Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» Xem đối chiếu Anh Việt: QUYỂN 24 - Phẩm BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÝ ĐỨC VƯƠNG - Phẩm thứ mười – Phần bốn »»
Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ nhì?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn, những chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc, trước đây không nhìn thấy thì nay được thấy, trước đây không nghe thì nay được nghe, trước đây không đến thì nay đạt đến, trước đây không biết thì nay được biết.
“Sao gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc? Như nói về thần thông, trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Thần thông có hai loại, một là nội thông, hai là ngoại thông. Ngoại thông là những thần thông mà ngoại đạo cũng có. Nội thông là những thần thông chỉ có trong đạo Phật. Lại phân thành hai loại, một là thần thông của hàng Nhị thừa, hai là thần thông của hàng Bồ Tát.
“Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn chứng đắc những thần thông mà hàng Thanh văn và Phật Bích-chi đều không có được.
“Vì sao nói là Thanh văn và Phật Bích-chi không cùng có được? Hàng Nhị thừa khi hiện thần thông biến hóa, mỗi một tâm chỉ hóa hiện được một phép, không hóa hiện được nhiều. Bồ Tát không phải vậy, chỉ trong một tâm có thể hóa hiện đầy đủ các thân trong Năm đường. Vì sao vậy? Vì có được thế lực của kinh Đại Niết-bàn này. Đó gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Lại nữa, sao gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc? Như nói về thân được tự tại, tâm được tự tại. Vì sao vậy? Thân tâm của tất cả phàm phu đều không được tự tại: hoặc tâm tùy theo thân, hoặc thân tùy theo tâm.
“Thế nào là tâm tùy theo thân? Ví như người say rượu, trong thân có rượu. Khi ấy thân chuyển động thì tâm cũng theo đó mà động. Lại như thân mỏi mệt thì tâm cũng theo đó mà mỏi mệt. Như thế gọi là tâm tùy theo thân.
“Lại như đứa trẻ thơ, thân thể bé nhỏ, tâm cũng theo đó mà nhỏ. Người trưởng thành rồi thân lớn, tâm cũng theo đó mà lớn. Lại như có người thân thể thô nhám, tâm thường nghĩ nhớ, ao ước có được loại thuốc mỡ để thoa trên thân cho được trơn láng. Như thế gọi là tâm tùy theo thân.
“Thế nào là thân tùy theo tâm? Như nói về những việc đến, đi, ngồi, nằm, tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn... Người sầu não thì thân thể gầy yếu tiều tụy, người vui vẻ thì thân thể mập mạp tươi nhuận; người hốt hoảng thì thân thể run rẩy, người chú tâm nghe thuyết pháp thì thân thể vui nhẹ, thoải mái; người đau thương khóc lóc thì nước mắt tuôn trào. Như thế gọi là thân tùy theo tâm.
“Bồ Tát không phải vậy, đối với thân và tâm đều được tự tại. Như thế gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát hóa hiện thân tướng như hạt bụi nhỏ, dùng những thân như bụi nhỏ ấy mà có thể hiện đến khắp vô lượng vô biên cõi thế giới Phật nhiều như cát sông Hằng, không có gì chướng ngại, nhưng trong tâm vẫn thường an định không hề xao động. Như thế gọi là tâm không tùy theo thân. Như thế gọi là chỗ trước đây không chứng đắc thì nay chứng đắc.
“Thế nào là chỗ trước đây không đến mà nay đạt đến? Chỗ mà tất cả Thanh văn và Phật Bích-chi đều không thể đạt đến, Bồ Tát có thể đạt đến. Vì thế gọi là chỗ trước đây không đến mà nay đạt đến.
“Tất cả hàng Thanh văn và Phật Bích-chi tuy dùng thần thông cũng không thể biến thân như hạt bụi cực nhỏ mà hiện đến khắp vô lượng thế giới Phật nhiều như cát sông Hằng. Hàng Thanh văn và Duyên giác, khi thân động thì tâm cũng theo đó mà động. Bồ Tát không phải thế, tuy tâm không hề xao động nhưng thân biến hiện đến khắp mọi nơi. Như thế gọi là Bồ Tát tâm không tùy theo thân.
“Lại nữa, thiện nam tử! Bồ Tát hóa thân lớn như cõi thế giới Tam thiên đại thiên, rồi dùng thân to lớn ấy đi vào trong thân nhỏ bé như hạt bụi, nhưng lúc bấy giờ tâm không theo đó mà nhỏ lại. Hàng Thanh văn, Duyên giác tuy có thể hóa thân lớn như cõi thế giới Tam thiên đại thiên, nhưng không thể dùng thân to lớn như vậy đi vào trong thân nhỏ bé như hạt bụi. Việc như thế còn không thể làm được, huống chi lại có thể giữ cho tâm không tùy động theo thân? Như thế gọi là Bồ Tát tâm không tùy theo thân.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát dùng một âm thanh có thể khiến cho chúng sanh trong khắp cõi thế giới Tam thiên đại thiên đều nghe được, nhưng trong tâm không hề nghĩ rằng mình khiến cho âm thanh ấy vang đến các thế giới, làm cho các chúng sanh chưa từng nghe mà nay được nghe. Bồ Tát từ trước cũng không hề nói rằng: ‘Ta làm cho chúng sanh từ trước chưa nghe nay được nghe.’
“Nếu người nói rằng: ‘Nhờ sự thuyết pháp của ta nên chúng sanh chưa nghe nay được nghe.’ Nên biết rằng người ấy không thể chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao vậy? Vì nếu nghĩ rằng: ‘Ta vì những chúng sanh chưa được nghe mà thuyết pháp’, thì tâm như vậy chính là tâm sanh tử. Tâm ấy đã dứt mất nơi tất cả các vị Bồ Tát. Vì nghĩa ấy nên thân tâm của Đại Bồ Tát chẳng tùy theo nhau.
“Thiện nam tử! Thân tâm của tất cả phàm phu đều tùy theo nhau. Bồ Tát không phải vậy. Vì hóa độ chúng sanh nên tuy hiện thân nhỏ bé nhưng tâm không vì thế mà nhỏ bé. Vì sao vậy? Vì tâm tánh của chư Bồ Tát thường rộng lớn. Tuy hóa hiện thân to lớn nhưng tâm cũng không theo đó mà lớn.
“Thế nào là thân to lớn? Là thân lớn như cõi thế giới Tam thiên đại thiên. Thế nào là tâm nhỏ? Là việc làm như đứa trẻ con. Do những nghĩa trên nên Bồ Tát tâm chẳng tùy theo thân.
“Đại Bồ Tát trải qua vô số kiếp [thân] đã xa lìa việc uống rượu, nhưng tâm vẫn xao động; tâm không đau thương khổ não nhưng thân vẫn rơi lệ; [tâm] thật không hoảng hốt nhưng thân vẫn run rẩy. Vì những nghĩa ấy, nên biết rằng thân tâm của Bồ Tát tự tại, không tùy theo nhau. Đại Bồ Tát chỉ hóa hiện một thân nhưng mỗi chúng sanh đều nhìn thấy khác nhau.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập hành trì kinh Đại Niết-bàn, chỗ trước đây không nghe thì nay được nghe? Đại Bồ Tát trước hết dùng tướng trạng của các âm thanh như tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng người, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng các loại tiêu, sáo... tiếng ca hát, tiếng cười đùa... mà tu tập. Nhờ tu tập nên có thể nghe được âm thanh ở các cảnh giới địa ngục trong vô lượng thế giới Tam thiên Đại thiên. Lại tiếp tục tu tập nên được nhĩ căn khác lạ, khác với thiên nhĩ của hàng Thanh văn, Duyên giác. Vì sao vậy? Chỗ được nhĩ căn thanh tịnh của hàng Nhị thừa nếu nương theo bốn đại thanh tịnh mầu nhiệm của Sơ thiền thì chỉ nghe được âm thanh trong cảnh giới Sơ thiền mà thôi, không nghe được âm thanh trong cảnh giới Nhị thiền. Cho đến Tứ thiền cũng là như vậy. Tuy có thể nhất thời nghe được âm thanh trong cõi thế giới Tam thiên đại thiên, nhưng không thể nghe được âm thanh trong vô lượng vô biên thế giới nhiều như số cát sông Hằng. Vì nghĩa ấy nên chỗ được nhĩ căn của Bồ Tát khác với chỗ được nhĩ căn của hàng Thanh văn, Duyên giác. Vì nghĩa ấy nên chỗ trước đây không nghe thì nay [tu tập kinh Đại Bát Niết-bàn này rồi sẽ] được nghe.
“Tuy nghe âm thanh nhưng trong tâm không hề có tướng nghe âm thanh, không khởi các tướng hiện hữu, thường, lạc, ngã, tịnh, tướng tự chủ, tướng nương theo, tướng tạo tác, tướng nguyên nhân, tướng nhất định, tướng kết quả. Vì nghĩa ấy nên những chỗ trước đây các vị Bồ Tát không nghe thì nay được nghe.”
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương bạch Phật: “Nếu Như Lai dạy rằng không khởi các tướng nhất định, tướng kết quả thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao vậy? Trước đây Như Lai có dạy: ‘Nếu ai nghe được một câu, một chữ trong kinh Đại Niết-bàn này thì nhất định sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì sao nay Như Lai lại nói rằng không nhất định, không kết quả? Nếu [quả thật sẽ] được thành tựu A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì đó tức là tướng nhất định, là tướng kết quả. Vì sao nói rằng không [có các tướng] nhất định, tướng kết quả? Do nơi việc nghe tiếng xấu ác nên sanh lòng xấu ác. Vì sanh lòng xấu ác, ắt phải rơi vào ba đường ác. Nếu rơi vào ba đường ác thì đó chính là [tướng] nhất định, là [tướng] kết quả. Vì sao lại nói rằng không [có tướng] nhất định, không [có tướng] kết quả?”
Lúc ấy, đức Như Lai ngợi khen rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, ông khéo có thể thưa hỏi lời như thế! Giả sử chư Phật dạy rằng các âm thanh có tướng nhất định, có tướng kết quả, ắt đó không phải là tướng của chư Phật Thế Tôn, chính là tướng của Ma vương, tướng sanh tử, tướng xa cách Niết-bàn.
“Vì sao vậy? Chỗ diễn thuyết của tất cả chư Phật đều không có tướng nhất định, tướng kết quả.
“Thiện nam tử! Ví như trong lưỡi đao sáng phản chiếu khuôn mặt người, dựng đứng lưỡi đao thì thấy mặt dài, đặt nằm ngang thì thấy mặt rộng. Nếu có tướng nhất định, vì sao có việc dựng đứng lưỡi đao thì thấy mặt dài, đặt nằm ngang thì thấy mặt rộng? Vì nghĩa ấy, chỗ diễn thuyết của chư Phật Thế Tôn đều không có tướng nhất định, không có tướng kết quả.
“Thiện nam tử! Niết-bàn thật chẳng phải là kết quả của âm thanh. Nếu như Niết-bàn là kết quả của âm thanh thì Niết-bàn không phải pháp thường tồn.
“Thiện nam tử! Ví như ở thế gian, do có nguyên nhân mà sanh ra sự vật. Có nhân ắt có quả, không nhân thì không quả. Vì nhân là vô thường nên quả cũng là vô thường. Vì sao vậy? Vì nhân tạo thành quả, quả cũng tạo thành nhân. Vì nghĩa ấy nên tất cả các pháp đều không có tướng nhất định. Nếu như Niết-bàn do nhân mà sanh, thì nhân là vô thường nên quả cũng phải vô thường.
“Nhưng Niết-bàn chẳng phải do nhân sanh, nên bản thể của Niết-bàn không phải là kết quả, vì thế nên thường tồn.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên bản thể của Niết-bàn là không nhất định, không kết quả.
“Thiện nam tử! Nhưng Niết-bàn đó cũng có thể nói là nhất định, cũng có thể nói là kết quả. Thế nào là nhất định? Niết-bàn của tất cả chư Phật đều thường, lạc, ngã, tịnh, cho nên là nhất định; đều không có sanh, già, hư hoại, cho nên là nhất định. Những kẻ nhất-xiển-đề, phạm bốn trọng cấm, phỉ báng kinh Phương đẳng, tạo năm tội nghịch, [nếu] buông bỏ tâm ấy thì nhất định sẽ chứng đắc Niết-bàn, cho nên là nhất định.
“Thiện nam tử! Như ông vừa nói, nếu người nào được nghe Phật thuyết giảng một câu, một chữ trong kinh Đại Niết-bàn này, sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đối với nghĩa ấy ông chưa thật hiểu rõ. Hãy lắng nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng nói rõ hơn.
“Thiện nam tử! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe được một chữ, một câu trong kinh Đại Niết-bàn này mà không khởi thành tướng chữ nghĩa văn tự, không khởi thành tướng [được] nghe, không khởi thành tướng Phật, không khởi thành tướng thuyết giảng, ý nghĩa như vậy gọi là tướng vô tướng. Do tướng vô tướng nên được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Như ông có nói, vì nghe âm thanh xấu ác nên rơi vào ba đường ác. Nghĩa này không đúng. Vì sao vậy? Không phải do âm thanh xấu ác mà rơi vào ba đường ác. Nên biết rằng kết quả ấy là do tâm xấu ác.
Vì sao vậy? Có nhiều người tuy nghe âm thanh xấu ác nhưng trong tâm chẳng sanh khởi điều xấu ác. Cho nên phải biết rằng âm thanh xấu ác không phải nguyên nhân sanh vào ba đường ác. Đó là chúng sanh do phiền não trói buộc, tâm xấu ác phát triển thêm nhiều nên phải sanh vào ba đường ác, thật chẳng phải do âm thanh xấu ác.
“Nếu như âm thanh có tướng nhất định thì tất cả những người nghe lẽ ra đều phải sanh tâm xấu ác. Nhưng có người sanh tâm xấu ác, có người lại không sanh tâm xấu ác, vậy nên phải biết rằng âm thanh không có tướng nhất định. Vì không có tướng nhất định nên cũng nhân nơi đó mà có người không sanh tâm xấu ác.”
[Lúc ấy, Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương lại thưa hỏi:] “Bạch Thế Tôn! Nếu âm thanh là không nhất định, vì sao Bồ Tát trước đây không nghe mà nay được nghe?”
[Phật dạy:] “Thiện nam tử! Âm thanh không có tướng nhất định, chỗ trước đây không nghe, nay khiến cho các Bồ Tát được nghe. Vì nghĩa ấy nên ta dạy rằng: ‘Chỗ trước đây không nghe mà nay được nghe.’
“Thiện nam tử! Sao gọi là chỗ trước đây không thấy mà nay được thấy?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, trước hết dùng các tướng của ánh sáng như là mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đèn đuốc, ánh sáng của các loại minh châu, dược thảo... mà tu tập. Nhờ tu tập nên đạt được nhãn căn khác lạ, khác với chỗ đạt được của hàng Thanh văn, Duyên giác.
“Thế nào là khác? Chỗ đạt được thiên nhãn thanh tịnh của hàng Nhị thừa nếu dựa vào nhãn căn bốn đại ở Dục giới thì không thấy được cảnh giới Sơ thiền. Nếu dựa vào Sơ thiền thì không thấy được những cảnh giới cao hơn. Thậm chí không thể tự thấy được con mắt của mình. Nếu muốn nhìn thấy nhiều thì tối đa cũng chỉ được hết cõi thế giới Tam thiên đại thiên.
“Đại Bồ Tát không tu thiên nhãn, nhìn thấy những thân tướng hình sắc tốt đẹp đều là tướng xương trắng. Tuy nhìn thấy tướng hình sắc của các thế giới phương khác nhiều như cát sông Hằng, nhưng không khởi tướng hình sắc, không khởi tướng thường tồn, tướng hiện hữu, tướng sự vật, tướng danh tự... [Bồ Tát] khởi tướng nhân duyên, không khởi tướng thấy, không cho rằng con mắt này là tướng thanh tịnh vi diệu. Chỉ thấy có tướng nhân duyên và chẳng phải nhân duyên mà thôi.
“Thế nào là nhân duyên? Hình sắc là nhân duyên của con mắt. Nếu như hình sắc không phải nhân duyên thì tất cả phàm phu lẽ ra không sanh khởi tướng thấy sắc. Vì nghĩa ấy nên gọi hình sắc là nhân duyên.
“Nói chẳng phải nhân duyên, đó là Đại Bồ Tát tuy cũng nhìn thấy nhưng không sanh khởi tướng sắc, nên chẳng phải nhân duyên. Vì nghĩa ấy nên thiên nhãn thanh tịnh mà Bồ Tát đạt được khác với chỗ đạt được của hàng Thanh văn, Duyên giác. Do nghĩa ấy mà trong cùng một lúc Bồ Tát có thể nhìn thấy khắp các thế giới của chư Phật hiện tại trong mười phương. Đó gọi là Bồ Tát trước kia không thấy mà nay được thấy.
“Cũng vì nghĩa ấy, Bồ Tát có thể nhìn thấy đến những hạt bụi nhỏ mà Thanh văn, Duyên giác không thể nhìn thấy. Cũng vì nghĩa ấy, tuy tự thấy được mắt mình nhưng không hề khởi tướng thấy, chỉ thấy tướng vô thường, thấy rõ thân phàm phu chất chứa ba mươi sáu thứ, đầy dẫy những sự bất tịnh, cũng [rõ ràng] như nhìn trái a-ma-lặc đặt trong lòng bàn tay. Vì nghĩa ấy nên trước đây không thấy mà nay được thấy.
“Nếu Bồ Tát nhìn thấy tướng hình sắc của mỗi chúng sanh liền biết ngay được căn cơ của người ấy là Đại thừa hay Tiểu thừa. Bồ Tát chạm vào y phục của chúng sanh cũng biết được những căn tánh khác biệt, hoặc thiện, hoặc ác. Vì nghĩa ấy nên có chỗ trước đây không biết mà nay được biết. Một khi nhìn thấy thì [những điều] trước kia không biết nay liền được biết. Do biết như vậy nên trước kia không thấy mà nay được thấy.
“Lại nữa, thiện nam tử! Sao gọi là chỗ trước đây Bồ Tát không biết mà nay được biết? Đại Bồ Tát tuy rõ biết các tâm tham, sân, si của phàm phu nhưng không hề khởi các tướng tâm cùng tâm sở, không khởi tướng chúng sanh cùng tướng sự vật; tu tập theo Đệ nhất nghĩa nên thấy được tất cả rốt cùng đều là tướng không.
“Vì sao vậy? Vì tất cả Bồ Tát thường khéo tu tập tánh không, tướng không. Nhờ tu tập pháp không nên chỗ trước đây không biết mà nay được biết.
“Thế nào là biết? Đó là biết rằng không thật có ta và vật của ta; biết rằng tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Vì có tánh Phật nên những kẻ nhất-xiển-đề nếu buông bỏ tâm [nhất-xiển-đề] thì nhất định sẽ được thành tựu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Những điều như vậy đều là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể biết được, Bồ Tát có thể biết. Vì nghĩa ấy nên chỗ trước đây không biết mà nay được biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là chỗ trước đây không biết mà nay được biết? Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn nhớ lại được đời quá khứ của tất cả chúng sanh, như sanh ra trong dòng họ nào, hoặc cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn bè, kẻ thù oán... Chỉ trong khoảnh khắc của một ý niệm liền đạt được trí tuệ hết sức khác lạ, khác với trí tuệ của hàng Thanh văn, Duyên giác.
“Thế nào là khác lạ? Chỗ được trí tuệ của hàng Thanh văn, Duyên giác là nhớ biết được đời quá khứ của chúng sanh như dòng họ, cha mẹ... cho đến kẻ thù oán, nhưng có khởi các tướng dòng họ... cho đến tướng kẻ thù oán. Bồ Tát không phải vậy, tuy nhớ biết dòng họ, cha mẹ... cho đến kẻ thù oán trong đời quá khứ nhưng chẳng hề khởi những tướng dòng họ, tướng cha mẹ, cho đến tướng kẻ oán thù, [chỉ] thường khởi tướng pháp, tướng rỗng không vắng lặng. Như thế gọi là chỗ trước đây Bồ Tát không biết mà nay được biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là chỗ trước đây không biết mà nay được biết? Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn chứng đắc Tha tâm trí khác với chỗ chứng đắc của hàng Thanh văn, Duyên giác. Thế nào là khác? Hàng Thanh văn, Duyên giác dùng trí trong một niệm tưởng biết được tâm ý của con người thì không thể biết được tâm ý ở các cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chư thiên. Bồ Tát không phải vậy, trong một niệm tưởng có thể biết được khắp tâm ý của chúng sanh trong sáu đường. Đó gọi là chỗ trước đây Bồ Tát không biết mà nay được biết.
“Lại nữa, thiện nam tử! Lại còn chỗ biết khác lạ nữa: Đại Bồ Tát chỉ trong một niệm tưởng biết được tâm của Tu-đà-hoàn, từ tâm khởi đầu tuần tự cho đến đủ mười sáu tâm. Vì nghĩa ấy nên chỗ trước đây không biết mà nay được biết.
“Như vậy là Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ nhì.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn buông xả tâm từ và đạt được tâm từ. Khi đạt được tâm từ, không phải do nhân duyên.
“Thế nào là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Thiện nam tử! Tâm từ của phàm phu thuộc về Thế đế, Đại Bồ Tát buông xả tâm từ đó, đạt được tâm từ thuộc về Đệ nhất nghĩa. Tâm từ Đệ nhất nghĩa đó không phải do nhân duyên mà có được.
“Lại nữa, thế nào là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Tâm từ nếu có thể buông xả, gọi là tâm từ của phàm phu. Tâm từ nếu có thể đạt được, tức là tâm từ của Bồ Tát không do nhân duyên mà có. Buông xả tâm từ của kẻ nhất-xiển-đề, tâm từ của kẻ phạm bốn trọng cấm, tâm từ của kẻ phỉ báng kinh Phương đẳng, tâm từ của kẻ tạo năm tội nghịch; đạt được tâm từ thương xót, tâm từ của Như Lai, tâm từ của đức Thế Tôn, tâm từ không do nhân duyên mà có.
“Sao lại gọi là buông xả tâm từ và đạt được tâm từ? Buông xả tâm từ của kẻ tật khuyết nam căn, tâm từ của những kẻ không có giới tính hoặc lưỡng tính, tâm từ của nữ nhân, tâm từ của những hạng người đồ tể, thợ săn, chăn nuôi gà, heo... Cũng buông xả tâm từ của hàng Thanh văn, Duyên giác; đạt được tâm từ của hàng Bồ Tát không do nhân duyên, không thấy có tâm từ của mình, không thấy có tâm từ của người khác; không thấy có việc trì giới, không thấy có sự phá giới. Tuy tự thấy có lòng thương xót nhưng không thấy có chúng sanh. Tuy biết có những cảm thọ khổ nhưng không thấy có người nhận chịu [khổ]. Vì sao vậy? Vì tu tập nghĩa lý chân thật đệ nhất. Đó gọi là Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ ba.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư có mười điều. Những gì là mười?
“Thứ nhất, cội gốc sâu vững khó có thể bị lay chuyển. Thứ hai, đối với tự thân sanh khởi tư tưởng quyết định. Thứ ba, không quán xét phân biệt phước điền với chẳng phải phước điền. Thứ tư là tu tập thanh tịnh cõi Phật. Thứ năm là diệt mất hữu dư. Thứ sáu là dứt trừ nghiệp duyên. Thứ bảy là tu tập thân thanh tịnh. Thứ tám là rõ biết các duyên. Thứ chín là lìa khỏi mọi sự thù oán đối nghịch. Thứ mười là dứt trừ cả hai bên.
“Thế nào là cội gốc sâu vững khó có thể bị lay chuyển? Cội gốc ở đây là nói đức tánh không phóng dật. Không phóng dật là cội gốc của điều gì? Đó là nói cội gốc của quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
“Thiện nam tử! Cội gốc các điều lành của tất cả chư Phật đều là không phóng dật. Nhờ không phóng dật mà các căn lành khác dần dần tăng trưởng. Vì có thể làm tăng trưởng các căn lành, cho nên đức không phóng dật là cao trổi hơn hết trong mọi điều lành.
“Thiện nam tử! Như dấu chân voi là lớn nhất trong các dấu chân. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như ánh sáng mặt trời là hơn hết trong các thứ ánh sáng. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như vị Chuyển luân Thánh vương là cao trổi hơn hết trong các vị vua. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như bốn con sông lớn là hơn hết trong tất cả các dòng sông. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như núi chúa Tu-di là cao nhất trong các núi. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như hoa sen xanh là hơn hết trong các loài hoa sống dưới nước. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như hoa bà-lợi-sư là cao trổi hơn hết trong các loài hoa sống trên đất. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như sư tử là cao trổi hơn hết trong loài thú. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như chim kim sí là hơn hết trong loài chim. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như thân hình vị La-hầu, vua của loài a-tu-la là to lớn nhất trong các thân hình to lớn. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như đức Như Lai là cao trổi hơn hết trong tất cả chúng sanh, dù là loài hai chân, bốn chân, nhiều chân hay không có chân. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như tăng chúng của Phật là cao trổi hơn hết trong các chúng hội. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Như pháp Đại Niết-bàn là cao trổi hơn hết trong pháp Phật. Pháp không phóng dật cũng vậy, là cao trổi hơn hết trong mọi pháp lành.
“Thiện nam tử! Vì nghĩa ấy nên cội gốc không phóng dật là sâu vững, chắc chắn, rất khó nhổ bật.
“Thế nào là nhờ không phóng dật mà được tăng trưởng? Đó là nói về các căn lành như đức tin, trì giới, bố thí, trí tuệ, nhẫn nhục, nghe biết, tinh tấn, nhớ nghĩ, định tâm, thiện tri thức. Các căn lành này nhờ không phóng dật mà được tăng trưởng. Nhờ tăng trưởng nên sâu vững, chắc chắn, khó bị lay chuyển.
“Vì những nghĩa ấy nên gọi là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn được cội gốc sâu vững rất khó lay chuyển.
“Thế nào là đối với tự thân sanh khởi tư tưởng quyết định? Đối với thân thể sanh khởi tâm quyết định rằng: ‘Thân này của ta hôm nay, trong đời vị lai chắc chắn sẽ là công cụ để đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Đối với tâm cũng sanh khởi tâm quyết định rằng: ‘[Ta quyết] không khởi tâm nhỏ hẹp, không khởi tâm biến đổi, không khởi tâm Thanh văn, tâm Phật Bích-chi, không khởi tâm ma cùng tâm tự vui thú, tâm ưa thích sanh tử; [ta quyết] thường vì chúng sanh cầu được tâm từ bi.’ Đó gọi là Bồ Tát đối với tự thân sanh khởi tâm quyết định rằng: ‘Trong đời vị lai nguyện sẽ là món khí cụ để đạt đến A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’ Do những nghĩa ấy nên Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn đối với tự thân sanh khởi tư tưởng quyết định.
“Thế nào là Bồ Tát không quán xét phân biệt phước điền với chẳng phải phước điền? Thế nào là phước điền? Từ những người ngoại đạo giữ giới lên đến chư Phật, đều gọi là phước điền. Nếu khởi lên ý nghĩ rằng: ‘Những người như thế này mới là phước điền chân thật’, nên biết rằng tâm tưởng như vậy là nhỏ hẹp.
“Đại Bồ Tát quán xét hết thảy vô lượng chúng sanh không đâu không là phước điền. Vì sao vậy? Vì khéo tu tập niệm tưởng khác biệt. Người khéo tu tập niệm tưởng khác biệt quán xét chúng sanh không thấy có việc giữ giới cùng phá giới, thường quán xét chỗ giảng thuyết của chư Phật Thế Tôn: ‘Việc bố thí tuy phân làm bốn trường hợp nhưng tất cả đều được quả báo thanh tịnh.’
Bốn trường hợp bố thí đó là gì? Thứ nhất là người cho thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh. Thứ hai là người cho không thanh tịnh, người nhận thanh tịnh. Thứ ba là người cho và người nhận đều thanh tịnh. Thứ tư là người cho và người nhận đều không thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí có đủ giới hạnh, nghe nhiều, trí tuệ, rõ biết là có việc bố thí và quả báo của việc bố thí; nhưng người thọ nhận lại phá giới, hoàn toàn đắm vào tà kiến, cho rằng không có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho thanh tịnh, người nhận không thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho không thanh tịnh, người nhận thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí phá giới, hoàn toàn đắm vào tà kiến, cho rằng không có việc bố thí và quả báo của việc bố thí; nhưng người nhận thì giữ giới, nghe nhiều, trí tuệ, rõ biết là có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho không thanh tịnh, người nhận thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho và người nhận đều thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí và người nhận bố thí đều có giữ giới, nghe nhiều, trí tuệ, đều rõ biết là có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho và người nhận đều thanh tịnh.
“Sao gọi là người cho và người nhận đều không thanh tịnh? [Đó là trường hợp] người bố thí và người nhận bố thí đều phá giới, tà kiến, cho rằng không có việc bố thí và quả báo của việc bố thí. Như thế gọi là người cho và người nhận đều không thanh tịnh.”
[Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương liền thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn!] Nếu là như vậy, vì sao lại nói rằng được quả báo thanh tịnh?”
[Phật dạy:] “Vì [quán chiếu thật tánh] không [thấy] có việc bố thí, không [thấy] có quả báo, nên gọi là thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Nếu có người [quán chiếu thật tánh] không thấy có việc bố thí cùng với quả báo của việc bố thí, nên biết rằng người ấy không phải là phá giới, không phải hoàn toàn đắm vào tà kiến. Nếu y theo pháp Thanh văn mà nói rằng ‘không thấy có việc bố thí và quả báo của việc bố thí’ thì gọi là phá giới, tà kiến; [nhưng] nếu y theo kinh Đại Niết-bàn này mà không thấy có việc bố thí và quả báo của việc bố thí thì gọi là giữ giới, là chánh kiến.
“Đại Bồ Tát có niệm tưởng khác biệt, do sự tu tập nên không thấy chúng sanh có trì giới, phá giới; không có kẻ bố thí, người nhận bố thí và quả báo của việc bố thí. Do đó được gọi là giữ giới, là chánh kiến.
“Do những nghĩa ấy nên Đại Bồ Tát không quán xét phân biệt phước điền với chẳng phải phước điền.
“Thế nào là tu tập thanh tịnh cõi Phật?
“Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm giết hại. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho chúng sanh được tuổi thọ lâu dài, có sức mạnh và oai thế, được thần thông lớn. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều được tuổi thọ lâu dài, có sức mạnh và oai thế, được thần thông lớn.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm trộm cắp. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho mặt đất nơi các cõi Phật đều thuần bằng bảy báu, chúng sanh được giàu có, sung túc, chỗ mong cầu đều được như ý. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, cõi Phật ấy thuần bằng bảy báu, chúng sanh được giàu có, sung túc, chỗ mong cầu đều được như ý.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm dâm dục. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều không có tâm tham dục, sân khuể, ngu si, cũng không có những nỗi khổ vì đói khát. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, chúng sanh trong cõi Phật ấy thảy đều lìa xa tâm tham dục, sân khuể, ngu si, cũng không có những nỗi khổ vì đói khát.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói dối. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho nơi các cõi Phật thường có nhiều cây cối trổ hoa, kết trái, tỏa hương thơm, tất cả chúng sanh đều được tiếng nói có âm thanh vi diệu. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, cõi Phật ấy thường có nhiều cây cối trổ hoa, kết trái, tỏa hương thơm, tất cả chúng sanh nơi cõi ấy đều được tiếng nói có âm thanh hết sức vi diệu thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói lời hai lưỡi. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật thường cùng nhau sống hòa hợp, giảng thuyết Chánh pháp. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều cùng nhau sống hòa hợp, giảng thuyết bàn luận những lẽ cốt yếu trong Chánh pháp.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói lời độc ác. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho mặt đất ở các cõi Phật đều bằng phẳng như lòng bàn tay, không có những thứ cát, sỏi, ngói, đá, gai góc, mũi nhọn; chúng sanh trong các cõi ấy đều có tâm bình đẳng. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, cõi Phật ấy có mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay, không có những thứ cát, sỏi, ngói, đá, gai góc, mũi nhọn; chúng sanh đều có tâm bình đẳng.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm nói lời vô nghĩa. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều không có khổ não. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều không có khổ não.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm tham lam, ganh ghét tật đố. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều không có tham lam, tật đố, não hại, tà kiến. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều không có tham lam, tật đố, não hại, tà kiến.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm não hại. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều cùng nhau tu tập tâm đại từ, đại bi, đạt được địa vị Nhất tử. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều cùng nhau tu tập tâm đại từ, đại bi, đạt được địa vị Nhất tử.
“Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, hóa độ chúng sanh nên lìa bỏ tâm tà kiến. Lại đem căn lành ấy mà chia sẻ với tất cả chúng sanh, nguyện cho tất cả chúng sanh trong các cõi Phật đều đạt được pháp Đại Bát-nhã ba-la-mật. Nhờ oai lực của nhân duyên thệ nguyện như vậy, khi Bồ Tát thành Phật trong đời vị lai, tất cả chúng sanh trong cõi Phật ấy đều được thọ trì pháp Đại Bát-nhã ba-la-mật.
“Như thế gọi là Bồ Tát tu tập thanh tịnh cõi Phật.
“Thế nào là Đại Bồ Tát diệt mất hữu dư? Hữu dư có ba loại. Thứ nhất là quả báo còn lại của phiền não, thứ hai là nghiệp báo còn lại, thứ ba là chấp hữu còn lại.
“Thiện nam tử! Sao gọi là quả báo còn lại của phiền não? Như có những chúng sanh quen thói tham dục. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài chim bồ câu, se sẻ, uyên ương, két, chim cộng mạng, chim xá-lợi, thanh tước... hoặc cá, rùa, khỉ, hươu, nai... Nếu được thân người lại phải chịu khuyết tật nam căn, hoặc thọ thân nữ, hoặc bán nam bán nữ, hoặc không có giới tính, hoặc làm phụ nữ dâm loạn... Nếu được xuất gia, lại phạm vào trọng giới thứ nhất. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có chúng sanh đắm sâu trong sân khuể nặng nề. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài rắn độc có đủ bốn cách gây độc là: mắt nhìn gây độc, đụng chạm gây độc, miệng cắn gây độc, phun nọc gây độc; hoặc sanh làm sư tử, cọp, sói, beo, gấu, mèo, chồn, chim ưng, diều hâu... Nếu được thân người lại phạm đủ 16 điều xấu ác trong luật nghi. Nếu được xuất gia lại phạm vào trọng giới thứ hai. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những kẻ quen tập tánh ngu si. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài voi, heo, dê, trâu, bọ chét, chí, rận, muỗi, mòng, kiến... Nếu được thân người lại phải chịu tật nguyền như điếc, đui, ngọng, câm, bệnh già, lưng còng, lưng gù... thiếu khuyết các căn không thể xuất gia. Nếu được xuất gia thì các căn tối tăm, ngu độn, vui thích mà phạm vào các trọng giới, thậm chí [chỉ vì mối lợi] rất ít ỏi. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Lại nữa, thiện nam tử! Như có những kẻ tập quen tánh kiêu căng, ngạo mạn. Khi quả báo đến kỳ phải đọa vào địa ngục. Đến khi ra khỏi địa ngục lại phải thọ thân súc sanh, như các loài giòi phẩn, hoặc lạc đà, lừa, chó, ngựa... Nếu được sanh làm người phải chịu thân phận nô tỳ, nghèo túng, ăn xin... Nếu được xuất gia lại thường bị chúng sanh khinh khi, chê trách, phạm vào trọng giới thứ tư. Đó gọi là quả báo còn sót lại.
“Những điều như trên gọi là quả báo còn sót lại của phiền não. Những quả báo còn sót lại như vậy, Đại Bồ Tát nhờ tu tập [kinh điển] Đại Niết-bàn nên diệt hết tất cả.
“Thế nào là nghiệp báo còn sót lại? Đó là nói nghiệp báo của tất cả phàm phu, nghiệp của tất cả hàng Thanh văn. Như vị Tu-đà-hoàn chịu nghiệp còn bảy lần thọ sanh; vị Tư-đà-hàm chịu nghiệp còn hai lần thọ sanh; vị A-na-hàm chịu nghiệp còn một lần thọ sanh ở Sắc giới. Như vậy gọi là nghiệp báo còn lại.
“Những nghiệp báo còn sót lại như vậy, Đại Bồ Tát nhờ có thể tu tập [kinh điển] Đại Niết-bàn nên dứt trừ được tất cả.
“Thế nào là chấp hữu còn sót lại? Vị A-la-hán chứng đắc quả A-la-hán, vị Phật Bích-chi chứng đắc quả Phật Bích-chi. [Tuy cả hai trường hợp đều là] không còn nghiệp báo, không còn phiền não, nhưng lại chuyển hóa thành hai quả [khác nhau]. Như thế gọi là chấp hữu còn sót lại.
“Ba pháp hữu dư vừa kể trên, Đại Bồ Tát nhờ tu tập kinh điển Đại thừa Đại Niết-bàn nên diệt trừ được tất cả. Như thế gọi là Đại Bồ Tát diệt mất hữu dư.
“Thế nào là Bồ Tát tu thân thanh tịnh? Đại Bồ Tát tu tập giới không giết hại [tuần tự] khởi đủ năm loại tâm, đó là [tâm] bậc thấp, [tâm] bậc vừa, [tâm] bậc cao, [tâm] bậc cao vừa và [tâm] bậc rất cao. Cho đến việc tu tập theo Chánh kiến cũng giống như vậy.
“Năm mươi tâm tu tập này gọi là phát tâm ban đầu. Khi tu tập trọn vẹn các pháp lành, mỗi tâm như vậy đều trở thành tâm quyết định, tức thành tựu đủ năm mươi tâm nữa.
“Một trăm tâm như trên gọi là đầy đủ một trăm phước đức. Đầy đủ trăm phước đức thì thành tựu được một tướng tốt. Cứ như vậy mà dần dần thành tựu đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, gọi là thân thanh tịnh.
“Bồ Tát lại tu tập thêm tám mươi vẻ đẹp nơi thân, vì thế gian có những chúng sanh thờ phụng tám mươi vị thần.
“Tám mươi vị thần là những vị nào? Đó là mười hai vị thần mặt trời, mười hai vị Đại thiên, năm vị tinh tú lớn, thần Bắc đẩu, các vị trời như Mã thiên, Hành đạo thiên, Bà-la-đọa-bạt-xà thiên, Công đức thiên, cùng với hai mươi tám vì sao, các vị thần đất, thần gió, thần nước, thần lửa, Phạm thiên, Lâu-đà thiên, Nhân-đề thiên, Câu-ma-la thiên, Bát tý thiên, Ma-hê-thủ-la thiên, Bán-xà-la thiên, Quỷ tử mẫu thiên, Bốn vị Thiên vương, Tạo thư thiên, Bà-tẩu thiên. Đó gọi là tám mươi vị thần.
“Vì những chúng sanh ấy nên Bồ Tát tu tập tám mươi vẻ đẹp để tự trang nghiêm thân mình. Như vậy gọi là thân thanh tịnh của Bồ Tát.
“Vì sao vậy? Vì có nhiều chúng sanh tin theo tám mươi vị thiên thần ấy, nên Bồ Tát tu tám mươi vẻ đẹp, dù Bồ Tát chẳng động thân nhưng có thể khiến cho các chúng sanh kia tùy theo lòng tin mà thảy đều nhìn thấy vị thần của họ. Thấy được rồi bèn đem lòng tôn kính, thảy đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy nên Đại Bồ Tát tu tập để làm thanh tịnh thân.
“Thiện nam tử! Ví như có người muốn thỉnh vị đại vương, cần phải trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa hết sức sạch sẽ, sắm sửa đủ mọi món ăn thức uống ngon lành, rồi vua mới ngự đến theo lời mời thỉnh. Đại Bồ Tát cũng vậy, muốn thỉnh vị Pháp luân vương A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, trước phải tu thân cho thật thanh tịnh rồi vị Pháp vương Vô thượng mới ngự đến. Vì nghĩa ấy, Đại Bồ Tát cần phải tu tập thân thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Ví như có người muốn uống cam lộ, trước hết phải giữ thân cho thanh tịnh. Đại Bồ Tát cũng vậy, muốn uống chất cam lộ pháp vị vô thượng là Bát-nhã Ba-la-mật thì trước hết phải dùng tám mươi vẻ đẹp để làm cho thân được thanh tịnh.
“Thiện nam tử! Ví như dùng những đồ chứa tốt đẹp bằng vàng bạc đựng nước sạch thì cả trong lẫn ngoài đều sạch. Thân thanh tịnh của Đại Bồ Tát cũng vậy, dùng chứa nước A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì cả trong lẫn ngoài đều sạch.
“Thiện nam tử! Như loại áo lụa trắng ở Ba-la-nại rất dễ nhuộm màu. Vì sao vậy? Vì trắng tinh sạch sẽ. Đại Bồ Tát cũng vậy, nhờ thân thanh tịnh nên mau chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vì nghĩa ấy, Đại Bồ Tát tu tập để làm cho thanh tịnh thân.
“Thế nào là Bồ Tát rõ biết các duyên? Đại Bồ Tát không thấy có tướng của sắc, không thấy có duyên của sắc, không thấy có thể của sắc, không thấy có sự sanh ra của sắc, không thấy có sự diệt mất của sắc, không thấy có một tướng duy nhất, không thấy có nhiều tướng khác nhau, không thấy có kẻ thấy, không thấy có tướng mạo, không thấy có người nhận chịu.
“Vì sao vậy? Vì hiểu rõ nhân duyên. Đối với tất cả các pháp cũng đều giống như với sắc. Đó gọi là Bồ Tát rõ biết các duyên.
“Thế nào là Bồ Tát lìa bỏ mọi thù oán đối nghịch? Tất cả phiền não chính là thù oán đối nghịch của Bồ Tát. Đại Bồ Tát thường lìa xa phiền não, cho nên gọi là Bồ Tát lìa bỏ mọi thù oán đối nghịch.
“Hàng Bồ Tát trụ ở địa vị thứ năm trở xuống không xem các phiền não là thù oán đối nghịch. Vì sao vậy? Vì nhân nơi phiền não, Bồ Tát mới có thọ sanh. Nhờ có thọ sanh mới có thể tuần tự giáo hóa chúng sanh. Vì nghĩa ấy nên chẳng gọi phiền não là thù oán. Vậy những gì là thù oán? Đó là nói việc phỉ báng kinh Phương đẳng. Bồ Tát tùy duyên thọ sanh, chẳng sợ các cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, chỉ sợ việc phỉ báng kinh Phương đẳng. Tất cả Bồ Tát đều có kẻ thù oán là tám thứ ma. Lìa xa tám thứ ma ấy tức là lìa khỏi kẻ thù oán. Đó gọi là Bồ Tát lìa bỏ mọi thù oán đối nghịch.
“Thế nào là Bồ Tát dứt trừ cả hai bên? Hai bên đó là hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu và phiền não tham ái. Bồ Tát thường lìa xa hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu và phiền não tham ái, đó gọi là Bồ Tát dứt trừ hai bên.
“[Như vừa nói trên] đó là Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ tư.”
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Đức Vương bạch Phật: “Như Phật có dạy, nếu Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn sẽ được đủ mười việc công đức như vừa nói. Vì sao đức Như Lai chỉ tu được chín việc mà không tu tập cõi Phật thanh tịnh?”
Phật dạy: “Thiện nam tử! Thuở xưa ta cũng thường tu tập đủ mười việc ấy. Tất cả các vị Bồ Tát và Như Lai, không có ai không tu tập đủ mười việc ấy. Nếu như cõi thế giới đầy dẫy mọi sự bất tịnh mà chư Phật Thế Tôn lại xuất hiện trong đó thì là việc hoàn toàn vô lý.
“Thiện nam tử! Nay ông chớ nên nói rằng chư Phật ra đời ở cõi thế giới không thanh tịnh. Nên biết rằng tâm niệm như thế là bất thiện, là hẹp hòi, là kém cỏi. Nay ông nên biết rằng ta thật không có ra đời ở cõi Diêm-phù-đề này.
“Ví như có người nói rằng riêng ở thế giới này mới có mặt trời, mặt trăng, các thế giới phương khác không có. Lời nói như vậy thật là vô nghĩa. Nếu Bồ Tát nói rằng cõi Phật này là uế trược, xấu ác, bất tịnh, các cõi Phật ở phương khác là thanh tịnh, trang nghiêm tráng lệ. Như vậy cũng là lời nói vô nghĩa.
“Thiện nam tử! Từ thế giới Ta-bà này đi về phương tây, vượt qua số cõi Phật nhiều như số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một thế giới tên là Vô Thắng. Vì sao cõi ấy có tên là Vô Thắng? Vì những sự trang nghiêm tráng lệ của thế giới ấy đều bình đẳng, không có gì khác biệt so với thế giới An Lạc ở phương tây, lại cũng giống như thế giới Mãn Nguyệt ở phương đông. Ta ra đời ở thế giới ấy, nhưng vì giáo hóa chúng sanh nên thị hiện chuyển bánh xe pháp ở cõi Diêm-phù-đề này. Cũng không chỉ riêng một thân ta hiện ra ở cõi này chuyển bánh xe pháp, mà tất cả chư Phật cũng đều chuyển bánh xe pháp ở cõi này. Vì nghĩa ấy nên tất cả chư Phật Thế Tôn không có vị nào là không tu hành đủ mười việc như trên.
“Thiện nam tử! Vì có lời thệ nguyện nên trong tương lai Bồ Tát Từ Thị sẽ khiến cho thế giới này trở nên thanh tịnh trang nghiêm. Vì nghĩa ấy nên tất cả thế giới của chư Phật đều là trang nghiêm thanh tịnh.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ năm?
“Thiện nam tử! Đại Bồ Tát tu tập kinh Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ năm có năm việc.
“Những gì là năm? Thứ nhất, các căn đều đầy đủ. Thứ hai, không sanh ra ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Thứ ba, được chư thiên yêu mến, nhớ nghĩ đến. Thứ tư, thường được sự cung kính của hàng thiên ma, sa-môn, sát-lợi, bà-la-môn. Thứ năm, chứng đắc Túc mạng trí. Bồ Tát nhờ sức nhân duyên của kinh Đại Niết-bàn nên có đầy đủ năm việc công đức như vậy.”
Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương lại thưa hỏi: “Như Phật có dạy, nếu ai tu tập bố thí sẽ được đầy đủ năm việc công đức. Nay vì sao lại nói rằng nhân nơi [kinh điển] Đại Niết-bàn mà được năm việc như vậy?”
Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Những việc như vậy có ý nghĩa khác nhau. Nay ta sẽ vì ông mà phân biệt giảng thuyết.
“Tính chất của năm việc công đức do tu bố thí là không cố định, không thường tồn, không thanh tịnh, không cao trổi, không khác lạ. Vì thế đó không phải là vô lậu, không thể làm lợi ích, an vui, thương xót tất cả chúng sanh.
“Nếu nương theo kinh Đại Niết-bàn này mà được năm việc công đức thì đó là cố định, thường tồn, thanh tịnh, cao trổi, khác lạ. Như thế là vô lậu, nên có thể làm lợi ích, an vui, thương xót tất cả chúng sanh.
“Thiện nam tử! Người tu bố thí thì được lìa khỏi sự đói khát. Kinh Đại Niết-bàn có thể khiến cho chúng sanh lìa khỏi bệnh khát khao tham ái trong hai mươi lăm cảnh giới hiện hữu.
“Nhân duyên bố thí khiến cho sanh tử tiếp nối không dứt. Kinh Đại Niết-bàn có thể khiến cho sanh tử dứt mất, không còn tiếp nối.
“Do nhân là bố thí nên thọ nhận các pháp phàm phu. Do nhân là kinh Đại Niết-bàn nên được làm Bồ Tát.
“Nhân duyên bố thí có thể dứt được mọi sự khổ não vì nghèo túng. Kinh Đại Niết-bàn có thể dứt được tất cả mọi sự thiếu thốn pháp lành.
“Nhân duyên bố thí tạo nên số phận, quả báo. Nhân nơi kinh Đại Niết-bàn mà chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì không còn số phận, không còn quả báo.
“Như thế gọi là Đại Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ năm.
“Lại nữa, thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát tu tập kinh điển vi diệu Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ sáu?
“Đại Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn được pháp Tam-muội Kim cương. Trụ yên trong pháp Tam-muội ấy có thể phá trừ tất cả các pháp, thấy được tất cả các pháp đều là vô thường, đều là tướng chuyển động, là nhân duyên của sự sợ sệt, bệnh khổ, trộm cướp, liên tục hoại diệt trong từng niệm tưởng, không có gì là chân thật. Tất cả đều là cảnh giới của ma, không một tướng nào thật có thể nhìn thấy.
“Đại Bồ Tát trụ yên trong pháp Tam-muội ấy, tuy làm việc bố thí cho chúng sanh nhưng không thấy thật có một chúng sanh nào. Vì chúng sanh mà tinh cần tu tập các pháp Trì giới Ba-la-mật cho đến Bát-nhã Ba-la-mật cũng đều như vậy. Nếu Bồ Tát thấy có một chúng sanh nào thì không thể rốt ráo thành tựu trọn vẹn pháp Bố thí Ba-la-mật, cho đến không thể thành tựu trọn vẹn pháp Bát-nhã Ba-la-mật.
“Thiện nam tử! Ví như chất kim cương đem đối chọi với vật khác thì không vật gì không tan nát, nhưng chất kim cương thì không tổn hại chút nào. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, đem so với các pháp khác thì không pháp nào không tan rã, nhưng pháp Tam-muội này không tổn hại chút nào.
“Thiện nam tử! Như kim cương là quý nhất trong các vật báu. Pháp Tam-muội Kim cương mà Bồ Tát đạt được cũng vậy, là bậc nhất trong các pháp Tam-muội. Vì sao vậy? Khi Đại Bồ Tát tu tập pháp Tam-muội ấy, tất cả các pháp Tam-muội khác đều theo về.
“Thiện nam tử! Như các vị tiểu vương đều theo về quy thuận Chuyển luân Thánh vương; tất cả các pháp Tam-muội cũng vậy, thảy đều theo về quy thuận pháp Tam-muội Kim cương.
“Thiện nam tử! Ví như có kẻ là thù địch của cả nước, làm cho mọi người đều căm ghét và lo sợ. Nếu có người giết chết kẻ ấy, thì mọi người không ai là không ca ngợi công lao ấy. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, Bồ Tát tu tập pháp Tam-muội ấy có thể phá tan tất cả những điều thù oán đối nghịch của chúng sanh, cho nên thường được sự tôn kính của tất cả các pháp Tam-muội khác.
“Thiện nam tử! Ví như có kẻ sức lực mạnh mẽ, cường tráng không ai địch nổi. Sau lại có người đủ sức khuất phục kẻ ấy. Nên biết rằng người này sẽ được người đời khen ngợi. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, có đủ sức phá tan và hàng phục những pháp khó hàng phục. Vì nghĩa ấy nên tất cả các tam-muội khác đều về quy thuận.
“Thiện nam tử! Ví như có người tắm trong biển lớn, nên biết là người ấy đã dùng nước của các dòng sông, suối, khe rạch... Đại Bồ Tát cũng vậy, khi tu tập pháp Tam-muội Kim cương này, nên biết rằng đó là đã tu tập tất cả các pháp Tam-muội khác.
“Thiện nam tử! Như ở Hương sơn có một dòng suối tên là A-na-bà-đạp-đa. Nước suối ấy có đủ tám vị, người uống vào thì không có các bệnh khổ. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, có đủ Tám chánh đạo, Bồ Tát tu tập pháp này dứt trừ các thứ bệnh nặng ung nhọt phiền não.
“Thiện nam tử! Như người cúng dường vị Ma-hê-thủ-la, nên biết rằng đó là đã cúng dường tất cả chư thiên. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, nếu ai tu tập pháp ấy, nên biết rằng đó là đã tu tập tất cả các pháp Tam-muội khác.
“Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát nào trụ yên trong pháp Tam-muội Kim cương, sẽ thấy rõ được tất cả các pháp, không có chướng ngại, cũng như nhìn trái a-ma-lặc để trong lòng bàn tay. Bồ Tát tuy thấy rõ được như vậy nhưng không hề khởi lên ý tưởng thấy tất cả các pháp.
“Thiện nam tử! Ví như người ngồi nơi ngã tư đường, thấy rõ được những người đi đường qua lại. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, thấy rõ được những sự sanh, diệt, hiện ra, mất đi của tất cả các pháp.
“Thiện nam tử! Ví như người lên đỉnh núi cao, nhìn ra các hướng đều thấy sáng rõ. Ngọn núi Tam-muội Kim cương cũng vậy, Bồ Tát lên đỉnh núi ấy nhìn ra các pháp đều thấy sáng rõ.
“Thiện nam tử! Ví như trong tháng xuân, trời đổ mưa lành, những giọt mưa đan khít với nhau không có kẽ hở, nhưng người có mắt sáng vẫn nhìn thấy được rõ ràng. Bồ Tát cũng vậy; tu tập pháp định Kim cương, được mắt thanh tịnh, nhìn xa về các thế giới ở phương đông, trong đó như có các thế giới hình thành hay hoại diệt đều thấy rõ, không có chướng ngại. Cho đến nhìn khắp mười phương cũng đều như vậy.
“Thiện nam tử! Như khi bảy mặt trời cùng lúc hiện ra từ núi Càn-đà, những cây cối rừng rậm ở núi ấy thảy đều khô rụi. Bồ Tát tu tập pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, hết thảy những cây cối phiền não đều tức thời diệt mất.
“Thiện nam tử! Ví như chất kim cương, tuy có thể phá vỡ được tất cả mọi vật, nhưng chẳng bao giờ sanh ý tưởng rằng: ‘Ta có thể phá vỡ.’ Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, Bồ Tát tu tập rồi có thể phá trừ phiền não, nhưng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể phá trừ mọi phiền não trói buộc.’
“Thiện nam tử! Ví như mặt đất có thể giữ vững vạn vật, nhưng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Sức ta có thể giữ vững mọi vật.’ Ngọn lửa cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể đốt cháy mọi vật.’ Nước cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể làm ướt tất cả.’ Gió cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể làm lay động mọi vật.’ Hư không cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta có thể dung chứa tất cả.’ Niết-bàn lại cũng chẳng hề sanh ra ý tưởng rằng: ‘Ta khiến cho chúng sanh được diệt độ.’ Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, tuy có thể diệt trừ tất cả phiền não, nhưng chưa từng có tâm niệm rằng: ‘Ta có thể diệt trừ phiền não.’
“Nếu Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương, chỉ trong một ý niệm có thể biến hóa ra thân như Phật, số nhiều đến vô lượng, hiện đầy khắp các thế giới của chư Phật trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Tuy Bồ Tát ấy biến hóa như vậy nhưng trong tâm không hề có ý tưởng kiêu căng, ngạo mạn. Vì sao vậy? Bồ Tát luôn nghĩ rằng: ‘Ai là người có phép định này, có thể thực hiện việc biến hóa như thế này? Duy chỉ có Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương này mới có thể làm được như thế.’
Đại Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương, chỉ trong một ý niệm có thể hiện đến khắp các thế giới của chư Phật trong mười phương, nhiều như số cát sông Hằng, rồi trở về chỗ cũ. Tuy có năng lực như vậy, nhưng Bồ Tát cũng chẳng nghĩ rằng: ‘Ta có thể làm như vậy.’ Vì sao vậy? Vì đó là nhờ sức nhân duyên của pháp Tam-muội này.
“Đại Bồ Tát trụ yên nơi pháp Tam-muội Kim cương này, trong một ý niệm có thể dứt trừ phiền não của chúng sanh trong các thế giới mười phương nhiều như số cát sông Hằng, nhưng trong lòng không hề có ý tưởng là [mình đã] dứt trừ phiền não của chúng sanh. Vì sao vậy? Vì đó là nhờ sức nhân duyên của pháp Tam-muội này.
“Bồ Tát trụ yên ở pháp Tam-muội Kim cương này, chỉ dùng một âm thanh để diễn thuyết, nhưng tất cả chúng sanh thuộc mọi loài đều nghe hiểu được rõ ràng; chỉ thị hiện một thứ hình sắc nhưng tất cả chúng sanh đều nhìn thấy đủ mọi tướng hình sắc; chỉ trụ yên một chỗ, thân không dời chuyển nhưng có thể khiến cho chúng sanh ở các phương khác nhau đều nhìn thấy được; chỉ diễn thuyết một pháp duy nhất, hoặc thuyết về các giới, hoặc về các nhập, nhưng tất cả chúng sanh đều tùy theo chỗ hiểu mà được nghe.
“Bồ Tát trụ yên ở Tam-muội này, tuy nhìn thấy chúng sanh nhưng không hề có tướng chúng sanh. Tuy nhìn thấy kẻ nam người nữ nhưng không hề có tướng nam, tướng nữ. Tuy nhìn thấy sắc nhưng không có tướng sắc, cho đến nhìn thấy thức cũng không có tướng thức. Tuy thấy ngày và đêm nhưng không có tướng ngày và đêm. Tuy thấy tất cả, nhưng không có tất cả tướng. Tuy thấy tất cả các mối phiền não trói buộc nhưng không có tất cả tướng phiền não. Tuy thấy Tám Thánh đạo nhưng không có tướng Tám Thánh đạo. Tuy thấy Bồ-đề nhưng không có tướng Bồ-đề. Tuy thấy Niết-bàn nhưng không có tướng Niết-bàn. Vì sao vậy? Thiện nam tử! Vì tất cả các pháp vốn không có tướng. Nhờ sức của pháp tam-muội này, Bồ Tát thấy tất cả các pháp như thật, vốn không có tướng.
“Vì sao gọi là pháp Tam-muội Kim cương? Thiện nam tử! Ví như kim cương ở giữa ánh sáng ban ngày thì màu sắc không nhất định. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, ở giữa đại chúng không có màu sắc nhất định. Cho nên gọi là Tam-muội Kim cương.
“Thiện nam tử! Ví như kim cương, tất cả người đời không thể định giá trị. Pháp Tam-muội Kim cương cũng vậy, tất cả loài người và chư thiên đều không thể ước lượng biết được công đức của nó. Cho nên gọi là Tam-muội Kim cương.
“Thiện nam tử! Ví như người nghèo được của quý là kim cương, ắt lìa xa cảnh nghèo túng khốn khổ, tà độc của ác quỷ. Đại Bồ Tát cũng vậy, đạt được pháp tam-muội này ắt có thể lìa xa các khổ phiền não, các tà độc của ma. Cho nên lại gọi là Tam-muội Kim cương.
“Đó gọi là Bồ Tát tu tập Đại Niết-bàn thành tựu đầy đủ công đức thứ sáu.”
"Also, next, O good man! How does the Bodhisattva-mahasattva practise the Way of Great Nirvana and accomplish the second virtue?
O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana and now gains what he could not gain in the past, now sees what he could not see in the past, now hears what he could not hear in the past, attains what he could not attain in the past, and knows what he was not able to know in the past.”
"How does one now gain what one was unable to gain in the past? This is none other than the great miraculous power which one could not gain in the past, but which one now gains. Of power, there are two kinds. One is interior, the other exterior. We say "exterior". This refers to tirthikas. Of the interior, there are again two kinds. One is of the two vehicles, and the other is of the Bodhisattva. This is the divine power which the Bodhisattva gains by practising the Great Nirvana Sutra. It is not the same as that which obtains with sravakas and pratyekabuddhas. The divine power gained by the two vehicles is one gained by one mind; it is not many. This is not so with the Bodhisattva. In one mind, he gains five kinds of body. Why? Because he gains the divine power of the Great Nirvana Sutra. This is what one now obtains which one did not gain in the past.
"And, also, how does one now get what one did not get in the past? This refers to one's gaining unmolestedness [i.e. unimpededness] in body and mind. Why? The body and mind which common mortals possess are not unmolested. On some occasions, the mind follows the body, and on others, the body the mind.
"In what way does the mind follow the body? For example, this is as with an intoxicated person. When there is liquor in the body, the mind also moves. Also, it is as when the body feels lazy, the mind also feels so. This is an instance of the mind’s following the body.
"Also, it is as with a child. As the body is small, the mind, too, is still small. With a grown-up, as the body is big, the mind, too, is big.
"Or there might be a man whose body is rough and unwieldy, and who thinks of rubbing in oil so that his body can become soft and flexible. The case is like this. This is an instance of the mind’s following the body.
"How does the body follow the mind? This is when one enacts going and coming, sitting and lying, giving, upholding the precepts, practising patience and effort.
"A person possessed of worry has a body which is weak and wasted, whereas one who is happy has a body full in flesh and joy.
"A person who is frightened shakes; if, with an undivided mind, one gives ear to Dharma, one’s body brightens with joy. A person with sorrow sheds plentiful tears. This is what we mean when we say that the body follows the mind. The case of the body of the Bodhisattva is not thus. He has unmolestedness in body and mind. This is what we call having what one did not possess in the past.
"Also, next, O good man! The bodily appearance of the Bodhisattva-mahasattva is like a dust-particle, a mote. With this mote-sized body, he easily travels unhinderedly to the worlds of all the Buddhas as numerous and boundless as the sands of innumerable Ganges, and his mind never moves. This is what we mean when we say that the mind does not follow the body. This is why we say that one now arrives at what one had not reached in the past.
"Why do we say that what one had not arrived at is now arrived at? What all sravakas and pratyekabuddhas were unable to arrive at is now gained by the Bodhisattva. This is why we say that what one had not arrived at is now gained. Sravakas and pratyekabuddhas may transform their bodies into the size of a mote, and yet they are unable to travel to the worlds of all the Buddhas, whose number is as countless as the sands of the Ganges. With the sravakas and pratyekabuddhas, their minds also move when their bodies move about. It is not thus with the Bodhisattva. His mind does not move, but there is no case where his body does not move. This is the sense in which we speak of the mind of the Bodhisattva not following his body.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva transforms his body and makes it as big in size as the 3,000 great-thousand worlds, and this large-size body can [also] turn into a mote-size body. The Bodhisattva’s mind does not grow small at such times. Sravakas and pratyekabuddhas may transform themselves into something as great as the 3,000 great-thousand worlds. But they cannot make their bodies the size of a mote. Here, they fail. And how could their minds not shake as their bodies move about? This is the sense in which we speak of the Bodhisattva’s mind not following his body.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva causes his single voice to be heard by the beings of the 3,000 great-thousand worlds. Yet he does not pray that his voice might fill all worlds. He enables beings to hear now what they had not heard in the past. Yet he does not say that he has so contrived things that beings can now hear what they had not heard in the past. If a Bodhisattva said that he enabled people to hear now his sermons which they had been unable to hear in the past, such a person would not attain the unsurpassed body. Why not? The mind that thinks that as beings do not hear what I now speak is none but the mind of the world of birth and death. All Bodhisattvas have done away with such a mind. Thus the body or mind of the Bodhisattva does not now follow the other in this way. O good man! With the body and mind of all beings, each follows the other. It is otherwise with the Bodhisattva. In order to save beings, he may transform his body and mind, but his mind is not small. Why not? The mind of all Bodhisattvas is by nature always big. Hence, even though he manifests a large body, his mind does not become big. How big is his body? His body is like the 3,000 great-thousand worlds. How is his mind small? It enacts what a small child does. Thus his mind is not drawn by his body. The Bodhisattva, for innumerable asamkhyas of kalpas, has been segregated from alcohol. Yet his mind moves. Though his mind does not have suffering and pain, his body yet emits tears; though his mind has no fear, his body shakes. For this reason, know that unmolestedness obtains in the body and mind of the Bodhisattva, and one does not follow the other. The Bodhisattva-mahasattva already manifests himself in a single body, and yet all beings see him differently.
"O good man! How does a Bodhisattva-mahasattva practise the Way of the Great Nirvana Sutra and now hear what he has not heard in the past? The Bodhisattva-mahasattva first takes up [i.e. listens to, directs his mind to] the sound of such as the elephant, horse, vehicle, man, shell, drum, hsiao, flute, singing, and weeping, and these he learns. By practising, he indeed hears all the sounds of the hells of the innumerable 3,000 great-thousand worlds. Also, changing his angle, he practises and gains the different sense-organ of the ear [i.e. different sensory powers of the ear]. And this differs from the heavenly sense-organs of sravakas and pratyekabuddhas. How? These are none but the pure divine powers of the two vehicles. If one takes up the case of the four great elements of the first dhyana, one only hears of the first dhyana, not of the second. So does it proceed up to the fourth dhyana. One well hears the sounds of all the 3,000 great-thousand worlds, yet one cannot hear the sounds of worlds as numerous as the sands of innumerable and boundless Ganges. For this reason, we can say that what is gained by the Bodhisattva is different from the aural sense-organs of sravakas and pratyekabuddhas. Due to this difference, one now hears what one has not head in the past. Although one hears sound, there is no sensing of "is", the Eternal, Bliss, Self, and the Pure, master, depending, doing, cause, samadhi, and result. That is how all the Bodhisattvas now hear what they have not heard in the past."
Then, the All-Shining Bodhisattva-mahasattva Highly-Virtuous King said: "You the Buddha say that there is no sense of samadhi and result. This cannnot be. Why not? The Tathagata earlier said: "If one hears a line or letter of this Great Nirvana Sutra, one unfailingly attains unsurpassed Bodhi." In contrast, the Tathagata now says that what there is is non- samadhi and non-result. If one gains unsurpassed Bodhi, this is none other than a definite form of samadhi and result. How can you say that what there is is no other than non-samadhi and non-result? When one hears an evil voice, one gains an evil mind. Gaining an evil mind, one falls into the three unfortunate realms. If one falls into the three unfortunate realms, this is none other than a definite result. How can you say that there is no samadhi and no definite result?"
Then the Tathagata expressed his praise and said: "Well said, well said, O good man! You do well to put this question. If there is any form of fixedness in the result of their voice, such cannot be what there is of the All-Buddha-World-Honoured One. All such are what obtain with the king of Maras, the form of birth and death, and one far away from Nirvana. Why? What all Buddhas speak about has no fixed form of result.
"O good man! For example, a sword reflects the human face. The vertical shows the length and the horizontal the width. If there is any fixed form, how could one see the length in the vertical and the width in the horizontal? For this reason, there cannot be any fixedness in what the All-Buddha-World-Honoured One says.
"O good man! Nirvana is no fruition of voicing [i.e. speaking]. If Nirvana were the fruition of voice, know that Nirvana would not be anything Eternal.
"O good man! For example, what obtains in the world is that a result comes about from a cause, and that if there is no cause, there is no result. As the cause is non-eternal, the result, too, is non-eternal. Why? Because cause can become result, and result, too, can become cause. Thus there is not anything that is fixed in all things. If Nirvana comes from a cause, this implies that as the cause is non-eternal, the result, too, must be non-eternal. But this Nirvana is not something that has arisen from a cause; the body of Nirvana cannot, therefore, be a result.
"O good man! For this reason, the body of Nirvana has no fixedness and no result.
"O good man! Nirvana is fixed and is the result. So might we say. How is it fixed? “The Nirvana of all Buddhas is the Eternal, Bliss, Self, and the Pure. For this reason, we say fixed. There is no birth, age, or dissolution." "Hence, fixed. When we do away with the original mind of the icchantika, the four grave offences, slandering the vaipulya, and the five deadly sins, we unfailingly reach Nirvana. Hence, fixed."
"O good man! You say that if one hears one line or one letter of my Great Nirvana [Sutra], one will gain unsurpassed Bodhi. But this indicates that you do not fully understand the meaning. Listen carefully! I shall now make it clear for you.
"If any good man or good woman, on having heard a letter or line from [the] Great Nirvana [Sutra], does not entertain the notion of a letter or line, of having heard it, of the look of the Buddha, of an element of his sermon, such is a form of non-form. Due to non-form, one attains unsurpassed Bodhi.
"O good man! You say that by hearing an evil voice one gains life in the three unfortunate realms. This is not so. One does not gain the three unfortunate realms from an evil voice. Know that this results from an evil mind. Why?
"O good man and good woman! There can be instances where one hears an evil voice, and yet one does not gain evil in one’s mind. Because of this, know that one does not gain life in the three unfortunate realms. And yet, as all beings have the bond of defilement and much evil in their mind, they do gain life in the three unfortunate realms. This is not from a voice that is evil. If the voice had a fixed state, all who heard it would have to gain an evil mind. There are situations where that comes about and where it does not. Hence, know that there is no fixed state regarding the voice. As there is no fixed state, it is possible that no evil thought will come about, though one may well hear it."
"O World-Honoured One! If there is no fixed state with the voice, how can a Bodhisattva hear what he had not heard before?"
"O good man! The voice has no fixed state. It certainly enables one to hear what one has not heard in the past. Hence, I say that one hears what one has not heard in the past.
"O good man! How can one see what one has not seen in the past? The Bodhisattva- mahasattva practises the All-Wonderful Great Nirvana Sutra and first gains brightness. Such light is like that of the sun, moon, constellation, camp fire, lamplight, the light of a gem, or the light of a medicinal herb. By practice, he gains difference in sense. It differs from that of sravakas and pratyekabuddhas. How is it different? It is the pure Heavenly Eye of the two vehicles. Based on the sense-organs of the four great elements of the world of desire, one cannot see the first dhyana. If one is grounded in the first dhyana, one cannot see what obtains in the stages above. Or one cannot see one’s own eyes. One may desire to see much, but the limit is the 3,000 great-thousand worlds. The Bodhisattva-mahasattva, not having practised the Heavenly Eye, sees, of the all-wonderful body, only the bone. He may well see what obtains in the outer forms of the things of the 3,000 great-thousand worlds of the other world-spheres as numerous as the sands of the Ganges, and yet he gains no sense of having seen any concrete form, no sense of eternity, no form of " is" , of matter, name, letter, no thought of cause and effect, no sense of having ever seen. This eye does not say that what there is there is all-wonderful and pure; what it sees is the causal and the non-causal. What is the causal? Colour is the result of the by-cause [i.e. condition] of the eye. If the causal relation of colour does not come in, no common mortal can gain a sense of colour. Hence, we say that colour constitutes causal relations. We say non-causal relation. The Bodhisattva-mahasattva may see colour. But he does not gain any sense of colour. Hence, it forms no by-cause. Thus we say that the pristine Heavenly Eye of the Bodhisattva differs from what the sravakas and pratyekabuddhas possess. Due to this difference in quality, he sees at one time all Buddhas of the ten directions. This is why we say that he sees now what he has not seen in the past. Due to this difference, he can well see a mote, which the sravakas and pratyekabuddhas cannot. Due to this difference, he may well see his own eyes, and yet he gains no sense of having first seen, and no sense of the non-eternal. He sees the 36 impure things which common mortals possess, just as he would see an amalaka [emblic mycrobalan fruit] in the palm of his hand. For this reason, we say that he now sees what he has not seen in the past. If he sees the colour of beings, he can tell whether they are Mahayana or Hinayana; on once touching their clothing, he sees the good or bad, and the differences of all the sense-organs. For this reason, we say that the person now knows what he did not know in the past. Due to this power of knowledge, he now sees what he did not see in the past.
"O good man! How does the Bodhisattva know now what he did not know in the past? The Bodhisattva-mahasattva knows the minds of greed, anger, and ignorance of common mortals, and yet he does not see the mind and the mental functions. He does not have any form of beings or things. He practises “Paramartha-satya” [Ultimate Reality] and the Ultimate Void. Why? Because all Bodhisattvas always thoroughly practise the natures and characteristics of the Void. By practising the Void, he can now know what he did not know in the past. What does he know? He knows that there is no self and what one possesses. All beings have the Buddha-Nature. He knows that by reason of the Buddha-Nature, even the icchantika, when he abandons the mind that he possesses, can indeed attain unsurpassed Enlightenment. Such is not what sravakas and pratyekabuddhas can know. The Bodhisattva knows this well. Hence, one can know what one did not know in the past.
"Also, next, O good man! How can one know now what one did not know in the past? Having practised the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana, the Bodhisattva-mahasattva thinks of all sources of birth, caste, parents, brothers, sisters, wife, children, relatives, friends, and enemies. In the flash of a moment he gains diverse knowledge, which differs from that of sravakas and pratyekabuddhas. How does it differ? The wisdom of sravakas and pratyekabuddhas thinks of the caste, parents, and enemies of all beings of the past. What it sees is nothing but enemies and friends. It is not so with the Bodhisattva. He may think of caste, parents, and enemies of the past. But he gains no forms of caste, parents, and enemies. What he sees is the law [dharma] that obtains and the Void. This is why we say that the Bodhisattva now knows what he did not know in the past.
"Also, next, O good man! How does one know what one did not know in the past? The Bodhisattva-mahasattva practises the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana and gains what is different from what has been attained by sravakas and pratyekabuddhas who can read other people’s minds. How does it differ? The sravaka and pratyekabuddha can read, in the flash of a moment, the minds of other persons. But they cannot read the minds of those in such realms as hell, animals, pretas, and heaven. But this is not so with the Bodhisattva. In the flash of a moment, he can read the minds of the beings of the six realms. This is why we say that the Bodhisattva now knows what he did not know in the past.
"Also, next, O good man! There is a different kind of knowing. The Bodhisattva- mahasattva, in the flash of a moment, sees all grades of mind of the sakrdagamin that proceeds from the first stage up to the sixteenth. Thus he now knows what he did not know in the past. This is why we say that he practises the Way of Great Nirvana and accomplishes the second virtue.
"Also, next, O good man! How does the Bodhisattva-mahasattva practise the Way of Great Nirvana and accomplish the third virtue? O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana. He abandons loving-kindness [“maitri”] and gains it. When gaining loving-kindness, things do not follow the course of causal relations. How does he abandon loving-kindness and gain it? O good man! Loving-kindness belongs to secular dharma. The Bodhisattva-mahasattva abandons the loving-kindness of secular dharma and gains that of “Paramartha-satya”. The loving-kindness of “Paramartha-satya” does not actualise following the dharma of by-cause.
"Also, next, how does he abandon loving-kindness and gain it? If loving-kindness can be abandoned, the common mortal calls this loving-kindness. If it is gained, the Bodhisattva calls this the loving-kindness without causal relations. He abandons the loving-kindness of the icchantika, of those who are guilty of the five grave offences, those who have slandered the vaipulya, and of those who have committed the five deadly sins. He gains the loving-kindness of pity, the loving-kindness of the Tathagata, that of the World-Honoured One, that of non-causal relations.
"Why do we say that he abandons loving-kindness and gains it? He abandons the lovingkindness of those of imperfect genital organs, of those with no genital organs, of those with dual genital organs, of women, butchers, hunters, those who keep fowl and raise pigs, and others such as this. He also abandons the loving-kindness of sravakas and pratyekabuddhas and gains the loving-kindness of no causal relations of all Bodhisattvas. He does not see his own lovingkindness, that of others, or the upholding of sila, or the breaking of sila. He sees his own compassion [“karuna”], but not the beings. He sees suffering, but not the person who wriggles in suffering. Why not? Because he practises the truth of “Paramartha-satya”. This is why we say that the Bodhisattva practises the Way of Great Nirvana and accomplishes the third virtue.
"Also, next, O good man! How does a Bodhisattva practise the Way of Great Nirvana and accomplish the fourth virtue?
"O good man! There are ten things when the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana and accomplishes the fourth virtue. What are the ten?
"Firstly, it is deep-rooted and is difficult to uproot.
"Secondly, there comes about the thought of self-decision.
"Thirdly, he does not feel any sense of a field of weal or non-field-of-weal.
"Fourthly, he practises the Way of the Pure Buddha-Land.
"Fifth, he cuts off what yet remains to be cut off.
"Sixth, he cuts off karma relations.
"Seventh, he practises the way of the pure body.
"Eighth, he grasps all causal relations.
"Ninth, he segregates himself from all enmity.
"Tenth, he severs himself from the two phases of existence.
"Why is it deep-rooted and difficult to uproot? The "root" referred to refers to non-indolence. What does the root belong to? It is none other than the root of unsurpassed Enlightenment.
"O good man! The root of all Buddhas and all good deeds is grounded in non-indolence. Due to non-indolence, all other good roots increase by degrees. As all good increases, this is the most superb of all good deeds.
"O good man! Of all footprints, that of the elephant is the best. So is the dharma of non-indolence.
"O good man! Of all lights, the light of the sun is the greatest. So is the dharma of non-indolence. Of all good dharmas, this is the most superior.
"O good man! Of all kings, the Chakravartin is the greatest. So is non-indolence. Of all good dharmas, it is the foremost.
"O good man! Of all rivers, the four are the greatest. So is the dharma of non-indolence. It is the highest of all good dharmas.
"O good man! Of all water-flowers, the utpala is the best. So is the dharma of non-indolence. It is the best of all good dharmas.
"O good man! Of all flowers that bloom on land, the varsika is the best. So is the dharma of non-indolence. Of all good dharmas, it is the best.
"O good man! Of all animals, the lion is the best. So is the dharma of non-indolence. Of all good dharmas, it is the best.
"O good man! Of all flying birds, the garuda is the best. So is the dharma of non-indolence. It is the best of all good dharmas.
"O good man! Of all great bodies, King Rahulasura is the best. So is the best dharma that of non-indolence.
"O good man! Of all beings, the two-footed, the four-footed, the multi-footed, and the non-footed, the Tathagata is the best. So is the dharma of non-indolence. It is the best of all good dharmas.
"O good man! Of all beings, the Buddhist monk is the best. So is the dharma of non-indolence. Of all good dharmas, it is the best.
"O good man! Of all the teachings of the Buddha, that of the Great Nirvana Sutra is the best. So is the dharma of non-indolence. It is the highest of all good dharmas.
"O good man! Thus the root of non-indolence is deep-rooted and difficult to uproot.
"Why does non-indolence increase? There are the roots of faith, shila, Wisdom, cognition, hearing, effort, remembrance, samadhi, and the good teacher of the Way, the roots of all of which increase through non-indolence. Due to [this] increase, it is deep-rooted and hard to uproot. For this reason we say that the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana and that it is deep-rooted and difficult to uproot. In what sense do we say that he gains a mind of decision and thinks: " I shall, with this body, unfailingly attain, in the days to come, a state in which I shall awaken to unsurpassed Enlightenment." His mind thinks thus. It does not become narrow-minded, change, gain the mind of a sravaka or pratyekabuddha, the mind of Mara, the mind of self-pleasure, or that which is pleased with birth and death. He always seeks to be compassionate to all beings. This is the sense in which we say that the Bodhisattva gains in himself the mind of decision, thus to attain in the life to come unsurpassed Bodhi. Hence, the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana and gains in himself a decided mind.
"In what way does the Bodhisattva not see any field of weal or non-weal?
"What is a field of weal? All upholding of sila, from that of the tirthika up to that of all Buddhas, falls under the category of a field of weal. If all such is the field of weal, know that the mind is low and deteriorated. The Bodhisattva-mahasattva sees all innumerable beings as nothing other than a field of weal. Why? Because he indeed practises a different mental sphere. With one who practises this different mental sphere, there can come about no upholding or non-upholding of sila as one looks upon beings; what one sees is what is said by the All-Buddha-World-Honoured One.
"There are four kinds of giving. And all evoke pure recompenses. What are the four?
"First, the giver is pure, and the recipient is not pure.
"Second, the giver is not pure, but the recipient is pure.
"Third, both the giver and the recipient are pure.
"Fourth, both are not pure.
"In what way is the giver pure and the recipient not pure? The giver is perfect in sila, listening, and Wisdom, and knows that there are giving and recompense. The recipient violates sila and lives amidst twisted views. He does not give, and there is no recompense. This is why we say giving is pure but the recipient is impure.
"Why do we say that the recipient is pure, but the giver impure? The giver transgresses sila and has twisted views and says that there cannot be any such thing as giving and recompense. The recipient upholds sila, has listened much, has Wisdom, knows [that it is important] to give, and knows the recompense thereof. This is why we say that the giver is impure, but the recipient pure.
"In what sense do we say that both giver and recipient are pure? Both giver and recipient observe sila, listen much, have Wisdom, know [about] giving, and know that there is recompense to giving. This is how we can say that both giver and recipient are pure.
"How can we say that both are impure? Both giver and recipient abide in twisted views and say that there cannot be any giving and recompense. If the situation is thus, how can we say that the recompense is pure? When there is no [sense of] giving and no [sense of] recompense, we say pure.
"O good man! If there is a person who does not see giving and its recompense, know that we do not say that such a person has violated sila or clings exclusively to twisted views. If, heeding the words of a sravaka, a person does not see giving and its recompense, we call this a violation of sila and abiding in twisted views.
"If a person, abiding in the Great Nirvana Sutra, does not see giving and the recompense thereof, this is the upholding of sila and abiding in right views. The Bodhisattva-mahasattva abides in a different mental sphere and, through practice, does not see beings upholding or violating sila, any giver, recipient, or recompense. Hence this is upholding sila and abiding in the right view. Thus the Bodhisattva-mahasattva does not meditate on the field of weal or the non-field of weal.
"What do we mean by "Pure Buddha-Land"? The Bodhisattva-mahasattva practises the Way of the Great Nirvana Sutra and saves beings so as to attain unsurpassed Enlightenment, and segregates himself from any thought of killing or harming others. He prays that, by this act of good, he and all beings will gain a long life and great divine power. Due to this prayer, all the beings of the Land where he attains Buddhahood in the life to come will be blessed with a long life and great divine power.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the Way of the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana, saves beings so as to attain unsurpassed Bodhi, and segre-gates himself from all thought of stealing. He prays that he will share the virtue of this good act with all beings, and that all Buddha-Lands will be adorned with the seven treasures, that beings will be rich, and that they will be unmolested [i.e. unhindered] in all that they desire to possess.
On account of this power of prayer, the Land where he gets reborn and attains Buddhahood in the future will be blessed with wealth and unmolestedness [i.e. unhinderedness] regarding what beings desire to possess.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva segregates himself from lustful thoughts as he practises the Way of the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana and saves beings so as to attain unsurpassed Enlightenment. He prays that he will share the merit of this good act with all beings, that all beings of all Buddha-Lands will not have thoughts of greed, anger and ignorance, and that there will not be the pain of hunger. Due to the power of this prayer, all the beings of the Land where he attains Buddhahood in the days to come will be far removed from greed, lust, anger and ignorance, and from all the pains of hunger.
"Also, next, O good man! As the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of the AllWonderful Great Nirvana [Sutra] and saves beings so as to attain unsurpassed Enlightenment, he parts from unrooted words. He prays that he might share with all beings the virtue of that good, that the Lands of all Buddhas will have flowers, fruits, luxuriant forest trees and fragrant trees, and that all beings will gain all-wonderful voices. Due to the power of prayer, all Lands, when he attains Buddhahood in the days to come, will have flowers and fruits, and fragrant trees, and all the people of those lands will have pure, all-wonderful voices.
"Also, next, O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana, parts from a double-tongue, and saves beings, so as to attain unsurpassed Enlightenment. He prays that he may share the virtue of this good deed with all beings and that the beings of all Buddha-Lands will always unite together in peace and preach Wonderful Dharma. Due to this power of prayer, all the beings of all [Buddha]-Lands will, when he attains Buddhahood, unite together in peace, and preach the essence of Dharma.
"Also, next, O good man! As the Bodhisattva-mahasattva practises the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana, he segregates himself from ill-speaking, and saves beings so as to attain unsurpassed Bodhi. He prays that he will share the merit of this good deed with all beings, that all Buddha-Lands will be as smooth as one's palm, that there will be no sand, stones, thorny plants or hateful thorns, and that the minds of all beings will be all equal. Due to the power of this prayer, when he attains Buddhahood in the days to come, all the [Buddha]-Lands will be as smooth as one's palm, and there will be no sand, stones, thorny plants or hateful thorns, and the minds of all beings will be all equal.
"Also, next, O good man! As the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana and saves beings so as to attain unsurpassed Bodhi, he will segregate himself from meaningless words and pray that he can share with all beings the virtue of this good deed and that the beings of all Buddha-Lands will have no suffering. Due to the power of this prayer, all beings of the [Buddha]-Lands will not have any suffering when he attains Buddhahood in the days to come.
"Also, further, O good man! The bodhisattva-mahasattva practises the Way of the AllWonderful Sutra of Great Nirvana and saves all beings so as to attain Buddhahood in the days to come, and segregates himself from greed and jealousy. He prays that he might share the virtue of this good deed with all beings and that the beings of all Buddha-Lands will have no greed, jealousy, worry, or twisted views. Due to this prayer, when he attains Buddhahood in the days to come all beings of the [Buddha]-Lands will have no greed, jealousy, worry, or twisted views of life.
"Also, further, O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the Way of the AllWonderful Sutra of Great Nirvana and saves all beings and segregates himself from worries so as to attain unsurpassed Enlightenment. He prays that he will share the merit of this good deed with all beings and that in the Lands of all Buddhas the beings will practise Great Loving-Kindness and Great Compassion, and thus attain the soil of the single son [i.e. will view all beings as if they were their own son]. Due to the power of this prayer, all the beings of all the [Buddha]-worlds, when he attains Buddhahood in the days to come, will practise Great Loving-Kindness and Great Compassion, and will gain the soil of the single son.
"Also, further, O good man! The Bodhisattva-mahasattva practises the Way of the AllWonderful Sutra of Great Nirvana and saves beings and segregates himself from twisted views, so as to attain unsurpassed Bodhi. He prays that he will share the virtue of this good deed with all beings and that the beings of all [Buddha]-Lands will gain mahaprajna [i.e. Great Wisdom]. Due to this prayer, when he attains Buddhahood in the days to come, all the beings gain mahaprajna. That is why we say that the Bodhisattva practises the Way of the Pure Buddha-Land.
"How does the Bodhisattva-mahasattva make away with what yet remains to be made away with? Here there are three kinds of things to be made away with, namely: 1) the remnant karmic consequences of defilement, 2) remnant karma, and 3) what remains behind.
"O good man! Why are the remnant karmic consequences of defilement? If a being learns and draws near to greed, he will, when the time comes for the karmic consequences to activate, fall into hell. When he comes out of hell, he will gain life as an animal, such as a dove, sparrow, mandarin duck, parrot, jivamjivaka, sarika, blue sparrow, fish, turtle, monkey, reindeer, or deer. It he happens to get a human form, he will gain a form having such things as imperfect genital organs, the female form, a form with dual genital organs, one with no genital organs, or that of a lustful woman. Even if born as a priest, he will commit the first grave offence. This is the case of remnant karmic consequences.
"Also, next, O good man! If a person direly seeks to learn to draw near to anger, he will fall into hell when the time comes for his karma to work out its effect. And on coming out of hell, he will gain an animal body which will be perfect in the four kinds of poisoning which characterise the viper. These are: poisoning from its look, poisoning by its touch, poisoning from stinging, and poisoning by sobbing. And the animals are: lion, tiger, wolf, bear, brown bear, cat, raccoon, hawk, and sparrow hawk. Even if born as a human, he will have 12 kinds of evil manners; even if born as a priest, he will commit the second grave offence. This is remnant karmic consequences.
"Also, next, O good man! A person who practises ignorance falls into hell when the time comes for the karmic effects to actualise. And when his life in hell ends, he comes out of it and gains life as an animal, such as: elephant, pig, cow, sheep, flea, louse, mosquito, gadfly, or ant. If he happens to gain life as a human, such imperfections of bodily form and sense-organs will come about as: deafness, blindness, dumbness, retention of uring, being a hunchback, and he will be barred from coming close to Dharma. Even if he gets ordained, all the workings of his carnal organs will be dull, and he will take pleasure in committing the [third] grave offence. He will pilfer even five pennies. This is the case of remnant karmic consequences.
"Also, next, O good man! If there is a person who practises arrogance, such a one, when his karma comes to work out its effect, will fall into hell. And again, on his coming out of hell, he will gain life as an animal, such as: dung worm, camel, donkey, dog or horse. If he gains life as a human, he will be a menial servant and be oppressed by poverty and may have to beg for alms. Even if he gets ordained, he will always be looked down upon and will commit the fourth grave offence. Such are remnant karmic consequences. All such are the remnant consequences of defilement. The Bodhisattva-mahasattva does away with all such things, because he practises the Way of Great Nirvana.
"What is remnant karma? This is the karma of all common mortals, and of all sravakas, the karma by which one receives the seven existences of those of the stage of srotapanna, the karma by which one receives the two existences of those of the stage of sakrdagamin, the karma by which one receives the rupa [i.e. bodily] existence of those of the stage of anagamin. These constitute remnant karma. The Bodhisattva-mahasattva, as he practises the Way of Great Nirvana, wholly extirpates such remnant karma.
"Why do we say "remnant existence"? The arhat gains the fruition of arhatship and the pratyekabuddha gains the fruition of pratyekabuddhahood. There is no karma and there is no bond, and yet they attain the two fruitions. This is the sense in which we speak of "remnant existence" .
"There are three kinds of remnant existence. The Bodhisattva-mahasattva, as he practises the Way of the Mahayana Sutra of Great Nirvana, annihilates these. This is why we say that he extirpates remnant existence.
"How does the Bodhisattva practise the way of the pure body?
"The Bodhisattva-mahasattva practises the sila of non-killing. Of this, there are five kinds, namely: low, middle, top, top-middle, and topmost. The same with right view. These five kinds of ten minds are called the first stage of aspiration. When one is perfect and fixed in mind, and when one accomplishes the five kinds of ten minds, this is satisfaction. The 100 such minds are 100 virtues. With the 100 virtues perfected, a phase is accomplished. Thus do things proceed one after the other, and the 32 signs of perfection are attained. When all this is accomplished, we say " pure body" .
"Also, the Bodhisattva practises the way of the 80 minor marks of excellence. This comes from the fact that the world’s beings worship these 80 kinds of devas. What are the 80? They are: Twelve Days , Twelve Great Devas, Five Big Stars, Great Bear, Horse Deva, Circumambulating Deva , Bhadradvaja, Gunadeva, Twenty-Eight Constellations, Earth Deva, Wind Deva, Water Deva, Fire Deva, Brahma, Rudra, Indra, Kumara, Eight-Elbow Deva, Mahesvara, Panjara, Hariti, Four Guardians of the Earth, Book Deva, and Vasu. These are the 80. For the sake of all beings, he practises the ways of the 80 characteristics and adorns his own body. This is the pure body of the Bodhisattva. Why so? Because all these 80 gods are what all beings greatly trust in. That is why the Bodhisattva practises the ways of these 80 characteristics, and his body does not suffer change. He so contrives matters that all beings see him, each according to what that being believes in. Having seen thus, they gain respect, and each aspires to unsurpassed Enlightenment. For this reason, the Bodhisattva-mahasattva practises the way of the pure body. O good man! For example, there is a man who wishes to invite a great King to his home. He will doubtless adorn his own abode, make it extremely clean, and have 100 varieties of beautiful dishes prepared, and then the King will accept the invitation. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. When he wishes to invite the Dharma-Raja of unsurpassed Enlightenment, he first practises the Way and cleanses and purifies his body. And the unsurpassed Dharma-Raja will then take his seat. Thus the Bodhisattva-mahasattva must first make his own body clean and pure.
"O good man! For example, if one desires to partake of amrta [ambrosia], know that one will makes one’s body clean. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva. When he deisres to partake of prajna, the unsurpassed taste of the amrta of Dharma, he needs to make his body clean with the 80 minor marks of excellence.
"O good man! For example, if one puts water into a precious vessel of gold or silver, all will look pure and clean, in and out. It is the same with the Bodhisattva-mahasattva whose body is pure. Within and without, he is clean, because the water of unsurpassed Enlightenment has been poured inside him.
"O good man! It is just as the white cloth of varanabusa is easy to dye. Why so? Because is is, by nature, white and clean. The same with the Bodhisattva-mahasattva. When his body is pure and clean, he gains unsurpassed Enlightenment. For this reason, the Bodhisattva- mahasattva practises the Way and makes his body clean.
"How does the Bodhisattva-mahasattva know all the factors of causal relations? The Bodhisattva-mahasattva does not see the outward appearances of a thing, the causal relations of a thing, the thing itself, how it has come to be, how it dies out, how it is one, how it is different, who sees, what it looks like, or who receives it. Why not? Because he knows all about causal relations. The same applies to everything. This is why we say that the Bodhisattva perceives all about causal relations.
"How does the Bodhisattva segregate himself from enemies? All defilements are enemies to the Bodhisattva. The Bodhisattva-mahasattva always keeps away from these. This is the sense in which we say that the Bodhisattva crushes all his enemies.
"The Bodhisattva of the fifth abode does not regard all defilements as enemies. Why not? Because he stands on defilement [bases himself on defilements]. He has come to be because of defilements. Born, he well moves on from one to the other, and enlightens beings. For this reason, we do not speak of an enemy.
"What is an enemy? This is no other than one who slanders the vaipulya sutras. The Bodhisattva is not afraid of following others and being born in the realms of hell, animals, or hungry ghosts. He only fears the person who slanders the vaipulya [i.e. the lengthy sutras of the Mahayana].
"There are eight kinds of Maras to all Bodhisattvas. These are the enemies. When segregated from these eight Maras, we say of that person that he is segregated from his enemies. This is the sense in which we speak of the Bodhisattvas' segregating themselves from their enemies. How do the Bodhisattvas become segregated from the two aspects of existence [i.e. the one-sided views of "is" and "non-is" regarding existence]? The two aspects are the 25 existences and the defilement of craving. This is the sense in which we speak of the Bodhisattva's segregating himself from the two aspects. This is what we mean when we say that the Bodhisattva-mahasattva practises the Way of Great Nirvana and is perfect and fully accomplished in the fourth virtue."
Then Bodhisattva-mahasattva All-Shining Highly-Virtuous King said: " Just as the Bud-dha says, when the Bodhisattva practises the Way of Great Nirvana, all these ten virtues come about. Why does the Tathagata only practise nine things and not the Way of the Pure Land?"
The Buddha said: "O good man! In the past, I always practised the ten things fully. There are no Bodhisattvas and Tathagatas who do not practise these ten ways. There cannot be any such thing as saying that when the world is full of defilement there appears the All- Buddha-World-Honoured One. O good man! Do not say that the Buddha appears in a world of defilement. Know that a mind like this [i.e. this way of thinking] is not good and is low in grade. Know that I do not appear in Jambudvipa, truth to tell. For example, a man might say: "Only this world has a sun and moon. There are no sun and moon in other worlds." Such talk has no sense. If the Bodhisattva says that this world is defiled and not pure, but that other Buddha-Lands are pure and adorned, this amounts to the same thing [i.e. this is wrong].
"O good man! Far out to the west of this world of Saha [i.e. west of our world of "Endurance"], beyond as many Buddha-Lands as sands of 32 Ganges, there is a world called "Unsurpassed". Why do we say "Unsurpassed"? There, all things are equal, with no difference in adornment. It is as with the "World of Peace and Happiness in the West". Also, it is as with the "Land of the Full-Moon in the East". There, in that world, I [once] gained birth. In order to guide beings towards the Way, I turn the wheel of Dharma in this world of Jambudvipa [i.e. our world]. It is not only I who turn the wheel of Dharma; all Buddhas turn the wheel of Dharma here. For this reason, it is not the case that all Buddhas do not practise these ten things. O good man! Bodhisattva Maitreya, by dint of the vows he has taken, in time to come will adorn and make this world all pure. Thus it is not the case that there is a land of all Buddhas that is not strictly pure.
"Also, next, O good man! How does the Bodhisattva practise the Way of the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana and perfect and accomplish the fifth virtue? O good man! There are five [requisite] things for the Bodhisattva-mahasattva to practise the Way of Great Nirvana and perfect and accomplish the fifth virtue. What are the five? They are: 1) all his sense-organs are perfect; 2) he does not gain birth in the border-lands; 3) all devas lovingly pray for [him]; 4) he is respected by Marapapiyas, sramanas, Kshatriyas, Brahmins, and others; 5) he can read [i.e. remember, or see] his past lives. Due to the causal relations of this Sutra of Great Nirvana, he perfects these five virtues."
Bodhisattva All-Shining Highly-Virtuous King said: "According to the Buddha, a good man and good woman can perfect the virtues of the five things by practising giving. How can you say that they attain the five things by Great Nirvana?"
The Buddha said: " Well said, well said, O good man! The meaning varies in what is said. I shall, for your sake, now analyse and explain.
"Five things are attained by giving, namely: being not fixed, non-eternal, non-pure, nonsuperior, non-different, and not non-secreting of defilement. But none of this can benefit, give peace to, or pity all beings. The five things which one gains from the Sutra of Great Nirvana are: being fixed, eternal, pure, superior, different, and not secreting defilement. This gives benefit, peace and puty to all beings.
"O good man! Now, by giving, one can part from hunger. The Sutra of Great Nirvana truly enables all beings to segregate themselves from the defilement of the burning craving of the 25 existences.
"Giving makes birth and death continue their existence, as against which the Sutra of Great Nirvana destroys the chain of birth and death, so that it no longer continues to exist.
"By giving, the common mortal receives Dharma; by means of the Sutra of Great Nirvana, one becomes a Bodhisattva.
"Giving indeed cuts away poverty and worry; by means of the Sutra of Great Nirvana, there cannot any longer be those who are poor as regards Wonderful Dharma.
"Giving has its own part to play and its fruition; by the Sutra of Great Nirvana, one arrives at unsurpassed Enlightenment, and there is no longer any part to play, and no fruition thereof.
"This is the sense in which we speak of the bodhisattva practising the Way of the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana and being perfect in, and accomplishing, the fifth virtue.
"Also, further, O good man! How does the Bodhisattva practise the All-Wonderful Sutra of Great Nirvana and become perfect and accomplished in the sixth virtue? The Bodhisattva- mahasattva practises the Way of Great Nirvana and gains the Diamond Samadhi. Abiding in this, he crushes and disperses all dharmas. All these dharmas are impermanent and mobile [i.e. in a state of flux]. The causal relations of fear, the pain of illness, the plunderings of the robber visit one moment after moment, and there is no Truth. All [this] is the world of the Maras; what there is is what cannot be seen. The Bodhisattva-mahasattva abides in this samadhi and performs giving to all beings; yet there is not a single being that truly is. The same is the case when he makes effort and practises silaparamita or prajnaparamita. Should the Bodhisattva see even one single being, he cannot be perfect in danaparamita and prajnaparamita.
"O good man! There is no instance in which a diamond fails to crush whatever comes against it. And yet, it does not collapse or minimise its size. So do things obtain with the Diamond Samadhi. It thoroughly crushes whatever it encounters. Yet the samadhi itself does not get crushed or destroyed.
"O good man! Of all gems, the diamond is the most superb. It is the same with the Diamond Samadhi. It is the foremost of all samadhis. Why? When the Bodhisattva-mahasattva practises this samadhi, all samadhis come to it. It is just as all small kings foregather under the banner of a Chakravartin [i.e. world-ruler]. So is the case with all [other] samadhis. They all come and become one with the Diamond Samadhi.
"O good man! For example, there is a man who is an enemy of the state. He is hated by the people. If any person kills him, all the people will speak highly of the person who kills this man. It is the same with this samadhi. The Bodhisattva practises this samadhi and destroys all the enemies of all beings. For this reason, it is looked up to by all samadhis.
"O good man! For example, there is a man whose physical strength is so great that there is no one who can oppose him. The there comes along a man who brings this man down. The people praise the man. It is the same with the Diamond Samadhi. It thoroughly subdues whatever is difficult to subdue. Due to this, all samadhis come under its banner.
"O good man! On Mount Gandhamadana there is a spring called Anavatapta. The water of this spring possesses eight tastes. If one drinks this water, all the pains of defilement die away. It is the same with this Diamond Samadhi. It is perfect in the Noble Eightfold Path. The Bodhisattva practises the Way, and it cures all the serious illnesses of defilement, the pox, and warts.
"O good man! If one makes offerings to Mahesvara, know that this equates with having made offerings to all devas. It is the same with the Diamond Samadhi. If one practises this, know that this equates with having practised all other samadhis.
"O good man! If any Bodhisattva abides in this samadhi, he sees all, without any obstruction. This is like seeing the amalaka that is in the palm of one’s hand. The Bodhisattva enjoys such seeing. But he does not gain any sense of having ever had such an experience.
"O good man! For example, there is a man who sits at a crossroads and sees all comings and goings, sittings and lyings. It is the same with the Diamond Samadhi. One sees all the comings and goings of all things.
"O good man! There is a high mountain, and a man goes up it and looks all around, and sees everything as clearly as anything. It is the same with the Diamond Samadhi. The Bodhisattva ascends this [samadhi] and sees all things, and there is nothing that is not clearly seen.
"O good man! For example, in the month of spring, the heavens let fall sweet rain. The drops are small and minute, and they fill the space [around], and there is no space that is not filled. Pure eyes can see this well. It is the same with the Bodhisattva. With the pure eyes of the Diamond Samadhi, he sees far into the worlds to the east and sees all that is wholesome or broken [i.e. in a bad condition? destroyed] of the lands and sees everything clearly, without obstruction. The same applies to all the lands of the ten directions.
"O good man! If Yugamdha [i.e. one of the seven mountains of Mount Sumeru] appears all at once in seven days, all the trees and grass of the mountain will catch fire and burn. It is the same when the Bodhisattva practises the Diamond Samadhi. All the forest trees of defilement burn up.
"O good man! For example, the diamond indeed cuts all things. Yet it does not think to itself that it cuts things. It is the same with the Diamond Samadhi. The Bodhisattva, having practised it, destroys the defilements. Yet he does not think to himself that he cuts off the bond of defilement.
"O good man! For example, the great earth well supports all things, and yet it does not think to itself that it indeed supports things. Nor does fire, either, think: " I burn" . Nor does water think: "I get all things soaked". Nor does wind think: "I stir [things]". Nor does space think: "I contain things inside [myself]". Nor does Nirvana think: "I truly give beings extinction [of defilement]". It is the same with the Diamond Samadhi. It truly annihilates all defilements. Yet it does not think: "I truly annihilate". If the Bodhisattva abides in this Diamond Samadhi, he can, in the space of a moment, transform himself as in the case of the Buddha and can be in as many places as the sands of the ten directions and fill all the Buddha-Lands. The Bodhisattva performs this transformation. Yet there is not a whit of arrogance in his mind.? ?Why not? The Bodhisattva always thinks: "Who carries out [i.e. brings into being] this samadhi, and who performs this transformation?" Only the Bodhisattva abides in the Diamond Samadhi and thus can effect this transformation.
"The Bodhisattva-mahasattva peacefully abides in this Diamond Samadhi and can travel to all Buddha-Lands as numerous as the sands of the Ganges of the ten directions in the flash
of a moment and return to his original place. Even with this power, he does not think: "I can do thus." Why not? Because of the power of the causal relations of this samadhi.
"The Bodhisattva-mahasattva peacefully abides in the Diamond Samadhi and in the flash of a moment annihilates all the defilements of the beings of all worlds, as many as sands of the Ganges, in the ten directions. And yet he never thinks that he has ever done away with the worries of beings. Why not? Because of the power of the causal relations of this samadhi.
"The Bodhisattva peacefully abides in this Diamond Samadhi and delivers sermons in a single voice, and all beings understand according to the grade of understanding of each person.
"A single colour is presented, and all beings see it variously, each seeing according to the choice of colour of each person.
"Abiding in a single place, with his body not moving, he enables beings to see that a single Way is displayed, according to the place where each person finds himself.
"Whether things relate to matters of the 18 realms or the 12 spheres, all beings understand what is said in the way it ought to have been heard. The Bodhisattva abides in such a samadhi and sees beings, and there is not a thought of having ever seen beings. He may see a male or female, and yet there is no sense of having ever seen a male or female. He may see any concrete form, and he has no sense of having ever seen anything concrete. This obtains down to consciousness, and yet there is not consciousness of anything. Days and nights may pass, and yet there is no sense of any day or night. He may see something, and yet there is no form of anything. He may see the bonds of all defilements, and yet there remains no trace of having ever seen anything of defilement. He may see the Noble Eightfold Path, but there is no sense of having ever seen anything of the Noble Path. He may see Enlightenment, and yet there is no sense of having gained Enlightenment. He may see Nirvana, and yet there is no thought of having ever seen Nirvana. Why not? O good man! Because all things have primordially no representational form. By the power of this samadhi, the Bodhisattva sees all things as having no representational form.
"Why do we speak of "Diamond Samadhi"?
"O good man! Just as in daylight the diamond has no fixed form of light to represent it, so does it obtain with the Diamond Samadhi. Even with a great mass, colour has nothing that is fixed. For this reason, we say "Diamond Samadhi".
"O good man! For example, just as all the people of the world cannot put a price on a diamond, so do things stand with the Diamond Samadhi. All of its virtues cannot be evaluated by human or god. Hence, we say "Diamond Samadhi". O good man! For example, just as when a poor man obtains the treasure of a diamond, he can do away with the pains of poverty and hateful poison, so do matters stand with the Bodhisattva-mahasattva. If he gains this samadhi, he does away with all the sorrows of defilement and the hateful poison of Mara. Hence, the Diamond Samadhi. Thus we say that the Bodhisattva practises the Way of Great Nirvana and perfects the sixth virtue."
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.138.113 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập