Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc và sự thỏa mãn của con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi sự thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc máy điện toán.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thương yêu là phương thuốc diệu kỳ có thể giúp mỗi người chúng ta xoa dịu những nỗi đau của chính mình và mọi người quanh ta.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 3 - Phẩm THỌ MẠNG - Phẩm thứ nhất – Phần ba »»
Phật dạy các tỳ-kheo: “Đối với giới luật, nếu còn có chỗ nghi, nay các ông cứ hỏi. Ta sẽ giảng giải khiến các ông được vui lòng. Ta đã tu học tất cả [các pháp môn] nên thông đạt sáng suốt bản tánh rỗng không vắng lặng của các pháp. Nhưng này các tỳ-kheo! Các ông chớ tưởng rằng Như Lai chỉ tu học riêng về bản tánh rỗng không vắng lặng của các pháp mà thôi.”
Phật lại dạy các vị tỳ-kheo lần nữa: “Đối với giới luật, như có chỗ nghi, nay các ông nên hỏi cho cặn kẽ.”
Lúc ấy, các vị tỳ-kheo liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con không có đủ trí tuệ để thưa hỏi đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri. Vì sao vậy? Vì cảnh giới của Như Lai không thể nghĩ bàn, các phép thiền định của Như Lai không thể nghĩ bàn, những điều khuyên dạy của Như Lai không thể nghĩ bàn. Nên chúng con không đủ trí tuệ để thưa hỏi Như Lai.
“Bạch Thế Tôn! Ví như có người già đến một trăm hai mươi tuổi, thân thường mang bệnh, nằm mãi trên giường, không thể ngồi dậy, khí lực hư yếu, mạng sống chẳng còn bao lâu. Có một người nhà giàu gặp việc phải ra đi đến xứ khác, liền đem một trăm cân vàng đến gửi cho ông lão ấy và nói rằng: ‘Nay con đi xứ khác, đem tài sản quý báu này đến gửi nơi cụ. Hoặc mười năm, hoặc hai mươi năm nữa con sẽ trở về. Khi ấy, cụ sẽ trả lại cho con.’ Ông lão liền nhận lãnh số vàng. Nhưng ông lại chẳng có con cháu nối dòng. Chẳng bao lâu sau, ông bệnh nặng phải bỏ mình. Những vật gửi cho ông đều phải mất hết. Khi người chủ vàng trở về, chẳng biết đâu mà đòi. Như người ấy thật ngu si, chẳng biết suy tính chỗ đáng gửi hoặc không đáng gửi. Vì vậy nên khi trở về chẳng biết đâu mà đòi. Bởi duyên cớ ấy mà mất hết tài sản quý giá.
“Thế Tôn! Hàng Thanh văn chúng con lại cũng như thế. Tuy nghe Như Lai ân cần truyền dạy giới luật, nhưng chúng con chẳng đủ sức thọ trì để làm cho Phật pháp trụ thế lâu dài, cũng như ông lão kia nhận vàng người ta trao gửi. Nay chúng con không có trí tuệ, đối với giới luật biết thưa hỏi gì đây?”
Phật dạy các tỳ-kheo: “Nay nếu các ông hỏi ta, ắt có lợi ích cho tất cả chúng sanh. Vậy nên ta bảo các ông: tùy theo chỗ nghi của mình, cứ tùy ý mà thưa hỏi.”
Lúc ấy, các tỳ-kheo bạch Phật: “Thế Tôn! Ví như người kia, tuổi vừa hai mươi lăm, khỏe mạnh, tráng kiện và là người ngay thẳng, chính trực. Người ấy có nhiều của báu, như: vàng, bạc, lưu ly... Cha mẹ vợ con, quyến thuộc, dòng họ thảy đều còn đủ. Lại có kẻ đem vật báu đến gửi cho người ấy, nói rằng: ‘Nay tôi có việc phải đi đến xứ khác, khi nào xong việc tôi sẽ trở về. Khi ấy, ông sẽ trả lại cho tôi.’
“Rồi người ấy giữ gìn của cải quý giá đó cũng như của mình. Khi có bệnh, người ấy bèn dặn người nhà rằng: ‘Số vàng này của người ta gửi. Khi nào chủ vàng đến nhận, hãy trả đủ cho người ta.’
“Người có trí là như vậy, khéo biết suy lường. Khi trở về nhận vàng được đầy đủ, không mất mát chi cả.
“Đức Thế Tôn cũng vậy. Nếu đem Pháp bảo mà phó chúc cho A-nan cùng các tỳ-kheo thì chẳng thể giữ được lâu dài. Vì sao vậy? Tất cả các vị Thanh văn và Đại Ca-diếp đều là vô thường, như ông lão kia nhận vật do người khác gửi [mà không có khả năng giữ gìn].
“Vì vậy, Thế Tôn nên đem Phật pháp vô thượng mà giao phó cho các vị Bồ Tát. Bởi các vị Bồ Tát có thể khéo hỏi, khéo đáp, nên Pháp bảo sẽ được trụ lâu ngàn đời, tăng triển lớn lao và hưng thạnh, mang lại lợi ích, an lạc cho chúng sanh, như người trẻ tuổi tráng kiện kia nhận vật do người khác gửi [rồi đủ sức giữ gìn cẩn thận không để mất].
“Vì lẽ đó, các vị Đại Bồ Tát mới có thể thưa hỏi Như Lai. Trí tuệ của chúng con nhỏ nhoi như muỗi mòng, làm sao đủ sức thưa thỉnh pháp sâu xa của Như Lai?”
Bạch Phật rồi, các vị Thanh văn lặng thinh đứng yên.
Lúc ấy, đức Phật khen các tỳ-kheo rằng: “Lành thay, lành thay! Các ông khéo được tâm vô lậu, tâm A-la-hán. Ta đã từng nghĩ, vì phải có hai duyên như trên, nên đem Đại thừa mà phó chúc cho các Bồ Tát, khiến cho diệu pháp này được trụ lâu dài ở thế gian.”
Bấy giờ, Phật bảo tất cả đại chúng rằng: “Thiện nam tử! Thiện nữ nhân! Thọ mạng của Như Lai không thể đo lường cho xiết, tài biện thuyết của Như Lai cũng không thể cùng tận. Các ông nên tùy ý hỏi ta, hoặc hỏi giới luật, hoặc hỏi chỗ nương dựa y theo.”
Phật dạy như vậy đến lần thứ hai, rồi lần thứ ba.
Lúc ấy, trong đại chúng có một vị đại Bồ Tát tuổi còn rất trẻ, gốc người bộ tộc Đa-la, họ Đại Ca-diếp, thuộc dòng bà-la-môn. Nương sức thần của Phật, vị này đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vén trần vai áo bên tay mặt, nhiễu quanh Phật cả trăm ngàn vòng cung kính rồi quỳ gối bên mặt sát đất, chắp tay hướng về đức Phật bạch rằng: “Thế Tôn! Con nay có chút việc muốn thưa hỏi. Nếu Phật cho phép, con mới dám nói.”
Phật bảo Ca-diếp rằng: “Đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri cho phép ông tùy ý hỏi. Ta sẽ vì ông giảng thuyết, dứt chỗ nghi cho ông, làm cho ông được vui vẻ.”
Liền đó, Đại Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Lai thương xót, đã hứa với con, nay con sắp hỏi. Tuy nhiên, trí tuệ của con nhỏ hẹp như muỗi mòng, đạo đức của Như Lai Thế Tôn thì cao vòi vọi, vây quanh ngài là đại chúng thảy đều như hương thơm chiên-đàn, như sư tử dũng mãnh khó mà chế phục, không thể hoại diệt. Thân Như Lai bền chắc như kim cang, màu sắc như ngọc lưu ly chân thật khó hoại diệt, lại có các vị đây hợp thành biển đại trí tuệ vây quanh. Trong hội chúng này, các vị Đại Bồ Tát đều thành tựu những công đức sâu xa vi diệu vô lượng vô biên, như những con voi đang sức tráng kiện. Ở trước đại chúng như vậy, con lại dám thưa hỏi sao? Nhưng nay nhờ sức thần thông của Phật và oai đức căn lành của đại chúng, con sẽ đem một ít việc mà thưa hỏi Phật.”
Liền đó, Bồ Tát Ca-diếp đối trước Phật đọc kệ thưa hỏi rằng:
Làm sao được trường thọ,
Thân kim cang chẳng hoại?
Lại do nhân duyên nào,
Được sức kiên cố lớn?
Làm sao nhờ kinh này,
Cứu cánh được giải thoát?
Nguyện đem pháp sâu kín,
Thuyết rộng với chúng sanh.
Làm sao được rộng lớn,
Làm y chỉ chúng sanh,
Thật chẳng phải La-hán,
Nhưng dự hàng La-hán?
Làm sao biết thiên ma,
Làm trở ngại chúng tu?
Phật thuyết, Ba-tuần thuyết,
Làm sao phân biệt rõ?
Làm sao bậc Điều ngự,
Vui lòng thuyết chân đế,
Thành tựu đủ chánh thiện,
Diễn thuyết bốn điên đảo.
Làm sao tạo nghiệp lành?
Nay Như Lai nên thuyết.
Làm sao các Bồ Tát,
Thấy tánh rất khó thấy
Làm sao hiểu trọn chữ,
Hoặc nghĩa lý nửa chữ?
Làm sao chung Thánh hạnh,
Như chim ta-la-ta,
Ca-lân-đề, nhật nguyệt,
Thái bạch với tuế tinh?
Làm sao chưa phát tâm,
Cũng được xưng Bồ Tát?
Làm sao giữa Đại chúng,
Được đức chẳng run sợ,
Ví như vàng diêm-phù,
Không ai chỉ được lỗi?
Làm sao giữa bùn nhơ,
Không nhiễm, như hoa sen?
Làm sao giữa phiền não,
Phiền não chẳng nhiễm ô,
Như lương y trị bệnh,
Chẳng bị bệnh lây truyền?
Làm sao như thuyền trưởng,
Vượt biển lớn sanh tử?
Làm sao lìa sanh tử,
Như rắn lột bỏ da?
Làm sao quán Tam bảo,
Giống như cây thiên ý?
Ba thừa nếu không tánh,
Làm sao thuyết diễn ra?
Như niềm vui chưa sanh,
Sao gọi là thọ lạc?
Làm sao chư Bồ Tát,
Được chúng chẳng hư hoại?
Làm sao vì người mù,
Dẫn đường làm mắt sáng?
Làm sao hiện nhiều đầu?
Xin Như Lai giảng thuyết.
Làm sao người thuyết pháp,
Tăng trưởng như trăng non?
Vì sao lại thị hiện,
Rốt cuộc vào Niết-bàn?
Làm sao bậc dũng kiện,
Dẫn lối trời, người, ma?
Làm sao hiểu tánh pháp,
Mà thường hưởng pháp lạc?
Làm sao chư Bồ Tát
Lìa xa tất cả bệnh?
Làm sao vì chúng sanh,
Diễn thuyết pháp bí mật?
Làm sao giảng rốt ráo,
Cùng pháp chẳng rốt ráo?
Như vì dứt lưới nghi,
Sao không thuyết xác định?
Làm sao được đến gần,
Đạo cao trổi hơn hết?
Con nay thỉnh Như Lai,
Vì thương chư Bồ Tát,
Xin thuyết lẽ thâm sâu,
Của các hạnh vi diệu.
Trong tất cả các pháp,
Ắt có tánh an vui.
Nguyện Như Lai Thế Tôn,
Vì chúng con giảng rõ.
Đại y chỉ chúng sanh!
Bậc đầy đủ phước trí!
Nay muốn hỏi các ấm,
Nhưng con không trí tuệ.
Chư Bồ Tát tinh tấn,
Cũng không thể biết rõ,
Cảnh giới rất sâu xa,
Của chư Phật Như Lai.
Lúc ấy, Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông chưa được trí tuệ rõ biết tất cả, còn ta đã được rồi, nhưng chỗ thưa hỏi của ông về tạng bí mật sâu xa đó cũng giống như chỗ thưa hỏi của bậc có trí tuệ rõ biết tất cả, chẳng khác gì nhau.
“Thiện nam tử! Khi ta mới thành Chánh giác, còn ngồi tại đạo tràng nơi gốc cây bồ-đề, bấy giờ có vô số chư Bồ Tát từ các cõi Phật nhiều như số cát của vô số con sông Hằng, cũng từng đến hỏi ta về nghĩa sâu xa ấy. Những chỗ thưa hỏi ấy, từ câu văn, nghĩa lý và công đức cũng giống như những chỗ hỏi của ông, chẳng khác chi cả. Thưa hỏi được như vậy có thể làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.”
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Con chẳng có đủ sức trí tuệ để hỏi Như Lai về nghĩa rất sâu xa ấy. Thế Tôn! Ví như con muỗi, con mòng chẳng thể bay qua tới bờ bên kia biển cả, hoặc bay khắp hư không. Con đây cũng vậy, chẳng thể hỏi đức Như Lai về nghĩa lý thăm thẳm của biển cả trí tuệ, của hư không pháp tánh như vậy.
“Thế Tôn! Ví như một vị vua, gỡ ra hạt minh châu từ nơi búi tóc của mình, giao cho quan giữ kho. Quan giữ kho nhận rồi, cung kính đội đầu, gắng sức gìn giữ. Con đây cũng thế, cung kính đội đầu, gắng sức gìn giữ nghĩa sâu các kinh Phương đẳng mà Như Lai giảng thuyết. Vì sao vậy? Vì có thể giúp cho con mở rộng trí tuệ sâu thẳm.”
Lúc ấy, Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Thiện nam tử! Hãy lắng nghe kỹ! Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết về nghiệp trường thọ mà Như Lai đã được. Bồ Tát nhờ nhân duyên nghiệp này mà được thọ mạng lâu dài. Vậy ông nên hết lòng nghe và thọ lãnh. Như nghiệp này có thể là nhân của bồ-đề, ông nên thành tâm lắng nghe và nhận lấy nghĩa lý. Đã nghe nhận rồi, lại nên vì người khác mà giảng thuyết nghĩa ấy.
“Thiện nam tử! Nhờ tu tập nghiệp ấy nên ta đã được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nay ta lại vì chúng sanh mà thuyết rộng nghĩa ấy.
“Thiện nam tử! Ví như một người con của vua, phạm tội nên bị giam trong ngục. Vua rất xót xa, thương nhớ con, bèn tự mình ngồi xe đến tận nơi giam giữ. Bồ Tát cũng như thế, muốn được trường thọ nên hộ niệm tất cả chúng sanh, giống như người đời thương yêu đứa con duy nhất của mình. Bồ Tát sanh lòng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, truyền thọ giới không giết hại, dạy tu pháp lành, lại nên làm cho tất cả chúng sanh được vững vàng trong Năm giới, Mười điều lành.
“Bồ Tát lại vào các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la... hết thảy các cảnh giới, cứu vớt những chúng sanh khổ não đang ở trong ấy. Bồ Tát giải thoát cho những chúng sanh chưa được giải thoát, hóa độ cho những chúng sanh chưa được hóa độ. Những chúng sanh chưa được Niết-bàn, Bồ Tát đều khiến cho đạt được Niết-bàn. Người an ủi tất cả những kẻ đang sợ sệt. Nhờ các nhân duyên của nghiệp như vậy, Bồ Tát được thọ mạng lâu dài, đối với các phép trí tuệ đều được tự tại; đến lúc mạng chung liền sanh về cõi trời.”
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Đại Bồ Tát đối với chúng sanh bình đẳng như nhau, đều giống như người đời thương yêu đứa con duy nhất của mình, nghĩa ấy sâu kín quá, con chưa hiểu nổi. Bạch Thế Tôn! Như Lai chẳng nên nói rằng: ‘Bồ Tát tu lòng bình đẳng đối với các chúng sanh, đều giống như người đời thương yêu đứa con duy nhất của mình.’ Vì sao vậy? Vì trong Phật pháp cũng có những kẻ phá giới, những kẻ phạm tội nghịch, những kẻ hủy báng Chánh pháp. Đối với những kẻ ấy, lẽ nào có thể yêu thương như con một của mình hay sao?”
Phật bảo Ca-diếp: “Đúng vậy, đúng vậy! Đối với chúng sanh ta quả thật đều xem đồng như con một của ta là La-hầu-la.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Lúc trước, nhằm ngày rằm, đang khi chư tăng tụng bố-tát, chúng hội đều là những vị thanh tịnh, đã từng thọ giới cụ túc của bậc tỳ-kheo. Lúc ấy, có một đồng tử chẳng khéo tu tập ba nghiệp thân, khẩu và ý, núp sau góc một tấm bình phong để lén nghe tụng giới. Vị lực sĩ Mật Tích liền nương sức thần của Phật, dùng chày kim cang đập đồng tử ấy nát ra như bụi.
“Bạch Thế Tôn! Thần Kim cang ấy phải rất là bạo ác mới có thể lấy mạng của đồng tử kia như vậy. Làm sao Như Lai bảo là đối với các chúng sanh đều xem như nhau, đồng như con một của ngài là La-hầu-la?”
Phật bảo Ca-diếp: “Nay ông chớ nên nói như vậy. Đồng tử kia chỉ là người hóa hiện, chẳng phải thật có, vì muốn xua đuổi những kẻ phá giới hủy pháp, khiến họ ra khỏi chúng tăng. Vị Kim cang Mật Tích ấy cũng là hóa hiện.
“Ca-diếp! Những kẻ hủy báng Chánh pháp, cùng những kẻ nhất-xiển-đề, những kẻ sát sanh, cho đến bọn tà kiến cùng những kẻ cố phạm giới cấm, ta đều thương xót họ tất cả, đều xem như con ta là La-hầu-la.
“Thiện nam tử! Ví như vị vua, nếu trong các quan có người phạm luật nước thì vua chiếu theo tội mà giết phạt chẳng tha. Như Lai Thế Tôn chẳng làm như vậy. Đối với kẻ hủy báng Chánh pháp, ngài dạy các phép yết-ma, như yết-ma quở trách, yết-ma trục xuất, yết-ma khu biệt, yết-ma trách tội, yết-ma không ai được gặp, yết-ma dứt tuyệt, yết-ma chưa bỏ tà kiến xấu ác.
“Thiện nam tử! Đối với kẻ hủy báng Chánh pháp, sở dĩ Như Lai dùng nhiều phép yết-ma hàng phục như vậy là muốn chỉ rõ cho những kẻ làm việc ác biết rằng thật có quả báo.
“Thiện nam tử! Nay ông nên biết: đối với những chúng sanh làm điều xấu ác, Như Lai là bậc bố thí cho họ sự an ổn chẳng sợ. Trong khi ngài phóng ra một luồng hào quang, hai luồng, hoặc năm luồng, nếu có những ai gặp được hào quang ấy sẽ lìa khỏi các điều xấu ác. Hiện nay, Như Lai có đủ vô lượng thế lực như vậy.
“Thiện nam tử! Với pháp chưa thể thấy, nếu ông muốn thấy thì nay ta sẽ vì ông giảng thuyết tướng mạo của pháp ấy. Sau khi ta nhập Niết-bàn, bất cứ nơi nào có tỳ-kheo trì giới, đầy đủ oai nghi, hộ trì Chánh pháp, nếu thấy kẻ phá hoại Chánh pháp thì có thể xua đuổi, quở trách, trừng trị. Nên biết rằng vị ấy sẽ được phước đức vô lượng, không thể kể xiết.
“Thiện nam tử! Ví như một vị vua chuyên làm việc bạo ác, rồi bị bệnh nặng. Có một vị vua nước láng giềng, nghe tiếng ác của vua ấy, bèn kéo binh đến định tiêu diệt. Lúc ấy, vị vua đang bệnh vì không có sức lực nên trong lòng kinh sợ, liền thay đổi tâm tánh mà tu tập việc lành. Vị vua láng giềng như vậy sẽ được phước đức vô lượng. Vị tỳ-kheo bảo vệ Chánh pháp cũng giống như thế, dùng việc xua đuổi, quở trách, trừng trị những kẻ phá hoại Chánh pháp, khiến cho họ tu các pháp lành, sẽ được phước đức vô lượng.
“Thiện nam tử! Ví như một vị trưởng giả, ở nơi xứ sở mình, vườn ruộng, nhà cửa, phòng xá bỗng sanh ra những cây độc. Trưởng giả biết vậy rồi liền đốn sạch, khiến những cây ấy đều dứt tuyệt.
“Lại cũng như một người tráng kiện mà trên đầu sanh tóc bạc, lấy làm hổ thẹn, bèn dùng cái nhiếp mà nhổ hết, chẳng để cho sanh trưởng.
“Vị tỳ-kheo bảo vệ Chánh pháp lại cũng như vậy, thấy có những kẻ phá giới luật, phá hoại Chánh pháp, liền nên xua đuổi, quở trách, nêu lỗi của họ ra mà phán xử.
“Như vị tỳ-kheo làm điều lành nhưng thấy kẻ phá hoại Chánh pháp mà vẫn để yên, chẳng xua đuổi, quở trách, chẳng nêu lỗi của họ ra mà phán xử, nên biết rằng người như vậy là kẻ oán tặc trong Phật pháp.
“Như có thể xua đuổi, quở trách, nêu lỗi của kẻ phá hoại Chánh pháp ra mà phán xử thì người ấy là đệ tử của ta, là bậc Thanh văn chân chính.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Theo như lời Phật vừa dạy thì chẳng phải đối với tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau, đều như con một của ngài là La-hầu-la!
“Thế Tôn! Như có một người dùng dao hại Phật, lại có người khác dùng hương thơm chiên-đàn mà tô điểm thân Phật. Nếu Phật có lòng bình đẳng đối với hai người ấy, sao lại dạy rằng nên trừng trị kẻ phá hủy giới cấm? Nếu trị kẻ hủy cấm, thì lời nói xem chúng sanh bình đẳng như con một của mình là chẳng đúng.”
Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Ví như một vị quốc vương, đại thần hay tể tướng, sanh dưỡng được nhiều đứa con, tướng mạo đoan chánh, thông minh trí tuệ. Những trẻ ấy, hoặc hai đứa, ba đứa hay bốn đứa đều được người cha giao phó cho một vị thầy rất nghiêm khắc và dặn rằng: ‘Thầy nên vì ta dạy bảo chúng nó cho thông thuộc các môn phong hóa, lễ nghi, kỹ nghệ, văn thơ, toán số... Bốn đứa con ta đây, từ nay theo thầy học tập. Giả như có ba đứa bị thầy đánh bằng gậy, mang bệnh mà chết. Chỉ còn một đứa, phải dạy răn nó một cách khổ nhọc lắm mới được thành tựu. Dẫu cho mất ba đứa con, ta cũng chẳng hề oán hận thầy.’
“Ca-diếp! Như vậy, người cha và người thầy có mắc tội giết hại chăng?”
“Bạch Thế Tôn! Không. Tại sao vậy? Chỉ vì thương con, muốn cho chúng được thành người chứ không có lòng ác. Dạy dỗ như vậy thì được phước vô lượng.”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Như Lai cũng thế. Ngài coi những kẻ phá hoại Chánh pháp cũng đồng như con một của ngài. Nay Như Lai đem Chánh pháp vô thượng mà phó chúc cho các quốc vương, đại thần, tể tướng, tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Các vua, quan và Bốn bộ chúng ấy nên khuyến khích những ai tu học, khiến họ được tiến bộ và tăng trưởng giới, định, tuệ. Nhưng có ai chẳng tu học ba pháp ấy, biếng nhác, phá giới, hủy hoại Chánh pháp, thì các vị quốc vương, đại thần và Bốn bộ chúng nên trừng trị họ một cách nghiêm khắc.
“Thiện nam tử! Như vậy các quốc vương và Bốn bộ chúng ấy có phạm tội chăng?”
“Bạch Thế Tôn! Không.”
“Thiện nam tử! Các quốc vương và Bốn bộ chúng ấy còn chẳng có tội, huống chi Như Lai?
“Thiện nam tử! Như Lai khéo tu phép bình đẳng ấy, đối với chúng sanh đều xem đồng như con một của mình.
“Tu tập như vậy, gọi là Bồ Tát tu tâm bình đẳng, đối với chúng sanh đều xem đồng như con một của mình.
“Thiện nam tử! Bồ Tát nhờ tu tập nghiệp ấy, được thọ mạng lâu dài, lại có thể biết được mọi việc trong những đời trước của mình và của người.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Phật vừa dạy, nếu Bồ Tát tu tâm bình đẳng, đối với chúng sanh đều xem đồng như con mình thì được thọ mạng lâu dài.
“Như Lai chẳng nên thuyết dạy như thế. Tại sao vậy? Như một người hiểu biết đạo lý, hay thuyết dạy mọi điều hiếu thuận. Khi về nhà, người ấy lấy những gạch đá mà đánh ném cha mẹ. Nhưng cha mẹ vốn là ruộng phước, có nhiều lợi ích, khó được gần gũi, đáng lẽ người con phải cúng dường món ngon vật lạ, lại gây ra những việc sầu não tai hại. Như người hiểu biết đạo lý ấy, lời nói và việc làm trái nghịch với nhau.
“Lời nói của Như Lai cũng vậy. Bồ Tát đã tu tập tâm bình đẳng, đối với chúng sanh đều xem đồng như con mình, đáng lẽ phải được trường thọ, biết rành chuyện đã qua, thường trụ ở thế, không hề có chuyện biến đổi. Nay vì nhân duyên gì mà đời sống của Thế Tôn rất ngắn, chẳng khác chi thọ mạng của người thế gian? Như vậy lẽ nào đức Như Lai không có đem lòng oán ghét chúng sanh? Ngày xưa, Thế Tôn đã làm các nghiệp ác gì, giết chết bao nhiêu sanh mạng, mà nay ngài phải chịu đoản thọ, sống chẳng được trăm năm?”
Phật bảo Ca-diếp rằng: “Thiện nam tử! Nay có duyên cớ gì mà đối trước Như Lai ông nói ra lời vụng về như thế? Sự trường thọ của Như Lai vẫn cao hơn, trội hơn tất cả mọi sự trường thọ. Pháp thường tồn mà Như Lai đã được là bậc nhất trong các pháp thường tồn.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai được thọ mạng lâu dài như thế nào?”
Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Như có tám con sông lớn là Hằng hà, Diêm-ma-la, Tát-la, A-lỵ-la-bạt-đề, Ma-ha, Tân-đầu, Bác-xoa và Tất-đà. Tám con sông lớn ấy với các sông con, thảy đều chảy vào biển cả.
“Ca-diếp! Những sông lớn là thọ mạng của tất cả chúng sanh trong khắp cõi trời, người, trên mặt đất, giữa hư không, thảy đều nhập vào biển cả là thọ mạng của Như Lai. Vì vậy, thọ mạng của Như Lai là vô lượng.
“Lại nữa, Ca-diếp! Ví như từ ao A-nậu-đạt có bốn con sông lớn chảy ra. Như Lai cũng thế, từ nơi Như Lai mà xuất hiện tất cả các sanh mạng.
“Ca-diếp! Ví như trong tất cả mọi pháp thường tồn, hư không là hơn hết. Như Lai cũng thế, là hơn hết trong mọi pháp thường tồn.
“Ca-diếp, như trong các loại thuốc, món đề-hồ là hơn hết. Như Lai cũng thế, đối với tất cả chúng sanh, thọ mạng của Như Lai là hơn hết.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu thọ mạng Như Lai là như vậy, ngài nên trụ thế cho trọn một kiếp hoặc một kiếp giảm, thường tuyên thuyết pháp nhiệm mầu như trời đổ mưa to.”
Phật dạy: “Ca-diếp! Nay ở chỗ Như Lai ông không nên phát sanh tư tưởng [cho rằng Như Lai là] diệt tận.
“Ca-diếp! Như có tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, cho đến những người tu hành ngoại đạo, thần tiên ngũ thông đạt đến mức tự tại, nếu muốn trụ ở thế gian trọn một kiếp hay một kiếp giảm, đi lại trên hư không, ngồi và nằm trên ấy một cách tự tại, cho lửa phóng ra từ nơi hông trái, cho nước tuôn ra từ nơi hông mặt, từ nơi thân xuất hiện khói lửa, dường như có một đám lửa, hoặc muốn sống lâu, cũng đều được như ý. Các vị ấy muốn cho đời sống của mình dài hay ngắn cũng đều được cả. Những vị ngũ thông ấy còn được sức thần tùy ý như vậy, huống chi Như Lai đối với tất cả pháp, đã được sức tự tại, lại chẳng trụ được ở thế trong nửa kiếp, một kiếp, trăm kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp hay vô lượng kiếp hay sao?
“Bởi nghĩa ấy nên phải biết rằng Như Lai là pháp thường trụ, pháp không biến đổi. Thân này của Như Lai là thân biến hóa, chẳng phải thân do sự ăn uống mà thành, chẳng qua vì hóa độ chúng sanh nên thị hiện giống như loài cây độc. Vì vậy ta mới hiện cách bỏ thân là nhập Niết-bàn.
“Ca-diếp! Nên biết rằng Phật là pháp thường tồn, pháp không biến đổi. Các ông nên ra sức tinh tấn, một lòng tu tập nghĩa đệ nhất ấy. Tu tập rồi, sẽ rộng vì người khác mà giảng thuyết.”
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Pháp xuất thế và pháp thế gian khác nhau như thế nào? Như Phật nói rằng: Phật là pháp thường tồn, pháp không biến đổi; thế gian cũng nói rằng: Phạm thiên là thường tồn, Tự tại thiên là thường tồn, không có biến đổi, ngã là thường tồn, tánh là thường tồn, vi trần cũng là thường tồn. Nếu nói Như Lai là pháp thường tồn, tại sao Như Lai chẳng thường hiện? Nếu chẳng thường hiện, thì có khác gì với [các pháp] thế gian? Vì sao vậy? Vì Phạm thiên... cho đến vi trần ở thế gian, vốn cũng chẳng thường hiện.”
Phật bảo Ca-diếp: “Ví như một trưởng giả có nhiều bò, màu sắc tuy khác nhau nhưng hợp thành một bầy. Ông giao bầy bò ấy cho một người chăn, dắt đi ăn cỏ, uống nước. Ông chỉ cần món đề-hồ mà thôi, chẳng cần món bơ sữa. Người chăn dắt bò đi, để cho chúng tự do ăn cỏ. Đến khi trưởng giả ấy qua đời, tất cả những con bò của ông đều bị bọn cướp thâu đoạt. Bọn cướp ấy được bò rồi, không có phụ nữ để trông nom, chăn dắt, thả bầy bò tự kéo nhau đi, gặp gì ăn nấy.
“Lúc ấy, bọn cướp nói với nhau rằng: ‘Ông đại trưởng giả kia nuôi bò, chẳng cần món bơ sữa, chỉ cần món đề-hồ mà thôi. Bây giờ chúng ta nên làm thế nào để có món đề-hồ ấy? Vì trong thế gian, đề-hồ là món ăn ngon nhất. Chúng ta không có bồn chậu, như có được sữa cũng chẳng có chi mà đựng.’ Rồi họ lại bảo nhau: ‘Chúng ta chỉ có bao bằng da mà thôi, bao ấy đựng sữa cũng được. Nhưng dù có đồ đựng, chúng ta cũng không biết phải để yên hay khuấy cho đúng cách. Sữa đặc còn khó được, huống chi là bơ tươi!’ Lúc ấy, những tên cướp vì muốn có đề-hồ, bèn đổ thêm nước vào. Vì thêm nước nhiều nên sữa, bơ, đề-hồ... chẳng có được món nào cả.
“Những kẻ phàm phu cũng vậy đó. Tuy họ có pháp lành, nhưng pháp lành ấy chẳng qua là món đồ thừa của Chánh pháp Như Lai. Vì sao vậy? Sau khi Như Lai Thế Tôn vào Niết-bàn, những kẻ trộm cắp pháp lành thừa thãi của Như Lai như: giới, định, tuệ, cũng giống như những kẻ cướp đoạt lấy đàn bò kia vậy. Những kẻ phàm phu tuy họ cũng được giới, định và trí tuệ này, nhưng họ không biết phương tiện, không thể hiểu biết, giảng rõ. Vì lẽ ấy, họ không thể đạt được thường giới, thường định, thường huệ, giải thoát. Cũng như bọn cướp kia, chẳng biết phương cách nên làm hư hỏng món đề-hồ. Lại cũng như bọn cướp kia, vì muốn có đề-hồ bèn đổ thêm nước vào. Những kẻ phàm phu cũng vậy. Vì muốn giải thoát, bèn nói những pháp: ngã, chúng sanh, thọ mạng, linh hồn, Phạm thiên, Tự tại thiên, vi trần, thế tánh, giới, định, trí tuệ, với giải thoát, [tin rằng] cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng tức là Niết-bàn. Thật ra họ chẳng được giải thoát, Niết-bàn, cũng như bọn cướp kia chẳng được đề-hồ.
“Những kẻ phàm phu ấy có chút ít Phạm hạnh, phụng dưỡng cha mẹ. Nhờ nhân duyên ấy, họ sanh lên các cõi trời, hưởng thọ chút ít an lạc. Cũng như bọn cướp kia thêm nước vào sữa. Những phàm phu ấy thật chẳng biết rằng nhân họ có tu chút ít Phạm hạnh và nhờ phụng dưỡng cha mẹ, nên được sanh lên các cõi trời. Họ lại cũng chẳng biết giới, định, trí tuệ, quy y Tam bảo. Vì họ chẳng biết, nên họ thuyết thường, lạc, ngã, tịnh. Tuy họ thuyết những lẽ ấy nhưng thật không hiểu. Vậy nên sau khi Như Lai xuất hiện ở đời, ngài mới diễn thuyết thường, lạc, ngã, tịnh.
“Ví như khi có Chuyển luân vương ra đời, nhờ sức phước đức của người, bọn cướp liền rút lui và tan rã, những con bò khỏi mất mạng. Rồi đó, vị Chuyển luân vương đem bò mà giao phó cho một người chăn, người này có nhiều phương tiện hay, khéo léo, liền tạo ra được món đề-hồ. Nhờ đề-hồ ấy, tất cả chúng sanh không có bệnh khổ. Cũng như thế, khi đức Pháp Luân Thánh vương ra đời, những kẻ phàm phu không diễn thuyết được giới, định, tuệ. Họ rút lui và tan rã như bọn cướp đã rút lui và tan rã do sức phước đức của vị Chuyển luân Thánh vương.
“Lúc ấy, Như Lai khéo thuyết những pháp thế gian và xuất thế gian. Ngài vì chúng sanh, khiến chư Bồ Tát diễn thuyết thích hợp. Hàng Đại Bồ Tát đã được món đề-hồ, lại khiến cho vô lượng vô biên chúng sanh cũng được món pháp cam lộ cao trổi hơn hết, đó là thường, lạc, ngã, tịnh của Như Lai.
“Thiện nam tử! Bởi nghĩa ấy, Như Lai là pháp thường, chẳng biến đổi, chẳng phải như những kẻ phàm phu ngu si trong thế gian gọi Phạm thiên v.v... là pháp thường. Chỉ có Như Lai mới đáng xưng là pháp thường tồn mà thôi, ngoài ra không còn pháp [thường tồn] nào khác nữa.
“Ca-diếp! Nên biết thân Như Lai là như vậy. Ca-diếp! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân thường nên lưu tâm tu tập những chữ: ‘Phật là thường trụ’. Ca-diếp! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào tu tập hai chữ [thường trụ], nên biết rằng người ấy đã đi theo đường của ta đi và sẽ đến chỗ mà ta đã đến. Thiện nam tử! Như có ai tu tập hai chữ ấy để dứt tướng, nên biết rằng Như Lai ắt sẽ ở trước mặt người ấy thị hiện nhập Niết-bàn. Thiện nam tử! Nghĩa của Niết-bàn, tức là tánh pháp của chư Phật vậy.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Tánh pháp của Phật ý nghĩa như thế nào? Thế Tôn! Nay con muốn biết nghĩa của tánh pháp, xin Như Lai đem lòng thương xót, thuyết rộng cho nghe.
“Bạch Thế Tôn! Nói tánh pháp tức là buông xả thân. Xả thân, tức không có món gì của mình. Nếu không có món gì của mình, làm sao còn có cái thân? Nếu thân vẫn còn, làm sao nói rằng: thân có tánh pháp? Thân có tánh pháp thì làm sao còn tồn tại được? Nay con nên hiểu nghĩa ấy như thế nào?”
Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nay ông không nên nói rằng diệt mất là tánh pháp. Nói tánh pháp là không có sự diệt mất.
“Thiện nam tử! Ví như chư thiên ở cõi trời Vô tưởng, có đủ hình sắc nhưng không có tư tưởng về hình sắc. Chớ nên hỏi rằng: ‘Chư thiên ấy hưởng sự vui vẻ khoái lạc như thế nào? Các Ngài nghĩ tưởng như thế nào? Thấy, nghe như thế nào?’
“Thiện nam tử! Cảnh giới của Như Lai, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể hiểu nổi. Thiện nam tử! Không nên nói rằng thân Như Lai là pháp diệt mất.
“Thiện nam tử! Pháp diệt mất của Như Lai là cảnh giới Phật, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể hiểu thấu. Thiện nam tử! Nay ông chẳng nên xét nghĩ rằng: ‘Như Lai trụ ở đâu? Như Lai đi về đâu? Ở đâu thấy được Như Lai? Như Lai vui thích ở chốn nào?’
“Thiện nam tử! Những nghĩa như thế cũng là ngoài sự hiểu biết của các ông. Cũng như Pháp thân của chư Phật cùng đủ mọi phương tiện [của các ngài] đều không thể nghĩ bàn!
“Lại nữa, thiện nam tử! Đối với Phật, Pháp,Tăng đều nên khởi tư tưởng là thường tồn. Đối với ba pháp ấy, không nên khởi tư tưởng cho là khác nhau, là vô thường, là biến đổi. Như ai thường giữ tư tưởng cho rằng ba pháp ấy là khác biệt nhau, nên biết rằng những người ấy không thể nương theo Ba chỗ quy y trong sạch. Giới cấm mà họ thọ trì chẳng được đầy đủ. Rốt cuộc, họ không thể chứng các quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-đề. Nếu có thể đối với ba pháp không thể nghĩ bàn ấy tu tập tư tưởng là thường tồn, ắt sẽ có chỗ quay về nương tựa và noi theo.
“Thiện nam tử! Ví như nhân có cây mới có bóng cây. Như Lai cũng thế, bởi ngài có thường pháp nên mới có chỗ [để chúng sanh] quay về nương tựa và noi theo, không phải là vô thường. Nếu nói Như Lai là vô thường, ắt Như Lai không phải là chỗ quay về nương tựa và noi theo của chư thiên, loài người.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như trong bóng tối thì có cây mà chẳng có bóng.”
Phật dạy: “Ca-diếp! Ông không nên nói: ‘Có cây mà chẳng có bóng.’ Chẳng qua mắt thường chẳng thấy được bóng đó thôi. Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, tánh vốn thường trụ, không biến đổi. Những con mắt không có trí tuệ chẳng thấy được tánh thường trụ ấy, cũng như trong bóng tối, người ta chẳng thấy được bóng cây. Cũng vậy, khi Phật nhập diệt rồi, những kẻ phàm phu sẽ nói rằng: Như Lai là pháp vô thường.
“Nếu nói Như Lai khác với Pháp, khác với Tăng, tức không thành Ba chỗ quy y, cũng như cha mẹ các ông vốn là khác nhau, nên là vô thường!”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Từ nay con sẽ đem việc Phật, Pháp, Tăng là thường trụ giảng giải rõ cho cha mẹ đời này cho đến bảy đời trước, khiến tất cả đều kính vâng giữ theo lẽ ấy. Hay thay! Thế Tôn! Từ nay con phải học theo chỗ không thể nghĩ bàn của Như Lai, Pháp, Tăng. Đã tự mình học rồi, lại còn sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa ấy. Như ai không thể tin nhận, nên biết rằng hạng người ấy theo pháp vô thường đã quá lâu. Đối với những người như thế, con sẽ vì họ [mà phá tan mọi kiến chấp sai lầm, như] sương và mưa đá [làm dập nát mọi thứ cây cỏ].”
Lúc ấy, Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Nay ông có thể khéo hộ trì Chánh pháp. Hộ trì Chánh pháp như vậy là không lừa dối người khác. Nhờ nghiệp duyên lành không lừa dối như thế, ông sẽ được trường thọ, khéo rõ biết được những việc từ đời trước.”
PHẨM THÂN KIM CANG
Phẩm thứ nhì
Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân không thể hư hoại, thân kim cang, chẳng phải thân do sự ăn uống mà thành, chính là Pháp thân.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Con chẳng thấy được những thân mà Phật vừa nói đó. Con chỉ thấy duy có cái thân vô thường, cái thân hư hoại thành cát bụi, cái thân do ăn uống các thứ vào mà có đó thôi. Vì sao vậy? Vì Như Lai sắp nhập Niết-bàn.”
Phật dạy: “Ca-diếp! Nay ông không nên gọi thân Như Lai là không bền bỉ, phải chịu hư hoại như thân phàm phu.
“Thiện nam tử! Nay ông nên biết: thân Như Lai trải qua vô lượng ức kiếp vững bền, khó hoại, chẳng phải như thân của hàng trời người, chẳng phải là thân [chất chứa sự] sợ sệt, chẳng phải là thân do sự ăn uống các thứ vào mà tạo thành.
“Thân Như Lai thật chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, không có sự tu tập. Thân Như Lai là vô lượng vô biên, không có dấu vết, không thể nhận biết, nhìn thấy; rốt ráo trong sạch, không có sự dao động, không thọ nhận cũng không hành động; không chỗ trụ, không tạo tác, không có mùi vị, không hỗn tạp; chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp quả; chẳng phải hành, chẳng phải [hành] diệt; chẳng phải tâm, chẳng phải [tâm] sở; không thể nghĩ bàn. Sự thường tồn [của thân ấy] không thể nghĩ bàn, không [thuộc về ý] thức, vốn lìa khỏi tâm cũng chẳng lìa khỏi tâm.
“Tâm ấy bình đẳng, không có mà cũng có, không đến đi mà cũng đến đi, chẳng phá, chẳng hoại, chẳng đoạn, chẳng dứt, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải chủ mà cũng là chủ, chẳng có chẳng không, dứt bặt mọi niệm tưởng thô tháo hay tinh tế, chẳng thuộc văn tự cũng chẳng phải không thuộc văn tự; chẳng phải định cũng chẳng phải không định; không thể thấy mà thấy rất rõ ràng minh bạch; không có nơi chốn mà cũng có nơi chốn, không có nhà mà cũng là có nhà, không tối tăm, không sáng suốt, không tịch tĩnh mà cũng là tịch tĩnh.
“Đó là không sở hữu, không thọ nhận, không bố thí, trong sạch chẳng nhiễm ô, không tranh giành, dứt bỏ sự tranh giành, trụ yên nơi không chỗ trụ, không nắm giữ, không buông rơi, không phải pháp, không phải phi pháp, chẳng phải ruộng phước cũng là ruộng phước; không cùng tận hay bất tận, lìa cả mọi sự cùng tận.
“Đó là sự trống không lìa khỏi trống không; tuy chẳng thường trụ cũng là thường trụ, chẳng phải diệt mất trong từng niệm, không có bụi dơ, không thuộc văn tự, lìa cả văn tự, chẳng phải âm thanh, chẳng phải thuyết dạy, cũng chẳng phải sự tu tập; không thể cân nhắc đo lường, không duy nhất cũng không khác biệt; chẳng phải hình tượng, chẳng phải tướng trạng [mà đầy đủ] các tướng trang nghiêm; chẳng phải dũng cảm, chẳng phải sợ sệt; chẳng phải vắng lặng hay không vắng lặng; không có sự nóng nảy hay không nóng nảy; không thể nhìn thấy, không có tướng mạo!
“Như Lai không [khởi ý niệm đang] cứu độ bất cứ ai nên cứu độ được tất cả chúng sanh; không [khởi ý niệm đang] giải thoát bất cứ ai nên có thể giải thoát chúng sanh; không [khởi ý niệm đang] giúp cho bất cứ ai được tỉnh giác liễu ngộ, nên có thể khai ngộ cho chúng sanh. Vì không phân biệt, chia chẻ nên thuyết pháp đúng lý chân thật duy nhất. Vì là bậc Vô thượng nên không thể xét lường; đồng như hư không chẳng có hình mạo; đồng với tánh vô sanh, không [nằm trong ý nghĩa] đoạn dứt hay thường còn; thường làm theo một thừa duy nhất, [chỉ do] chúng sanh thấy có Ba thừa; không có sự thối chuyển, dứt sạch mọi sự trói buộc; không đối nghịch, không xúc chạm; chẳng phải tánh trụ nơi tánh; không có những sự hợp tan, dài ngắn, vuông tròn... không phải các ấm, nhập, giới mà [thị hiện] là các ấm, nhập, giới; không tăng thêm, không giảm bớt; không có sự hơn kém.
“Thân Như Lai thành tựu vô lượng công đức như vậy, không ai biết được mà không ai là không biết; không ai thấy được mà không ai là không thấy; chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; chẳng phải thế gian, chẳng phải ngoài thế gian; chẳng phải tạo tác, chẳng phải không tạo tác; chẳng phải chỗ nương theo hay không nương theo; chẳng phải bốn đại, chẳng ngoài bốn đại; chẳng phải [do] nhân [tạo thành], cũng chẳng phải không [do] nhân [tạo thành]; chẳng phải chúng sanh, chẳng ngoài chúng sanh; chẳng phải sa-môn, chẳng phải bà-la-môn.
“[Thân] ấy là sư tử, đại sư tử; là chẳng phải thân, chẳng phải không thân; là không thể tuyên thuyết, trừ ra một tướng của pháp; là không thể tính đếm, khi nhập Niết-bàn cũng chẳng phải nhập Niết-bàn.
“Pháp thân Như Lai thành tựu vô lượng công đức vi diệu như vậy!
“Ca-diếp! Chỉ có Như Lai mới biết được tướng ấy, hàng Thanh văn, Duyên giác không thể biết được.
“Ca-diếp! Công đức như vậy tạo thành thân Như Lai, chẳng phải là cái thân nuôi lớn bởi sự ăn uống các thứ.
“Ca-diếp! Thân chân thật của Như Lai có những công đức như vậy, làm sao có thể có những sự bệnh khổ, suy yếu, mong manh không bền chắc như món đồ gốm chưa nung?
“Này Ca-diếp! Sở dĩ Như Lai thị hiện có bệnh khổ, chỉ là vì muốn điều phục chúng sanh.
“Thiện nam tử! Nay ông nên biết, thân Như Lai chính là thân kim cang. Từ nay ông nên thường chuyên tâm suy xét nghĩa ấy, đừng nghĩ đến cái thân do sự ăn uống [tạo thành]. Ông cũng phải vì người khác mà giảng thuyết rằng thân Như Lai chính là Pháp thân.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Lai thành tựu công đức như vậy, làm sao thân ngài có thể bị những sự bệnh khổ, vô thường phá hoại? Từ nay con sẽ thường suy xét rằng thân Như Lai là pháp thân thường tồn, là thân an lạc. Con cũng sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa này.
“Kính bạch Thế Tôn! Pháp thân Như Lai như kim cang chẳng hề hư hoại, nhưng con chưa biết nhờ nhân duyên gì có được thân ấy?”
Phật dạy: “Ca-diếp! Do nhân duyên hộ trì Chánh pháp mới được thành tựu thân kim cang như vậy!
“Ca-diếp! Thuở xưa, ta nhờ nhân duyên hộ trì Chánh pháp mà nay thành tựu thân kim cang này, thường trụ chẳng hề hư hoại.
“Thiện nam tử! Người hộ trì Chánh pháp chẳng thọ trì Năm giới, chẳng tu chỉnh oai nghi, [?] cầm đao kiếm, cung tên, mâu sóc... mà đi theo che chở, bảo vệ cho vị tỳ-kheo trong sạch giữ gìn giới hạnh.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như có vị tỳ-kheo lìa khỏi những người che chở bảo vệ, riêng ở chỗ vắng vẻ, nơi cội cây trong vùng tha ma hoang địa, nên xưng rằng đó là tỳ-kheo chân chính. Còn như người tu hành mà có người khác luôn đi theo để che chở bảo vệ thì nên biết rằng đó chỉ là hạng cư sĩ trọc đầu mà thôi!”
Phật bảo Ca-diếp: “Không được nói rằng đó là hạng cư sĩ trọc đầu! Như có vị tỳ-kheo dù đến ở nơi đâu cũng chỉ nuôi thân vừa đủ, rồi lo đọc tụng kinh điển, suy gẫm, ngồi thiền. Như có ai đến hỏi pháp, liền giảng thuyết cho nghe, như giảng về phước đức của việc bố thí và việc trì giới, biết đủ, ít ham muốn... Tuy có thể giảng thuyết đủ các pháp như vậy, nhưng không đủ sức làm hạnh sư tử hống, không được các sư tử hầu quanh, không đủ sức hàng phục những kẻ ác phi pháp. Vị tỳ-kheo như vậy không thể làm lợi ích cho mình và lợi ích cho chúng sanh. Nên biết rằng đó là hạng người nhát gan, lười biếng. Tuy có thể trì giới, giữ hạnh trong sạch, nhưng nên biết rằng người ấy không làm nên việc gì.
“Như có vị tỳ-kheo, nuôi thân đầy đủ hoặc thường được sung túc, lại có thể hộ trì những giới cấm mà mình đã thọ, đủ sức làm hạnh sư tử hống, thuyết rộng diệu pháp, như chín bộ kinh điển là: Tu-đa-la, Kỳ-dạ, Thọ ký, Già-đà, Ưu-đà-na, Y-đế-mục-đa-già, Xà-đà-già, Tỳ-phật-lược, A-phù-đà-đạt-ma. Vị ấy vì người khác mà giảng rộng những kinh điển như vậy để làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh. Vị ấy lại lớn tiếng tuyên thuyết rằng: ‘Trong kinh Niết-bàn ngăn cấm các tỳ-kheo không được nuôi dưỡng tôi tớ, bò, dê... cùng chứa trữ những vật không đúng Chánh pháp. Như tỳ-kheo nào chứa trữ những vật bất tịnh như vậy thì phải nghiêm trị.’
“Trước đó, trong các bộ kinh khác Như Lai cũng có dạy rằng: Như có tỳ-kheo nào chứa trữ những vật phi pháp như vậy thì quốc vương nên y theo pháp mà nghiêm trị, buộc phải hoàn tục.’
“Như vị tỳ-kheo trong khi dũng mãnh tuyên thuyết Chánh pháp như vậy, lại có những kẻ phá giới nghe được, cùng nhau oán hận, hãm hại pháp sư ấy. Vị pháp sư thuyết pháp ấy ví như có bị hại chết, cũng được xưng là bậc trì giới, làm lợi mình lợi người. Vì nhân duyên ấy, ta cho phép các vị quốc chủ, quần thần, tể tướng, các vị cư sĩ Theo bảo vệ người thuyết pháp. Như ai muốn hộ trì Chánh pháp, nên học theo cách đó.
“Này Ca-diếp! Những kẻ [làm tỳ-kheo mà] phá giới, không hộ trì Chánh pháp mới đáng gọi là cư sĩ trọc đầu. Không được dùng cách ấy mà gọi người trì giới.
“Thiện nam tử! Trong quá khứ cách đây vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, ở tại thành Câu-thi-na này, có Phật ra đời hiệu là Hoan Hỷ Tăng Ích, Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn.
“Thuở ấy, cảnh giới của đức Phật này rộng lớn, trang nghiêm, thanh tịnh, dồi dào, an lạc. Nhân dân phồn thạnh, không hề bị nạn đói khát, đều giống như các vị Bồ Tát ở cõi nước An Lạc. Đức Phật ấy trụ thế giáo hóa chúng sanh đến vô lượng kiếp. Sau cùng, ngài đến rừng cây sa-la có hai cây sa-la mọc sóng đôi mà nhập Niết-bàn.
“Sau khi Phật nhập Niết-bàn, Chánh pháp trụ ở thế gian vô lượng ức năm. Rồi đến khoảng hơn bốn mươi năm trước khi Chánh pháp diệt, có một vị tỳ-kheo trì giới tên là Giác Đức. Vị này có nhiều đồ đệ theo hầu chung quanh, có khả năng tuyên dương Chánh pháp, giảng rộng được 9 bộ kinh điển, nghiêm cấm các tỳ-kheo không được nuôi dưỡng tôi tớ, bò, dê... cùng chứa trữ tài vật không đúng theo giới luật.
“Khi ấy, có nhiều tỳ-kheo phá giới nghe ngài tuyên thuyết như vậy, thảy đều sanh lòng ác. Họ cầm dao, xách gậy, kéo nhau đến bức bách vị pháp sư chân chính ấy.
“Bấy giờ, vị vua trong nước tên là Hữu Đức nghe biết việc ấy, vì lòng ủng hộ Chánh pháp liền ngự đến chỗ pháp sư, chiến đấu mãnh liệt chống lại những tỳ-kheo độc ác phá giới kia để bảo vệ pháp sư khỏi sự nguy hại.
“Khi ấy, thân vua phải chịu nhiều thương tích, khắp người không còn một chỗ nào lành lặn, dù là nhỏ như hạt cải.
“Tỳ-kheo Giác Đức khi ấy khen ngợi đức vua rằng: ‘Lành thay! Lành thay! Vua quả thật là người hộ trì Chánh pháp. Đời sau thân vua ắt sẽ trở thành vô lượng pháp khí.’
“Bấy giờ, vua được nghe thuyết pháp xong, lòng rất hoan hỷ, trút hơi từ bỏ cõi trần, liền sanh về nước Phật A-súc, làm đệ tử bậc nhất của đức Phật ấy. Những nhân dân và quyến thuộc theo vua, hoặc có công chiến đấu hay có lòng tùy hỷ, tất cả đều được tâm Bồ-đề không thối chuyển, khi mạng chung đều được sanh về nuớc Phật A-súc.
“Tỳ-kheo Giác Đức sau khi mạng chung cũng được sanh về nước Phật A-súc, làm đệ tử thứ nhì trong chúng Thanh văn của đức Phật ấy.
“Như vào lúc Chánh pháp sắp diệt tận, nên thọ trì và ủng hộ như vậy đó.
“Ca-diếp! Vị vua thuở ấy, tức là ta đây. Vị tỳ-kheo thuyết pháp chính là Phật Ca-diếp.
“Ca-diếp! Người ủng hộ Chánh pháp được vô lượng quả báo như vậy đó. Nhờ nhân duyên ấy, nay ta được đủ các tướng tốt trang nghiêm, thành tựu Pháp thân, được thân không hư hoại.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Thân Như Lai [chân thật] thường trụ, [không phải pháp hoại diệt, lòng con đã tin chắc điều đó] như khắc sâu vào đá.”
Phật dạy Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Bởi nhân duyên ấy, các hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, nam nữ cư sĩ đều nên gắng sức hộ trì Chánh pháp. Quả báo của việc hộ trì Chánh pháp là rộng lớn khôn lường!
“Thiện nam tử! Vì vậy nên những người cư sĩ nam hộ pháp nên cầm dao, gậy mà bảo vệ, che chở vị tỳ-kheo giữ Chánh pháp. Như có những ai thọ trì Năm giới, cũng chưa được gọi là người Đại thừa. Dù chẳng thọ Năm giới, nhưng có công hộ trì Chánh pháp, có thể gọi là Đại thừa. Người hộ trì Chánh pháp nên cầm đao kiếm, gậy gộc, khí giới mà hầu bên người thuyết pháp.”
Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như những tỳ-kheo làm bạn với những nam cư sĩ cầm dao gậy ấy, đó là có thầy dạy hay không có thầy dạy? Đó là trì giới hay phá giới?”
Phật dạy Ca-diếp: “Chớ nên bảo họ là những người phá giới.
“Thiện nam tử! Sau khi ta nhập Niết-bàn, đến đời trược ác, đất nước loạn lạc, người ta sẽ cướp giật lẫn nhau, nhân dân phải đói khổ. Khi ấy, sẽ có nhiều người vì đói khổ mà phát tâm xuất gia. Những người như vậy gọi là người [thế tục] trọc đầu, [chẳng phải tỳ-kheo]. Bọn trọc đầu ấy, nếu thấy các bậc tỳ-kheo trong sạch, giữ gìn giới luật, đầy đủ oai nghi, hộ trì Chánh pháp, họ liền xua đuổi hoặc giết hại.”
Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Người trì giới, hộ trì Chánh pháp, làm sao có thể đi vào những nơi làng xóm, thành ấp để giáo hóa?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Vì vậy nên nay ta cho phép người trì giới [trong thời loạn lạc nhiễu nhương ấy] được nương cậy vào hàng cư sĩ cầm dao gậy, làm bạn với họ. Như có những quốc vương, đại thần, trưởng giả, nam cư sĩ lo việc hộ trì Chánh pháp, tuy cầm dao gậy nhưng ta cũng nói rằng những người ấy là bậc trì giới. Tuy cầm dao gậy nhưng chẳng [có tâm] giết hại. Nếu ai có thể làm như vậy thì được gọi là người trì giới bậc nhất.
“Ca-diếp! Người hộ pháp, nghĩa là người có đủ chánh kiến, đủ sức giảng rộng kinh điển Đại thừa, rốt cùng cũng chẳng cầm nắm lọng báu của vua, bình dầu, gạo thóc, các loại trái cây... chẳng vì chỗ lợi dưỡng mà gần gũi, thân mật với quốc vương, đại thần, trưởng giả; đối với những kẻ tín thí, giữ lòng ngay thẳng không dua nịnh; đầy đủ oai nghi, khuất phục những kẻ phá giới và những kẻ xấu ác. Đó gọi là bậc thầy trì giới và hộ pháp, có thể làm thiện tri thức chân thật của chúng sanh. Người như vậy có tấm lòng sâu rộng như biển cả.
“Ca-diếp! Như có tỳ-kheo nào vì lợi dưỡng mà thuyết pháp với người khác, lại có đồ chúng quyến thuộc cũng xưng là thầy, tham cầu lợi dưỡng, người như vậy tự làm hư hoại chúng tăng.
“Ca-diếp! Chúng tăng có ba hạng: một là hạng tăng tạp nhạp phá giới, hai là hạng tăng ngu si và ba là hàng tăng thanh tịnh.
“Hạng tăng tạp nhạp phá giới dễ bị hư hoại. Hàng tăng thanh tịnh trì giới không thể do nhân duyên lợi dưỡng mà bị phá hoại được.
“Thế nào là hạng tăng tạp nhạp phá giới? Như có những tỳ-kheo tuy giữ giới cấm, nhưng vì cầu lợi dưỡng nên quan hệ đi lại, nằm ngồi thân cận với kẻ phá giới, gần gũi và nhờ cậy họ, chung cùng việc làm với họ. Đó gọi là phá giới, cũng gọi là tăng tạp nhạp.
“Thế nào là tăng ngu si? Như có những tỳ-kheo ở nơi chỗ tu hành vắng lặng, căn tánh không lanh lợi, u ám, mờ mịt, sống bằng phép khất thực ít ham muốn. Trong những ngày tụng giới và trong khi tự tứ thì dạy đệ tử phải sám hối cho trong sạch, còn khi thấy những kẻ chẳng phải đệ tử mình phạm nhiều giới cấm thì chẳng thể dạy họ sám hối cho trong sạch, lại chung cùng với họ mà tụng giới và tự tứ. Đó gọi là tăng ngu si.
“Thế nào là hàng tăng thanh tịnh? Như có những tỳ-kheo không bị chúng ma ngăn trở làm cho hư hoại. Đó là hàng chúng tăng Bồ Tát, bản tánh thanh tịnh, có thể điều phục hai hạng tăng nói trên, khiến họ được trụ yên trong chúng tăng thanh tịnh. Đó gọi là các bậc đại sư cao trổi hơn hết ủng hộ Phật pháp. Khéo giữ theo giới luật, vì muốn điều phục chúng sanh, làm lợi ích chúng sanh nên biết rõ các tướng của giới có quan trọng hoặc ít quan trọng. Nếu không thuộc về giới luật thì các vị ấy không cần chứng biết, còn như đúng là giới luật thì các vị liền chứng biết [phân biệt rõ ràng].
“Thế nào là điều phục chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh? Nếu như các vị Bồ Tát vì giáo hóa chúng sanh, thường vào những nơi làng xóm thôn ấp, bất chấp thời tiết [tốt xấu], hoặc đến nhà đàn bà góa, nhà của dâm nữ, ở chung với họ trong nhiều năm. Nếu là hàng Thanh văn thì không nên làm như vậy. Đó gọi là điều phục, làm lợi ích chúng sanh.
“Thế nào là rõ biết phần quan trọng của giới? Như thấy Như Lai nhân việc mà chế giới, dạy rằng: ‘Từ nay các ông đừng tái phạm.’ Như Bốn trọng cấm thì người xuất gia không được phạm vào. Nếu cố phạm vào thì chẳng phải là sa-môn, chẳng phải là dòng Thích tử. Đó gọi là phần quan trọng.
“Thế nào là ít quan trọng? Nếu lỡ phạm vào các điều luật nhỏ nhặt, nghe người khác can gián [từ một] đến ba lần bèn từ bỏ việc đã phạm. Đó gọi là ít quan trọng. Việc không đúng giới luật thì không chấp nhận. Ví như có người nói rằng những vật chẳng thanh tịnh là đáng thọ dụng thì không gần gũi chung cùng với người ấy. Việc đúng giới luật thì nên chấp nhận, thuận theo. Người khéo học giới luật chẳng gần với kẻ phá giới; thấy ai làm theo đúng với giới luật, liền sanh lòng vui vẻ. Như vậy có thể biết được chỗ làm theo Phật pháp, có thể giảng thuyết. Đó gọi là luật sư. Như có thể giải rộng nghĩa chân thật của Đại thừa, có thể khéo gìn giữ Khế kinh, cũng là như vậy.
“Thiện nam tử! Phật pháp vô lượng, không thể nghĩ bàn như vậy. Như Lai cũng thế, không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật vậy, thật vậy! Đúng như lời Phật dạy. Phật pháp vô lượng, không thể nghĩ bàn. Như Lai cũng thế, không thể nghĩ bàn! Vậy nên biết rằng Như Lai là thường trụ, chẳng hư hoại, chẳng biến đổi. Nay con đã học hiểu được, rồi cũng sẽ vì người khác mà giảng rộng nghĩa ấy.”
Lúc ấy, Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thân Như Lai tức là thân kim cang chẳng hoại. Bồ Tát nên học thông suốt lẽ ấy, thấy biết chân chánh. Nếu có thể thấy biết rành rẽ như vậy, tức là thấy được thân kim cang của Phật, thân không thể hư hoại, cũng như nhìn vào tấm gương mà thấy được các màu sắc hình ảnh vậy.”
PHẨM CÔNG ĐỨC DANH TỰ
Phẩm thứ ba
Lúc ấy, đức Như Lai bảo Bồ Tát Ca-diếp: “Thiện nam tử! Nay ông nên khéo giữ lấy kinh này, công đức sẵn có trong từng câu chữ. Người thiện nam, tín nữ nào nghe được tên kinh này, không thể sanh vào trong bốn cảnh giới xấu. Tại sao vậy? Vì kinh điển này là chỗ tu tập của vô lượng vô biên chư Phật. Nay ta sắp nói ra chỗ được công đức.”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nên đặt tên kinh là gì? Chư Đại Bồ Tát nên cung kính giữ gìn như thế nào?”
Phật dạy Ca-diếp: “Kinh này tên là Đại Bát Niết-bàn. Đầu kinh, giữa kinh cho đến cuối kinh đều là những lời lành cả. Nghĩa lý sâu xa, văn chương hay khéo, tinh túy thuần khiết, đầy đủ Phạm hạnh thanh tịnh, là kho tàng kim cương quý báu trọn đủ không thiếu. Nay ông hãy nghe cho kỹ, ta sẽ giảng thuyết.
“Thiện nam tử! Nói là đại, nghĩa là thường, như tám con sông lớn đều đổ về nơi biển cả. Kinh này cũng vậy, hàng phục tất cả phiền não trói buộc cùng các tánh ma. Sau đó mới nhập Đại Niết-bàn, buông bỏ thân mạng. Vì vậy nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Lại như vị thầy thuốc kia, có một phương thuốc bí truyền, có thể thâu nhiếp tất cả các phương thuốc khác. Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, tất cả các pháp môn bí mật, sâu kín của diệu pháp mà Như Lai đã thuyết đều có đủ trong Đại Bát Niết-bàn. Vì vậy nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.
“Thiện nam tử! Ví như người làm ruộng, gieo giống vào mùa xuân rồi thì bắt đầu trông đợi. Đến khi thu hoạch rồi, liền dứt hết mọi sự trông mong. Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh cũng thế, trong khi tu học các kinh, thường trông mong được sự lợi ích. Nếu như nghe được kinh Đại Bát Niết-bàn này rồi, thì lòng trông mong sự lợi ích ở các kinh khác ắt sẽ không còn. Kinh Đại Bát Niết-bàn này có thể đưa chúng sanh thoát ra khỏi dòng sanh tử lưu chuyển.
“Thiện nam tử! Ví như trong các dấu chân, dấu chân voi là lớn nhất. Kinh này cũng thế, là cao trổi nhất trong những phép tam-muội của các kinh.
“Thiện nam tử! Ví như cày ruộng, cày lúc mùa thu là tốt nhất. Kinh này cũng thế, là hơn hết trong các kinh.
“Thiện nam tử! Ví như trong các món thuốc, món đề-hồ là bậc nhất. Vì khéo trị được lòng nóng nảy và não loạn của chúng sanh, nên pháp Đại Niết-bàn này cũng là bậc nhất.
“Thiện nam tử! Ví như món sữa ngọt có đủ tám vị, kinh Đại Bát Niết-bàn cũng có đủ tám vị. Thế nào là tám? Một là thường tồn, hai là không biến đổi, ba là yên ổn, bốn là trong sạch mát mẻ, năm là chẳng già suy, sáu là chẳng diệt mất, bảy là không nhiễm ô, tám là vui thích. Đó là tám vị. Bởi có đủ tám vị, nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.
“Chư Đại Bồ Tát nếu trụ yên nơi kinh này thì có thể thị hiện Niết-bàn ở khắp mọi nơi, cho nên gọi kinh này là Đại Bát Niết-bàn.
“Ca-diếp! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn do nơi kinh Đại Bát Niết-bàn này mà đạt được Niết-bàn, thì nên học lẽ này: ‘Như Lai là thường trụ, Pháp và Tăng cũng là thường trụ.’”
Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Hay lạ thay đức Thế Tôn! Công đức của Như Lai thật không thể nghĩ bàn! Pháp và Tăng cũng vậy, không thể nghĩ bàn! Kinh Đại Bát Niết-bàn này cũng không thể nghĩ bàn!
“Nếu ai tu học kinh điển này, người ấy được pháp môn cao trổi nhất, có thể làm bậc lương y. Nếu ai chưa tu học kinh này, nên biết rằng đó là người tối tăm, không có mắt huệ, bị vô minh che khuất.”
The Buddha said to all the bhiksus: "If you have any doubt about the moral precepts, you are free to ask questions. I shall now explain and fully satisfy you. I have already practised the Way and clearly attained the true nature of the All-Void of all things. O Bhiksus! Only the Tathagata has practised the true nature of the All-Void of all things." He also said to the bhiksus: "If you have any doubts, ask me, all of you!" Then the bhiksus said to the Buddha: "O World-Honoured One! With the wisdom that we have, we can put no questions to the Tathagata, the Alms-deserving and All-Enlightened One. Why not? The world of the Tathagata cannot be known by us. All samadhis cannot be thought of. Whatever is said is not within the compass of our comprehension. So, with what wisdom we have, there can be no posing of questions to the Tathagata. O World-Honoured One! There is a man, for example, who is 120 years old. Suffering from a long illness, he is in bed and cannot get up. His vitality has gone, so that he cannot live long. There is a rich man there who is on his way to far-off places on business. He gives this man a hundred pounds of gold and says: " I intend to go on a journey and entrust this treasure to you. After 10 or 20 years, I shall come back, when my business is concluded. When I am home again, give this back to me." The sick old man receives it. And he has none to succeed him. After some time, the illness develops and he dies, and what was entrusted to him cannot be found. The person who entrusted the treasure to him comes back from his journey, looks around, but cannot find the man. One like this, being ignorant, cannot think and weigh the good and bad of entrusting a thing to the hands of another person. So, on coming back, he does not know where to look. Thus the treasure gets lost. O World-honoured One! It is the same with us sravakas. We hear the kind admonition of the Tathagata, but we cannot hold it long. It is as with the old man who is entrusted with treasure. We are ignorant now and do not know what to ask regarding the precepts." The Buddha said to the bhiksus: "If you question me now, it will benefit all beings. That is why I say that you should ask about any doubts you may have." Then, all the bhiksus said to the Buddha: "O World-Honoured One! Imagine, for example: there is a man here of 25, full of vitality and right and proper. He has many treasures, such as gold, silver, beryl, etc. He has his parents, wife, children, relatives, and all his family. Then a man comes and hands over a treasure to him, saying: " I have things to do and am about to go on a long journey. My business concluded, I shall be back. When I am back home, return this to me." After this, the young man guards the treasure well, as though it were his own. The [young] man falls ill and says: " All this gold was entrusted to my care. When the man gets back home, give this to him. " One who is wise knows how to act and weigh things. His business concluded, the man returns, and what he had entrusted [to the other] is all safe, with nothing lost. The same with the World-Honoured One. If the treasure is entrusted to Ananda and the bhiksus, it cannot survive long. Why not? Because all sravakas and Mahakasyapa must pass away and the situation will inevitably be like that of the old man who receives the entrusted goods of the other person. Because of this, all the unsurpassed Buddhist teachings must be entrusted to the hands of all Bodhisattvas. They discuss well and the treasure will live long and flourish for infinite thousands of ages and benefit all beings enormously. This is like the case of the man in the prime of his life who receives the entrusted goods of the other person. Because of this, all Bodhisattvas can well pose questions. What wealth we have may be likened to a mosquito or sawfly. How can we question the Tathagata on the depths of the teaching?" At this, all the sravakas sank into silence.
Then, the Buddha, praised all the bhiksus and said: " It is good, it is good that you have all attained the unleakable [undefiled, asrava-free] mind of the arhat. I also thought of this once myself. Because of these two circumstances [i.e. that the sravakas cannot and the Bodhisattvas can pose questions], I entrust the Mahayana to all the Bodhisattvas and allow this Wonderful Dharma to live long" . Then the Buddha said to all the congregation: " O all good men and women! You cannot calculate the length of my life. No unhindered speech of a Bodhisattva can
fully express this. You may, if you will, ask me about the precepts or how to take refuge. You may do this a second or third time."
At that time, among those congregated, there was a Bodhisattva-mahasattva of the stage of the boyhood abode [ie. on the 9th of the 10 Bodhisattva levels]. He had been born into a Brahmin family in a hamlet called Tara. His family name was Mahakasyapa. By the divine power of the Buddha, he rose from his seat, bared his right elbow [shoulder] and walked around the Buddha 100 thousand times, and placing his right knee on the ground and folding his hands, said to the Buddha: "O World-Honoured One! I would now like to ask something of the Buddha. If you will allow me, I desire to speak." The Buddha said to Kasyapa: "The Tathagata, the Alms-deserving and All-Enlightened One allows you to say anything. I shall expound for you, clarify your doubt, and gladden you." Then Bodhisattva Kasyapa again said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Tathagata, pitying me, gives me permission. I now shall ask. But the wisdom that I have is petty, like that of a mosquito or sawfly. You, Tathagata-World- Honoured One, are exalted in personal virtue and are surrounded by a retinue as fragrant as sandalwood and as difficult to subdue and as invincible as a lion. The Tathagata’s person is like a true diamond. You shine like beryl. All [about you] is true and difficult to break and is surrounded by a great sea of Wisdom. All the Bodhisattva-mahasattvas congregated here are perfect in infinite and boundless depths of virtue. They are like gandhahastins. How can I put questions before such a congregation? Only now, guarded by the Buddha’s divine power and by dint of the great dignity of moral virtue of the people congregated here, shall I put some questions to you." He spoke in a gatha:
"How do we gain long life, the Adamantine and Invincible body?
How do we gain great strength?
How by this sutra do we ultimately attain the other shore?
We beseech you to open the undisclosed door and,
For the sake of beings, teach us widely.
How can we, for the sake of the masses,
Become an expansive refuge and, although not arhats, be equal to arhats?
How can we, for the sake of beings,
Foresee Papiyas’ [i.e. Mara, the Devil’s] disturbances?
How can one clearly distinguish
Between what the Tathagata says and what the Papiyas says?
How does the All-Best-Trainer become pleased in heart
And speak about “Paramartha-satya” [the Truth of the Supreme Reality],
Become full in right good, and speak about the four inversions?
How do you do good? O Great Rishi! Please tell us now.
How do Bodhisattvas fathom the unfathomable nature?
How do they understand the significations of the full letter and the half letter1?
How can we simultaneously practise two holy actions Such as the sarasa and karanda that go together?
How can one be like the sun and moon,
Like the evening star and Jupiter?
How can one, not yet aspiring, be called a Bodhisattva?
How can all beings gain fearlessness, i.e. the word as a composite, made from joining the Sanskrit alphabets and possessing meaning, and the alphabetical letters and phonetic symbols in the case of Sanskrit
Like Jambunada gold, in which no flaw can ever be detected?
How can one, though living in a defiled land,
Not be defiled like the lotus flower?
How do we live amidst illusions and
Not get tainted and not attacked by diseases,
As in the case of a doctor who, curing all diseases,
Does not himself get stricken by disease?
How can one be a sea-captain,
Foundering yet [still] amidst the sea of birth and death?
How can one abandon birth and death, as the serpent does its old skin?
How can one meditate on the Three Treasures
And be like the tree in the heavens that answers well one’s wishes?
How can one speak about the three Vehicles2 and the Natureless?
How can one talk of Bliss, being not yet blessed with Bliss?
How can all Bodhisattvas be indestructible ones?
How can one be the eyes and guide for a person born blind?
How can one gain a multifarious head [mind rich in knowledge]
We beseech you, O Great Rishi! Please explain [this] to us!
How can you who turn the wheel of Dharma Expand like the moon at the beginning of the month?
How do you show yourself again and gain Nirvana at the end?
How can you, the brave, step forward
And show to man, heaven and Mara the Way?
How does one know “Dharmata” [essence of Reality]
And become blessed with Dharma?
How do all Bodhisattvas make away with all illnesses?
How do they expound to all beings the undisclosed teachings?
How do they expound the Ultimate and the non-Ultimate?
If doubts [can be] done away with, why not definitely explain?
How can one attain the highest and unsurpassed Way?
I now beseech the Tathagata, for the sake of the Bodhisattvas,
To expound the deepest and most wonderful teachings.
Everything has the nature of peace and bliss.
Expound in detail for us, please, O Great Rishi World-Honoured One!
O Great Refuge! O Two-Footed-Honoured One,
The Wonderful-One-of-All-Medicines!
I now desire to enquire all about things,
But I lack Wisdom; even all the Bodhisattvas
Who make utmost effort may not know Such
depths as of the world of all Buddhas."
Then, praising Bodhisattva Kasyapa, the Buddha said: "Well said, well said, O good man! You have not yet arrived at All-Knowledge, but I am he who has attained it. You now ask about the deepest depths of the undisclosed doctrine. Now, O good man! I, sitting under the Bodhi Tree, first attained right Enlightenment. At that time, in all Buddha-lands as numerous as the sands of countless asamkhyas of Ganges, there were Bodhisattvas. They too asked of me the meaning of this deepest doctrine. And what they said and the virtue thereof were thus, the same, not different. Asking thus, great benefits accrue to all beings." Then Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The power of my wisdom does not extend thus far as to put such deep questions to the Tathagata. O World-Honoured One! This is like a mosquito or sawfly that cannot fly over a great sea or fly round in the high heavens. The same with me. I have no power to ask the Tathagata about this great sea of Wisdom or the meaning of the great depths of space-like extension of “Dharmata”. O World-Honoured One! This is like a king who hands over to the hands of the officer in charge of treasures a bright gem that was housed in the knot of his hair, and the officer, on receiving it, increases the guard. The same is the case with me. Having received the depths of the Tathagata’s Mahayana teaching, I shall guard it all the more carefully. Why? This is but to make me attain the great depths of Wisdom."
Then the Buddha said to Kasyapa: "O good man! Listen clearly, listen clearly! I shall now tell you the cause of the Tathagata’s longevity of life. The Bodhisattva, through this action, gains long life. For this reason, listen with your best attention. Having listened, speak of it to others. O good man! Having thus practised, I attained unsurpassed Bodhi. I, for all beings’ sake, now speak of this. O good man! As an example: a prince transgresses against state law and is chained up in prison. The king pities him and, riding on a palanquin, goes himself to the prison because he loves the prince. The same with the Bodhisattva. If he desires to have a long life, he should guard and protect beings and view them as one would one’s only son, and abide in great loving-kindness, great compassion, great joy, and great equanimity. Also, he should impart the precept of non-harming to them and teach them to practise all good things. Also, he must let all beings abide peacefully in the five moral precepts and the ten good deeds. Furthermore, he will get into such realms as hell, hungry preta, animal, and asura, and free all these beings from where they are suffering, emancipate those not yet emancipated, pass over those who have not yet gained the other shore, give Nirvana to those who have not yet attained it, and console all who live in fear. Acting thus, the Bodhisattva gains longevity of life and unmolested [unlimited] freedom in knowing. And when the end comes, he gains life in the high heavens." Then Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! You say that the Bodhisattva-mahasattva regards all beings just as one views one’s only son. The thought is too deep, and I cannot fathom it. O World-Honoured One! You say that the Bodhisattva views beings with an all-equal mind and views them as he would look upon his only son. But things are not so. Why not? Amongst the Buddhists, there are those who break the moral precepts, those who commit deadly sins, and those who transgress against Wonderful Dharma. How can it be that he [the Buddha] can have the same [attitude of] mind towards them as towards his only son?" The Buddha said to Kasyapa: " It is so, it is so! I view all beings as I view my own Rahula."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! Once, on the 15th of the month, on the day of posadha, among the congregated who were strict and pure in the moral precepts, there was a boy who did not quite seriously observe the three actions of body, mouth and mind. He hid himself in a dark place and secretly listened to what was said. Guhyapada, receiving the divine power of the Buddha, crushed this boy into dust with a vajra3. O World-Honoured One! Guhyapada acted so badly that the boy’s life was taken. How could you look upon all beings as you do your own Rahula?" The Buddha said to Kasyapa: "Do not speak thus! This boy was none but a transformed [illusory, projected] one, not a true one.
This was but to repress breaking of the precepts and transgression against Buddha-Dharma, and to remould beings. Even the vajra and also Guhyapada were transformed existences. O Kasyapa! There are in the world those who slander Wonderful Dharma, icchantikas, those who harm others, those who abide in twisted views, those who purposely act contrary to the moral precepts. I pity all and have loving thought, just as one has towards one’s only son, as in the case of Rahula. O good man! To illustrate: when the officers of the royal court break state law, the king punishes according to the rules relating to the sins committed and does not leave the officers unpunished. The Tathagata does not act thus. He makes those who violate the precepts undergo such procedures as being driven out, reprimanded, put under surveillance, impeached or banished for non-confirming of the sins committed, for non-repentance, and for non-forsaking of twisted views. The reason, O good man, why the Tathagata imposes the suppressive moral precepts on those who slander Dharma arises from the fact that he desires to show those who transgress that karmic consequences ensue for what one has done. O good man! Know that the Tathagata desires to bestow on evil beings what need not be feared. He emits one, two, or five beams, so that those who encounter this light will be rid of all evil acts. Now, the Tathagata has so many uncountable means of such power. O good man! If you desire to see Dharma which cannot be seen, I will now explain to you all about what you can see. When I have entered Nirvana, a bhiksu who is perfect in the deportment of a bhiksu and who observes Wonderful Dharma may come across one who transgresses. If this bhiksu drives away, reproaches, impeaches, or remoulds such an evil-doer, he will be blessed with weal which one cannot measure or tell of. O good man! To illustrate: there is a tyrant king who does evil things and happens to suffer very seriously from illness. The king of a neighbouring state, hearing of this, mobilises the army to overthrow the state. At this, the king, having no power to resist the attack, repents and tries to do good. And the weal of the king of this neighbouring state will be uncountable. The same with the precept-observing bhiksu. If he drives away or reproaches those who act against Dharma and makes them do good, an incalculable [amount of] weal will be his. O good man! As an illustration: in the fields and around the houses where a rich man dwells grow many poisonous tree. Seeing this, he fells all of them and there is no more of them. Or white hair appears on the head of a young man. He feels ashamed of it, cuts it off and does not allow his hair to grow long. The same is the case with a precept-upholding bhiksu. If he sees any person who breaks the precepts and transgresses against Wonderful Dharma, he should drive away, reproach or impeach such a person. If a good bhiksu, seeing one who transgresses against Dharma, does not drive away, reproach or impeach such a person, know that this bhiksu is the enemy of the Buddhist teaching. If he drives away, reproaches or impeaches such a one, he is my disciple, a true disciple."
Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha; "O World-Honoured One! You may say that you look upon all beings equally and treat them as you would an only son such as Rahula. This is not so. O World-honoured One! A person may try to harm you with a sword. Or there may be someone who tries to paint the Buddha’s body with sandalwood paste. If it is is the case that you view both persons with the same eye, how could you cure moral offences? If it is the case that this cures moral offences, this does not make sense." The Buddha said to Kasyapa: " An illustration, O good man! The king, minister and prime minister may desire to bring up their sons who are right-set in countenance and sharp in intellect. One of those fathers takes one, two, three, four such sons and hands them over to a strict teacher and says to him: "Please teach my sons deportment, good behaviour, the arts, writing and reckoning. These my four sons will study under your guidance. Even if three of my sons die of goading, teach the last with whatever means you may think fit. I may lose the three, but I shall not be vexed." O Kasyapa! Are the father and the teacher responsible for killing?" "No, O World-Honoured One! Why not? Because a loving mind was at the bottom [of their actions]. What there is [here] is accomplishment, but not an evil mind. Such teaching will be met with good, to a limitless extent." "O good man! The same is the case with the Tathagata. He views those who transgress Dharma as he views his only son. The Tathagata now entrusts unsurpassed Wonderful Dharma to the hands of kings, ministers, prime ministers, bhiksus, bhiksunis, upasakas and upasikas. All of these kings and the four classes of the Buddhist Sangha will encourage those who practise the Buddhist teaching and enable them increasingly to observe the moral precepts, practise meditation and wisdom. If there are any who miscarry these three phases [aspects] of Dharma and if there are those who are indolent and who break the moral precepts, the kings, ministers, and the four classes of the Buddhist Sangha will work hard and remould such people. O good man! Should all these kings and the four classes of the Buddhist Sangha be blamed or not?" "No, indeed, O World-Honoured One!" "O good man! These kings and the four classes of the Buddhist Sangha are not to be blamed. How could it be that the Tathagata is to be blamed? O good man! The Tathagata well observes such impartiality, looking upon all people as one would one's only son. Such a one who practises the Way is called one who practises the all-equal mind of a Bodhisattva and one who possesses a mind that loves an only son. O good man! The Bodhisattva, practising thus, gains a long life and is now able to see what took place in the past." Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha: "O World-Honoured One! You say that a Bodhisattva, practising impartiality, can well view beings just as one views one's only son and that such a person gains a long life. But you should not say this. Why not? One who knows Dharma indeed speaks well of filial duty. But back home, he beats his parents with tiles and gravel, [in defiance of] the fact that one’s parents are the best field of weal, where much weal comes about, such as is the most difficult of difficult to encounter. Where the person should be making offerings, he performs evil. There is a distinction between what this person knows and what he does. What the Tathagata says is also like this. The Bodhisattva practises impartiality and views beings as an only son, and he gains a long life, can look into the past, and live eternally and there cannot be any change. Now, why is it that the World-Honoured One is like a person with the shortest life in the world? Does not the Tathagata entertain hatred against all beings? O World-Honoured One! What evil acts did you perform in the past? How many evil acts did you commit, so as to gain the shortest life, which does not even extend to 100 years?" The Buddha said to Kasyapa: "O good man! Under what circumstances do you bring across your lips all such rough-hewn words against the Tathagata? The life of the Tathagata is the longest and most superior of longest lives. His eternal Dharma is the unsurpassed of all eternal things." Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha: "O World-Honoured One! How did you, the Tathagata, gain eternal life?" The Buddha said to Bodhisattva Kasyapa: " O good man! There are eight great rivers, which are 1) Ganges, 2) Yamuna, 3) Sarabhu, 4) Ajitavati, 5) Mahi, 6) Indus, 7) Pasu, and 8) Sita. All these eight rivers and other small rivers drain into the great ocean. O Kasyapa! All the great rivers of life of all people, heaven, earth and sky drain into the Tathagata’s sea of life. Hence, the length of life of the Tathagata is incalculable. Also, next, O Kasyapa! As an illustration: it is like the case of Lake Anavatapta, which gives rise to four rivers. The same with the Tathagata. He gives rise to all long life-spans (emphasis added). O Kasyapa! As an example: of all eternal things, that of space is the foremost. The same is the case with the Tathagata. He is the foremost of all eternal things. O Kasyapa! This is as in the case of sarpirmanda [most delicious and efficacious medicine], the first of all medicines. The same is the case with the Tathagata. He is the one possessed of the longest life." Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha: "If the life of the Tathagata is thus, you mast live for a kalpa or [just] less than a kalpa and be delivering sermons in the way the great rain falls." "O Kasyapa! Do not entertain the thought of extinction regarding the Tathagata. O Kasyapa! There may be amongst the bhiksus, bhiksunis, upasakas, upasikas, or even among the tirthikas a person who possesses the five divine powers or the unmolested [unlimited] power of a rishi. He may live a kalpa or less than a kalpa; he may be able to fly through the air, and be unmolested [unconstrained] whether he is reclining or sitting. He emits fire from the left side of his body or water from his right side. His body emits smoke and flames like a fire ball. If he desires to live long, he can do as he wills. He can freely lengthen or shorten his life. With such divine power, he has such freedom of power. And how could this not be possible with the Tathagata, who possesses unmolested [unlimited] power in all things? How could it not be that he can live for half a kalpa, a kalpa, 100 kalpas, 100 thousand kalpas, or innumerable kalpas? On account of this, know that “the Tathagata is an eternal and unchanging existence”. The Tathagata’s body is a transformed body and not one supported by various kinds of food. In order to pass beings to the other shore, he manifests himself amidst poisonous trees. Hence he manifests himself discarding his carnal body and entering Nirvana. Know, O Kasyapa, that the Buddha is an eternal and unchanging existence. O all of you! Practise the Way in this Paramartha-satya [Truth of the Transcendent Reality], make effort, and practise the Way with one mind; having practised the Way, expound it widely to others."
Then Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! What difference exists between supramundane Dharma and the mundane? You say that the Buddha is an existence eternal and unchanging. If so, in worldly life, too, we have Brahma who is eternal, and also Isvara who is eternal, and no changing is there. The eternal nature of Self too is eternal; even a mote is also said to be eternal. If the Tathagata is an eternal existence, why does the Tathagata not always show [himself] in this way? If it is that you do not exist thus, what difference could we see? Why? Because Brahma, the mote existence, and prakriti [primordial matter] also do not manifest thus."
The Buddha said to Kasyapa: "A rich man has many cows, whose colours vary; nonethe-less, they are all of one group. They are entrusted to the hands of a cowherd, who takes them to watery or grassy land. Solely sarpirmanda is sought, not fresh milk or cream. The cattleman, having milked the cows, takes the milk himself. When the rich man dies, the cows are stolen by robbers. They get the cows, but having no women, they themselves milk the cows. The robbers say to one another: " The rich man fed these cows for sarpirmanda, not for fresh milk or cream. What should we do? Now, sarpirmanda is the best of all tastes in the world. We have no utensils and no place to keep it safe in." They also say to one another: "We have a bag made of hide. We shall keep it in that. Although we have a thing to keep the milk in, we do not know how to churn it. It is hard to obtain what we could drink. How could we gain fresh butter?" At that, the robbers, because sarpirmanda was what they were after, added water to the milk. But because they added too much water, the fresh milk, cream, and sarpirmanda were all lost. The same with common mortals. There are good teachings. But all are the residues of the Wonderful Dharma of the Tathagata. How? The Tathagata enters Nirvana. Later we steal what was left behind, i.e. the precepts, samadhi, and Wisdom. This is like the robbers stealing the cows. All common mortals obtain the precepts, samadhi, and Wisdom, but they have no means of working them out [perfecting them, implementing them]. Hence they never gain the eternal precepts, the eternal samadhi, the eternal Wisdom, and emancipation. This is like the robbers’ not having the means to work out [bring forth what they want], thus losing the sarpirmanda; or it is like the robbers’ adding water when they meant to gain sarpirmanda. The same with common mortals. Referring to emancipation, beings say that Self, being, life, man, Brahma, Isvara, prakriti, the precepts, samadhi, Wisdom, emancipation, or Thoughtless-nonthoughtlessness Heaven [naivasamjnana- samjnayatana] or Nirvana is Nirvana. This, however [i.e. just saying this] does not give one emancipation or Nirvana. This is like the robbers’ failing to gain sarpirmanda. Common mortals do small-scale pure actions and make offerings to their parents. Then they gain rebirth in heaven and attain small-scale bliss. This is like the milk to which the robbers added water. And common mortals do not themselves know the fact that one gets born in heaven by small-scale pure actions and making offerings to one’s parents. Also, they do not know the moral precepts, samadhi, Wisdom and taking refuge in the Three Treasures. Not knowing [all this], they talk about Eternity, Bliss, Self, and Purity. Though they talk, they do not know what these are. Hence, after taking birth in this life, the Tathagata talks about Eternity, Bliss, Self, and Purity. A chakravartin [world’s greatest, just ruler] appears in the world. By the power of virtue, all the robbers pull back, and there is no loss of any cows. Then the chakravartin entrusts the cows to the hands of a cowherd who knows the way. This person works out the means well and obtains sarpirmanda. Due to the sarpirmanda, there is no illness or pain for any being. It is like this. When the chakravartin of the wheel of Dharma appears in the world, all beings abandon these, because they cannot talk about the precepts, samadhi, and Wisdom. This is like the pulling back of the robbers. Then the Tathagata indeed speaks of secular and supramundane things. For the benefit of beings, he lets the Bodhisattva talk as the occasion arises. The Bodhisattva-mahasattva, on gaining sarpirmanda, lets all the innumerable beings gain the unsurpassed manna of Dharma. The Eternity, Bliss, Self, and Purity of the Tathagata thus come about [appear, are realised]. The Tathagata is one who is eternal and unchanging. This is not in the manner in which common mortals and the ignorant of the world say that Brahma is eternal. This eternality is always with the Tathagata and not with whatever else. O Kasyapa! All good men and good women should always carefully practise the Way of the two-lettered Buddha, who is eternal4. O Kasyapa! Any good man or good woman who practises the Way of the two-lettered, such a one accords with what I do and gets born where I go. If any person practises the two letters and sees it as extinction, know that the Tathagata enters Parinirvana to [in the eyes of] such a one. O good man! Nirvana is the “Dharmata” [True Essence] of all Buddhas."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "What might the “Dharmata” of the Tathagata mean? O World-Honoured One! I now desire to know about “Dharmata”. Have pity and expound this to me extensively. Now, “Dharmata” means "abandoning one’s body". To abandon means "not to possess". If not possessed, how can the body exist? If the body exists, how can we say that there is “Dharmata” in the body? If the body possesses “Dharmata”, how can the body exist? How can I know of this?" The Buddha said to Kasyapa: " O good man! Do not speak thus - that extinction is “Dharmata”. Now, “Dharmata” knows no extinction. O good man! This is as with the no-thought heaven [the fourth dhyana heaven of the rupadhatu - Realm of Form], where there is no thought of matter, though matter is perfectly equipped [provided]. One might ask: " How, then, can devas live there, please and amuse themselves, and have peace, and how do they think, see, and ask?" O good man! The world of the Tathagata is not one which sravakas and pratyekabuddhas can know. Do not so explicate and say that the body of the Tathagata is extinction. O good man! The Tathagata and extinction are matters for the world of Buddhas. It is not within sravakas’ and pratyekabuddhas’ reach of knowing. O good man! Do not entertain such thoughts as where the Tathagata lives, where he works, where he is to be seen, where he enjoys himself. O good man! Such, too, are things which do not come within the compass of your knowing. Everything regarding the Dharma-Body of all Buddhas and everything regarding the various expedients are beyond the range of [worldly] knowing.
" Also, next, O good man! Practise the teaching of the Buddha, Dharma and the life of the Sangha, and abide in the thought of the Eternal. These three things do not contradict one another. There is no form of the non-eternal [there], no change. Any person practising these three as things which differ fails in the Three Refuges which are pure. This we should know. This is to say that such a person lacks a place to abide in. No precept is fully learned; no fruit can come about of sravakas or pratyekabuddhas. Anyone who abides in the thought of the Eternal in this All-Wonderfulness has a place to take refuge in. O good man! It is like the shadow accompanying a tree. The same is the case with the Tathagata. As there is the Eternal, there is a refuge that can be taken. It is not non-eternal. If it is said that the Tathagata is non-eternal, he cannot be a refuge for all the heavens and people of the world."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is, for example, like the case of a tree in the darkness, where there is no shadow." "O Kasyapa! Do not say that there is a tree and that it has no shadow. It is merely that the fleshly eye cannot see it. The same with the Tathagata. His nature is eternal; it does not change. One cannot see [it] without the eye of Wisdom. This is as in the case where no tree-shadow appears in the darkness. Common mortals, after the death of the Buddha, may well say: "The Tathagata is non-eternal." This is the same. If one says that the Tathagata is other than Dharma and Sangha, there cannot be the Three Refuges. This is as in the case in which, as your parents are different from each other, there is the non-eternal." Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha: "O World-Honoured One! Henceforth, I, for the first time, shall, with the Eternalism of the Buddha, Dharma and Sangha, enlighten parents for ages, down to seven generations. It is wonderful indeed! O World- Honoured One! I shall now learn the All-Wonderfulness of the Tathagata, Dharma and Sangha. Having satisfied myself, I shall expound this widely to all others. If they do not have faith in the teaching, I will know that they have long practised the non-Eternal. To such as these I shall be like frost and hail."
Then the Buddha praised Bodhisattva Kasyapa and said: " Well said, well said! You now indeed protect and uphold Wonderful Dharma. Such protection of Dharma is no cheating of people. By the good act of not cheating [deceiving] others, one obtains a long life and becomes well able to read one’s past lives."
***
Then the World-Honoured One said to Kasyapa: "O good man! The body of the Tathagata is one that is eternal, one that is indestructible, and one that is adamantine, one that is not sustained by various kinds of food. It is the Dharma-Body." Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! We do not see such a body as you speak of. What we see is one which is non-eternal, destructible, of dust, one sustained by various kinds of food. How? In that you, the Tathagata, are now about to enter Nirvana." The Buddha said to Kasyapa: "Do not say that the body of the Tathagata is not strong, can easily be broken, and is the same as that of common mortals. O good man! Know that the body of the Tathagata is as indestructible as that which stands for countless billions of kalpas. It is neither the body of man or heaven, not one that fears, not one sustained by various kinds of food. The body of the Tathagata is one that is not a body and yet is a body. It is one not born and one that does not die. It is one that does not learn or practise. It is one innumerable and boundless and one that does not leave any tracks behind. It knows not and has no form to represent it. It is one ultimately pure. It does not shake. It does not receive, nor does it do [act]. It does not abide, does not make. It is tasteless and unmixed. It is an " is" and yet is not something created. It is neither action nor fruition [i.e. it is beyond Karma]. It is not one made, not one that dies. It is no mind; it is one not countable [whose dimensions can be reckoned]; It is the All-Wonderful, the one Eternal, and the one not presumable. It is not consciousness and is apart from mind. And yet it does not depart from mind. It is a mind that is all-equal. It is not an " is" ; yet it is what is " is" . There is no going and no coming [with it]; and yet it goes and comes. It does not break up. It is one indestructible. It does not snap and does not cease. It does not come out, nor does it die out. It is no master and yet a master. It is not one that exists; nor does it not exist. It awakes not, nor does it see. It is no letter, and is not no letter. It is no dhyana [meditation] and is not no dhyana. It cannot be seen and can be well seen. It is no place and yet is a place. It is no abode and yet is an abode. It is not dark and not bright. There is no quietness and yet there is quietness [in it]. It is non-possession, non-receiving, and non-giving. It is pure and untainted. It is no quarrelling and is never fighting. It is what is living and is not what is living. It is no taking and no falling. It is no thing and is not no thing. It is no field of weal and is not no field of weal. It is non-ending and does not end. It is separating and is a total ending. It is Void and is apart from Void. Though not eternal, it is not the case that it dies out moment after moment. There is no defilement and muddling [contamination]. There is no letter and it is apart from letters. It is no voice and no talking. It is no practising and learning. It is no praising and no weighing. It is not one and is not different. It has no form or characteristics. All is grand adornment. It is not brave and is not afraid. It is no quietness and is not quiet. It is heatless and is not hot. It cannot be seen; there is no form to represent it. The Tathagata succours all beings. While not emancipating, he yet indeed emancipates beings. There being no emancipation, there is the awakening of beings. There being no enlightening, he truly delivers sermons. There being not two, he is immeasurable and is incomparably equal. Being as flat as space, there is no form to represent [him]. Being equal to the nature of beings, he is not the "not-is", nor is he the "is". He always practises the One Vehicle. He sees the three of beings and does not retrogress, does not change, and cuts off all the roots of illusion. He does not fight or touch. He is non-nature and yet abides in nature. He does not merge and does not disperse. He is not long and not short. He is not round and not square. He is no skandha, sphere or realm, and yet he is the skandha, sphere, and realm. He is non-increasing and is not a lessening. He is no victor, and yet is one not vanquished. The body of the Tathagata is perfect in such innumerable virtues. There is none that he knows, none not known. There is none that is seen and none that is not seen. It is not that there is any creating and not that there is no creating. It is non-world and is not non-world. He does not do and is not non-doing. He is none to depend upon and is not none to depend upon. He is not the four great elements, nor is he not the four great elements. He is no cause and is not no cause. He is no being and is not no being. He is no sramana, no Brahmin. He is the Lion, the Great Lion. He is nobody and not nobody. We cannot express. Other than the oneness of Dharma, no counting is possible. At the time of the Parinirvana, he does not enter parinirvana. The Dharma-Body of the Tathagata is perfect in all such innumerable, wonderful virtues. O Kasyapa! Only the Tathagata knows all such phases [aspects, modalities] of existence. All [this] is beyond what sravakas and pratyekabuddhas can know. O Kasyapa! The body of the Tathagata is composed of all such virtues. It is not a body maintained or nourished by various foodstuffs. O Kasyapa! The virtue of the true body of the Tathagata is such. How could it suffer from illnesses, the pain of illness, and insecurity? How could it be as brittle as an unfired piece of earthenware? O Kasyapa! The reason why the Tathagata manifests illness and pain all comes from his desire to subdue beings. O good man! Know now that the Tathagata's body is one that is adamantine. From now on, think exclusively of this signification. Never think of a body sustained by food. Also, tell all beings that the body of the Tathagata is the Dharma-Body."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! The Tathagata is perfect in all such virtues. How could it be that such a body could suffer from illness and pain, impermanence, and destruction? Henceforth I shall regard the Tathagata's body as of the eternal Dharma-Body and the body of peace. Also, I shall speak of it to all others as such. Yes, indeed, the Tathagata's Dharma-Body is adamantine and indestructible. And yet, I do not know how it could come to be thus." The Buddha said to Kasyapa: "By correctly upholding Wonderful Dharma, one obtains this adamantine body. O Kasyapa! As I have in the past well guarded Dharma, I am now blessed with perfecting this adamantine body, which is eternal and indestructible. O good man! One who upholds Wonderful Dharma does not receive the five precepts and practise deportment, but protects with the sword, bow, arrow, and halberd those bhiksus who uphold the precepts and who are pure." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If a bhiksu is unprotected, living alone in the open, in a graveyard, or under a tree, I say that such a one is a true bhiksu. Any bhiksu whose eyes turn to protection is, we may know, a bogus priest." The Buddha said to Kasyapa: "Do not say "bogus". There may be a bhiksu who goes where he will, satisfies his personal needs, recites sutras, sits, and meditates. Should anyone come and ask about the Way, he will bestow sermons. He will speak about giving, observing the precepts, virtuous acts, and say that one should desire little and be satisfied. But he is not able to raise the lion’s roar of the doctrine, is not surrounded by lions, and is not able to subdue those who do evil. Such a bhiksu cannot realise his own profit, nor is he able to assist others. Know that this person is indolent and lazy. Though he may well uphold the precepts and stick to pure actions, such a person, you should know, can do nothing. Or there may be a bhiksu whose utensils may be full. And he upholds the prohibitive precepts, and always utters the lion’s roar, and delivers wonderful sermons on such as the sutras, geya, vyakarana, gatha, udana, itivrttaka, jatakas, vaipulya, and adbutadharma. He thus expounds these nine types of Buddhist sutras. He bestows benefit and peace upon others. Thus he says: "Prohibitions are given in the Nirvana Sutra to bhiksus which say that they should not keep menials, cows, sheep, or anything contrary to the prohibitions. Should bhiksus keep such defiled things, they must be taught not to. The Tathagata has stated in the sutras of various schools that any bhiksu who keeps such things must be corrected, just as kings correct bad acts, and must be driven back into secular life." When a bhiksu raises such a lion’s roar, anyone who breaks the precepts, on hearing this, will get all angry and harm this priest. If this person dies as a result of this, he is to be called one who upholds the precepts and who benefits both his own self and others. For this reason, kings, ministers, prime ministers and upasakas protect those who deliver sermons. Any person who protects Wonderful Dharma should learn things thus. O Kasyapa! Any person who thus breaks the precepts and who does not protect Wonderful Dharma is to be called a bogus priest. One who is strict in observance of the rules does not gain such a name. O good man! In the past - innumerable, boundless, asamkhyas of kalpas past - there appeared in this town of Kusinagara a Buddha who was the Alms-deserving, the All-Enlightened One, the All-accomplished One, the Well-gone, the All-knower, the Unsurpassed One, the Best Trainer, the Teacher of Heaven and Earth, the Buddha-World-Honoured One, and whose name was "Tathagata of Joy-and-Benefit-Augmentation." At that time, the world was wide and gloriously pure, rich and peaceful. The people were at the height of prosperity and no hunger was felt. He [They] looked like the Bodhisattvas of the Land of Peace and Happiness. That Buddha-World-Honoured One stayed in the world for an innumerable length of time. Having taught the people, he entered Parinirvana between the twin sal trees. The Buddha having entered Nirvana, the teaching remained in the world for countless billions of years and in the last part of the remaining 40 years the Buddhist teaching had still not died. At that time, there was a bhiksu called " Enlightened-Virtuous" , who upheld the precepts well and was surrounded by many of his relatives. He raised the lion's roar and preached all the nine types of sutras. He taught, saying: " Do not keep menials, men or women, cows, sheep or whatever might go against the precepts." At that time there were many bhiksus who were acting contrary to the precepts. On hearing this, they entertained ill-will and came upon this bhiksu, brandishing swords and staffs. At that time, there was a king called "Virtuous". He heard of this. To protect Dharma, he came to where the bhiksu was delivering his sermons and fought against the evil doers so that the bhiksu did not suffer. The king, however, received wounds all over his body. Then the bhiksu, Enlightened-Virtuous, praised the king, saying: " Well done, well done, O King! You are a person who protects Wonderful Dharma. In days to come, you will become the unsurpassed utensil of Dharma." The king listened to his sermon and rejoiced. Then he died and was born in the land of Buddha Akshobhya and became his foremost disciple. The subjects of this king, his relatives and soldiers were all glad and did not retrogress in their Bodhichitta [resolve to gain Enlightenment]. When the day came to depart the world, they were born in the land of Buddha Akshobhya. At the time when Wonderful Dharma is about to die out, one should act and protect Dharma like this. O Kasyapa! The king at that time was I; the bhiksu who delivered the sermon was Buddha Kasyapa. O Kasyapa! One who guards Wonderful Dharma is recompensed with such incalculable fruition. That is why I today adorn my body in various ways and have perfectly achieved the indestructible Dharma-Body."
Bodhisattva Kasyapa further said to the Buddha: "O World-Honoured One! The eternal body of the Tathagata is one carved in stone, as it were." The Buddha said to Kasyapa: "O good man! For that reason, bhiksus, bhiksunis, upasakas, upasikas should all the more make effort and protect Wonderful Dharma. The reward for protecting Wonderful Dharma is extremely great and innumerable. O good man! Because of this, those upasakas who protect Dharma should take the sword and staff and protect such a bhiksu who guards Dharma. Even though a person upholds the precepts, we cannot call that person one who upholds Mahayana. Even though a person has not received [in formal ceremony] the five precepts, if he protects Wonderful Dharma, such a one can well be called one of Mahayana. A person who upholds the Wonderful Dharma should take the sword and staff and guard bhiksus." Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! If all bhiksus are to be accompanied by such upasakas with the sword and staff, can we say that they are worthy of the name, or are they unworthy of such? Or is this upholding the precepts or not?" The Buddha said to Kasyapa: " Do not say that such persons are those who transgress the precepts. O good man! After I have entered Nirvana, the world will be evil-ridden and the land devastated, each pillaging the other, and the people will be driven by hunger. At such a time, because of hunger, men may make up their minds, abandon home and enter the Sangha. Such persons are bogus priests. Such, on seeing those persons who are strict in their observance of the precepts, right in their deportment, and pure in their deeds, upholding Wonderful Dharma, will drive such away or kill them or cause harm to them." Bodhisattva Kasyapa said again to the Buddha: "O World-Honoured One! How can all such persons upholding the precepts and guarding Wonderful Dharma get into villages and castle towns and teach?" " O good man! That is why I allow those who uphold the precepts to be accompanied by the white-clad people [lay people, non-monks] with the sword and staff. Although all kings, ministers, rich lay men [grhapati] and upasakas may possess the sword and staff for protecting Dharma, I call this upholding the precepts. You may possess the sword and staff, “but do not take life”. If things are thus, we call this first-hand upholding of the precepts." Kasyapa said: "Anyone who protects Dharma abides in right view and widely expounds the Mahayana sutras. He does not carry the bejewelled parasols of royal persons, oil pots, unpolished rice, or fruit and seeds. He does not approach a king, minister, or the rich for profit. He does not flatter the danapatis [alms-givers] and is perfect in deportment, and crushes down those who transgress against the precepts and who do evil. Such a person is called a teacher who upholds and protects Dharma. He is a true, good teacher of the Way [kalyana-mitra - a good friend]. His mind is as expansive as the sea." "O Kasyapa! Should there be a bhiksu who speaks about Dharma for profit, the people and his relatives will also follow his example and greedily seek profit. This person thus spoils [does harm to] people. O Kasyapa! Of priests there are three kinds: 1) the precept-breaking, mixed-up priest, 2)the ignorant priest, 3)the pure priest. The precept-breaking mixed-up priest can easily be broken [spiritually injured], whereas the precept-observing priest cannot be broken just by profit.
" How is one a precept-breaking mixed-up priest? A bhiksu may be upholding the pre-cepts, but for profit he sits, stands up, goes and comes with precept-breaking people and is on friendly terms with them and does things together with them. This is precept-breaking, hence, " mixed-up" .
" Why do we call a priest ignorant? A bhiksu may be living in a quiet place, but all his sense-organs are not proper [controlled], his mind is dark and slow at working. He desires little and begs alms. On the day of admonition and freedom [pravarana], he does not teach pure confession to all the people; seeing many people breaking the precepts, he does not teach them pure confession. Yet he sits with others, talks about the precepts and seeks to be free. Such a one is an ignorant priest.
"Who is the pure priest? There is a bhiksu, a priest whom 100 thousand-billion Maras cannot break. Now, this Bodhisattva is pure in his nature and can train the two types of priest referred to above and make them live among those who are pure. He is the unsurpassed great teacher, who protects Dharma well, who well upholds the precepts. He knows well what is light or grave in the keeping of the precepts and adjusts and benefits people. He does not know anything that is not [characterised by] upholding the precepts; what he knows is what concerns the precepts.
" What does he do to adjust beings? For example, in order to adjust people, the Bod- hisattva always enters a village any time and visits the places where widows and prostitutes live. He lives there for many years. This is what sravakas cannot do. This is what is called adjusting and benefiting beings.
" How does he know what is grave? Now, if one sees that the Tathagata admonishes and prohibits something, one should not do it thereafter. Things such as the four grave offences [killing, stealing, committing sexual misconduct, telling lies] are what the priest must not do. If, contrary to this, he purposely does [such things], this indicates that such a person is no longer a bhiksu, no son of the Shakya [Buddha]. This is what is "grave".
" What is " light" ? A person commits light ill deeds and is thrice admonished. Then, he stops doing such again. This is " light" . We say " non-vinaya which is not proved" . A person praises and says that one may receive and take impure things, and says that one accords with the word, and one does not stop doing [this].
"We say "right vinaya which is rightly responded [observed]." This is correctly learning the vinaya [rules of monastic discipline], not drawing near to what is contrary to the vinaya, and spiritually sharing pleasure. Thus one ensures that the vinaya is observed. Thus one well understands what one ought to do as a Buddhist and one expounds it well. This is what the vinaya refers to as well understanding the one letter [i.e. the Chinese written character for vinaya]. The same applies to upholding the sutras. O good man! The Buddha-Dharma is incalculable and hard to fathom The same is also the case with the Tathagata. He is beyond knowing." Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! It is so, it is so. It is as you, the Holy One, say. Unbounded and incomprehensible is Buddha-Dharma. Thus, too, is the Tathagata. All stands beyond comprehension; so too the Tathagata. Thus, I know now that the Tathagata is eternal and indestructible and that there is no change with him. I shall now study well and expound it widely to people."
Then the Buddha praised Bodhisattva Kasyapa and said: "Well said, well said! The body of the Tathagata is adamantine and indestructible. You, Bodhisattva, now have the right view and right understanding. If you see clearly thus, you will see the adamantine and indestructible body of the Tathagata just as you see things reflected in a mirror."
Chapter Six: On the Virtue of the Name
Then the Tathagata spoke again to Kasyapa: "O good man! You should now uphold all the words, chapters, clauses and all the virtues thereof of this sutra. Any good man or woman who hears the name of this sutra will never get born into the four realms [of hell, hungry ghost, animal, and asura]. Why not? I shall now expound to you all the virtues of this sutra and all that is practised by innumerable boundless Buddhas."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "O World-Honoured One! What is this sutra to be called? How should Bodhisattva-mahasattvas uphold this sutra?" The Buddha said to Kasyapa: "The name of this sutra is to be “Mahaparinirvana”. The foremost word betokens "good", the middle also "good", and the final "good" too. The signification [of this sutra] is extremely deep, and what is written [in it] is good. The pureness of its arrangement is perfect, its action is pure, and its adamantine treasure-house is all-satisfying. Listen well, listen well! I shall now speak. O good man! The word "maha" betokens "eternal". This is like all the great rivers draining into the great ocean. The same with this sutra. It crushes out all the bonds of illusion and all the qualities of Mara, and then body and life drain into " Mahaparinirvana" . Hence we say "Mahaparinirvana." O good man! This is like a doctor who has a secret treatment embracing all medical treatments for disease. O good man! It is the same with the Tathagata. All the various wonderful doctrines taught and all the secret depths of meaning find their way into this Mahaparinirvana. That is why we say Mahaparinirvana. O good man! It is like a farmer who sows seed in spring. He entertains a rare wish. When he has finished the harvesting, all his longing is at an end. O good man! The same is the case with all beings. If we study other sutras, we always long for beautiful tastes. When one once hears this Mahaparinirvana, [however], one long ceases to covet the beautiful tastes mentioned in other sutras. This great Nirvana well enables all beings to cross the sea of all existences. O good man! Of all footprints, that of the elephant is the best. The same with this sutra. Of all the samadhis of the sutras, that of this sutra is the best. O good man! Of all the tillings of the field, that done in autumn is best. The same with this sutra. It is the best of all sutras. It is like sarpirmanda, which is the best of all medicines. It thoroughly cures the feverish worries and madding minds of beings. This Great Nirvana is the foremost of all. O good man! It is like sweet butter which contains the eight tastes. The same also applies to this sutra. It contains the eight tastes. What are the eight? These are: 1) it is eternal, 2) it always is, 3) it is peaceful, 4) it is pure and cool, 5) it does not grow old, 6) it does not die, 7) it is taintless, and 8) it is pleasing and happy. These are the eight tastes. It possesses these eight tastes. This is why we say "Mahaparinirvana". Now, all Bodhisattva-mahasattvas peacefully abide in this and manifest Nirvana in all places. That is why we say " Mahaparinirvna" . O Kasyapa! All good men and women who desire to enter Nirvana by this Mahaparinirvana must study well the fact that the Tathagata is eternal and that the Dharma and Sangha are eternal."
Bodhisattva Kasyapa said to the Buddha: "All is wonderful, O World-Honoured One! We cannot conceive of the Tathagata's depths of virtue. The same is the case with the virtues of Dharma and Sangha. This Mahaparinirvana is also inconceivable. One who studies this sutra will gain the right eye of Dharma and become a good doctor. Anybody who has not studied this sutra, we should know, is [like] a blind person, not possessing the eye of Wisdom and overshadowed by ignorance."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.165.234 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập