bồ Tát không bao giờ sợ rơi vào những điều ác như vậy, cũng không sợ sệt hàng sa-môn, bà-la-môn, ngoại đạo tà kiến, Thiên ma Ba-tuần, cũng không còn sợ thọ sanh vào hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Vì vậy nên địa vị ấy gọi là Vô sở úy.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát trụ ở địa vị Vô sở úy có hai mươi lăm phép Tam-muội vượt qua được hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu.
Thiện nam tử! Bồ Tát chứng được Vô cấu Tam-muội có thể vượt qua cõi địa ngục.
Chứng được Vô thối Tam-muội có thể vượt qua cõi súc sanh.
Chứng được Tâm lạc Tam-muội có thể vượt qua cõi ngạ quỷ.
Chứng được Hoan hỷ Tam-muội có thể vượt qua cõi a-tu-la.
Chứng được Nhật quang Tam-muội có thể vượt qua cõi Phất-bà-đề.
Chứng được Nguyệt quang Tam-muội có thể vượt qua cõi Cồ-da-ni.
Chứng được Nhiệt diệm Tam-muội có thể vượt qua cõi Uất-đan-việt.
Chứng được Như huyễn Tam-muội có thể vượt qua cõi Diêm-phù-đề.
Chứng được Nhất thiết pháp bất động Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tứ Thiên Vương.
Chứng được Tồi phục Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Ba mươi ba.
Chứng được Duyệt ý Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Diệm-ma.
Chứng được Thanh sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Đâu-suất.
Chứng được Hoàng sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Hóa lạc.
Chứng được Xích sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tha hóa tự tại.
Chứng được Bạch sắc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Sơ thiền.
Chứng được Chủng chủng Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Đại phạm.
Chứng được Song Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Nhị thiền.
Chứng được Lôi âm Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tam thiền.
Chứng được Chú vũ Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tứ thiền.
Chứng được Như hư không Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Vô tưởng.
Chứng được Chiếu kính Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Tịnh cư A-na-hàm.
Chứng được Vô ngại Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Không xứ.
Chứng được Thường Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Thức xứ.
Chứng được Lạc Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Bất dụng xứ hữu.
Chứng được Ngã Tam-muội có thể vượt qua cõi trời Phi tưởng, phi phi tưởng xứ.
“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát chứng được hai mươi lăm phép Tam-muội dứt trừ được hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu. Thiện nam tử! Hai mươi lăm phép Tam-muội ấy gọi là Tam-muội vương, là vua của các phép Tam-muội.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát khi nhập vào các phép Tam-muội vương này, nếu muốn thổi nát núi chúa Tu-di thì có thể tùy ý làm được ngay. Nếu muốn biết hết ý nghĩ trong tâm của chúng sanh trong Tam thiên Đại thiên thế giới, liền có thể biết được ngay. Nếu muốn đem chúng sanh trong Tam thiên Đại thiên thế giới đặt vào một lỗ chân lông trên thân mình, thì tùy ý làm được ngay, lại cũng có thể làm cho các chúng sanh ấy không cảm thấy bị dồn ép. Nếu muốn hóa ra vô lượng chúng sanh đầy khắp cả Tam thiên Đại thiên thế giới, cũng có thể tùy ý làm được. Muốn phân một thân ra thành nhiều thân, rồi khiến nhiều thân ấy hợp lại thành một thân. Tuy làm những việc như thế, nhưng trong tâm không có chỗ vướng mắc, luôn tinh khiết như hoa sen.
“Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát khi nhập vào các phép Tam-muội vương này, liền được trụ nơi địa vị tự tại. Bồ Tát trụ ở địa vị tự tại ấy thì có sức tự tại, muốn sanh ra ở xứ nào liền được sanh đến đó.
“Thiện nam tử! Ví như vị Thánh vương thống lãnh bốn cõi thiên hạ tùy ý đi lại, không gì có thể chướng ngại. Bồ Tát ma-ha-tát cũng vậy, trong hết thảy mọi nơi, muốn sanh nơi nào thì tùy ý sanh đến đó.
“Thiện nam tử! Khi Bồ Tát ma-ha-tát thấy trong tất cả chúng sanh ở địa ngục có kẻ có thể giáo hóa, khiến cho trụ nơi căn lành được, liền tức thời sanh vào trong địa ngục. Bồ Tát tuy sanh ra [trong địa ngục] nhưng chẳng phải do nghiệp quả. Bồ Tát ma-ha-tát trụ nơi địa vị tự tại, do sức nhân duyên mà sanh vào trong đó. Thiện nam tử! Bồ Tát ma-ha-tát tuy ở địa ngục nhưng không chịu những nỗi khổ như đốt cháy, cưa xẻ nát thân.
“Thiện nam tử! Chỗ thành tựu công đức như vậy của Bồ Tát ma-ha-tát đã là vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức, không thể nói hết, huống chi công đức của chư Phật lại có thể nói hết được sao?”
Lúc ấy, trong chúng có một vị Bồ Tát tên là Trụ Vô Cấu Tạng Vương, có oai đức lớn, thành tựu thần thông, được phép đại tổng trì, đầy đủ các phép Tam-muội, được đức không sợ sệt, từ chỗ ngồi đứng dậy vén y bày bên vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật vừa dạy, chỗ thành tựu công đức và trí tuệ của chư Phật, Bồ Tát là vô lượng vô biên, trăm ngàn vạn ức, thật không thể nói hết. Nhưng ý con cho là cũng không bằng kinh điển Đại thừa này. Vì sao vậy? Vì nhờ sức của kinh Phương đẳng Đại thừa này mà có thể sanh ra A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề của chư Phật Thế Tôn.”
Bấy giờ, Phật liền khen ngợi: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đúng như vậy, đúng như lời ông vừa nói đó, các kinh điển Phương đẳng Đại thừa khác tuy có vô lượng công đức, nhưng nếu muốn so với kinh này thì không thể được. Công đức của kinh này vượt hơn gấp trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn vạn ức lần, cho đến so sánh tính toán cũng không thể nói hết!
“Thiện nam tử! Ví như từ bò sữa sanh ra sữa, từ sữa sanh ra kem sữa, từ kem sữa sanh ra bơ sống, từ bơ sống sanh ra bơ chín, từ bơ chín sanh ra đề-hồ. Đề-hồ là món tốt nhất, người nào ăn vào thì các bệnh đều dứt, vì các loại thuốc đều có trong đó.
“Thiện nam tử! Đức Phật cũng như thế. Từ Phật nói ra Mười hai bộ kinh, từ Mười hai bộ kinh mà có Tu-đa-la, từ Tu-đa-la mà có kinh Phương đẳng, do kinh Phương đẳng mà có kinh Bát-nhã Ba-la-mật, từ kinh Bát-nhã Ba-la-mật mà có kinh Đại Niết-bàn này, cũng như chất đề-hồ. Nói đề-hồ là ví như tánh Phật. Tánh Phật tức là Như Lai.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên nói rằng công đức của Như Lai là vô lượng vô biên, không thể nói hết.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như lời Phật ngợi khen thì kinh Đại Niết-bàn cũng như đề-hồ là món ăn tốt nhất, ngon quý nhất. Nếu người nào được ăn thì các bệnh đều dứt, vì các loại thuốc đều có trong đó. Con được nghe lời này rồi, lại có ý riêng rằng: ‘Nếu người nào không thể nghe và tin nhận kinh này, nên biết rằng người ấy thật quá ngu si, không có tâm lành.’
“Bạch Thế Tôn! Con nay thật sự có thể nhẫn chịu sự lột da mình làm giấy, chích máu tự thân làm mực, lấy tủy trong xương mình làm nước, chẻ xương mình làm bút để sao chép kinh Đại Niết-bàn này. Khi sao chép ra rồi, con sẽ đọc tụng cho được thông suốt, sau đó sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa kinh này.
“Bạch Thế Tôn! Nếu có những chúng sanh tham đắm tiền bạc, của cải, con sẽ bố thí cho họ tiền bạc, sau đó lấy kinh Đại Niết-bàn này mà khuyên họ đọc. Nếu là người tôn quí, trước hết con sẽ dùng lời êm ái tùy thuận ý họ, sau đó dần dần sẽ đem kinh Đại thừa Đại Niết-bàn này mà khuyên họ đọc. Nếu là kẻ tầm thường dân dã, con sẽ dùng oai thế ép buộc họ phải đọc kinh này. Nếu là những kẻ kiêu căng khinh mạn, con sẽ theo hầu hạ, tùy thuận ý họ để khiến họ vui vẻ, sau đó mới dùng kinh Đại Niết-bàn này để dạy bảo, chỉ dẫn họ. Nếu có những kẻ phỉ báng kinh Đại thừa, con sẽ dùng thế lực mà khuất phục họ, sau đó mới khuyên họ đọc kinh Đại Niết-bàn này. Nếu có những ai ưa thích kinh Đại thừa, con sẽ đích thân đến chỗ những vị ấy cung kính cúng dường, ngợi khen tôn trọng.”
Lúc ấy, đức Phật khen ngợi Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Ông nay rất ưa thích kinh điển Đại thừa, ham muốn kinh Đại thừa, tin nhận kinh Đại thừa, hiểu thấu kinh Đại thừa, kính tin và tôn trọng, cúng dường Đại thừa.
“Thiện nam tử! Ông nay nhờ nhân duyên có tâm lành đó sẽ vượt hơn cả vô lượng vô biên, các vị Đại Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng, ở ngay trước các vị ấy mà thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Chẳng bao lâu nữa, ông cũng sẽ rộng vì đại chúng mà diễn thuyết kinh Đại Bát Niết-bàn này, cùng những ý nghĩa của Như Lai, tánh Phật, kho tàng sâu kín của chư Phật.
“Thiện nam tử! Vào đời quá khứ, khi mặt trời Phật đạo chưa mọc lên, ta làm một thầy bà-la-môn, tu theo hạnh Bồ Tát, có thể thông đạt tất cả kinh luận của ngoại đạo. Ta tu hạnh tịch diệt, đầy đủ oai nghi, trong tâm thanh tịnh, chẳng bị phá hoại bởi những ngoại cảnh làm nảy sanh ý tưởng tham dục, dập tắt lửa sân hận, thọ trì các pháp thường, lạc, ngã, tịnh. Ta đi khắp nơi tìm cầu kinh điển Đại thừa, nhưng thậm chí chưa từng được nghe đến tên gọi Phương đẳng.
“Thuở ấy ta ở tại Tuyết sơn. Núi ấy thanh tịnh, có suối chảy, ao tắm, cây gỗ, cây thuốc mọc đầy mặt đất. Khắp nơi đều có suối chảy trong veo giữa các khe đá, có nhiều thứ hoa thơm tô điểm, chim chóc, muông thú nhiều không kể xiết, trái cây ngon ngọt sai oằn đủ loại, khó nói hết được... Lại có vô số những củ sen, rễ ngọt, rễ thơm của cây xanh.
“Thuở ấy, một mình ta ở trong núi, chỉ ăn các loại trái cây. Ăn rồi ngồi thiền, chú tâm suy xét. Trải qua vô số năm cũng chẳng nghe có Như Lai ra đời, [chẳng nghe] có tên kinh điển Đại thừa.
“Thiện nam tử! Trong khi ta tu khổ hạnh khó khăn như vậy, Thích-đề-hoàn-nhân và chư thiên [nhìn thấy] thảy đều hết sức kinh ngạc, lấy làm kỳ lạ, liền cùng nhau hội họp. Ai nấy bảo nhau cùng nói ra bài kệ rằng:
Người người đều chỉ cho nhau,
Tuyết sơn thanh tịnh có người ngồi yên,
Lìa xa tham dục não phiền,
Là vua công đức trang nghiêm muôn phần!
Đã lìa xa tham, mạn, sân,
Mãi mãi dứt trừ siểm nịnh, ngu si.
Miệng người chẳng nói điều chi,
Xấu xa, thô ác, hoặc lời khó nghe.
“Bấy giờ, trong chúng hội có một vị thiên tử tên là Hoan Hỷ lại đọc kệ rằng:
Người lìa tham dục thế kia,
Chuyên cần, thanh tịnh, siêng tu sửa lòng,
Lẽ nào lại chẳng cầu mong,
Ngôi cao Đế-thích, chư thiên cõi trời?
Nếu là ngoại đạo chuyên tu,
Bao năm khổ hạnh rừng sâu nhọc nhằn,
Hẳn là tham muốn được làm,
Vua trời Đế-thích đứng đầu chư thiên!
“Lúc ấy lại có một vị Tiên thiên tử vì Đế-thích mà đọc kệ rằng:
Hỡi Đế-thích Kiều-thi-ca!
Chớ nên lo lắng sinh ra buồn phiền.
Người tu khổ hạnh triền miên,
Cũng chưa hẳn đã cầu Thiên đế tòa.
“Vị ấy đọc kệ xong lại nói rằng: ‘Này Kiều-thi-ca! Trong đời vẫn có bậc đại sĩ vì chúng sanh nên chẳng tham tiếc thân mình, vì muốn lợi ích chúng sanh nên tu vô lượng khổ hạnh đủ cách. Người như vậy biết rõ mọi tội lỗi sai lầm trong chốn sanh tử nên dù có nhìn thấy trân bảo đầy khắp mặt đất, trên núi cao, trong biển lớn, cũng chẳng sanh lòng tham đắm, chỉ xem như bãi nước bọt nhơ nhớp.
“Bậc đại sĩ như vậy đã buông xả hết tiền bạc, châu báu, vợ con luyến ái, đầu, mắt, tủy, não, tay, chân các thứ, nhà cửa phòng ốc, voi ngựa xe cộ, tôi trai tớ gái... Cũng chẳng cầu sanh lên cõi trời, chỉ mong cho hết thảy chúng sanh đều được an vui, sung sướng. Theo như chỗ tôi hiểu thì bậc đại sĩ như vậy luôn thanh tịnh không nhiễm ô, đã mãi mãi dứt sạch mọi phiền não trói buộc, chỉ duy nhất mong cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác mà thôi.’
“Thích-đề-hoàn-nhân lại hỏi: ‘Như ông nói đó, người này ắt là thâu nhiếp được hết thảy chúng sanh ở thế gian!
“‘Này Đại tiên! Nếu như thế gian này có Phật ra đời như cây to bóng mát, sẽ dứt trừ được con rắn độc phiền não của hết thảy chư thiên, người đời và a-tu-la. Nếu chúng sanh được ở dưới bóng mát của đức Phật thì các độc phiền não ắt sẽ dứt sạch.
“Này Đại tiên! Người này nếu như trong đời tương lai thành bậc Thiện thệ, ắt sẽ giúp chúng ta có thể tiêu diệt được vô lượng phiền não như lửa dữ. Việc như vậy thật khó tin. Vì sao vậy? Có vô lượng trăm ngàn chúng sanh phát tâm cầu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng khi gặp đôi chút nghịch duyên liền bị lay động, thối chuyển đối với quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cũng như hình mặt trăng dưới nước, khi nước xao động thì mặt trăng ấy liền xao động; lại như bức tranh vẽ, làm thành thì khó nhưng phá hỏng rất dễ. Tâm Bồ-đề cũng vậy, phát tâm thật khó nhưng hoại mất rất dễ.
“Đại tiên! Ví như có nhiều người tự trang bị những áo giáp, binh khí kiên cố, muốn xông lên phía trước dẹp giặc, nhưng khi lâm trận khiếp sợ liền thối lui, tan rã. Vô lượng chúng sanh cũng vậy, phát khởi tâm Bồ-đề, tự trang bị cho mình rất kiên cố, nhưng khi thấy những lỗi lầm tai họa chốn sanh tử thì trong lòng sanh ra khiếp sợ liền thối lui, tan rã.
“Đại tiên! Tôi đã nhìn thấy vô lượng chúng sanh như vậy, sau khi phát tâm rồi đều bị lay động, thối chuyển. Cho nên hôm nay tuy thấy người này tu khổ hạnh, không phiền não nóng nảy, luôn sống trong sự kiểm thúc theo đạo pháp, có hạnh thanh tịnh, nhưng vẫn chưa thể tin được. Nay tôi cần phải tự mình đến đó thử thách, để xem người ấy quả thật có thể nhận lãnh gánh vác được trách nhiệm lớn lao là thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề hay chăng.
“Đại tiên! Như xe có hai bánh thì mới dùng chuyên chở được, chim có hai cánh mới đủ sức bay đi. Người tu khổ hạnh ấy cũng vậy. Tuy tôi thấy người ấy giữ bền cấm giới, nhưng chưa biết là có trí tuệ sâu xa hay chăng. Nếu có trí tuệ sâu xa thì biết rằng có thể nhận lãnh gánh vác được trách nhiệm lớn lao là thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Đại tiên! Ví như con cá có nhiều trứng nhưng số trứng được nở thành cá con rất ít. Như cây am-la có nhiều hoa nhưng kết thành quả rất ít. Vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ-đề, nhưng đến khi thành tựu thì rất ít, không đáng kể.
“Đại tiên! Nay tôi và ông hãy cùng đến đó thử thách người ấy. Đại tiên! Ví như vàng thật, phải thử qua ba cách mới biết được là thật. Ba cách ấy là: nung, đập và mài. Muốn thử thách vị khổ hạnh kia, cũng nên như vậy.’
“Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân tự biến thân mình thành hình tướng la-sát rất đáng sợ, giáng hạ nơi Tuyết sơn, cách chỗ ta không xa rồi đứng đó. Lúc ấy la-sát trong lòng không sợ sệt, sức mạnh khó đương, lại có tài biện thuyết mạch lạc. Với giọng thanh tao nhã nhặn, la-sát ấy đọc lên nửa bài kệ mà đức Phật quá khứ đã từng thuyết:
Các hành vô thường,
Là pháp sanh diệt.
“Đọc nửa bài kệ ấy rồi, la-sát liền đến đứng ngay phía trước ta, hiện ra tướng mạo hình dạng hết sức đáng sợ, quay nhìn khắp nơi, quan sát cả bốn hướng.
“Ta vừa nghe được nửa bài kệ này, trong lòng sanh ra vui mừng. Cũng ví như có người khách buôn đi qua vùng nguy hiểm, đang đêm lạc mất bạn đồng hành, lo lắng tìm kiếm, hỏi han khắp nơi, bỗng nhiên gặp lại bạn, lòng sanh ra vui mừng, hết sức phấn khích. Lại ví như người mang bệnh đã lâu, chưa gặp được lương y chẩn bệnh, cho thuốc hay, rồi sau bỗng nhiên lại gặp được thầy, được thuốc. Như người chìm đắm nơi biển cả bỗng nhiên gặp được tàu thuyền. Như người đang khát gặp được ly nước trong mát. Như người bị kẻ oán thù rượt đuổi bỗng nhiên được cứu thoát. Như người bị trói đã lâu bỗng nghe tin được thả ra. Lại như người làm ruộng đang khi nắng hạn mà gặp cơn mưa. Lại như người đi xa trở về, người nhà gặp được hết sức vui mừng.
“Thiện nam tử! Ta lúc ấy nghe được nửa bài kệ kia rồi, trong lòng hết sức vui mừng như vậy. Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lấy tay vén tóc, nhìn quanh bốn hướng mà hỏi rằng: ‘Vừa nghe nói kệ đó, là ai nói ra vậy?’ Bấy giờ nhìn mãi cũng chẳng thấy người nào khác, chỉ thấy có một quỷ la-sát, ta liền hỏi rằng: ‘Ai mở cửa giải thoát như vậy? Ai có thể phát ra tiếng nói của chư Phật như sấm rền? Trong chốn sanh tử như giấc ngủ mê, ai là người riêng mình thức tỉnh, nói lên những lời như vậy? Ở chốn này ai là người có thể chỉ bày đường đi, đạo vị cao quý nhất cho chúng sanh đói khó? Vô lượng chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử, ai có thể ở trong ấy làm vị đại thuyền sư? Chúng sanh thường bị cơn bệnh nặng phiền não trói buộc, ai có thể vì họ mà làm vị lương y? Ai nói ra nửa bài kệ ấy làm khai mở, bừng tỉnh tâm tôi, như một nửa vầng trăng, như hoa sen đang dần nở ra?’
“Thiện nam tử! Bấy giờ ta nhìn mãi không thấy ai khác, chỉ thấy quỷ la-sát. Ta lại nghĩ rằng: ‘Phải chăng la-sát đây vừa đọc bài kệ ấy?’ Nhưng rồi lại sanh nghi, cho rằng không phải vậy. Vì sao? Vì thấy hình thù rất đáng sợ. Nếu như người được nghe những câu kệ ấy thì tất cả những hình tướng xấu xa ghê sợ ắt phải được dứt sạch. Tại sao người có hình dung tướng mạo như vậy lại có thể đọc bài kệ ấy? Trong lửa đỏ không lẽ sanh ra hoa sen! Không thể trong ánh sáng mặt trời lại sanh ra nước lạnh!
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta lại nghĩ rằng: ‘Nay ta không có trí tuệ, biết đâu la-sát ấy lại chẳng được gặp chư Phật quá khứ, nương theo nơi chư Phật mà nghe được nửa bài kệ ấy? Nay ta nên hỏi nghĩa nửa bài kệ ấy.’ Ta liền đến trước mặt la-sát, nói rằng: ‘Lành thay, Đại sĩ! Ngài ở nơi đâu mà nghe được nửa bài kệ ấy của bậc Ly bố úy trong quá khứ đã nói ra? Đại sĩ ở nơi đâu mà được nửa hạt châu như ý này? Đại sĩ! Ý nghĩa của nửa bài kệ này mới là Chánh đạo của chư Phật Thế Tôn đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Hết thảy vô lượng chúng sanh ở thế gian thường bị mạng lưới dày đặc của các tà kiến vây phủ, che lấp, trọn đời ở trong pháp ngoại đạo mà chẳng hề nghe được chỗ thuyết giảng nghĩa Không của bậc xuất thế Thập lực thế hùng.’
“Thiện nam tử! Khi nghe ta hỏi như vậy rồi, la-sát liền đáp rằng: ‘Đại bà-la-môn! Nay ông chẳng nên hỏi tôi nghĩa ấy. Vì sao vậy? Đã nhiều ngày rồi tôi không được ăn gì cả. Tôi đi khắp nơi tìm kiếm mà chẳng được món gì. Tôi đói khát khổ não, trong lòng rối loạn nên nói mê sảng, đó chẳng phải là chỗ hiểu biết thật trong lòng tôi. Giả sử nay tôi có thế lực mà bay đi, dạo nơi hư không, tới châu Uất-đan-việt, cho đến miền thiên thượng, đi mọi nơi để tìm món ăn, cũng không tìm được. Vì nhân duyên ấy tôi mới nói ra lời đó.’
“Thiện nam tử! Khi ấy ta lại nói với la-sát rằng: ‘Đại sĩ! Nếu ông đọc cho tôi nghe trọn bài kệ, tôi sẽ làm đệ tử của ông suốt đời.
“Đại sĩ! Chỗ ông nói ra lúc nãy thật chưa trọn lời, cũng chưa trọn nghĩa. Vì duyên cớ gì mà ông không muốn nói hết?
“Nói chung thì việc bố thí tiền của ắt phải có lúc cạn kiệt, còn nhân duyên thí pháp không thể hết được. Tuy không thể hết được nhưng lại được nhiều lợi ích. Nay tôi đã nghe nửa bài kệ nói pháp ấy rồi, lòng sanh ra hoài nghi, kinh ngạc. Mong ông có thể vì tôi trừ dứt lòng nghi ấy, nói ra trọn bài kệ ấy rồi, tôi sẽ suốt đời làm đệ tử ông.’
“La-sát đáp rằng: ‘Ông thật khôn ngoan thái quá, chỉ biết lo cho bản thân mà không xét nghĩ cho tôi. Nay tôi khổ bức vì đói, thật không thể nói ra.’
“Ta liền hỏi: ‘Vậy thức ăn của ông là món gì?’
“La-sát đáp: ‘Ông chẳng cần phải hỏi, nếu tôi nói ra sẽ khiến cho nhiều người sợ sệt.’
“Ta lại hỏi: ‘Tôi ở nơi đây một mình, không còn người nào khác cả. Tôi đã không sợ, sao ông lại chẳng nói ra?’
“La-sát đáp: ‘Món ăn của tôi chỉ duy nhất là thịt tươi còn ấm của con người. Thức uống của tôi chỉ duy nhất là máu nóng của người. Vì tôi bạc phước nên chỉ dùng được các món đó thôi. Tôi đã đi khắp nơi tìm kiếm, mỏi mệt rã rời mà không thể tìm được. Tuy trong đời có rất nhiều người, nhưng họ đều có phước đức, lại thêm được chư thiên bảo vệ, tôi không có sức mạnh nên không thể giết họ.’
“Thiện nam tử! Ta lại nói rằng: ‘Ông chỉ cần nói ra cho trọn bài kệ ấy. Tôi nghe kệ rồi sẽ dùng thân này mà phụng thí cúng dường ông.
“Đại sĩ! Giá như tôi chết rồi thì thân này không có chỗ dùng, sẽ làm món ăn cho cọp, sói và các loài chim dữ. Sau đó tôi cũng không được mảy may phước báo. Nay tôi vì cầu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sẽ lìa bỏ thân không bền chắc này để được thân kiên cố.’
“La-sát đáp: ‘Có ai tin được những lời như vậy của ông, chỉ vì [nửa bài kệ] tám chữ mà có thể lìa bỏ thân thể mình yêu mến hay sao?’
“Thiện nam tử! Ta liền đáp rằng: ‘Ông thật không có trí tuệ. Ví như có người kia thí cho kẻ khác món đồ bằng sành để được món đồ bằng bảy báu. Tôi cũng như vậy, xả bỏ thân không bền chắc này để được thân kim cang. Ông nói rằng: Có ai tin được? Nay tôi có người làm chứng: Đại Phạm thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân và bốn vị Thiên vương đều có thể làm chứng việc ấy. Lại có chư Bồ Tát thiên nhãn, vì muốn lợi ích cho vô lượng chúng sanh nên tu hành Đại thừa, có đủ sáu pháp ba-la-mật, các vị ấy cũng có thể chứng biết. Lại có chư Phật Thế Tôn mười phương, vì lợi ích cho chúng sanh cũng có thể chứng minh cho việc tôi vì [nửa bài kệ] tám chữ mà xả bỏ thân mạng này.’
“La-sát lại nói: ‘Nếu ông có thể xả thân như vậy, hãy lắng nghe đây! Tôi sẽ vì ông nói ra nửa bài kệ còn lại.’
“Thiện nam tử! Lúc ấy, ta nghe như vậy trong lòng lấy làm vui vẻ, liền cởi tấm áo da hươu đang mặc trải ra làm pháp tòa cho la-sát ấy, bạch rằng: ‘Hòa thượng! Xin thỉnh ngài ngồi lên tòa này.’ Rồi ta ở trước mặt la-sát, chắp tay quỳ mọp, thưa rằng: ‘Thỉnh hòa thượng vì con nói ra nửa bài kệ còn lại, khiến cho được đầy đủ, trọn vẹn.’
“La-sát liền nói:
Sanh diệt dứt rồi,
Tịch diệt là vui.
“Bấy giờ, la-sát nói kệ rồi liền bảo ta rằng: ‘Bồ Tát ma-ha-tát, nay ông đã nghe trọn nghĩa bài kệ. Sở nguyện của ông đã được trọn đủ. Nếu muốn lợi ích cho các chúng sanh, bây giờ xin hãy thí thân cho tôi.’
“Thiện nam tử! Thuở ấy ta suy xét sâu xa ý nghĩa bài kệ ấy. Về sau ở khắp nơi, hoặc trên đá, hoặc trên vách tường, cây cối, nơi đường sá, ta đều viết lên bài kệ ấy.
“Khi đó ta liền mặc đủ y phục vì e rằng sau khi chết thân thể phải lõa lồ, rồi trèo lên một cây cao.
“Vị thần cây hỏi ta rằng: ‘Lành thay! Nhân giả, ngài muốn làm gì vậy?’
“Thiện nam tử! Lúc ấy ta đáp rằng: ‘Tôi muốn xả thân để trả giá một bài kệ [đã được nghe].’
“Vị thần cây hỏi: ‘Bài kệ ấy có ích lợi gì?’
“Ta đáp: ‘Những câu kệ ấy là của chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai thuyết dạy, khai mở pháp Không của Chánh đạo. Tôi vì pháp này xả bỏ thân mạng, chẳng vì lợi dưỡng, danh vọng, của cải, trân bảo, chẳng vì các ngôi vị Chuyển luân Thánh vương, Bốn Đại thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhân, Đại Phạm Thiên vương cùng mọi sự vui sướng trong cõi người, cõi trời. Chỉ vì muốn lợi ích cho hết thảy chúng sanh nên xả bỏ thân này.’
“Thiện nam tử! Khi ta xả bỏ thân mạng lại nói ra lời này: ‘Nguyện cho tất cả những kẻ keo lận thảy đều nhìn thấy tôi lìa bỏ thân này! Như có người ít làm việc bố thí, khởi tâm cao ngạo cũng khiến cho được nhìn thấy tôi vì một bài kệ mà xả bỏ thân mạng này như vất bỏ cỏ cây.’
“Nói xong lời ấy, ta liền buông mình từ trên cây cao rơi xuống. Khi ta rơi chưa đến mặt đất thì giữa hư không bỗng phát ra rất nhiều âm thanh. Âm thanh ấy vang lên đến tận cảnh trời Sắc cứu cánh. Bấy giờ, la-sát hiện nguyên hình Đế-thích, giữa không trung đón lấy thân ta và đặt yên trên mặt đất.
“Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân cùng chư thiên, Đại Phạm Thiên vương, thảy đều cúi đầu làm lễ dưới chân ta, ngợi khen rằng: ‘Lành thay, lành thay! Ngài quả thật là Bồ Tát, có thể làm lợi ích lớn lao cho vô lượng chúng sanh, muốn thắp lên cây đuốc pháp lớn giữa chốn vô minh tăm tối. Vì chúng tôi mến tiếc Chánh pháp lớn lao của Như Lai nên mới cùng nhau đến quấy rối ngài. Xin ngài nhận cho sự sám hối tội lỗi của chúng tôi. Về sau ngài nhất định sẽ thành Phật đạo, nguyện xin cứu độ chúng tôi.’
“Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân và chư thiên cùng lễ bái dưới chân ta, từ biệt mà đi, bỗng nhiên mất dạng.
“Thiện nam tử! Như ta thuở ấy vì nửa bài kệ mà xả bỏ thân này. Do nhân duyên ấy liền vượt qua được đủ mười hai kiếp, thành Phật trước Bồ Tát Di-lặc.
“Thiện nam tử! Ta được vô lượng công đức như vậy đều do nơi sự cúng dường Chánh pháp của Như Lai. Thiện nam tử! Các ông nay cũng thế, phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, ắt là đã vượt lên hơn cả các vị Bồ Tát nhiều vô lượng vô biên như số cát sông Hằng.
“Thiện nam tử! Đó gọi là Bồ Tát trụ ở kinh Đại thừa Đại Bát Niết-bàn, tu tập Thánh hạnh.”
"O good man! I take [i.e. view] all things as non-eternal. How do I know? Because of their causal relations. If anything arises out of causality, I see it as non-eternal. With all these tirthikas, a thing is always what has come out of something else. O good man! Buddha-Nature is birthlessness and deathlessness; it is not going, not coming. It is not past, not future, and not present. It is not something that arises out of a cause; it is not the making of any cause. It is not something made; it is not a maker. It is not any outer form, nor is it not any form; it is not something with a name, nor is it something with no name; it is no name and no matter. It is not long, not short. It is not something that has come out [arisen] in the five skandhas, the 18 realms, and the 12 spheres. Hence, we say eternal. O good man! “The Buddha-Nature is the Tathagata; the Tathagata is Dharma, and Dharma is the Eternal.” O good man! Eternal is the Tathagata, the Tathagata is the Sangha, and the Sangha is Eternal. With tirthikas, there is nothing that does not arise from a cause. O good man! All these tirthikas do not see the Buddha-Nature, the Tathagata and Dharma. Thus what the tirthikas say is all false; there is no truth [in it].
"All common mortals first see all such things as pots, clothing, vehicles, houses, castles, rivers, forests, men, women, elephants, horses, cows and sheep, and they see that they resemble [seem to stay the same] and say that they are eternal. Know that they are not anything eternal. O good man! All that is made is not eternal. The Void is not anything made. So, it is eternal. The Buddha-Nature is not what is made. So, it is eternal. “The Void is the Buddha-Nature; the Buddha-Nature is the Tathagata; the Tathagata is not what has been made. What has not been made is Eternal. Dharma is Eternal; Dharma is the Sangha; the Sangha is not what has been made; what has not been made is Eternal."
"O good man! There are two kinds of created thing, which are: 1) physical and 2) non-physical The non-physical is the mind [“chitta”] and the mental faculties [“caitta”]. The physical elements are earth, water, fire, and wind. O good man! The mind is non-eternal. Why so? Because its nature is driven by things external [to it] ever to answer and discriminate things. O good man! The nature of what the eye sees is different [various], and this applies all the way down to that of what the mind thinks, which is different. Hence, non-eternal. O good man! The field of cognition of matter [“rupa”] is different, and this applies to where the field of
cognition of dharmas is different. Hence, non-eternal. O good man! The concomitant elements of visual consciousness are different, and this applies down to the concomitant elements of mental consciousness, which are different. Hence, non-eternal. O good man! If the mind were eternal, visual consciousness alone could call forth all elements O good man! If visual consciousness is different and if this applies down to mental consciousness which is different, we see that it is non-eternal. The aspects of the elements look alike, and these come about and die out moment after moment. So, common mortals look and conclude that they are eternal. As all causal relations work against and break up [do not endure unchanged], we say non-eternal. We gain visual consciousness by means of the eye, matter, light, and thinking. When gustatory consciousness arises, place and cause differ. This is not the causal relation of visual consciousness. Things are thus all the way down to consciousness of thinking, in which things differ. Also, next, O good man! Because the causal relations of all things dissolve, we say that the mind is non-eternal. The way to practise the non-eternal differs. If the mind were eternal, one would have to practise the non-eternal always. And one could not meditate on suffering, the Void, and selflessness. And how could one meditate on the Eternal, Bliss, Self, and the Pure? For this reason, the teachings of the tirthikas are unable to take in [embrace, include] the Eternal, Bliss, Self, and Purity. O good man! You should know that the mind is definitely non-eternal. Also, next, O good man! As the nature of the mind is different, we say non-eternal. This is as in the case of the so-called nature of the sravaka’s mind, which is different; as in the case of the pratyekabuddha, which is different; and the mind of all Buddhas, which is different. There are three kinds of mind [attitude, mental stance] amongst the tirthikas, namely: 1) mind of renunciation, 2) mind of home life, and 3) mind that works against and departs from home life. There are differences of the concomitant mind, such as bliss, sorrow, non-sorrow and non-bliss, greed, anger, and ignorance. Also, there are different mental aspects with the tirthikas, which are those of the concomitant mind of ignorance, doubt, twisted views, mind of deportment regarding walking and stopping. O good man! If the [state of] mind were eternal, one could not discriminate all such colours as blue, yellow, red, white, and purple. O good man! If the mind were eternal, there could be no forgetting of anything committed to memory. O good man! If the mind were eternal, there could be no increase in reading and recitation. Also, next, O good man! If the mind were eternal, we could not say that one has done, is doing, or will be doing [something]. If there is what has been done, what is being done, or what will be done, know that this [mode of] mind is definitely non-eternal. O good man! If the mind were eternal, there could be no enmity, friendliness, or non-enmity and non-friendliness [i.e. because the state of the mind would never change]. If the mind were eternal, there could be no mind, no what-belongs-to-others, no death or birth. If the mind were eternal, no actions could accumulate. O good man! For these reasons, know that the nature of [any given state of] mind is different in each case. This difference tells us that what we have here is non-eternal.
"O good man! I have expounded the transitoriness of what is non-physical, and the meaning is now established. Also, for your sake, I shall explain the transience of physical existence. This physical [existence] does not have any eternal quality about it; basically, it has no life. Born, it must die. When a person’s body is still in the womb, in the kalala stage, there is nothing of the life entity [there]. Because it changes when born. Such things of the objective world as buds, stems and stumps also do not have any entity, since when born, each changes. Thus we know that all physical things are transitory. O good man! All a man’s sense-faculties change over time; his sense-faculties [“adhyatman-rupa”] are different at the time of kalala [foetal stage, 7 days after conception], arbuda [second week], ghana [4th stage], pesi [3rd week], pustule, at the time of birth, in childhood, in boyhood, and up to the time of old age. Thus does it stand with the "things of the objective world". Differences are seen [become manifest] in such as: bud, stem, branch, leaf, flower, and fruit. Also, next, O good man! Mental taste also differs. Change occurs at the time of kalala up to the days of old age. The taste of objective things also differs. The taste differs at such times as: bud, stem, leaf, flower, and fruit. Strength differs at the time of kalala up to old age; form and appearance differ at the time of kalala and through to old age; the results of karma differ from the time of kalala to the time of old age; name differs from the time of kalala up to old age. Man’s so-called sense faculties break up, return, and conjoin [into their former state]. We know that this is impermanent. Such things of the objective world as trees break and join together. So, we view them as impermanent. A thing gradually comes about. So, we know it to be non-eternal. As it gradually emerges from the time of kalala through to the time of old age, bud, fruit and seed arise. So we see that a physical thing dies out. Thus, what we see is non-eternal. Differences are seen from the time of the death of the kalala [stage] up to the time of the death of old age, and at the time of death of the bud and up to the time of death of the fruit. Thus, we see that what there is is impermanence. Common mortals do not know this. As things carry on alike [seemingly the same], they conclude and say that what is there is eternal. For this reason, I say non-eternal. If there is the non-eternal, what there is is suffering. If there is suffering, this is nothing but what is impure. O good man! When Kasyapa once asked me about this, I already answered [his question] at that time.
"Also, next, O good man! All things have no Self. O good man! All things are physical and non-physical. The physical is non-Self. Why? Because it can be broken asunder and desroyed, beaten and split. Because there is birth, growing up and becoming big. The Self cannot have any breaking asunder, destruction, beating or splitting; it cannot grow up and become big. Because of this, we know that what is physical is also non-Self. Why? Because of the fact that it is something that has come about from causes and conditions. O good man! The tirthikas may say that there must be a Self because there is exclusiveness of thought. But exclusiveness is, truth to tell, not of the nature of the Self. We might well think that there is Self because we can think exclusively [all to ourselves]. But we [are prone] to forget what was in the past. This forgetting tells us that there surely is no Self [here]. O good man! The tirthikas may say that there is Self because man remembers. But the fact that man does not remember tells us that there surely is no Self. Seeing a man with six fingers, one asks: "Where might I have seen such as this before?" If there were a Self, how could one ask this? Such asking indicates that there surely is no Self. O good man! The tirthikas may say that there is Self because of hindrance [obstruction, boundaries]. O good man! There surely is no Self precisely because of hindrance. This is like saying that as Devadatta, to the end, does not say out, he is not Devadatta. The same is the case with Self. If there definitely is Self, there will be no hindrance to Self. As self is hindered, we surely can know that there is no Self. If it is the case that one knows there definitely is Self due to hindrance, this will lead us to conclude that there can be no Self, as you now do not hinder. O good man! If tirthikas say that they know there is Self by accompaniment and non-accompaniment, this indicates that there is no Self because there is no accompaniment. There is a case in which there is no accompaniment in the law [Dharma], as in the cases of the Tathagata, the Void, and the Buddha-Nature. The same with Self. Truth to say, there is none that accompanies. Hence we may know that there definitely is no Self. Also, next, O good man! If tirthikas say that they know there is Self because of the name, we should know that even in "selfless" there is the name [the word], as in the case of a poor man who may have a name which means " rich" . We speak of " dead self". If Self is dead, this is tantamount to saying that Self kills Self. But, truly, the Self cannot be killed. For the time being, we say " dead self". This is as with a short man being called a tall man. From this we can definitely know that there is no Self. Also, next, O good man! All tirthikas may say that as one, after birth, seeks milk, there is the Self. O good man! If there were Self, no child would take hold of dung, fire, serpents or poison [i.e. because they would know these are unpleasant or dangerous]. From this, we can definitely know that there is no Self. Also, next, O good man! All beings, in the three phases, have equal shares of knowing, as: lust, food, drink, and fear. So, there is no Self. Also, next, O good man! The tirthikas say that from the countenance one can say that there is Self. But for this reason we could say that there is no Self. We say that there is no Self because there is no countenance. When asleep, one cannot walk, stand still, lie with one’s face down or up, see or wink, and cannot know suffering or bliss. So there can be no Self. If one knows that there is Self by reason of going and stopping, facing downwards or upwards, or sleeping or winking, any engine or wooden man must possess Self. O good man! The same is the case with the Tathagata. He does not go, stop, look up or down, see or wink. He has no suffering or bliss, no greed or anger, no ignorance and no action. The Tathagata thus has the Self. Also, next, the tirthikas may say that when one sees a person eating some fruit, one’s mouth waters and that, therefore, one has a Self. But by thinking back, too, one dribbles. But the saliva is not the Self. It is not joy, not sorrow, not weeping, not laughing, not falling down or standing up, not being hungry, not being full. From this, one may know that one definitely does not have the Self."
"O good man! The tirthikas are ignorant and are like children. They do not have the expedients of Wisdom. They cannot truly see what is meant by eternal, non-eternal, suffering, bliss, pure, not-pure, Self, not-Self, life, non-life, being, non-being, real, non-real, what is or what is not. They partake of only a little of the Buddhist teaching. In a false way they say that there are the Eternal, Bliss, Self, and Purity. A person congenitally blind does not know what the colour of milk is like. He asks: "What is the colour of milk like?" Another says: "It is as white as the colour of a shell." The blind man further asks: "Is the colour of milk like the sound of a horn?" "No" is the reply. "What colour is the colour of a shell like?" The answer comes back: "It is like the colour of rice powder." The blind man asks: "Is the colour of milk as soft as rice powder? And what is the colour of rice powder like?" The answer comes: " It is like snow." The blind man says: "Is rice powder as cold as snow? And what is it like?" The answer comes back: "It is like a crane." Even though this congenitally blind man receives four similes in reply, he cannot arrive at the true colour of milk. It is the same with the tirthikas. To the end, they cannot arrive at what is meant by the Eternal, Bliss, Self, and Purity. The same is the case [here]. O good man! For this reason, the real truth rests with the Buddhist teaching. Things do not stand thus with the tirthikas."
Manjushri said to the Buddha: "O Rare World-Honoured One! The Tathagata, now facing Parinirvana, further turns the unsurpassed wheel of the Dharma. And thus he clearly presents “Paramartha-satya”. The Buddha said to Manjushri: "Why do you particularly gain the thought of Nirvana? O good man! You may presume and think that I am the Buddha and have achieved unsurpassed Enlightenment; that I am Dharma and that Dharma is what I possess; that I am the Way and the Way is what I possess; that I am the World-Honoured One and the World-Honoured One is what I am; that I am the sravaka and the sravaka is what I am; that I indeed teach others and make others give ear to me; that I truly turn the wheel of Dharma and others cannot. The Tathagata does not abide in such presumptions. Hence, the Tathagata does not turn the wheel of Dharma. O good man! There may be cases in which people make wrong assumptions and say: " The Self is the eye, and the eye is what the Self possesses. The same with ear, nose, tongue, body, and mind. The Self is matter, and matter is what the Self possesses. And this may extend down to dharma. The Self is the earth, and the earth is what the Self possesses. The same applies to water, fire and wind."
"O good man! People may speculate and say: "The Self is faith and faith is what the Self possesses. The Self is multiple knowledge and multiple knowledge is what the Self possesses. The Self is danaparamita [perfected giving] and danaparamita is what the Self possesses. The Self is shilaparamita [perfected moral precepts] and shilaparamita is what the Self possesses. The Self is ksantiparamita [perfected patience] and ksantiparamita is what the Self possesses. The Self is viryaparamita [perfected exertion] and viryaparamita is what the Self possesses. The Self is dhyanaparamita [perfected meditation] and dhyanaparamita is what the Self possesses. The Self is prajnaparamita [perfected Wisdom] and prajnaparamita is what the Self possesses. The Self is catvarismrty- upasthana [mindfulness] and catvarismrtyupasthana is what the Self possesses. The same with the four right efforts, the four at-willnesses, the five sense-organs, the five powers, the seven elements of Enlightenment, and the Noble Eightfold Path." O good man! The Tathagata does not, to the end, make such assumptions. Hence, the Tathagata does not turn the wheel of Dharma. O good man! If we say that he is eternal and unchanging, how could we say that the Buddha-Nature turns the wheel of Dharma? So you should not say: "The Tathagata now turns the wheel of Dharma."
"O good man! There is the situation, for example, where we get visual consciousness through the harmonious combination of eye, colour, light, and thinking. O good man! The eye does not think: "I shall cause consciousness to arise." Colour, down to thinking, do not ever say: "I shall cause visual consciousness to arise." Neither does consciousness say: "I shall arise by myself." O good man! Such a harmonization of the causal relations of the law [i.e. of dharmas] is drsti [seeing, view]. O good man! It is the same with the Tathagata. Through the harmonious combination of the causal relations of the six paramitas, we gain drsti. O good man! The same with the Tathagata. He reaches the bottom of all things by means of the six paramitas and the 37 elements assisting towards Enlightenment. Also, we call it the turning of the wheel of Dharma, as he, using throat, tongue, teeth, lips and mouth, and through speech and voice, speaks of Dharma to Kaundinya and others. That is why we do not say that the Tathagata turns the wheel of Dharma. O good man! What is not turned is Dharma. Dharma is the Tathagata. O good man! Through the use of flint, by means of striking, by means of using the hands, and through using autumnal, dried-up grass, we obtain fire. But the flint does not say: "I shall cause fire to come about." The [act of] striking, the hand, and the dried-up grass also do not think: "I shall cause fire to arise." Nor does the fire say: "I shall come about by myself." It is the same with the Tathagata. Through the six paramitas, down to speaking to Kaundinya, there occurs the turning of the wheel of Dharma. But the Tathagata, too, does not think and say: "I turn the wheel of Dharma". O good man! We speak of "non-coming-out" [non-arising, non-acting]. This is the right turning of the wheel of Dharma. This turning of the wheel is the Tathagata.
"O good man! An example: from cream, water, churning, a pot, and a person's hand holding it, we obtain butter. The cream does not think to itself: "I will call forth butter." Nor, even, does the person’s hand think to itself: "I will call forth butter." And the butter, too, does not think to itself: "I wll come about by myself." By means of the coming together of the various causal relations, butter comes into being. The same with the Tathagata. He does not think and say: "I turn the wheel of Dharma." O good man! This non-coming-out [non-deliberation of one’s acts; spontaneity] is but the turning of the wheel of Wonderful Dharma. This turning of the wheel is at once the Tathagata.
"O good man! Through the combinations of such conditions as body, earth, water, fire, wind, and the fertility of the soil and the season, a bud comes out. O good man! The seed also does not say: "I shall call forth the bud." Nor does the labour itself think and say: "I shall call forth the bud." Nor does the bud say: "I shall come about." It is the same with the Tathagata. To the end, he does not think and say: "I do turn the wheel of Dharma." This turning of the wheel of Dharma [“Dharmacakra-pravartana”] is the Tathagata.
"O good man! As an example: through the conjoining of a drum, emptiness, leather, man, and drum-stick, we get the sound of the drum. The drum does not think and say: " I call forth sound." The same with the drum-stick. Nor does the sound say: "I shall come out". O good man! It is the same with the Tathagata. He does not, to the end, think and say: " I turn the wheel of Dharma." O good man! Turning the wheel of Dharma means "not-doing". Non-doing is turning the wheel of Dharma. Turning the wheel of Dharma is the Tathagata.
"O good man! Turning the wheel of Dharma is what takes place in the world of the All-Buddha-World-Honoured One. It is not something that can be known by sravakas and pratyekabuddhas. O good man! Space is no being-born, not coming-out, non-doing, not construing, or not what is created. It is the same with the Tathagata. He is no being-born, no coming-out [arising], no construing, and not what has been created. Like unto the nature of the
Tathagata is the Buddha-Nature. It is not a being-born, not an arising, not a making, not a construing, and is not what is created.
"O good man! In what the All-Buddha-World-Honoured One says, there are two kinds [categories]. One is of the mundane, and the other is of the supramundane world. O good man! For the sake of sravakas and pratyekabuddhas, the Tathagata speaks about what is mundane. For the sake of Bodhisattvas, he speaks about what is supramundane. O good man! In this great congregation, there are, again, two kinds. One is the [type of] person who seeks the smaller vehicle, and the other is he who seeks the larger vehicle. In days gone by, at Varanasi, I turned the wheel of Dharma to all sravakas, and first at Kusinagara I turn the larger wheel for Bodhisattvas. Also, next, O good man! There are again two kinds of people, who are of: 1) middle grade and 2) higher grade. For those of the middle grade, I turned the wheel of Dharma at Varanasi. And for those of the higher grade, for the elephant king, Bodhisattva Kasyapa, and others, I now, here, at Kusinagara, turn the larger vehicle [wheel] of Dharma. For those of the very lowest grade, the Tathagata, to the end, does not turn the wheel of Dharma. The lowest is the icchantika. Also, next, O good man! There are two kinds of person who seek the Buddhist teaching. One is he who makes middling effort, and the other is the person who makes higher effort. At Varanasi, I turned the wheel of Dharma for the sake of those of the middle grade, and here at this castle I turn the larger wheel of Dharma for those of the higher grade. Also, next, O good man! In days gone by, at Varanasi, when I first turned the wheel of Dharma, 8,000 devas attained the level of shrotapanna; and here at this castle, 800,000 people will attain unsurpassed Enlightenment and will not retrogress. Also, next, O good man! At Varanasi, Great Brahma fell to his knees and begged me to turn the wheel of Dharma. Now, here at this castle, Bodhisattva Kasyapa falls to his knees, begging me to turn the wheel of Dharma. Also, next, O good man! “When, in days gone by, I turned the wheel of Dharma, I spoke of the non-eternal, suffering, Void, and selflessness. Now, here in this castle, I turn the wheel of Dharma. I speak of the Eternal, Bliss, Self and Purity as true as can be.” Also, next, O good man! When I turned the wheel of Dharma in the past at Varanasi, my voice reached Brahma. When, now, the Tathagata turns the wheel of Dharma here at Kusinagara, my voice reaches and fills all the Buddha-lands to the east, whose number is as great as the sands of 20 Ganges. The same applies to the lands in the south, west and north.
"Also, next, O good man! The All-Buddha-World-Honoured One speaks of the Dharma. In all cases, we say that he turns the wheel of Dharma. O good man! It is just as the chakravartin's chakraratna [Jewel Wheel] thoroughly subdues those not yet come under his banner and gives peace to those already subdued. O good man! So does it stand with the delivering of sermons by the All-Buddha-World-Honoured One. The countless defilements not yet subdued will be conquered, and the root of good will shoot forth amongst those [people] already conquered. For example, O good man! It is just as the chakravartin's chakraratna truly makes away with all enemy robbers. The same with the sermons of the Tathagata. They thoroughly subdue all the hostile defilements, and peace reigns. Also, next, O good man! It is similar to the chakravartin’s chakraratna, which rotates up and down. It is the same with the Tathagata’s sermons. They indeed make the people of the lower world come up and gain rebirth in the worlds of humans, gods, or up to the Buddha world. O good man! That is why you should not utter praise, saying: "The Tathagata now, here, further turns the wheel of Dharma."
Then Manjushri said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is not that I did not know this. It was merely for the benefit of beings that I put this question. O World-Honoured One! I have long known this. Turning the wheel of Dharma is truly what obtains in the world of the All-Buddha-Tathagata, and this is something that cannot be attained by sravakas and pratyekabuddhas."
Then the World-Honoured One said to Bodhisattva Kasyapa: "O good man! This is why we say that a Bodhisattva abides in the teaching of the Great Nirvana Sutra of Mahayana and performs holy actions." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured
One! Why do we say "holy action?" "O good man! "Holy" refers to the All-Buddha-Tathagata. Hence, we say "holy action." "O World-Honoured One! If this refers to the works of all Buddhas, it cannot come within the reach of practice of sravakas, pratyekabuddhas, and Bodhisattvas." "O good man! The All-Buddha-World-Honoured One abides in Mahaparinirvana and thus opens out, discriminates and explains the meaning. For this reason, we say " holy action" . The sravakas, pratyekabuddhas and Bodhisattvas, as soon as they hear [the Buddha’s words], practise well. Hence, "holy action". O good man! As soon as this Bodhisattva-mahasattva has done this work, he attains the stage of fearlessness. O good man! If a Bodhisattva attains the stage of fearlessness, he then has no fear of greed, anger, ignorance, birth, age, illness and death. Also, he does not fear the unfortunate realms of hell, hungry ghosts, and animals. O good man! Of evil, there are two kinds. One is of the asura, and the other is of man. Of man, there are three kinds, which are: 1) icchantika, 2) slandering of the vaipulya sutras, and 3) the four grave offences [for a monk: killing; stealing; sexual misconduct; and lying]. O good man! All Bodhisattvas of this stage do not have fear of falling into evil. Also, they are not afraid of sramanas, Brahmins, tirthikas, the evil-minded, and Marapapiyan; also, they are not afraid of being born into the 25 existences. That is why this stage is called that of fearlessness."
"O good man! The Bodhisattva-mahasattva abides in the soil of fearlessness. He gains the 25 samadhis and breaks [destroys, liberates himself from, does away with] the 25 existences. O good man! When he attains the non-defilement samadhi, he does away with existence in hell. On gaining the non-retrogressive samadhi, he does away with existence as an animal. Gaining the blissful-mind samadhi, he does away with existence as a hungry ghost. Gaining the alljoy samadhi, he crushes out existence as an asura. Gaining the sunlight samadhi, he destroys existence in Aparagodaniya. Gaining the burning-flame samadhi, he does away with existence in Uttarakuru. Gaining the phantom samadhi, he does away with existence in Jambudvipa. Gaining the immovable samadhi of all things, he does away with existence in the four heavens. Gaining the unbeaten samadhi, he does away with existence in Rayastrimsa Heaven. Gaining the glad-will samadhi, he crushes out existence in Yama’s heaven. Gaining the blue-colour samadhi, he does away with existence in Tushita Heaven. Gaining the yellow-colour samadhi, he destroys existence in Nirmanarati Heaven. Gaining the red-colour samadhi, he crushes out existence in Paranirmitavasavartin Heaven. Gaining the white-colour samadhi, he does away with existence in the first-dhyana Heaven. Gaining the varied samadhi, he does away with existence as Great Brahma. Gaining the twin samadhi, he destroys existence in the second dhyana. Gaining the thunder-sound samadhi, he destroys the third dhyana. Gaining the rain samadhi, he does away with the fourth dhyana. Gaining the akasha-like [space-like] samadhi, he does away with avrha existence. Gaining the bright-mirror samadhi, he does away with the existences of the Suddhavasa Heaven and the anagamin. Gaining the unhindered samadhi, he destroys akashanantayatana existence. Gaining the non-hindrance samadhi, he destroys akashanantay- atana existence. Gaining the eternity samadhi, he does away with vijnananantayatana existence. Gaining the bliss samadhi, he crushes out the akincanyayatana. Gaining the Self samadhi, he does away with the naivasamjnanasamjnayatana. O good man! This is how we say that a Bodhisattva, on gaining the 25 samadhis, destroys the 25 existences. O good man! These 25 samadhis are called the king of all samadhis.
"O good man! If the Bodhisattva-mahasattva gains the all-samadhi king and wishes to blow away or crush Mount Sumeru, he can do so as he wills. If he desires to know what the minds of the beings of the 3,000 great-thousand worlds are thinking, he can do this as he wishes. If he desires to put the beings of the 3,000 great-thousand worlds into the pores of his skin, he can indeed do so as he desires. And he can do so without the beings’ having any sense of being constricted. If he desires to transform innumerable beings and fill the 3,000 great-thousand worlds, he can do so as he desires. He can easily make one body into many, and many into one. Though he can do this, he does not cling to it. This is like the case of the lotus flower.
"O good man! The Bodhisattva-mahasattva, having thus entered the [king] samadhi, can indeed go anywhere. The Bodhisattva, abiding in this unmolested [i.e. unlimited, free] state, gains unmolested power and can be anywhere he desires to be. O good man! For example, this is like a chakravartin who, having gained four lands, finds nothing that obstructs him and he can act as he desires. The same with the Bodhisattva-mahasattva. Wherever he desires to go and live, he can do so as he desires. If a Bodhisattva- mahasattva sees any being in hell who can be taught and made to do good, he can immediately go there. The Bodhisattva is not originally born as a result of karma, but gains the unmolested soil through the causal relations of thus being born. O good man! The Bodhisattva-mahasattva, even though in hell, does not suffer from the pain of being burned or slashed. O good man! It is difficult fully to explain all the virtues which the Bodhisattva-mahasattva has cultivated within himself and which are as innumerable and boundless as 100 thousand million billion. And how could one explain all the virtues of all Buddhas?"
Then, among those gathered there, was a Bodhisattva whose name was " King-who- Abides-in-the-Undefiled-Storehouse" . He had achieved great virtue and possessed divine power, great dharanis, was perfect in samadhi and fearlessness. He stood up and, baring his right shoulder, placed his right knee on the ground, prostrated himself and said to the Buddha: "O World-Honoured One! As you the Buddha say, the virtues and Wisdom perfected by all Buddhas and Bodhisattvas are as innumerable as 100 thousand million billion. It is impossible to explain [them]. I think to myself that nothing can supercede this Mahayana sutra. Why not? Because through the power of this Mahayana vaipulya sutra, there appear the All-Buddha- World-Honoured One and unsurpassed Enlightenment."
Then the Buddha praised him and said: " Well said, well said! O good man! It is thus, it is thus! It is as you say. All the innumerable Mahayana vaipulya sutras accomplish innumerable virtues. But compared with this, the simile fails. It [the virtue of this sutra] exceeds [the virtue of other sutras by] more than 100 times, more than 1,000 times, more than 100,000 million times, and no number can express it. O good man! For example, a cow brings forth milk; the milk produces cream, the cream produces fresh butter, the fresh butter produces clarified butter, and the clarified butter produces sarpirmanda. Sarpirmanda is the best. When it is partaken of, all illnesses die away. All medicines are contained in this. O good man! It is the same with the Buddha. From the Buddha come about the 12 types of sutra [scripture]. From the 12 types of sutra there come about the sutras [proper]. From the sutras come about the vaipulya sutras. From the vaipulya sutras there arise the prajnaparamita [Perfection of Wisdom sutras], and from the prajnaparamita comes about the Great Nirvana. The case is as that of sarpirmanda. Thus, sarpirmanda can well be likened to the Buddha-Nature. The Buddha-Nature is the Tathagata. O good man! For this reason, I say that the virtues of the Tathagata are immeasurable. They stand beyond number."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You the Buddha say: "The Great Nirvana Sutra is like sarpirmanda and is the best. When partaken of, it cures all illnesses. All medicines are contained in this." On hearing this, I think to myself: "If any person cannot get to hear this sutra, such a person is the greatest of the ignorant and has no good mind." O World-Honoured One! I shall now peel off my skin, turn it into paper; take out my blood and turn it into ink; get water from my marrow, crack a bone to have it serve as a pen, and with all of these copy out the Great Nirvana Sutra. Having copied it out, I shall read and recite it, understand it well, and then, later, I shall patiently expound it to others. O World- Honoured One! If beings are dying for wealth, I shall give it to them, and later recommend this Nirvana Sutra and have them read it. With the nobility, I shall use loving words, follow them and later, by degrees, recommend this Mahayana Great Nirvana Sutra to them and get them to read it. With the dull, I shall force them to read it; with the arrogant, I shall become their servant, comply with their will, gladden them, and then guide them into the Great Nirvana Sutra. If there should be anyone who slanders the vaipulya, I shall crush him down, and after having subdued him, I shall recommend this Great Nirvana Sutra [to him] and have him read it. To any person who loves the Mahayana sutras, I shall myself pay homage, I shall make him offerings, and I shall respect and praise him."
Then the Buddha praised Bodhisattva Kasyapa: "Well said, well said! You love the [this] Mahayana sutra very much. You covet it, you love the Mahayana sutra, you understand it, believe in and respect Mahayana, and you make offerings [to it]. O good man! Through the causal relations of the good mind, you will rise above Bodhisattvas whose number is as countless and as boundless as the sands of the River Ganges, and you will attain unsurpassed Enlightenment. Before long, you too, like me, for the sake of beings, will expound Great Nirvana, the Tathagata, the Buddha-Nature, and all the hidden teachings of all Buddhas. O good man! In days past, when the sun of the Buddha had not yet risen, I was born as a Brahmin and was practising the Way of a Bodhisattva. I was versed in all sutras and in the sutras of the tirthikas, and was practising the Way of silent extinction. And I was perfect in my deportment. My mind was pure. Even if others came and urged [tempted, attacked] me, I was not beaten. Having relinquished the fire of anger, I upheld the law of the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. I went about and looked for Mahayana sutras, but had not yet heard the name of the vaipulya. At that time I lived in the Himalayas. The mountains were pure; there was a plenitude of running rivers, ponds, forests, medicinal trees all around. Here and there, between the rocks, ran clear streams; beautiful flowers adorned everywhere. There were innumerable birds and animals. Sweet were the fruits and countless their varieties. Also, there were lotus roots, sweet roots, blue trees, and fragrant roots. I lived alone at that time, on fruit. After partaking of the fruit, I concentrated my mind and sat in meditation. It took an immeasurably long time, but I never heard of the appearance of the Tathagata or of the Mahayana sutras. O good man! I thus practised the Way through all difficulties, and Sakrodevanam and all the devas wondered at my practising of the Way. They all gathered together and spoke to each other, saying in a gatha:
"Each of us points and says
That in this pure quarter of the Himalayas
There lives a master, alone
And parted from all greed,
The king of all virtues.
Removed is he already
From greed, anger, and arrogance;
Long since has he done away with Flattery and ignorance.
His mouth does not speak What is rough or evil."
"At that time, there was a deva among those present whose name was " Joy" , and who also said in a gatha:
"One like this who is apart from greed
Is pure and makes effort. Is not such a person
One who looks up to Shakra [chief of gods] or the devas?
If such a person is one who seeks the Way,
Such a one will undergo penance.
Such a person will desire to gain The place where Shakra sits."
"At that time, there was a rishi who spoke to Shakra in a gatha:
"O Kausika [i.e. Shakra], master of heaven! Do not conceive things this way.
The tirthikas undergo penance.
Why do they need necessarily
To seek the place where Shakra lives?"
"Speaking thus, he also said: "O Kausika! There is a great person here who, for the sake of beings, does not conceive things for his own good. To benefit beings, he practises penance in innumerable ways. Such a person sees in the world of birth and death all kinds of wrong, so that he does no covet any treasure, even if it filled this earth, all the mountains and the great seas. He sees all such things as being equal to tears and spit. Such a great person gives up his treasures, his wife and children, whom he loves, his head, eyes, marrow, hands, feet, the house where he lives, his elephant and horse, his vehicle, his male or female servants or pages; and he does not desire to be born in heaven. What he desires is solely to gain all happiness. What is evident to me is that such a great person is pure, has no defilements; he has done away with all the bonds of the “asravas”. Possibly he is bound for unsurpassed Bodhi."
"Sakrodevanamindra says: " What you say seems to refer to one who desires to save all beings of the world. O great sage! If there is to be a Buddha tree in this world, he will uproot all the serpents of illusion of all such as Brahma, the beings of the world, and the asuras. If beings live in the cool shade of this Buddha tree, all poison will go away. O great rishi! If this person, in days to come, becomes a Sugata [Buddha], all of us will be able to extinguish the innumerable burning fires of illusion. Such a thing is hard to believe. Why? Innumerable beings gain unsurpassed Bodhichitta [resolve to gain Enlightenment], but as their causal relations [for this] are meagre, the Bodhichitta shatters. This is like the moon reflected in water, which moves if the water moves, or it is as difficult as trying to draw pictures in water, pictures which easily disperse. It is the same with Bodhichitta. It is difficult to attain it and it easily breaks apart. O great rishi! There are many people decked out in armour and with arms, who proceed to beat the enemy. But if the mind has fear while on the battle-field, that person is forced to draw back. It is like this with all beings. A person may be strongly armed with Bodhichitta and be adorned with it. But on seeing the works of birth and death, the mind feels fear, at which the person has to pull back. O great rishi! I have seen the minds of innumerable beings being thus shattered and shaken after they gained [initial] Bodhichitta. For this reason, though I now see this person intent upon penance, and though he has no worry or heat, and even though on a precipitous path his pursuit is pure, yet I still cannot believe in him. I shall now go and see for myself whether he is decidedly worthy of shouldering the heavy burden of unsurpassed Enlightenment. O rishi! It is like a wagon, which, if it has two wheels, can well stand carrying weight, or like a bird which, if it has two wings, can indeed fly. It will be the same with this person who is practising penance. Now, he is intent on upholding the prohibitive precepts, but I do not know if this person has deep Wisdom. If he has, he will indeed be able to shoulder the great weight of unsurpassed Enlightenment. O great rishi! A fish, for example, may have many eggs, but only a few fish will manage to emerge from them. The mango tree has many flowers, but the fruits are small in number. Many are the people who aspire to Enlightenment, but so few are those who attain that end that it is not worth mentioning. O great rishi! I shall go along with you and see for myself how matters stand. For example, O great rishi! One can distinguish true gold if one performs three types of test, which are: burning, beating, and polishing. This must be the way to test penance."
"Then Shakrodevanamindra transformed himself into a rakshasa [flesh-eating demon] who was very fearful to behold. He came down to the Himalayas. And he stood there, not far away. At that time, the rakshasa had no fear in his mind; he looked brave, with none to compare to him. His oratory was in order, with his voice clear. He spoke half of a gatha from the Buddhas of days past:
"All things change.
This is the law of birth and death."
"Thus saying, he stood before the person. He looked very frightening, and looked all around him. The person who was practising penance heard these [words] and was happy. It was like a merchant who, while travelling on a difficult path through the dark night and losing sight of his companions, becomes full of fear, but when he meets up with his comrades again feels no end of joy; or it was like a person who has long been ill, without encountering a good doctor, good treatment or good medicine, who later comes across such; or it was like a person at sea who falls into the sea water and suddenly encounters a boat; or like a thirsty person who comes across water; or like a person who is being pursued by an enemy and who suddenly escapes; or like a person who has long been chained up in prison, who suddenly obtains release. Or it was like a farmer who encounters rain during the days of drought, or like a traveller who returns home again, and whose people at home are overjoyed. O good man! I, at that time, heard this one half of the gatha and was likewise joyous. I immediately got up from my seat, lifted up my hair with my hand, looked around me and said: " From whom was that gatha which I heard just now?"
"At that time, as I looked around, I could see nobody except a rakshasa. I said: "Who is it that so opens the gate of emancipation and so thunders out the voice of all Buddhas? Who is it who, amidst the sleep of birth and death, alone awakes and utters such words? Who is it who shows beings, facing birth and death and famine-stricken, this unsurpassed Way? Innumerable beings flounder in the sea of birth and death. And who is it who is going to become a great master mariner? All these beings are always greatly stricken by the illness of the “asravas”. Who is it who is able to become the best of doctors? This half of the gatha teaches me, opens up and awakens my mind. It is as when the half-moon causes the lotus to open up its petals." I then, O good man, saw none but the rakshasa. Also, I thought thus: " Did the rakshasa speak this gatha?" Again I doubted: "Maybe he did not. Why not? The appearance of the man is so very frightful. Anyone who heard this gatha would do away with all fear and ugliness. How could a man like this, who looks so ugly, deliver a gatha such as this? A lotus cannot come out of fire; there cannot be cool water where the sunlight falls."
"O good man! I then said to myself: "I am now ignorant. This rakshasa may have seen all the Buddhas in the past. On seeing them, he may have had a chance of hearing this half of the gatha. I shall ask." Going up to where he was, I said: "Well, O great one! Where did you get this half of the gatha from a Fearless One of the past? O great one! Where did you get this half of a cintamani [wish-fulfilling jewel] of a gatha? O great one? This half of the gatha is the right path of the All-Buddha-World-Honoured Ones of the past, future, and present. The innumerable beings of the world are always overshadowed by all wrong actions, and all life through they stand amidst the teachings of the tirthikas and do not have the chance of hearing the supramundane words spoken by the World's Hero [Buddha], who is possessed of the ten powers." O good man! When I thus asked, the answer came back: "O great Brahmin! Do not ask of me the meaning of this. Why not? I have not eaten anything for days. I have looked all around, but I cannot find anything to eat. Due to thirst, hunger and worry, my mind is deranged and my words do not come out in order. My mind itself does not know [what is what]. I have flown through the sky. I have been to Uttarakuru, to heaven, and to all other places, but I cannot get food anywhere. So, I speak thus." O good man! I then said to the rakshasa: " O great one! If you tell me about this gatha, I shall be your disciple to the end of my life. O great one! What you spoke was not entire and the meaning was not complete. Why do you not wish to speak? Now, there is an end even to wealth, but there is no end to the dana [giving] of Dharma. The dana of Dharma knows no ending. The benefit it bestows is great. Now that I have heard this half of the gatha, my mind is surprised, and I also have doubt. Now, ease my mind! If you complete this gatha, I shall be your disciple until the end of my days." The rakshasa answered: "You have penetrated deeply into Wisdom. Only, you care solely for your own self and miss what was meant. I am now oppressed by hunger. I cannot carry on talking." I asked: "What do you eat?" The rakshasa replied: "Do not ask. If I say, people get frightened."
I further said: "I live alone, there is nobody else here. I, now, am not afraid of you. Why will you not say?" The rakshasa said: "What I eat is the soft flesh of man; what I drink is man’s warm blood. It is an unfortunate destiny of mine that I have to sustain my life in this way. I go round and look about, but I cannot get any of these things. There are many men in the world. But all have virtue; all are protected by heaven. Besides, I have no strength and cannot kill." O good man! I further said: "Tell me the meaning of the gatha in full. After hearing it, I shall offer you my body. O great one! I may die, but such a body as mine is of no use to me. It could get devoured by a tiger, wolf, owl or eagle, without my being blessed with a hair’s amount of gain on my side. I am now intent upon unsurpassed Enlightenment. I shall discard a body which is not hard enough, and I mean to trade it for an indestructible one." The rakshasa answered: " Who could believe what you say? Abandoning the beloved body for the sake of eight [=in English, eleven] words [i.e. the final words of the poem]?" O good man! I replied: "You are really ignorant. Imagine a man here. It would be like giving up an earthenware [pot] for a vessel containing seven jewels. The same with me. I shall cast away my body which is not strong enough, in order to obtain an Adamantine Body. You say: [How can I believe you] I have witnesses such as Great Brahma, Shakrodevanamindra, and the four guardians of the earth, who will all bear witness to me. Also, all Bodhisattvas who wish to benefit countless beings and who all study Mahayana and who are perfect in the six paramitas will attest [to my sincerity]. And there are the All-Buddha-World-Honoured Ones of the ten directions who desire to benefit all beings. They, too, will bear witness that I shall indeed cast aside my body for the sake of those eight words." The rakshasa said further: "If you wish to throw away your body thus, then listen well, listen well! I shall now recite the remaining half of the gatha for your sake." O good man! Then, on hearing his words, I was glad at heart. I took off the deer-skin clothing that I had on and spread it on the ground for the rakshasa to preach [upon], and said: "O Honoured One! Please sit on this. I shall fold my hands and prostrate myself on the ground before you and say: [O Please, Honoured One! Speak well for me the remaining half of the gatha and bring things to completion]." The rakshasa said:
"When birth and death are done away with,
Quietude is bliss."
"Having said this, the rakshasa further said: " O Bodhisattva-mahasattva! You have now gained the complete meaning of the gatha and you must be satisfied. If you desire to benefit all beings, give me your body now!" O good man! I, at that time, pondered greatly upon the [gatha’s] meaning. So I later wrote this gatha upon stones, walls, trees, and upon the path. Then I put my clothes on. For possibly after death my body might be exposed [to someone]. I climbed a tall tree. Then the tree god said: "O you! What do you intend to do?" O good man! I answered: " I shall now cast away my body, so as to repay the value I have obtained from the gatha." The tree god asked: "What benefit does the gatha bestow?" I answered: "This gatha is what the Buddhas of the past, future and present have had for the opening up of the doctrine of the All-Void. I give my body up for this. It is not for profit, fame or treasure; not for the bliss of the chakravartin, the four guardians of the earth, Great Brahma, or man or heaven. I cast this away for the benefit of all beings." O good man! I also vowed to myself: "Let all miserly people come and see how I relinquish this body. If there is a person who gives little and asks for much, let such a person see how I, merely for this gatha, cast my body away, just as a person might discard grass or wood."
"As I said this, I flung my body down from the tree to the ground. It had not yet reached the ground when several voices sounded in the air. The voices reached as far as Akanistha Heaven. Then the rakshasa displayed his original form as Shakra, took hold of me in midair, and deposited me upon the ground. Then, Skakrodevanamindra, all the devas, and Great Brahma fell to the ground. They touched my feet, raised me up, and said: "Well done, well done! It is good, it is good! This truly is a Bodhisattva who benefits innumerable beings and who, in the blackness of the gloom, desires to set up a great torch. As I love the Tathagata’s great Dharma, I beautifully ponder and worry. Please give ear to how I repent of my sins. You shall assuredly, in days to come, achieve unsurpassed Enlightenment. Please condescend to succour me."
"Then, Shakrodevanamindra and the devas touched my feet. Then they disappeared and were seen no more. O good man! Since I discarded my body in days gone by for the sake of a gatha, in consequence I was able to hope to attain unsurpassed Enlightenment after twelve kalpas before Maitreya. O good man! I had accomplished such innumerable virtues. All arise from making offerings to the Tathagata’s Wonderful Dharma.
"O good man! It is the same with you. If you aspire to unsurpassed Bodhichitta [Mind of Enlightenment], this will place you above Bodhisattvas as innumerable as the sands of innu-merable, boundless Ganges. This is what we mean when we say that a Bodhisattva abides in the teaching of the Mahayana Mahaparinirvana and practises the holy Way."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.72.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập